Vĩnh Chánh
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
***
Cecile Eledge, một bà mẹ 61 tuổi với 3 người con trưởng thành, có một thể lực mạnh nhờ vào quan tâm đến dinh dưỡng và siêng năng tập thể thao. Qua lối sống tốt đẹp ấy, bà Eledge đã nhận một tưởng thưởng cao quý khó tin được khi bà đã hạ sinh một bé gái cân nặng 5 lb, vào ngày 25 tháng 3, 2019 tại Nebraska Medical Center. Ulma, tên bé gái sơ sinh, lại chính là cháu của mình.
Đúng vậy, Ulma là con gái của con trai của Eledge, Matthew Eledge, 32 tuổi, cùng với chồng của anh ta là Elliot Dougherty, 29 tuổi. Và đây là một câu chuyện có thật, không những là một thành quả của Y Khoa hiện đại, mà còn là một hoàn tất trọn vẹn của tình yêu thương tuyệt đối vượt ra khỏi ràng buộc truyền thống của xã hội và tín ngưỡng, nhờ vào sự hổ trợ của nhiều người đàn bà có đầy từ tâm và ý chí.
Ulma là kết quả thụ thai nhân tạo từ noản châu của Lea Yribe, em gái của anh Dougherty, được thụ tinh với tinh trùng cùa anh Matthew, rồi cấy vào tử cung của mẹ Matthew là bà Cecile Eledge. Ngay từ lúc chào đời, bé Ulma hoàn toàn sống nhờ sữa mẹ cung cấp bởi một người bạn gái quen thân với Matthew từ thủa thiếu thời. Người bạn này tự bơm sữa của chính mình và cất giữ trong ngăn đá sau khi sinh con của mình từ cả năm trước.
Xin hãy nghe lời tâm sự của Matthew, một giáo sư trung học tại Omaha, Nebraska: “Với tôi, câu chuyện tạo thành sự sống này là một tuyệt tác vĩ đại. Là một sáng tạo vô cùng đẹp đẽ, vô cùng thanh khiết. Thật cực kỳ quan trọng và vĩ đại khi tất cả những người đàn bà liên hệ trong sự ra đời của Ulma đều một lòng mong muốn Ulma được hiện diện trong thế giới này. Đó chính là tình yêu vô giới hạn cho một mầm sống. Họ quả thật là những người can đảm và đầy từ tâm. Quà tặng vô giá này sẽ vun xới thêm cho đời sống vợ chồng chúng tôi với thật nhiều ý nghĩa.”
Từ trái sang phải: Lea Yribe, Matthew, Cecile, và Elliot.
Ý nghĩ mang thai cho Matthew và Dougherty là sáng kiến của bà mẹ Cecile từ khi con trai Mattheew lấy chồng vào năm 2015, sau khi Matthew nhiều lần tâm sự với mẹ về sự mong ước có một đứa con sống chung trong gia đình, dù đó là từ nhận nuôi con cho sở xã hội, hay xin con nuôi, hoặc xa vời hơn nữa là tìm kiếm một người mang thai giùm. Bà Cecile nhớ lại mình đã trả lời một cách vô cùng tự nhiên, không một do dự “còn gì hạnh phúc hơn, cao quý hơn nếu bà ngoại sẽ là người mang thai cháu của mình”. Vì bà biết ngay từ thâm tâm mình sẽ làm bất cứ điều gì tốt đẹp nhất có thể làm được để mộng ước con mình trở thành hiện thực, và bào thai nhất quyết sẽ phải khỏe mạnh trong suốt thời gian còn trong bụng bà.
Dù biết mẹ thương yêu mình và sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của mình, Matthew vẫn không dám nghĩ đến lời đề nghị của mẹ một cách nghiêm chỉnh khi nhìn vào tuổi của mẹ mình. Cho đến trong một lần khám bệnh, Matthew đem chuyện mẹ mình liên tục đề nghị làm người mang thai giùm để giỡn với vị bác sị gia đình từng săn sóc vợ chồng mình, vì Matthew nghĩ điều đó không thể xẩy ra được. Bấy giờ bác sĩ Carolyn Doherty, một bác sĩ chuyên khoa về nội tiềt sinh sản tại Women’s Hospital ở Omaha, trả lời một cách nghiêm trang là chuyện đó dứt khoát có thể thực hiện được.
Thời gian không lâu sau đó, bà Cecile bắt đầu một chuỗi dài của những thử nghiệm và xét nghiệm máu để biết chắc bà có sức khỏe hoàn hảo. Đó là cả một quá trình xét xử nghiêm chỉnh, dài và khoa học do một nhóm bác sĩ chuyên môn đảm nhận nhằm quyết định bà Cecile có đủ khả năng trở thành một bà mẹ mang thai giùm. Kết quả cho thấy bà Cecile hoàn toàn thích ứng cho dự án có một không hai này. Và tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều khẳng định bà Cecile có đầy đủ khả năng hoàn tất chức vụ mang thai giùm và sẽ sinh đẻ bằng đường tự nhiên. “Chúng tôi không hề nghĩ chúng tôi làm việc cẩu thả hoặc vô ý thức, không có cơ sở y khoa chắc chắn đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho cả mẹ lẫn con – cho cả bà và cháu”
Vậy là các bác sĩ bắt đầu sử dụng những kích thích tố nữ cho bà Cecile để bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, và một khi cơ thể bà sẵn sàng, họ thực hiện thụ tinh nhân tạo cho bà. Vì Cecile là một bà nội trợ không phải đi làm bên ngoài, nên bà chỉ có một trách nhiệm duy nhất là chăm chú vào sức khỏe bào thai trong bụng mình. Trong khi ấy, dù mẹ mình luôn tỏ vẻ tự tin, nhưng Matthew phải sống những tháng đầy lo âu, vừa cho sức khỏe của mẹ mình mà vừa cho cả tăng trưởng và sinh mệnh của bào thai bên trong. Sau 37 tuần mang thai, bà Cecile đã hạ sinh một bé gái hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh. Bà tâm sự với chồng mình là Kirk, đồng thời cũng là cha của Matthew, rằng “chúng ta đã làm tất cả như Matthew và Elliot mơ ước. Tạ ơn Chúa”.
Sư ra đời của Ulma đã tạo nền móng cho một mẫu gia đình mới lạ: bà ngoại mang thai cho con trai mình với người chồng cùng giới tính. Vì vậy, tuy trước đây họ có đời sống rất riêng tư, e ngại dư luận, nay họ lại mong muốn câu chuyện có tính cách tiên phong này được nhiều người biết đến, đặc biệt với những cặp vơ chồng đồng giới tính mong ước có con nhưng không biết cách. Và đây không không phải chỉ đơn giản là một ý thích qua đường, mà phải là một quyết định quan trong, bao gồm trợ giúp tinh thần từ nhiều người, kể cả chi phí to lớn y tế cho toàn bộ dự án, cùng với chi phí giấy tờ luật pháp.
Một khi Ulma có đủ trí khôn, Mathew và Dougherty dự định sẽ nói cho con mình như sau “Dì Lea đã cho con hạt giống; bà ngoại con đã nhận nuôi con trong vườn cho đến ngày nở thành một đóa hoa quý báu.” Rõ ràng là như vậy, vì lúc còn là trứng, Ulma chưa có ý thức mình sẽ như thế nào. Bây giờ với sự hiện diện của Ulma, gia dình 3 người đang tạo ra một thể thức mới. Hoàn toàn mới lạ, hội nhập trong yêu thương. Cho đến ngày Ulma nhận thấy có sự khác biệt giữa gia đình mình so với gia đình khác, bấy giờ Matthew sẽ giải thích thêm vì sao có sự khác biệt. “Và tôi tin tưởng Ulam sẽ rất hãnh diện khi thấu hiểu câu chuyện. Một câu chuyện muôn thuở của nơi nào có tình thương, ở đó có sự sống”.
Thật đúng vậy. Khi chúng ta bỏ nhiều thì giờ chăm bón yêu mến cây cỏ, sân vườn sẽ tràn ngập bông hoa đầy màu sắc. Nếu không có tình thương bù đắp, các trẻ tàn tật sẽ mất dần sự sống. Khi ta hiến tặng nội tạng, cuộc sống nhiều người sẽ được cứu độ. Phải chăng đây là tình thương khi chúng ta từng thấy cảnh nhiều lính cứu hỏa đào sâu xuống ống cống để chỉ giải thoát một chú chó con!? Hay khi chúng ta thích thú nhìn thấy nhiều người nắm tay nhau tạo thành một dây dài để cứu một chú nai con bị kẹt trong dòng sông đóng băng. Và biết bao câu chuyện tương tự từng chứng minh nơi nào không có tình thương, không có ánh sáng, nơi ấy sẽ là bóng tối, là tội lỗi, là chỗ chết.
Trong cùng một tinh thần, Hội Y Khoa Huế Hải Ngoại chúng ta cần nương dựa vào tình yêu thương của quý bạn để không những sinh tồn mà còn vững mạnh theo thời gian. Thử nghĩ nếu không có các bạn chí chóe trên diễn đàn, nếu không có những “đụng độ”, những gay cấn “nhẹ nhàng”, thì sinh hoạt một chiều sẽ nhàm chán, mất nhiều lôi cuốn. Phải có thương mến mới có nhường nhịn nhau, phải biết hòa đồng mới hỉ xả cho nhau. Rồi vườn hoa 99 Độ của Hội, nếu được nhiều lươt người vào thưởng lãm, là nhờ các bạn thường xuyên chăm sóc, đem yêu thương vun xới bằng những áng văn trong sáng qua những câu chuyện, những chia sẻ tâm sự thật đẹp, thật thân ái. Quý hóa thay cho tình đồng môn của chúng ta.
Viết trong mùa Giáng Sinh 2020, mùa của Tình Thương, Sự Sống, Niềm Vui và Bình An cho mọi người.
Vĩnh Chánh.
** Phóng tác theo https://www.goodmorningamerica.com/wellness/story/
https://www.foxnews.com/health/nebraska-woman-61..
https://www.cbsnews.com/news/61-year-old-woman...
">candipharm</a>