Cựu và Cố Chiến Sĩ
Người viết: Khanh Phan
Bài số 3411-12-2871vb7112011
Tác giả là một kỹ sư và nhà giáo tại Louisville, Kentucky, đã tham dự viết về nước Mỹ từ năm đầu tiên. Một trong những bài viết của bà rất được bạn đọc hưởng ứng là "Chồng Tôi Bị Sạn Thận". Sau hơn 2 năm nghỉ viết, tác giả trở lại với Viết Về Nước Mỹ năm thứ 11, bằng bài viết về “Vườn Rau Sau Nhà.” Sau đây là bài viết mới nhất.
***
Tháng bảy vừa qua tôi có dịp đi South Carolina, trên con đường tìm khách sạn, tôi chợt thấy một nghĩa trang nhỏ đàng sau con phố tôi đang đi. Trời đang mưa lâm râm, một người cha một tay bế con vài tháng tuổi, một tay che dù đứng bên cạnh một ngôi mộ chưa xây còn màu đất tươi. Hình ảnh nầy cứ theo tôi hoài. Hình ảnh đó làm chạnh lòng tôi ngay lúc chợt thấy. Có cái gì trong cái hình ảnh đó làm tôi suy nghĩ mãi. Sắp đến ngày ghi nhớ các cựu chiến binh Hoa Kỳ cùng một số diễn biến lịch sử tôi nghe thấy được, tôi phải nói ra cho tâm tư bớt nặng trĩu.
Ngày còn nhỏ tôi có dịp đi theo gia đình viếng mộ người thân ở nghĩa trang gần chân núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh. Lúc đó tôi còn thích rong chơi nên đi vòng quanh các ngôi mộ. Nhìn bao quát tôi thấy có vài ngôi mộ cất như một cái nhà nhỏ, có ngôi mộ nhỏ nhắn và có ngôi mộ rất đơn sơ. Nhưng cái mà tôi thấy thú vị là đọc những chữ trên mộ bia. Có những vần thơ tiễn biệt người thân rất thắm tình. Lúc đó không phải là tháng chạp cũng không phải là Tiết thanh Minh nhưng toàn bộ nghĩa trang coi sạch sẽ và tươm tất. Tuyệt nhiên lúc đó tôi không nghĩ gì đến ma.
Rồi mẹ tôi cho tôi đi học một trường mà đi ngõ ngắn nào cũng qua một nghĩa trang. Cũng chưa biết ma là gì. Lúc đó tôi suy nghĩ rất đơn giản: chết thì chôn, mỗi năm có người thân đi vếng mộ ít nhất một lần. Rồi chiến tranh bắt đầu dồn dập trên quê hương Việt Nam tôi. Có lần mẹ tôi cho tôi về quê ngoại thăm bà và thân thuộc họ ngoại. Một cái trớ trêu, lúc đó người dân Việt bị Miên chém đầu trôi sông rất nhiều mà tôi sợ phải chứng kiến. Nhưng tôi không chứng kiến mà nghe các chị họ kể chuyện ma. Chỉ trong vài ngày là tôi bắt đầu sợ ma dù chưa biết ma là gì. Một buổi tối tôi đang ngủ, bỗng nghe làng xóm kêu la inh ỏi, người gõ nồi, người hét vang dội cả đêm thanh. Sáng hôm sau mới biết là có nhà bị trộm. Rồi cũng ngày đó cậu tôi làm cửa khóa. Trước đó Cù Lao Long Khánh hiền hòa thật, nhà không cần cửa. Chiến tranh đã đánh mất đi cái ngây ngô của ngôi làng nhỏ bao quanh những nhánh sông Mê Kông. Tối hôm đó tôi không ngủ được. Tôi nghe cả tiếng côn trùng, tiếng dế, tiếng cọt kẹt của cây chuối hột sau hè, của mấy cây tre gió thổi đụng vào nhau. Cái sợ ma làm tôi nhiều tưởng tượng cho những âm thanh đó. Tôi đòi về sớm hơn dự định.
Tôi không còn đi thong thả khi đi qua nghĩa trang mà đi rất nhanh. Rồi 1975 đến, ngày đi học, tối họp để coi phim tội ác giặc Mỹ. Trường tôi không xa một nghĩa trang lớn. Tối hôm đó tôi không sao chú tâm xem phim vì phía nghĩa trang cứ một lúc có một đóm lửa loè lên. Nó không phải là đom đóm vì nó to hơn nhiều. Khi về, tôi cỡi xe đạp mà như phi ngựa khi qua nghĩa trang. Đường ngang nghĩa trang không bằng phẳng mà có nhiều ổ gà. Vừa đạp xe vừa đọc kinh. Chắc không đọc đúng kinh hay chưa thành tâm, nên xe cán phải bao nhiêu ổ gà, báo hại đau cả háng. Từ đó không bao giờ đi ngang mộ về khuya nữa. Sau nầy học hóa học về chất lưu huỳnh. Thầy hiểu tâm lý học trò học trường gần nghĩa trang nên giải thích hiện tượng mấy đóm lửa. Chuyện ma của tôi đi vào dĩ vãng. Nghĩ mà thương thầy tận tâm.
Trước khi tôi biết tôi sẽ đi được qua Mỹ, tôi viếng thăm nhiều bạn bè. Không xa nhà tôi lắm là nhà một người bạn, lại đi qua một khu mộ. Khu mộ nầy không đi xe qua mà phải cuốc bộ. Vì đi ban ngày nên tôi không sợ gì. Nhưng tôi thấy lạ quá sao mà rau dền, rau muống, cả bầu bí mọc đầy giữa hai ngôi mộ. Trước khi bước vào nghĩa trang nầy từ ngoài tôi nghĩ là vườn rau. Hỏi ra mới biết ruộng nuơng bị tịch thu và lúa bị nộp hơn một nữa thì làm sao đủ sống nên cũng theo chính sách “một tấc đất là một tấc vàng” triệt để. Tội nghiệp cho những người nằm xuống phải nghe tiếng cuốc dọn đất, dọn cỏ rồi tiếng chân hằng ngày tưới nước cạnh mộ. Tôi không nghĩ thân xác họ trở thành phân bón vì mấy cây rau nầy rễ không sâu.
Một hôm bà mẹ nuôi người Mỹ mất, tôi hỏi thân nhân bà xem chôn bà hay thiêu vì tôi nghe chuyện thiêu xác ở Mỹ. Chồng bà nói “Theo đạo thì không thiêu xác, sẽ chôn bà.” Vì tôi đi sanh nên không đưa bà ra mộ phần. Vài tháng sau, tôi cùng chồng và con thơ đi viếng mộ bà. Nghĩa trang nầy rất lớn và rất lâu đời. Vào văn phòng xin phép thăm và hỏi vị trí phần mộ. Họ phải đưa cho tôi một cái bản đồ và khuyên nên láy xe đi tìm mộ. Ông xã tôi chạy từ từ rồi dừng lại khoảng đường mà họ nói tôi có thể tìm mộ bà trong khu vực đường đó. Nhìn những ngôi mộ chi chit tôi cảm thấy ngao ngán: biết đâu mà tìm! Tôi lâm râm gọi tên bà, vừa bế con vừa bước lần qua các ngôi mộ. Lạ thay ngôi mộ hiện ra trước mặt từ chỗ ông xã đậu xe cách ba dãy mộ.
Nghĩa trang nầy không giống nghĩa trang quê nhà chút nào. Chỉ có một mộ bia nhỏ đặt nằm trên mộ phần. Nhìn đi nhìn lại tôi không biết phần nào là đầu mà phần nào là chân. Tôi sợ thất kính nếu đứng ngay trên phần đầu. Lần đầu viếng mộ trên đất Mỹ.
Sau đó không lâu người bạn thân tôi chết. Rồi vài tháng sau đó tôi gặp bà và chị bạn trong giấc ngủ. Bà chỉ nhìn tôi cười. Tôi hỏi sao áo chị rách quá vậy. Chị bảo tôi đừng lo cho chị nữa, chị xé áo cho mấy người nghèo và bây giờ chị rất vui vì chị sẽ đi đầu thai trong một gia đình rất giàu. Đem câu chuyện nầy tôi kể cho em của chị nghe. Cô ấy nói tôi lại gặp ma rồi. Chuyện ma sống lại trong tôi. Rất ngạc nhiên khi nghe cô ấy bảo tôi gặp ma. Thế là tôi tìm hiểu thêm về ma, địa ngục, thiên đàng qua mấy tôn giáo và phong tục Á Âu.
Gần đây bạn bè tôi gởi những tin tức về nghĩa trang Quân Đội Cộng Hòa. Chuyện bốc mộ cha tôi cùng với hình ảnh tôi gặp ở South Carolina, tâm tư tôi khó xử lắm. Tôi đi nói chuyện với vài người lính Mỹ có mặt trong cuộc chiến Việt Nam. Tôi vào nói chuyện với cô giáo dạy sử của con tôi. Cô giáo nầy có người cha là cựu chiến sĩ của Đại Thế Chiến Thứ Hai. Năm ngoái con tôi có dịp đi Pháp và viếng mộ ở Normandy. Tôi hỏi về suy nghĩ và cảm nhận của con tôi.
Tôi phải khâm phục cái suy nghĩ của những con cháu và cựu chiến sĩ người Mỹ. Họ dành sự kính trọng của người quá cố rất nghiêm túc. Tôi hỏi họ sao chúng ta không mang xác các lính Mỹ về nước chôn nơi quê nhà mà vẫn để ở Normandy. Họ đều trả lời có người chăm sóc mộ phần bên đó và không biết thân nhân ở đâu. Rồi cô giáo hỏi tôi có thấy những ngôi mộ lính ngoại quốc trên đất Mỹ khi tôi đi viếng Washington DC không. Khi nước Mỹ chưa dành độc lập thì có chiến tranh với người Anh. Nhiều mộ của lính Anh Quốc còn trên đất Mỹ. Họ cũng chăm sóc mộ “kẻ thù” như chăm sóc mộ quân nhà. Cô nói là họ hy sinh cho mục đích cao cả riêng họ, ta kính trọng cái cao cả đó. Đó là tinh thần nhân loại.
Chiến tranh thế giới thứ hai và nhất hay những chiến tranh khác trước đó, họ đều duy trì hài cốt theo kiểu trên. Chỉ có sau chiến tranh Việt Nam, tìm DNA quá dễ, có nhiều kỹ thuật tối tân nên tìm hài cốt lính Mỹ là điều cần làm và có thể làm được. Họ đem về quê nhà cho có người thân thăm viếng mộ phần và những người quá cố có nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhớ mới đây khỏang một thập niên, những người Việt Kiều Mỹ bỏ tiền ra xây lại những ngôi mộ quê nhà cho nguy nga tráng lệ. Một số cha mẹ chết ước ao được chôn nơi quê nhà. Có bao nhiêu cha mẹ được ước mơ như vậy" Có cái gì đó mà phong tục người Việt coi trọng chuyện chôn cất nơi quê nhà. Mẹ tôi không ra ngoài cái tin tuởng đó. Bà ước được thiêu rồi đem về chôn cạnh mộ phần ông bà khi bà chết. Tôi hỏi đem tro về chôn ở Việt Nam, không có gì ở đây cho chúng con thăm viếng. Hơn nữa, ông bà và các cô cậu còn lại nơi quê nhà đã chết gần hết. Các con cô cậu cũng già nua, chỉ còn các cháu chit. Cháu chit chăm sóc mộ phần được bao lâu" Bà quả quyết sẽ có người chăm sóc.
Ngày 9-11-2011