Hôm nay,  

Ma Việt, Ma Mỹ

19/10/201800:00:00(Xem: 17004)
Tác giả: Triều Phong (TPN)

Bài so á5524-20-31331-vb5101888

 
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

 
***

Trong cái không khí lành lạnh của buổi sớm mai, của những chiếc lá thu vàng nhẹ nhàng rơi trên các bãi cỏ xanh, mượt mà, Halloween đang dần tới với những câu chuyện ma quái kinh dị.  Năm nay, nhân mùa lễ này tôi xin kể lại với quý bạn độc giả hai câu chuyện xảy ra trong đời tôi.  Một lần “thấy ma” và một lần “gặp ma!”

 ....

Mấy chiếc xe vận tải chở hàng, phủ bạt bít bùng, đổ xịt lại giữa sân.  Những cái bửng sau xe được mở ra, bọn tù nhân chúng tôi được lệnh leo xuống và nhận ra mình đã bị chuyển sang Khám Chí Hòa tức Trại Giam T30 bây giờ đúng như lời đồn đoán của một số người bên Trại Tạm Giam T20 ở Số 4 đường Phan Đăng Lưu, Thành Phố Hồ Chí Minh (Saigon) trước khi ra đi.

Cả trăm tù nhân gồm đủ già trẻ, lớn bé, nam nữ, ngồi chồm hổm dưới đất với tụng đệm, túi xách lỉnh kỉnh, đang nhốn nháo bàn tán, xì xào to nhỏ, chỉ riêng tôi là không có gì cả bởi chưa được thăm nuôi.  Đâu đó bật ra những tiếng sụt sùi, khóc lóc se sẽ của các cô, các bà vì nỗi sợ hãi cái nhà tù một thời lừng danh với “con ma vú dài” và nhiều chuyện ghê rợn mà hôm nay mình sẽ phải vào ở này!

Khám Chí Hòa là một nhà tù lớn gần Chợ Hòa Hưng, Saigon, nay là Thành Phố Hồ Chí Minh tại số 1 đường Hòa Hưng, Quận 10. Nhà tù này do người Pháp xây dựng từ thời thuộc địa Pháp ở khu vực khi còn là ngoại ô thành phố để giam giữ những chính trị phạm chống lại thực dân Pháp. Lúc chiến tranh Việt Nam, nhà tù này là nơi Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) giam giữ Việt Cộng và ngày nay thì nhốt đủ loại tù nhân trong những vụ án trên địa bàn thành phố.

Diện tích của Khám Chí Hòa rộng tới bảy mẫu; xây theo hình bát giác, tám cạnh là tám phần đều nhau gồm một tầng trệt và ba tầng lầu, mỗi lầu có bốn phòng.  Lưng nhà tù quay ra đường, kín mít với tường dày bốn mươi phân cao ngút ngàn, mặt xoay vào trong đối diện nhau được rào bằng các thanh sắt to bằng ngón chân cái của người lớn, cao tới tận trần nhà và mỗi cạnh được đặt tên theo một mẫu tự Alphabet như A, B, C, D, E, F, G, H rồi sau đó lấy A và H ghép lại thành một khu.  Thế là Khám Chí Hoà trở nên kín mít với bốn Khu AH, BC, ED, FG, thành ra mỗi khu có tới ba mươi hai phòng!

Chí Hoà được gọi là “bát quái trận đồ” do mang hình bát giác.  Cách xây dựng này dựa theo Bát trận đồ của Khổng Minh hoặc tượng trưng cho tám quẻ càn, đoài, ly, chấn, tốn, khảm, cấn, khôn, trong Kinh Dịch.  Lối xây cất “kín bên ngoài, rổng bên trong” nhưng kiên cố, chắc chắn, là nét đặc thù của kiến trúc Tây Phương và lại mang dáng dấp phong thủy, âm dương, ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ của Phương Đông khiến cho nhà tù này luôn mát lạnh và huyền bí!

Giữa trại giam có một bồn nước (chateau d’eau) to, cao, dùng để bơm nước vô các phòng mà hình dạng của nó trông giống như chuôi của một thanh kiếm đang cắm xuống đất.  Tương truyền rằng khi quân đội Nhật đảo chánh, hất cẳng Pháp ra khỏi Việt Nam trong chiến tranh Thế Giới Thứ Hai xong thì Nhật đã cho vời một ông thầy địa lý tới trấn ếm nhà tù này.  Ông ta đã chôn xác một “trinh nữ” rồi dùng một thanh kiếm đâm xuống, chuôi đưa lên trời mà trên chuôi kiếm này có khắc những hình tượng của càn khôn vũ trụ, âm dương thủy hỏa, với ý nghĩa đây là một cõi riêng biệt vì Chí Hoà chỉ có 1 cửa vào, người ta nói đó là cửa Tử.  Qua cửa đó là cả một hệ thống đường hầm, đường đi bên trong được thiết kế theo cung vị, nếu không có người biết dẫn đường thì đi vào đó sẽ mất hết phương hướng giống như lọt vào “mê hồn trận” không tìm được đường ra. Phía dưới chân bồn nước này có xây những tấm tường cao quá đầu người chạy dài tới tận tầng trệt để ngăn chia từng phần riêng rẽ mà đứng trên cao nhìn xuống chúng ta như trông thấy tám miếng tam giác quy về một mối.  Nơi đây bọn cai ngục bắt đám lao động hành lang trồng những vườn hoa rất đẹp hoặc trồng rau để “tăng gia sản xuất, cải thiện phần ăn cho quản giáo!”

Ngoài ra, trại giam còn có ba khu nằm đâu lưng với khu bát giác, là khu nhà bếp, khu bệnh xá, khu kỷ luật. Lúc tôi bị ghẻ đầy người, được chuyển xuống bệnh xá thì thấy bệnh xá có bốn hay năm phòng gì đó.  Riêng trong khu mà tôi ở sau này lại còn có các “kiên giam” mà tình cờ tôi được biết và không biết các khu khác có hay không nên có thể nói Chí Hoà có rất nhiều phòng giam.

Sau một loạt thủ tục giao nhận “phạm nhân” khá lâu, mọi người lần lượt được dẫn vào trong Khu ED; là khu nhốt thành phần bị liệt vào tội chính trị lúc bấy giờ, dù đơn thuần chúng tôi chỉ là dân vượt biên nhưng hồi ấy vẫn bị chế độ cộng sản quy là “phản quốc, chạy theo tay sai và Mỹ Ngụy!”  Đó là một buổi sáng cuối tháng 08 năm 1984!

Trong con đường hầm gió thổi lồng lộng, rít từng cơn, tạo nên các tiếng hú rờn rợn và tối tăm đến độ ngửa bàn tay cũng không trông thấy được ấy, đám tù nhân lầm lủi cất bước theo mấy tên công an với một tâm trạng bất an, hoảng loạn.

Rồi từng tốp dăm ba người được chia vào khắp“các phòng trong những lầu” mà chẳng hiểu tại sao Việt Cộng lại cứ thích gọi là “buồng và gác” mới lạ!  Chắc có lẽ đa phần họ là những người nông dân ít học, cả đời chỉ sống trong làng mạc, thôn quê hẻo lánh nên không phân biệt được thế nào là phòng và buồng, lầu và gác cũng nên.  Nhưng thôi biết nói sao hơn vì lý lẽ luôn nằm trong tay kẻ mạnh mà!

Cô Út và Dì Ba tôi thì ở Buồng 4 của Gác Một.  Đây là buồng nữ duy nhất của khu.  Cậu Chín tôi thì ở Buồng 9 của Gác Ba.  Chú Đáng của tôi ở Buồng 10 cũng Gác Ba.  Chỉ riêng tôi là bị đẩy lên tuốt Buồng 14 tận Gác Tư cùng hai người khác, là gác cao nhất và cuối cùng của nhà tù.  Như thế tổng cộng bên nội và ngoại tôi bị bắt trong chuyến đi này là bốn người với tôi nữa là năm, đó là chưa tính tới một thằng em họ, con Cô Tư tôi, được thả bên trại Phan Đăng Lưu vì nhỏ tuổi nữa!

Rồi chúng tôi được Chú Bảy “phó buồng,” nguyên là một biện lý của VNCH, giới thiệu với Trưởng Buồng của tôi là bác Sang, đại úy đội SBC (săn bắt cướp) của Sở Công An thành phố, vì ăn hối lộ mà bị tống vào đây.

Là “lính mới,” tôi được chia chỗ nằm gần bác Sơn kế sát cầu tiêu.  Bác Sơn là thợ sắp chữ nhà in trong vụ án “Nhà Thờ vinh Sơn” năm 1976.  Trông hình hài bác Sơn thật tội nghiệp, người bác trắng nhách, thấp chủm, nhỏ thó, mặt tóp lại, bé tí tẹo, tóc bác bạc trắng lơ thơ vài cọng, mắt lờ đờ, ngực xẹp lép mỏng như tờ giấy vì bị lao phổi.  Đây là lý do người ta cách ly bác bằng cách cho bác nằm cuối góc.  Nghe đâu gia đình bác đã “quên” bác nên cũng như tôi, bác là “con mồ côi,” do đó mỗi khi thấy ai ăn gì bác chạy lại đứng trước mặt không nói tiếng nào, mắt sáng rực, nhìn chăm chăm vào đồ ăn một cách thèm thuồng, nuốt nước miếng ừng ực.  Thật là đau lòng!

Cạnh bên tôi là Phúc, một thanh niên nhỏ hơn tôi vài tuổi đã được gia đình thăm nuôi hàng tháng và cũng là dân Saigon.  Bởi nằm gần nhau nên sau vài bữa chúng tôi trở thành thân thiết, “sống chung với nhau, ăn cùng mâm ngủ cùng chiếu” trên tấm chiếu cá nhân ngang sáu tấc dài gần hai thước của nó.  Thường là mọi người phải nằm trở đầu, xếp lớp như “cá hộp” mới đủ chỗ!

Diện tích mỗi buồng ở đây độ chừng sáu thước bề ngang, mười thước bề dài.  Ba vách đều bằng tường, chỉ mặt trước là có một cửa ra vào lúc nào cũng được khoá bên ngoài với một bức tường cao độ sáu tấc, dày bốn tấc.  Các thanh sắt được chôn cách nhau mỗi ba tấc trong bức tường này và chạy dài lên cao đụng trần nhà.  Phía ngoài các phòng là hành lang chạy dọc suốt cả gác để quản giáo hay giám thị lên xuống canh giữ tội nhân.

Tầng trệt vì nằm dưới đất nên không cần hành lang nhưng từ tầng hai, ba và bốn đều có hành lang và cũng được rào bằng những thanh sắt trên.   Tại chiếu nghỉ (palier) lại có một cửa hành lang cũng làm toàn bằng song sắt và cũng được khoá cẩn thận, nơi đây có kê một cái bàn cho bọn cai tù ngồi làm việc.  Do đó phạm nhân ở các tầng này dù có trốn khỏi phòng thì cũng không thể nào thoát khỏi hành lang để xuống đất được vì bị nhốt bởi hai lớp song sắt.

Bởi vậy buồng giam ở Chí Hòa ban ngày thì mát và ban đêm lại lạnh vì gió lồng lộng thồi vào.  Thời gian tôi ở đây mỗi buồng chứa khoảng sáu đến bảy chục người.

Có vào đây rồi mới thấy được số người ở tù dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa là nhiều như thế nào.  Ngày ấy tôi thật sự choáng ngợp với lượng người đông đảo như thế.  Họ gồm mọi thành phần, đủ các tầng lớp trong xã hội cũ, từ bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, sĩ quan VNCH đi cải tạo về hay ngay cả người từng giúp đỡ “cách mạng” như ông Trần Thành; giám đốc hãng Bột Ngọt Vị Hương Tố, người từng bí mật cho chở cả xe cam nhông bột ngọt ra mật khu tiếp tế cho Việt Cộng.  Năm Mậu Thân 1968 thì cho họ mượn đường nước thải của hãng bột ngọt để họ chuyển quân vào nội thành Saigon để rồi khi chiếm được Miền Nam xong lúc “Đánh Tư Sản Mại Bản” thì họ lại đưa ông vào Buồng 1 của Gác 1 ở cho tới khi tôi bị nhốt vào thì ông vẫn chưa được thả hoặc như bác ngư dân Miền Tây là Ông Chín Trà Vinh ở buồng tôi chẳng hạn.  Do lớn tuổi không đánh cá nỗi nữa nên ông bán ghe lại cho người khác, sau này thiên hạ dùng ghe đó làm ghe vượt biên, bị bắt.  Công an truy lùng dần tới ông là sở hữu chủ của ghe và quy cho ông tội là “thành viên của nhóm tổ chức vượt biên” rồi bắt ông đưa vào đây bỏ lại bà vợ già ở quê nhà không người chăm sóc!

Một hôm Chú Bảy gợi ý sẽ nhờ công an giúp tôi gửi thư về nhà để báo tin cho gia đình biết tôi đang bị nhốt ở đây và họ sẽ lo để tôi được nhận quà thăm nuôi với tiền công đưa thư là năm trăm đồng nếu tôi đồng ý.

Tôi còn nhớ hôm trước khi đi tôi có ghé tiệm vàng Thanh Châu bên hông chợ Bà Chiểu để mua hai chỉ vàng, giá mỗi chỉ là hai ngàn hai trăm đồng.  Như thế là tiền công gửi thư cũng khá mắc nhưng tôi vẫn vui lòng vì hơn bốn tháng nay tôi là con “bà sơ” sống bằng cơm tù thiếu thốn quá khiến tôi thèm đủ thứ, hết sức chịu đựng nổi nữa!

Trưa hôm đó, lợi dụng lúc mọi người nghỉ ngơi Chú Bảy làm hiệu cho công an quản giáo để chúng mở cửa cho chú ra ngoài.  Một lúc sau chú trở vô đưa cho tôi cây viết với miếng giấy lấy từ bao xi-măng, to gần bằng tờ giấy tập học trò.  Tôi mừng quýnh đón lấy và hí hoáy viết.  Sau khi chào hỏi gia đình là tôi bắt đầu liệt kê các món ăn gần kín cả tờ giấy.  Nhận thấy thư đã dài như “Sớ Táo Quân” chú Bảy hối tôi ngừng lại.  Đưa cho chú Bảy rồi tôi sực nhớ còn một thứ quan trọng tôi quên nên vội vã mượn lại để tái bút.  Chú Bảy trao lại mảnh giấy cho tôi và đùa “thôi nói mẹ gửi cho một trăm gram giấy năm trăm cho nhẹ khỏi mắc công nấu nướng chi cho mệt.”  Và khi chú thấy tôi xin thêm một “bánh thuốc rê” thì chú cười khà khà:

-  Con tái bút là mẹ tái mặt luôn!

Bởi tôi là thằng không biết hút thuốc nhưng mấy hôm nay vào đây buồn quá nên tôi cũng bắt chước mọi người, tập tành phì phà cho quên đời.  Và tôi bắt đầu hút thuốc lá từ đó!

 Mỗi ngày vào khoảng chín giờ sáng là nước được bơm vào từng phòng trong khoảng thời gian chừng mười phút nhưng mỗi phòng chỉ có một cái thùng phuy và một cái thùng nhựa lớn chứa được cở chừng hai trăm lít (litre) nước  nên người ta sử dụng các thùng cá nhân mười, hai mươi lít do người nhà gửi vào thậm chí họ còn tận dụng cả mấy cái bình hay hủ nhỏ đả được dùng để chứa đồ ăn thăm nuôi bữa trước để hứng nước luôn.  Trong khi đó thì một số người cầm hai đầu của chiếc chiếu giăng ra làm “màn,” và những ai muốn tắm thì cởi quần áo đứng xếp hàng lần lượt chờ vô nhà cầu không có nóc ngồi xuống để được anh Hiệp, Trường Ban Trật Tự, dội cho vài ca nước rồi “nhảy ra” cho người khác vào.  Những người tắm xong thay phiên giữ các tấm chiếu cho người khác tiếp tục hoặc lấy thêm chiếu làm quạt tạo gió cho khô nền nhà.

Có những chiều hai thằng tôi đứng vịn hàng song sắt, chân gác lên bệ tường đưa mắt nhìn các đám mây xanh đang bay lơ lững trên cao, giữa bầu trời trắng trong rộng bao la bên ngoài mà mơ ước về một ngày mai tự do, khao khát một cuộc sống thanh bình nơi xứ người không biết khi nào mới đến.

Do điều kiện giam giữ khắc nghiệt, ăn uống thiếu thốn, bệnh tật không được chữa trị đàng hoàng, thuốc men không có nên chẳng thiếu gì trường hợp tử vong đã xảy ra trong nhà tù này!

Buồng tôi có Chú Hội; xuất thân từ Viện Quốc Gia Hành Chánh là chủ sự phòng, được tha về sau năm năm “cải tạo!”  Nhằm kiếm tiền sinh sống, chú mang máy đánh chữ ra gốc cây Dầu trên Đường Trần Quang Khải gần rạp hát Văn Hoa cũ để đánh mướn đơn từ cho thiên hạ.

Thời kỳ này chuyện người bên Mỹ có được quốc tịch làm đơn bão lãnh người thân ở quê nhà vẫn còn là điều cấm kỵ, bất hơp pháp, ít dám nói công khai tại Việt Nam nên những ai có được giấy tờ copy của người thân ở Mỹ gửi về là rất quý và vô cùng bí mật.  Họ không dám cho ai biết ngoài trừ bạn bè họ hàng thân thiết.  Một hôm có người nhờ chú đánh một cái đơn bão lãnh bằng tiếng Anh gì đó với giá năm đồng thế mà sau đó chẳng hiểu vì sao chú lại bị công an bắt, nhốt vào đây hơn ba năm.

Chú bị suy dinh dưỡng, cơ thể yếu đuối, mắt chú mờ dần và cuối cùng là con bên trái hết còn thấy gì nhưng vẫn không được trại giam đưa đi bệnh xá.  Sáng sớm ngày chú ra tòa, mọi người bu quanh chúc chú may mắn.  Chiều tới có hai công an cặp nách đưa chú vô phòng.  Mọi người thất sắc biết chắc chú đã gặp vận xui rồi.  Nằm liệt cả đêm, hôm sau tỉnh “hồn” chú kể rằng chú tới tòa có luật sư biện hộ đàng hoàng nhưng thay vì bào chữa cho chú thì hắn khuyên chú thành khẩn nhận tội để được chính phủ khoan hồng cho về đòan tụ với gia đình sớm.  Thế là chú bị Viện Kiểm Soát Nhân Dân “búa” cho năm năm do nhận năm đồng tiền công!  Chú lầm bầm:

-  Luật sư bào chữa gì lạ vậy?  Đúng là luật sư quốc doanh!

Bây giờ chú nằm đây chờ chuyển qua khu FG là khu “thành án” để đợi ra trại lao động.  Không muốn suy nghĩ nhiều chú trở lại nghề của mình là “chiếu phim” cho anh em xem.  Đây là thú “chơi chữ” của tù, ý muốn nói ngồi nghe những người có biệt tài kể chuyện kể những pho truyện “ Võ Lâm Kiếm Hiệp Kỳ Tình Trung Hoa” nổi tiếng như Anh Hùng Xạ Điêu hay Thần Điêu Đại Hiệp chẳng hạn.  Tối nay anh Chín Sửu, học trò học Pháp văn của chú, pha cho “sư phụ” một ca nước chanh và bưng đến cho thầy một ít kẹo dừa, bánh ngọt để thầy dùng trong lúc kể chuyện.  Mọi người dần dà tụ tập đến và ngồi vây quanh chú.  Tôi cũng đến gần thì nghe giọng chú đang dồn dập:


-  “Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn đẩy luôn ba lần chưởng lực và lấy làm lạ là chưởng của Thúy  Sơn tuy yếu nhưng không suy đuối, không kiệt sức.  Khi đó thuyền dưới chân hai người kêu lách cách như sắp vở.  Nếu bây giờ cả hai tăng thêm công lực đáy thuyền sẽ bị lủng ngay.  Lúc ấy Tạ Tốn giơ tả chưởng lên nhắm đầu Thúy Sơn đè mạnh xuống. Thuý Sơn bèn giơ cánh tay lên dùng thế “Hoàng Gia Kim Lương (xà ngang đỡ trần nhà)” chống đỡ…”

Phải công nhận là chú kể rất hay, giọng chú trầm bổng, lên xuống lưu loát, ngay cả những lúc hai cao thủ võ lâm đấu nhau tung ra các chiêu thức gì chú cũng nói vanh vách khiến cho người nghe có cảm tưởng mình đang coi phim thật sự.  Nhiều người ngồi nghe say mê, miệng há hốc ra.  Tôi cười cười bỏ đi và biết là chú đang “chiếu” tới đoạn “Kim Mao Sư Vương” cùng vợ chồng Trương Thúy Sơn, Hân Tố Tố lạc tới Băng Hoa đảo” trong bộ truyện Cô Gái Đồ Long rồi!

Đó là sinh hoạt bình thường của người tù ở Chí Hoà trong một ngày!

“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” chỉ những ai có ở trong Chí Hòa thì mới thực sự cảm nhận được điều này bởi ở đây ngày tối đi loanh quanh sau ba bức tường dày và hàng song sắt cao to, phí thời gian một cách vô lý trong hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt, nghịch lý, bạn mới thấm thía được nỗi mất mát, túng quẩn của cảnh tù tội, chim trong lồng cá trong chậu!

Một ngày kia cái máy bơm nước bổng nhiên bị hư, thế là mỗi phòng phải cử các thanh niên trai trẻ, khỏe mạnh xuống dưới Gác Một (tầng trệt) để xách nước lên.  Chúng phát cho hai người một cái thùng dùng đựng đạn đại liên M60 làm thùng xách nước.  Thùng sắt này rất nặng, nghe mấy chú cựu quân nhân nói trọng lượng mỗi cái tới hai mươi lăm kilo gram (25 kg).  Nhưng nhờ đó mà bọn tôi mới có dịp ra ngoài vận động cơ thể và biết hệ thống cầu thang ở đây được xây theo hình xoắn ốc nên rất khó khăn trong việc khiêng nước lên các lầu cao.

Bên ngoài, trước bốn buồng ở Gác 1 có hai hồ nước thật to.  Chúng tôi phải bước lên bậc tam cấp mới có thể múc nước trong hồ ra được.  Những lúc này công an, quản giáo, theo canh chừng chúng tôi rất là nghiêm ngặt vì sợ tù nhân thông cung với nhau.  Ngoài nhiệm vụ lấy nước cho buồng mình, chúng tôi còn được giao lấy nước giùm cho Buồng 16 luôn bởi buồng này chỉ có các ông già, người lớn tuổi không thôi, ấy cũng là cái “duyên” mà tôi mới gặp được Đại Tá Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông cùng một số vị từng là chính ủy sư đoàn hay trung đoàn của “Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Anh Hùng” cũng bị đưa vào chốn này “an dưỡng” khi chiến tranh Trung-Việt bùng nổ năm 1979 bởi lý lịch của họ là “Người Việt gốc Hoa!”

Cũng nhờ được ra làm việc linh tinh trong Chí Hòa mà tôi  nhìn thấy ma.

 

Vài ngày sau, hai thằng tôi cùng một cặp khác được lệnh xách nước theo công an vào một nơi mà hầu như không ai biết! Trước khi mở khoá cửa hành lang một con đường hầm tối om, với một thái độ rất là nghiêm trọng chúng ra lệnh cho bọn tôi không được nói chuyện với tù nhân ở đó cũng như không được nói cho ai biết về chốn này.  Trong con đường mờ mờ dưới ánh đèn vàng võ, chúng tôi bước vào đổ nước cho một căn buồng nhỏ, ngột ngạt và nhanh chóng bị đuổi ra khi chưa kịp thấy gì.  Trong lúc chờ “cán bộ” khóa cửa tôi nghe một giọng nữ kêu “em ơi” khe khẽ mà chẳng biết là từ hướng nào?

Nhưng rồi có ai đó nói cho Chú Bảy biết và sau nhiều lần tìm cách thăm dò hỏi han, chú được biết có vài nữ tù nhân dường như là của “Biệt Đội Thiên Nga” bị nhốt trong các kiên giam này.  Làm sao ai biết được sự thật?  Trong trại giam của cộng sản “tù nói tội nghe” chớ nào ai biết được sự thật là thế nào?

-  Mười bốn nghe rõ trả lời!

Tiếng kêu phát ra từ Buồng 16 vang lên lồng lộng giữa đêm khuya thanh vắng.  Chú Bảy đang nằm ngay cửa ra vào, lim dim ca vọng cổ bài “Chiêu Quân cống Hồ”  vội vã ngồi dậy:

-  Mười bốn nghe rõ.

-  Cho xe qua đi!

-  Có ngay.

Thế là Chú Bảy lăng xăng lấy chiếc dép để dưới đáy cái tụng đệm đựng thức ăn ra và hối thằng Minh “đệ tử” chú chạy về chỗ nó nằm gần đó lấy sợi dây, buộc chiếc dép vào.  Sợi dây này được làm bằng các cọng dây rút ra từ một bao ny lông rồi se lại, và nối dài từ từ.  Chuyện này chắc có lẽ xảy ra thường xuyên nên họ có sẳn mọi thứ và thao tác rất là thành thục.  Chú Bảy tới góc phòng phía trong sát với buồng kế bên, cằm chiếc dép thò ra ngoài nói:

-  Mười lăm “lái” giùm xe này qua mười sáu nghe.

Nói xong chú thảy chiếc dép sang bên ngoài hành lang gần tường của Buồng 15 trong khi đó thì thằng Minh nắm chặt đầu còn lại của sợi dây.  Một người trong buồng này thò tay nhặt chiếc dép thảy tiếp sang Buồng 16.  Không bao lâu sau có tiếng người vọng lại từ bên ấy:

-  Rồi mười bốn chạy xe về đi.

Thằng Minh nhanh lẹ kéo sợi dây trở lại.  Tiếng sột soạt vang đều đều trên nền xi măng.  Rồi chú Bảy đón lấy đưa vào một bịch đồ gồm kẹo bánh các thứ được cột cẩn thận theo chiếc dép.  Đấy là cách chuyển đồ trong Chí Hòa mà ngày ấy tôi học được và gói đồ kia là quà của mấy bác già bên Buồng 16 đền ơn cho đám trẻ tụi tôi đã xách nước giúp cho các bác.  Đời tù, thưong nhau từ sự giúp đỡ nhỏ nhặt hay quý nhau bằng việc chia sẻ viên kẹo, tán đường!

Tháng Mười, trời vào thu, se se lạnh. Đêm tới nhiệt độ xuống thấp, gió lại thổi mạnh khiến đám tù nhân ở tuốt trên lầu cao lạnh run vì không có đủ mềm ấm.  Tôi lên cơn “suyển” vì phổi bị lạnh, bây giờ thì đã trở thành người bị suyển kinh niên!

Đêm nay khi kẻng báo ngủ vang dòn một lúc thì mọi người trở về chỗ mình nằm yên, “ru đời vào quên lãng!”  Tôi trằn trọc mãi đến khuya vẫn không ngủ được nên ngồi dậy, thò tay xuống dưới chiếu móc bịch thuốc rê Long Khánh ra quấn một điếu, ngồi dựa lưng vào tường phì phà.

Dưới ánh đèn vàng 40 Watts mờ ảo không đủ sáng ấy, những sợi khói thuốc phiêu lảng bay lên cao, buồn vương phận tù đày.  Tiếng ngáy đều đều của mọi người vang lên khắp phòng, đầu kia thằng Phúc đã thôi hát, chìm vào cơm mê với nhiều mộng mị.

Bên ngoài bầu trời tối đen, trên cao vài vì sao nhấp nháy để chứng minh sự hiện hữu của mình vẫn còn trong vũ trụ bao la nhưng vô thường này.  Một luồng gió lạ và mạnh chợt thổi ngang, tôi như rơi vào vực sâu, đầu óc tự nhiên mụ mị khác thường, người bần thần như mơ.  Chợt tôi thấy một bóng trắng xuất hiện ngoài hành lang, từ hướng Buồng 15 đi lần ra chiếu nghỉ.  Lúc đi ngang phòng tôi thì tôi nhận ra đó là một người con gái, mặc áo ngủ trắng, tóc đen xõa dài che gần kín bờ lưng mảnh mai nhưng không thấy được dung nhan vì cô ta đang hướng mặt ra ngoài.  Nàng đi chầm chậm, nhẹ nhàng như bay rồi…vụt biến mất khi tới Buống 13!

Tôi nhủ thầm “quái lạ! giờ này mà sao có ai còn đi ngoài này? Ơ, mà khu này làm gì có phụ nữ ở đây?”

Đầu óc tôi chợt bừng lên, não tôi làm việc lại, ý niệm về thực tại của đời sống lắc mạnh kéo tôi ra khỏi cơn bần thần hoang lạc.  Tôi rùng mình, nhìn lại ra ngoài.  Không!  Không có người con gái nào ở đây cả!  Vạn vật yên tỉnh, tối đen như mực!  Tôi tự nhủ chả lẽ…

Nghỉ tới đó, một luồng khí lạnh từ sóng lưng chạy buốt lên đầu, tôi hốt hoảng nhào xuống chiếu nằm cùng chiều với thằng Phúc.  Đang ngủ tự nhiên bị lấn trong chật chội nó làu bàu:

-  Gì vậy?

-  Ma… Phúc ơi!

Nó im lặng vài giây như chưa tỉnh ngủ rồi đột ngột hỏi lại:

-  Cái gì?

-  Ma! Tôi thì thào và kể sơ sơ sự việc vừa xảy ra cho nó nghe.

Nó im lặng và bổng nhiên kéo chăn trùm đầu kín mít.  Tôi cũng vội vã lấy cái mềmn mỏng phủ kín thân hình đang co lại còn chút xíu của mình, bụng sợ hãi, miệng run cầm cập!

Sáng hôm sau như lệ thường Phúc quậy một ca bột ngũ cốc xong bẻ nhỏ bánh tráng bỏ vào đó, khuấy đều lên rồi chia làm hai phần.  Ăn sáng xong, một đổi sau lúc tập thể dục nó ghé lại chổ Chú Bảy to nhỏ. Chú Bảy ngoắc tôi qua chỗ chú hỏi chuyện.  Tôi kể lại những gì tôi thấy đêm qua cho hai người nghe.  Chú Bảy im lặng một chút rồi nói:

-  Hồi xưa…nghe nói khu này nhốt tù nữ và có một cô treo cổ tự vận chết vì bị hàm oan!  Có lẽ còn nhiều uất ức gì đó mà sau này thỉnh thoảng cổ có hiện về, chỉ những người nào “hạp” mới gặp được cổ.  Người ta cũng kể giống như mày nói, chắc có lẽ đêm qua chuyện mày thấy là đúng chứ không phải “mớ” đâu.  Thôi được rồi để chiều nay tao “cúng” cho cổ!

Trưa hôm đó Chú Bảy đặt một cái thau nhựa giữa phòng để ai có đường tán, kẹo dừa và cốm dẹp thì bỏ vào ủng hộ.  Chẳng mấy chốc chuyện tôi “gặp ma” tất cả các buồng đều biết và bàn tán rôm rả.  Xế chiều, mấy người đứng canh cửa cho Chú Bảy và thằng Minh dùng “hoả tốc” nấu chè trong góc phòng.  Mọi người lần lượt đem chén ăn cơm bằng nhựa của mình ra xếp giữa phòng.  Nấu xong, chè được múc ra trong hơn sáu mươi cái chén này rồi Chú Bảy mặc áo, vấn ba điếu thuốc rê, đốt lên làm nhang đoạn đứng nghiêm trang lâm râm khấn vái.

Tất cả mọi người ngồi sát vào vách tường xung quanh im lặng theo dõi.  Sau đó chú cặm ba điếu thuốc rê vào cái ly đựng bột ngũ cốc dùng cắm nhang đặt trước các cái chén kia và kêu tôi đến cầu xin kẻ khuất mày phù hộ cho chúng tôi được bình an, người khuất mặt được nhẹ nhàng thanh thản ở cõi vô hình! Kể từ đó cho tới khi tôi rời khỏi buồng để ra trại lao động thì ăn ngủ yên lành không còn thấy gì nữa cả!

                                                *

Năm 1999 tôi đến Hoa Kỳ, và cuối năm sau thì về định cư hẳn tại Thành Phố Charleston, South Carolina.  Sống ở đây và tìm hiểu nguồn gốc nơi mình lập nghiệp tôi mới biết được rằng ngày xửa ngày xưa tiểu bang này theo chế độ nô lệ và là một trong mười một tiểu bang của Liên Minh Miền Nam chống lại quân đội Liên Bang Miền Bắc vào thời kỳ nội chiến giữa Thế Kỷ 19.

Chính ngay chỗ tôi ở, ngày 12 tháng 04 năm 1861, là nơi quân Miền Nam nã qủa đại bác đầu tiên tấn công đồn Sumter; một pháo đài quân sự ngoài biển của Liên Bang.  Mở màn cho cuộc nội chiến đẫm máu nhất của Hoa Kỳ khiến cho có khoảng bảy trăm năm mươi ngàn binh sĩ của cả hai miền bị chết và vô số thường dân thương vong không thể xác định được!

Năm 2004 tôi lập gia đình và may mắn sanh được một đứa con trai.  Cuộc sống bắt đầu chật vật và bận rộn hơn nhưng tôi vẫn dành một ít thời gian viết lách vì đó là niềm vui và đam mê của tôi.  Rồi một đêm khuya, khi vợ tôi ru con ngủ trong phòng và tôi đang ngồi tư lự bên bàn computer ngoài phòng khách thì chợt nghe tiếng gỏ cửa vang lên.  Tôi ngạc nhiên bước tới, qua lỗ nhỏ dùng để quan sát tôi thấy một ông Mỹ đứng bên ngoài.  Tôi lưỡng lự và trở vô vì an nguy của gia đình.

Tiếng gỏ lại tiếp tục và trở nên vội vã hơn.  Khi tôi mở cửa một luồng khí lạnh toát lướt qua người và tràn vào nhà.

Trước mặt tôi, ông Mỹ đầu đội nón lưỡi trai dù là ban đêm, có lẽ là một người lính vì đồ ông mặc như quân phục nhưng hình như đồ này tôi chưa thấy qua bao giờ bởi chúng rất cũ kỹ.  Nét mặt ông ta mỏi mệt, dáng dấp phong trần nhất thời tôi không đoán được ông ta bao nhiêu tuổi.  Người đàn ông lên tiếng xin nước và muốn tôi giúp cho ít đồng.  Ông bảo ông ở “Fort Sumter” tới đây tìm thăm người bạn cùng đơn vị nhưng bị lạc đường.  Tôi đưa cho ông chai nước lọc và mười đồng.  Ông cám ơn và ra đi.  Tôi đóng cửa, ngồi lại vào bàn nhưng đầu óc mụ mị, người lờ đờ hẳn đi chẳng còn nhớ gì để viết nữa!

Như thường lệ, sáng hôm sau lúc đi làm tôi ra khỏi nhà và khoá cửa lại.  Xa xa, lá cây “Saucer Magnolia” đã ngả vàng xen lẫn một chút nâu sẫm như tô điểm thêm cho cảnh vật.  Màu của mùa thu thật đẹp!  Đột nhiên tôi để ý thấy nơi gốc cây hình như có ai bỏ vài thứ gì đó.  Tôi tò mò bước đến xem thì thấy chai nước đang nằm lăn lóc và lại càng ngạc nhiên hơn lúc nhặt lên bởi bên dưới có cả mười đồng nữa.  Đó là những gì đêm qua tôi cho ông Mỹ.  Bây giờ tất cả đều nằm ở đây.  Tại sao ông xin rồi không lấy?  Ông khát mà sao nước ông không uống?  Vậy ông đang ở đâu?  Nghĩ đến đây tôi ngẩng đầu lên, ngó dáo dác quanh nhà.  Bên kia đường những chùm dây leo rũ lòa xòa trên các cây sồi (Holm Oak) to khổng lồ vì lâu đời đang đong đưa theo gió.  Không lẽ…tôi bắt đầu ơn ớn!

Cuối tuần, tôi đưa thằng con đi tập xe đạp trong khu apartment tôi ở thì gặp bà Beth; hàng xóm ở cạnh nhà tôi cũng đang đi tập thể dục.  Bà có dáng người trung bình, tuổi độ ngoài bảy mươi, chồng chết bà bán nhà và “move down” về đây.  Trong khi tản bộ với bà, tôi kể câu chuyện ông Mỹ xin nước mấy đêm trước ở nhà tôi cho bà nghe.  Bà dừng lại, ngó trân trân tôi một lúc và mắt rực sáng lên nói “ngày xưa ông nội bà là lính Miền Nam và bị thương trong cuộc chiến này.   Sau chiến tranh ông lập nghiệp ở đây, thưở bà còn nhỏ ông hay kể cho bà nghe về đời lính cùng mấy người bạn trong quân đội của ông.  Khi bà lớn lên lập gia đình thì ông đã già lắm rồi.  Bà sống gần đó để săn sóc ông và có nhiều đêm ông hay đi ra ngoài.  Bà hỏi thì ông bảo là có chiến hữu đến thăm.  Nhưng bà chẳng thấy ai cả và bà cho rằng ông già nên lẩm cẩm.”   Rồi bà cho tôi biết thêm một điều mà lâu nay tôi lầm lẫn “Ở đây chỉ có downtown của Sumter thôi.  Còn Fort Sumter là cái đồn lính.  Bây giờ nó là di tích lịch sử, không ai ở đó cả!”

Trên đường trở vô nhà tôi ngẫm nghĩ mãi về những gì bà Beth vừa nói. Không muốn cho vợ tôi biết và thêm sợ, tối hôm đó tôi âm thầm lấy một dĩa muối với gạo và một ly nước lọc đem ra trước nhà cúng cầu an cho người khuất mặt rồi rải gạo, muối, này khắp bốn phương khi nhang tàn.

Hình ảnh người lính đêm nào với gương mặt đượm buồn, nửa đêm còn lặn lội đi tìm đồng đội gợi lên cho tôi niềm thương cảm miên man.  Cái tình “huynh đệ chi binh” của người lính cao cả làm sao dù họ đã chết và cuộc chiến đã qua lâu.  Không! Không! Họ không chết! Họ chỉ phai mờ như tướng MacArthur đã nói “Old soldiers never die, they just fade away.”

Đêm nay, “Lễ Hội Hóa Trang Ma Qủy” lại gần đến, ngồi bên cửa sổ trông ra ngoài, dưới ngọn đèn đường vàng vọt, các giọt mưa tí tách rơi làm tôi bâng khuâng.

Ôi, “những người muôn năm cũ…!”

Ohio, Muà Halloween  2018

Triều Phong (TPN)

Ý kiến bạn đọc
27/01/201920:36:04
Khách
Ông ngoại tôi bị bắt nhốt ở Chí Hòa vì làm “chính trị” nên thưở nhỏ tôi được nghe ngoại kể rất nhiều chuyện khủng khiếp về nhà tù này và tới giờ lòng vẫn còn rùng rợn với các chuyện “Ma Chí Hòa!”nhưng thật tình mà nói hôm nay tôi đọc truyên này của anh Triều Phong mới biết rõ những gì xảy ra sau các bức tường của trại giam huyền thọai này qua biệt tài kể chuyện của nhà văn. Anh không cường điệu, chẳng thêm bớt mà vẫn hấp dẫn người đọc như đang đọc truyện chưởng của Kim Dung. Đọc xong mới thấy thương người tù bị giam giữ trong đó và ghê sợ cho sự tàn bạo của chế độ cộng sản! Cám ơn tác giả đã kể cho nghe câu chuyện vô cùng kỳ thú về những ngày thương đau!
Thanh Ly
14/01/201913:37:37
Khách
Cám ơn Kevin đã quá khen!
TP
30/10/201804:47:45
Khách
Trieu Phong Viet bai hay ghe
24/10/201813:20:54
Khách
Cám ơn chị Kim Dung quá khen, mình chỉ cố viết lại trung thực nhất các chuyện đã xảy ra với mình trong quá khứ như một cách soi lại đời mình sau bao năm “bầm dập” và chiêm nghiệm sự liên đới giữa chúng ta với người ở cõi vô hình xem có thật hay không mà thôi!
Thân,
TP
22/10/201820:49:59
Khách
Tac gia viet ngay cang hay. Cam on anh da chia xe ve chuyen thay ma va gap ma cua anh.
21/10/201815:23:22
Khách
Cảm ơn anh Triệu Phong. Như Ý sẽ nhờ thầy đến nhà.
21/10/201813:31:46
Khách
Mến gửi chị Như Ý,
Chị có thể cho biết chị có đạo không? Và theo tôn giáo nào? Nếu như chị đạo Thiên Chúa thì có thể tìm một vị linh mục nào có uy tín, trình bày sự việc và nhờ Cha đến nhà làm cho một lễ mà mình nói nôm na là ban phép bình an vậy!
Còn Phật giáo thì cũng thế. Nếu không có thầy thì mình lập bàn thờ Phật (trường hợp nhà chưa có bàn thờ) và tụng kinh mỗi ngày. Kinh kệ sẽ làm cho nhà cửa ấm áp lên, đẩy âm khí đi đó chị. Nếu không biết kinh kệ mình có thể vào You tube tìm video clip nơi các thầy hay Thầy Thích Pháp Hòa chẳng hạn.
Bên cạnh đó, mình nên thường xuyên niệm Hồng Danh Phật như Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật… Ngoài ra mình cũng nên cúng người khuất mày, khuất mặt như tôi đã nói trong bài viết chứ không nên đuổi họ. Tội nghiệp!
Ngày xưa tôi ở Chùa Vạn Đức bên trại tỵ nạn có nhiệm vụ nấu cháo cúng cô hồn vào lúc 5 pm mỗi ngày. Hôm nào đi chơi, đi nhậu, quên cúng tối họ về níu chân kêu đói đó chị à!
Chị làm thử xem sao. Good luck!
TP
20/10/201818:13:35
Khách
Anh Lê Như Đức ơi, xưa nay Như Ý không thích chó sống chung trong nhà vì dơ bẩn vả lại thằng cháu bị dị ứng chó hay mèo. Bấy lâu nay ngày nào NY cũng hỏi chuyện với anh Google nhưng chưa lần nào hỏi anh về chuyện ma cho đến sáng nay 😀. Một trong những điều cần làm là nói lớn trong nhà rằng họ không còn hoan nghênh ở nhà mình và xin mời đi chỗ khác chơi. NY đề nghị họ lên núi 😜😂😀
20/10/201815:04:32
Khách
Hồi còn ở VN, tôi có bà chị họ bị ma nhập. Con ma hiền nên bà chị họ không phá phách, chỉ đi quanh quanh trong nhà lúc cười lúc khóc cả năm trời.
Bác tôi nghe người chỉ mua thịt chó về cho chị ăn. Chị lắc đầu không chịu ăn. Bác tôi để chị đói rồi trộn ít thịt chó với thịt bò dụ chị ăn. Chị ăn xong ngủ một giấc. Khi tỉnh dậy chị kể con ma nói người chị dơ quá, nó không thèm chơi với chị nữa.
Ma và chó rất kỵ nhau. Nhiều ông thầy bói nuôi ma xó trong nhà nên cấm khách mang theo chó tới bói quẻ. Như Ý thử nuôi chó coi xem nó có hay nhìn vào góc nhà sủa không. Nếu có thì làm một ban thờ nhỏ nơi góc đó cúng vài tuần là hết.
PS. Nếu không hết thì phải về VN mời Việt cộng qua viếng nhà vài giờ là ma sợ chạy ngay 😄.
20/10/201814:25:37
Khách
Anh Triều Phong mến,

Ngoài cái chuyện lạ về TV bỗng dưng bậc lên, hôm qua Như Ý mới biết cả nhà kể cả thằng bé đều thấy nhiều điều kỳ lạ trong căn nhà này. Không biết làm cách nào để mời họ rời khỏi nơi này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,251,884
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", tác giả đã nhận Giải Viết Văn Việt ngữ Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Ông bà có 7 người con, hiện ở Ohio. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông, ngày 18 -12-2012 đã kể chuyện tình 40 năm hạnh phúc của Ông Bà Sáu. Năm 2018 đánh dấu 45 kết hôn của ông bà Tuyết - Steve Brown. Đúng thời điểm đặc biệt này, ngày 2 tháng 5 năm 2018, Bà Sáu Tuyết thình lình qua đời vì cơn bệnh bất ngờ. Bài viết của ông Sáu tưởng niệm “Cuộc Đời Của Tuyết” đã được phổ biến ngày 27/07/2018. Sau đây, là bài viết mới về LA họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến