Hôm nay,  

Gặp Lại Bạn Cũ Nhờ FaceBook

28/08/201900:00:00(Xem: 8600)

Gặp Lại Bạn Cũ Nhờ FaceBook

Tác giả: Huyền Thoại Thịnh Hương

Bài số: 5774-20-31581-vb4082819

 

Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Bài viết mới là chuyện “trả thẻ, về hưu.”

 

***

Năm ngoái tôi mở Facebook account vì “quê” với bạn bè.  Trước khi bị “luà” vô facebook, tôi luôn phải nhờ con “online” để xem hình bạn bè hay những sinh hoạt của bà con giòng họ. 

Lúc đó, tôi nghĩ vô facebook mất thì giờ quá! Tại sao mình đã có địa chỉ email, có số phone của người ta rồi mà còn phải xài facebook làm chi? Muốn gì thì gửi điện thư, nhắn tin.  Con giải thích là dùng facebook tiện hơn, nhanh hơn, vì mình có thể báo tin hay trò chuyện với nhiều người cùng một lúc. 

Ngoài ra, mình còn có thể biết nhiều chuyện đang xảy ra trên khắp thế giới vì giờ đây các tờ báo, các đài truyền hình, truyền thanh cũng dùng facebook để phổ biến  “breaking news” hay các sự kiện quan trọng.  Ngay cả nhiều cơ quan công quyền cũng có facebook để “đàm thoại” với người dân.  Thậm chí các công ty thương mại, các cửa hàng to nhỏ, các “thương gia tại gia” cũng dùng facebook để bán hàng.

 Tôi nghe nói thì cứ để ngoài tai, nhất định không vô vì nghe thỉnh thoảng cũng có người bị “mạng tặc” giống như xài email vậy.  Cho đến một hôm, tôi không thể xem hình họp mặt của nhóm Việt Bút vì không có Facebook, Iris bạn tôi “làm  phước” download mấy tấm rồi gửi email cho tôi.  Cô còn “đế” thêm:

 - Chị ơi, bây giờ chắc chỉ còn một mình chị chưa có Facebook mà thôi!

Tôi đành “thua”, lò mò mở trương mục cho có với người ta. Vài tiếng đồng hồ sau, “dân chúng” ào ạt chào mừng.  Rồi sau mấy ngày vào thăm “nhà mạng mới” tôi bỗng ham, rồi mê, rồi ghiền.  Chao ôi, đủ thứ tin tức, từ cá nhân tới đại chúng, từ quan trọng đến những chuyện chẳng có chi mà ầm ỹ.  Có nhiều người còn post công thức nấu ăn cho bạn bè cùng thử.  Có cô tên Thanh làm thơ kể lể vui áo để. Lúc đầu, tôi e dè, chỉ thỉnh thoảng mới gửi vài “post” cầm chừng để làm “nền”. 

Một hôm, tôi ghé khu vực “People you might know”. Khu này Facebook đăng hình những người “bạn của bạn tôi”.  Đây là cách Facebook nối kết những “người quen của người quen” với nhau.  Thấy  tấm hình người đàn bà có gương mặt quen quen, tôi cố hết sức mà không thể nhớ ra người này là ai. Có lẽ lúc này trí nhớ đang đi tỉ lệ ngược với thời gian.  Tên người trong hình cũng lạ hoắc, Mãn Đình Hồng. Tôi nhấn chuột vào hình, thì thấy chúng tôi có người bạn chung là Hoa Cà.  Hoa Cà là nickname của chị Dung, một người bạn cuả tôi 50 năm qua. Tôi bèn nhắn “Messenger” cho chị, hỏi người tên Mãn Đình Hồng là ai?   Chị trả lời, “Chị mới quen cô này qua một người bạn.  Cổ tên Kim, hồi ở Saigon cha mẹ có nhà hàng khá nổi tiếng”.

A, tôi nhớ ra rồi!  Đôi mắt đó, nụ cười đó quá quyến rũ mà làm sao tôi nhớ mãi không ra!  Mà cũng không phải tôi quá tệ, vì chúng tôi đã thay đổi nhiều mấy chục năm qua.  Ngày xưa tóc tôi dài xoã ngang vai và đen mướt, mặt tôi “trái xoan” và có cặp mắt hai mí.  Ngày nay tóc tôi bạc gần giống tóc Marilyn Monroe,  hai má xệ gần tới cằm và đôi mắt thì xụp húp, còn mỗi một mí!  Thì chuyện tôi chưa nhận ra bạn xưa thì có gì mà lạ.  Ôi, thời gian!

Năm 1970 bố tôi được thuyên chuyển từ miền Trung về Saigòn.  Tôi may mắn, cũng xin được tái bổ nhiệm về Hòn Ngọc Viễn Đông sau đó mấy tháng.  Tại nhiệm sở mới tôi quen và thân với Kim.  Bố Kim không ở trong quân ngũ vì lúc nhỏ ông bị hư chân bên phải sau một cơn bạo bệnh. 

Kim có bốn chị em gái và hai em trai.  Gia đình nàng sống rất thoải mái nếu không nói là giàu có.  Họ làm chủ một căn nhà hai lầu ngay mặt tiền.  Gia đình sống trên lầu, tầng trệt là nhà hàng bán thức ăn đặc sản, lúc nào cũng đông khách, nhất là buổi chiều. Phải công nhận các món ăn ở đây đều  rất ngon do mẹ và chú của Kim đảm trách.  Theo tôi, khách đến đây một phần cũng  vì nàng, người con gái có đôi mắt to và đen như hai hột nhãn, thêm nụ cười e ấp ngây thơ.  Kim thỉnh thoảng ngồi quầy tính tiền sau giờ làm tại sở theo “lệnh”của mẹ.  Mẹ  muốn cô phải “ngồi đồng” cho bớt đi chơi. 

Dạo đó tôi và “Mãn Đình Hồng” đều chưa đến tuổi hai mươi, không thuộc loại “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nên các ông bà “bô” rầu thúi ruột.  Chiều thứ bảy nào hai đứa tôi cũng áo quần xênh xang, leo lên xe hơi cùng bạn bè đi “à gô gô” đâu đó.  Lúc thì nhót trong câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc trong phi trường Tân Sơn Nhất, khi thì lả lướt ở Trần Thế Vinh phi trường Biên Hòa.  Lâu lâu lại có thiệp mời bên Quân Đoàn Ba. 

Thời gian đó vũ trường tư bị đóng cửa vì lệnh giới nghiêm nên các câu lạc bộ lính tráng tha hồ được các giai nhân ham vui vào “biểu diễn” những bước chân lả lướt.  Tôi và Mãn Đình Hồng tuy dễ thương mà thương không dễ, nên “kép” nào ló mòi loạng quạng là bị cài số de, khỏi mời được tuị tôi lần thứ hai. 

Mãn Đình Hồng, bề ngoài “ăn chơi không sợ mưa rơi” nhưng lại là người yêu rất chung thủy. Nàng  yêu Vượng, một anh chuẩn úy mới ra trường. Vì hát hay và đánh trống giỏi nên Vượng được bổ nhiệm vào Khối Chiến Tranh Chính Trị, làm trưởng ban văn nghệ.  Thế là chàng và nàng như cá gặp nước, lả lướt quanh năm suốt tháng.

Tôi bỏ cuộc chơi sớm hơn nàng vài năm vì bố mẹ tôi sợ mìn nổ chậm trong nhà, hối tôi lấy chồng như chạy giặc.  Khi bố mẹ người yêu đến dạm hỏi tôi cho con trai họ, ông bà “via” tôi mừng như trúng số, thiếu điều muốn cho không biếu không cho được việc. 

Tháng Tư Đen đến đem lại không biết bao nhiêu tang tóc khổ đau cho người dân miền Nam.  Lúc đó, con tôi vừa hai tuổi, và con của Kim vừa mới thôi nôi.  Vợ chồng Kim và vợ chồng tôi bị lọt sổ, không kịp di tản nên ở lại trả nợ quỷ thần.  Hai ông chồng chui vào rọ “cải tạo tập trung” trong lúc hai bà vợ ở nhà xất bất xang bang, lang thang ngoài chợ trời tìm cách sinh nhai và đi thăm nuôi tù cứ ba, bốn tháng một lần. 

Tôi và Kim chung vốn cùng nhau chia cay xẻ đắng, lời chia lỗ chịu như đã từng cặp kè chung vui lúc trời đất chưa nổi cơn gió bụi.  Từ hai  thiếu nữ áo quần là lượt, chúng tôi bỗng chốc biến thành hai bà lọ lem, da dẻ đen nhẻm vì phơi nắng từ sáng đến chiều ngoài chợ trời học buôn học bán.  Đúng là một cuộc đổi đời kinh khủng. 

Một đêm kia, tôi nghe tiếng Kim gọi cửa. Cửa vừa mở, Kim ào vô nhà với một người đàn ông. Tôi tản thần, chưa biết là ai trong ánh đèn dầu tù mù thì Kim thì thầm:  “Vượng nè.  Ảnh vừa trốn trại.  Bồ nói bác cho tụi này trốn qua đêm vì ảnh không dám về nhà, sợ tụi quản giáo đến kiếm”.

Tôi nghe nói mà thất kinh.  Họ mà bắt lại thì nằm tù mút mùa, chưa kể bị tra tấn đánh đập tàn nhẫn.  Tôi ở chung với bố mẹ trong lúc chờ chồng về nên cũng sợ, thương bạn mà cũng không muốn song thân bị liên lụy.  Bối rối quá, tôi vào đánh thức bố và nói rõ hoàn cảnh thập phần nguy hiểm của Vượng.  Bố tôi ôn tồn, “Chuyện đã như vậy thì mình phải tính.  Cứu người là cứu mình, con ạ”.  Bố tôi ra gặp Vượng, thì thào dặn dò anh cách lẩn trốn nếu chẳng may bị xét hộ khẩu.  Dạo đó hay có màn công an và du kích thình lình xét nhà dân để khủng bố tinh thần. 

Sáng hôm sau, khi chuông nhà thờ đổ đợt hai thì vợ chổng Kim ra khỏi nhà tôi sau một đêm  hồi hộp không ngủ.  Bố mẹ tôi muốn giữ Vượng lại vài ngày để “tẩm bổ” cho anh sau những ngày đói ăn khát uống và bịnh hoạn trong trại tù, nhưng Vượng từ chối vì không muốn liên lụy cho gia đình tôi.  Họ dắt nhau ra khỏi xóm như hai con chiên ngoan đạo đang trên đường đi lễ sớm. 

Đem nhau ra Vũng Tầu, họ lén lút ở trọ nhà người bà con của Vượng trong lúc tìm đường vượt biển.  Kim thỉnh thoảng trở về thành phố  thăm tôi chỉ trong chốc lát vì sợ công an theo dõi.  Nàng hứa sẽ về đem mẹ con tôi theo khi Vượng tìm được  đường dây vượt biên đáng tin cậy.  Nhưng chúng tôi không bao giờ cùng nhau ra khơi vì vợ chồng Kim buộc phải ra đi cấp tốc trên con thuyền nhỏ bé với chín con người khốn khổ và một đứa bé ba tuổi đời vì có tin bị lộ.   Mấy tháng sau các em Kim báo cho tôi hay Kim và chồng đã vượt thóat và đang tị nạn ở Bi Đông. 

Hơn 5 năm chồng tôi mới được thả, và chúng tôi bôn ba tìm đường vượt biên vì không mấy tin vào tin chính phủ Mỹ sẽ điều đình với Hà Nội để đem tù binh chế độ cũ sang Mỹ.  Tôi mất liên lạc với Kim từ dạo đó. 

Trầy da tróc vảy bao nhiêu phen, cuối cùng chúng tôi cũng đem được con sang Mỹ.  Hỏi thăm bạn bè, không ai biết đích xác Kim và chồng đang định cư ở tiểu bang nào.  Thậm chí có người còn nghe đồn là Kim đã bỏ Vượng, kết hôn với một người Mỹ bản xứ.  Nghe vậy tôi không muốn tin, vì tôi là người chơi thân với Kim và chứng kiến mối tình son sắt của nàng dành cho Vượng.  Lúc hai người yêu nhau, gia đình Kim không hài lòng vì gia đình Vượng nghèo, không “môn đăng hộ đối” với gia đình nàng.  Nhưng vì Kim dọa sẽ xúi chàng xin đổi đi xa và nàng sẽ “bỏ nhà theo trai”, không cưới xin kèn trống gì ráo nên bố mẹ nàng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, gả quách cho rồi.

Nhiều năm trôi qua, tôi cũng quên dần.  Cho đến hôm nay… Tôi vô Facebook, viết vài chữ trong post mới của nàng:

“Mãn Đình Hồng ơi, có người tên Hương đang tìm Kim, bạn còn nhớ Hương và Kim không?”

Một lát sau, Kim trả lời:

“Trời ơi! Nhớ chứ làm sao quên.  Để mình gọi phone cho bạn nhé.”

Năm phút sau, Kim gọi điện thoại cho tôi.  Hai bà náo nức kể cho nhau nghe cả mấy khối chuyện về mình “kể từ dạo đó”.  Sau gần một tiếng đồng hồ Kim mới cho Vượng nói chuyện với tôi.  Vượng nói không bao giờ anh quên gia đình tôi và câu chuyện trốn tù, về nằm co quắp trên gác bếp nhà cha mẹ tôi cái đêm đầy kịch tính và hồi hộp đó.

Tôi cám ơn Facebook, cám ơn những khám phá, những thành quả tuyệt vời của trí tuệ con người.  Khoa học đã đem lại cho nhân loại bao nhiêu điều dễ dàng và tiện nghi.  Xin tri ân những đầu óc tuyệt vời của các khoa học gia, các nhà nghiên cứu đã đem lại cho quần chúng một cuộc sống  ý nghĩa. 

Nhờ các tiện nghi khoa học mà ngày nay tôi có thể lái xe tìm địa chỉ một cách chính xác, không bao giờ còn đi lạc, khỏi cần chúi mũi và hoa mắt để tìm đường đi trên những tấm bản đồ chi chít những đường vẽ dọc ngang từ đông sang tây, từ nam qua bắc như một mê hồn trận! 

Và cũng nhờ khoa học mà tôi không còn phải vào cây xăng hỏi thăm đường đi vì người tôi đang đến thăm không nghe điện thoại  vì thuở đó chưa có cell phones để bỏ túi áo, túi quần mang theo mình mọi nơi mọi chỗ.

 

Huyền Thoại Thịnh Hương

Ý kiến bạn đọc
02/09/201917:46:34
Khách
Nếu cứ tiếp tục viết nữa, mai mốt tác giả có lẽ sẽ trở thành một legendary comedian trên diễn đàn này đó . Hôm nay, tình cờ được đọc bài viết cũ "Viết Về Nước Mỹ: Đến Hẹn Lại Lên " - khi ấy tác giả có nick là Huyền Thoại- và nay lại thêm bài này nữa thì nhận thấy tác giả là người có khiếu đặc biệt về việc dùng hài hước để kể những câu chuyện thực .
29/08/201902:57:47
Khách
Nghe chị TH kể chuyện ngày xưa mà em nỏ biết nơi mô cả vì hồi nẳm em còn nhỏ xíu, cả chị KD cũng vậy hé. Nhưng zui, trước ko biết thì giờ biết. Ngày xưa chị đúng là dân quậy, từ khuôn mặt trái xoan giờ thành trái... xoài mà vẫn còn quậy. Bài viết vui nhộn, gợi lại chút hương xưa để hồn đi hoang về lại chốn xưa, gặp lại bạn cũ, còn gì hơn? Viva FB.
29/08/201902:46:25
Khách
Nghe chị TH kể chuyện ngày xưa mà em nỏ biết nơi mô cả vì hồi nẳm em còn nhỏ xíu, cả chị KD cũng vậy hé. Nhưng zui, trước ko biết thì giờ biết. Ngày xưa chị đúng là dân quậy, từ khuôn mặt trái xoan giờ thành trái... xoài mà vẫn còn quậy. Bài viết vui nhộn, gợi lại chút hương xưa để hồn đi hoang về lại chốn xưa, gặp lại bạn cũ, còn gì hơn? Viva FB.
29/08/201901:06:04
Khách
naTím, ngỗngTrắng, càocàoXanh... rồi gì nữa chị?
Tưởng như đi lạc về miền Tuổi Hoa hạnh phúc thuở nào.
...
“Yêu nàng thiếu nữ ven sông chèo đò
Yêu vì đôi mắt em không hoen mờ
Cho lòng du khách bâng khuâng mong chờ
Cho dòng sông xanh lại trôi lững lờ...”
(🎶)
28/08/201918:58:40
Khách
Chào chị Huyền Thoại Thịnh Hương,
Chúc mừng chị đã tìm thấy bạn cũ từ FB, chị đâu còn quê với bạn bè nữa? Bây giờ chỉ còn KD quê thôi, khi thấy chị biết vô FB, làm em cũng cảm thấy mình cần bắt chước cái hay của chị, để vừa hết bị bạn bè và các em chê mình quê, mà vừa có hy vọng tìm được bạn xưa như chị. Ngày xưa, KD làm cho DAO trong phi trường Tân Sơn Nhất, ra vào bằng cổng dân sự phía bên tay mặt, toà nhà này đối diện với Air Việt Nam. Phía bên tay trái, cách nhau có cái hàng rào là cổng Phi Long “TỔ QUỐC KHÔNG GIAN” bên quân sự Sư Đoàn 5 Không Quân VNCH, có đài Kiểm Báo Paris, có câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc nổi tiếng dập dìu người hùng và giai nhân. Thời đó các bạn cũng đã gọi em là “quê” rồi, chỉ biết nhảy cò cò thôi, hoặc chỉ qua bên vùng đất quân sự để trao phiếu lãnh xăng tàu bay JP4 cho người đại diện của Không Đoàn, vì công vụ thôi. Cám ơn chị đã nhắc lại vùng đất kỷ niệm thân thương thời còn đi làm của em ngày xưa.
Chúc chị được nhiều sức khoẻ để viết thêm những bài hay và vui nữa nhé.
Ptkd
28/08/201914:27:11
Khách
naTím cũng đã tìm được con nhỏ "ngỗng trắng thương yêu" qua trang FB và tấm hình nửa thế kỹ trước, khi em còn thơ. Thế giới quá kỳ diệu há Hương . Gỏ nhiều nhiều thêm nữa nhe... bạn :-)
28/08/201910:36:35
Khách
Lâu lắm rồi mới được đọc một bài viết về Sài Gòn xưa. Gươm, hoa lạc giữa rừng nhau. Sài Gòn thời ly loạn.Thích quá trời🥳🤓🎶🎶‼️
Chị Thịnh Hương, chị viết bài hay như vậy mà lâu nay giấu nha.
Chị làm em ngạc nhiên.
Mần ơn viết thường xuyên từ nay nha chị🤓‼️
Em chào chị.
28/08/201907:49:58
Khách
Chúc mừng chị tìm ra bạn cũ từ FB, em tìm cô bạn trên 30 năm, mò nát FB nàng vẫn biệt tích, đọc bài của chị em hy vọng mai này...sẽ được như chị.
Chờ bài mới của chị với giọng văn vui nhộn củâ - Nừ hoàng thương xá-.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,528,003
Mười năm trước chúng tôi mua căn nhà này, kiểu xưa, mái ngói màu đen, phần trên bằng gỗ sơn màu nâu, phần dưới tường gạch màu rêu đậm.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả: Lê Như Đức, sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài mới nhất của cô.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm.
Tác giả Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Giải Vinh Danh Tác Phẩm năm 2018.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.