Hôm nay,  

Câu Chuyện Mùa Tạ Ơn

23/11/202213:05:00(Xem: 3519)

 

Tg Kim Loan lãnh giải 2021
Tác Giả Kim Loan lãnh giải tại VVNM 2021


Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021.


*

 

Tên em là Nguyễn Thị Thái Lan, một cái tên thật đẹp! Những người quen biết với gia đình em thì cho rằng tên này thật nhiều ý nghĩa, mang tên loài hoa Lan nở trên xứ Thái. Với thầy cô giáo và mấy đứa bạn Mỹ trắng học chung, khi biết em được sinh ra trong trại tỵ nạn Thái Lan thì bật lên tiếng “wow!!!” và gọi em là “Thailand” rất thân thương, trìu mến làm em càng thêm vui và hãnh diện với tên của mình. Tối nay, em đang ngồi xếp hành lý để sáng mai lên campus cho năm đầu Đại Học. Ngoài sách vở, áo quần và những vật dụng cần thiết khác cho đời sinh viên, cuốn album gia đình là thứ không thể thiếu được cho cuộc sống xa nhà.

 

Em lấy hết các album ra xem lại, lựa chọn những tấm hình tiêu biểu để vào cuốn album nhỏ cho riêng mình .Vài tấm hình dịp birthday của em và thằng em trai, hình chụp với ba mẹ mùa Thanksgiving vừa rồi, hình cả gia đình trong ngày em tốt nghiệp High School, hình hai chị em vui đùa ở park khi còn nhỏ.

Và đây, một tấm hình đã phai màu, chụp mẹ đang ẵm em còn đỏ hỏn trên tay tại hành lang bệnh viện ở trại tỵ nạn Thailand, phía sau tấm hình còn rõ những dòng chữ viết tay của mẹ:

“Bệnh Viện Sikiew Mùa hè 1992 – May mà có Con, đời còn… dễ thương!” .

Mỗi lần nhìn tấm hình này, em lại nhớ đến câu chuyện em đã được sinh ra trong hoàn cảnh nào mà mẹ đã kể đi kể lại nhiều lần, mà lần mới nhất chỉ cách đây vài tiếng đồng hồ tại bữa tiệc tiễn em đi học Đại Học trong phòng khách nhà em chiều nay. Mẹ đã kể lại một lần nữa cho mấy cô chú bạn của ba mẹ nghe, với những cảm xúc đầy vơi, mênh mang một trời kỷ niệm cũ. Em xin ghi lại nguyên văn lời kể của mẹ em sau đây.

 

...............

 

Tôi là con gái Cần Thơ gạo trắng nước trong, tuổi thơ tôi tràn đầy hạnh phúc bên cha mẹ, hai đứa em, cùng bạn bè. Những chiều hè, bến Ninh Kiều lộng gió đón bước chân chúng tôi dạo bước, chơi đùa; đại lộ Hòa Bình những ngày Lễ Tết tưng bừng nam thanh nữ tú dập dìu, và con đường Võ Văn Tần có ngôi nhà bé nhỏ xinh xắn của gia đình tôi.

Cha tôi là thầy giáo dạy Toán tại trường Phan Thanh Giản, mẹ tôi buôn bán tạp hóa tại nhà, cuộc sống không giàu có nhưng ấm êm bình an. Tai họa bắt đầu đổ xuống khi cha tôi đột nhiên đổ bệnh nặng và qua đời. Đau đớn khóc than cho cha, mẹ tôi cũng bắt đầu đau yếu luôn luôn, tiền bạc hao hụt khi chữa bệnh cho cha nay càng thêm khó khăn, túng thiếu, tôi phải nghỉ học, từ bỏ giấc mơ đến giảng đường Đại Học để đến Baklon, Cambodia phụ giúp tiệm may cho gia đình nguời dì ruột đã sinh sống ở nơi này từ lâu.

Công việc tương đối xuôi chèo mát mái, thời gian này đất nước Cambodia đang ở trong gian đoạn tranh sáng tranh tối, sau nhiều năm nội chiến, đặc biệt chế độ Khmer đỏ đã tàn lụi nhờ sự hỗ trợ quân sự của chính phủ Việt Nam, nay đang được dư luận thế giới quan tâm cho cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc giám sát sau khi quân đội Việt Nam phải rút quân về nước.

 

Tình hình lúc này rất nhiễu nhương, tham nhũng hối lộ ở khắp nơi, các nhóm tổ chức vượt biên người Việt cũng mượn cơ hội này đưa nhiều chuyến tàu đến Thailand bắt nguồn từ Kampong Cham, Baklon trót lọt chỉ trong 1-2 ngày trên biển.

Đầu năm 1990, dì tôi có người làm ăn quen đưa tàu vượt biên qua Thái, thấy hoàn cảnh tôi khó khăn họ sẵn sàng cho đi với giá vỏn vẹn hai chỉ vàng. Dì đã hết lời khuyên tôi hãy ra đi, tìm tương lai cho chính mình và sau đó là giúp cho gia đình. Ngày bước chân lên tàu tôi đã khóc hết nước mắt vì tôi không hình dung được cuộc sống ở trại tỵ nạn Thailand ra sao, và khi ra nước thứ ba sẽ sống ra sao khi không có một người thân nào, tương lai thật là mong manh, mù mịt.

 

Rồi tôi cũng nhập trại tỵ nạn Panatnikhom, Thailand vào một buổi chiều u ám mây đen vần vũ. Tôi ngỡ ngàng, ngơ ngác vì một rừng người ra đón chúng tôi suốt con đường từ cổng trại dẫn đến khu nhà ở, tôi may mắn được làm quen với vợ chồng Bác Thư trên chuyến tàu nên được xếp ở cạnh chỗ hai bác cũng như ăn uống chung. Bác Thư trai cũng là một ông giáo về hưu, bác Thư gái hiền lành nhân từ, nghe hoàn cảnh của tôi, hai bác đã an ủi, chia sẻ và nâng đỡ tinh thần của tôi những ngày dài mòn mỏi trong đời tỵ nạn tạm dung. Hai bác có ba người con ở Mỹ, riêng đứa con gái út cũng cỡ tuổi tôi trong chuyến vượt biên một năm trước đó đã chết trên biển Đông nên hai bác xem tôi như con của mình vậy. Buổi sáng tôi đi học thêm Anh Văn, trưa về phụ bác Thư nấu cơm, rồi nghỉ ngơi, học bài, chiều đến thì đi lãnh nước về giặt giũ, cơm nước, tối về chỗ riêng của tôi viết thư cho mẹ ở Việt Nam, hầu như thư nào cũng đầy nước mắt nhớ nhà, đêm nào cũng mơ thấy được về lại căn nhà xưa, có cha có mẹ như bài hát của Phạm Duy tôi vẫn yêu thích:

 

“…Cho tôi lại ngày nào

Trăng lên bằng ngọn cau

Me tôi ngồi khâu áo

Bên cây đèn dầu hao

Cha tôi ngồi xem báo

Phố xá vắng hiu hiu

Trong đêm trời khô ráo

Tôi nghe tiếng còi tàu …”

 

Khi ở Baklon ai cũng nghĩ qua được Thailand thì coi như được đổi đời, tương lai tươi sáng, nhưng đến trại rồi mới biết chuyện không dễ dàng như xưa nữa. Sau mười mấy năm mở rộng vòng tay đón chào “boat people”, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây đã bắt đầu mỏi mệt, nên lòng nhân từ của họ từ từ khép lại, các trại tỵ nạn Đông Nam Á chính thức đóng cửa ngày 14 tháng 3 năm 1989, những ai đến sau ngày này phải qua cuộc thanh lọc gắt gao của nước chủ nhà, nếu vượt qua được cuộc thanh lọc này mới được phái đoàn nước thứ ba phỏng vấn và cho định cư. Người ta chia sẻ kinh nghiệm, bàn tán cùng nhau cách chuẩn bị cho cuộc thanh lọc quan trọng, làm sao cho nhân viên thanh lọc của Bộ Nội Vụ Thái thấy được lý do bỏ nước ra đi của mình thật là chính đáng .

Tôi thú thật với bác Thư trai:

 

- Con chẳng có lý do chính trị chính em gì hết bác ơi, con ra đi chỉ vì kinh tế khó

khăn, muốn giúp đỡ gia đình qua cơn nguy khốn mà thôi.

 

Bác Thư vội vàng trấn an tôi:

 

- Con chớ có dại mà khai như thế! Hãy xem lại trường hợp của con nhé, có phải vì chế độ mới không chăm lo cho người dân đầy đủ, cha con mất đi, gia đình khó khăn nên con phải nghỉ học là do nhà nước không quan tâm cho người dân thấp cổ bé miệng, trường đại học dành cho con ông cháu cha, chính quyền tham nhũng thối nát từ trên xuống dưới, chính vì vậy mà con phải ra đi để tìm tự do, tìm dân chủ và quyền được làm người!

 

Thế là hàng ngày bác giúp tôi bài cho cuộc thanh lọc, tuy có phần tự tin hơn một chút nhưng tôi vẫn lo lắng vô cùng vì nghe nói tỷ lệ đậu thanh lọc chưa đến 10% .

Cho đến bây giờ tôi vẫn tạ ơn trời cao đất dày vì hai bác đối xử với tôi tràn đầy tình thương. Biết tôi không có thân nhân nước ngoài gửi tiền, hai bác cho tôi ăn uống chung không bao giờ nhắc nhở chuyện tiền bạc, bù lại, tôi cũng biết thân phận “ con bà phước” của mình, hàng ngày chăm chỉ học hành và phụ giúp hai bác làm chuyện lặt vặt trong nhà. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, bác Thư còn giảng giải truyện Kiều cho tôi nghe, nói chuyện văn chương và kể về những ngày tuổi trẻ làm thầy giáo dạy Văn của bác thật sôi nổi hào hứng. Bác Thư gái dạy tôi nấu ăn, dù trong trại tỵ nạn chẳng có cao lương mỹ vị nhưng bác là người Bắc nên truyền cho tôi cách kho cá thật khô, thật mặn đậm đà, cách luộc rau muống xanh rì mà nước trong veo, tôi lại có dịp trổ tài nấu món canh chua cá kiểu Nam Kỳ Lục Tỉnh, hai bác ăn cứ khen tấm tắc, tôi cũng thấy vui trong lòng.

 

Tại lớp học Anh Văn, thầy giáo là anh Quang. Anh là người thanh niên đầu tiên trong trại làm cho tôi bớt đi mặc cảm gái quê Nam Bộ của mình. Ở trại  Panatnikhom thời ấy, vẫn ngấm ngầm có sự “phân chia giai cấp” giữa các lô nhà. Nghe nói khu C-D đa số là dân Sài Gòn, trí thức, nhà giàu, mức độ thấp hơn chút xíu là lô E-F, và đến lô B, lô A, sau này thêm lô L thì có rất nhiều dân miền tây, quê mùa, ít học, mở miệng ra với ngôn ngữ bình dân, vô tư, “có sao nói dzậy người ơi”, nào là “cá gô nằm trong gổ”, nào là “mình ên”, chẳng ai hiểu, nên bị nhiều người chê bai, dòm ngó bằng nửa con mắt.

Tôi tuy là gái Tây Đô, nhưng giọng nói Miền Nam chân chất, bản tính rụt rè và thân phận “mồ côi” ở trại làm tôi mặc cảm không dám kết thân với ai ngoài vợ chồng bác Thư và vài người chung lô nhà. Anh Quang là người Sài Gòn thứ thiệt, đang học đại học Tổng Hợp thì bỏ ngang đi vượt biên. Anh cũng đến trại một mình nhưng được người chú ruột bên Pháp gửi tiền lai rai nên cũng khá thoải mái, đủ cho anh đóng tiền cơm tháng, học hành, mua sắm lặt vặt.

Anh hay giúp tôi khi tôi không hiểu bài, tôi mến anh vì anh không kiêu ngạo, xa cách, anh lại có giọng nói miền Bắc ngọt ngào, êm ái. Còn anh thì sau này thú nhận với tôi rằng, chính sự yếu đuối nhỏ bé của tôi đã làm lòng anh xao xuyến, muốn ra tay chở che và bảo vệ tôi.

Anh nói tôi không giống như nhiều cô gái khác ở trại, có tiền rủng rỉnh nên ăn diện điệu đà, còn tôi thì không có tiền nên lúc nào cũng mặc trên người bộ đồ thun Cao Ủy mà nhiều người không thèm đụng đến khi có tiền thân nhân tiếp tế. Anh kể có lần ngồi soạn bài ở nhà, nhìn thấy tôi đi ngang xách thùng nước mới lãnh ở khu phát nước về, nắng quái chiều tà xuyên qua chiếc áo thun Cao Ủy mỏng manh để anh thấy được bờ vai tôi gầy guộc, nhô cao như câu hát diễm lệ của một tác giả nào đó làm anh thật sự xúc động và đem lòng yêu mến: “Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi …”

 

Rồi việc gì đến cũng phải đến, tôi đã yêu anh với cả trái tim nguyên vẹn, dâng hiến không ngại ngần để rồi biết mình có thai khi anh vừa rời tôi qua trại khác để thanh lọc. Là một cô gái mới lớn, điều này đối với tôi thật là kinh khủng, tôi chẳng biết tâm sự cùng ai, bèn đánh liều qua nhà bác Thư khóc lóc:

- Lòng con bây giờ rối quá, hai bác cho con biết phải làm gì bây giờ, hay là con phải phá thai, vì con sắp phải đi thanh lọc, tương lai còn mù mịt thì làm sao mà dám nuôi con hả bác?

 

Hai bác, một lần nữa, lại giang vòng tay cho tôi tựa đầu:

 

- Con gái ơi, đừng dại dột như thế, đứa bé nào có tội tình gì! Theo đạo Công Giáo của bác thì đó là trọng tội giết người, mà suy cho cùng thì cũng có đạo nào ủng hộ phá thai bao giờ? Con qua đây một mình, đã sống được thì nuôi thêm một đứa bé cũng chẳng sao, hãy cứ để tự nhiên, xem kết quả thanh lọc của con và Quang ra sao, rồi cũng sẽ có cách giải quyết, bác tin là như thế. Hãy bình tĩnh, an vui và đừng bao giờ có ý nghĩ đó nữa nhé.

 

Lời khuyên của hai bác đã làm tôi vươn lên chấp nhận sự thật, mỗi tối bác kêu tôi qua nhà cùng đọc kinh, bác bảo không phải muốn tôi theo đạo, nhưng muốn tôi có mặt để bác cầu nguyện cho tôi thêm sáng suốt, thêm sức mạnh vuợt qua cơn thử thách này. Bác cũng nói Chúa và Mẹ Maria hay nhận lời xin của người ngoại đạo, và tôi đã thấy rất rõ điều này.

Sau đó, anh Quang được đậu thanh lọc, tôi bị rớt nhưng tôi nộp đơn tái xét với tờ khai sinh của đứa con sanh ra tại trại tỵ nạn. Nhớ lại chín tháng mười ngày cưu mang đứa con trong bụng, tôi cũng có nhiều lần thấy tủi thân, bơ vơ lạc lõng, nhưng cũng chẳng ngờ đến ngày chuyển dạ mới thấy được tình nghĩa con người đối với nhau trong cảnh khốn khó.

Con gái tôi chào đời tại bệnh viện Sikiew một ngày hè tưoi đẹp, ngoài bác Thư còn có mấy cô bác, anh chị em chung lô nhà đến thăm và mang quà cho tôi không ngớt, ai cũng khen con tôi xinh xắn, dễ thương nên tôi đã quyết định đặt tên con là Nguyễn Thị Thái Lan để ghi lại kỷ niệm với nơi chốn đã cưu mang mẹ con tôi và biết bao người tỵ nạn khác. Chiều chiều, tôi ẵm con đi dạo vòng quanh bãi đá Sikiew, con gái khỏe mạnh bụ bẫm và những lá thư anh Quang từ Mỹ gửi qua cho tôi thêm sức mạnh vào một ngày mai tươi sáng.

 

Một lần nữa, tôi vẫn không may mắn được cứu xét đậu tái thanh lọc. Tôi thật sự hoang mang vì không dám mang con trở về Việt Nam. Đúng lúc ấy, những tin đồn tới tấp, trại sẽ vĩnh viễn đóng cửa, sẽ cưỡng bách hồi hương tất cả những người rớt thanh lọc. Cũng những ngày ấy, phái đoàn Tòa Đại Sứ Mỹ từ Bangkok vào trại, kêu gọi mọi người hãy ghi danh hồi hương, rồi khi về Việt Nam sẽ được cứu xét chương trình ra đi có trật tự dành cho người ở trại tỵ nạn trở về mang tên ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees). Một số người cương quyết tuyệt thực, biểu tình chống hồi hương, một số người bán tin bán nghi lời hứa của phái đoàn Mỹ, họ cho rằng Mỹ đã từng bỏ rơi chính quyền VNCH nên bây giờ mất ... uy tín, tuy nhiên cũng có người đặt niềm hy vọng cuối cùng vào Mỹ, họ nói:

-Tôi tin Mỹ nói là làm, chớ không phải như bọn Cộng Sản nói một đằng làm một nẻo! Dù sao, chúng ta đã rớt thanh lọc, chẳng còn con đường nào khác, có lẽ nên làm theo lời khuyên của phái đoàn Mỹ.

Tôi vô cùng bối rối, không kịp thời gian để viết thư qua Mỹ hỏi ý kiến của anh Quang và bác Thư, nên đành nhắm mắt đưa chân, ôm đứa con chưa đầy năm lên máy bay trở về quê hương.

Và đúng như sự tin tưởng của nhiều người, “ Mỹ nói là làm”, những ai ghi danh hồi hương trong giai đoạn đó đều được phái đoàn Mỹ tại Việt Nam kêu đến làm giấy tờ, xét duyệt phỏng vấn định cư . May mắn hơn nữa, tôi còn được mang theo Mẹ, hai đứa em trai trong hồ sơ đi Mỹ . Nhờ có giấy bảo trợ của anh Quang gửi về, gia đình tôi 5 người trong nhóm những chuyến bay sớm nhất ra đi theo chương trình ROVR.

 

 Ngày tôi đến Seattle, hai bác Thư từ New York bay qua đón chào và chúc mừng gia đình tôi có một đoạn kết như trong mơ. Chúng tôi vui mừng ôn lại những tháng ngày đã qua, ơn của hai bác tôi không thể nào quên. Anh Quang trở lại đại học ngành Computer  Science và ra trường làm cho hãng Microsoft nổi tiếng của Bill Gate, hai đứa em trai lần lượt vào high School và College, tôi vì có con nhỏ nên cùng Mẹ mở một tiệm sửa đồ kiêm giặt ủi và sau đó sanh thêm đứa con trai, cuộc sống vừa đủ và hạnh phúc, tôi không dám đòi hỏi hơn thế nữa.

 

........

 

Câu chuyện của mẹ em là như vậy đó! Đêm nay, trong giây phút chuẩn bị xa nhà để bước vào đời, em muốn nói lên ngàn lời Tạ Ơn.

Tạ ơn trại tỵ nạn Panatnikhom, xứ sở Thailand là nơi chắp mối duyên cho ba mẹ em gặp nhau. Cám ơn Tình Người đã yêu thương, che chở, ủi an và thông cảm cho mẹ em những ngày gian lao thử thách “đi biển mồ côi một mình”. Tạ ơn ba mẹ đã không bỏ con, để con được sinh ra đời làm người đến ngày hôm nay.

Cám ơn phái đoàn Mỹ là chiếc phao cứu vớt biết bao nhiêu thuyền nhân trại tỵ nạn bị rớt thanh lọc bằng chương trình ROVR giữa giờ tuyệt vong. Cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình em từ những ngày đầu ngơ ngác, để ngày mai ở giảng đường đại học University Of Washington đón nhận thêm một sinh viên mới, mang tên Nguyễn Thị Thái Lan!

 

Edmonton, Mùa Tạ Ơn 2022

KIM LOAN

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
07/01/202321:56:09
Khách
Kim loan oi chuyện thật hay sáng tác đấy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)