Hôm nay,  

Mẹ, Một Cõi Trời Riêng

10/08/201600:00:00(Xem: 14073)

Tác giả: Triều Phong (TPN)
Bài số 4888-18-30588-v36080916

Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới của ông gồm nhiều mảnh tự sự xúc động, dành cho Mùa Vu Lan đang tới.

* * *

blank
Tác giả thăm chị Bi trong Nursing Home.

Chuyện bà mẹ trẻ ở New Zealand, cô Danni Bett, không chịu uống thuốc giảm đau sau tai nạn xe hơi vào hạ tuần Tháng Năm vừa qua hầu để dành sữa cho đứa con gái hai tháng tuổi của mình bú đã dấy lên một hình ảnh đẹp về người mẹ ở xứ này. Cái thiên chức vể bản năng làm mẹ mà người ta gọi nôm na là “motherly instincts” của cô đã được báo giới Daily Mail Australia hết lòng ca ngợi.

Không lâu sau đó tại một khu vui chơi ở Disney World, Orlando, hôm 14 tháng 06, bé trai Lane Graves, hai tuổi đã bị cá sấu lôi đi khi em lội xuống chơi ở vùng nước gần bờ của một cái hồ nhân tạo. Tuy cha em đã nhanh chóng lao theo rồi cả mẹ em cũng nhảy xuống để cứu nhưng em cũng bị kéo đi mất tích đến hai ngày sau mới tìm thấy xác. Câu chuyện thương tâm này khiến mọi người bàng hoàng đau xót và các bậc cha mẹ khắp nơi đã chia xẻ nỗi mất mát với cặp vợ chồng nọ về đứa con xấu số của họ.

Rồi ngày 17 tháng 06 tại phía tây bắc của thành phố Aspen thuộc hạt Pitkin bang Colorado, một bà mẹ Mỹ; tay không đã từ trong nhà bếp lao ra vật lộn với con báo núi để giành lại đứa con trai năm tuổi của mình vào một buổi chiều chạng vạng khi nó đang chơi trong sân nhà làm sửng sốt mọi người. Bà mẹ này bị thương ở tay và chân còn em bé bị thương khá nặng ở mặt, đầu và cổ tuy nhiên nhờ sự can đảm mà bà đã cứu được con mình.

Và mới đây nhất, vụ phục kích nổ súng bắn chết năm cảnh sát ở Dallas bang Texas trong đoàn biểu tình tối ngày 7 tháng 7. Bà Shetania Taylor; mẹ của bốn đứa con đã lấy thân mình che chở, hứng đạn cho con đang ở tuổi thiếu niên. Bà bị thương ở đùi và đã được đưa ngay vào bệnh viện chữa trị.

Đọc qua những việc hy sinh cho con đáng kính phục kể trên của các đấng sinh thành khiến tâm trí tôi luôn nghĩ ngợi đến các bà mẹ Việt Nam trong thời chiến và sau này khi chiến tranh đã chấm dứt.

Ngày đó vì kỹ thuật thông tin còn lạc hậu và nghèo nàn cộng thêm với sự bưng bít của chính quyền hoặc vì sự việc xảy ra ở chốn hẻo lánh hoang vu nên ít được ai biết đến chứ thật sự ra thì sự quên mình vì con của những bà mẹ Việt Nam cũng vô cùng to lớn. Đôi khi sự hy sinh ấy của họ tuy không nổi bật nhưng kéo dài suốt cả cuộc đời trong âm thầm mà bây giờ nhìn lại chúng ta cũng thấy đó là các tấm gương cao cả.

Việc các bà mẹ một đời sống chết cho con khiến tôi liên tưởng đến chị Thu. Hình ảnh hai mẹ con cùng chuyến vượt biên với tôi. Bao năm tháng qua, mỗi khi nhớ về chị, lòng tôi vẫn bùi ngùi cảm xúc.

*

…Tôi leo lên miệng hầm sửa lại cái nắp mà hồi trưa thằng Chín lúc phát cơm đã đậy lại không kín khiến cho bây giờ nước mưa đang nhểu vào, tiện thể cũng đảo mắt ngó xung quanh một vòng.

Chẳng thấy gì cả ngoài bầu trời xám đùn đục trong màn nước mưa. Biển động nhẹ, những con sóng khá to liên tiêp vỗ vào nhau rồi tan biến. Mắt tôi chợt dừng lại nơi một người đàn bà đang ướt sũng, tóc lòa xòa xuống trán, mặt bê bết nước, ngồi sát miệng hầm, lưng tựa vào ca-bin đang giấu đứa con gái nhỏ trong lòng.

Tôi vội leo xuống, lục túi xách lấy cái áo mưa “người dơi” bằng nylon của mình rồi trèo lên lại đưa cho bà. Bà ta mừng rỡ chụp lấy, ngước nhìn tôi lí nhí cám ơn. Đó là buổi chiều thứ ba trong hải trình vượt biển năm 1989 tìm tự do của tôi.

Đi thêm ba ngày nữa, tàu chúng tôi tắp đảo El Nido, Philippines. Một hòn đảo lớn, đẹp và yên tịnh. Một chuyến đi bình an ngoài mong đợi! Khi chúng tôi được chuyển vào trong đất liền, dân Phi đã ra tận bãi biển, đứng dọc hai bên vệ đường reo hò, hoan hô, chào đón như các anh hùng trở về trong vinh quang chiến thắng!

Thế là sau sáu ngày đêm lênh đênh, đói ăn thiếu uống, lúc này mọi người đều mệt lả, bước thấp bước cao, đi liêu xiêu như người say rượu, mặt đất thì chao qua chao lại dường như sắp đổ. Mấy cô gái mặt xanh lè, tái ngắt, không đi nổi té lên té xuống phải có người dìu hai bên. Họ lê lết, chân cày trên cát làm thành những vệt dài.

Trong khi ấy, một anh chàng Phi mang cây Saxophone ra trình diễn như để chúc mừng chúng tôi đã đến được “bến bờ tự do!” Nhìn anh ta để hết cả tâm hồn, đứng thổi bài “Careless Whisper” đang rất thịnh hành lúc bấy giờ một cách tuyệt vời và các người khác thì nhún nhảy, say sưa hát theo tiếng kèn đầy hào hứng tôi mới cảm nhận được cuộc sống của họ sao hiền hòa, chân chất quá. Trông họ vui vẻ, hoà mình với niềm hạnh phúc vô biên mà chúng tôi vừa tìm được làm tôi cảm thấy tâm hồn mình ấm lại rồi bỗng chợt nhớ nhà và ước ao không biết đến bao giờ thì người dân Việt Nam mình mới có lại được cuộc sống thanh bình như thế?

Thị trấn hiền hòa, êm ả của El Nido giờ đây bỗng dưng ồn ào náo nhiệt vì đám người tị nạn đông đúc. Ngày cũng như đêm, người ta đi tới đi lui khắp nơi. Kẻ có tiền lo mua áo mua quần, người khác thì tìm cách bán các chiếc nhẫn năm phân hay một chỉ bằng vàng 24 karat cho dân địa phương để lấy tiền đánh điện tín báo tin vui về nhà. Mấy tiệm tạp hoá hết sạch hàng. Hai quán ăn thì lúc nào cũng đầy dân tị nạn vào ăn hay uống cà-phê. Sự yêu đời và sức sống hừng hực của đám thuyền nhân vừa chết đi sống lại làm không khí trên đảo sôi động hẳn lên.

Ghe của chúng tôi dài tới mười chín thước, khoảng ngang rộng nhất cũng hơn ba thước, chở hai trăm bốn mươi sáu người. Trong lịch sử các ghe vượt biên tới Phi chưa có ghe nào to như ghe này nên chính quyền địa phương phải dùng một ngôi trường tiểu học cho chúng tôi tạm trú.

Suốt tuần lễ ở đây chờ Cao Uỷ Tị Nạn đến đón về trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp,) tôi có cơ hội đi loanh quanh, ngắm cảnh, tìm hiểu dân tình trên đảo.

Theo Wikipedia thì vào năm 1521 Ferdinand Magellan; nhà hàng hải Bồ Đào Nha nhưng lại làm việc cho Tây Ban Nha đến Phi mở ra kỷ nguyên thuộc địa hóa quần đảo này. Vì tới năm 1543, Ruy López de Villalobos, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã đến đây thám hiểm và đặt tên cho nó là Las Islas Filipinas để vinh danh Quốc Vương Felipe II. Phi chính thức trờ thành thuộc địa của họ.

Khác hẳn với người Phi thuần chủng, phải công nhận là các chàng trai cô gái lai Âu Á đẹp tuyệt vời. Họ có làn da trắng, cặp mắt to với đôi hàng mi cong vút như hàng dừa dọc bờ biển mà mỗi khi đôi mắt họ chớp chớp thì đôi lông mi này rung động như hàng dừa lung lay trong gió khiến cho đám thanh niên tụi tôi nhìn hoài không chán!

Một hôm tôi tình cờ gặp lại hai mẹ con bà bị mắc mưa bữa nọ. Bấy giờ tôi mới biết bà không già lắm, chỉ hơn tôi ba tuổi và tên là Thu còn đứa con gái nhỏ tên Na độ chừng khoảng bốn hay năm tuổi gì đó thôi nên tôi đổi cách xưng hô gọi bà là chị. Chị Thu trả lại tôi chiếc áo mưa và luôn miệng cám ơn nói “nếu không có nó thì chị không biết mẹ con chị có chịu nổi những cơn mưa và cái lạnh thấu xương của gió biển để đến được đất liền hay không vì đồ đạc của hai mẹ con chị đã bị rơi xuống biển lúc lên cá lớn* hết rồí!”

Chúng tôi quen nhau từ đấy!

Một buổi chiều tôi và mẹ con chị Thu tản bộ ngoài bãi biển, trong lúc ngồi chơi chị vô tình kể lại là đêm hôm lên ghe lớn mẹ con chị súyt tí nữa đã chết nếu không nhờ ai đó cứu giúp làm tôi nhớ tới cái hôm ra khơi đầy hổn loạn này.

Bữa đó, xe đò chạy từ Saigon ra tuốt Nha Trang-Đà Nẳng rồi loanh quanh cả ngày lẫn đêm cho đến tận khuya thì dừng lại ở một nơi thanh vắng tới hơn nửa đêm. Sau đấy, một nhóm người lên xe và bắt đầu kiểm vé bằng mật mã của từng hành khách rồi đưa chúng tôi đi bộ thật sâu vào trong qua các bãi cát trắng với những bụi cây nhỏ lưa thưa.

Bằng kinh nghiệm vượt biên nhiều lần tôi bắt đầu sợ và tự hỏi đã quá nửa khuya rồi mà còn lang thang trên bờ thì đường vô “đồn công an” dễ như chơi nên tôi nghĩ là chuyến đi này chắc lại sẽ bị gạt nữa, vì thế tôi quyết đinh quay trở lại tìm lối ra trong khi đoàn người vẫn ào ạt tiến vào trong.

- Ê, đi đâu đấy? Đứng lại!

Tiếng ai đó quát nhỏ nhưng mạnh bạo trong đêm dưới ánh trăng mờ làm tôi giật mình. Một bóng người đi tới nắm vai tôi lôi ngược vào trong cho đến khi bãi biển hiện ra trước mắt với một con tàu đen đậu lù lù ngoài khơi xa. Người đó xô tôi xuống nước và ra lệnh:

- Lên ghe đi!

Anh ta đi rồi mà tôi vẫn còn đứng đó nhìn cả trăm người đang tranh nhau lội ra ghe lớn. Số khác thì còn bơi lóp ngóp trong bờ. Tôi hoang mang bước lần ra cho đến khi nước ngập lên ngang ngực thì đứng dừng lại trên một cục đá. Tôi lội không giỏi nên sợ không dám ra xa. Tôi nghĩ giờ này mới lên ghe thì bao giờ ra khơi và tới khi trời sáng chắc vẫn còn trong hải phận Việt Nam và kiểu này “lớ chớ” lại bị bắt nữa chứ chẳng phải chơi!

Đang còn tính toán tới lui tôi chợt thấy cách tôi một sãi tay có một phụ nữ đang lặn hụp, trồi lên sụt xuống trên mặt nước với một đứa bé trên tay như sắp chết đuối và theo phản xạ tự nhiên tôi vói tay ra chụp lấy chị kéo giật về phía mình. Nhờ cái giật thật mạnh vào trong ấy chân chị mới chạm được vào cục đá bên dưới và chị loạng chọang vài giây mới lấy thăng bằng đứng lên được. Rồi chị lại tiếp tục nhìn ra khơi, người bồn chồn như muốn đi ra nữa. Giữa cảnh rối răm ấy tôi cũng lo lắng cho thân mình nên ít phút sau nhìn lại thì không thấy mẹ con chị đâu và rồi tôi cũng quên bẳng đi mất.

Lúc này đây nghe chị kể lại tôi mới biết thì ra mẹ con người phụ nữ trong đêm tối ấy là chị nên buột miệng:

- Thấy chi ngoi ngóp nên em nắm vai chị lôi lên đấy.

Chị tròn mắt ngạc nhiên nhìn tôi một chặp rồi “ồ” lên:

- À thì ra người kéo chị lên đêm đó là em đó hả? Trời ơi nếu không nhờ em kéo chị khi đó thì chị và bé Na chết rồi. Lần này mẹ con chị mang ơn em nhiều quá!

- Ơn nghĩa gì đâu chị. Nhưng…sao chị không biết lội mà gan quá vậy?

- Chị sợ bị “rớt lại.” Chị không muốn để bé Na sống ở Việt Nam. Chị chỉ muốn đi thôi!

Ngó chị một hồi, tôi nghĩ bụng “tội nghiệp, không biết bơi mà cũng cả gan nhào xuống biển và lại còn ẳm con nữa chớ.” Đúng là “điếc không sợ súng!”

- Ủa, rồi làm thế nào chị lên ghe được hay vậy? Tôi thắc mắc.

Chị chắt lưỡi:

- Hay gì mà hay. Thằng Tỉnh nó chèo thúng tới chở hai mẹ con chị đó chứ.

- A, em cũng được nó lấy thúng đưa ra đó.

Vì ngồi trên boong nên chị Thu biết nhiều chuyện hơn tôi. Chị thì thầm cho tôi biết trong ghe này có cộng sản bởi khi ghe sắp tắp vô đảo thì chị nghe có tiếng súng nổ. Sự tiết lộ của chị làm tôi giật mình. Việc này ngày sau về PFAC tôi biết được rõ ràng hơn nhưng lúc này thì tôi nghĩ thầm “hèn nào mà bữa đó đám tổ chức “đổ quân” xuống bãi như đi chợ vậy!”

*

Hơi nóng hừng hực hắt xuống từ mái tôn (tole) cộng thêm thân nhiệt của gần ba trăm con người gồm đủ nam phụ lão ấu tỏa ra trong buổi trưa hè ở trong “barrack” của trại PFAC khiến tôi không chịu nổi. Vì độc thân, đồ đạc chẳng có gì nên tôi chớ hề lo lắng, gìn giữ chi cả do đó tôi thường xuyên ở ngoài sân hơn là trong láng trại. Hôm nay sang ngày thứ tư rồi mà “group” của ghe tôi vẫn chưa được ra ngoài các khu mà trái lại họ còn đưa thêm vào đây bốn mươi mấy người nữa của một ghe khác nên barrack chật cứng.

Trong nhóm này có một ông trung niên người Bắc độ bốn mươi tuổi ngoài, trông còn khá trẻ, dáng người nhanh nhẹn, tên là Trần Phi, nghe đâu ngày trước là cựu thông dịch viên của quân đội Việt Nam Cộng Hòa gì đó thế nên ông có vẻ am tường nhiều thứ chuyện xưa và nay. Sau này ông làm Chủ Tịch Nhiệm Kỳ thứ 29 của trại rồi Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt ở Thuỵ Sĩ khi đến đây định cư.

Khoảng chừng ba giờ chiều một hôm, tôi đứng trong góc sân nghe ông Trần Phi đang ngồi chòm hổm đấu láo với một số người và xa xa tại một góc khác sát vách barrack cũng có một ông gốc người Bắc, đi cùng ghe với tôi, tuổi tác trạc ông Trần Phi, ở trần, mặc quần xà lõn trắng, ngồi im lặng, lắng nghe thì bất ngờ có vài ba thanh niên từ ngoài leo qua hàng rào lưới B40 của barrack nhảy vào trong và phóng tới nắm đầu người trung niên này lên gối khiến ông bật ngửa.

- Đ.m. đánh chết mẹ nó đi. Thằng này là cộng sản nè bà con. Nó là Lê Hồng Thắng, thượng úy, phó phòng chấp pháp của trại giam ở 84 Trần Phú, Nha Trang đó bà con.

Nói xong, họ còn nhào theo đấm đá ông túi bụi làm náo loạn cả sân. Mọi người lật đật đứng lên, ngưòi trung niên này sau đó lồm cồm đứng dậy chạy vào trong lúc ấy thì cô vợ trẻ đang mang bầu của ông lại chạy ra, la khóc ầm ỉ khi thấy ông bị đánh khiến cho cảnh tượng thêm hỗn độn.

Vài phút sau thì thuyền nhân ở mấy khu gần đó rần rần kéo tới vì trại PFAC đa số gồm người dân ở Nha Trang, Tuy Hoà, Phú Yên…mà rất nhiều trong số này hay thân nhân của họ từng vượt biên bị bắt và là nạn nhân của ông Thắng. Và cuối cùng Ông Cao Ủy Trưởng Jan Top Christensen hấp tấp có mặt với hai ba người An Ninh Việt Nam. Ông vào barrack, giận dữ chỉ trích hành động trả thù vừa xảy ra và tuyên bố:

- Theo công ước quốc tế thì quyền tị nạn không của riêng ai và thậm chí người cộng sản còn có lý do chính đáng hơn khi đi tị nạn chính chế độ của họ nếu họ chứng minh được họ đang bị ngược đãi hay bị đàn áp vì bất đồng chính kiến.v..v.. Do đó tôi yêu cầu bà con hiểu điều này và chấm dứt các sự trả thù cá nhân. Cao Ủy tị nạn có trách nhiệm giải quyết mọi việc. Bà con hãy an tâm!

Từ đó ông Thắng được Cao Ủy cho người “bảo vệ” thêm tới một thời gian khá dài về sau. Riêng ông thì suốt những năm tháng sống trong trại ông chỉ ở yên trong nhà ít khi xuất hiện chỗ đám đông cho đến khi bị bác quyền tị nạn rồi hồi hương trở lại Việt Nam.

Thời gian này, chiều chiều tôi hay cùng mấy đứa em trong nhà lo khiêng ghế ra Sân Khấu Trung Tâm để giành chỗ coi bộ phim “Anh Hùng Xạ Điêu” do Ban Truyền Thông chiếu cho đồng bào xem giải trí. Ghế coi phim này là các chiếc ghế mà đồng bào ở trại vô rừng chặt lấy những thân cây to cở chừng bằng bắp tay, bắp chân, rồi khiêng về trại đóng lấy. Vì có tới gần cả ngàn người xem nên có những chiếc ghế được đóng thật cao tới hai ba thước và dài chừng năm sáu thước để cho chín hay mười người ngồi thành thử chiều nào khi gần tới giờ thì mọi người trong trại sẳn sàng chờ lúc loa Truyền Thông Văn Hoá vang lên cho phép mang ghế ra sân là mọi người thi nhau mang ghế chạy ra kiếm chỗ.

Đứng từ trên cao nhìn xuống cảnh tượng trông rất ngoạn mục, tựa như đàn kiến ở khắp nơi đang tập trung về tổ. Người sống ở trại khó có thể quên cảnh này. Đây là nét đặc thù của một trong những sinh hoạt văn hoá của thuyền nhân tị nạn ở PFAC lúc đó, một hình ảnh đáng yêu mà người ta mang theo mãi trên đường định cư. Ghế nhỏ, thấp thì để trước ghế cao để sau. Nhiều đêm đang coi tới đoạn hấp dẫn bỗng dưng có tiếng kêu răng rắc phát ra đâu đó thế là nhiều tiếng hoảng hốt la lên và người ta rần rần nhảy xuống thì mọi người biết ngay là có ghế bị gãy vì quá tải.

Và theo lệnh của Ban Quản Đốc trại thì ghế xem xong phải mang về nhà vì có một số người ở xa nên lười biếng thường mang vào để trong công viên gần đó làm cho bộ mặt của trại vốn đã cũ kỹ, lôi thôi thêm dơ dáy, nhếc nhách khiến Ban Quản Đốc lâu lâu lại ra lệnh chủ các chiếc ghế kia phải đem về nếu không sẽ bị Ban An Ninh Việt Nam cho nhân viên phá bỏ!

Một hôm, khi nắng chiều đang tàn dần trên mặt biển thì cũng là lúc anh em tôi chọn chỗ đặt ghế xong xuôi rồi trong khi chờ đợi tôi gặp chi Thu cũng lững thững ẳm bé Na ra. Con bé bây giờ trông khá hẳn lên, mặt mày tươi tỉnh chứ không còn đờ đẫn như hôm ở trên ghe nữa. Trò chuyện một lúc thì chị Thu nhắc lại việc ông Thắng bị đánh hôm nọ. Chị cho biết cái người đánh ông Thắng là bởi vì ngày xưa anh của anh ta vượt biên bị bắt về trại giam tỉnh ở 84 Trần Phú. Tại đây khi bị “lấy cung,” ông Thắng đã đánh đập hành hạ anh này một cách rất dã man làm anh ngất xỉu luôn. Mẹ anh ta khi hay được lo sợ, buồn rầu hóa sanh bệnh mà chết nên người em này rất hận ông Thắng!

À, thì ra là vậy! Tôi gật gù và chợt nhớ ra thắc mắc lâu nay nên ấp úng.

- Còn chuyện nổ súng trên ghe mà chị nói với em hôm trước là sao?

- Nghe nói lúc ghe sắp vô đảo thì có ai đó đưa cho thằng Chín cây súng...K…K… gì đó để liệng súng biển. Nhưng nó còn nghịch, bắn thử hai ba phát trước lúc quăng đi nên mình mới biết đó chứ!

- Súng dài hay ngắn chị?

- Ngắn!

- Chắc là K54 hay K59!

Thế là mọi việc giờ đã rõ. Vì ghe tôi có công an tổ chức “bán bãi” nên mới đông và đi tự nhiên như đi chợ vậy. Do đó chuyện trên ghe có công an đi theo là điều chẳng có gì lạ!

Ai trong group của tôi cũng đều công nhận chị Phấn là một phụ nữ quá lanh lợi. Chị thuộc về típ (type) người quăng vào chỗ nào cũng sống được vì rất tháo vát và nhanh trí.

Nhớ có một lần, tôi ra chợ trước cổng trại để mua một ít rau về nấu canh thì tình cờ gặp chị. Vậy là hai chị em “sáp” lại vừa mua đồ vừa tán dốc. Tới trước sạp chạp phô, chị đưa tay chỉ vào gói đường cát vàng đựng trong cái bịch nylon ốm dài hỏi giá:

- Two pesos for one kilogram!

Anh chàng bán hàng Phi trả lời. Chị thúc cùi chõ vào hông tôi:

- Tao còn có một “peso” mày kêu nó bán tao nửa ký đi.

Tôi ngây người suy nghĩ xem nửa ký nói tiếng Anh làm sao. Thấy tôi đứng im lâu quá chị nhích thẳng vô sạp:

- My friend…

Vùa kêu thằng bán hàng chị vừa đưa tay ra dấu cắt ngang phân nửa bao đường và chìa một đồng peso ra trước mặt nó. Vậy là thằng Phi hiểu ngay, gật đầu lia lịa rồi lục tìm cái bao không, chia bịch đường ra làm hai đoạn bỏ lên cân. Cầm nửa bịch đường vô trại vừa đi chị vừa nói:

- Mẹ…tao thấy mày xách tập đi học tối ngày mà nửa ký nói tiếng Anh làm sao cũng không biết là thế nào?

Tôi phân bua:

- Em mới học lớp Hai mà chị!

Thời tôi mới tới, mấy người PA; là những người đi trước ngày đảo đóng cửa (cut off date) hay đùa “yes, yes, no, no, sáu tháng cũng go!” quả là đúng với trường hợp của chị Phấn bởi chẳng biết sau đó chị khai thế nào mà rồi cuối cùng chị đậu thanh lọc, được quyền tị nạn đi định cư ở đệ tam quốc gia trong khi có ông trung úy, đại úy thậm chí ngay cả cựu trung tá Phạm Nhã cũng còn bị “đá!”

Vu Lan 1990, Chùa Vạn Đức tổ chức thật long trọng. Nếu tôi nhớ không lầm thì năm này có một phái đoàn gồm năm, sáu thầy và phật tử từ Úc sang thăm trại do Thầy Thích Quảng Ba làm trưởng đoàn nên ngay từ cả tuần trước đó chùa đã cho các đoàn sinh trong gia đình Phật Tử Quảng Đức vào rừng tìm củi đem về để chuẩn bị cho việc nấu nướng. Ở chùa thì các anh em trong ban trang trí, văn nghệ, kỹ thuật cũng lo chuẩn bị phần vụ của mình khiến cho không khí lễ hội rộn ràng nhộn nhịp hẳn lên

Đến ngày khai mạc đại hội mọi người tề tựu về chùa đông đủ như tôi đã có dịp trình bày trong bài “Chùa tôi” trước đây, có khác chăng bây giờ là Nhiệm Kỳ thứ 30 do ông cựu đại tá VNCH Trần Phước Dũ làm chủ tịch và Cô Naoko Obi; người Nhật, thay thế Ông Jan Top làm Cao Ủy Trưởng mà thôi!

Sau buổi lễ, quan khách ở lại thọ trai, còn đồng bào thì vào chánh điện lạy Phật hay dạo chơi chụp ảnh kỷ niệm trước sân chùa. Số khác ngồi tụ tập dưới mấy tàng cây sứ hoặc dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm tán gẫu, đợi chiều xem trình diễn văn nghệ. Hoà lẫn trong đám đông ấy tôi cũng cố chụp cho mình một tấm hình để gửi về cho ba mẹ ở Việt Nam xem như cách bày tỏ lòng hiếu thảo của đứa con xa xứ!

Hôm đó tôi gặp chị Thu ngồi buồn thiu trên băng ghế cây nơi hồ cá. Xa xa gần cây Bồ Đề, bé Na đang vô tư vui đùa với mấy đứa cùng trang lứa. Tôi đến ngồi cạnh chị chuyện trò được dăm ba câu thì chị bỗng nhiên ngẹn ngào:

- Má chị…chết rồi em!

Tôi hoàn toàn bất ngờ trước hung tin của chị, nên nhất thời lúng túng:

- Bác...bác làm sao mất… vậy chị?

Nghe tôi hỏi, chị lắc đầu. Tiếng chị khóc thút thít, sụt sùi khiến tôi quýnh quáng, không biết an ủi thế nào và cảm thấy sự hiện diện của mình là thừa thải. Bấy giờ tôi mới để ý thấy trên ngực áo chị có một bông hồng trắng nằm lặng lẽ như nỗi buồn chị đang mang. Ngay lúc đó có một vị sư thầy từ hậu điện bước ra. Thấy chi khóc, thầy bước tới chấp tay, cúi đầu:

- Nam Mô A Di Phật! Sao con khóc, thầy…có thể giúp gì cho con được không?

Chị im lặng, đôi vai run run một lúc mới ngước nhìn lên, mặt đẳm lệ:

- Má con…má con…ở Việt Nam mới mất được gần một tháng rồi thầy!

Nói tới đó thì chị chợt khóc oà lên làm con bé Na hốt hoảng chạy lại ôm chầm lấy chị và mọi người đang dạo quanh sân chùa hướng cả ánh mắt về phía chỗ chị đang ngồi làm tôi thêm bối rối.

- A Di Đà Phật! Hồng trần là chốn tạm dung. Có sinh thì có diệt! Con hãy vào đây với thầy.

Đoạn thầy dẫn chị vào phòng khách. Giữa phòng có đặt một chiếc bàn gỗ dài với hai băng ghế hai bên. Ở tấm vách phía trong dùng để ngăn với “work shop” đàng sau có ghi ba chữ thật lớn Cúng Dường Pháp trên cao. Tôi và một số phật tử cũng nối gót bước vào theo.

- Tất cả chúng ta ai cũng biết “thành trụ hoại không” nhưng để thấu cái lẽ và sống cho được an nhiên với cái lý ấy thì không phải dễ! Vì sao? Vì chúng ta là con người chưa tu tập hay đang tu tập nhưng chưa thành đạo. Và vì vô minh nên chúng ta chưa giác ngộ được triết lý của Đức Phật.

Nói xong thầy rót lấy một ly nước đang úp trong một cái khay được bày sẵn trên bàn và bước ra ngạch cửa. Thầy hơi nghiêng người, đổ ly nước xuống đất. Nước loang ra một khoảng rộng:

- Các con ai có thể hốt nước đó đổ vô ly lại giùm thầy được không thì xin mời?

Tất cả yên lặng nhìn vũng nước. Vài phút sau nước thấm vào đất rồi tan biến. Chờ đợi một đổi không thấy ai lên tiếng thầy chỉ tay vào chỗ mặt đất còn ướt nói tiếp:

- Chỗ ướt này chút xíu nữa sẽ khô đi và không còn lại gì. Trả lại đất, cát bụi muôn đời cố hữu. Thế còn nước? nước đã đi đâu?

Đột nhiên giọng thầy vút cao:

- Nước đi vào lòng đất, nước về với nguồn, với mẹ, ra sông ra biển, bốc hơi, gặp lạnh ngưng tụ tạo ra những giọt nước nhỏ. Khi nhiều giọt nước nhỏ này tích tụ ở mây lâu ngày sẽ làm mây dày và nặng lên rồi các giọt nước nhỏ sẽ liên kết thành giọt lớn hơn rơi xuống thành mưa. Đó là sự tuần hoàn của nước trong vũ trụ mà thầy giải thích nôm na cho các con dễ hiểu và đó như là “vòng luân hồi,” giáo lý căn bản của Phật giáo mà Đức Phật đã tìm ra. Thế cho nên chúng ta phải hiểu rằng “sắc tức thị không, không tức thị sắc!” Đời này là cõi tạm, thân này cha mẹ cho ta cũng chỉ là tạm bợ. Vạn pháp vô thường! Tất cả đều là không! Vì vậy phải ăn ở hiền lành ở kiếp này để gặt được quả lành cho kiếp sau. Do vậy các con hãy tu tập. Tu ngay hôm nay, tu ngay bây giờ. Nhưng tu làm sao cho đúng và thành chánh quả đó là vấn đề khác mà thầy sẽ nói sau. Tuy nhiên chúng ta hãy niệm Phật mỗi ngày. Niệm trong lúc rãnh rổi! Niệm bằng tâm thành! Mỗi ngày hãy cố gắng lắng lòng xuống chừng vài ba phút để tâm thật tịnh và hướng vể Phật mà niệm. Tịnh Độ là một pháp diệt khổ não cho chúng sinh mà người đời chúng ta ít để ý đến điều đó. Chúng ta chỉ nghĩ tới Phật khi hoạn nạn. Thật là vô minh! Với chị Thu, thầy mong chị sớm thấu cái lý những gì thầy vừa nói để không còn phiền muộn về sự mất mẹ mà hãy cầu nguyện cho mẹ sớm về cõi Phật và mau được đào thai làm người tốt ở kiếp kế tiếp. Không có ai mà có mẹ sống suốt đời với mình nên làm con chúng ta cố gắng làm tròn hiếu nghĩa khi mẹ còn sống như sáng nay các thầy có giảng. Hôm nay nhân ngày Vu Lan con hãy đưa tên tuổi ngày mất của mẹ con cho thầy để chiều nay thầy sẽ làm cho bà một buổi lễ cầu siêu.

Mọi người cúi đầu, nghĩ ngợi mien man. Riêng tôi, bài thuyết pháp ngày ấy của thầy là một bài học lớn làm tôi ngộ ra cái “không” của cuộc đời để có thể an nhiên sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó của đời tị nạn suốt mười một năm dài.

Cuối năm 1992, sau khi bị bác quyền tị nạn rồi tôi xin vào làm thiện nguyện viên ở cơ quan IOM nhằm để khuây khỏa và trau dồi thêm tiếng Anh. Nhiệm vụ của tôi là phụ trách làm thẻ ID mới cho những ai cần. Do đó ngày ngày tôi thường đưa một số bà con ra tiệm chụp hình ngoài phố để chụp hình làm thẻ rồi lấy “charge invoice” đem về, cuối tháng IOM sẽ thanh toán với tiệm theo hợp đồng.

Trưa một hôm khi tôi từ phố về phòng thì nghe thằng Sinh cho hay là hồi nãy chị Thu có qua kiếm tôi vì hình như là con chị đau thế nào đó cần phải qua bệnh viện bên Wescom nhưng IOM không có xe vì anh tài xế Robert đã lấy xe chở Kerry và Mary đi công việc rồi. Nghe thế tôi sang bệnh xá tìm và được chị Muối, thiện nguyện viên y tế bảo là chị Thu quá sốt ruột con nên đã tự đưa cháu sang đó rồi.

Tôi về lấy xe Suzuki nữ 50 phân khối của phòng chạy sang Wescom. Khi tôi dựng xe trước cổng và vừa bước vào trong thì chị Thu đã khóc nức nở khi thấy tôi. Xa xa trên giường bé Na đã được vô nước biển và nằm nhắm mắt ngủ thiêm thiếp. Thằng Đạt, thiện nguyên viên ở đây cho tôi biết là đang chờ bác sĩ. Chúng tôi bước ra ngoài sân, chi Thu mếu máo:

- Bé Na nó ói mửa, mắt trợn trắng và người co giật liên tục mà họ cứ bảo chờ xe về hoài em. Đợi lâu quá không được chị ẳm nó chạy một mạch từ bển sang đây cho rồi.

- Chuyền nước biển vô rồi chắc cũng OK. Để bác sĩ tới xem sao? Thằng Đạt vừa nói vừa lấy tay đẩy cái mắt kính cận đang trễ xuống mũi lên.

Thấy bé Na tạm ổn tôi cáo từ chị trở về mà lòng suy nghĩ mông lung. Đường từ IOM qua đây cũng cả cây số mà chị ẳm con bé chạy bộ giữ trưa nắng như đổ lửa ấy thì thật là tội. Cứ nghĩ tới hình ảnh đầu tóc rũ rượi, mặt mũi bơ phờ của chị khi nãy tôi thấy xót xa làm sao! Đúng là tình mẹ thương con thì to lớn như trời rộng mênh mông mà không có bút mực hay lời văn nào diễn tả hết được. Chỉ có cố nhạc sĩ Y Vân là người duy nhất cho đến hôm nay đã dùng âm nhạc nói lên được cái “tình mẹ thương con không quản thân gầy dù mưa hay nắng” ấy qua bài Lòng Mẹ bất hủ mà chưa có nhạc phẩm nào thay thế nổi!

Năm tháng trôi qua, không chịu tự nguyện hồi hương, chúng tôi cứ ở lì trong trại dù sau cùng Cao Ủy đã rút đi không còn trợ cấp lương thực, đóng cửa trường học, cắt bỏ trợ cấp y tế và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Nhiều hôm ngồi ngoài bãi biển nhìn thủy triều vẫn lên xuống một cách như vô tình xói mòn niềm tin và hy vọng, tôi mới thấy chị Phấn thật tài!

*

Chuyện người tị nạn cuối mùa ở Phi cuối cùng cũng được đi định cư thế nào thì hôm nay ai cũng biết, không cần phải nhắc lại. Tôi may mắn được vào Mỹ và vài năm sau thì hay tin hai mẹ con chị Thu đi Canada. Mừng thay cho cái đám “tiền hung hậu kiết” đầy lận đận của chúng tôi!

New London Healthcare; một cái “nursing home” ở Atlanta của tiểu bang Georgia mà tôi dự trù đi mất tám tiếng đồng hồ từ nhà tôi nhưng nào ngờ vì đường sá sữa chữa, lại kẹt xe nên vợ chồng tôi và thằng con phải mất thêm hơn hai tiếng nữa mới đến nơi.

Chúng tôi đến đây vào một buổi chiều cuối tuần để thăm một ân nhân. Chị Bi là bạn của mẹ tôi và cũng là người ơn của gia đình tôi. Ngày xưa khi ba mẹ tôi túng thiếu chị là người đã giúp đỡ tài chánh để ba mẹ tôi có đủ tiền cất nhà vì lúc ấy chị là chủ tiệm bán ván ép ở đường Trương Minh Giảng nên rất khá giả. Và khi biến cố Mậu Thân 1968 xảy ra, chị đã cất công đi lùng sục ở tất cả các trại tạm cư chứa đồng bào tị nạn chiến tranh tại Saigon-Gia Định để tìm kiếm gia đình tôi đưa về nhà chị tá túc. Tôi không hiểu tại sao hồi nhỏ mọi người cứ bảo chúng tôi gọi chị bằng chị chứ thật ra thâm tâm tôi vẫn xem chị như mẹ, vì chị không nhỏ hơn má tôi bao nhiêu tuổi!

Như lời con trai chị cho biết, cái nursing home này khá khang trang và sạch sẽ. Khi chúng tôi tới anh ra đón và đưa vào trong. Từ lối đi qua lớp cửa kính tôi trông thấy chi đang ngồi trên chiếc “wheel chair,” với mái tóc đã bạc trắng. Trông chị ốm và yếu hẳn đi tuy vậy chị cười rất vui và nói huyên thuyên lúc chúng tôi bước vào. Tôi mừng khi chị vẫn nhớ và nhận ra tôi. Nhưng anh Mosali con chị lại nói:

- Tại anh nói có vợ chồng em đến nên “bả” làm vậy chứ chút xíu là bả quên liền hà!

Khi vợ tôi bắt chuyện với chị, tôi có cơ hội quan sát khắp phòng và cảm thấy thật là buồn cho đời người già ở nursing home bởi xung quanh chị lúc đó cũng có vài ba người tới thăm người thân ngồi gần đấy. Nhìn mấy ông bà già đờ đẩn, gục đầu trên xe lăn như cây sắp lìa cành tôi cảm thấy một bầu không khí ảm đạm chết chóc phủ trùm.

Vợ tôi chợt khều tôi nói nhỏ:

- Chị ấy mới hỏi em anh là ai kìa?

- Thấy hông anh nói mà, từ ngày bả bị té đến giờ trí nhớ bả yếu lắm.

Chúng tôi ở đó độ chừng một tiếng. Tôi cắt móng tay, móng chân cho chị rồi đưa chị về phòng khi chị muốn đi tiểu. Trong phòng tôi thấy có một bà Mỹ già ở cùng với chị đang nằm lim dim trên giường, người lép xẹp, mỏng dính, tóc lơ thơ chỉ còn vài ba cọng, trông rất yếu ớt. Chị nhìn tôi than thở:

- Ở đây buồn lắm, không có người Việt Nam để nói chuyện. Ăn đồ Mỹ ngán quá, chị thèm nước mắm!

Nghe chị nói tim tôi đau nhói và xót xa quá nhưng nào biết làm sao hơn. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng phải từ giã chị và anh Mosali để về khách sạn. Đi khỏi cái không khí ảm đạm, bệnh hoạn ấy tôi thấy người bớt nặng nề, tâm trí nhẹ nhàng hơn.

Đêm hôm ấy trong khách sạn, hình ảnh ốm yếu của chị khiến tôi liên tưởng đến một người phụ nữ khác. Chị Thu! Không biết bây giờ chị ra sao? Có giống vậy không vì chị cũng đang ở “nursing home” bên Alberta, Canada.

Mấy tuần trước đây tôi được điện thoại của Tuấn, thằng em ngày xưa cùng Khu Bảy với chị ở trại tị nạn, hiện đang định cư tại Montréal cho biết năm ngoái chị Thu bị “stroke” và té ngã nhưng may mắn là bị nhẹ nên cũng qua khỏi. Tuy vậy hiện hai chân chị yếu phải ngồi xe lăn, tay trái không giở lên được. Tháng trước có việc qua Calgary, tiện thể nó đến thăm chị luôn. Gặp nó chị khóc hoài vì cô đơn!

Bé Na bây giờ là y tá chỉnh hình (Orthopaedic nursing) của một bệnh viện, có chồng là bác sĩ người bản xứ và được một đứa con gái. Nó hôm nay rất giàu có và luôn bận bịu chuyện nhà chuyện chồng con ít có thời gian viếng thăm chị. Chị bảo mùa thu chị không thích ngồi gần cửa sổ trông ra ngoài vì chị buồn và nhớ Na!

Lúc nói chuyện với Tuấn tôi chưa có ý nghĩ không tốt về bé Na nhưng chiều nay thấy tình cảnh của chị Bi tôi tự hỏi “cả đời chị Thu hy sinh cho nó mà sao giờ đây bé Na chẳng sắp xếp để chị được gần gủi nó khi ốm đau?”

Đúng hay sai? Đó là một vấn đề nan giải của người Việt trên xứ người hôm nay. “Tình mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu**” nhưng lòng con thương mẹ ở Mỹ thì lại chỉ như… là lá mùa thu thôi!

Nói về Mẹ là nói về một chuyện rất xưa cũ nhưng không bao giờ dứt vì tình mẹ thương con không gì đong đầy, lòng mẹ thương con bao la như trời biển. Mẹ là một cõi trời riêng, là một tác phẩm nghệ thuật sống vĩ đại không bao giờ phôi phai mà phận làm con chúng ta hãy cố gắng làm tròn bổn phận bằng tất cả những gì chúng ta có thể để mai này khi mẹ mất đi chúng ta thấy rằng chúng ta đã không lỗi đạo!

Mùa Vu Lan Năm Bính Thân. Miamisburg, ngày 02 tháng 08 năm 2016

Triều Phong-TPN

Chú thích:

*: Cá lớn là tiếng lóng ám chỉ ghe dùng để vượt biên trong thời kỳ người Việt tìm được trốn khỏi chế độ cộng sản.

**: Trích trong bài “Lòng Mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân.

Ý kiến bạn đọc
12/01/201712:21:03
Khách
Cám ơn bạn Minh Tấn đã có một thắc mắc rất thực tế. Đó là niềm đau hiện nay của tôi. Có ai đã từng "chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều!" thì mới cảm nhận được nỗi lòng của những người ly hương, xa xứ như tôi bây giờ.
03/01/201712:09:04
Khách
"Mẹ là một cõi trời riêng, là một tác phẩm nghệ thuật sống vĩ đại không bao giờ phôi phai mà phận làm con chúng ta hãy cố gắng làm tròn bổn phận bằng tất cả những gì chúng ta có thể để mai này khi mẹ mất đi chúng ta thấy rằng chúng ta đã không lỗi đạo!"
Anh viết rất hay, rất chính xác. Không biết bây giờ anh có biết cha và mẹ anh đang được em anh chăm sóc ra sao, sức khỏe và tinh thần thế nào không? Và đặc biệt, anh có quan tâm vào lúc cận tử, họ cần phải được tạo điều kiện như thế nào để tiến trình tái sinh diễn ra tốt đẹp không?
09/10/201612:44:49
Khách
Xin chào độc giả của VB;
Cám ơn các nhận xét của anh/chị và cũng xin thứ lỗi cho sự chậm trể hồi âm vì tôi không có ghé thăm bài viết này nên không biết ước mong của anh/chị muốn tìm hiểu quý danh của vị sư thầy trên. Thật tình thì chuyện xãy ra đã quá lâu và ngày ấy tôi mới tới trại nên cũng chưa có tìm hiểu gì nhiều về những sinh hoạt trong trại nên không để ý tới pháp danh của vĩ sư thầy ấy. Tôi chỉ nhớ mang máng là vị thầy này gốc người Ấn Độ hay Pakistan gì đó nhưng sanh đẻ ở VN nên cũng như người Việt mình vậy!
Mến chào tạm biệt.
14/09/201601:48:34
Khách
Câu chuyện này cho chúng ta thấy các bài học sau:
1- Người cộng sản hôm nay hãy nhìn Lê Hồng Thắng mà đừng nên đàn áp người dân vô tội. Luật nhân quả, có vai có trả! Ác giả ác báo!
2- Mượn định luật tuần hoàn của nước để thuyết một bài pháp về kiếp luân hồi của nhà Phật rất hay. Thầy đúng là một cao tăng, dùng ví dụ đơn giản mà đưa được cái sự thâm sâu, bao la của Phật pháp để ngộ được chúng sinh thì thật là bản lỉnh! Xin TP cho biết pháp danh của thầy được không ạ?
3- Tác giả đã dùng câu chuyện thật về sự hy sinh của người mẹ để cho thấy lòng thương con bao la hơn là lời nói suông khiến cho người đọc dễ cảm nhận. Mẹ thật là cao cả và vĩ đại! Cám ơn anh Triều Phong.
Khách
21/08/201623:54:00
Khách
Sáng nay đi chùa nhân dịp Vu Lan Thắng Hội 2016 về, đọc bày thấy thương và nhớ mẹ mình quá. Cám ơn tác giả.
Thuyền viễn xứ
14/08/201617:05:19
Khách
them mot ky niem buon nhung rat dep nua anh. chuc anh that nhieu suc khoe nha. Than
14/08/201600:51:46
Khách
Chào cô bác và các anh chị em,
Cám ơn qúy vị có lòng khen và chia xẻ tâm tư. Tôi vẫn còn cha mẹ già ở VN mà cũng vì vợ con và nợ cơm áo nơi này nên ít khi về thăm được do đó mỗi khi tới Mother's day hay Lễ Vu Lan, lòng tôi lại vô cùng xốn xang vì cảm thấy thiếu bổn phận. Nhiều lúc tôi nghĩ tôi chỉ nói mà không làm được, thật là nghịch lý và giả dối quá!
Chúc quý vị nhiều sức khỏe và mùa Vu Lan năm nay được nhiều ý nghĩa.
Mến,
Triều Phong-TPN
13/08/201605:38:15
Khách
Chào anh Phong, tôi cũng là 1 'PS', PS 3814, đến Palawan sau anh, cuối tháng 9/89. Tôi 'qua' được 'thanh lọc' và rời đi Bataan năm 92, sang Úc năm 93. Anh nhớ rất nhiều chi tiết về 'PFAC' mà tôi lại đã quên.. Cám ơn anh, và mong có dịp gặp..
11/08/201605:43:30
Khách
Nghĩ đến mẹ tôi ... mà lòng tôi quặn thắt. Tôi thì ờ đây, còn Mẹ đang nằm trong bệnh viện ở SG. Thế mà tôi không thể về để chăm sóc Mẹ dù chỉ một ngày. Bài báo đã đưa tôi về tuổi thơ những năm gia đình tôi sống trong cuộc chiến. Ba tôi mất để lại mẹ góa con côi (6 đứa). Mẹ đã hy sinh tất cả để nuôi các con nên người! Lòng mẹ bao la hơn cả biền Thái Bình....
10/08/201621:59:37
Khách
Chuyện kể thật cảm động. Bài nào của tác giả cũng hay cả!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,229
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.