Hôm nay,  

Tôi Dạy Tiếng Việt

20/10/201800:00:00(Xem: 11821)
Người viết: Võ Phú

Bài so 5525-20-31332-vb7102088

 
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.

 
***
 

Tôi không thể nào nghĩ đến mình có thể đứng trên bục giảng để dạy học, nhất là dạy tiếng Việt.  Tôi rời khỏi Việt Nam khi tôi mới học hết lớp chín với vốn tiếng Việt rất ít ỏi và viết chính tả sai tùm lum nhất là dấu hỏi dấu ngã nên chẳng bao giờ nghĩ lại dám đứng trước lớp dạy cho người khác học.  Ấy vậy mà tôi lại dạy học.  Việc dạy tiếng Việt của tôi cũng rất tình cờ.

Chuyện là năm ngoái khi cậu con trai của tôi đã đến tuổi học tiếng Việt do trường Việt Ngữ Huệ Quang tại chùa Huệ Quang gần vùng tôi ở dạy. Một lần đưa con đi học tiếng Việt, thay vì chạy về nhà và trở lại đón con sau hai giờ đồng hồ, tôi vào lớp xem con mình học tiếng Việt ra sao.  Hôm đó cô giáo dạy ở lớp con trai tôi học vắng mặt và không có thầy cô khác dạy thế.  Nên tôi đã trở thành thầy giáo "bất đắc dĩ".  Và, "sự nghiệp" đứng trên bục giảng không nhận lương của tôi cũng bắt đầu từ một chuyện tình cờ như vậy....

Sau vài tháng làm nghề "gõ đầu trẻ", tôi dần làm quen và yêu thích công việc không nhận lương này.  Vào dịp Tết Nguyên Đán, trường Việt Ngữ có tổ chức văn nghệ và mỗi lớp đều khuyến khích cho các em tham gia sinh hoạt cộng đồng.  Lớp nào cũng có một tiết mục văn nghệ mừng năm mới.  Lớp nhỏ nhất thì gởi lời chúc đến thầy cô, gia đình và bạn bè.  Lớn tí nữa thì múa trống cơm, múa nón, hát, múa võ hoặc đánh đàn.  Tôi thì không biết hát lại mù về múa làm sao chỉ cho các em trong lớp mình dạy được? Nên, tôi đã giúp các em tham gia văn nghệ với màn sớ táo quân.  Cả tháng trời ròng rã, tôi lo viết và dạy các em đọc bài sớ.

Sắp đến ngày trình diễn, tôi lại chạy tìm áo mão cho các em.  Tôi lên mạng tìm kiểu mẫu và ra chợ Dollar Tree mua giấy, keo, và những dụng cụ làm mũ mão, áo quần cho các em.  Sau khi có mũ mão rồi, tôi lại "dợt" cho các em trước khi lên sân khấu.  Trong năm em học trong lớp tôi có em John là người có tướng mạo cao to nhất lớp nên tôi cho em làm Ngọc Hoàng còn lại là táo ông, táo bà và Thiên Lôi, lính lác... Mấy em khác rất thích với vai trò của mình, duy chỉ có “ông” Ngọc Hoàng là tôi lo nhất.  Em ấy tuy to con vạm vỡ, nhưng lại nhút nhát nhất lớp.  Chỉ có một vài câu thoại mà tôi phải chỉ đi chỉ lại bao nhiêu lần...

Rồi ngày văn nghệ Tết mừng năm mới cũng đến.  Cả lớp chúng tôi cứ nháo nhào chờ đến lượt của mình.  Lúc các em lên sân khấu, tôi ở dưới "cánh gà" cũng lo lắng không kém.  Không biết các em có nhớ lời thoại không? Mặc dầu tôi đã cố gắng viết cho thật dễ hiểu, nhưng các em sinh ở Mỹ, nên tiếng Việt cứ đọc lơ lớ giọng tiếng Anh như Mỹ con học tiếng Việt.

Sau chương trình văn nghệ Tết, tôi nghe rất nhiều phụ huynh khen, nên vui và yêu thích công việc này hơn.

Năm nay, ở lớp tiếng Việt tôi dạy có tất cả bảy em mà hết sáu là con trai rồi.  Tôi gọi các em trai là những con ngỗng đực dễ thương. Lớp chỉ có một đóa hoa duy nhất. Ngày đầu nhập học, nhìn qua nhìn lại cô bé như muốn khóc. Sáu con ngỗng đực quậy khủng khiếp, mỗi con mỗi vẻ, nhưng mà vui lắm. Hôm qua trả lại bài thi cuối năm, tôi nói với cả lớp:

- Tuần vừa rồi các con làm bài được điểm cao, nên hôm nay thầy cho các con chọn lựa. Một là học bài mới, hai là chơi trò chơi. Vậy các con thích học hay thích chơi?

Cả lớp nhốn nháo lên và tất nhiên cả lớp đều trả lời rằng muốn chơi. Cô bé hỏi:

- Mình chơi trò đố chữ như lần trước được không thầy?

Tôi trả lời cô bé:

- Mình sẽ chơi trò đố chữ, nhưng trước khi chơi trò đố chữ, thầy có một trò chơi này muốn cả lớp cùng chơi. Lớp mình chia làm hai đội nhé?

Một cậu bé ngỗng đực nhỏ con nhất lớp nói:

- Mình chia theo boys vs. girls (trai thi với gái) nha thầy?

Nói rồi quay qua nhìn bạn nữ cười hà hà tiếp:

- Boys thắng là cái chắc vì lớp mình chỉ có một girl thôi…

Cô bé cự lại:

- Không công bằng.

- Thôi thì thế này:  Thầy có một trò chơi cũng dễ lắm, trò chơi tìm tên con vật. Lớp mình sẽ chia ra hai đội.  Đội nào ít thì được đi trước và mình chơi trong vòng nửa tiếng. Nếu đội nào viết được nhiều tên con vật mà mình biết thì đội đó sẽ thắng. Phần thưởng sẽ là được cộng thêm năm điểm cho bài thi lần sau và một món quà, được không nào?

Hai bên đều đồng ý và đặt tên đội cho đội của mình. Cô bé muốn đặt tên cho đội mình là trái chuối.  Có thể cô bé thích ăn chuối hay là nghĩ đội mình sẽ trượt vỏ chuối chăng? Còn đội bên kia đặt tên là KKJL. KKJL là viết tắt tên của bốn ngỗng đực.

Tôi chia tấm bảng ra làm hai bên. Mỗi đội một bên. Sau khi xong, từng em một lên viết tên của mỗi con vật bằng tiếng Việt mà mình biết. Lúc đầu thì các em nói:

- It's easy, a piece of cake. (Dễ ợt, như ăn một miếng bánh thôi).

Nhưng càng về sau càng gay cấn và nhộn nhịp hẳn lên…

Đội Chuối thật ra không chuối chút nào, cứ từ từ mà viết tên những con vật lên bảng: con chó, con cá, con rắn, con bò... Bên đội KKJL cũng không chịu thua: con rùa, con voi, con hà mã...


Mười lăm phút sau, bắt đầu hơi bí, một ngỗng đực bên KKJL ở dưới la lớn. Con chim đít bự, ghi xuống chứ bên kia ghi chừ...

Con chim đít bự!

Mới nghe hết hồn cứ tưởng là ổng nói gì bậy. Cô giáo dạy chung với mình tròn mắt, nhìn ổng hỏi:

- Bậy, con chim đít bự là con chim gì?

Ổng dang tay ra và làm điệu bộ. Cô cũng không hiểu nhìn qua mình, mình thầm thì bảo:

- Chắc là con đà điểu?

Ra dấu một hồi mệt quá, ổng nói luôn tiếng Anh:

- It's a peacock, cái tail của nó pretty, đít bự đó...

Hồi sau, ông anh của ông con chim đít bự lại la lên:

- Con bún, viết xuống nhanh lên...

Lần này, cô và thầy lại đoán tiếp, con giun phải không?

- Dạ không phải. Nhưng cũng viết xuống liền đi....con giun.

Bông hoa của lớp cũng gào lên:

- Jason, con trùn.

- How to spell it?  (Đánh vần làm sao?)

- It's T.R.U.N.G. with dấu sắc.  Không phải dấu huyền.

- Why don't you write it down? (Sao bạn không chạy lên viết đi nè?...)

Tôi nghe các em nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, tôi lập lại câu mà tôi thường hay nhắc các em:

- Mình đang học lớp gì?

Cả lớp đồng thanh lập lại:

- Dạ tiếng Việt.  Phải nói tiếng Việt... But, it's hard sometimes... (Nhưng, thỉnh thoảng nó khó quá thầy ạ)

Ông anh của ông "con chim đít bự" tiếp tục giải thích:

- It's an insect cô... (nó thuộc loại côn trùng)

- Con sâu?

- No, it's not con sâu cô. Con butterfly.

Hai cô thầy nghe xong mới "àh" lên một tiếng và cả hai cùng nói:

- Con bươm bướm...

Mà nghĩ lại con bướm gọi con bún cũng đúng vì chữ "butter" trong "butterfly" cũng mềm như bún.

Một hồi sau ông thần "con chim đít bự" lại thêm một con mới nữa "con lửa bay". Sau mấy lần nghe cô giáo giúp cho các em, mình nói:

- Thôi kệ cô ơi, cứ để các em viết rồi mình sửa lại sau. Vì đang lúc tranh đấu gay go mà...

Thế là hai đội cứ rần rần thay nhau chạy lên bảng viết. Đội bốn ông ngỗng đực KKJL còn chơi ăn gian không chịu về chỗ. Mà đứng luôn hai ông trên bảng để nghe đồng đội đọc lên cho viết. Một ông ngỗng đực viết thêm một con nữa đó là "con móng ngựa". Ông ngỗng đực tên John đóng vai “Ngọc Hoàng” năm ngoái trong dịp văn nghệ mừng Xuân thường chỉ nói nhi nhí, hôm nay cũng la lớn hơn:

- No không phải viết vậy.  Có móc, có mũ, có râu… Có period ở under - dưới…

"Àh" "Ừm”.... Đúng rồi.... Đúng rồi…

Cả lớp cứ nhao nháo như một cái chợ với đầy đủ các loại tên con vật...

Sau một hồi, chuông báo hết giờ, tôi mới lên bảng và khoanh tròn những con vật mà hai đội viết trùng nhau để loại bỏ. Xong, chỉnh sửa lại lỗi chính tả cũng như hỏi các em trong lớp nghĩa cũng từng con bằng tiếng Anh. Tới lúc thấy "con móng ngựa" tôi hỏi ông nhỏ quậy nhất lớp:

- Con cho cả lớp biết con móng ngựa là con gì?

Ổng trả lời:

- Là con cua móng ngựa. Giống con cua nhưng "big" hơn con cua. Nó có cái tail. Con cua móng ngựa đó.

Tôi tròn mắt quay qua cô giáo định hỏi thử cô biết con gì không, thì chàng ta bèn nói luôn là horseshoe crab. Cô giáo quay qua hỏi lại tôi:

- Nó là con gì vậy kìa?

- Dạ, nó là con sam biển.

Ổng cũng nói:

- Dạ đúng rồi ….đúng rồi là con sam biển....

Không biết chàng có biết con sam biển hay con ghẹ biển hay không, mà cũng nói đúng vậy gọn ơ.

Sau khi loại bỏ xong, tôi tính thì bên đội Chuối ghi được tên ba mươi lăm con còn bên đội bốn ông ngỗng đực KKJL thì chỉ có 31 con. Thế là đội KKJL đành chịu thua.  Chơi xong trò chơi thì chuông báo hết giờ, nên cả lớp ra chơi…

Trở lại lớp, đàn ngỗng đực lại tiếp tục muốn chơi chứ không chịu học. Thế là chơi tiếp.

Lần này, trong sách giáo khoa, tôi chọn ra những từ cho các ngỗng vẽ hoặc làm những động tác để các ngỗng khác đoán chữ.  Bông hoa của lớp lên đầu tiên vì "lady first" mà. Cô bé vẽ củ hành. Mấy ông ngỗng bên dưới lao nhao…

- It's a bom, a basketball, a trái banh, trái chanh...

Cổ bực quá, vẽ tiếp tấm thớt và cái dao. Ông con chim đít bự la lên củ hành...

Rồi cứ thế xoay vòng, mỗi người một lần. Lúc gần đến giờ ra về, bông hoa của lớp nói:

- Con muốn thầy vẽ cho các con đoán một lần vì không công bằng khi các con vẽ mà thầy không chịu vẽ.

Tôi nghĩ bụng: thôi chết kiểu này quê trước mặt đám nhóc này rồi, nhưng cũng ráng chọn một chữ để vẽ hình... Tôi vẽ những hàng lúa, mấy ngỗng ở dưới nhốn nháo la lớn:

- Đám cỏ, máng cỏ, hành lá...

Tôi vẽ tiếp hạt lúa và bát cơm... Một ngỗng lại tiếp:

- Rice with soy sauce (ba trong bảy em trong gia đình phật tử trước khi vào lớp học tiếng Việt tại chùa Huệ Quang, nên thấy cơm là nghĩ tới nước tương.

Tôi tiếp tục vẽ thêm một người đang làm động tác cấy lúa. Ở dưới cả lớp cười rộ lên nói:

- Your drawing is horible (thầy vẽ tệ quá.  Mà tệ thật đó chứ vẽ quá chừng vậy mà không ai hiểu mình vẽ gì ... hic ...hic...)

Vừa may, cả ba ngỗng đực lên tiếng:

- Cấy lúa.

Tôi thở phào nhẹ nhõm.

 

Nhìn lại số điểm ông "con chim đít bự" được bảy điểm, ông "Hoàng Thượng” được sáu điểm, ông "con bún" được năm điểm cùng điểm với bông hoa của lớp. Sau đó là ông ngỗng "con cua móng ngựa" được ba điểm. Hai ông ngỗng còn lại được một và hai điểm.

Chơi xong các trò chơi vui quá, nên chúng tôi quên cả coi giờ ra về cho đến khi nghe tiếng chuông reng.  Cả lớp lục đục dọn dẹp bàn ghế ra về mà tôi quên luôn việc chúc các ngỗng đực và bông hoa duy nhất của lớp một kỳ nghỉ mùa Xuân thật vui với gia đình.

Còn mình, tôi thầm nghĩ: Khoẻ quá trường Việt Ngữ đóng cửa được nghỉ mùa Xuân hai tuần. Hẹn gặp lại các ngỗng đực và bông hoa duy nhất sau kỳ nghỉ nhé!

032518

Võ Phú

Ý kiến bạn đọc
22/10/201802:55:38
Khách
Thật đáng ca ngợi việc làm của tác giả! Các cháu thật dễ thương. 🙂
21/10/201802:43:30
Khách
Dạ rất đồng ý với độc giả Nguyen Tran. Dạ, chúng tôi cũng đang cố gắng học hỏi thêm về tiếng Việt để tránh dùng những từ ngữ tối nghĩa.
20/10/201823:49:14
Khách
Quý Vị nào có tình nguyện dậy trẻ em học tiếng Việt thì xin Quý Vị dậy theo lối đọc và viết trước 30 tháng Tư năm 1975, chứ tiếng Việt sau này tôi thấy có quá nhiều thiếu sót . Xin cảm ơn nhiều .
20/10/201822:55:09
Khách
Thiệt dễ thương hết sức. Tuổi thơ ơiii... 🌹❤️‼️
20/10/201814:06:40
Khách
Tôi có người bạn làm chung nhóm năm xưa qua Mỹ lúc 12 tuổi nên nói tiếng Việt rất tệ. Sau một thời gian chuyển qua Seattle làm, y viết chúc Tết tôi bằng tiếng Việt. Y khoe không những viết được tiếng Việt mà y còn dạy trong trường Việt ngữ nữa.
Tôi hỏi sao bỗng nhiên yêu nước vậy. Y cười hề hề trả lời: ông già vợ tao ra điều kiện không nói và viết được tiếng Việt thì đừng tới nhà hỏi con gái ông. Tao phải tới trường Việt ngữ học, giờ thành thầy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,252,364
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", tác giả đã nhận Giải Viết Văn Việt ngữ Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Ông bà có 7 người con, hiện ở Ohio. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông, ngày 18 -12-2012 đã kể chuyện tình 40 năm hạnh phúc của Ông Bà Sáu. Năm 2018 đánh dấu 45 kết hôn của ông bà Tuyết - Steve Brown. Đúng thời điểm đặc biệt này, ngày 2 tháng 5 năm 2018, Bà Sáu Tuyết thình lình qua đời vì cơn bệnh bất ngờ. Bài viết của ông Sáu tưởng niệm “Cuộc Đời Của Tuyết” đã được phổ biến ngày 27/07/2018. Sau đây, là bài viết mới về LA họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến