Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Cây Sồi Mùa Đông…

18/02/202013:10:00(Xem: 8210)

Phan
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.

***


Hắn nhớ căn nhà có cây sồi đẹp sau một lần bể bánh xe gần đó nhưng ráng lết tới bóng cây cổ thụ để tránh nắng hè gay gắt mà thay bánh xe. Đang vã mồ hôi hột vì nóng và cái bánh xe nặng nề của mình thì bà cụ chủ nhà đem ra cho hắn lon nước giải khát, uống tới đâu nghe ơn nghĩa chạy rần rật vô lòng tới đó dù hắn không hay uống nước ngọt. Thay xong bánh xe, hắn muốn nói lời cảm ơn lần nữa nhưng bà cụ đã úp cuốn sách đang đọc lên ngực và ngủ ngon trên cái ghế xếp, dưới gốc cây sồi to trước nhà bà. 

   Cây sồi cổ thụ nhưng mùa hè xanh mướt như cây dù to lớn. Thu về, nhà nhà chưng chậu cúc vàng với bó cỏ khô đón chờ lễ ma qủy cuối tháng mười thì cây sồi già cũng thay áo vàng cam cho lũ chim ríu rít sang đông. Đông đến, chim bay đi, người thôi trú nắng, cây sồi già như cây dù chưa lợp, trơ khung đen xì lên nền trời xám để hứng tuyết vô ưu. Mùa đông năm ấy, hắn lái xe ngang nhà và thấy bà cụ bước từng bước run rẩy ra lấy thơ. Hắn định dừng xe lại để cảm ơn bà cụ lần nữa về lon nước ngọt hôm hè bà đã cho khi hắn bị bể bánh xe trước nhà bà. Lon nước ngọt không bao nhiêu tiền đến phải cảm ơn lần nữa, nhưng nợ người khác một lời cảm ơn là món nợ nên trả sớm nhất khi có thể. Rất tiếc hôm ấy, ông chủ tiệm pizza gọi hắn, phải nhanh lên người bạn trẻ, khách hàng của chúng ta đã gọi than phiền về việc bạn bị trễ giờ giao pizza cho họ… Hắn khất nợ bà cụ hôm khác, nhưng ý nghĩ về đời bà cụ đã qua bao mùa cho bóng mát để chim ca, người đến... Mùa đông như tuổi già không còn có ích cho ai thì cô độc. Có nhiều khi tâm tư hắn chẳng ăn nhập gì với đời sống từng ngày qua đi của con người trong thiên nhiên như bốn mùa thay lá, như mưa rào nắng hạ, như lời cảm ơn chưa nói lần nữa đã không còn cơ hội để nói lần nữa. Bà cụ đi rồi. Căn nhà đổi chủ. Gởi gió cho mây ngàn bay lời cảm ơn muộn màng là triết lý sống hôm nay. 

  Chủ mới của căn nhà có cây sồi cổ thụ là đôi vợ chồng trẻ. Hắn hỏi họ sao không đi mua nhà mới mà mua chi nhà cũ rồi sửa sang lớn, có lợi không? Anh chồng trả lời rất dễ thương, “chúng tôi chọn mua căn nhà này vì vợ tôi thích cây sồi...” A, hắn đoán anh ta thích cái nốt ruồi duyên trên vành môi cô gái mà cưới nguyên cô vợ, nên đi mua căn nhà chỉ vì cô ấy thích cây sồi. Hắn trượt dốc suy diễn... nay mai không chừng anh ta đi làm hai job vì thương vợ quá nên không còn (cần) thấy nhau nhiều nữa... Cuộc sống này hệ lụy khủng khiếp đến khó tin như chỉ vì cái xe quá đẹp mà hắn thành con nợ của nhà bank trong khi không có nhu cầu mua xe đẹp. Hệ lụy là sau giờ làm mỗi ngày, thêm hai ngày nghỉ cuối tuần; hắn phải đi giao pizza để kiếm thêm tiền mà trả tiền xe đẹp - tiền hệ lụy. Nhưng dù sao hắn cũng mừng khi đã có người thứ hai nhìn ra vẻ đẹp bên ngoài của cây sồi cổ thụ là tròn tán như cây dù vĩ đại; nhìn ra cái đẹp bên trong của một đời cống hiến thầm lặng của cây sồi cổ thụ như người mẹ thiên nhiên… Hắn mừng mình cũng còn khả năng nhìn ra cô gái có gương mặt đẹp, sang, nhìn trí thức. Dù ba điều ấy không gây xúc động nhiều cho một gã đầu đen đi giao pizza. Điều cô ấy để lại trong lòng người đã từng tiếp xúc với cô là lòng tốt của một người biết chia sẻ, cảm ơn đúng lúc. Khi thời tiết lạnh lùng gió bão, bao giờ cô ấy cũng nói với người đưa thức ăn tới cho gia đình mình câu cảm ơn chân tình và lời xin lỗi đã làm phiền bạn trong thời tiết xấu; khi thì cô tặng người giao pizza vài cái bánh ngọt do chính cô làm ở nhà… Những cái bánh ngọt biểu hiện lòng tử tế, những câu nói không làm cho người giao pizza bớt lạnh hay lái xe bớt nguy hiểm lúc gió mưa đầy trời, nhưng bớt được mặc cảm trong công việc thấp hèn, bớt tủi thân khi mưa nơi này lại nhớ nơi kia. Người di dân nào cũng có lúc nhìn vô cửa sổ sáng đèn, ấm áp của căn nhà người bản xứ rồi lặng lẽ buồn. 

   Hắn chúc mừng vợ chồng họ sắp có con, hắn khuyên người vợ cẩn thận khi mang thai như đi đứng chậm lại sẽ tốt hơn... khuyên người chồng bớt uống. Khuyên mình bớt nhiều chuyện cho thiên hạ nhờ. Nhưng chỉ có hắn bớt nhiều chuyện thôi. Người đàn ông trẻ măng vẫn say khướt mỗi chiều về đêm, nước mắt thai phụ đã chảy xuống gương mặt khó tìm ra sai sót của tạo hoá. Hắn buồn như cây cổ thụ nhớ bà lão. Vùng trời của họ đã nhiều mây đen. 

   Hai người bạn trẻ chia tay nhau như bà lão chia tay cây Red oak vào một hôm không hẹn trước. Cô ẵm con ra ở apartment, anh bán nhà ra ở apartment cách nhau không xa. Người đưa thức ăn nhanh vẫn đưa pizza đến cho hai người bạn đã hai địa chỉ. Cây sồi lá đỏ vẫn thay lá, căn nhà vẫn ghi dấu người đến người đi... chỉ có lòng người không ở lại với nhau để héo hắt nụ cười trên môi người vợ trẻ; cơn say dài hơn - hủy hoại tương lai người chồng hiền lành. Thời gian ngừng trôi, buồn dâng tâm khảm người đưa pizza khi hắn đưa pizza tới căn nhà có cây sồi quen cho đời chủ thứ ba từ khi hắn biết căn nhà và cây sồi này. Người đàn ông da màu, chỉ hé cửa vừa đủ để nhận thức ăn, giúi vội nắm bạc cắc vô tay hắn rồi đóng sập cửa lại. Lời cảm ơn đã vắng trên môi người. Hắn ít khi kiểm tiền trước mặt ai vì cho là bất lịch sự dù dư biết tiền trả của người tiết kiệm tới một lời cảm ơn thường không đủ với hoá đơn. Hắn đã có kinh nghiệm với loại khách hàng này là có trở vô gõ, đập cửa cũng không có hồi âm. Hắn buồn lắm khi nhìn căn nhà tối tăm, im ỉm. Người ta xây lên căn nhà đẹp, trồng cây sồi lá đỏ rất đẹp, không làm chỗ ở cho người vô tâm. Rất tiếc. 

   Căn chung cư cô gái ở với đứa con mới biết đi đã có sự hiện diện của người đàn ông vừa gãy đổ nơi đâu - về đây góp gạo thổi cơm chung. Không. Họ đã tìm được hạnh phúc gia đình trong tiếng cười trẻ thơ và nụ cười lượm lại trên môi thơm người mẹ. Hắn thường tạm biệt gia đình mới trong ăn năn vì không nói ra được lời chúc phúc cho cô gái tử tế với hắn từ đầu quen biết! Hắn không muốn nói sự thật về người chồng cũ khi cô hỏi thăm hắn: "Bryan có order pizza thường không? Anh ta khoẻ không? Lâu, tôi không gặp Bryan nên hỏi thăm anh..." Hắn cũng không nói được với Bryan về vợ cũ của anh ta vì anh ta không hỏi, không có lúc nào tỉnh táo để hỏi tới con thì nói chi vợ. Hắn tiếc cho Bryan hủy hoại tương lai vì hắn đã thấy Bryan làm việc tại nhà với bốn màn ảnh máy điện toán cùng lúc. 

   Hắn làm người đưa pizza là công việc hệ lụy của cảm tính nhất thời. Chắc Ơn trên hiểu nên cho hắn niềm vui với việc kèm là đưa những tin vui. Tin vui ngày càng hiếm hoi trong đời sống nên tâm tư hắn đói. Hắn nghĩ nên thôi việc đưa pizza từ hôm hắn đưa đến cho Bryan, nhưng anh ta đã say tới không mở cửa để nhận nổi nữa. Hắn nhìn vô trong cửa sổ mà buồn cho một người hiền lành đã rạc rầy vì rượu. Người đàn ông trẻ tuổi có gương mặt già hơn nhiều vì rượu, râu không cạo, quần áo lôi thôi... sống trong căn phòng không hề dọn dẹp. Hắn cũng không dám nói thật khi đưa pizza đến căn apartment sạch sẽ, ấm áp và nhất là người tử tế của hắn lại có thai. Người đàn ông đạo đức đang sống với cô ấy không dễ có thiện cảm như Bryan. Hắn thương Bryan hơn bằng tình thương không nói nên lời của những người làm nghệ thuật. 

   Thêm mấy mùa cây Red oak thay lá, căn nhà âm u với đời chủ thứ ba. Hắn đi qua hàng ngày-luyến tiếc những người tốt không còn, cái đẹp thôi hiện hữu trên đời. Hôm hắn làm bữa cuối sau khi đã trả hết nợ xe, công việc cũng không còn gì vui. Chiều đông tắt nắng vốn yếu ớt thật buồn, ngang qua căn nhà có cây sồi lá đỏ lần cuối để chia tay một thời mưa nắng lưu linh. Cây Red oak không biết nói nhưng rụng lá. Hắn thì thầm cảm ơn những gì không còn nữa. 

   Có cái xe đậu lại bên đường nhưng người lái không bước xuống để vô nhà làm hắn chú ý theo phản xạ tự nhiên sau khủng bố 911. Hắn nhận ra người quen - người tử tế của hắn trong bộ đồ đen và nước mắt. Cô ấy nói với hắn, “Tôi mới đi dự đám tang Bryan. Anh ấy mua căn nhà này cho tôi vì tôi thích cây sồi. Tôi muốn nhìn lại cây sồi lần cuối vì Bryan không còn nữa... Chồng tôi cũng mới có việc tốt hơn, nhưng ở tiểu bang xa. Chúng tôi sẽ dọn nhà đi…” 

   Hắn nhìn lại mình chỉ thấy gió đông lạnh lướt qua đời. Giáng sinh năm ấy hắn thôi việc làm thêm, nhưng thêm việc viết về nước Mỹ từ đó.

Phan

Ý kiến bạn đọc
26/02/202004:30:56
Khách
Lúc nào cũng vậy! Đọc xong truyện của anh Phan, người đọc luôn có một cảm giác khó tả. Cảm giác đó, có thể buồn hoặc vui, nhưng luôn đọng lại trong lòng người đọc rất lâu. Cám ơn anh thật nhiều.
20/02/202002:55:38
Khách
Hay lắm! Cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,761,909
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Hồi ba tháng trước, ống nước nhà tắm bị bể, nước chảy ào ào, ướt hết sàn nhà. Cũng may, sau khi tôi liên lạc với hãng bảo hiểm nhà cửa, chờ đợi, gây gỗ với họ qua điện thoại, họ mới chịu bồi thường nguyên cái sàn.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền già. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966. Trước khi đi vượt biên, là cô giáo tiểu học tại Việt Nam, qua trại tỵ nạn Thailand 4 năm và qua định cư tại Edmonton, Canada từ 1994 đến nay. Đây là bài mới nhất của tác giả.