Hôm nay,  

Người Hùng Của Tôi

18/06/201800:00:00(Xem: 10811)
Tác giả: Trần C. Trí

Bài số 5415-19-31256-vb2061818

 
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 2018 tại Hoa Kỳ. Mời đọc bài viết về thân phụ của một nhà giáo. Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt Bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.

Nguoi Hung_Tran C Tri
Thân phụ và tác giả: “Trong các sinh hoạt văn hóa ngày tết Việt Nam ở UC Irvine, do tôi phụ trách, Ba tôi thường tham dự để giúp đỡ.”

 
***

 
Kính dâng hương hồn Ba nhân ngày Hiền Phụ ở Mỹ.

Qua Mỹ, ngoài việc học thêm tiếng Anh, ai trong chúng ta cũng được học hỏi rất nhiều về nền văn hoá của xứ Cờ Hoa. Một trong vô số những điều tôi được học hỏi ở xứ này là nhân một dịp đi phỏng vấn việc làm. Câu hỏi đó do người phỏng vấn đặt ra như sau: “Who are your heroes?” (tạm dịch là ‘những người hùng của anhlà ai?). Tôi nhớ lúc đó, vì không ngờ lại có câu hỏi oái oăm này, chỉ vội nghĩ đến và kể ra một vài danh nhân Hoa Kỳ như hai vị tổng thống George Washington và Abraham Lincoln, để gọi là ta đây cũng biết về lịch sử Mỹ và coi hai vị này như những thần tượng của mình.

Về sau, tôi biết được rằng có nhiều thanh thiếu niên Mỹ đã không ngần ngại mà nói rằng cha (hay mẹ) của các em chính là người hùng của mình. Nghe vậy, tôi đâm ra nghĩ ngợi. Thế thì tôi cũng có thể tuyên bố ba tôi là người hùng của tôi hay không? Tôi đem ý nghĩ này nói với chị tôi. Tôi hỏi chị:

- Chị nghĩ sao về chuyện này? Ba của tụi mình hẳn nhiên là một người đàn ông tốt. Nhưng liệu mình có thể nói rằng ba là người hùng của mình hay không?

Tôi nhớ lúc đó chị tôi chỉ cười mà không trả lời. Chắc chị cũng đắn đo như tôi. Ba tôi là người hùng của chúng tôi hay không thì tôi chưa rõ, nhưng tôi chắc một điều rằng ba tôi là một người cha đã làm tròn bổn phận của đấng sinh thành đối với chúng tôi.

Lúc còn ở Việt Nam, ba tôi giải ngũ vào năm 1972 với chức vụ đại uý (cũng nhờ vậy mà sau năm 1975 ông không phải vào cái gọi là “trại cải tạo” của cộng sản khi chiến tranh chấm dứt). Sau đó, ông vào làm ở ngân hàng Việt Nam Thương Tín với chức vụ kế toán trưởng. Dường như cả đời ba tôi chỉ biết say mê làm việc để vợ con được no ấm.

Tôi còn nhớ những đêm má tôi ngồi đợi ba về thật khuya, trên bàn ăn có bày nồi cháo tim cật nóng sốt, “để ba con tẩm bổ vì làm việc khuya khoắt quá”, má bảo vậy. Ba tôi sống hết mình với công việc, buồn vui với công việc, trăn trở với công việc. Nhiều ngày ba đi làm về, không thiết ăn uống gì vì sổ sách không “balanced”. Có hôm ông lại vui vẻ khi về đến nhà, khoe có một người khách Pháp đến ngân hàng mà không có nhân viên nào nói được tiếng Pháp ngoài ông giám đốc và ba tôi. Ông giám đốc bận trên lầu, nên chỉ còn có ba tôi là người duy nhất có thể tiếp xúc với người Pháp đó.

Cộng sản vào, ngân hàng Việt Nam Thương Tín không còn nữa, ba tôi xoay qua nghề bán vé số. Hình ảnh một ông cựu đại uý Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, cựu kế toán trưởng ngân hàng, ngồi sau một cái bàn nhỏ ở góc phố bán vé số, mường tượng ra đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy bùi ngùi. Lúc đó, trong nhà tôi mọi người thường trêu ba là “hợp tác với cộng sản”, vì vé số là do công ty xổ số của “nhà nước” phát hành chứ không ai khác.  Mỉa mai thay, cũng chính là nhờ ẩn nhẫn ngồi bán vé số của nhà nước cộng sản mà ba tôi đã nuôi cả gia đình suốt bao nhiêu năm trời, cho đến ngày ông lên đường đi Mỹ do chị tôi bảo lãnh.

Qua đến Mỹ, ba tôi coi như đã về hưu. Má tôi mất trước ngày giấy tờ xuất cảnh của gia đình được hoàn tất. Ngày đoàn tụ của gia đình chúng tôi không được trọn vẹn vì thiếu má, nhưng cuộc sống thì vẫn phải ngậm ngùi tiếp diễn. Có ba tôi qua Mỹ, chị em tôi đã có một bóng mát chở che sau những năm tháng bơ vơ trên xứ người. Ba là duyên cớ cho chúng tôi tụ họp mỗi cuối tuần để trò chuyện, ăn uống với nhau.

Ba tôi qua Mỹ mới có vài tháng thì tôi may mắn chiếm được giải nhất trong cuộc thi hùng biện bằng tiếng Pháp ở trường đại học. Giải thưởng là một chuyến đi học thêm tiếng Pháp trong một tháng. Người mừng hơn cả tôi chính là… ba tôi! Ông mừng không những vì hãnh diện có thằng con vừa đoạt giải thưởng, mà còn mừng cho chính ông là nhờ đó, ông sẽ đạt được ước mơ biết xứ Pháp mà ông đã từng mơ mộng đến trong suốt tuổi thanh niên. Dạo thập niên 90, chuyện du lịch vòng quanh thế giới không dễ dàng và phổ biến trong cộng đồng người Việt như bây giờ. Thế nên có dịp cùng tôi đi Pháp là một cơ hội hiếm có đối với ba tôi.

Ba tôi lớn lên trong thời kỳ Pháp thuộc, thuở giao thời còn được học cả chữ Nho. Điều khá buồn cười là ba tôi giỏi chữ Nho và chữ Pháp còn hơn là tiếng Việt.Những cuốn tiểu thuyết mà ông đã đọc qua chỉ toàn bằng tiếng Pháp chứ ít cuốn nào bằng tiếng mẹ đẻ. Một trong những cuốn sách mà lúc nào ba cũng nhắc đến khi có dịp là cuốn “Les Étoiles” (‘Những Vì Sao’) của nhà văn Alphonse Daudet, đặc biệt là truyện ngắn “La chèvre de Mr. Séguin” (‘Con dê của ông Séguin’) trong cuốn đó. Hỏi ông về chữ Nho hay chữ Pháp thì ông có thể trả lời vanh vách, chứ chữ Việt thì phải nóiông không rành bằng con trai của ông, kẻ cả đời đã ngốn không biết bao nhiêu cuốn tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn và cơ man nào là những tiểu thuyết dưới thời cộng hoà, qua thời cộng sản, và qua đến dòng văn học Việt Nam hải ngoại ngữa.

Thế là vừa đến Mỹ, còn chân ướt chân ráo, ba tôi đã cùng tôi bay đến Paris, thành phố trong mộng của ông và của cả tôi nữa. Một tháng trời ở Pháp, ba tôi và tôi đã nghiễm nhiên trở thành đôi bạn đồng hành của nhau. Chúng tôi ngụ tại nhà một người dì họ tốt bụng cho cha tôi tôi ở trên căn gác. Ba tôi ở với gia đình dì suốt tuần lễ.Tôi thì share một căn phòng trong một căn chung cư của một cô gái Tâyở Quận 10để đi học cho gần. Cô này là cháu của bà giám đốc củatổ chức Alliance Française, nơi đã cho tôi học bổng đi Pháp. Mỗi ngày, tôi dùng métro đi học lớp tiếng Pháp đàm thoại, rồi chiều về lại khu chung cư. Cuối tuần, tôi mới về nhà dì để ở với ba tôi và cùng ông đi thăm thú kinh đô ánh sáng hoa lệ. Hai cha con lang thang khắp nơi trong thủ đô nước Pháp, đến những chỗ ngày xưa chỉ biết qua sách vở như vườn hoa Tuilleries, Arc de Triomphe, rừng Boulogne, toà nhà Montparnasse, hay đi thơ thẩn qua những sạp báo ven bờ sông Seine. Chúng tôi còn lên tít trên đỉnh của tháp Eiffel, nhìn toàn cảnh thành phố Paris phía dưới mà cứ ngỡ mình đang đứng trong mơ.

Về lại Mỹ, ba tôi bắt đầu những ngày sung sướng nhất trong cuộc đời ông. Ngày còn nhỏ, ông mồ côi mẹ sớm. Ông nội tôi vướng vào tật đa thê, có đến ba bà vợ. Khi bà nội tôi mất, ông phải sống với bà nội út của tôi trong cảnh mẹ ghẻ con chồng. Ông nội tôi làm công chức cho Tây, ít ngó ngàng đến con cái. Ba tôi thiếu thốn đến nỗi chỉ có một hai bộ quần áo mặc trên người. Bên dòng sông miền quê nơi ba tôi ở, ông kể lắm khi phải cởi hết quần áo ngồi giặt rồi chờ khô mới mặc trở lại chứ không có cái khác mặc vào. Thuở thanh niên, ba tôi gầy gò vì thiếu ăn mà lại phải học thật nhiều. Có khi ông muốn đáp xe lửa về thăm nhà mà không còn đồng xu dính túi. Một người bạn tốt bụng cho ông mượn một đồng bạc để mua vé về quê. Người bạn ấy, mãi mấy chục năm sau ba tôi mới liên lạc lại được. Lúc ấy, ông ta vẫn ở Việt Nam. Ba tôi từ Mỹ gởi về một một số tiền cho ông, coi như là trả lại món nợ ân tình ngày xưa. Cố nhiên, nợ tiền bạc thì đã trả, nhưng ân tình thì chắc không bao giờ trả được.

Có một tuổi thơ thiếu thốn như thế, đối với ba tôi, nước Mỹ quả là thiên đường nơi hạ giới. Ông cũng bắt đầu được lãnh “tiền già”, chẳng để tiêu pha gì cho riêng ông vì mọi chuyện chị em tôi đều lo cả. Tiền túi  của ông là để thỉnh thoảng gởi về cho những người bà con hay bạn bè còn ở Việt Nam, hoặc để cho các cháu nội ngoại vào ngày tư ngày tết hay sinh nhật sinh nguyệt gì đó. Ba tôi không ở với riêng ai trong chị em chúng tôi cả. Ông “đi vòng vòng” từ nhà đứa con này qua nhà đứa con khác trong một tuần lễ. Nhà chị em chúng tôi đứa nào cũng có một phòng dành cho ông. Riêng tôi được ông ở với vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật mỗi tuần.

Ngày xưa, ba tôi mải mê đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, mọi việc trong nhà đều cậy vào má tôi. Chị em tôi ít có dịp gần gũi ba. Thuở trước, cuộc sống còn khó khăn, cả trong thời kỳ còn chiến tranh và thời kỳ cộng sản, làm gì có chuyện gia đình đi nghỉ mát với nhau để có dịp gần nhau. Bây giờ ở Mỹ, tôi mới thấy ông thực sự là… ba của tôi, được “sở hữu” ông, được lo cho ông về tất cả những điều nhỏ nhặt nhất.

Những ngày ba tôi ở bên tôi, dần dà tôi thấy ông đã trở thành một người bạn của mình lúc nào không biết. Tất nhiên là ba tôi và tôi có những sở thích khác nhau. Tỉ dụ như ông rất mê thể thao trên ti-vi, còn tôi thì chỉ thích coi đá banh… bốn năm một lần khi có giải túc cầu thế giới. Tôi mừng vì ông có niềm đam mê đó nên chị em chúng tôi không bao giờ phải lo là ba mình thấy chán cả. Thôi thì hết đá banh, ba tôi coi qua bóng rổ. Hết bóng rổ, ông coi tennis. Ông ngồi coi các trận đấu say mê, người cứ giật lên từng cơn theo diễn biến trên màn ảnh truyền hình. Nếu ông không luôn miệng reo hò cổ võ, thì cũng bực tức mắng mỏ những con gà nòi của ông sao mà chơi dở quá, làm ông thất vọng. Phải quan sát ba tôi, một cụ ông chín mươi mấy tuổi đời, hăng say cổ võ các trận đấu mới thấy là thanh niên đôi mươi hãy còn thua xa ông về mặt sức lực!

Ngoài thể thao trên truyền hình, ba tôi còn thích đọc báo tiếng Việt. Bao nhiêu tờ báo “free” trong vùng Little Sài Gòn, chúng tôi đem về cho ông, ông “ngốn” hết! Ba tôi cận thị phải mang kính, nhưng có một điều ngộ nghĩnh là lúc đọc báo, ông lại tháo kính ra, nheo một mắt lại rồi mới bắt đầu đọc. Như vậy, cả ngày nếu ông không xem ti-vi thì cũng đọc báo, chúng tôi yên tâm.

Dạo sau này, sức khoẻ ông có kém đi đôi chút, thỉnh thoảng ông lại ngất xỉu thình lình. Cũng may là những lần xảy ra như vậy, chị em tôi lúc nào cũng có một đứa bên cạnh nên cuối cùng cũng tai qua nạn khỏi.

Cha con tôi khá hợp nhau về phương diện văn chương, chữ nghĩa, nên câu chuyện của chúng tôi thường xoay quanh những đề tài đó. Như đã nói ở trên, ba tôi giỏi tiếng Hán (nên cũng biết một chút về chữ Nôm) và tiếng Pháp. Dạo tôi còn đi học về ngành tiếng Tây-ban-nha, rất nhiều khi tôi học tiếng Tây-ban-nha qua tiếng Pháp của ông.

Tiếng Pháp và tiếng Tây-ban-nha là hai thứ tiếng “chị em”, rất giống nhau về nhiều mặt, nhất là mặt ngữ vựng. Nhiều lúc tôi lười không muốn tra từ điển, sẵn có ông bên cạnh như là một cuốn từ điển sống, tôi tha hồ hỏi ông những chữ Tây-ban-nha mà tôi không biết nghĩa. Tôi cũng biết tiếng Pháp nên chỉ việc “hoán chuyển” những chữ Tây-ban-nha muốn biết thành những chữ Pháp tương đương để hỏi ba tôi. Tất nhiên cũng có lúc ba tôi cho biết là tiếng Pháp không có một số chữ tương đương, hay cũng có mà tôi lại thấy có nghĩa khác (những chữ này gọi là ‘faux amis’ hay ‘bạn giả’!). Có khi hai thứ tiếng cùng có một danh từ giống nhau, nhưng ở tiếng này nó là giống đực (‘el diente’ là ‘răng’ trong tiếng Tây-ban-nha) mà trong tiếng kia lại là giống cái (tiếng Pháp là ‘la dent’).

Ba tôi dạy cho tôi rất nhiều thành ngữ, tục ngữ trong tiếng Pháp. Mỗi khi nói về một tình huống nào đó mà ông biết có một câu liên quan trong tiếng Pháp, ông lại đọc cho tôi nghe. Chẳng hạn như khi tôi nói với ông là đang bối rối chưa biết phải quyết định ra sao về một việc gì, ông lại bảo tôi “La nuit porte conseille” (đại khái là ‘ban đêm sẽ mang lại lời khuyên cho mình’, cũng như người Mỹ nói ‘sleep on it’ vậy). Hay lúc ba tôi ưa mặc đi mặc lại một cái áo hay cái quần đã cũ rích, trong lúc chị em tôi sắm cho ông không thiếu gì quần áo mới, tôi cằn nhằn ba tôi về chuyện này thì ông lại xổ tiếng Tây “Guenille, si l’on veut, ma guenille m’est chère.” (ý ông muốn nói ‘Ai bảo tôi mặc áo rách thì cứ bảo, tôi vẫn thương cái áo rách của tôi’!). Có lúc tôi đang bị cảm cúm và than với ông là bệnh sao cứ kéo dài hoài chưa hết, ông lại nhẹ nhàng nhắc nhở “La maladie vient vite et s’en va lentement” (‘Bệnh đến thì nhanh, bệnh đi thì chậm’). Nhiều lắm, nhiều lắm. Ghi lại hết những câu như thế chắc cũng cần một cuốn sổ tay mới đủ.

 
Trong lúc đi dạy, tôi thường làm thêm những đồ dùng dạy học hay trò chơi cho học trò học đỡ chán. Ba tôi rất khéo tay (một đặc điểm của bên nội tôi), vẫn thường giúp tôi làm những món mà tôi “gợi ý” để ba tôi thực hiện. Ví dụ như bộ trò chơi bắt chước theo game “Wheel of Fortune” trên ti-vi Mỹ, tôi “cải biên” lại để áp dụng vào các lớp tiếng Pháp, tiếng Tây-ban-nha, tiếng Anh và tiếng Việt mà tôi đang dạy. Thế là ba tôi say mê, ngày đêm cặm cụi giúp tôi làm từng chi tiết mà bộ đồ chơi đòi hỏi như bánh xe quay số, bảng đố chữ và những chữ cái cần thiết cho trò chơi, nhất nhất ông đều tỉ mẩn làm cho tôi. Cuối cùng, ông còn làm một cái hộp lớn to bằng hai cái va-li bình thường, có gắn cả bánh xe cho tôi kéo đi, khỏi phải tay xách nách mang.

Một lần khác, tôi “order” ba tôi làm giúp một người máy bằng gỗ, to bằng đứa bé hai ba tuổi. Tôi muốn có một robot biết nói tiếng Tây-ban-nha theo giọng người từ hành tinh khác xuống, để dùng dạy bài về thì quá khứ. Ba tôi lại lao vào “dự án” mới, giúp tôi hoàn thành học cụ độc đáo này. Dạo ấy, compact dics chưa thịnh hành, ba tôi dùng cái máy cassette tôi đưa cho, trong có cuộn băng thu sẵn giọng nói robot bằng tiếng Tây-ban-nha (do tôi giả vờ!), bỏ vào thân người máy. Ông làm hai con mắt bằng điện nhấp nháy lúc robot nói, và còn gắn một cái máy tính bằng tay trước người robot, để nhìn cho giống... người máy hơn! Sau đó, dĩ nhiên là ông làm một cái hộp dài có quai xách, trịnh trọng bỏ người máy vào trong cho tôi xách đi dạy.

Ở trường UC Irvine, nơi tôi dạy học, hằng năm chương trình ngữ văn tiếng Việt do tôi phụ trách vẫn cùng các chương trình tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Hàn tổ chức một hội chợ nhỏ mỗi lần Tết Âm lịch trở về, để giới thiệu những nét văn hoá cổ truyền của từng quốc gia đến các sinh viên đang theo học các các lớp ngôn ngữ. Ba tôi cũng hăng hái tham gia vào sinh hoạt này của chúng tôi. Có năm thì ông phụ trách vẽ một cái poster cho cả chương trình với hình con vật cầm tinh trong năm đó. Có năm ông mặc áo dài khăn đóng theo tôi lên trường, ngồi viết thư pháp bằng chữ Nôm đầu năm cho các em sinh viên. Ông dùng từ điển chữ Nôm, soạn ra những câu có tính chất may mắn trong năm mới như “Cha mẹ sống lâu”, “Sức khoẻ dồi dào”, “Việc làm tốt đẹp”, v.v. rồi viết chữ thảo màu đen trên giấy đỏ như các cụ đồ nho ngày xưa, theo lựa chọn của các em.

Những năm sau này, khi tuổi tác làm ông trở nên mệt mỏi hơn, ông không còn theo tôi lên trường nữa mà viết sẵn ra những câu chữ Nôm đó cho tôi photocopy ra. Các sinh viên chỉ việc quay số để trúng một trong những câu may mắn đầu năm đó. Đến bây giờ tôi vẫn dùng những bản copy này cho sinh viên mỗi dịp Tết đến.

Ngày xưa khi tôi còn bé, ba tôi chỉ là một người cha suốt ngày bận bịu, hết trong quân ngũ lại đến trong ngân hàng, sau ngày cộng sản vào lại ngồi phơi mưa nắng ngoài hè phố để bán vé số. Làm gì có lúc nào rảnh để chuyện trò với chúng tôi. Chuyện trong nhà từ A đến Z, má tôi lo hết, kể cả chuyện dạy các con làm người.

Mấy mươi năm sau, khi ba tôi ở với chúng tôi ở Mỹ, tôi mới thấy được hình ảnh trọn vẹn của một người cha ở ba tôi. Ba bắt đầu dặn dò, nhắc nhở chúng tôi những điều mà ngày xưa chỉ có má tôi lo đến. Ngày trước, chúng tôi có đi đâu chơi về khuya thì cũng chỉ má tôi là người là người lo lắng, vì ba đi làm tận khuya mới về. Sau này ở Mỹ, mỗi lần chị em trong nhà tôi có ai đi chơi xa, ba tôi đều bịn rịn dặn dò chúng tôi nhớ lái xe cẩn thận. Lúc chúng tôi về đến nhà thì ba lại chắc lưỡi “Đi đâu mà đi lâu quá!” Những cử chỉ, thái độ hay lời nói như vậy, ngày xưa chúng tôi chỉ thấy và nghe ở má tôi. Giống như bây giờ ba đóng luôn hai vai trò của cha và mẹ thay cho má tôi vậy.

Tôi thấy không những mình đã tìm được hình ảnh của người cha qua ba (một cách muộn màng) mà còn là hình ảnh của một người bạn tâm đầu ý hợp với mình nữa. Ngày ba mới qua Mỹ, tôi còn đi học cho tới bảy năm sau mới xong, nên ba là người tôi thường đem chuyện học hành ở trường về kể hay xin ba giúp ý kiến. Ba tôi là người rất hiếu học. Ngày xưa ông đã có bằng thành chung của Pháp (‘diplôme d’études primaires supérieures’).Sau này, vào quân đội rồi, ba tôi còn tự học để xin ứng thí với tư cách thí sinh tự do và thi đậu liên tiếp hai kỳ tú tài một và tú tài hai trong thời đệ nhị cộng hoà. Sau đó ba còn được nhận vào Đại học Văn khoa.

Tuy nhiên, má tôi là người cản bước hoạn lộ của ba, viện cớ rằng gia đình ở Nha Trang, làm sao ba có thể vào Sài Gòn học xa nhà trong bốn năm trời. Cơ hội lỡ làng này, ba tôi còn tiếc mãi đến tận về sau. Vì thế, ba tôi rất trông mong vào tôi là đứa con có thể thay thế mình tiếp nối những ước vọng không thành ngày xưa. Câu chuyện học hành của tôi với ba lúc nào cũng là một đề tài làm cho hai cha con cảm thấy rất tương đắc. Rồi từ chuyện trường lớp của tôi, chúng tôi lan man qua chuyện văn chương, chữ nghĩa, thậm chí cả âm nhạc, những đề tài tưởng chừng như vô tận.

Đặc biệt, ba tôi rất ưa thích bài hát “Đường xưa lối cũ” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Thoạt đầu khi nghe ba khen bài này, tôi cũng không để ý lắm. Vì những nhạc sĩ thần tượng của tôi là Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An hay Từ Công Phụng. Nhưng vì ba tôi thích nghe bài “Đường xưa lối cũ”, tôi thường vặn cho ông nghe.Có khi tôi còn cao hứng hát karaoke bài này cho ông thưởng thức nữa.Riết rồi tôi đâm ra nhập tâm, thích bài này hồi nào không biết. Ba tôi bình phẩm bài hát này nghe thú vị lắm. Ông bảo âm điệu của bài này nhẹ nhàng, êm ái, tuy là cung trưởng nhưng nghe thấythấm thía như cung thứ. Ông phân tích bài hát thật tỉ mỉ. Ông bảo: “Bài hát mở đầu bằng hai câu tả cảnh một làngquê với những nét chấm phá độc đáo như trong một bức tranh thuỷ mặc ‘Đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo. Đường xưa lối cũ, có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi’”. Rồi ông tấm tắc khen: “Kế tiếp là hai câu tả âm thanh cũng điêu luyện và gợi cảm không kém, gợi lên những sinh hoạt thường nhật êm đềm của miền quê Việt Nam, ‘Đường xưa lối cũ, có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài. Đường xưa lối cũ, có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai”. Ông thích nhất là câu ‘đường xưa còn đó, vẫn nắng lên, vẫn trăng treo ven đồi’. Ông cứ tấm tắc khen nhóm chữ ‘trăng treo ven đồi’, bảo rằng động từ “treo” tác giả dùng thật “đắc”, gợi lên ánh trăng nửa ẩn nửa hiện sau dãy đồi trong bài hát một cách thật sống động.

Lúc đó, hai cha con cùng say sưa bình phẩm bài hát. Tôi nói với ba:

- Ba khen bài này như vậy rồi, bây giờ tới phiên cho con “chê” nó một chút nghe ba. Con đồng ý với ba là về mặt hình thức, bài này rất đẹp. Nhưng về mặt nội dung, con thấy có một chi tiết không ổn.

Ba tôi nhíu mày:

- Không ổn chỗ nào, con nói cho ba nghe coi.

Tôi chậm rãi phân tích:

- Nghe người anh trong bài hát giới thiệu về em gái và mẹ mình, con thấy anh ta thương gia đình lắm. Nhưng theo bài hát, anh ta đi làm ăn ở đâu xa, lâu thật lâu mới về thăm nhà. Chẳng lẽ trong bao nhiêu năm tháng xa nhà anh ta không liên lạc gì với mẹ và em sao, mà về đến làng mới biết em đã đi lấy chồng, còn mẹ mình thì đã mất?

Trong lúc ba tôi còn đang nghĩ ngợi về những điều tôi vừa nói, tôi tiếp luôn:

- Còn một khúc mắc về mặt ngôn ngữ thể hiện tình cảm nữa. Ở phần chót của bài hát, tác giả viết “lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi”. Tại sao lại “lạnh lùng” khi tưởng nhớ đến mẹ, mà không là “ngậm ngùi” hay là “bùi ngùi”, trong khi vẫn giữ được cho thanh của hai chữ đó cho hợp với nốt nhạc?

Đó, những câu chuyện của ba tôi và tôi về nhiều đề tài khác nhau tưởng như không bao giờ cạn. Trong những giây phút đầm ấm như thế, nhiều lúc tôi lén nhìn ba, thấy ba mỗi ngày mỗi già yếu. Chạnh lòng, tôi nghĩ đến một ngày kia khi ba trăm tuổi. Chắc lúc đó tôi sẽ buồn lắm lắm. Buồn vì không những sẽ mất đi một người cha, mà còn mất một người bạn tương đắcvới tôi nữa. Nhiều lúc như đọc được ý nghĩ của tôi, ba thường nói “Sau này khi ba mất đi, ba muốn truyền lại cho con vốn liếng tiếng Pháp và chữ Nho của ba mà biết làm thế nào đây?”

Ba tôi qua đời đã ba năm nay. Cái ngày tôi sợ nhất cuối cùng đã đến. Cũng lạ kỳ, khi nhìn lại dĩ vãng, lắm khi chúng ta thường lọc lựa nó, để chỉ thấy những hình ảnh đẹp về một quãng đời, về một người nào đó. Ngày ba còn sống, tuy thương ba nhiều, tôi vẫn thấy những nét rất “người”, rất bình thường của ba hơn là những điều cao xa hơn mà bây giờ tôi đang hồi tưởng.

Ba không còn nữa, tôi mới thấy rõ hơn ba đã chi phối cuộc đời tôi mạnh mẽ như thế nào. Mấy hôm trước, khi tôi đang cần tìm một chữ Hán cần thiết cho một bài viết của mình, tôi mới thấy mình cần ba như thế nào. Như ngày trước, nếu ba không bên cạnh tôi ngay lúc đó thì cũng đang ở nhà chị tôi. Tôi chỉ cần nhấc điện thoại lên gọi cho ba là sẽ có lời giải đáp ngay. Ba mất rồi, nhưng những lời nói, những ý tưởng của ba vẫn còn mãi đó, chỉ đợi có cơ hội là hiển hiện lên trong trí tôi.

Bây giờ tôi mới nhận thức được ba tôi đã có một ảnh hưởng vô cùng sâu đậm đối với tôi trong suốt những năm tháng cận kề bên tôi ở Mỹ, từ lúc tôi còn đi học cho đến khi ra trường đi dạy, đến tận những ngày cuối cùng của ông. Trong những ngày ông nằm trong bệnh viện, ông còn dặn dò chúng tôi về chuyện gởi tiền cho họ hàng ở Việt Nam. Lúc đó, lúc vẫn còn tỉnh táo, ba tôi đã nói như trăn trối, có lẽ ông có linh cảm gì hay sao đó. Ông bảo tôi: “Con nhớ chia tiền để dành của ba ra như ba dặn và cứ thế dần dần gởi cho những người bên Việt Nam. Ba nói lần này là lần chót đó”. Rồi ông nhấn mạnh ý vừa nói bằng một thành ngữ tiếng Pháp tương đương “une fois pour toutes!”

Qua thành ngữ này, ba tôi còn dạy tôi một bài học văn phạm tiếng Pháp cuối cùng. Ba bảo:

- Con nhớ phải viết chữ ‘toutes’ có chữ “e” để theo giống cái của chữ ‘fois’ phía trước. Và thêm chữ “s” phía sau để có dạng số nhiều nghe không.

Bài học cuối của ba dành cho tôi, suốt đời tôi không thể nào quên. Nghĩ cho cùng, nếu một người để lại trong một người khác nhiều ảnh hưởng sâu đậm về cách suy nghĩ, ăn nói, hành động, đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của người đó, thì người đó há không phải cũng được coi là một người hùng hay sao? Hoá ra trước đây tôi đã định nghĩa hai chữ ‘người hùng’ vô cùng hạn hẹp và thiển cận. Người hùng đâu phải cần lập chiến công hay kỳ tích gì ghê gớm. Người hùng đâu cần phải đội đá vá trời hay bình thiên hạ. Chỉ cần có ảnh hưởng lớn lao đến cuộc đời của một người khác, giúp người ấy trở nên người và có ít nhiều thành công trong cuộc sống, thiết tưởng một người như vậy vô hình chung cũng đã trở thành một người hùng rồi.

Tôi tiếc sao mình không ngộ ra như vậy để có dịp thổ lộ với ba mấy năm về trước. Giá như bây giờ ba tôi còn sống, bước vào nhà, tôi vẫn thấy ba đang ngồi reo hò trước ti-vi, hay đang nheo mắt chăm chú đọc báo, hẳn là tôi sẽ sà tới bên ba.  Tôi sẽ ôm vai ba, thủ thỉ vào tai ba:

- Ba ơi, ba chính là người hùng của con!

Lúc đó, tôi tưởng tượng ba sẽ cười hiền hậu, gạt nhẹ tôi ra và bảo:

- Cái thằng này hôm nay sao nói năng vớ vẩn. Hùng với hậu cái gì! Tránh chỗ khác cho ba coi ti-vi!

Trần C. Trí

Ý kiến bạn đọc
24/06/201803:34:40
Khách
Ong rat may man co duoc nguoi cha nhu vay.
19/06/201822:15:19
Khách
Chào Ông
Đọc xong bài của Ông tôi thấy Ông có một người cha mà như người bạn tâm tình.Điều này thật hiếm thấy trong cái xã hội cũ của Miền Nam ta.
Sau ngày mất Miền Nam cụ lại thản nhiên ngồi bán vé số làm kế độ nhật.
Thật là hiếm thấy lúc nào cụ cũng làm chủ tình cảm của mình.Đến khi qua Hoa Kỳ cụ vẫn an nhiên tự tại.
Quả thật cụ là một con người rất đạt trong cuộc sống đầy sự biến động của nước ta.
Thăm sức khỏe tác giả và gia đình.
19/06/201820:20:00
Khách
Cảm ơn ông đã diễn đạt hay hết ý về tâm tình một người con đối với cha. Đọc bài văn ông làm tôi nhớ đến người cha qúa cố mà rơi mước mắt. Tuy tôi chưa nói ra được với ba tôi (ba là Hero) nhưng tôi nghĩ là ông đã cảm nhận được.
19/06/201800:45:09
Khách
Cám ơn tác giả đã viết về thân phụ. Bài viết chân thành và chạm vào lòng người một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.
Tôi thường nghĩ: cha mẹ dù có ra sao thì chúng ta vẫn yêu thương.
Tuy nhiên, khi có những đấng sinh thành tốt đẹp thì niềm yêu thương đó còn được đi cùng với niềm tự hào, biết ơn. Đó là điều rất hạnh phúc.
18/06/201817:39:44
Khách
Thành thật cảm ơn Giáo Sư đã cho đọc bài viết về Thân Phụ của Giáo Sư, đây là một bài viết mới mẻ, đầy đủ nhất làm cho người đọc phải học hỏi, phải biết kính trọng, thương yêu và vâng lời Bố mình bắt đầu còn chẫm bé cho đến ngày Bố lìa cõi trần, có một vài người nghe bạn bè hơn nghe lời Bố đến khi Bố mất thì vật vã khóc ngắn, khóc dài lúc đó quá muộn, đến ngày giỗ Bố thì tổ chức ăn uống say sưa để đến nỗi người đời phải than như hai câu ca dao dưới đây :”
“Khi sống thì chẳng cho ăn
Đến khi đã chết, làm văn tế…ruồi”

Ngược lại những người thành công ít nhiều trong đời được thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ , danh ngôn, châm ngôn v..v… như sau:
Mẹ dạy thì con khéo,
Cha dạy thì con khôn (tục ngữ).

Còn cha nhiều kẻ yêu vì,
Một mai cha chết, ai thì yêu con (ca dao).

Who takes a child by the hand takes the mother by the heart.
~ Danish proverb

He who does not teach his son a trade is as if he brought him up to be a robber.
~ Hebrew proverb

One father can support 12 children, but 12 children cannot support one father
~ French proverb

When you teach your son, you teach your son’s son.
~ The Talmud

Còn ở Việt Nam sau năm 1975 thì một số người bố vì không biết làm sao được nên đành phải nuôi con theo cùng một công thức :” Hy sinh đời bố, củng cố đời con .” Để rồi tạo ra một thế hệ chỉ biết ngụp lặn trong vũng bùn cuộc đời như những con cá trê được nuôi sống bởi bùn đất .

Thành kính,
Nguyễn Trần
18/06/201811:22:45
Khách
"Les étoiles" và "La chèvre de M.Seguin" là 2 truyện ngắn trong tác phẩm "Lettres de mon moulin ".
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,081,484
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.