Hôm nay,  

Em - Mộng Thường

20/05/201810:50:00(Xem: 13890)

Tác giả: Mai Hồng Thu
Bài số 5393-19-31234-vb8052018

Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

***


Cô tên Nguyễn thị Thường, nhưng từ ngày sang Mỹ, được cô em gái gọi là Mộng Thường, chắc là để tăng phần thơ mộng và có vẻ tương xứng với trình độ của cô em hơn.
Mộng Thường năm ấy 36 tuổi. Cô cao 5’1 nặng 145 pounds. Cô có đôi mắt tròn sáng, mũi sửa cân đối. Nhan sắc cũng vào loại dễ nhìn khi so với các cô gái cùng trang lứa. Nhờ phước cô em cũng lấy chồng kiều bào Mỹ, nên cô được giới thiệu một ông kiều bào gần bảy mươi tuổi ở Texas bảo lãnh theo diện kết hôn.
Trước khi cô qua Mỹ, cô em thường gởi tiền về để Mộng Thường sắm sửa và chăm chút nhan sắc. Nàng liền đi tân trang làm tóc, làm mặt, tắm trắng để lột bỏ cái xác đen đúa ủn ỉn quê mùa của người ở tỉnh lẻ miền Nam chính cống. Dù cô đã sửa mũi và lên sống ở Sài gòn mấy năm rồi.
Mộng Thường kể, lúc cô ngâm mình trong bồn nước để tắm trắng, cả người cô rát rần rần, nhiệt độ trong người tăng cao tưởng chừng như ngộp thở. Mộng Thường gần như sắp mê man ngất đi trong sự mệt mõi. Nhưng cô ráng chịu đựng được một hồi, thì làn da bắt đầu tróc và họ xức thuốc gì đó làm cho cả người cô ta cảm thấy dịu lại. Sau lần lột da nguy hiểm may mắn này, cả người Mộng Thường trắng hẳn ra nhìn thấy sang trọng hơn nhiều. Đúng là phát tướng đổi mạng, cô lấy chồng kiều bào, và mấy tháng sau Mộng Thường đi Mỹ với nước da trắng bóc, không còn rám nắng, dính phèn Việt Nam nữa.
Qua Mỹ ở chung với chồng và đám con tuổi bằng xấp xỉ mình, Mộng Thường vẫn hồn nhiên an hưởng không hề quan tâm đến những lời xiên xỏ của đám nhỏ. “Ừ, tui ăn học chỉ có được một nắm chữ hà, ba tụi bây cưới tui mang qua đây đàng hoàng chứ bộ theo không sao mà tụi bây có quyền không nhận”. Mộng Thường nghĩ thầm như thế.
Làm người hiểu ít chút vậy mà hay, có gì nói thẳng đi tụi bây, chơi phất phất ngoài ngoại thành hoài thì “bây nói bây nghe, tui có hiểu gì đâu mà care” (care – quan tâm).
Nhờ vậy mà Mộng Thường yên ổn sống chung với ông chồng già, an phận ở nhà dọn dẹp nấu ăn, khỏi cần tình yêu, tình tứ, mộng bình thường vợ chồng có nhau. Lâu lâu rãnh ông chồng cũng dẫn đi lòng vòng đây đó cho biết với người ta và sắm sửa chút chút gởi quà về nhà. Hạnh phúc con người ở chổ là, lâu lâu có vài trăm gởi về cho bà già cho bả khoái là Mộng Thường vui lắm. Chứ ở Việt Nam vì không tài không sắc, xoay sở đủ nghề Mộng Thường cũng chỉ đủ sống là mừng rồi. Ôi, trời thương, đời con có lúc hưởng, cái hưởng thụ đơn sơ miễn sao kiếm cái nghề ổn định, sống ngon hơn lúc còn ở Việt Nam là được rồi.
Hạnh phúc đối với nhiều người không giản đơn như hạnh phúc mà Mộng Thường đang hưởng. Giấc mộng bình thường như là chờ học xong tiếng Anh, học lái xe và có được việc làm lương công nhân, để có thêm tiền bỏ ống riêng và mỗi tháng gởi về một vài trăm cho má xài, giúp các em ăn học. Vậy mà trời không thương Mộng Thường cho trọn tình. Thời gian trôi qua mới gần hai năm, chồng Mộng Thường bệnh cũ tái phát, lên tăng xông máu dãy đành đạch thấy ghê. Sau khi được đám con đưa vào nhà thương, tuần sau ông đột ngột qua đời không một lời từ biệt, trăn trối. Mộng Thường hoảng hốt nhiều hơn là buồn vì mất chồng. Giấc mộng ngỡ là bình thường, đã không còn giản đơn như nàng nghĩ.
Từ ngày ông vào bệnh viện và mất đi, Mộng Thường bị cô lập hoàn toàn với ø gia đình chồng. Những tưởng chỉ sanh ly ai dè tử biệt. Cuộc đời lên hương chưa kịp hết lâng lâng của sự bỡ ngỡ thì Mộng Thường nay đã trở thành người quả phụ. Số vốn liếng tiếng Anh của nàng không gì nhiều hơn là mớ chữ yes yes no no, ngoài ra cái gì cũng I don’t know hết. Các con chồng của cô hầm hầm chửi rủa kẻ có số sát phu và đuổi cô ra khỏi nhà. Cô em gái đành rước nàng về Cali với một vali quần áo, và túi giấy tờ bằng tiếng Anh có được sau khi xuống máy bay. Gia tài quý giá nhất của nàng chỉ là số an sinh xã hội. Mỗi lần đi đâu làm gì, Mộng Thường đều đưa nó ra như đưa tiền bảo hộ, lá bùa hộ mạng.
Cô em ghi tên để Mộng Thường học làm móng tay ở một trường người Việt. Vốn sẵn tính siêng năng, chữ nghĩa không nhiều, Mộng Thường vui vẻ với cuộc sống mới xung quanh những người bạn Việt Nam học nghề. Họ là những người chưa giàu nên chưa biết lên mặt khinh người nghèo, ít học.
Trường mở từ 8 giờ sáng cho đến 8 giờ tối vì chia ra hai khóa sáng, chiều. Nhưng Mộng Thường thì vô tư đóng đô ở trường luôn cả hai ca, nhận khách liên tù tì không nghỉ chỉ vì chút tiền bo còm cõi ít ỏi của khách hà tiện. Khách ở đây thường thích làm đẹp với giá bèo của trường học thay vì đến tiệm thẫm mỹ. Theo Mộng Thường, lê la ở trường khỏi mắc công đi bộ về nhà thui thủi một mình để tập quen làm người Mỹ sống với bốn bức tường. Dẫu nàng có mở Tivi xem, cũng không hiểu nó nói gì trong đó. Nếu nàng xem phim bộ lồng tiếng, mỗi tuần có vài cuốn mới, không đủ giết thời gian. Ở trong trường, Thường tán dóc với người này qua người khác, ngày ngày giống y như Việt Nam. Nếu có ai thương ai ghét, ai chọt ai khều gì nàng cũng chỉ cười hề hề. Mộng Thường nhờ vậy mà yên bề …học nghệ.
Bấy giờ Mộng Thường còn nào dám “mộng mơ quyền quý cao sang”. “ Một căn nhà nhỏ hai trái tim vàng” chắc nàng không bao giờ dám nghĩ tới. Nàng mong sao kiếm chút tiền phụ trả tiền phòng khỏi để em gái nặng nợ là may rồi. Vài ba đồng tiền típ từ một người khách đã là những may mắn đủ để nàng cười hân hoan với đám bạn học chung.


Thắm thoát thời gian qua nhanh, khóa học gần xong nên đáng lẽ Mộng Thường vui mừng hạnh phúc hơn bao giờ hết. Nhưng gần đây, mọi người thấy Mộng Thường có vẻ rầu rầu lo âu ra mặt.
Hỏi thăm, thì ra Mộng Thường đang lo lắng không biết mình có hội đủ điều kiện để hoàn tất thủ tục thường trú nhân vĩnh viễn và khỏi bị đuổi về nước hay không. Tất cả giấy tờ liên quan đến chồng và giấy khai tử của ông ta Mộng Thường cũng không có. Mỗi lần Mộng Thường gọi điện thoại liên lạc các con ông chồng, thường bị họ chửi cho một mách rồi cúp điện thoại cái rụp. Mộng Thường không xin được một chút giấy tờ gì để gọi là bằng chứng của ông chồng quá cố đem nộp cho sở di trú thay thế những thủ tục bình thường của người qua Mỹ theo diện kết hôn xin quyền định cư ở Mỹ. Cô em gái Mộng Thường dẫu tánh lanh lợi, nhưng cô mải mê bận rộn kiếm tiền nên không có thời gian nhiều. Cô bỏ ra $5000 ngàn trả dứt một lần để văn phòng luật sư lo làm thủ tục giùm. Không may, ông luật sư này nổi tiếng vì ngày ngày bà con nghe quảng cáo tên ông ta trên đài phát thanh tiếng Việt mấy đợt. Không biết bao nhiêu người Việt không rành tiếng Anh, thiếu kinh nghiệm ở đất khách quê người đã tìm đến văn phòng ông ta và phần lớn đều bị “tiền mất tật mang.” Mộng Thường cũng là một nạn nhân, đã lỡ dại trả hết tiền lệ phí mất rồi. Nhận tiền xong, ăn nhậu xong là mặc xác thân chủ.
Ngày giấy tờ tạm trú hết hạn lâu rồi. Sở di trú gởi giấy về đòi trục xuất hoài. Vậy mà mỗi lần gọi điện thoại vào văn phòng là bị cắt ngang, bị chờ, bị kêu gọi lại sau. Cho nên Mộng Thường bắt đầu xanh xao buồn não vì lo sợ bị đuổi về nước một ngày không xa.
Cô em của Mộng Thường là Mi, có qua lại với tôi. Nghe Mi than thở chuyện bà chị, tôi hỏi:
-Sao mi lanh lợi vậy mà không lo cho xong cái vụ thường trú cho bả đàng hoàng đi?
-Trời ơi, tui đâu có rảnh bà, còn phải lo kiếm tiền chứ. Tui đưa cho bả $5000 ngàn là hết lòng rồi đó. Đâu ai dè tụi nó bảo đảm đủ thứ mà bây giờ hồ sơ cũng chưa có nhúc nhích gì.
-Trời ơi, ai biểu bà đưa hết năm ngàn làm gì. Họ đòi tiền đặt cọc thôi, làm tới đâu trả tới đó chứ. Đưa hết, họ ăn ngập họng rồi ngu gì sốt sắng làm chi, ở không đi kiếm mối khác chứ.
-Ai biết tụi nó lưu manh vậy đâu. Mỗi lần chạy xuống văn phòng tụi nó tui phải mất một ngày làm cho nên tui nghĩ đóng một lần khỏi mắc công chạy tới chạy lui.
-Thôi rồi, vậy bà làm ơn kiếm người khác lo dùm cho chắc ăn. Đừng ở đó mà chờ sung rụng tội nghiệp bà Mộng Thường bả khờ chết cha hà!
-Bà làm ơn giúp bả dùm cho tui coi, có gì hậu tạ sau!
- Thôi đi bà, kiểu bà thì chắc chỉ có búa tạ thôi, đừng hòng tạ lúa hay tạ gạo, không dám không dám!
Nói vậy, nhưng sau đó thấy Mộng Thường tội nghiệp lo âu rầu rỉ nên tôi đã giúp Mộng Thường xem xét lại tất cả giấy tờ. Tôi gọi qua số điện thoại bên sở di trú thành phố Houston để kiểm tra xem hồ sơ đã tiến hành ra sao. Tôi xem thử có cần bổ sung gì không. Sau đó tôi chính tay sao y bản chánh các giấy tờ cần thiết và gởi đi giùm nàng.
Khi Mộng Thường nhận được thư hồi âm, chắc chắn là không bị trục xuất về Việt Nam thì nàng mừng lắm. Nàng cám ơn tôi rối rít và cứ đòi đãi đi ăn hoài. Dạo ấy tôi rãnh nên ghé nhà Mộng Thường đang trọ phòng, ngồi tán dóc xem phim, karaoke. Ngồi chơi chung với chị chủ nhà cũng là người thích hóng chuyện cũng học hỏi thêm nhiều thứ. Thường thì gần nhà họ hay có họp chợ bán cây trái từ nông trại nên chúng tôi thường hẹn nhau đi chợ mua đồ rất tươi và rẻ.
Khi giấy tờ đã về đầy đủ, tôi xúi Mộng Thường đem tất cả đến văn phòng hối mấy cha phụ tá luật sư làm tiếp. Sau đó, nàng đã gom đủ điều kiện và giấy tờ để nộp, chỉ chờ ngày hoàn tất giấy tờ họ gởi về chứng nhận là an tâm.
Mộng Thường ra trường, xin được việc làm với bà chủ trong trường luôn vì tánh cần cù siêng năng chịu cực. Mỗi ngày làm từ sáng đến tối mịt. Một tuần sáu ngày, lãnh được hơn ba, bốn trăm bạc là Mộng Thường mừng hết lớn.
Tôi khuyên Mộng Thường, thôi ráng vài năm lấy bằng quốc tịch rồi có về Việt Nam nghỉ phép dài hạn thì thử về cho biết mùi đời. Tôi biết cuộc sống ở Việt Nam chẳng còn như xưa. Mỗi năm mỗi thay đổi và tệ hại hơn. Nhiều người mơ về. Họ về rồi sẽ thấy không hợp thì quay trở lại Mỹ. Họ đi cày tiếp kiếm chút vốn, thấy buồn vì cô lẻ, lại lê la về Việt Nam giải tỏa cơn sầu. Ở Việt Nam hơi lâu, cơn sầu kiểu khác lại xuất hiện, kiểu sầu đời không có tiền “no money no honey”, họ phải về Mỹ lại thôi. Nghe tôi phân tích, nàng lại vui vẻ ôm giấc mộng bình thường mà vui vẻ dũa móng tay kiếm tiền boa.
Thời gian sau này, tôi bắt đầu bận rộn nên cũng ít qua lại thăm hỏi chị em cô. Mới đây, có dịp gặp lại Mi, hỏi thăm bà chị, Mi kể là vẫn vậy. Ngày ngày Mộng Thường đi làm về, xem phim bộ giải trí, rồi đi ngủ. Bà ấy thấy cuộc sống lẻ loi và buồn chán quá, chịu không nổi mà không biết cách thay đổi tốt hơn. Cô em còn kể là Mộng Thường có lúc đã muốn an phận muốn lấy ông bán hột vịt lộn ở chợ trời để nương tựa. Nhưng vì ông ta ra điều kiện Mộng Thường phải dọn về ở chung ở tận một khu xa xôi hẻo lánh nào đó. Nơi đó muốn về lại San Jose phải lái xe ba, bốn tiếng, không có ánh đèn màu đô thị thân quen. Vì thế, đành phải ngoảnh mặt làm ngơ, cắt đứt "dây thiều", tiếp tục hẩm hiu.
Mi còn nói tội nghiệp bà ấy, cho tới nay vẫn chạy chiếc xe cũ rích và không dám chạy ra xa lộ vì nhát. Cuộc sống hàng ngày chỉ quanh quẩn chuyện đi làm, và xem phim bộ, không dám đi shopping nhiều, vì “nói cho ngay, bả cũng biết dành dụm gởi hết phần tiền lương còn lại về Việt Nam giúp gia đình,” Mi nói, ““Lâu lâu tui cho bả theo đi quán nhậu hát karaoke cuối tuần, thế thôi.”
Nghe chuyện Mộng Thường dành dụm tiền bạc gửi về giúp gia đình bên nhà, tôi thấy thương. Mong những người thân yêu của cô bên quê nhà, biết trân trọng sự hy sinh giúp đỡ của người bên Mỹ mà sử dụng đồng tiền ấy một cách đúng mức.
Mai Hồng Thu

Ý kiến bạn đọc
23/05/201819:27:30
Khách
Bạn Ngọc Giao, chuyện bảo lảnh anh em qua đây khác quan niệm sống rồi xa cách hơn lúc còn ở VN, mình cũng nghe nhiều người bạn tâm sự nhưng không biết hết sự tình không thể gom ý để lập thành môt câu chuyện đặc trưng được.

Mimi ơi, cảm ơn em nhiều nhưng rất tiếc chuyện xảy ra rất lâu rồi, nay chị đã mất liên lạc với T và cũng không còn ở chỗ cũ từ nhiều năm nay. Chị mến chúc em và gia đình vạn sự lành và tiệm của Mimi thành công như ý.
Chú Sáu,
Cảm ơn chú Sáu nhiều. Gần đây cháu có cơ hội tiếp xúc lại với những người làm Nail và nhà hàng bên Hawaii mới nhớ lại câu chuyện này. Hy vọng cuộc sống của họ sẽ ngày càng được tốt lành hơn.
Kính chúc Chú Sáu sức khỏe dồi dào và mau chóng vượt qua nỗi buồn tang gia.
23/05/201800:51:44
Khách
Chào cháu Donna,
Bài viết cháu hay lắm. Chắc có nhiều người như Mộng Thường. Cuộc sống như là không có mục đích gì. Uổng hả?
Chúc cháu và gia đình mọi sự thật tốt đẹp.
23/05/201800:32:42
Khách
Chị Donna, chị cho em xin số điện thoại của emThường nếu muốn qua em làm Nails. Em sẽ trả mỗi tháng ít nhất là $3K. Em sẽ lo chỗ ăn chỗ ở cho em. Hay Chị nói em Thường l/lạc Em Mimi (386)679-5000. Cảm ơn chị. Chúc Chị và gia đình sức khỏe!!!
22/05/201804:24:29
Khách
Nên có những bài viết về những người ở VN " học hành không ra gì" nhưng anh em bảo lãnh qua được Mỹ thì "NỔ" và " chê bai quê hương quá mức". Họ ở bên Mỹ thì CO ĐẦU RỤC CỔ nhưng nói chuyện với người trong nước thì "Nổ kinh hoàng". nên nêu cho cộng đồng người VIỆT bên Mỹ biết được chân dung về họ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,654,050
Mừng năm mới 2019, mời gặp lại một tác giả thân quen. Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.