Hôm nay,  

Chuyện Năm Heo: Em Ủn Của Tôi

15/02/201900:00:00(Xem: 7751)
Tác giả: Dong Trinh

Bài số  5616-20-31422-vb6021519

 
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết đầu năm  của tác giả.

 
***
 

Sau 1975, không nhớ rõ là năm nào, một ngày kia được lãnh tiền phụ trội dạy bổ túc văn hoá cho cán bộ nhà nước, dù là chẳng  bao nhiêu nhưng tôi cũng mừng quá chừng, chạy mua ít gạo ở tiệm Đức Hoà ngay cuối đường Đoàn Trần Nghiệp.

Ra khỏi tiệm, ngó thấy mấy con heo được bày bán ngay đó, hỏng hiểu mắc chứng gì, tôi cao hứng bước tới ngắm nghía, rồi ngồi xuống vuốt ve mấy em ủn ỉn, đứa vá đen, đứa hồng lợt, đứa đen thủi đen thui thiệt là dễ thương hết sức. Bà bán vội mở một màn ca cẩm, mời mọc:

- Mua đi cô, heo này mạnh lắm, ăn nhiều, giống tốt, bảo đảm với cô sáu tháng sau là cân được cả trăm kí đó. Tết nhứt tới nơi rồi, cô mua đi, tui bán rẽ cho...

Chết rồi, tại thấy mấy đứa kêu ột ột, lăng xăng trong giỏ bội, chồm tới chồm lui, tôi thương quá nên coi thôi chứ đâu có ý muốn mua!

Nghe bà ỉ ôi riết tôi hỏi đại giá cả rồi cũng kèo nài thêm bớt và cuối cùng là ẩm em gái có nước da hồng hào đem về. Vô tới nhà, từ nhà dưới, nghe tiếng kêu eng ét, má tôi lật đật chạy lên, thấy tôi đang ẩm em mỏ dài mắt hí trên tay, má tôi hết hồn, kêu lên:

- Trời ơi, heo ở đâu vậy con?

- Dạ, con mới mua!

Má ngó tôi chưng hửng:

- Rồi con tính để đâu nuôi? Nhà nhỏ xíu, chật chội, chỗ nào làm chuồng cho nó đây?

Bây giờ tới tôi hết hồn thiệt nha! Cao hứng mua đại mà không suy nghĩ. Nhà nhỏ như cái hộp quẹt , má con bà cháu đã bảy người, thêm chị ủn ỉn vô nữa làm sao đây?

Tính tới tính lui, sau cùng, anh Út tôi quyết định kiếm cây về đóng cái chuồng vuông vức mỗi cạnh một thước hai ngay sàn nước, có đường mương như vậy cũng tiện cho việc rửa ráy. Sau mấy tiếng đồng hồ đóng, cưa, đục đẽo, em nhỏ của tôi đã có được một căn nhà riêng, sạch sẽ mát mẻ.

Tới phiên anh Út tôi lo lắng:

- Cơm mình còn không đủ ăn, lấy đâu cho heo đây?

Tôi lại ú ớ..., gãi đầu, nhăn nhó, chợt tôi nhớ ra, cười tươi:

- Khỏi lo, chú Biếu bán mì ngày nào cũng đổ mì hủ tíu dư của khách vô thùng rồi đem bỏ, mình xin ổng cho heo ăn thì đâu tốn kém gì!

Anh tôi tán đồng ngay:

- Ừa, vậy chạy ra hỏi ổng đi.

Tôi lật lật ba chân bốn cẳng chạy ra ngoài trước, qua xe mì, nói với chú Biếu để xin hủ tíu mì dư của khách cho heo. Chú gật đầu liền, còn chọc tôi:

- Bà tính nuôi heo làm giàu đặng dong hả?

- Dong gì mà dong ông, tui nuôi cho vui chứ bộ!

Vậy là “em ủn của tôi” từ nay đã chính thức có tên trong sổ gia đình, có nhà cửa, có thức ăn, không còn gì phải lo nữa!

Tôi yên tâm đi dạy học, suốt mấy tiếng trong lớp, lâu lâu nghĩ tới con nhỏ ở nhà, lòng vui rộn rã, tới ngày nó được trăm kí lô, đem bán lấy tiền, mua hai đứa, một gái, một  trai. Số còn dư, săm áo quần cho Khương. Tội nghiệp, con trai tôi toàn mặc những đồ cũ của tôi sửa lại, cháu mỗi ngày một lớn, quần hết chổ xuống lai, áo ngắn cũn cỡn. Rồi tôi còn tính mua thịt, mua cá ăn cho đã cái cơn thèm sau mấy năm trời chỉ toàn nước tương, rau muống, mua chút gạo trắng để không còn cái cảnh nhai trợn nhai trạo vì khoai khô, lẫn sạn đầy trong chén cơm lưng.

Hết giờ học, tôi đạp xe về, lòng vẫn còn vui khi nghĩ đến viễn ảnh sáu tháng sau, rồi sáu tháng sau nữa với chén cơm trắng có đầy thịt cá, với bầy heo ngày một lớn, nó tròn ục ịt… thình lình, chiếc xe cán trúng cục đá ngay trên đường, ngã cái rầm, tôi nhào đầu xuống đất, đau thấu trời xanh. Lật đật ngồi dậy, mình mẫy trầy trụa tùm lum, áo quần chổ,  rách chổ dơ, tôi mắc cỡ quá, hết hồn lôi cái xe đạp lên, chạy một mạch về nhà, bầy heo, áo mới, cơm ngon bay mất hết. Vô tới cửa, buông sách vở xuống bàn, tôi chạy lẹ xuống chuồng heo vì nghe tiếng kêu eng ét thiệt lớn của con nhỏ da hồng.

Trời ơi, thiệt là hết chổ nói! Cái thau đựng hủ tíu bị lật úp xuống, mới trưa nay trước khi tôi đi dạy, cái chuồng sạch trơn, giờ đây đầy phân, nước tiểu, khai ngấy!

Xăn quần, kéo ống nước, tôi lật đật leo vô chuồng, quét dọn, rửa ráy, rồi tắm cho cái con nhỏ bốn cẳng luôn.

Rồi thì cũng xong, ăn no, tắm mát, em đi nằm. Hai mắt nhắm nghiền, cái bụng căng tròn ưởn ra thiệt là thấy ghét gì đâu.

Đêm đó, nằm ngủ, thỉnh thoảng nghe tiếng ột ột nho nhỏ, tiếng cái thau bị đá tới đá lui nghe rốn rảng… tôi chợt mỉm cười, nhớ tới bài thơ ngụ ngôn cô Bê-Rét đi bán sữa của La Fontaine:

 

- Cô Bê-rét  đi mang liễn sửa

Kê đệm bông ở giữa đỉnh đầu

Chắc rằng kẻ chợ xa đâu

Nhẹ nhàng thoăn thoắt chẳng âu lo gì

. . .

Vừa đi vừa tính phân minh từng đồng

Sửa bán đi tính xong ngần ấy

Trứng một trăm mua lấy về nhà

Ấp đều có khó chi mà

Khéo ra mấy chốc đàn gà đầy sân

. . .

Đem ra chợ bày đâu chẳng đắt

Bán lợn đi lại dắt bò về

Thừa tiền thêm một con dê

. . .

Cô Bê-rét nói rồi cũng nhảy

Sửa đổ nhào hết thảy còn chi

Nào bò, nào lợn, nào dê

Nào gà, nào trứng, cùng đi đằng đời !
 

Con heo của tôi thì còn đó, mới một ngày mà đầu gối bị lả, áo rách, quần sờn. Thôi thì đành gác lại giấc mộng làm chủ bầy heo, quên đi bữa cơm ngon. Đi dạy về, mệt ứ hự mà vẫn phải hầu em ủn cũng đủ xỉu rồi! Thiệt là thiếu suy nghĩ, rước họa vô thân.

Ngày qua ngày, hủ tíu dư của khách hàng chú Biếu nuôi em ủn của tôi lớn lẹ ghê luôn. Mà cô nàng này dữ lắm. Mỗi chiều leo vô chuồng tắm rửa cho nàng, tôi cứ bị nàng ta cắn gót chân đau điếng, lai quần te tua hết. Tuy vậy, lâu dần mến tay, mến cẳng, tôi hay nói chuyện với nàng ta như nói với đứa con gái thương yêu. Không biết có hiểu không, chỉ thấy nàng ta đưa cặp mắt ti hí ngó tôi, đầu thì ngoảnh lên ra vẻ đang lắng nghe, và cái chuyện cắn gót chân tôi vẫn tiếp diễn mỗi chiều, chắc nàng ta nói sao tôi được tự do thong thả, còn nàng thì vô tội lại bị giam cầm trong cái nhà tù nhỏ xíu.

Bây giờ ủn ỉn tôi đã gần sáu tháng, tuy rằng không trăm kí như bà bán heo nói nhưng tôi cũng ước chừng bảy chục. Tội nghiệp quá, cái chuồng nhỏ xíu, nàng ta thì ụt à ụt ịt, xoay tới xoay lui chứ có đi đứng thong thả được đâu nè! Thấy vậy, tôi bèn bàn với má kêu người bán. Vài ngày sau, có một người đàn ông đến, vác theo cái đòn cân. Mấy tháng trời mơ ước, những ngày chờ đợi người mua, tôi toan tính đủ điều. Vậy mà khi người mua heo tới, tự nhiên tôi muốn đổi ý. Nuôi mấy tháng nay, dù hết mấy cái quần bị rách lai, dù gót chân bầm tím vẫn còn dấu vết chồng chất lên nhau, tôi vẫn thương nó lắm, tôi không đành lòng xa nó chút nào.

Nói gì thì nói, rốt cuộc thì em ủn của tôi cũng bị cột bốn cẳng lại, treo ngược trên đòn cân. Chắc biết số phận mình sẽ đi về đâu, trước khi bị trói, em chống đối kịch liệt, cắn chú lái heo, la oang oác um sùm. Lòng tôi quặn thắt, vội tránh mặt lên nhà trên, để việc mua bán cho má và anh tôi.

Sau khi chú lái heo bỏ em ủn lên xe ba bánh chở đi, tôi vội đi dọn chuồng, tháo hết khung ra. Má tôi ngạc nhiên hỏi:

- Con không tính nuôi nữa sao?

- Dạ không má à, cực quá với lại nhà chật chội không đủ chổ cho nó khi lớn.

Má tôi cũng đồng ý với tôi điều này và hỏi tôi sẽ làm gì với số tiền bán được. Tôi nói má để dành mua gạo ăn.

Thật ra, ngay từ khi quyết định bán em ủn, là tôi đã không muốn nuôi tiếp nữa rồi. Cứ nghĩ tới nó bị thọc huyết, đau đớn trước khi chết, tôi nghe như chính tôi bị người ta hành xử vậy. Tối đó , không nghe tiếng ột ột, không nghe tiếng thau bị đá, không còn nghe mùi khai nữa, tự nhiên tôi chảy nước mắt, nhớ thương em ủn ỉn quá, giờ này số phận của nó ra sao?

Một lần nữa, Tết lại sắp đến, đầu tắt mặt tối vừa đi dạy học, vừa phụ cháu chiên bánh bỏ mối cho người ta, tôi đã lãng quên em ủn của tôi từ lúc nào không biết.

Sát nhà tôi là nhà dì Hai. Phía trước nhà dì có cái chái lợp tôle rộng rãi. Ban ngày, dì cho người ta mướn để sửa xe đạp, buổi tối có gia đình của chú Năm xin ngủ tạm. Họ rất nghèo , con nheo nhóc, hai vợ chồng đi ăn xin, không chổ nương thân, may nhờ dì Hai tốt bụng cho ở nhờ.

Một buổi chiều, tôi bước ra sau để qua nhà chị tôi. Ngang cái chái nơi vợ chồng chú Năm trú ngụ, tôi thấy thím Năm đang ngồi làm thịt một con gì nhỏ chỉ  bằng bắp chân người lớn. Tò mò, tôi đứng lại coi. Trời đất ơi! Một con heo mọi, nhỏ xíu, ốm nhom ốm nhách chỉ da với xương mà thôi!

Tôi tò mò ngồi xuống coi nhưng không dám hỏi. Thím nhìn tôi cười, nụ cười hiền đượm nét buồn:

- Hồi nãy, tui đi ngang nhà kia thấy trong thùng rác có con heo mọi chết, tui tiếc nên lượm đem dìa đây, để kho cho mấy đứa nhỏ có miếng thịt ba ngày Tết!

Thật không còn gì thảm bằng! Gia đình tôi, sau 1975 lâm vào cảnh khốn đốn, nhà cửa tiêu tan, ba tôi buồn sanh bệnh, qua đời. Các anh chị em chúng tôi sống đời khổ cực, gia đình bữa đói, bữa nhịn, tôi đã thấy như tận cùng rồi. Vậy mà… không phải đi đâu xa, ngay trước mắt tôi, còn có những người khác còn khổ hơn chúng tôi gấp trăm, ngàn lần! Một con heo chết, nhỏ xíu, bị người ta quăng thùng rác, lại là bữa ăn ngon cho cả nhà chú thím Năm trong những ngày Tết được sao?

Tôi không dám ngồi lại đó nữa, đứng lên trở vô nhà. Ngang qua chổ cái chuồng em ủn, tôi chợt nhớ em vô vàn.

Vài năm sau, chúng tôi may mắn được qua Mỹ đoàn tụ với anh chị và các cháu. Một bữa nọ, tôi dẫn Bình, đứa con gái vừa mới lên hai, đi chợ. Tôi cùng cháu ghé vô một tiệm bán đồ kỷ niệm của người Việt Nam. Con bé thích thú với mấy món đồ chơi, cứ đi qua đi lại, ngó hết cái này tới cái kia, miệng thì ríu rít hỏi tôi cái đó là gì vậy mẹ?

Đang chăm chú coi những con búp bê Nhựt thiệt dễ thương trong tủ kiếng, chợt nghe như có tiếng gì như đồ bị bể, tôi quay qua chổ Bình. Con bé đang đứng im, nét mặt sợ sệt như muốn khóc. Tôi vội hỏi chuyện gì, Bình mếu máo chỉ xuống đất, con heo đất màu đỏ bị bể ra từng mảnh vụn,  la liệt trên sàn nhà. Ông chủ tiệm cũng bước tới, mặt mày nhăn nhó. Tôi vội ngồi xuống thu dọn cho sạch và hỏi ông ta bao nhiêu tiền. Ồng lạnh lùng nói:

- Mười hai đô!

Tôi không nói gì, lặng lẽ lấy mười hai dollars ra trả rồi dắt con ra về.

Cuối tuần, em trai tôi chở cả nhà đi chợ trời mua rau cải. Tình cờ, ngang qua gian hàng của người Mễ, có bày bán rất nhiều món làm bắng đất nung như mèo, chó và có cả heo nữa. Những con heo đất đủ màu xanh, đỏ, vàng...y hệt con heo đất hôm nọ Bình làm bể. Tôi hỏi người bán, bao nhiêu một con, anh ta vui vẻ nói:

- One buck!

Trời! Chỉ một đồng mà ông chủ tiệm hôm nọ bắt tôi trả mười hai đồng vì con tôi lỡ làm bể, tôi bị bắt buộc phải đền nên ông ta đòi bao nhiêu tôi cũng đành chịu hết.

Chiều đó, tôi đưa cháu đi mua đồ ăn ở chợ Mỹ. Tôi để cháu ngồi trong xe đẩy của chợ, vừa đẩy cháu, vừa để thức ăn luôn. Đến hàng baby food, tôi lấy nước trái cây được đựng trong hủ bằng thủy tinh nhỏ, bỏ vô xe. Còn đang loay hoay lựa món khác, thình lình tôi nghe một tiếng‘ xoảng’, rồi nước văng tung toé. Tôi giựt mình ngó lại thì thấy một hủ nước trái cây bị rớt xuống nền gạch bể tan tành. Lật đật ngồi xuống thu dọn chiến trường, vừa đưa tay cầm miếng miểng chai, chợt nghe ai nói sau lưng bằng tiếng Anh:

- Cô để đó tôi làm cho, hãy coi em bé có bị sao không.

Tôi ngước lên, thấy một nhân viên của tiêm, tay cầm chổi, tay cầm đồ hốt rác đang đứng đó. Anh quét dọn thật lẹ rồi gọi máy cho người ta đem tới một cái trụ màu cam, chóp nhọn có chữ WET để cho khách hàng đừng bước vô. Trong lúc đó, tôi vẫn đứng chờ, cho đến khi anh đã làm sạch sẽ rồi, tôi lo sợ hỏi:

- Con tôi vô ý làm bể, xin lỗi anh. Anh có thể cho tôi biết tôi sẽ làm sao để trả tiền cho cái chai này?

Anh khoát tay cười và nói:

- Không, cô không cần phải trả tiền gì hết, cô cần coi lại cháu có bị gì không thì cho chúng tôi biết.

Ủa? Ngộ vậy nè? Tiệm Việt Nam thì ông chủ lạnh lùng  đòi đền, để tôi tự dọn dẹp. Phía chợ Mỹ thì chẳng những không đền tiền mà họ còn lo cho  con tôi có bị thương tích gì không!

Về sau, ở lâu ngày tôi mới được biết, tất cả các chợ đều có bảo hiểm, khi khách hàng lỡ làm bể đồ hay tai nạn… mình không phải đền gì hết!

Trở lại chuyện heo cúi. Sau khi con trai tôi ra trường và đi làm việc ở New York, một hôm, người cháu rễ đem đến cho tôi một con heo nhỏ xíu như con sóc, hỏi tôi có muốn nuôi không, nhìn thấy nó tự nhiên tôi phát sợ. Trời đất, con heo gì mà tôi mới thấy lần đầu, nuôi tới chừng nào mới được trăm kí đây? Với lại chuồng đâu mà nuôi? Nghĩ vậy nên tôi cảm ơn và nói không thể nhận được. Chiều Khương đi làm về, tôi gọi kể vụ con heo. Khương vội nói:

- Ý mẹ ơi, nó là loại heo bên mà  này quý lắm. Người ta thí nghiệm và thấy rằng heo rất thông minh, có thể huấn luyện để nuôi trong nhà như chó, mèo vậy đó, chứ không phải để ăn thịt đâu. Mẹ xin lại cho con đi, Tết con về lấy.

Thiệt tình! Bây giờ heo cũng được nuôi trong nhà sao ta?

Chìu thằng con, mặc dầu trong bụng hỏng muốn chút nào hết, tôi liền kêu người cháu rể để hỏi xin thì nó nói đã trả cho chủ rồi. Kể lại cho Khương nghe, thằng con cứ tiếc hùi hụi!

Hôm nay ngày cuối của mấy chú Chihuahua, Phú Quốc, Berger, French Buildog… Mấy chú đã mãn nhiệm vụ và được lui về nghỉ xả hơi chờ mười hai năm sau tái xuất giang hồ. Sắp đến giờ tiễn cựu, nghinh tân, mong rằng mấy em ủn ỉn sẽ ra sức thay đổi cho thế giới này tốt đẹp hơn, dân chúng ấm no, không còn thiên tai, không còn chiến tranh, không còn khủng bố để dân chúng có được đời sống ấm no, hạnh phúc.

Năm Kỷ Hợi 2019, xin thân ái chúc tất cả quý vị An Khang, Thịnh Vượng, Sức Khỏe Dồi Dào, Gia Đình Hạnh Phúc!

Dong Trinh

Ý kiến bạn đọc
21/02/201916:59:04
Khách
Dong viết dễ thương quá hà.
19/02/201920:05:45
Khách
Chuyện kể nhẹ nhàng , đơn giản
17/02/201903:29:18
Khách
Cháu Khương nói đúng đó. Bên này người ta nuôi heo như nuôi chó, mèo vậy đó, họ cũng cho ngủ trong chuồng hoặc trên giường nệm đàng hoàng.
Tài tử đẹp trai George Clooney cũng nuôi một con heo làm pet được 18 năm thì con heo chết vì bệnh phong thấp. Clooney rất thương con heo này và thỉnh thoảng cón cho nó ngủ chung giường.
16/02/201919:16:10
Khách
Có một chi tiết mà tôi rất thích: Đi siêu thị của Mỹ, nếu lỡ làm đổ bể hàng hóa thì cũng không phải đền tiền bằng giá cắt cổ...Thì ra siêu thị có bảo hiểm...Rất hay được biết chi tiết này. Tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, và lúc đó tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhân viên siêu thị đối xử rất lịch sự với "kẻ tội đồ" như tôi, lòng tôi tràn đầy sự biết ơn cảm kích. Còn siêu thị VN hả, dù ở Mỹ, chẳng biết có bảo hiểm hay không, nhưng cách đối xử với nhau thì quá tệ...
Kể thêm chuyện nầy nữa, năm ngoái tôi bỏ quên cái laptop Apple trong nhà vệ sinh, mãi đến hơn nửa tiếng đồng hồ sau, trên đường xa lộ về nhà, cách xa siêu thị Fred Meyer đến 25 miles, hoảng hốt tôi gọi điện thoại đến chi nhánh của Fred Meyer gần đó để hỏi xem có ai mang nộp không, và được trả lời là, "có", và họ chỉ chờ tôi đến nhận thôi! Ôi, vui y như trúng số độc đắc! Đến nơi nhận laptop từ người quản lý, tôi biết ơn ai đó không tham của và biết cách đưa châu về hiệp phố bằng cách gửi nó đến ban quản lý siêu thị. Nước Mỹ...cảm ơn đất nước này...tôi đã học được nhiều điều về cách tổ chức mỗi ngày...
16/02/201902:16:45
Khách
Hi hi...vậy là bạn Thai Minh Thong cầm tinh em ủn ỉn hé! Chúc bạn năm mới an lành, hạnh phúc, nhiều may mắn nha!
16/02/201901:42:04
Khách
Xin thay mặt những người tuổi Hợi (Đinh, Quí, Tân, Kỷ, Ất...) cảm ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,514,606
Mười năm trước chúng tôi mua căn nhà này, kiểu xưa, mái ngói màu đen, phần trên bằng gỗ sơn màu nâu, phần dưới tường gạch màu rêu đậm.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả: Lê Như Đức, sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả Thanh Mai là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài mới nhất của cô.
Tác giả Võ Phú dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục viết lại từ 2016 và nhận giải Danh Dự Viết về nước Mỹ từ 2019. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm.
Tác giả Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Giải Vinh Danh Tác Phẩm năm 2018.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.