Hôm nay,  

Trăng Lạnh

02/11/201800:00:00(Xem: 79363)
Tác giả: Song Lam

Bài số 5536-20-31343-vb6110288

 
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.

 
 ***

 
I.

Qua khung cửa bếp, tôi nhìn ra ngoài, trăng đã lên cao. Dễ chừng hơn 11 giờ đêm. Bên ngoài vắng lặng, không gian như chìm lắng trong cái lạnh đầu thu.

Chỉ là chớm thu thôi sao đất trời rơi xuống 37 độ F một cách đột ngột vậy? Con bão từ North Caroline hay từ Florida mấy tuần trước làm cho nơi này cả tháng không thấy ánh mặt trời. Trời cứ sụt sùi cơn mưa nhẹ, không gió giật thì cũng mây mù làm cho lòng người không khỏi bâng khuâng!

Cái lạnh cứ xoay tròn tháng ngày gian nan cơm áo, vẫn hụt hơi mõi mệt, vẫn năm dài tháng rộng long đong. Tôi nhiều lần soi gương tự hỏi mình là ai, làm được gì cho cuộc đời mình?

Chúng tôi đã loay quay, loanh quanh với miền Đông Bắc này mới đó đã gần 30 năm. Người Việt ở vùng này, theo ý riêng tôi, cũng có khác biệt với những vùng nắng ấm như Cali, Taxas hay Washington State. Họ đơn độc sống với người bản xứ và ít có sự cởi mở với đồng hương. Từ New York City, chúng tôi đã “bèo giạt hoa trôi” tới Connecticut, trở lui Pennsylvania và cuối cùng là New Jersey. Chúng tôi có chẵn chòi mười lần dọn nhà, sống như người Do Thái phiêu linh!

Những năm đầu ở New York City, người đồng hương duy nhất đem đến tình thương yêu sâu đậm cho gia đình tôi là bác Lại, người già đang ăn tiền trợ cấp chính phủ trong lúc vợ chồng tôi còn trong tuổi trung niên. Hàng ngày bác đẩy cái xe nho nhỏ đi nhặc lon bia, lon coca khắp nơi để đổi lấy 5c một cái. Vậy mà tình cảm tràn đầy với người mới đến định cư. Ông ở cách chúng tôi vài block đường. Mỗi lần đến nhà bấm chuông cửa, ông đều nói lớn:

- Cô L ơi, tôi là bác Lại đây, cô mở cửa tôi cho cái này…

Khi thì cái tách bằng nylon múc nước, khi thì mấy cái kệ gỗ nhỏ… Lắm lúc, ông lão còn mua gà chiên cho hai đứa con gái nhỏ của tôi. Ông nói:

- Tôi là người Công giáo, Chúa dạy phải thương yêu, giúp đỡ người thiếu thốn hơn mình.

Thực tình chúng tôi cảm kích tấm lòng nhân ái của ông, nhưng ông đâu có dư dả gì, nhận quà của ông tôi thêm ái ngại. Vậy mà khi vợ ông đau bệnh rồi qua đời, trong nhà thờ chỉ vỏn vẹn có sáu bảy người gồm ba cha con ông, hai người hàng xóm là vợ chồng tôi và ông cha làm phép xác!

Tôi nhớ như in hình ảnh đó mùa đông năm 1995, trời New York thật lạnh. Bà Lại là người phụ nữ chất phác, qua Mỹ chưa lâu là bị bệnh ung thư. Căn bệnh đeo đẵng đôi vợ chồng già cô đơn hiu quạnh khi hai đưa con đang đi làm, đi học ở bang khác. Thật sự tôi phát khóc khi đếm thăm bà và nghe bà nói:

- Bác sĩ cho biết tôi sẽ không còn sống quá sáu tháng. Tôi muốn về Việt Nam để có “đi” cho rẻ tiền, chứ ở đây mọi chi phí quá mắc cô ơi.

Ngoại trừ những gia đình có tiền bạc ở Việt Nam mang theo, gia đình chúng tôi như bao gia đình H.O. tan tác khác, sang Mỹ với tay trắng tay trơn, chỉ trông cậy vào sự giúp đỡ của chính quyền Mỹ. Tiền chi trả cho bốn người với bốn vé máy bay từ Sài Gòn đến Mỹ chúng tôi phải trả góp mỗi tháng minimum 5 đô la. Buồn cười nhất là mới qua chưa có checking của nhà băng, nhà tôi gởi 5 đô la tiền mặt vào bì thư gởi đi. Mãi một năm sau mới dành dụm mỗi tháng trả được 50 đô. Vậy mà thư cũng đến tay người nhận.

Khi đi định cư nếu “đầu trọc” nghĩa là không có thân nhân, chính phủ Mỹ đưa đi đâu tùy ý. Những thành phố lớn như New York City, Washington DC, Texas Houston, Cali… phải có sponsor, tức là người bảo trợ. Tiểu bang New York ít nhận người tị nạn, hơn nữa, phần lớn người Việt Nam thích ở những nơi có nắng ấm như Cali, Texas. Vì thế nhà cửa ở đây tăng vọt gấp hai ba lần nhà ở miến Đông Bắc chúng tôi vì nơi này chỉ có sáu tháng khô ráo, còn nửa năm còn lại là bão tuyết, mây mù.

Có thể nói hoàn cảnh địa lý ảnh hưởng đến tâm tính con người không? Người Việt Nam ở đây ít cởi mở, sống cô lập theo phong cách của Mỹ, không thích giao du rộng rãi, không muốn ai nhòm ngó đến hoàn cảnh gia đình mình.

Chúng tôi sống với hàng xóm người Mỹ gần 30 năm hoàn toàn không biết gì về họ. Vì thế tôi cứ mãi băn khoăn tự hỏi: “Không biết bên trong những cánh cửa đóng kính im ỉm đó là hạnh phúc hay bất hạnh, là tổ ấm hay là cảnh đời hiu quạnh cô đơn?” Chính điều đó, có một ông Mỹ ở tầng 1 của King of Prussia Arms (nơi chúng tôi ở tầng 2) nằm chết cóng hai ba ngày không ai hay biết. Và dĩ nhiên, văn phòng của apartment đó chỉ gọi 911 để giải quyết sự việc mà thôi.

Người hàng xóm ở apartment mang số 13 là bà Thelma. Khi tôi về đây năm 2002, bà còn khỏe mạnh, còn đẩy xe đi bộ shopping. Sau đó bà yếu dần không tự đi ra ngoài cửa được. Mỗi lần bà đi khám bệnh, người bạn trong hội thánh Tin lành đến đưa bà lên xe bằng xe lăn. Chúng tôi quen với hai vợ chồng ông bà Mỹ Tom and Ann vì họ tới lui với bà Thelma để giúp bà, và mỗi tối thứ tư có chừng năm sáu người trong hội thánh đến nhà bà. Về phần tôi thỉnh thoảng giúp bà lau dọn nhà cửa, bếp nước. Bà sống bình thản và cô độc như thế đã gần 15 năm trong apartment này. Có lúc ngồi chơi nói chuyện thời sự với bà, tôi bạo gan hỏi:

- Bà có con cháu gì không? Sao tôi không thấy ai đến thăm bà vậy?

Bà đang vui cười bỗng đăm chiêu ngó ra cửa sổ. Một vài giây sau bà ngập ngừng trả lời:

- Tôi có một trai, một gái. Chúng nó cũng già hết rồi. Thằng con trai ở Florida, nó bị thương tật ngồi xe lăn nên đi đứng khó khăn. Đứa con gái ở xa lắm, ở Alaska.

Bà ngập ngừng rồi nói tiếp:

- Thêm nữa, chúng nó đều nghèo khổ. Đi về đây thăm tôi phải tốn rất nhiều tiền.

Nghe bà nói, tôi thoáng đau lòng. Trời ơi, người Mỹ không phải ai cũng khá giả, giàu sang hết đâu. Và cảnh đời của bà Thelma này, tuổi ngoài 90 phải sống nhờ vào người không phải ruột thịt, gia đình của mình.

Cuối cùng bà nói cho tôi biết thêm là: “Tụi nó đều nghiện ngập, ma túy” làm tôi choáng váng một vài giây.

Từ đó, tôi không hỏi về con cái của bà nữa đề bà không nghĩ đến họ mà buồn, buồn cho cảnh đời hiu quạnh của mình. Bà sinh năm 1920, lớn hơn má tôi một tuổi, tuổi thân. Theo cách tính của người Việt Nam mình người có tuổi than long đong cuối đời. Tôi nghĩ vậy vì ca dao có câu:

Người ta tuổi Hợi, tuổi Mùi

Sao tôi lận đận, ngậm ngùi tuổi Thân.

Tuổi Thân cũng gần với cách nói “tủi thân, tủi phận” nghĩa là nghĩ buồn riêng cho thân phận của mình.

Năm 2015, bà Thelma 95 tuổi. Bà yếu dần thêm bị bệnh đường ruột, mọi người hỏi bà địa chỉ và số phone của con gái bà. Cuối cùng, cô con gái 62 tuổi của bà tới thăm và dọn dẹp nhà cho bà đến Nursing Home. Đó là ý kiến của Manager apartment, vì họ sợ bà sẽ chết không ai hay giống như ông Sam ở lầu 1 mấy năm trước. Và căn phòng số 13 bỏ trống mấy tháng trời không có ai đến ở.

Chúng tôi tới thăm bà ở Nursing Home gần highway I76 đường đi Philadelphia. Ở đây người quản lý nói đã chuyển bà đến ở Hospic gần đó. Tôi nhớ lúc đó là tháng 2/16, trời còn có tuyết và lạnh, rất lạnh. Khi vào được nơi bà ở, chúng tôi có cảm giác rờn rợn, không phải lạnh mà vì không khí quá ảm đạm, nặng nề. Những người ở đây đang chờ ngày ra đi, những ngày cuối đời được biết trước sao mà đau khổ quá! Bà nằm im, bất động không nhận được chúng tôi, và bà qua đời một tuần sau đó.


Khi mùa xuân trở lại, chúng tôi lại dọn nhà lần thứ mười, giã từ King of Prussia, Pennsylvania để về New Jersey với căn nhà mơ ước cả đời mình. Con gái nhỏ mua căn Single House bị nhà băng kéo giá rẻ cho ba má về nghỉ hưu. Hai vợ chồng già bắt đầu cuộc sống “có nhà” sau 25 năm tha phương cầu thực ở nhà mướn trên đất Mỹ.

 
II.

Câu chuyện người già chưa dừng ở đây. Bà Nancy, hàng xóm của cô con gái lớn cũng ở một mình trong căn nhà khá đẹp. Bà chưa già lắm, chắc chưa đầy 80. Lúc tôi còn ở bên King of Prussia, mỗi tuần qua thăm con, thăm cháu ngoại hay gặp bà. Chào nhau riết rồi quen. Sau nhà bà có cây hồng dòn sai trái lắm, nhưng bà không ăn, bà nói:

- Người Mỹ không ăn trái cây này vì nó cứng và có mủ. Nó không có lợi cho tiêu hóa. Nếu gia đình bà thích cứ hái tự do.

Bà còn mời tôi vào nhà chơi, nói chuyện và khoe mấy thứ đồ trang trí classic mà và sưu tầm mấy chục năm từ lúc ông chồng bà còn làm việc, con cái đề huề. Bây giờ chỉ còn lại cái “empty nest” này thôi. Bà nói với tôi như thế.

Vài năm sau người con trai đến đưa bà vào Nursing Home, thu vén đồ đạc và treo bảng bán nhà. Căn nhà hàng xóm bây giờ chủ nhận là cặp vợ chồng trẻ người Mỹ trắng với hai đứa con một trai một gái. Đứa gái giống y búp bê với mái tóc xoăn tít vàng hoe.

Đôi lúc nghĩ ngợi một mình, tôi tự hỏi: “Bà Nancy sao rồi, ở Nursing Home hay ở Hospic… còn vui sống với đời hay đã ra đi? Mấy đứa con càu nhàu khi tôi nói điều này với chúng:

- Má kỳ thiệt, chuyện của người ta sao má lo chi vậy? má lo cho ba kìa, má lo cho má nữa. Má đâu còn trẻ nữa mà lo bao đồng hoài vậy?

Phải, lo bao đồng là cái tật của tôi. Dọn nhà lần thứ mười này tôi lại có những hàng xóm mới. Đối diện với nhà tôi là vợ chồng ông Bill không có đứa con nào. Ông làm construction, bà làm y tá trong bệnh viện. Họ cũng ngấp nghé tuổi hưu. Bên trái chúng tôi là vợ chồng ông Mục sư người Mỹ gốc Phi châu, có con nhưng ở riêng, thỉnh thoảng mới ghé thăm cha mẹ. Kề bên nhà ông bà Bill là cặp vợ chồng người Việt “rổ rá cạp lạ” con anh, con em đều ở khác tiều bang. Và bên phải căn nhà của chúng tôi, chủ nhân là người Mỹ trắng đang thời kỳ già yếu, đau bệnh, không ai thấy bà ra ngoài bao giờ. Khu phố này là như vậy. Toàn là những cặp vợ chồng già, đang già, hoặc một ông Mỹ, một bà Mỹ sống một mình chờ ngóng con cháu một đôi lần đến thăm cuối tuần nếu chúng có thể.

Cả một khu phố im ắng như vậy nên những lúc rảnh rang tôi chỉ biết ngắm đất, ngăm trời: mừng rỡ vì hôm nay nắng lên hay thất vọng buồn phiền khi xem thời tiết nói rằng hôm nay có tuyết, hay có icy.

Đứng trong phòng ngủ, dòm sang nhà bà hàng xóm, tôi mong thấy được bà dạo trong sân, để thấy được bà còn đi đứng, khỏe mạnh. Mỗi lần thấy chiếc xe trắng Lexus đậu trước cửa nhà bà, tôi lại thấy vui chút vì biết người con trai tới thăm mẹ. Có lần nhà tôi hỏi thăm người con trai ấy về mẹ cậu, cậu nói:

- Mẹ tôi khỏe được chút thôi, nhưng không ra khỏi giường được một mình.

Nhiều lúc, tôi muốn được sang giúp bà đôi chút, nhưng thôi. Người Mỹ không muốn vậy. Họ sẽ nhờ y tá tới giúp mỗi tuần vài lần đề chăm sóc bệnh nhân, tuyệt nhiên họ không muốn hàng xóm thăm hỏi, sà vào đời tư cua họ.

Về đây ở gần ba năm rồi, tôi vẫn chưa biết tên bà hàng xóm đau yếu đó, gia cảnh ra sao. Ngay những cặp vợ chồng già, đang già tôi kể phía trên cũng chỉ chào nhau, nói cười bâng quơ, trao đổi vài câu về thời tiết nóng lạnh của đời thường.

Bè bạn, con cháu thường hay phàn nàn về tính tình kỳ cục của tôi là hay lo những gì chưa tới, cũng tào lao như câu ca dao:

Ngồi buồn lo bảy lo ba

Lo cau trổ muộn lo già hết duyên.

Và cũng gần giống với nhà thơ Nguyên Sa khi ông viết “Ôm em trong tay lại sợ xa em ngày sắp tới” là vậy.

Xin quý độc giả thứ lỗi cho tôi vì đâu ai giống ai. Thúy Kiều thăm mả Đạm Tiên khi dạo chơi ngày Thanh Minh với hai em là Thúy Vân và Vương Quan, nàng đã sụt sùi “giọt ngắn giọt dài” khi hai em nàng tỉnh bơ, tỉnh rụi. Vì Thúy Kiều là người đa cảm “thấy người nằm đó, biết sao thế nào?” thương cho Đạm Tiên bạc phận, biết mình ra sao ngày sao?

Vậy đó, tôi cũng vậy đó mà. Gặp những người Mỹ hàng xóm đau yếu, quặt quẹo, cô đơn trong lúc tuổi già hiu quạnh, tôi chợt nghĩ đến phận mình nên thoáng chút lo âu vì người Mỹ nói ra rã mỗi ngày “Nobody know tomorrow”.

Người đồng hương ở đây không nhiều nhưng mỗi lần đi chợ Việt Nam, hay vào các nhà hàng Việt, chúng tôi cũng gặp họ đó chứ, nhưng sao họ không có cái niềm nở, thân mật, gần gũi như người Việt Nam tôi gặp ở Cali? Đó là câu hỏi lớn trong tâm trí tôi mấy chục năm trời. Hay là ở đây lạnh cả đất trời nên lòng người cũng lạnh tanh, khó bày tỏ, chia xẻ

Vì thế, tôi cứ nao nức đi Cali mỗi năm để mong gặp lại cái thân tình thuần Việt mà tôi có từ lúc tôi còn nhỏ ở Việt Nam. Đó là tình làng nghĩa xóm, nồng ấm tình người và những nụ cười chân thật phát xuất tận cùng trái tim của mỗi người.

Những mơ ước của tôi không thể nào tìm được ở Sài Gòn, ở Việt Nam lúc này. Mọi thứ giá trị tinh thần đã bị bức tử, phá sản. Mọi người nghi kỵ, rình rập nhau để hại nhau, để cướp bóc, thậm chí giết nhau chỉ vì món tiền nho nhỏ. Tất cả đã sa trầm ở đáy vực của lòng tham, của tội lỗi. Cái “thiện” của con người đã biến mất tự bao giờ. Do đâu, vì đâu chắc mọi người trong chúng ta đều đã hiểu.

Chúng ta đang ở trong mùa Trăng. Đêm qua trăng sáng lắm vì là đêm rằm. “Có những đêm rằm, đèn tắt vì trăng” Câu thơ này theo tôi từ lúc còn ở trung học tôi lại không nhớ ai là tác giả. Có một chuyện hơi ngớ ngẩn mà rất xúc động. Hồi mới qua Mỹ, tôi đọc được trên báo xuất bản ở Cali. Đó là câu chuyện của gia đình mới định cư ở Mỹ. Ông già nhìn trăng và nói với con cháu:

- Bây ơi, trăng ở đây sao giống trăng ở Việt Nam quá.

Có lẽ mọi người sẽ phì cười và liền sau đó là nỗi xúc động miên man về tình cảm hoài hương của người xa xứ!

Chỉ còn hai mùa trăng nữa chúng ta sẽ giã từ 2018. Năm mới 2019 lại đang thập thò ngoài cửa và cái Tết Kỷ Hợi sẽ về. Thằng em út ngày nào tôi bế trên tay bây giờ đã đúng 60. Ôi thời gian “tôi có chờ đâu có đợi đâu” (Chế Lan Viên).

Sau Halloween, là Thanksgiving, và Noel Christmas sẽ về. Miền Đông Bắc sẽ bị bao trùm băng giá. Tuyết sẽ rơi từ tháng 12 cho đến tháng 3, tháng 4.

Tuyết xuống phương nào, lạnh lắm không?

Mà đây trời đất một mùa Đông

Tương tư thức suốt thâu canh đợi.

Thoảng gió, Trà Mi động mấy bông?

(Đinh Hùng.)

Tôi không chờ đợi mùa Đông, nhưng mùa Đông đã đến, rất gần trong vài tuần lễ nữa thôi. Đêm qua, đêm rằm. Đêm nay, trang 16. Trăng vẫn đẹp trong suốt tuần này. Không biết có ai cùng tôi ngắm trăng không vậy?

Đinh Hùng viết: “Đêm nay rằm, yến tiệc sáng trên trời” chỉ là sự tưởng tượng của nhà thơ khi cảm xúc trào dâng thôi. Yến tiệc nào có ở mảnh trăng treo lơ lững giữa bầu trời trong xanh phơn phớt đêm nay?

Trăng chỉ có một mình giống như người già cô đơn bệnh tật. Và ai cũng ra đi một mình cô đơn như vầng trăng chỉ có một trên đời.

Đêm nay, trăng sẽ sáng. Và nhiệt độ xuống thấp 37 độ F. Trăng sẽ lạnh lắm không?

Tháng 10/2018

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
13/11/201815:05:08
Khách
Tôi có hân hạnh đọc được nhiều bài viết của tác giả Song Lam, không như các tác giả khác, tất cả các bài viết của tác giả Song Lam đều khiến cho người đọc bùi ngùi, man mác buồn. Có thể thực tế là cuộc đời rất buồn, cũng có thể trong lòng tác giả luôn quay quắt với một tâm sự không vui, nhất là tâm sự người già. Tâm sự người già thì rất giống nhau, vì chúng ta đều là dân tị nạn, tị nạn thì có nhiều chương trình mà chúng ta đã từng tham gia, ngoài HO, chúng ta cũng có “ô đi bi”, “ô đi ghe”… mấy chục năm rồi, cũng đã tới lúc chúng ta đều phải tham gia chương trình “ô đi xa” rồi, nhưng chưa biết thời gian nào dành cho mỗi người, phải không Song Lam?
Với bút pháp điêu luyện, thu hút người đọc của tác giả Song Lam, tôi hy vọng sẽ được đọc những bài viết ghi lại các cuốn phim cuộc đời khi còn trẻ tuổi của chính tác giả hay của bạn bè của tác giả, tôi nghĩ rằng tôi sẽ được nhiều giây phút lắng lòng, hạnh phúc với những áng văn đó. Chắc chắn sẽ còn nhiều thú vị mà Song Lam chưa trình làng. Viết đi Song Lam, nhưng người ái mộ đang chờ.
Từ Sơn.
06/11/201804:24:10
Khách
Bài viết của chị nghe buồn như một bài thơ xưa!
...
“Sương thu lạnh
Trăng thu bạch
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng... bao nhành biệt ly!”
03/11/201804:06:08
Khách
Bài viết hay mà nghe buồn buồn.
Vậy thu xếp dọn nhà lần thứ mười một và cũng là lần chót về California nắng ấm tình nồng để hằng năm khỏi phải chờ đến tháng 8 nữa.
02/11/201818:29:32
Khách
Thương cho tác giả và những người Việt phải sống những nơi lạnh ở nước Mỹ quá! Cầu chúc cho tác giả và phu quân luôn khỏe mạnh để có thể về lại miền nam CA nắng ấm tình người vào mỗi tháng tám hàng năm ❤️
02/11/201813:32:30
Khách
Tôi từng sống ở Texas, Cali, Florida, Arkansas, Kansas, Oklahoma và Alabama. Tôi cũng viếng mọi tiếu bang của nước Mỹ, trừ Alaska. Nơi nào tôi cũng thấy người Mỹ hay người Việt đều giống như New Jersey của tác giả: không có tình hàng xóm như bên VN.
Ngay ở bên Âu Châu hay Úc châu cũng vậy, tình hàng xóm láng giềng rất hiếm.
Vài năm nữa qua thăm Phi Châu coi có khác hay không?
PS. Tuổi già nên về vùng nắng ấm tốt cho sức khoẻ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,641,340
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001. Tuy từ 10 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, tác giả vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển và định cư tại Salt Lake City, Utah từ tháng 8 năm 1987 đến nay. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Tuần lễ Halloween bắt đầu, mời đọc chuyện sợ ma. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015.Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Sang năm 2018 nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của bà là chuyện về một gia đình H.O. có các con trên 21 tuổi từng bị từ chối cho đi theo cha mẹ. Nhờ Tu Chính Án của Thượng Nghị Sĩ John McCain, mà họ đã có thể đoàn tụ từ sau năm 1995.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm một bài mới của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.