Hôm nay,  

Như Là Mây Bay Qua

01/01/202100:00:00(Xem: 8805)
HINH VIET VE NUOC MY

Hình minh họa. (www.pixabay.com)

Trần Ngọc Ánh


Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.

 

***

 

Từng tuổi này viết một lá thư cho người yêu cũ. Đối với tôi không phải là chuyện dễ dàng, biết viết cái gì bây giờ? Chuyện xảy ra giữa tôi và em cũng lâu quá rồi, hơn nữa thế kỷ trước.
 
Tôi học Văn Khoa, em học Dược, tôi sinh viên nghèo, em tiểu thư danh giá, hai đứa gặp nhau trong thư viện, tôi không tin tiếng sét ái tình nhưng đó là chuyện có thật. “Yêu em hồi nào mà tôi không hay.”
 
Tuổi mới lớn và mối tình đầu với nhiều say đắm, hai đứa lén lút trong mỗi lần hẹn hò vì gia đình em khe khắt, ngăn cấm cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối này, loay hoay thế nào thì em có thai trước ngày cưới, Mẹ em giận dữ biết bao nhiêu, nhưng cũng ép lòng cho tổ chức đám cưới, chính xác là bên nhà em đình đám để khỏi tai tiếng với họ hàng, đàng trai không có ai đến vì mặc cảm, tôi nghèo đến độ phải mượn bạn bộ đồ vest cho tươm tất để làm chú rể, không có rước dâu hay quà cáp linh đình, tôi biết em không vui nhưng vì yêu tôi , em chấp nhận mọi thiệt thòi trong ngày thành hôn trọng đại của một thời con gái. Tôi cảm kích tình yêu của em và thấy như mình có tội, cái tội quá nghèo không xứng tầm với em.
 
Cưới xong tôi ra trường, đi dạy học ở một tỉnh xa, em trọ trong căn gác chật hẹp và mỗi ngày đến trường với cái bụng lum lúp để chờ tôi về cuối tuần, tháng lương đầu tiên đưa em trang trãi chuyện áo cơm, nhưng chúng tôi cảm thấy hạnh phúc bên nhau dù cuộc sống đối với một người quen trong nhung gấm lụa là như em là sự khó khăn chật vật, tôi thương em đến xót xa. Gần đến ngày sanh, ba em nóng lòng cô con gái cưng bụng mang dạ chữa mà phải thiếu thốn trăm bề nên ông cho phép chúng tôi về sống trong căn nhà to rộng của gia đình có người ăn kẻ ở hầu hạ. Mặc cảm cảnh "chuột sa hủ nếp" tôi sống âm thầm như cái bóng trong không gian lạnh lẽo đó, ngoài giờ dạy, tôi dành thời gian viết cuốn sách biên khảo văn học đầu tay. Tiền in sách tôi dành hết để đưa em vào bệnh viện lớn nhất Sài gòn sanh đứa con gái đầu lòng. Tôi không muốn gia đình em nhìn tôi như một người khố rách.
 
Tôi cố gắng để vươn lên trong nhiều cơ hội tốt dành cho mình, khi chúng tôi có chút địa vị vững vàng trong xã hội, chồng giảng sư đại học, vợ dược sĩ, tiền bạc nhà cửa rủng rỉnh, có với nhau bầy con xinh xắn, hạnh phúc tưởng như ấm êm mãi mãi.
 
Rồi cơn lốc thời cuộc ập tới như giông bão cuốn trôi mọi thứ ra biển, cả miền Nam bị đại nạn Cộng Sản và gia đình tôi cũng lao đao như hàng ngàn, hàng triệu người dân khác, tôi may mắn không bị đi tù như anh em trong quân đội, nhưng bọn họ đã đuổi tôi ra khỏi trường để cho những học hàm học vị bổ túc văn hóa ngoài Bắc vào dạy, điều này là nỗi đau vô cùng đã ám ảnh tôi trong cả những giấc mơ chập chờn sau này.Phải tính chuyện rời khỏi đất nước mà đi thôi, cái xe hơi lật lên trồng rau và con trai tôi đã ôm mấy con chó con ra chợ bán. Em và các con làm sao sống được trong cảnh khốn cùng này đây?
 
Mấy lần vượt biên, tiền vàng hết sạch, chúng tôi lê lết trở về thành phố, may còn căn nhà để ngủ, đồ đạc bán lần hồi cho có cái ăn qua ngày.Cuối cùng thì tôi xoay sở mua được chiếc tàu cũ của người bạn tốt bụng, tự tổ chức vượt biên, lấy tiền khách trả trước cho bạn một mớ, nó cũng ậm ừ cho thiếu phần còn lại. Kinh nghiệm thất bại mấy lần khiến tôi tự tin hơn.Ơn Trời, chuyến đi thuận buồm xuôi gió, chỉ vài ngày sau là tới Mã Lai.
 
Gia đình tôi định cư ở Mỹ năm 1979, bước đầu chúng tôi sống tại Texas trong một thành phố nhỏ hẻo lánh, các con học hành ổn định, tôi cũng có việc làm lai rai ở đó, nhưng em thì có ý muốn học lại để lấy bằng dược sĩ của Mỹ cho cơ hội làm việc tốt hơn.Tôi đồng ý để em đi thành phố xa tiến thân, tôi chọn dạy ở trường tiểu học gần nhà, tiện bề chăm sóc các con đang tuổi ăn tuổi lớn.
 
Lúc đầu em mỗi tuần mỗi về thăm nhà, rồi từ từ vài tuần, từ từ vài tháng mới một lần ghé qua căn nhà nhỏ của cha con chúng tôi, nghĩ bụng chắc em bận rộn chuyện học hành thi cử nên tôi không nghi ngờ điều gì.Tôi tưởng rằng em vẫn mãi yêu tôi như ngày nào.
 
Cho đến một hôm tôi chở bầy con đi tìm Mẹ, đậu xe trước nhà, bên trong cửa khóa im lìm. Tôi hăm hở bấm chuông, hình dung đôi mắt tròn xoe bất ngờ và nụ cười tươi tắn của em, nhưng người bất ngờ lại chính là tôi khi em hé cửa lạnh lùng "Anh về đi , tôi không còn thương anh nữa đâu " và đóng sập cửa lại khiến tôi chới với như sắp té. Lẽ nào em nhẫn tâm đến vậy sao ? Tôi  đau đớn quay ra,  nhìn những ánh mắt háo hức của các con ngồi trong xe chờ tin Mẹ mà lòng tôi tan nát. Tôi nói bâng quơ “ hình như  Ba viết sai địa chỉ rồi, để hôm nào hỏi lại Mẹ con” .Đường trở về nhà tự dưng thấy xa quá, tương lai mấy cha con tôi chắc cũng thăm thẳm mịt mù, các con vẫn hồn nhiên cười giỡn với nhau trong xe, chúng đâu biết rằng gia đình mình đã rạn nứt từ đây.
 
Tôi về viết một lá thơ dài cả chục trang cho em, năn nỉ em quay trở lại, tôi kể lể chuyện tình yêu hai đứa thưở nào, tôi nói cho em biết là Cha con tôi thương nhớ em biết bao nhiêu, tôi van xin em trở về cùng tôi làm lại từ đầu, để chăm sóc con mình..Tôi viết như một gã tình si cuồng nhiệt. Tôi nghĩ mình có thể bao dung tha thứ hết mọi lỗi lầm yếu đuối ( nếu có ) của em.Nhưng lá thơ đó không bao giờ gởi đi, vì tôi hy vọng em sẽ trở lại, tôi chờ đợi một ngày nào đó em thay đổi . Niềm đau nếu có tôi xin giữ lại cho riêng mình.
 
Nhưng em đã mãi mãi không quay về, lần gặp mặt cuối cùng em im lặng như tượng đá, không phân bua hay áy náy ngoài sự cương quyết ly hôn, dùng dằng riết rồi chúng tôi cũng phải chia tay nhau, em bỏ lại tôi với bầy con nheo nhóc, mà đứa lớn nhất mới 17 tuổi và con út vừa lên 6.Giai đoạn đó tôi suy sụp như người tâm thần, tiền lương giao cho con gái lớn chợ búa mua sắm chăm lo cho các em, chúng nó đã quen sống không có Mẹ từ lâu rồi, may mà ở bên Mỹ tôi không phải bận tâm việc học hành giáo dục con cái, may mà tụi nhỏ tánh tự lập, hiền ngoan, chị em nó sống yêu thương nhau và quấn quýt bên tôi, con gà trống cô đơn trong những năm tháng bạc tình.
 
Rồi các con cũng lớn lên, học hành ra trường, chúng mơ hồ nhận ra ngôi nhà bấy lâu nay trú ngụ đã thiếu sự đầm ấm của một gia đình hạnh phúc, nên khi đủ sức tự lập, các con chỉ muốn bay đi để chọn lựa tổ ấm cho riêng mình, và tôi thấy mình cũng không dự phần trong sự ổn định cuộc sống của chúng nó. May mắn là không đứa nào lận đận để tôi ân hận về sự thất bại của mình. Mất em là tôi đã mất phân nửa cuộc đời.
 
Ngày con gái lớn có chồng, em đi với người đàn ông xa lạ có mặt trong tiệc cưới, tôi chào em như người bạn thân lâu ngày không gặp,em khác xưa và tôi cũng khác xưa, thời gian kinh khủng quá, mới đó mà mấy chục năm.
 
Rồi tôi cũng có vợ, ai đó nói giỡn mà trúng thiệt “hồi nhỏ cưới vợ lớn, bây giờ lớn cưới vợ nhỏ” Tôi gặp em nhỏ này lúc tôi 65 và nhỏ mới 50 tuổi. Chúng tôi đã từng dang dở, từng mất mát đau thương nên rất đồng cảm và quý trọng hạnh phúc đang có.Chúng tôi chia sẻ vui buồn, cùng đồng điệu chuyện thơ văn sách vở, luônyêu thương và chăm sóc cho nhau, chính xác hơn là em nhỏ lo lắng cho tôi mọi thứ như người vợ hiền tận tụy với chồng, nhà lúc nào cũng ấm áp tiếng cười, bạn bè gần xa ai cũng trầm trồ cho hạnh phúc cuối đời của chúng tôi.Còn gì mãn nguyện hơn nữa chớ. Chúng tôi trăng mật như vậy cũng mười mấy năm rồi, trong ấm ngoài êm.
 
Là người phụ nữ nhạy cảm và nhiều cá tính mạnh mẽ, thỉnh thoảng em nhỏ cũng hay tò mò hỏi tôi về chuỵên ngày xưa, tôi tin em nhỏ thông hiểu nên không dấu diếm điều gì, tôi kể về mối tình đầu đời của tôi, về chuyện em lớn bỏ tôi đi biền biệt, trong khi tôi yêu em ấy vô cùng và mấy chục năm qua rồi tôi vẫn luôn băn khoăn tự hỏi mình đã làm gì sai để khiến em ấy phải đoạn tuyệt tình tôi?” Lâu rồi tôi không gặp lại người xưa, chỉ nghe loáng thoáng các con nói về mẹ của chúng,” Má sống một mình trong căn nhà rộng lớn ở tiểu bang xa lắc nào đó, đã nghĩ hưu và có rất nhiều tiền” tôi có cần quan tâm đến sự cô đơn của người đàn bà ờ tuổi gần 80 đó không?
 
Nhưng em nhỏ này quan tâm, có lẽ em đã từng là phụ nữ sống cô đơn trong những năm tháng buồn hiu nên em hiểu rất rõ cảm giác xót xa này. Em nhỏ trầm ngâm suy nghĩ, phân tích mọi ngóc ngách từng sự kiện trong mối hôn nhân quá khứ của tôi  và đưa ra phán quyết  nghiêm chỉnh như một quan tòa:
 
Anh có lỗi với chị ấy, anh đã làm dang dở ước mơ tuổi trẻ của chị ấy, tương lai rực rỡ của một tiểu thư nhà giàu và chuyến du học sang Pháp. Nếu không có anh lúc đó biết đâu cuộc đời chị ấy đã tiến thân một bước vinh quang hơn. Chị ấy đã không có khoảng thời gian sống trong tủi nhục buồn phiền.
 
Hãy viết thư cho chị ấy đi, biết đâu chị ấy cần một lời tha thứ, hay xin lỗi gì đó của anh, biết đâu cuối đời chị ấy cần một sự cảm thông chia sẻ, cần một cái nắm tay thân thiết dịu dàng, cần một vòng tay ôm ấm áp quen hơi. "
 
Em nhỏ nói thao thao giống như đang đọc trong tiểu thuyết. Tôi ngạc nhiên bất ngờ trước ý tưởng xuất phát từ trái tim rộng mở nhân hậu của em . Có thể em nhỏ nói đúng, thời tuổi trẻ tôi cũng có lỗi với nàng, biết đâu được tôi đã làm điều gì đó sai trái khiến nàng bị tổn thương, nói điều gì đó nặng lời khiến nàng căm hận oán ghét.
 
Nhưng viết thơ cho vợ cũ ư? Tôi nghĩ mình sẽ khó khăn khi làm điều này, thật tình tôi chỉ muốn quên đi, cái gì đã qua cho nó qua luôn, khơi gợi làm gì một chuyện tình buồn nhưng ngẫm nghĩ cuộc đời của chúng tôi đã đi qua bao thăng trầm sóng gió, hạnh phúc hay đau thương cũng có với nhau ít nhiều kỷ niệm trong cuộc sống vợ chồng và mấy mặt con. Tuổi đời chúng tôi trên dưới 80 hết rồi, không biết sẽ ra đi lúc nào thì tại sao mình không thể gặp nhau một lần để tha thứ cho nhau? Dù sao đó cũng là mối tình đầu của tôi mà
 
Tôi lại mất ngủ một đêm để viết thơ gởi Má xấp nhỏ
 
"Lỗi ở tuổi trẻ của tôi đã làm điều gì đó khiến Má nó buồn trong bụng mà không chịu nói ra. Mấy chục năm nay xa nhau, tôi nghĩ Má nó giận đủ rồi, thôi thì cho tôi xin lỗi dù muộn màng, coi vậy mình cũng không còn nhiều thời gian để sống nữa đâu, tôi cũng mong muốn gặp lại Má nó , mình sẽ coi nhau như hai người thân trong gia đình có nhiều con cái cháu chắt , không hẳn là sự ràng buộc vĩnh cửu nhưng đó là tình yêu thương còn lại trong trái tim tôi dành cho Má nó, hãy tha thứ cho tôi."
 
Thơ viết tay nắn nót, gởi đi rồi tôi thấy mình giống như tên học trò vụng dại ngày xưa cứ mong ngóng được hồi âm, lẽ nào Má nó giận dai đến như vậy sao?
 
Một sáng cuối Thu, tôi đi bộ trong công viên đầy lá vàng, bên cạnh em nhỏ đang ríu rít kể chuyện này kia ( mà lạ, em lúc nào cũng ríu rít hồn nhiên dù ở tuổi gió heo may ) tôi nghĩ mình đã quên lá thơ gởi Má nó. Hạnh phúc ở ngay bên cạnh mà tìm kiếm chi xa xôi, tôi không mong đợi điều gì nữa, chợt phone reo, cái số lạ mà giọng nói rất quen, mấy chục năm rồi tôi làm sao không nhận ra được tiếng Má nó trầm ấm dịu dàng, cũng vì oanh vàng thỏ thẻ này mà tôi say đắm suốt thời tuổi trẻ. Tôi bật volume lớn để em nhỏ cùng nghe, giữa chúng tôi không có gì riêng tư, nhưng em nhỏ đã lẳng lặng rẽ lối khác, cả hai em đều biết tôi xúc động trong lúc này.
 
Chúng tôi có nhiều câu chuyện để nói với nhau, coi như khoảng cách mấy mươi năm trước không hề tồn tại, bây giờ chỉ là hai người bạn già lâu ngày gặp lại, kể lể chuyện xa xưa đến cuộc sống hiện tại, chuyện con cái đứa này đứa kia,không hiểu sao tôi lại nhắc đến lần đầu tiên hai đứa ngồi Taxi đi dự tiệc cưới của người bạn và em đã chủ động nắm lấy tay tôi. Em cười trong phone khiến tim tôi run rẩy. Vậy là em đâu có quên những khoảnh khắc dịu êm đó, nhưng sao em đành đoạn bỏ tôi?
 
Tuy không ai nói ra, nhưng chúng tôi đều biết rằng mình đã tha thứ cho nhau kể từ đây. Lòng tôi chợt nhẹ nhõm, chuyện đơn giản vậy mà sao mình không nói sớm hơn, may mà có em nhỏ mách nước, may mà tôi có nhỏ cuối cuộc đời này.
 
"Hồi nhỏ tôi cưới vợ lớn và bây giờ già tôi cưới vợ nhỏ" Cả hai người phụ nữ đi qua đời tôi đều đáng để tôi yêu thương, dù tôi biết có thứ hạnh phúc cũng tả tơi cay đắng nhưng mà có qua nếm trải mới nhận ra sự ngọt ngào cuối cùng.
 
Tôi cám ơn em biết bao nhiêu nhỏ ơi!
 

Ý kiến bạn đọc
20/01/202104:20:06
Khách
Trường văn khoa trường dược đối diện trên góc đường cường để và thống nhất
2 người gặp nhau phải rồi, khg hiểu sao người vợ khg đi cho hết đoạn đường với xã hội vn thi là điều xấu. Xem xong cấm giác buồn cám ơn tác giả bài viết hay
05/01/202102:45:08
Khách
Một người đàn bà đành đoạn bỏ cả bầy con thơ dứt áo ra đi thì không còn gì để nói nữa . Truyện hay và cảm xúc, có thêm đoạn văn sau làm MẤT HAY .
02/01/202119:10:30
Khách
Mục VVNM khai mào Năm Mới với một bài viết hay và cảm động. Cách cư xử của người vợ nhỏ và của tác giả thật đáng tán thưởng.

" Sau cơn mưa trời lại sáng", mừng cho tác giả đã tái giá được với người vợ thứ hai đầy ưng ý "chúng tôi chia sẻ vui buồn, cùng đồng điệu chuyện thơ văn sách vở, luôn yêu thương và chăm sóc cho nhau".
01/01/202119:52:11
Khách
Lời xin lỗi chân thành bao giờ cũng là liều thuốc trị bệnh tim hữu hiệu và cần thiết nhất. Cám ơn tác giả đã cho chúng tôi thưởng thức một câu truyện hay với đoạn kết được tô điểm bằng hạnh phúc của sự bao dung độ lượng. Cầu xin năm 2021 sẽ mang đến cho tất cả chúng ta sự bình an & hạnh phúc.
01/01/202110:20:48
Khách
Nhỏ này dễ thương chi lạ! Nhỏ đã giúp...hai Lớn gỡ được cái nút thắt trong lòng đã gút mấy chục năm trời. Giỏi lắm!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,680,330
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ Đặc biêt 2018 và giải Danh dự 2019. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt.
Trong phòng hồi sinh của một bệnh viện nổi tiếng tại Chicago, bà Anderson vẫn ngồi im lìm bất động. Bà đã ngồi như thế mỗi ngày gần 10 tiếng, trong suốt hơn một tuần lễ. Ở nơi bà, có lẽ sự sống chỉ còn biểu hiện qua đôi mắt luôn dán chặt trên chiếc máy đo tim với những nhịp tim đập thật yếu ớt được đặt sát cạnh chiếc giường của bệnh nhân, và trên giường là một cô bé chỉ khoảng 7 tuổi.Đôi mắt nhắm nghiền trên khuôn mặt xanh xao nhưng rất thanh tú với những lọn tóc vàng óng ả, cô bé đẹp như một thiên thần, đó cũng chính là Lenna, cô con gái yêu dấu bé bỏng duy nhất của bà
Chúng tôi mua con chó Kiba lâu lắm rồi mãi tận bên tiểu bang Iowa của một nhà nông người Amish. Nó thuộc loại chó Nhật Shiba Inu rất đẹp trai với cặp mắt mầu xám, tai vểnh nhọn hoắt và chiếc đuôi quăn tít. Khi chàng cóp nhà tôi, con trai cả, lấy vợ và nó bưng con chó đi. Cho đến khi vợ nó sinh hai đứa con trai trong vòng một năm, tay ẵm tay bồng bận bịu nuôi hai công tử nên một hôm chịu không nổi chàng cóp kêu điện thoại cho chúng tôi chở nó về nhà cũ hương xưa.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Cuộc đời trước mặt. Một cảm giác mừng vui, lo âu, bồi hồi, hoang mang, xúc động không thể nào tả hết cho được. Trên mười chiếc xe bus quân sự loại lớn đưa hết người tị nạn mới đến về tạm trú tại căn cứ quân sự Longue Pointe nằm ngay trên đường Hochelaga,Montreal. Đây là một Immigration processing center hay trung tâm làm thủ tục định cư. Gia đình người gõ thuộc diện “mồ côi” nên được hội nhà thờ bảo trợ. Một tuần sau, thì được đưa ra phi trường Dorval (nay là phi trường Trudeau) để đi định cư tại Montague, một thành phố nhỏ với 2000 dân cư thuộc tỉnh bang PEI (Prince Edward Island), duyên hải phía Đông Canada.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.
Ông Tường là tổng giám đốc đồng thời cũng là người sáng lập ra công ty Tran Soft Corp. Đây là một công ty chuyên về viết chương trình cho các trò chơi điện tử cũng như tạo hình ảnh ba chiều (3D graphic) và xảo thuật điện ảnh cho các phim đời mới sau này của Hollywood. Với sự bùng nổ của các trò chơi điện tử cùng sự phát triển của nền điện ảnh ba chiều công ty của ông đã chuyển mình từ một công ty tư nhân nhỏ 20 năm trước nay đã trở thành một tổng công ty với nhiều chi nhánh khắp nước Mỹ và ở một vài nơi khác trên thế giới.
Lần đầu tiên tham gia Viết Về Nước Mỹ, Tác Giả Lương Tạ cho biết: Ông làm nghề dạy con hơn 20 năm nay. Đối với ông đó mới là nghề chính. Ông chuyên tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh gia đình và hiểu nhiều tâm tư. Nguyện vọng của ông là thế hệ trẻ Việt Nam được lớn lên biết sống hạnh phúc và có bản lãnh. Ông đã có bài viết đăng trên nhiều b́áo chí, BBC Tiếng Việt, Người Việt, Việt Báo, The New Viet, và Sài Gòn Nhỏ. LL qua facebook https://www.facebook.com/lulandanvy/ *Truyện phỏng theo chuyện thật người thật, với tên các nhân vật được thay đổi.
Chị nhận thấy anh đã bị suy hô hấp trầm trọng và gọi liền xe cứu thương. Người ta đưa anh vào BV Maisonneuve – Rosemont ngày 06/05, họ nhận thấy phổi anh chỉ còn 34% không khí bảo hòa, anh liền được đặt ống thở và được đưa vào khu cấp cứu đặc biệt (phải biết rằng muốn được sống còn thì con người cần phải có khoảng 90% không khí bảo hòa trong phổi)… Trong khu cấp cứu, ngoài đặt ống thở, các BS còn làm đủ cách nhưng phổi của anh đã quá sưng để làm nhiệm vụ của nó.
Vì tình hình và ảnh hưởng của Covid 19 về khả năng họp mặt cũng như khả năng tài chánh, bảo trợ, tham dự… Viết Về Nước Mỹ chính thức thông báo hủy bỏ giải thưởng năm 2020. Tháng Tám năm 2021, Viết Về Nước Mỹ sẽ trao giải năm 2020-2021 gộp chung. Ban tổ chức Viết Về Nước Mỹ xin trân trọng cảm ơn quý độc giả và quý tác giả, mong tiếp tục nhận bài tham dự và xin chúc sức khỏe, an lành.