Hôm nay,  

Thương Quá, Người Dân Quê Tôi

14/08/201700:00:00(Xem: 11747)

Tác giả: Hương Trần
Bài số 5192-19-31036-vb2081417

Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities. Năm 2008, tổ chức việc đưa bốn nha sĩ từ Mỹ về giúp khám răng từ thiện tại các làng thôn ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Từ đó, thành lập đoàn Mission Of Hope Vietnam, cung cấp những dịch vụ y tế và chăm sóc răng miệng cho dân làng tại Việt Nam.”

* * *

blank
Trước nhà thờ Vinh Hòa sau khi phát quà cho các em. Từ trái: Hương (vợ tôi), nữ tu Mến Thánh Giá, tôi là Hiền, vợ chồng nha sĩ Livinston và Linda, các nha sĩ Phil, Evans và Trung.

Mùa hè 2008, theo sự sắp xếp của các nữ tu Mến Thánh Giá (MTG) Phủ Cam, địa điểm làm việc cho chúng tôi ngày thứ hai là trường học của giáo xứ Vinh Hòa. Tại đây, chúng tôi sẽ giúp chăm sóc răng mệng cho đồng bào trong xã Vinh Hiền thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên.

Như đã hẹn, đúng bảy giờ sáng, xe đến nhà dòng MTG, là nơi mọi người trong đoàn nghĩ qua đêm. Chúng tôi đưa hết các valise đựng dụng cụ nha khoa, thuốc… lên xe. Theo yêu cầu của đoàn, các nữ tu đã chu đáo chuẩn bị một trăm phần quà cho học sinh. Mỗi phần được bọc trong bao nhựa đủ màu, gồm bốn quyển vở, hai cây viết và một hộp bánh. Sau khi dồn hết các bao quà lên phía sau xe, đoàn bắt đầu khởi hành. Trên xe gồm bảy người trong đoàn là vợ chồng chúng tôi cùng bà Linda và bốn nha sĩ là quý ông Livingston, Evans, hai cháu Trung và Phil. Thêm thầy cô T-H cùng hai nữ tu dòng MTG đi theo để liên lạc và hướng dẫn.

Đoạn đường đến giáo xứ Vinh Hòa tuy chỉ khoảng bốn mươi lăm cây số, nhưng phải đi mất gần một tiếng ba mươi phút. Trên xe, chúng tôi bắt đầu phần nguyện kinh sáng ngắn gọn chừng mười phút, chấm dứt với bài hát Whatsoever you do to the least of my brothers, that you do unto Me (Bất cứ điiều gì con làm cho người anh em bé mọn nhất, là con làm cho chính Ta). Sau đó, chúng tôi ôn lại những công việc đã làm trong ngày hôm trước tại xã Trung Sơn. Nha sĩ Evans nhắc lại chuyện lá cờ Mỹ và nói rằng:

- Hôm nay mình làm việc trong khuôn viên giáo xứ, chắc tôi treo lá cờ Mỹ sẽ không gặp trở ngại gì?

- Nếu mà không treo được lá cờ Mỹ trước cửa phòng khám là ông Evans không vui đâu.

Bà Linda vừa cười vừa trêu ông Evans. Tôi đề nghị:

- Để tôi hỏi ý kiến cha xứ xem sao. Nếu cha xứ thấy ok thì mình treo.

Nha sĩ Livingston lưu ý chúng tôi:

- Tại những vùng xa thành phố ỏ các nước nghèo khổ, đa số dân làng túng thiếu không đủ ăn, nên việc chăm sóc răng miệng của họ thật tội nghiệp. Tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ khoảng hai mươi tuổi hay lớn hơn, răng hàm của họ bị sâu làm cho họ đau và muốn nhổ. Lẽ ra chúng tôi phải trám thay vì nhổ. Bởi nếu lấy răng hàm đi, thì họ sẽ vĩnh viễn mất răng. Thật tiếc là chúng tôi không đem được dụng cụ trám răng theo. Chúng tôi khuyên họ nên đến văn phòng nha sĩ để trám và cần giữ răng lại để nhaikhi ăn. Nhưng vì đau mà họ cứ khẩn khoản chúng tôi giúp lấy đi. Thật đáng buồn!

- Tôi nghĩ lý do chính là vì họ không đủ khả năng tài chánh để đến văn phòng nha sĩ trên thành phố xin trám răng. Thầy T góp ý và hỏi thêm: Có bao giờ ông đem theo dụng cụ trám răng để giúp dân làng chưa?

- Có chứ. Nhưng cũng khá rắc rối. Vì bịnh nhân cần phải có ghế ngã lưng như trong phòng nha sĩ. Để đầu họ được nâng lên ngang tầm làm việc thích hợp của nha sĩ. Trở ngại lớn nhất là dòng điện tại các làng quê rất yếu và thường hay bị cúp. Nhiều lúc phải mất một tiếng đồng hồ để trám một cái răng. Trong lúc quá nhiều người ngồi chờ.

Ông Livinston vừa nói đến đây thì một nữ tu MTG tin cho chúng tôi hay:

- Cha xứ Vinh Hòa muốn đoàn phát quà cho các em trước khi khám răng cho bà con.

Nha sĩ Evans lên tiếng:

- Năm ngoái chúng tôi đến nhổ răng từ thiện tại một làng ở Haiti. Cũng có phần phát quà cho thiếu nhi trong làng. Nhưng việc phát quà đã không xảy ra như ước muốn của chúng tôi, vì các em chen lấn dành giựt nhau. Chúng tôi đành phải ngưng việc phát quà. Một số em nhỏ đã nhận được quà, liền sau đó bị các anh lớn tuổi dành lấy ngay trước mắt chúng tôi.

Cô H đưa tay xin phát biểu:

- Tôi nghĩ là các thiếu nhi ở Việt Nam không đến nỗi vô trật tự như vậy đâu. Hai tuần qua, vợ chồng chúng tôi có đi phát quà với quý nữ tu MTG tại mấy làng xã trong tỉnh Thừa Thiên này. Tôi thấy các em rất ngoan, sắp hàng lên nhận quà theo sự hướng dẫn của cha xứ và các nữ tu.

Gần chín giờ sáng, xe của đoàn rẽ vào cổng của cơ sở giáo xứ Vinh Hòa. Đã có hơn một trăm thiếu nhi và một số cụ cao niên đang đứng chờ trước nhà thờ. Vừa xuống xe, người đầu tiên tôi gặp là cha xứ bước đến đón chào chúng tôi. Tôi nhận ra ngay là cha xứ vì người mặc áo dòng đen, trạc chừng ba mươi lăm tuổi. Tôi tự giới thiệu rồi quay qua giới thiệu từng người trong đoàn. Cha xứ tươi cười bắt tay mỗi người và mời chúng tôi lên đứng thành hàng ngang trên nền cao trước hiên nhà thờ. Trong lúc hai nữ tu MTG đi cùng xe đã nhờ các thanh niên đem một trăm phần quà xuống, sắp đầy trên sàn hiên. Các em đứng vây quanh chúng tôi trước sân nhà thờ.

Cha xứ yêu cầu mọi người thinh lặng và nói:

- Đại diện cho giáo dân trong giáo xứ Vinh Hòa cùng bà con xã Vinh Hiền, xin chào mừng phái đoàn nha sĩ từ Mỹ về đây để giúp nhổ răng cho bà con. Đây là lần đầu tiên, giáo xứ nhỏ bé nhà quê ni được hân hạnh đón tiếp phái đoàn y tế từ nước ngoài. Cám ơn lòng tốt của các nha sĩ, đã thương đến bà con quê mùa chất phát ở đây. Xin Chúa trả công vô cùng cho quý vị.

Mọi người vỗ tay. Nha sĩ Livinston đáp lời:

- Cám ơn cha xứ cùng mọi người đã cho phép chúng tôi đến đây, để trong khả năng có thể, được chăm sóc răng miệng cho những ai cần giúp đỡ. Việt Nam là đất nước mà tôi đã nghe nói đến rất nhiều trong thời gian ở đại học. Nhiều bạn bè của tôi đã nhập ngũ, sang chiến đấu ở đây. Tôi rất vui khi được về tận các làng thôn của đất nước này và được mọi người niềm nỡ đón tiếp. Không có gì ý nghĩa cho bằng tình ngườicùng tình bác ái giúp đỡ nhau. Cám ơn đã đón nhận chúng tôi như những người bạn tốt của quý vị.

Sau khi nghe tôi thông dịch phần phát biểu của nha sĩ Livingston, cả đám đông đều reo hò vỗ tay. Tôi nghe một cụ ông đứng sau các em nói lớn:

- Chi mà lạ đời rứa! Đến giúp miềng (mình) mà cũng xin phép rồi lại cám ơn miềng nữa.

Cha xứ hỏi tôi:

- Chừ phát quà được rồi hè?

 Tôi xin cha xứ được có đôi lời trước khi trao quà:

- Thưa cha xứ, quý ông mệ, các anh chị và các em. Tuy xa quê, nhưng chúng con luôn nhớ đến đất mẹ dấu yêu và thầm mong cho đồng bào mình luôn có một cuộc sống đầy đủ vật chất cũng như tinh thần. Tạ ơn Chúa quan phòng đã đưa chúng con về đây, để có dịp gặp gỡ thăm hỏi quý cụ và các em. Chúng con có chút quà mọn biếu các em với lời cầu chúc cho các em, dù trong hoàn cảnh nào, vẫn luôn cố gắng học và vươn lên thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. Của ít lòng nhiều, mong các em đón nhận nhe! Sau phần phát quà, phái đoàn chúng con gồm bốn nha sĩ sẽ chăm sóc răng miệng cho tất cả bà con ở đây..

blank
Phòng khám răng với nha sĩ Evans và lá cờ Mỹ được treo ngay trên ghế nhổ răng của ông.

Mọi người vỗ tay. Rồi theo sự hướng dẫn của cha xứ cùng vài vị trong ban hành giáo, các em sắp hàng tuần tự đi ngang qua trước mặt chúng tôi để nhận quà. Quả đúng như lời cô H nói trên xe, các em rất ngoan và trật tự, không chen lấn giành giựt nhau. Sau khi tất cả thiếu nhi đã có quà trên tay, cha xứ xin mọi người vỗ tay cám ơn lần nữa và nói:

- Bây giờ xin anh em trong ban hành giáo giúp đưa hành lý của đoàn qua trường học và xin mời quý vị trong đoàn bước qua bên phòng làm việc. Ban hành giáo đã đến các gia đình trong xã để lập danh sách những người cần nhổ răng. Xin bà con miềng cố gắng giữ trật tự và ngồi chờ. Khi nghe ban hành giáo gọi tên thì vào khám răng.

Trên đoạn đường từ sân nhà thờ qua trường học chừng năm mươi mét, tôi nói với mọi người trong đoàn bằng tiếng Anh:

- Quý vị hội đồng giáo xứ đã đến từng nhà trong xã để lấy tên những người cần khám răng, nên họ đã có sẵn danh sách. Khi nào đoàn mình sẵn sàng là họ sẽ gọi tên từng người vào khám.

Hai nha sĩ Evans và Livingston tỏ vẻ thán phục cách tổ chức của giáo xứ Vinh Hòa. Ông Evans nói:

- Tôi rất cảm kích (impressed) về sự ngoan ngoản của các thiếu nhi ở đây. Chắc chắn là các em đã có một lối giáo dục rất tốt từ giáo xứ, khác hẳn với các trẻ nhỏ ở những làng quê chúng tôi đã thấy bên Haiti và El Salvador. Hình như cha xứ rất có uy tín với mọi người trong xã này.

- Ông nói đúng. Ở các vùng quê Việt Nam, cha xứ rất được giáo dân nể trọng. Tôi nhớ thời đệ nhất cộng hòa, một số giáo xứ di cư từ Bắc vào Nam đã có câu: nhất Chúa, nhì cha, thứ ba Ngô tổng thống.

Nói đến đây thì chúng tôi vừa đến hành lang của trường học. Tất cả hành lý đã được để sẵn trong một lớp học khá rộng, có nhiều cửa sổ thoáng mát. Mọi người trong đoàn bắt đầu xếp lại bàn ghế cùng sắp dụng cụ nha khoa, thuốc, bàn chải và kem đánh răng lên bàn. Ngay trước cửa ra vào, đã có một bàn nhỏ với hai chiếc ghế. Bà con lần lượt đến đứng chờ dọc ngoài hành lang. Thấy hai vị trong ban hành giáo cầm quyển vở đến ngồi vào ghế ở cửa phòng khám, tôi bước lại cúi đầu bắt tay và xin họ cho đoàn thêm một cái bàn và hai cái ghế. Tôi cũng xin được coi danh sách bịnh nhân. Họ đưa cho tôi xem mấy trang giấy, đượckẻ bằng tay thành bốn cột. Gồm số thứ tự, tên, tuổi, nhổ răng. Danh sách những người cần khám răng cùng số tuổi được viết rõ ràng đều đặn bằng tay với nét mực tím trông rất đẹp mắt. Có tất cả tám mươi mốt tên trong danh sách. Tôi cám ơn quý vị trong ban hành giáo đã chu đáo tiếp tay giúp đoàn. Rồi cha xứ bước vào, người hỏi:

- Một phòng này vừa chưa anh, hay đoàn cần thêm phòng bên cạnh không? Tôi đáp:

- Cám ơn cha, phòng này tương đối rộng đủ cho bốn nha sĩ khám răng. Rồi tôi hỏi nhỏ:

Thưa cha, đoàn chúng con từ Mỹ, nên mấy ông nha sĩ này muốn treo là cờ Mỹ trước cửa phòng khám có được không cha?

- Treo cờ Mỹ à? Cha xứ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói tiếp: E không được mô. Anh biết là ngoài xã họ nể tôi lắm mới cho phái đoàn nước ngoài đến khám răng ngay trong cơ sở của miềng. Dầu vậy, họ vẫn có người theo dõi xem là đoàn đến nhổ răng thiệt sự hay có ý gì khác. Thôi thì tốt nhất là đừng treo cờ Mỹ trước phòng để đoàn làm việc khỏi gặp trở ngại.

Vì muốn làm vui lòng nha sĩ Evans, tôi thử đề nghị:

- Nếu chúng con treo cờ Mỹ phía trong phòng chắc cũng ổn cha hè.

Cha xứ nhìn tôi lưỡng lự một hồi rồi nói:

- Ừ, treo khuất phía trong e không can chi mô. Có cần chi thì nói với mấy anh ni họ giúp cho. Vừa nói cha vừa chỉ vào hai người trong ban hành giáo đang ngồi trước cửa. Tôi chào nghe. Mười hai giờ trưa ni giáo xứ mời đoàn ăn trưa bên nhà xứ.

Tôi cúi đầu bắt tay giã từ cha xứ. Bước vào trong phòng, mọi sự có vẻ đã sẳn sàng. Cũng vừa lúc nha sĩ Evans lấy lá cờ Mỹ trong hành lý ra, cười cười nhìn tôi. Tôi hiểu ý đến gần ông và nói:

- Tôi đã hỏi cha xứ. Người đề nghị nên treo phía trong phòng. Đừng để chính quyền xã nghĩ rằng chúng ta đến đây để tuyên truyền thay vì nhổ răng giúp đồng bào. Tôi cầm lấy lá cờ Mỹ rồi nói tiếp: Ông nhổ răng ở ghế này phải không? Tôi sẽ treo cờ này ngay trên chỗ ông làm việc.

Rồi tôi lấy giây, cột lá cờ Mỹ vào song cửa sổ ngay trên ghế mà ông sẽ cho bệnh nhân ngồi để khám răng. Nha sĩ Evans mĩm cười nhìn tôi nói:

- Cám ơn nhiều. Bây giờ tôi sẳn sàng để phục vụ mọi người.

Tôi xin hai vị lo danh sách bắt đầu kêu tên bốn bịnh nhân đầu tiên vào khám răng. Tôi cũng xin họ ghi giúp số răngcủa mỗi người vừa được nhổ vào trong bảng danh sách. Giống như hôm trước, tôi phụ trách phần phát băng (gauge), thuốc giảm đau, thuốc bổ cùng biếu kem và bàn chải răng, thêm phần dặn dò những người vừa được khám và nhổ răng. Những vị từ năm mươi đến sáu mươi tuổi, tôi còn biếu thêm kiếng đọc sách đúng với độ mắt của mỗi vị.

Công việc khám và nhổ răng tiến hành thật tốt đẹp. Khoảng gần mười hai giờ trưa, tôi thấy một thanh niên chừng hai mươi tuổi được gọi tên, bước vào ngồi xuống ghế khám răng của nha sĩ Livingston. Đầu anh ta đội chiếc mũ lưỡi trai màu xanh ô liu, có hình ngôi sao năm cánh màu vàng. Tôi đến gần bảo anh cất mũ để khám răng. Anh lấy mũ xuống cầm trên tay. Thấy bất tiện, tôi bèn đề nghị:

- Đưa chú giữ mũ cho,để con ngồi khám răng cho thoải mái.

Anh gật đầu trao mũ cho tôi. Cầm cái mũ có hình sao vàng, tôi cảm thấy không mấy thiện cảm, bèn để trên góc bàn và lấy mấy bao đựng thuốc phủ lên trên.Tôi tiếp tục bận rộn với công việc của mình cho đến khi nha sĩ Livinston vỗ vào vai và nói là đã nhổ xong hai răng cửa cho chàng thanh niên. Tôi mời anh ngồi vào ghế cạnh bàn phát thuốc. Với tay lấy cái mũ định trả lại cho anh thì ông Livingston cầm lấy, đội lên đầu và quay lại nhìn tôi hỏi:

- Tôi đội mũ này nhìn có được không?

Tôi trả lời ngay:

- Không thích hợp chút nào với ngôi sao vàng trên đầu ông.

Ông vừa cười vừa lấy mũ xuốngvà nói:

- Tôi hiểu anh muốn nói gì. Tôi chỉ giỡn chơi thôi.

Rồi ông trao mũ lạicùng bắt tay cậu thanh niên và quay về ghế làm việc vừa có người mới vào ngồi. Chàng trai cũng đứng dậy cúi đầu bắt tay và nói “Thank You” với nha sĩ Livingston. Tuy đang ngậm băng (gauge) trong miệng, nhưng anh ta nói cũng rõ ràng dễ nghe:

- Chú ơi, con muốn biếu ông nha sĩ Mỹ cái mũ ni để kỷ niệm. Có hình sao vàng là hình của lá cờ Việt Nam.

Tôi nhìn khuôn mặt sạm náng của anh ta mà lòng cảm thấy vừa buồn vừa thương. Buồn vì chắc anh ta không được đi học mặc dù còn rất trẻ. Nên anh ta không biết tiếng Anh, không hiểu đoạn đối thoại giữa tôi và ông Livingston về cái mũ. Thương hơn cả là anh và có lẽ hầu hết các bạn trẻ đều được dạy rằng, ngôi sao vàng trên lá cờ là biểu tượng của hồn thiêng dân tộc.

Tôi ngồi xuống bên cạnh anh và hỏi:

- Ai cho con mũ này vậy? Mà con đang đi làm hay đi học?

- Dạ, chú con bị đi nghĩa vụ bên Kampuchia hai năm, lúc trở về chu tặng cho con cái mũ ni. Còn con thì học xong lớp mười trung học phổ thông là phải nghĩ đi làm xây dựng để giúp trong nhà.

Tôi nhìn thẳng vào mặt anh rồi nghiêm nghị nói nhỏ:

- Con ơi, chú nói thiệt với con cái này nhe. Con cố gắng vào internet tức là mạng điện tử để tìm hiểu sự thật về lịch sử của quê hương mình. Con có biết sao vàng năm cánh này là biểu tượng của đảng cộng sản quốc tế chứ chẳng có liên quan gì đến đất nước mình? Con cứ nhìn lá cờ của các nước trong khối cộng sản còn lại như Trung Hoa, Bắc Hàn… đều có ngôi sao vàng năm cánh. Chú không muốn nói nhiều, nhưng chú hy vọng con còn trẻ, hãy cố gắng tìm hiểu sự thật. Một khi tất cả những người trẻ trên quê hương này hiểu được sự thật về chiến ranh vànhữngdiễn biến trên quê hương từ năm1945 đến nay, thì hy vọng đất nước mình sẽ có những biến chuyển mới lạc quan tốt đẹp hơn.

Tôi nói một hơi dài. Chàng thanh niên cúi đầu lắng nghe. Xong tôi đứng dậy, đưa cho anh bao nhựa với băng, thuốc bổ và kem cùng bàn chải răng. Anh cúi đầu chào cám ơn tôi rồi bước ra khỏi phòng. Tay anh xếp cái mũ lại và nhét vào túi quần ở phía sau, chứ không đội trên đầu như trước nữa. Tôi nhìn theo anh mà tâm trạng vẫn còn man mác nỗi buồn.

Hai vị trong ban hành giáo bảo tôi là họ ngưng kêu tên để đoàn nghĩ ăn trưa và cho hay là đã khám được ba mươi hai người rồi. Tôi xin mọi người trong đoàn chuẩn bị qua nhà xứ dùng cơm trưa. Bữa ăn được giáo xứ khoản đãi gồm toàn cá tươi do dân làng chài lưới từ Đầm Cầu Hai, giáp địa phận xã Vinh Hiền.

Sau khi nghĩ ngơi, đoàn chúng tôi trở lại phục vụ đồng bào thêm năm tiếng đồng hồ nữa mới thu dọn dụng cụ. Tổng cộng số người được khám là chín mươi lăm và nhổ tất cả một trăm bốn mươi hai cái răng. Trước khi từ giã, cha xứ còn mời đoàn ăn một bữa cháo cá và bánh bột lọc thật ngon.

Trên đường trở về Huế, mọi người tuy mệt, nhưng rất vui vì đã giúp được nhiều dân làng. Nhất là ai cũng cảm phục lòng hiếu khách và nét hiền hòa chất phác của bà con ở đây.

Qua hai ngày làm việc tại xã Trung Sơn và giáo xứ Vinh Hòa, nha sĩ Evans và Livingston đều nhận xét là hình như người dân ở làng quê Việt Nam không để ý đến việc chăm sóc răng miệng. Đa số họ không ai nghĩ đến chuyện đi nha sĩ khám răng. Rất nhiều người lớn tuổi, răng họ hư và mẻ gần hết, chỉ còn chân răng. Rồi nha sĩ Evans muốn vợ chồng chúng tôi hứa là sẽ đưa ông trở lại giúp dân làng Việt Nam vào năm tới. Ông tin chắc là sẽ mời được thêm một vài nha sĩ người Mỹ nữa sẽ đi cùng. Thầy cô T-H cũng hứa là mùa hè năm tới, sẽ trở về quê nhà tháp tùng cùng các nha sĩ.

Chúng tôi mạnh dạn bắt tay nhau, hẹn sẽ cùng trở lại góp chút công sức khiêm tốn, để san sẻ phần nào những thiếu thốn về y tế với dân nghèo nơi đây, như lời cam kết trân trọng với nha sĩ Evans và thầy cô T-H.

Hương Trần

Ý kiến bạn đọc
16/08/201714:10:29
Khách
ĐCSVN biết thốt lên tương tự như tựa đề bài viết này thì chắc chắn cột báo VVNM và giải thưởng hàng năm của mục này sẽ chẳng bao giờ được thực hiện và thành hình khi những giòng chữ này được viết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,994,411
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến