WESTMINSTER (VB) -- Đối với một đời người, tuổi hai mươi là một cột mốc đầy ý nghĩa. Tuổi 20 là tuổi thanh xuân, tràn đầy nhựa sống, tự tin bước vào đời.
Đối với một giải thưởng văn học Việt Nam, ý nghĩa của tuổi 20 còn có phần đặc biệt hơn. Sự trường tồn 20 năm của một cuộc thi viết tiếng Việt là một hiện tượng. Nhất là khi nó được tổ chức ở bên ngoài tổ quốc Việt Nam, nơi mà tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ của một cộng đồng thiểu số.
Và giải thưởng Viết Về Nước Mỹ (VVNM) đã chạm đến cột mốc này, khi Việt Báo Foundation tổ chức buổi lễ phát giải thưởng năm thứ 20 vào chiều ngày Chủ Nhật 11 tháng 8 2019, tại nhà hàng Grand Garden, thành phố Westminster, Nam California.
Nữ tài tử Kiều Chinh- một bằng hữu của VVNM từ những ngày đầu- trong phần phát biểu mở màn, đã mô tả không khí đặc biệt của ngày phát giải. Bà đến đúng giờ, nhưng nhận thấy bãi đậu xe đã đầy từ lâu. Quan khách đã có mặt từ trước cả tiếng đồng hồ để hàn huyên, trò chuyện, dự đoán về những giải thưởng. Không khí không giống của một buổi “lễ phát thưởng”, mà thực sự là một ngày hội hè, là nơi gặp gỡ của ban tổ chức, các tác giả đã từng tham dự cuộc thi, độc giả thân hữu… Bà cho biết suốt 20 năm qua, bà chưa lần nào vắng mặt. Bà vẫn còn nhớ lần đầu tiên tổ chức ở Yorba Linda. Bà nhớ đến những người đi tiên phong đã khuất như bà Trùng Quang, nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Nữ tài tử Kiều Chinh đã cảm ơn nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ và Việt Báo đã duy trì VVNM trong suốt 20 năm qua. Bà cũng không quên cảm ơn các tác giả, độc giả của VVNM. Bà ước mong rằng bà sẽ còn chứng kiến sự kiện văn học nghệ thuật quan trọng này trong 20 năm nữa.
Hai MC điều hợp chương trình là Thùy Trinh và Nguyễn Hoàng Dũng đã nhắc lại Viết Về Nước Mỹ đã có được 20 năm, 7240 ngày với mỗi ngày một tác giả một bài viết; có 21 bộ sách gần 13,000 trang giấy; có hơn 800 triệu lượt người xem trên mạng. Để đạt được những con số như vậy, Viết Về Nước Mỹ đã có sự ủng hộ của nhiều thành phần trong cộng đồng. Phải kể đến những vị dân cử có liên hệ mật thiết đến cộng đồng người Việt. Những vị có mặt trong buổi lễ năm nay được nhắc tên có thể vẫn chưa đầy đủ hết: Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal, Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Tom Umberg, đại diện của TNS Lou Correa, Dân Biểu Tiểu Bang Tyler Diệp, Giám Đốc Học Khu Garden Grove Nguyễn Quốc Lân, Thị Trưởng Westminster Trí Tạ, Ủy Viên Học Khu Huntington Beach Diana Carey, đại diện cho Dân Biểu Liên Bang Lou Correa… Và không thể kể hết rất nhiều những cơ sở thương mại tài trợ, những bạn bè thân hữu, các cơ quan truyền thông báo chí cộng đồng gốc Việt… đã sát cánh hỗ trợ VVNM trong suốt 20 năm.
Trong phần phát biểu của mình, Dân Biểu Alan Lowenthal cho biết ông đã có vinh dự tài trợ 7 năm liên tiếp cho VVNM. Ông cảm ơn Việt Báo Foundation đã tạo ra và nuôi dưỡng sự kiện văn hóa, lịch sử quan trọng, tuyệt vời này của cộng đồng Người Việt Tự Do tại Hoa Kỳ. 20 năm viết về cuộc hành trình của người Việt đi đến quê hương tự do mới Hoa Kỳ. Ông cảm ơn các tác giả đã để lại một gia tài vô giá cho các thế hệ đi sau, để các em biết rõ về lịch sử tị nạn của gia đình, của cộng đồng Việt Nam.
Theo truyền thống tre gia măng mọc, giải thưởng VVNM 2019 đã trao giải Bé Viết Văn Việt trước, với sự điều hợp của cô giáo Orchid Lâm Quỳnh, giáo sư từ trường đại học City Long Beach College, cô cũng điều hành trung tâm LQ Academy, và cũng là một nhà tài trợ giải thiếu nhi năm nay. Các em vinh dự nhận giải là:
Giải Bé Viết Văn Việt thứ nhất: Nguyễn Khoa Alan với bài viết “Bà Ngoại Của Con”
Giải Bé Viết Văn Việt đồng hạng thứ hai: Nguyễn Thị Ngọc Hân, với bài viết “Tết Nguyên Đán”.
Giải Thơ và Chùm Ảnh: Keira Minh Vi, với bài thơ Em Là Vũ Công. Em Kiera đã đọc thật chững chạc bài thơ của mình trước sự thích thú của quý khán thính giả.
Luật sư Nguyễn Quốc Lân, người đã gắn bó với giải Bé Viết Văn Việt suốt 15 năm qua cũng là người trao huy chương cho các em trúng giải. Ông cho biết VVNM là lịch sử sống động của Người Việt Tị Nạn, lại tạo được điều kiện để thế hệ trẻ của cộng đồng có dịp viết lên những suy nghĩ hồn nhiên của mình. Thay mặt Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, ông cảm ơn Việt Báo đã có một giải thưởng như vậy để khuyến khích các em đọc và viết tiếng Việt, một việc làm quan trọng để bảo tồn nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến phần trình diễn văn nghệ vô cùng dễ thương của các bé thiếu nhi thuộc lớp nhạc của cô giáo Bee Uyên Phương. Khán giả hoàn toàn chinh phục bởi sự hồn nhiên, sống động của các ca nhạc sĩ tí hon đầy tài năng. Hai em Thuận Thiên Phan và Thục Nghi Trần đã trình diễn ca khúc nổi tiếng Hello Việt Nam bằng tiếng Việt, và làm cho ca khúc này thêm phần Việt hóa bằng tiếng đàn tranh. Đặc biệt, hai bé Benjamin Trần và Andy Phạm chỉ mới 6 tuổi tự giới thiệu bài hát bằng một giọng tiếng Việt còn ngọng nghịu, sau đó trình diễn những bài hát tiếng Việt một cách dễ thương, ngây thơ, sinh động. Khán giả tin rằng tiếng Việt sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng trong tâm hồn trẻ thơ tại hải ngoại qua văn thơ, qua âm nhạc.
8 Giải Đặc Biệt:
Tác giả Crystal Võ với bài viết Kêu Khóc Bằng Tiếng Việt
Tác giả Lê Xuân Mỹ với bài viết Mẹ Tôi Nằm Bệnh Viện
Tác giả Susan Nguyễn với bài viết Bên Bờ Sinh Tử
Tác giả Pha Lê với bài viết Cơn Bão Ngoài Trời, Cơn Bão Trong Lòng
Tác giả Nguyễn Kim Nên với bài viết Người Đấm Bóp Của Tổng Thống Mỹ
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hương với bài viết Đứa Con Đứng Đường
Tác giả Minh Thúyvới bài viết Chuyện Những Bà Mẹ
Tác giả Duyên Kỳ với bài viết Thời Gian Ơi Xin Ngừng Lại
Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Tom Umberg bắt đầu chào khán thính giả bằng tiếng Việt rõ ràng: “cảm ơn, xin kính chào quý vị…”. Ông cho biết đây là lần đầu tiên được tham dự chương trình VVNM với tư cách là một nhà tài trợ. Ông đã cảm ơn Việt Báo đã đóng góp một di sản vô giá cho cộng đồng Người Việt Tự Do tại Hoa Kỳ và cả trên toàn thế giới, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. VVNM đã tác động tích cực đến sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại, bằng cách đem mọi người đến gần nhau hơn, cùng chia sẻ niềm hạnh phúc, sự trân trọng đối với giá trị tự do dân chủ mà quê hương mới Hoa Kỳ đã đem lại cho mình.
Hai vị dân cử gốc Việt phát biểu trong chương trình là Dân Biểu Tiểu Bang Tyler Diệp và Thị Trưởng Westminster Trí Tạ- những vị dân cử quen thuộc với giải thưởng VVNM- cũng đã gởi lời chúc mừng đến VVNM năm thứ 20, và trân trọng những đóng góp quan trọng mà giải thưởng này đem lại cho cư dân gốc Việt của mình. Công việc gìn giữ văn hóa Việt Nam tại hải ngoại cần sự đóng góp của nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh trong gia đình. Cả hai vị dân cử đều cảm ơn đến các tác giả đã đóng góp những câu chuyện quý giá về cuộc đời di dân của cá nhân, của gia đình gốc Việt.
4 Giải Danh Dự:
Tác giả Hồ Nguyễn với loạt bài Khởi Nghiệp Trên Đất Mỹ.
Tác giả Hoàng Chi Uyên với bài viết Bà Ngoại Khác Chủng Tộc.
Tác giả Ngọc Hạnh với bài viết Thủ Đô và Bức Tường Đá Đen.
Tác giả Võ Phú với bài viết Tôi Dạy Tiếng Việt.
Giáo sư Bùi Tùng đến từ University of Hawaii- là người trao giải và cũng là nhà tài trợ- đã gởi lời chúc mừng đến các tác giả thắng giải, và ước mong được hỗ trợ VVNM trong 20 năm nữa.
Nữ ca sĩ Khánh Ly- một thân hữu của Việt Báo, cũng là một người thường xuyên có mặt trong các buổi lễ phát giải VVNM- năm nay cũng đã góp giọng hát của mình với 2 ca khúc Trăng Ban Chiều (Trần Dạ Từ), và Đời Đá Vàng (Vũ Thành An). Nữ ca sĩ Khánh Ly nói rằng rất mong sẽ có một ngày gần đây, cô sẽ đứng trên bục sân khấu này không phải là một ca sĩ, mà là một tác giả viết về cuộc đời của mình. Viết về những ngày cơ cực đầu tiên khi cô đến đất nước Mỹ này. Cũng như bao nhiêu người Việt tị nạn khác, cô đã chấp nhận làm những công việc cơ cực, để bắt đầu cuộc sống mới. Cô cũng mong những người còn yêu văn chương hãy tiếp tục tham gia vào danh sách người viết của VVNM.
Giải Trùng Quang của VVNM 2019 thuộc về tác giả Trần Ngọc Ánh, với 2 bài viết Tình Muộn & Ông Đồ Già Trên Đất Mỹ. Trong phần phát biểu của mình, tác giả Ngọc Ánh cho biết thật bất ngờ và danh dự khi nhận được giải thưởng này. Bà cảm ơn Việt Báo đã tổ chức một sân chơi văn chương thú vị, để những người mê viết như bà có điều kiện tham gia. Bà cảm ơn bà Trùng Quang vì hoài bão bảo tồn văn hóa Việt. Bà cũng cảm ơn ông đồ già Victorville ở xứ Mỹ, nhân vật trong câu chuyện đoạt giải của bà. Đã hơn 80 tuổi, ông vẫn làm công việc của một ông đồ, dạy chữ Nôm tại Viện Việt Học vùng Little Saigon. Nỗ lực của ông thật đáng khâm phục, cũng không ngoài mục đích gìn giữ di sản văn hóa dân tộc tại hải ngoại. Bà kể lại câu chuyện về công việc thầm lặng của ông, để kêu gọi các thế hệ trẻ hãy noi gương thế hệ đi trước, tiếp nối sứ mạng văn hóa Việt của cộng đồng chúng ta.
Chương trình được xen kẽ bằng phần giới thiệu sách, xổ số, và đố vui Viết Về Nước Mỹ do chính tác giả cựu hoa hậu Phương Dung tác giả ông xã Thy Nguyễn điều hợp. Ba giải quan trọng nhất của VVNM 2019 cũng đã được công bố vào cuối chương trình, với kết quả được cho là bất ngờ đối với nhiều người đã hào hứng theo dõi cuộc thi trong năm nay.
Giải Vinh Danh Tác Phẩm thuộc về tác giả Nguyễn Văn Tới, với bài viết Đời Phi Công Không Người Lái. Tác giả vì trục trặc công việc giờ chót tại Phi Luật Tân không về kịp, nên để cho phu nhân của mình bay một mình về đại diện nhận giải.
Giải Vinh Danh Tác Giả thuộc về tác giả Tố Nguyễn, với hai bài viết “Chuyện Thuế và Chuyện Đời”, và “Mẹ Tôi Trở Thành Công Dân Mỹ”. Chỉ bắt đầu góp bút vào giải thưởng trong hai năm, nhưng Tố Nguyễn là một gương mặt mới, đầy triển vọng của cuộc thi VVNM. Chị đã cảm ơn ban giám khảo, ban tổ chức đã cho chị vinh dự này. Chị muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ thích viết văn rằng: hãy tự tin rằng mình cũng sẽ viết được. Bản thân Tố Nguyễn làm việc trong lĩnh vực khoa học. Văn chương từ thời còn ở Việt Nam chỉ là niềm vui của chị. Sang đến Mỹ từ năm 2005, chị lại tiếp tục phải làm việc trong môi trường “dòng chính”, sử dụng Anh ngữ là chính, cho nên ít có cơ hội viết tiếng Việt. Thế rồi một hôm, chị đọc những bài viết trên mạng của cuộc thi Viết Về Nước Mỹ. Chị cảm động đến chảy nước mắt! Những câu chuyện kể sao mà chạm đến trái tim người mạnh đến thế! Chị quyết tâm sẽ tham gia vào cuộc thi viết này. Lúc đầu, chị còn hơi ngại về đề tài viết. Cuộc đời của chị vốn suông sẻ, bình an, không biết viết thành chuyện có hấp dẫn không? Nhưng rồi chị cho rằng mỗi cuộc đời đều có nét độc đáo riêng của mình. Chị viết về những câu chuyện thật của mình, xảy ra chung quanh mình. Chị viết với tâm nguyện chia sẻ kinh nghiệm với những người khác. Chị tin rằng những câu chuyện của mình kể sẽ giúp ích cho nhiều người khác trong cộng đồng. Và chị đã thành công!
Giải quán quân Chung Kết Tác Giả-Tác Phẩm thuộc về tác giả Vĩnh Chánh, với bài viết Đằng Sau Mặt Trăng. Bài viết về câu chuyện đầy tính bi hùng, lịch sử của chính gia đình tác giả, trải dài qua 3 thế hệ, diễn ra từ Việt Nam đến tận Hoa Kỳ. Câu chuyện với không ít nỗi bất hạnh. Nhưng tác giả đã kết thúc câu chuyện trong một tinh thần đầy lạc quan, nhân ái, và tràn đầy lòng biết ơn đời, biết ơn đất nước Hoa Kỳ. Tác giả cho biết, tinh thần lạc quan nhân ái đó một phần là do truyền thống giáo dục trong gia đình, một phần là vì quan niệm sống của chính ông. Đã từng là một người lính VNCH, vào sinh ra tử trong biết bao nhiêu chiến trường Việt Nam, ông nói rằng ông luôn luôn lạc quan, tin tưởng rằng mình sẽ trở về với gia đình sau trận chiến. Không lạc quan làm sao có thể vượt qua được giai đoạn cuộc đời hiểm nguy ấy. Ông nói rằng mỗi người trong chúng ta ai cũng sẽ phải vác trên vai một cây Thập Tự Giá. Cây Thánh Giá đó nặng, hay nhẹ là do quan niệm của chính mỗi chúng ta mà thôi.
Khi lên nhận giải cao quý nhất, tác giả Vĩnh Chánh đã cảm ơn VietBao Foundation, cảm ơn hơn 800,000,000 lượt người đã đọc VVNM trên mạng, hàng triệu độc giả đã đọc những trang sách của VVNM. Ông cho biết mình viết như là để chia sẻ, tâm sự về những thăng trầm của cuộc đời. Chia sẻ được là một phương pháp rất hiệu quả, để chữa trị những căn bệnh tổn thương tâm lý cho nhiều người trong cộng đồng người Việt hôm nay. Ông khuyến khích mọi người hãy đọc và viết. Về phần thưởng, ông cho biết sẽ đóng góp phân nửa số tiền thưởng trở lại cho quĩ VVNM. Phân nửa còn lại ông sẽ dùng để giúp đỡ cho các thương phế binh VNCH, đến các tù nhân lương tâm, đến các trẻ em khuyết tật trong Dòng Mến Thánh Giá tại Huế. Ông chỉ xin trích lại một số tiền nhỏ để mua một chiếc tủ lạnh mới cho vợ ông, như là một món quà cho người luôn nhắc nhở ông rằng: “nhớ viết bài cho VVNM, anh nhé!”.
Buổi lễ trao giải thưởng VVNM 2019 đã khép lại trong bầu không khí thân mật, đầm ấm, tràn đầy tính văn hóa, nhân bản. Mọi người lưu luyến chia tay hẹn gặp nhau vào tháng tám năm tới, và tiếp tục 20 nữa trong các ngày phát giải của VVNM. (VB)