Hôm nay,  

Đời Người Qua Bóng Tối

12/03/202100:00:00(Xem: 6716)
 
HINH CHO BAI VIET VE NUOC MY
Hình minh họa do tác giả gửi.

Lê Trọng Lộc sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, vùng biên thuỳ của thời chinh chiến. Mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã cùng gia đình chạy giặc trên “ Đại Lộ Kinh Hoàng” để di tản vào Huế rồi tạm cư ở Phan Rang. Lúc 11 tuổi, trong biến cố 30 tháng 4, 1975, đã theo đoàn thuyền nhân đầu tiên vượt biên đến Mỹ. Yêu ngành y khoa, rất thích âm nhạc, chơi saxophone, và đam mê thơ văn từ nhỏ. Hiện đang sinh sống tại tiểu bang Maryland cùng vợ và 3 con. Tác giả lần đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ. Mong tác giả tiếp tục gửi bài.
 
***
          
Chiếc xe buýt chở bệnh nhân dừng bánh trước cửa bệnh viện, một người đàn bà trẻ cầm gậy chậm rãi bước xuống xe. Nhìn cặp kiếng đen và dáng đi quờ quạng của bà, ai cũng đoán có lẽ là bà bị mù. Tôi chạy vội đến gần, dang tay cho bà nắm lấy để vịn làm điểm tựa. Nhưng tôi chợt sực nhớ là đôi mắt bà không còn ánh sáng nên ngượng ngùng cầm nhẹ khuỷu tay của bà, dẫn bà đi vào bên trong.
            
Những ngày đầu thực tập ở trường y khoa, tôi thường được giao một trách nhiệm là đón những bệnh nhân vào làm thủ tục cần thiết trước khi đưa họ lên phòng trình bày bệnh án cho các bác sĩ khác trong chuyên khoa tôi đang thực tập. Cả mấy tuần nay, hằng ngày tôi thường kiên nhẫn đứng trước cổng bệnh viện để chờ đón bệnh nhân. Nhưng sáng nay, tôi không khỏi  ngạc nhiên và tò mò khi lật qua tập hồ sơ của người bệnh mà tôi đang chờ đón vì bà đến để chữa bệnh mù ở một khoa viện dành riêng cho những người mang bệnh tâm thần. Những thắc mắc ấy cứ lẩn quẩn mãi trong đầu cho đến khi vào tận phòng khám tôi mới giật mình khi thấy các bác sĩ thực tập khác đều hướng mắt nhìn tôi một cách khẩn khoản vì sự chậm chạp do sự phân tâm của tôi.
 
Căn phòng khám của trung tâm chữa bệnh tâm thần được trang bị như một lớp học nhỏ, không có gì rườm rà. Bên trong, tường được sơn bằng một màu trắng tinh trông thật tao nhã nhưng có chút lạnh lùng. Cuối phòng, dãy ghế được sắp thẳng thắn thành hàng, vừa đủ cho khoảng 10 người ngồi, còn đằng trước phòng thì có một chiếc ghế dài dành cho bệnh nhân, có thể ngồi hoặc nằm. Cạnh bên là vị trí dành riêng cho những vị bác sĩ giáo sư ngồi trong khi thẩm vấn bệnh tình của người bệnh.
            
Bước vào phòng, người đàn bà thở dài, quay đầu nhìn mọi người một cách không định hướng, rồi cất tiếng chào với giọng ấp úng, chất chứa nhiều âu lo. Giáo sư khoa trưởng James Bradford, một bác sĩ tâm thần học lừng danh với phương pháp chữa bệnh bằng y thuật thôi miên, cũng vừa bước vào phòng. Ông đến đứng cạnh bà bệnh nhân đang khép nép ngồi lặng thinh trên chiếc ghế dài. Cả nhóm bác sĩ trẻ đều chăm chú nhìn vị bác sĩ khả kính rồi đưa mắt quan sát bà bệnh nhân. Mọi người đều nín thở, thời gian bỗng như đang ngừng hẳn, bầu không khí trong căn phòng chợt căng thẳng lạ thường.  Từ cuối phòng, tôi nhanh chân tiến về phía trước lớp, đến đứng cạnh người bệnh, nhẹ nhàng mở tập hồ sơ bệnh lý dày cộm rồi bắt đầu:
 
- Good morning! Tôi xin phép giới thiệu bà Jane Wilson, người đang ngồi trước mặt của chúng ta hôm nay. Bà là một bệnh nhân thật đặc biệt. Bà đến từ một tiểu bang xa xôi để chữa bệnh mù với thầy Bradford hôm nay.
 
Đảo mắt nhìn quanh phòng, tôi bắt gặp những ánh mắt thật kinh ngạc của mọi người không khác gì như tôi hồi nãy. Tiếng thì thầm nhỏ to bỗng phá tan sự yên lặng của căn phòng. Chờ một lúc, tôi mới tiếp tục:
 
-Như các bạn đã thấy, bà Wilson là một người thật khoẻ mạnh, năm nay mới có 38 tuổi, một công chức của sở xã hội, chưa lập gia đình.Từ nhỏ đến lớn bà không có bệnh gì đáng kể và chưa hề phải uống một toa thuốc nào. Nhưng, cách đây hơn một năm, mọi chuyện đều thay đổi một cách đột ngột cho bà. Hôm ấy, bà về nhà khoảng 2 giờ chiều và cảm thấy trong người hơi mệt nên lên giường nghỉ lưng một lúc rồi thiếp đi lúc nào không hay.  Đến lúc 4 giờ, bà bàng hoàng giật mình thức tỉnh vì một cơn ác mộng.  Bà quờ quạng trong bóng tối để tìm bật đèn trong phòng vì tưởng trời đã về khuya, nhưng trước mặt bà chỉ là một bóng tối vì đôi mắt bà đã mất hẳn ánh sáng. Bà hốt hoảng đứng dậy, lần mò mong tìm lối ra khỏi phòng để xuống lầu thì bà bị vướng chân vào một tấm thảm trên sàn nhà, toàn thân té nhào xuống cầu thang.  Bà nằm bất động ở chân cầu thang một hồi lâu mới lấy lại được bình tĩnh rồi lết người vào phòng bếp, nơi có điện thoại, để gọi xe cứu thương đưa bà vào bệnh viện. Đôi mắt bà bị mù hẳn từ dạo ấy.
 
Bà đã đến nhiều bác sĩ nổi tiếng của đủ mọi ngành, nhưng từ thử nghiệm này đến thử nghiệm khác, tất cả đều bình thường, không một ai biết lý do về bệnh mù mắt của bà. Trong năm qua, những cơn ác mộng vẫn cứ trở về hằng đêm làm bà hoảng sợ. Nhiều lúc, vào nửa đêm,  bà ú ớ trong giấc ngủ chập chờn rồi hình như có một bàn tay vô hình nào cứ đè nặng trên ngực, trên cổ bà, làm bà khó thở.  Người bà như tê liệt, bất động giữa bóng tối mênh mông, làm bà không thể nào ngồi dậy được. Có lúc, giữa bóng đêm khuya khoắt, bà bật mình thức giấc vì nghe thoang thoảng bên tai có tiếng ai đang thì thầm oán trách. Trong vực thẳm âm u ấy, càng ngày người bà càng hao gầy với những ám ảnh kinh hoàng trong bóng đen dày đặc của sự mù lòa tăm tối.
 
Nói đến đây, tôi ngừng hẳn vì tiếng khóc thút thít của bà Jane các lúc càng to. Mọi người trong phòng đều hướng mắt về phía bà một cách thương hại rồi họ nhìn qua vị giáo sư bên cạnh bà, phân vân và hiếu kỳ, không biết ông sẽ chữa bệnh cho bà bằng cách nào.
 
Bác sĩ Bradford vẫn khoan thai, nét mặt điềm tĩnh, không để lộ một xúc cảm khác thường. Ánh mắt hiền từ ấy hình như đang đăm chiêu trong một vùng ý tưởng thật mơ hồ, sâu lắng trong dòng suy nghĩ trầm tư của một thế giới huyền bí. Ông bỗng quay người, mỉm cười, rồi nhẹ nhàng đưa tay ra hiệu mời bà nằm xuống trên chiếc ghế dài trước khi lên tiếng:
 
- Xin mời bà nằm xuống đây cho thoải mái. Bà nên nhắm mắt lại, hít vài hơi thở thật sâu vào lồng ngực rồi thả nhẹ ra. Chúng ta sẽ cùng nhau đi ngược dòng thời gian để trở về quá khứ bà nhé.
 
Bà Jane hơi do dự nhưng cũng ngoan ngoãn làm theo. Bác sĩ Bradford tiếp với một giọng thật nhẹ nhàng như ru ngủ:
 
- Bà có nghe tiếng tiếng sóng biển rì rào không? Bà đang nằm đu đưa trên chiếc võng, dưới bóng mát của hàng dừa trên một bãi biển hoang vu đấy. Bà cứ lắng nghe tiếng sóng dập dìu và thả hồn cho nhẹ nhàng trong làn gió mát bà nhé. Bà hãy thong thả như đang rong chơi, buông bỏ đi tất cả những lo âu muộn phiền… Bà sắp đến rồi đấy…. Nhẹ nhàng... nhẹ nhàng từng hơi thở…
 
Đến đây, bà Jane nằm yên như bất động, lồng ngực nhấp nhô theo từng hơi thở đều đều. Một dòng lệ nhỏ chảy dài bên khoé mắt, lăn xuống trên chiếc gối mềm. Mắt bà vẫn nhắm hờ, chiếc kính đen nằm chơ vơ trên bàn bên cạnh. Bà chợt ngập ngừng cất tiếng nói khẽ:
 
- Ô kìa, tôi đã đến rồi… tôi đã đến rồi…
 
- Bà đang ở đâu, đang làm gì? Bác sĩ Bradford chậm rãi hỏi.
 
Bà nấc lên thành tiếng lớn:
 
- Tôi…. tôi.. đang ở trong lớp học. Thầy tôi kìa, các bạn tôi kìa, mọi người trẻ quá, dễ thương quá…
 
Mắt bà bắt đầu nhắm chặt hơn. Nhịp thở của bà bồn chồn, có phần lo lắng. Làn môi mỏng mấp máy như muốn khóc. Dần dần, bà đắm chìm trong giấc thôi miên để trở về  một thời quá khứ xa xôi.
            
Bà đã trở về ở ngoại ô của một thị trấn nghèo, cạnh bờ Đại Tây Dương, Bắc Mỹ, nơi có những dãy đồi thoai thoải chạy dài theo ven biển tạo nên một phong cảnh thiên nhiên trông thật hữu tình. Jane Wilson mới 16 tuổi, một nữ sinh lớp 10 tại một trường trung học phổ thông trong vùng. Nàng đẹp lắm, một sắc đẹp thuỳ mị mang nét lãng mạn như những làn sóng biển nhấp nhô, dập dìu ôm lấy những hạt cát vàng lóng lánh trên những bãi biển hoang vu của miền duyên hải. Làn tóc vàng gợn sóng  phủ dài trên làn da trắng mịn làm tăng thêm nét yêu kiều của một thiếu nữ mới lớn. Tính tình Jane trầm lặng, không thích sự ồn ào náo nhiệt như các bạn cùng lứa tuổi đang xuân. Vào những buổi trưa hè dưới vòm trời xanh hanh nắng, nàng thường một mình với cuốn tiểu thuyết tình cảm trên tay, say đắm trong những chuyện tình lãng mạn yêu đương rồi để tâm hồn xao động với những suy tư thầm kín của tuổi dậy thì.  Những dòng chữ lả lơi quyện lời trăng hoa luyến ái đôi lúc đem lại cho nàng nhiều bâng khuâng, vu vơ, len lỏi. Thế rồi Jane đã yêu, một tình yêu đơn phương với thầy giáo mình. David, một thanh niên hiền lành vui tính với dáng người cao ráo, đẹp trai, ở tuổi 23. Tình yêu ấy xuất mầm từ những ý tưởng lãng mạn trong văn thơ rồi được vun xới bằng sự bồng bột của tuổi dậy thì nên đôi lúc có phần táo bạo, đượm chút điên cuồng. Những cảm xúc ấy có khi đã làm nàng rùng mình ái ngại. Sự nhớ nhung thầm lặng giờ đây như những ngọn sóng cồn, cứ dâng lên cuồn cuộn mãi làm cho Jane ám ảnh với những ý nghĩ mơ hồ không sao quên được. Có những buổi chiều, nàng đăm chiêu thả hồn mơ mộng, mong tình yêu được kết trái đơm hoa. Nhưng, thầy vẫn lạnh lùng. Thầy vẫn vô tư với một tình thương trong sáng dành cho học trò mình. Ánh mắt dịu dàng kia chỉ chất chứa một tình cảm trìu mến, mong nâng niu giúp đỡ những tuổi xuân đang gặp khó khăn trong cuộc sống nghèo, không định hướng. Còn Jane thì khác, nàng yêu David đắm say nên hằng ngày cố tìm đủ mọi cách để tạo sự chú ý của chàng. Jane cho rằng chuyện một nữ học sinh dành tình cảm cho thầy rồi yêu thầy là một chuyện tình thật đẹp, thường hay xảy ra nên đã được nhiều tác giả đưa vào văn chương để tô điểm cho đời thêm ngọt ngào ấm áp. Đã nhiều lần, trong giờ học, chàng bắt gặp ánh mắt gợi tình của Jane nhìn mình một cách bất thường nên chàng bắt đầu lo sợ. Vài lần sau giờ học, Jane đến lớp gặp chàng hỏi bài chỉ vì cố ý muốn gặp chàng cho vơi đi nỗi buồn nhung nhớ. Biết vậy, nhưng David càng tỏ ra nhẹ nhàng tế nhị để đám học trò mình không chú ý và để tránh cho Jane khỏi phải mắc cỡ, ngượng ngùng.
            
Thế rồi một buổi chiều, một buổi chiều đã làm thay đổi cuộc đời chàng và đẩy chàng qua khúc rẽ mới, một khúc rẽ thật đau thương cho một đời trai trẻ. Hôm ấy, sau giờ tan học, Jane ngồi chờ sẵn dưới một gốc cây gần bãi đậu xe trong sân trường. Khi thấy David ra đến xe thì nàng tiến lại gần. Sau khi đảo mắt nhìn quanh không thấy một ai, Jane vội nắm tay, ôm chầm lấy chàng, rồi đặt một nụ hôn thật nồng nàn lên môi chàng.  David sững sờ chưa kịp phản ứng thì bỗng từ đâu một nhóm học sinh của chàng đột ngột xuất hiện, chúng tròn mắt kinh ngạc rồi cùng nhau cười khúc khích làm chàng vừa giật mình vừa kinh hãi. Chàng nhảy vội vào xe, lái nhanh ra khỏi sân trường, đôi tay vẫn còn run lẫy bẫy không ngừng. Những ngày kế tiếp là một chuỗi ngày dài khó khăn nhất cho chàng. Mọi người thì thầm bàn tán chuyện tình của một thầy giáo và một nữ sinh trung học. Những lời thêu dệt phê phán lao xao rồi cũng đến tai thầy hiệu trưởng và hội phụ huynh học sinh. Trước ban quản lý nhà trường, chàng không thể nào thuyết phục được một ai để tin lời chàng, đặc biệt nhất là khi Jane vẫn không một lời biện minh cho chàng.  Ba mẹ chàng cũng thật đau lòng và xấu hổ khi chàng bị đuổi việc.
            
Ngày rời mái trường thân yêu, lòng chàng ngập tràn với bao tủi buồn uất nghẹn. Giấc mơ suốt đời được là một thầy giáo bỗng phút chốc tan biến theo cơn lốc xoáy của tâm hồn. Ngoảnh mặt lại, lòng chàng nát tan khi thấy các em học sinh thương yêu cũng lệ dâng khóe mắt, tiễn chàng ra tới tận cổng trường. Jane đứng lặng thinh sau hàng cây xa xa,  ngậm ngùi nhìn theo bóng xe của chàng đến khi mất hẳn dưới ánh nắng chiều vàng úa của hoàng hôn.
            
Tháng ngày trôi qua, mọi chuyện cũng theo thời gian để lắng chìm vào dĩ vãng. Jane vẫn một mình âm thầm với ngày hai buổi ở trường, nhưng hình như nàng cô độc hơn. Nàng có cảm giác là các bạn mình, vì thương thầy, nên đã cố tình xa lánh nàng. Vắng thầy, ngôi trường bỗng trở nên vắng nhạt và lạnh lẽo hơn xưa. Cũng có nhiều lần, nàng cảm thấy lòng mình dâng lên một nỗi buồn ân hận. Tâm tư nàng chợt thắt lại vì những xót xa đang ngấm ngầm giày vò vì sự nhẫn tâm của mình.
            
Cho đến một hôm, trên trang báo Evening Times trong vùng thường đăng tên của những quân nhân Mỹ vừa tử nạn ở chiến trường Việt Nam, có tấm hình của David với dòng chữ nhỏ- Anh hùng Thuỷ Quân Lục Chiến, tử nạn ở chiến trường Việt Nam. David đã tình nguyện nhập ngũ để ra đi, mong thời gian xoa dịu một vết thương lòng đang hằn sâu trong tâm trí. Trên đồi Khe Sanh xa xôi ngút ngàn mây phủ, chàng đã tử trận trong một cuộc hành quân giữa biển lửa mịt mùng. Sương đêm quyện lấy núi rừng âm u, đẫm ướt chiếc áo thư sinh vẫn còn thơm mùi lớp học.  Mắt chàng vẫn mở trừng trừng như đang còn chất chứa một nỗi đớn đau oán hận.
            
Từ ngày David mất, Jane ngày càng trầm lặng. Hằng đêm trong những giấc chiêm bao nàng thường gặp nhiều ác mộng, ám ảnh bởi những chuyện mơ hồ khó tả.  Có lúc nàng thấy mình bị một người nhận chìm dưới nước, có khi thấy một người mặt mày phủ đầy máu me cứ bám theo mình. Tình yêu bồng bột bốc đồng của buổi ban đầu đã mờ dần trong ký ức nhưng niềm ân hận cứ mãi ray rứt khôn nguôi. Ánh mắt căm hờn của thầy năm nọ vẫn cứ chập chờn lởn vởn trong bóng đêm. Đôi lúc vô tình nhìn qua  khung cửa, Jane bỗng giật mình trông thấy một bóng người đàn ông thấp thoáng dưới hàng cây, nhìn nàng rồi từ từ quay lưng rảo bước, khuất bóng dưới ánh trăng mờ ảo mông lung. Nàng cảm thấy linh hồn của thầy vẫn đang còn vất vưởng đâu đây, như đang còn vấn vương chưa muốn rời xa dương thế. Ngày ra trường trung học, Jane cũng không dám đến dự lễ nhận bằng vì nàng không còn can đảm để gặp bạn bè hay đối diện với cảm giác bất an đang giày xéo tâm hồn nàng.
            
Nhiều năm thấm thoát trôi qua, Jane không còn là một thiếu nữ, nhưng sự xao động trong bà vẫn còn cuộn sóng khiến tâm trí bà mãi hỗn độn không thể nào tập trung với những sinh hoạt hằng ngày. Bà đã rời xa thành phố xưa, mong bỏ quên quá khứ sau lưng để cố tìm chút bình yên trong cuộc sống. Nhưng, những giấc mơ hãi hùng cứ vẫn đeo đuổi, vẫn hiện ra hằng đêm, đem lại cho bà nhiều kinh hoàng khiếp đảm. Bà không thể nào có một liên hệ ái tình mới một người đàn ông khác mặc dù nét đẹp năm xưa vẫn còn mặn mà duyên dáng. Bà đã đến nhiều bác sĩ tâm thần để điều trị nhưng mọi khó khăn chỉ tạm thời bình an trong chốc lát. Cho đến một hôm, trong tuyệt vọng, bà tìm về với đức tin ở một giáo đường công giáo gần nơi bà cư ngụ. Mới bước vào, bà bỗng lạnh người trước sự thanh tịnh của sảnh đường trang nghiêm vắng lặng. Lòng bà chợt nhẹ nhàng bay bổng như mới được siêu thoát từ một cõi âm u. Sau bức màn xưng tội, vị linh mục hiền từ chăm chú lắng nghe từng tiếng nấc nghẹn ngào đã chất chứa bao năm nay được một lần tuôn trào như thác lũ. Vừa nghe, ngài vừa thở dài cảm động, thương tiếc một linh hồn uất ức đã ra đi, thương cảm cho một linh hồn bơ vơ còn ở lại. Ngài cố nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau thương và dìu dắt một con người đang ăn năn sám hối.
            
Năm năm trôi qua, thời gian nhẹ nhàng như một làn gió đem lại khí hồi sinh cho một người đang tuyệt vọng. Giờ đây,  bà lâng lâng với một tâm tư an bình hạnh phúc. Những ảo giác kinh hoàng cũng từ từ thưa dần rồi mất hẳn. Lần nào bà đến nhà thờ cũng xưng một tội xưa. Vị linh mục vẫn kiên nhẫn lắng nghe, trò chuyện, rồi tỏ lời khuyên giải như một thầy thuốc chữa bệnh tâm lý cho một người đang nặng gánh tâm linh.
            
Nhưng rồi một ngày, tin vị linh mục mà bà vô cùng kính cảm trong mấy năm qua có lệnh tòa giám mục phải chuyển đến một giáo xứ khác làm bà bàng hoàng bối rối. Bà bỗng cảm thấy tâm tư chơi vơi hụt hẫng như một người vừa đánh mất một điểm tựa trong đời. Trên đường về nhà, lòng bà rối bời với nhiều lo âu làm bà ngập ngừng chậm bước. Ánh hoàng hôn nhạt vàng trải dài trên những ngọn cây cao vút, bà âm thầm cúi mặt, lòng bà nao nao với những bâng khuâng khó tả. Ánh mắt vô định như không còn thấy ai trước mắt. Về đến nhà thì cũng đã 2 giờ chiều, bà cảm thấy toàn thân mệt nhoài nên đi thẳng lên lầu, vào giường nằm nghỉ, rồi từ từ thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ chập chờn, bà thấy mình đang ở trong một cánh rừng âm u hoang vắng. Xa xa, một lớp sương mù che khuất những hàng cây, mờ mờ ảo ảo. Bất giác, vài tiếng sột soạt làm bà giật mình, rồi một mùi tử khí thoảng vương trong gió làm bà rùng mình.  Đang ngơ ngác thì bà bỗng nghe có tiếng chó sủa từ xa vọng lại, rồi thình lình từ đâu một con chó đen lớn thật hung dữ xuất hiện. Từ đằng xa, nó vừa nhe răng vừa hung hăng chạy nhanh về phía bà. Sửng sốt, toàn thân bà toát lạnh, rồi bà hoảng hốt cắm đầu phóng chạy. Vừa chạy bà vừa hét to để cầu cứu, những cành cây khô trên đường như đang dang tay cố kéo chân bà lại. Càng chạy chân bà càng quýnh lên, tiếng chó sủa càng lúc càng gần. Bất chợt, bà đứng khựng lại vì trước mặt bà là một dòng sông nước chảy cuồn cuộn. Chạy đến sát bờ, bà bỗng thấy rõ trên sông có một người đàn ông mặt mày nhuộm đầy máu, vừa chống bè ông vừa nhìn bà chăm chăm. Bà kinh hãi dang tay la lớn để cầu cứu nhưng ông chỉ lắc đầu với ánh mắt buồn thiu. Ngay đúng lúc đó thì con chó đen từ sau nhảy chồm tới, bà té nhào xuống sông, hét lên một tiếng kinh hoàng rồi bắn mình thức dậy. Căn phòng tối om, không một ánh sáng….
            
Kể đến đây, giọng bà run run, mắt bà vẫn còn nhắm nghiền nhưng nước mắt cứ mãi tuôn dòng, đầm đìa trên hai gò má. Đôi bàn tay bà nắm chặt hai bên thành ghế, tâm tư như đang vừa bị một chấn động mãnh liệt. Bác sĩ Bradford xích lại gần, lấy tấm khăn mỏng lau những giọt mồ hôi trên vầng trán đẫm ướt của bà rồi khẽ nói:
 
 -Bà đã trở lại rồi đấy. Trong người bà thấy sao? Bà hãy từ từ thở thật sâu và thật chậm bà nhé.  Tôi vẫn ngồi cạnh bà đây, bà đừng lo.
 
Căn phòng im lặng lạ thường như có thể nghe được từng hơi thở của mỗi người đang theo dõi từng lời bà kể. Mọi người ngồi yên bất động. Những ánh mắt hiếu kỳ đang phập phồng trông đợi từng động tác nhỏ của bác sĩ Bradford, của bà Jane. Bác sĩ Bradford vẫn chậm rãi lau những giọt mồ hôi trên trán cho bà rồi nói tiếp:
 
-Bà mở mắt ra chào mọi người đi. Họ đang nóng lòng để thấy bà lành bệnh đấy.
 
Bà Jane từ từ mở mắt. Ánh nắng ban mai chan hoà xuyên qua cửa sổ, lấp lánh phản chiếu những giọt nước mắt chưa kịp khô trên làn da trắng mịn. Bà đưa tay lên mặt che cho bớt chói mắt rồi ngập ngừng nói như reo:
 
-  Ôi tôi hết mù rồi!!… Ôi chúa ơi !..thượng đế ơi!... Cám ơn bác sĩ, cám ơn thượng đế...
 
Sự yên lặng trong phòng bỗng vỡ tan. Mọi người xôn xao nhìn nhau, trầm trồ thán phục, như vừa chứng kiến một màn ảo thuật kỳ diệu nhất trên đời. Nhưng nỗi vui mừng chưa kịp tắt thì bất thình lình bà Jane ngồi phắt dậy, hai mắt đỏ ngầu, mở trừng to, nhìn thẳng xuống lớp rồi quát lớn bằng một giọng đàn ông:
 
- Không thể nào tha thứ được! Không thể được!
 
Nói xong, bà té nhào xuống ghế rồi lăn ra bất tỉnh. Một lần nữa mọi người trố mắt kinh hoàng, có người sợ quá toan chạy tung ra khỏi phòng. Căn phòng trở nên ồn ào rối loạn, tiếng bàn tán xôn xao càng lúc càng rộn ràng hơn. Nhưng bác sĩ Bradford vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Ông đến gần bà Jane, lắc vai bà dậy rồi đỡ bà lên ngồi trên chiếc ghế trước mặt. Bàng hoàng, bà nhìn quanh như kẻ mất hồn, không biết mình đang ở đâu. Tôi đến ngồi cạnh bà, niềm hoang mang vẫn còn xáo động. 
            
Mấy phút sau, không khí trong căn phòng bắt đầu lắng dịu. Bác sĩ Bradford từ từ đứng dậy, nhìn xuống lớp rồi dịu dàng cất tiếng giảng:
 
-Các em vừa chứng kiến bệnh Rối Loạn Chuyển Đổi (Conversion Disorder) đấy. Đây là một sự rối loạn gây nên sự mù lòa, tê liệt hoặc các triệu chứng thần kinh khác mà bác sĩ thường không giải thích được vì người bệnh không có một chấn thương thực thể nào. Các triệu chứng thường bắt đầu đột ngột sau một thời gian đau khổ về cảm xúc hoặc xung đột tâm lý. Các triệu chứng của bệnh phát xuất là do một nỗ lực của bệnh nhân cố giải quyết sự xung đột hay bất an  đang giày vò trong lòng họ.
 
Ngừng một lúc, bác sĩ Bradford tiếp:
 
-Trong trường hợp này, tâm tư của bà Jane đã bị chấn động quá độ từ khi còn là một thiếu nữ. Bà không thể nào quên được sự nhẫn tâm của mình đối với một người mình thương yêu. Bà không có một ai để chia sẻ những cảm xúc xung đột bên trong. Khi có dịp xưng tội, bà thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn. Nhưng khi vị linh mục phải rời xa bà, bà cảm thấy hụt hẫng, như bị phản bội, bị hất hủi. Trong giấc mơ, con chó đen là biểu tượng cho vị linh mục, cho sự hất hủi ấy. Còn người trên chiếc bè là người thầy giáo đã quá cố, người mà bà mong tha thứ cho bà. Ở tận cùng của tuyệt vọng, bệnh của bà đã biểu hiện qua sự mù lòa để không phải còn đối diện với những thực tế căng thẳng trong đời. Từ nay, bệnh của bà chắc sẽ không còn tái phát vì bà đã trở về để đối diện với quá khứ đau thương ấy. Bây giờ, một ẩn khúc trong đời bà đã được tỏ bày trước ánh sáng, mọi người đều biết và thông cảm. Bà chỉ cần uống thuốc an thần thêm vài tháng nữa thì bệnh sẽ lành hẳn.
            
Ánh nắng ban mai dịu dàng tỏa sáng căn phòng. Mọi người lần lượt đến bắt tay rồi cám ơn người đàn bà đã đưa họ qua một trải nghiệm y học lắm tình người và đầy thú vị. Con đường y khoa sẽ có nhiều gian nan nhưng đầy phiêu lưu hứng thú và huyền bí.
 
Trọng Lộc
Tháng 2, 2021
 

Ý kiến bạn đọc
17/03/202102:42:43
Khách
Truyện hay quá! Rất hấp dẫn và lôi cuốn.
Trong thế giới của bệnh về thần kinh thì điều gì cũng có thể xảy ra.
16/03/202114:21:17
Khách
Cám ơn tác giả đã viết chuyện rất hay . Chuyện này làm tôi nhớ cách đây khoảng 35 - 40 năm có vụ nhừng người Cambodian già tỵ nạn cộng sản tại Mỹ bị bịnh mù vì tâm thần giống như bà Jane Wilson . Họ cũng đã trải qua những chữa trị như của bác sĩ Bradford . Mỗi bệnh nhân phải trải qua nhiều sessions chứ không phải chỉ 1 session là xong . Sau khi chữa cho họ hết bệnh, các bác sĩ chuyên môn mới ghi lại là vì những người Cambodian tỵ nạn cộng sản đến Mỹ đã từng chứng kiến cảnh hải hùng của _the killing fields_ khi ở Cambodia, nên họ bị khủng hoảng tâm thần rất lâu dài . Mặc dù định cư tại Mỹ an toàn, nhưng họ vẫn luôn bị ám ảnh , đến khi họ bị một việc gì giao động trong đời sống thì họ bị bịnh tâm thần mù , mặc dù giao động đó không có gì nặng nề đối với một người bình thường .

----------

To Thanh Mai : Khi bác sĩ chữa trị bệnh nhân bằng cách thôi miên thì hỏi bệnh nhân những câu hỏi khéo léo để bệnh nhân kể lại chi tiết tỉ mỉ những chuyện trong quá khứ mà bệnh nhân đã trải qua . Chứ không phải bác sĩ có thể dùng mắt nhìn thấy những điều xẩy ra trong óc của bệnh nhân .
15/03/202120:20:34
Khách
Lời văn hay, chau chuốt . Dường như tác giả có khả năng viết được tiểu thuyết . Tuy nhiên, chuyện bác sĩ tâm thần học này chữa được cho một bệnh nhân bị mù thấy được ánh sáng, theo ý tôi, là không thể có thực .
13/03/202114:25:50
Khách
Cảm ơn tác giả đã cho tôi mở rộng tầm mắt về chứng bệnh lạ rối loạn chuyển đổi và phương pháp chữa trị bằng thôi miên độc đáo! Có điều tôi vẫn thắc mắc làm sao trong lúc bệnh nhân bị thôi miên mê ngủ mà người ngoài có thể "thấy và biết" được những chuyện xảy ra từ quá khứ trong đầu óc của người đang ngủ? Đây có phải là chuyện giả tưởng không?
Dù sao, văn phong và rất hay và câu chuyện rất thú vị. Mong đọc thêm nhiều bài của tác giả!
13/03/202106:36:50
Khách
Câu chuyện hay, lạ, và rất thú vị. Cách chữa bệnh mù của BS y khoa thật tuyệt vời. Văn phong của tác giả thật mượt mà, sống động, và hấp dẫn để theo đọc cho đến kết cuộc. Cám ơn tác giả cho đọc và mong tiếp tục viết tiếp.
Phương Hoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 775,895
Sáng nay đang suy tư, chìm đắm trong tiếng nhạc tình ca thì vợ tôi bước ra phòng khách và bật TV xem tin tức. Thấy trên màn hình chiếu các hình ảnh tối hôm qua; Ngày 02 Tháng 06 Năm 2021, dân chúng vui mừng tháo khẩu trang quăng vào những thùng sắt đang ngùn ngụt lửa đỏ trước các nhà hàng, thấy lạ! Vâng, đó là ngày Ohio “mở cửa,” quyết định gỡ bỏ lệnh đeo khẩu trang bắt buộc tại các nơi công cộng khi tình hình dịch bệnh đang giảm dần nhờ chính quyền của tân Tổng Thống Biden gia tăng thúc đẩy các biện pháp chích ngừa trong dân chúng. Nhìn mọi người reo hò sung sướng, những ánh mắt hân hoan rực sáng, những nụ cười rạng rỡ trên môi vì được tự do trở lại sau hơn cả năm dài u ám vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành tôi mới thấy thấm thía làm sao lời ca trong bài “Đời đá vàng” của Nhạc Sĩ Vũ Thành An.
Tác Giả VVNM Phạm Hoàng Chương sinh ngày 15 tháng 5, năm 1944 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Ông tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu của Giải Thưởng 2000. Năm 2009, ông đoạt giải chung kết Vinh Danh Tác Giả-Tác Phẩm, sau đó vẫn tiếp tục viết và gắn bó với giải thưởng. Tin Ông ra đi vào thứ Sáu, ngày 25 tháng Sáu, 2021, hưởng thọ 78 tuổi là một mất mát lớn cho bạn bè văn hữu và giải thưởng VVNM. Việt Báo và Giải Thưởng VVNM xin được trích đăng loạt bài viết tưởng nhớ Ông, với bài “Tiễn Anh Lên Đường” của tác giả/giám khảo Trương Ngọc Bảo Xuân.
Tác Giả VVNM Phạm Hoàng Chương sinh ngày 15 tháng 5, năm 1944 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Ông tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu của Giải Thưởng 2000. Năm 2009, ông đoạt giải chung kết Vinh Danh Tác Giả-Tác Phẩm, sau đó vẫn tiếp tục viết và gắn bó với giải thưởng. Tin Ông ra đi vào thứ Sáu, ngày 25 tháng Sáu, 2021, hưởng thọ 78 tuổi là một mất mát lớn cho bạn bè văn hữu và giải thưởng VVNM. Việt Báo và Giải Thưởng VVNM xin được trích đăng loạt bài viết tưởng nhớ Ông, bắt đầu với bài “Kỷ Niệm - với Anh Phạm Hoàng Chương” của tác giả Phùng Annie Kim, ngòi bút đoạt giải chung kết 2016.
Chị ơi, em có lịch phỏng vấn rồi! Mai nói giọng đứt quãng vì quá xúc động. - Nghe đâu mẹ con em là những người đầu tiên được làm hẹn khi Lãnh Sự Quán mở cửa trở lại đó chị ơi! Bọn em đã nhìn thấy “Ánh sáng ở cuối đường hầm,” Mai nói. - Em biết đây không phải là bước cuối cùng nhưng được lúc nào hay lúc ấy. Có ngày phỏng vấn là em quá hạnh phúc rồi, cái ngày mà hơn hai mươi năm nay em đã từng mơ, giờ đã tới.” Tôi cũng mừng đến nghẹn lời theo Mai, lòng thầm cám ơn Trời, Phật, Chúa... đã nghe thấy tiếng nguyện cầu của Tiến và Mai cũng như nghe những lời cầu nguyện của tôi cùng quý vị ân nhân, và độc giả của VVNM.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Hùng (con trai) và vợ là Vân sang nhà hàng cuối năm 2019, làm ăn chưa được 5 tháng thì bị tình trạng đóng cửa vì dịch bệnh, vợ chồng lo lắng xanh mặt, tình trạng kéo dài phải chịu trả tiền rent chờ đợi. Bao nhiêu tiền dành dụm trước đây đã đắp đổ hàng tháng, may có bà ngoại giúp đỡ và con gái lớn vừa học vừa làm có tiền dành dụm đưa ba mẹ. Hùng xót xa thương con, cha mẹ nào muốn con mới ra đời đã phải nặng gánh lo toan nhu vậy, nhưng tình thế làm ăn lao đao chung, nên đành phải nhận lòng hiếu thảo của con. Mấy tháng qua quán ăn được mở trở lại phục vụ dưới hình thức “Food togo”, nhưng nơi Hùng Vân bán, đa số là sinh viên thuê nhà chung quanh trường San Jose State University, nay các em học online tại nhà, vợ chồng cố cầm cự khách vãng lai, bỏ công cầu mong đủ trả tiền rent chờ đợi tương lai hy vọng sáng sủa hơn. Tình hình xăng dầu mắc mỏ, vật giá leo thang kinh khủng, Hùng Vân mua hàng thực phẩm giá cả tăng gấp ba, tháng trước vợ chồng hì hục dán thay đổi lên giá chút xíu khiêm nhườ
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây, là bài viết mới cho tháng.
Tôi không nghĩ có truyền thông thổ tả hay ý đồ chính trị bẩn thỉu gì ở đây như một số người đồn đoán. Bên Ấn Độ có bà quan chức nào đó kêu gọi uống nước tiểu con bò sẽ trị được COVID, vì con bò là linh vật của đất nước này. Bạn có tin được lời nhảm nhí đó không? Hãy sáng suốt chọn lựa đều tốt nhất cho bạn và gia đình của bạn trước khi quá muộn, đừng ngồi đó mà chờ đợi phép thuật từ Aladin.
Mọi người đều có một quan niệm sống riêng và tôi chọn cách sống âm thầm cầu nguyện, cố gắng giữ lòng luôn đi theo hướng Chân Thiện Mỹ -Nhẫn mà tôi yêu quý .Xin cầu chúc cho thế giới sẽ hòa bình trong sự sáng suốt hướng thiện sám hối của mỗi con người ;biết đâu đấy là Cộng Nghiệp của loài người , điều quan trọng để nhìn nhận mọi sự chính là lương tâm trong sáng , công bằng không vụ lợi,hay làm lành lánh dữ -việc xấu và nhớ coi trọng đời sống Tâm linh, cầu nguyện luôn. Con người cứ tưởng mình là chủ nhân ông của thế giới vũ trụ này khi đã đạt được nhiều thành tựu vượt bực về kỹ thuật khoa học, xây dựng, phát minh nhiều tiện ích sử dụng cho đời sống như điện thoại thông minh, Internet, remote điều khien từ xa. Không đâu ,cuộc sống của con người lệ thuộc rất nhiều yếu tố như Số phận, môi trường, đất nước, và bị ảnh hưởng cả bởi những người khác trong xã hội loài người...
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Nhạc sĩ Cung Tiến