Hôm nay,  

Tiếng Nước Tôi Là Một Bàn Cờ Tướng!

20/02/202000:00:00(Xem: 7138)

Cao Đắc Vinh

Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.

***


Sống ở quê người đã lâu, những chiều buồn vẩn vơ nhìn về quê nội, tôi thường tự hỏi Âu châu và đặc biệt là Hoa Kỳ, quốc gia chỉ mới thành lập hơn 2 thế kỷ mà họ xây dựng được chế độ dân chủ vững vàng nhưng Việt Nam với 95 triệu dân, có nền văn hiến trên 40 thế kỷ mà đất nước vẫn chưa hưởng thực thụ dân chủ đúng nghĩa!

Đây là câu hỏi lớn chịu ảnh hưởng từ chính trị, xã hội đến bản tính con người nên sẽ rất khó giải quyết qua vài thế hệ. Tôi chỉ nêu thắc mắc khi hít thở không khí tự do dân chủ ở Cali, tiểu bang miền Tây nước Mỹ nơi có đông người Việt tha hương sinh sống. Từ cái thắc mắc thô thiển ấy, tôi cho rằng một trong những nguyên do gây ra sự kiện, đó là cách xưng hô bởi vì “Tiếng Nước Tôi Là Một Bàn Cờ Tướng” 

Ở đời, mọi người và mọi việc đều bất toàn, mang khuyết điểm như ta thường nói “mất cái này được cái kia”. Quả thật, tôi không hề chê cái đẹp sẵn có trong tiếng Việt mà chỉ nêu lên phần chủ từ quá bao la nên trở thành khó khăn cho người xử dụng. Mỗi khi giao tiếp, họ tìm cách xưng hô như đứng trước một “bàn cờ tướng” buộc lòng phải suy nghĩ để “ra quân” làm sao cho êm tai và đúng nghĩa. Chủ từ tiếng Việt khởi đầu từ giai cấp trong gia đình sau ra ngoài xã hội rồi cứ thế xuôi con đường cái quan từ Bắc vô Nam, đồng quê đến thị thành... chịu ảnh hưởng của từng miền và mỗi nơi lại đẻ ra tiếng mới. Điểm son của đa số người Việt là niềm tự hào về tiếng nói quê hương cho dù lưu lạc xa xứ. Họ không quên tình cố hương qua ngôn ngữ nên ngàn năm đô hộ vẫn không mất nước.

Chủ từ tiếng Việt sắp xếp theo thứ bậc cao thấp trong gia đình hay quan hệ ngoài xã hội. Bao nhiêu thứ bậc, bấy nhiêu chủ từ... đếm không hết! Để xưng hô, chúng ta phải biết rõ thành phần nào đang tiếp xúc. Bậc trưởng thượng, “cấp” đàn anh hay “tụi” đàn em và gặp gỡ trong hoàn cảnh nào? Gia đình khác với chốn học đường hay chỗ công chúng. Mỗi nhân vật mang sẵn một chủ từ đúng với một người hay nhóm người này nhưng lại không nhất thiết thích hợp cho nhóm kia vì có lúc phải ‘liệu cơm gắp mắm” tùy thuộc vào sự liên hệ của từng người. Nếu không dùng đúng chủ từ, kẻ trưởng thành dễ bị gán cho tĩnh từ vô lễ, xấc xược, khinh thường, xúc phạm, ít học, ngu dốt... sẽ khó thành công trong xã hội Việt Nam. Chưa hết! Khi dùng chủ từ nào, người Việt thường kèm theo một thái độ trong hoàn cảnh đó… Gặp người trên khúm núm rụt rè, tiếp cận kẻ dưới thì lạm dụng ngược đãi. Thói quen ấy không thể coi là khiêm tốn mà là tệ đoan.

Chữ “tôi” là chủ từ tổng quát nhưng người ta hay tránh nó khi đã có sự quen biết thân tình hoặc tuổi tác xấp xỉ. Họ gọi chệch ra thành “cậu tớ”, ”tao mày”, “bạn với mình”  hay “moa toa” đượm chút giang hồ cho bớt đi cái “lạnh lùng” của chữ “tôi” nghe có vẻ cứng rắn và khuôn phép. Trường hợp chênh lệch nhau nhiều thế hệ, nếu ông y sĩ trẻ hành nghề tại Little Saigon ỷ vào chức nghiệp “cao cả” mà không cần biết trên dưới, chẩn bệnh các cụ lớn tuổi, nói tiếng Việt bâng quơ “without” chủ từ hoặc bắt buộc thì “phang” hai chữ “ông với tôi” là thấy có vấn đề! Ở Việt Nam, chỉ một mình ông quan tòa là dùng chữ “tôi” dõng dạc mà không bị xã hội phê bình vì từ cổ đến kim, không ai nghe: “cháu kết tội bác 10 năm tù...”. Đó cũng là “dilemma” của tiếng Việt sẵn giai cấp trong cách xưng hô, ngăn cản bước tiến dân tộc nên ngàn năm văn hiến vẫn chưa có một ngày dân chủ đúng nghĩa. Người Pháp xưng hô “moi tu vous” hay Anh và Mỹ giản dị bằng hai từ “me you” nói lên nhân cách độc lập, ngang hàng của từng cá nhân không ảnh hưởng bởi vai vế, giai cấp xã hội.

Thông thường, quy tắc tiếng Việt dựa vào nhãn quan, địa vị, tuổi tác, liên hệ “dây mơ rễ má” rồi như bàn cờ tìm cách tự ý xưng hô. Nếu “ra quân” vụng về đôi khi làm người đối diện bất mãn vì chủ từ xử dụng không thích đáng. 

Con trẻ sống xa quê học tiếng Việt, sẽ phải nhìn nhận vấn đề phức tạp này! Một cái bẫy mà người Việt thường bị sa lầy bởi tổ tiên ta đã để lại gia tài ngôn ngữ dù véo von thánh thót như tiếng chim nhưng chủ từ lại phân chia và cách ứng dụng dựa vào cả sự xét đoán thuộc cảm tính riêng tư của mỗi người nên dễ bị sai lầm. 

Đa số người Việt ngại ngùng tự xưng vai vế khi mới quen, càng e dè hơn lúc tuổi đời đã cao. Tuy thế, không thiếu những kẻ chỉ muốn làm “anh chị” người khác ngay từ lúc đầu mới gặp. Họ tự suy đoán “già” hơn tuổi hoặc ghép mình vào một sự quen biết mơ hồ để xưng “anh em chú bác...” tỏ vẻ thân thiện bình dân nhưng lại thích ở trên nhìn xuống mà ít kẻ muốn đứng dưới nhìn lên. Đây là một vấn đề tế nhị liên quan tới giáo dục, tâm lý, tính tình hay dân sinh... rất khó phân tách. 

Xưng “em” thì khiêm tốn, người nhận mà từ chối cách gọi cũng dễ dàng chỉnh lại nhưng nếu thái quá thì lại bị người đối diện khinh thường cho là giả dối. Ngược lại, cách xử sự “bề trên” trịch thượng trong giao thiệp sẽ không thể đi xa hơn vài ba câu chào. Có những trường hợp rất lạ, không sao hiểu được căn nguyên? Tôi gặp vợ chồng bạn của ông anh một người bạn trong một dịp hội hè, chồng Nam vợ Bắc, cả hai đều có trình độ, người chồng hơn tôi 2, 3 tuổi, vợ kém tôi cũng 2, 3 tuổi nhưng ngay từ buổi đầu gặp gỡ, chồng xưng anh gọi tôi là em, vợ kêu tôi là “chú em” ngọt lịm vì tự ý coi tôi ở vai vế thấp, bạn của em ông kia. Họ tưởng tượng một sự giao lưu thân mật mà tôi hoàn toàn không cảm thấy. Dù đánh giá sự trơ trẽn ấy vô ý thức, tôi cũng phải chịu thua không chuyển đổi được thái độ khiếm nhã của họ nên chỉ biết lánh xa!

Tiếng Việt có chiều dài nghìn năm văn hiến. Lịch sử ấy là một niềm hãnh diện nhưng cố chấp nếu nghĩ là không cần chỉnh đốn. Thế giới cũng đang thay đổi chủ từ cho thích hợp chẳng hạn đầu năm 2012, chính phủ Pháp đã ra thông cáo bỏ chữ “cô” mademoiselle trong mọi giao dịch giấy tờ bởi vì người nam và nữ đã thực sự bình đẳng trong xã hội Tây phương. Con trai khi lớn lên thành “ông” Monsieur thì con gái sẽ thành “bà” Madame, không cần biết “cô” ấy có chồng hay không. Ở Âu châu bây giờ, người vợ sẽ không cần lấy họ chồng khi lập gia đình như thông lệ cũ do ảnh hưởng từ vấn đề bình quyền vậy thì tại sao chúng ta không ý thức để sửa lại cách dùng chủ từ tiếng Việt cho dễ dàng hơn? Xin hiểu không phải tiếng Việt mà là chủ từ của tiếng Việt cho thật rõ nghĩa.

Tiếng nói dù êm ái dụi ngọt hay khô khan cay đắng đều xuất phát từ tâm… Nói thế, có phải những câu như “je t’aime, i love you” hay “anh yêu em” đều giống nhau? Sự thổ lộ trung thực từ trái tim mới chính là yếu tố diễn tả nét tuyệt vời của chữ “yêu”. Vậy thì “anh yêu em” đẹp chẳng khác gì “je t’aime” nếu không tin, hãy thử nghe Jane Birkin thổn thức bằng hơi thở thay cho tiếng nói trong ca khúc “je t’aime, moi non plus” của Serge Gainsbourg thì hẳn chúng ta sẽ đồng ý ngay. Tuy nhiên “hòn đất ném đi hòn chì ném lại”, có nhiều người phản biện cách dùng chủ từ đồng nhất và bảo rằng khi nói “anh yêu em” nó rất khác với “tôi yêu cô” hay “tôi yêu đồng chí”... Ấy chính là đặc điểm mà họ yêu tiếng Việt, phức tạp đấy nhưng phong phú và thâm thúy vô cùng. 

Khác với người da trắng, câu nói “anh yêu em” đẹp và trữ tình nhưng người Việt lại thường để làm cảnh ít khi dùng. Có lẽ chúng ta thích nghe hơn là nói kể cả các câu “xin lỗi” hay “cảm ơn” vì khi thổ lộ những từ ngữ ấy, cái tôi” bị xuống cấp, mất đi tính kiêu ngạo? 

Có người nói nếu yêu nhau chân thật thì cũng chẳng cần đến lời. Hiện tượng này không thể so sánh với câu nói của Trang Tử: “Có nơm là vì cá, đặng cá hãy quên nơm... Có lời là vì ý, đặng ý hãy quên lời”. Triết lý cao siêu này dịch nôm na thành câu văn quen thuộc “yêu nhau chân thật thì không cần lời” bởi vì “muốn nói cũng khôn cùng” và chỉ cần ngồi nhìn nhau là biết cả vũ trụ giống như hai thiền sư đắc đạo. Trong đời thường, thực tế hoàn toàn khác vì dù yên lặng nhưng kẻ nào cũng muốn nghe người kia âm thầm tỏ tình nếu trái tim còn thổn thức. Người Việt mình nghe nhưng không trả lời! Do đâu thì chưa rõ chỉ thấy sự yên lặng cố hữu “quên lời” giữa hai kẻ yêu nhau. 

Tiếng Việt mang sẵn bản chất giai cấp trong cách xưng hô. Ở gia đình, chồng luôn luôn vai anh, vợ là em, con trai trên vai con gái và khi có “quyền huynh thế phụ” người anh chị cả mang sẵn tính ích kỷ hoặc từ bi sẽ giữ vai trò lãnh đạo độc tôn hay dậy dỗ các em với tinh thần dân chủ và lòng tốt nhiệt thành.

Xã hội Việt Nam là hình ảnh gia đình trải rộng nên khi tiếp xúc với người lạ qua điện thoại hoặc đối diện chúng ta đều phải đoán mò giọng nói như người mù sờ voi để tìm chủ từ. Sự ngỡ ngàng tạo trong đầu “bàn cờ tướng” phải “ra quân” thế nào cho đúng ý mọi người và không làm buồn lòng ai! Râu tóc bạc phơ gọi là cụ, ít tuổi hơn bố gọi bằng chú, nhỏ hơn mẹ gọi bằng cô (đàn bà miền Trung chỉ có một chữ ) còn hơn tuổi thì dùng tiếng bác... và nếu sai một ly có thể đi một dặm. 

Chủ từ vai vế đã xếp đặt mà mỗi người Việt mang một giá trị riêng, cách xử sự cũng tùy vào tính tình hay trình độ học vấn để chúng ta nhận được thái độ đối đáp tốt hay xấu. Sự lam dụng là hiển nhiên và một xã hội như thế ít hy vọng nẩy nở tinh thần độc lập dân chủ. Trong các cuộc hội luận cỡ nhỏ gia đình hay tầm vóc quốc gia của người Việt thường đi đến đổ vỡ cũng do tính chủ quan trong lối dùng chủ từ. Kẻ trên thường cảm thấy đụng chạm khi người dưới phát ngôn mạnh dạn! Họ cho đó là sự khinh thường của đám con cháu. 

Suy diễn đến đây, tôi nghĩ rằng nếu muốn nước Việt có nền dân chủ Tây phương mà dân tộc hôm nay đang ao ước đi tìm, bước đầu tiên chúng ta cần thay đổi là cách xưng hô từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Hai chữ “dân chủ” chưa bao giờ được khởi sắc trên quê hương kể từ thời lập quốc chứ không phải đã có rồi mất đi! Hình như vẫn khó thực hiện trong thế kỷ 21 điều mong ước ấy nếu giai cấp còn hiện diện bất chấp công bằng nhân vị trong cách dùng chủ từ xưng hô của “Tiếng Nước Tôi”.

“Ở đâu có giai cấp là ở đó có cách mạng” dù Karl Marx đã nói hay bất cứ ai tin như thế đều đúng cả! Bởi vì bản tính con người là tham lam ích kỷ, lạm dụng danh xưng, lạm dụng quyền hành để “ăn trên ngồi chốc” nên giai cấp là phương tiện thỏa mãn lòng bất nhân ấy. Những chính thể văn minh trải qua nhiều kinh nghiệm đẫm máu nên hiểu rõ vấn đề xã hội. Họ thiết lập hệ thống luật pháp tương đối nhân vị công bằng để giai cấp ngủ yên và né tránh cách mạng nhưng câu nói trên vẫn đúng cho nhiều quốc gia trên thế giới hôm nay kể cả Việt Nam. 

Xin mượn câu nói của James Dean “dream like you will live forever, like you will die today” để kết thúc lời tâm tình… Tôi đã mơ như có thể nghe “Tiếng Nước Tôi” trong sáng hơn ở cách xưng hô rồi tiến xa hơn trên con đường dân chủ hóa nhưng chắc chắn thân xác này đã thành cát bụi và không bao giờ nhìn thấy “ my dream will come true”.

Nov 3, 2019

Ý kiến bạn đọc
23/02/202004:53:47
Khách
Bài viết chủ này tác giả trình bày nhiều lãnh vực, vậy tôi xin góp chút ý kiến để trả ơn tác giả và các bạn đọc đã góp ý kiến. Rất vui khi được đọc bài viết chủ và góp ý của các bạn.
Thời Đông Chu, cuộc chiến tranh của hàng trăm nước lớn nhỏ từ Xuân Thu đến Chiến Quốc trải dài mấy trăm năm cho đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước, rồi Hán Sở, rồi Nam Bắc Tống, rồi Mông Cổ (Nguyên Mông), cuối cùng là Mãn Thanh cai trị hơn 200 năm trên đất Trung Hoa, hàng nghìn năm đó người Trung Hoa chết không biết bao nhiêu mà kể (máu chảy thành sông, xương chất như núi). Cuối cùng năm 1949 ĐCS Trung Quốc cai trị dân Trung Hoa cho đến nay, đó là vận mệnh của một quốc gia thông minh nhất Châu Á !?. Tác giả Cao Đắc Vinh nghĩ thế nào khi so sánh nước Việt Nam với nước Mỹ ?!. Thế giới thịnh suy, suy thịnh. Hợp tan, tan hợp.
Còn về ngôn ngữ thì tiếng Mỹ (American English) và tiếng Tầu họ chỉ đơn giản hai chủ từ là tôi-bạn (I-You) và Ngã-Nhĩ (ngổ-nỷ) trong khi đàm thoại, còn lại các câu văn hoặc lời nói vẫn phải nằm ở trong khuôn khổ "chính danh định phận". Trong gia đình thì vẫn phải có danh phận : Ông bà, cha mẹ, con cháu ...v.v. Ngoài xã hội cũng vẫn phải có danh phận : Tổng thống, nghị sỹ, dân biểu ...v.v. Khi ta gọi "danh" của ai thì ta biết ngay "phận" của người ấy là gì.
Khi giao tiếp giữa người và người thì phải có chữ "lễ" đi đầu. Tiên học lễ hậu học văn là như vậy. Trong tiếng Việt chủ từ rất nhiều, vì vậy ta cứ tùy lúc tùy chỗ mà sử dụng cho hợp với chữ lễ độ là được. (Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy ?!)
Có một điều quý vị và các bạn nên để ý một chút, khi chúng ta khen ai, hoặc chê ai, cần phải cân nhắc câu văn hoặc lời nói của mình không nên gây cho người đọc hoặc người nghe có phản cảm hoặc phản tác dụng. Trong Kinh Xuân Thu luôn luôn sử dụng cách khen chê này, mà ngay cả người được khen hay bị chê đều khó nhận biết rõ, cho nên dễ tránh bị phản cảm và phản tác dụng. Ví dụ : Khen thì viết :Tổng thống Trump là người có tài... Chê thì viết : Trump là người bất tài... Đại khái là khen ai thì để tên, chức vụ phía trước tên người được khen, sau đó nói cái hay cái tốt.... Còn chê thì chỉ để tên người đó và nói cái xấu cái sai của người đó...
Một khi chúng ta nói trước công chúng thì phải dùng từ ngữ văn hoa, ví dụ thay vì dùng từ nói xấu, ta dùng "phỉ báng", chửi bới, ta dùng từ "mạ lỵ", quỵt nợ, xù nợ, ta dùng "bội tín"...v.v. Những từ ngữ này trước 1975 chúng tôi thường phải dùng khi lập biên bản trình tòa án, như là "tự nịch", "tự trầm", "tự tử", "tự sát", "tự ải"...v.v. Khi đọc mấy chữ phía trên biên bản là quan tòa biết ngay ý nghĩa nội dung của biên bản. Bảo đảm là từ ngữ của tòa án VNCH, các bạn trẻ có thể hỏi lại các vị cao niên thì rõ.
Karl Marx nói ; " Ở đâu có bất công ở đó có tranh đấu" thì cũng chỉ là "tung một cánh cửa đã mở sẵn", vì từ mấy nghìn năm trước loài người đã đấu tranh bằng hơn 1 triệu cuộc chiến và đã giết chết hằng tỷ người rồi, chứ không cần đợi cho đến khi ông ta nói đâu. Đọc kỹ Tư Bản Luận và những sách của Karl Marx, quan điểm của ông ta gây tranh cãi cho đến nay, riêng tôi thấy rất nhiều điều không còn hợp thời, chỉ có một điều duy nhất tôi đồng ý với ông ấy là "tình thương yêu đồng loại". Nhưng nói thì dễ, làm thì khó, hàng trăm triệu người đã bị giết chết vì lý tưởng " thiên đường hạ giới", lý tưởng còn đó, đời người đã qua !?.
Ngày xưa đệ tử thưa với thầy Mạnh Tử : Có người nói muốn có thiên đường hạ giới thì cái áo lớn cũng bán 1 đồng, áo nhỏ cũng 1 đồng, áo tốt cũng một đồng, áo xấu cũng 1 đồng thì hòa bình hạnh phúc ngay. Mạnh Tử trả lời : Nếu vậy thiên hạ đua nhau làm áo nhỏ và xấu, các ngươi không bao giờ mua được áo lớn và áo tốt !!!?.
Tiến sỹ Marl đọc sách 20 năm viết ra chủ nghĩa CS, chắc ông ta chưa đọc đến đoạn sách Mạnh Tử này !!!?.
Tác giả viết bài chủ này rộng lớn quá, tôi đọc mấy lần rồi thấy thích quá, nhưng viết vài dòng cũng như anh mù sờ voi, thôi thì sờ đến đâu viết đến đó, mong quý vị, các bạn và tác giả bài viết chủ lượng thứ, có gì chỉ thêm cho, đa tạ. Cẩn bút. ĐVH
21/02/202004:27:23
Khách
Tôi đồng ý rằng cách xưng hô trong tiếng Việt của mình thật là phức tạp, thật khó nói chuyện thoải mái với nhau. Bà con dòng họ xa gặp nhau có khi chú ít tuổi hơn cháu; gia đình sui gia người Nam thì gọi nhau là Anh Chị không sao, nếu có 1 bên gốc Bắc 54 thì phải gọi Ông Bà chứ Anh Chị là để gọi các con trong nhà; có khi Cô của người bạn cũng chỉ bằng tuổi mình thì cả 3 khó nói chuyện. Tôi đã thử ráng tìm từ nào chung chung để dễ nói chuyện với tất cả già trẻ lớn bé mà không được, xin quý vị biết chỉ dùm.
21/02/202002:56:00
Khách
Theo lời cha mẹ tôi, thời Việt Minh cách xưng hô được giản dị hoá rat nhieu. Không còn dùng chữ "Cụ" hoặc "Ông" hoặc "Bà" . . . khi nói chuyện với người lớn tuổi. Các cán bộ Việt Minh thường gọi ông bà tôi bằng đại danh từ "anh, chị" mặc dù các cụ lúc ấy đã ngoài 60. Bây giờ ngoài Bắc, lối xưng hô đã quay lại thời xưa.

Nhân thể nhắc lại những phong tục "cổ hủ" ngày trước. Vào dịp cưới chị tôi (lúc ấy bà ngoại tôi còn sống), hàng chữ "thừa lệnh nhạc mẫu" được viết ngay phía trên tên cha mẹ tôi mặc dù bà tôi lúc bấy gió đã lẫn, không biết gì.
Cách xưng hô ở Vietnam thật phức tạp. Nếu biết áp dụng đúng cách, người đối thoại sẽ cho "đối phương" biết họ thuộc tầng lớp nào, cách giáo dục gia đình ra sao.
20/02/202020:39:26
Khách
Người Việt văn minh tiến bộ lúc nào cũng thấy dân mình là một lũ lạc hậu.
20/02/202019:57:22
Khách
Người Pháp họ có bàn luận xem có nên bãi bỏ sự phân biệt giống đực, giống cái trong ngôn ngữ của họ không nhì ? Người Pháp, người Mỹ họ có bàn luận xem có nên chuyển hóa một lố các động từ bất quy tắc trong ngôn ngữ của họ không nhi ?! v...v...

Vậy tại sao ta phải bàn đến việc cải sửa lối xưng hô của chúng ta ?! Tại sao không xem đó là một trong những đặc thù hàng ngàn năm của nền văn hóa Việt nam ?!
20/02/202017:19:23
Khách
CORRECTION :
James Dean did not say “dream like you will live forever, like you will die today”; but
" Dream as if you'll live forever. Live as if you'll die today. "
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,679,467
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Hồi ba tháng trước, ống nước nhà tắm bị bể, nước chảy ào ào, ướt hết sàn nhà. Cũng may, sau khi tôi liên lạc với hãng bảo hiểm nhà cửa, chờ đợi, gây gỗ với họ qua điện thoại, họ mới chịu bồi thường nguyên cái sàn.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền già. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966. Trước khi đi vượt biên, là cô giáo tiểu học tại Việt Nam, qua trại tỵ nạn Thailand 4 năm và qua định cư tại Edmonton, Canada từ 1994 đến nay. Đây là bài mới nhất của tác giả.