30-4-75: Chặng Đường Chông Gai Cuối
Tác giả: Thu Thuyền
Bài số 2872 -1628992- vb7032010
Báo xuân Việt Báo Tết Canh Dần 2010 có phần đặc biệt tưởng niệm Hoàng Anh Tuấn, Thi Sĩ của Hà Nội Kiếp Trước: (Có thể đọc trên Vietbao Online: http//www.vietbao.com/ images/upload/vbx2010/40-44.pdf) Trong phần này, có bài “Hoàng Anh Tuấn, Thân Phụ Tôi của nhà văn Thu-Thuyền. Là thứ nữ của ông bà Hoàng Anh Tuấn - Hoàng Ngô Thy Liên, Hoàng Lưu Thu Thuyền sinh năm 1958 tại Sàigòn. Thời ở Đà Lạt trước 1975, học Couvent des Oiseaux. Tại Saigon -1976-1979, học tại St.Paul, Trung học Sư phạm. Dạy tại Huỳnh Mẫn Đạt. Sống ở Pháp từ 1979. Sang Mỹ từ 1981, tốt nghiệp đại học tại Cincinnati Ohio. Hiện định cư cùng chồng và hai con tại Dallas, Texas. Bắt đầu viết từ 1998. Tác phẩm đã xuất bản: Những Nhánh Sông Mất Biển (tập truyện, Văn Mới, 2004). Sau đây là bài viết đặc biệt của Thu Thuyền về “Tháng Tư 1975” góp cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả Thu Thuyền.
Gia đình Hoàng Anh Tuấn-Hoàng Ngô Thy Liên và các con tại Đà Lạt trước 1975.
***
Cuộc hành trình đưa sáu đứa con di tản từ Đàlạt về tới Sàigòn bình yên vô sự, làm mẹ gần kiệt lực.
Sau khi nghe tin Ban Mê Thuột, Kom Tum, Pleiku bỏ ngỏ, làn sóng đầu hàng lan dần đến Đàlạt. Mẹ tôi gói ghém đồ đạc, lùa chúng tôi lên chiếc xe Renault ọp ẹp, chạy thẳng xuống Tháp Chàm. Chờ mọi sự ổn thỏa, vài tuần sau sẽ trở về nhà lại. Không ngờ nửa đêm đầu tháng Tư, tiếng trực thăng luỵch huỵch trên cao, tiếng xe, tiếng người rần rần ngoài quốc lộ, đánh thức mẹ tôi dậy. Tôi nghe động, nhỏm lên nhìn: Mẹ tôi vừa cho gạo vào nồi cơm điện, vừa thu xếp hành lý. Tôi hoảng hồn nhảy ra khỏi giường, thay đồ theo cả nhà lên xe lần nữa.
Mẹ tôi bắt liên lạc được với bạn bố, cùng theo đoàn công voa của bác chạy về hướng Sàigòn. Để tiết kiệm xăng, mỗi lần kẹt đường, mẹ tôi tắt máy xe. Đoàn xe bắt đầu di động thì chiếc Renault trở chứng không chịu nổ, xe đi sau ủi xe chúng tôi một quãng thì máy mới đề rõ to!
Lê lết mãi cũng về đến được Phan Thiết. Được gia đình một người đàn bà bán tạp hóa ngay bên quốc lộ mời vào nhà nghỉ ngơi uống nước, tôi mừng lắm, chắc mẩm đã thoát được con đường gai góc nhưng tôi lầm. Phan Thiết cực kỳ bất ổn: Cả đêm, cướp vào tiệm tạp hóa đòi tiền, thuốc lá, bánh trái... Mẹ lùa chúng tôi xuống chuồng heo chờ sáng. Mẹ bảo: "Hỗn quân hỗn quan, nhà mình một bày con gái. Cẩn thận vẫn hơn!" Anh tôi cầm khẩu M16 mới mua, cứ dợm chân muốn nhào ra bắn độp một phát cho đỡ tức rồi ra sao thì ra. Mẹ phải ngáng cửa chuồng heo để anh không xổng ra được.
Đến sáng, mẹ đi kiếm nhà dòng. Tìm ra một cô nhi viện, mẹ kéo chúng tôi chạy đến xin tá túc. Bỏ lại chiếc xe yêu quý với bốn bánh xe bị gỡ nằm trơ xương.
Mẹ tôi xin nhà dòng tìm cách rời Phan Thiết vì chắc chắn đêm nay sẽ bị pháo. Các nữ tu không muốn quyết định làm mẹ tôi vừa khuyên xong, đổi qua dọa. Cuối cùng miệng lưỡi Tô Tần của mẹ lay chuyển lòng các sơ. Chúng tôi được gia đình chài lưới cho xuống thuyền nằm chờ sáng. Nếu không có pháo, chúng tôi sẽ phải rời tàu, dùng đường bộ về Sàigòn lấy. Nửa đêm, Phan Thiết pháo lửa dậy trời, thuyền chúng tôi nhổ neo trực chỉ Vũng Tàu.
Tạ ơn trời Phật, không có mẹ, có lẽ chúng tôi đã bị pháo bắn dẹp thây. Tôi vội cho cuộc di tản 1975 của gia đình là một chuyện hi hữu đáng ghi nhớ nhất trên đời nhưng tôi lầm to.
Suốt thời gian sau tháng tư năm 75, mẹ tôi bắt đầu những chặng đường gập ghềnh khác. Sau khi bố tôi bị còng tay đưa vào nhà tù Phan đăng Lưu, mẹ tôi ở ngoài bươn chải, kiếm cơm thăm tù, nuôi con.
Trong thời kỳ cả nước cùng đói, tôi nhớ có một bác nhận là người quen với gia đình, đến thăm nhà tôi vào một buổi chiều nhá nhem. Nói chuyện xong, bác kiếu lui nhưng trước khi về, bác nhờ mẹ bán hộ một trăm đô. Bác bảo cần tiền gấp nên chỉ lấy 80% giá thị trường. Mẹ mừng lắm, vào nhà chắt bóp gia tài, định đưa bác nhưng ngần ngừ một lúc, mẹ trở ra xin lỗi vì không đủ tiền ứng. Tôi tiếc hùi hụi, cứ đi theo hỏi mẹ sao không sang hàng xóm mượn thêm một ít, mua rồi bán ngay, cầm chắc tiền lời. Bị quấy rầy mãi, mẹ mới nói thẳng: "Tờ đô của bác ấy 'mỏng' quá, mẹ không muốn mua!" Tôi lạnh người, thầm nhủ: "May mà mẹ nhanh trí chứ gặp tôi, thấy tờ đô búng kêu tanh tách, ngon hơn miếng mỡ. Chắc chắn tôi nhắm mắt mua ngay..."
Ngoài việc buôn chợ trời chạy gạo hàng ngày, mẹ tôi còn phải tranh đấu vô cùng gay go để xin cho được mảnh giấy thường trú tại Sàigòn. Mẹ tôi mở đại lý hãng dầu gió Sao Vàng. Phường khóm lâu lâu ghé qua mua một hai chai mẹ tôi cũng bán. Có cái phông hãng dầu tưởng dễ nhập hộ khẩu, thật ra cũng chẳng đến đâu. Hàng ngày, mẹ tôi vẫn chầu chực ngoài văn phòng Phường mỗi sáng sớm. Hôm thì cán bộ nhận đơn đi vắng; lúc thì chủ trương mới ban hành buộc phải điền lại giấy tờ; khi thì cần bổ xung giấy nhà đàlạt bị cơ quan nhà nước trưng dụng; có hôm bị đuổi ngang xương, chả cần lý do gì cả. Mẹ tôi mất kiên nhẫn, nổi điên, đứng ở cổng phường vừa khóc vừa lớn tiếng chửi như chửi mất gà. Hôm đó, người về nhà, tay phe phảy tấm giấy thường trú khoe các con. Mắt mẹ vẫn còn hoen lệ nhưng miệng cười đắc thắng vì đã hoàn tất một công tác "vá bể lấp trời".
Hết nhìn tờ giấy ố vàng, lem nhem dấu mộc đỏ chóe in loang qua cả mặt sau, tôi lại nhìn mẹ. Người mẹ thanh lịch của vài tháng trước bây giờ mặc chiếc áo bà ba hàng nội hóa nhàu nát, chiếc quần sa tanh đen lấm lem bụi. Người mẹ của tôi chưa bao giờ mở một lời thô tục với bất cứ ai vậy mà bây giờ chỉ vì chồng con phải hạ mình trước những kẻ đánh vần không thông, đã thế mẹ còn chửi bới không sợ nhơ miệng. Tôi thương mẹ ứa nước mắt, phải vội quay mặt đi sợ mẹ tôi thấy được. Những ai may mắn có con mới thấm thía hai chữ "hy sinh" của các bậc sinh thành!