Hôm nay,  

Một Thời Viết Lách

15/11/201700:00:00(Xem: 12606)
Tác giả: Ngô Viết Trọng

Bài số 5269-19-31113-vb4111517

 
Tác giả bắt đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học. Trước 1975, là cảnh sát quốc gia. Cựu tù cải tạo. Làm rẫy vùng kinh tế mới. Đến Mỹ theo diện HO từ 1993, ông có 12 cuốn sách đã xuất bản. Bài viết mới là tự truyện của một “ông nhà văn kiêm thằng bỏ báo” như bạn hữu thân tình gọi tác giả.

 
***

 
Tôi đến đất Mỹ lúc tuổi đã ngoài năm mươi. Sau khi hưởng trợ cấp xã hội được một thời gian, cơ quan xã hội yêu cầu những người chưa tới tuổi 65 muốn được tiếp tục hưởng trợ cấp phải kiếm một việc làm hoặc phải đi học một lớp học nào đó. Trình độ Anh ngữ của tôi quá kém, tuổi tác lại cao nên rất khó kiếm ra việc. Đành phải chọn việc đi học thôi!

Nhưng đi học lại khổ theo nỗi đi học! Trí óc tôi lúc bấy giờ như đã cùn lụt, cứ học trước quên sau. Tôi đã cố gắng hết mình để đọc bài vở, để luyện giọng nhưng vẫn như không. Cái lưỡi lẫn đôi tai của tôi đều bất lực tệ hại. Cũng tú tài, cũng mang danh sĩ quan một thời như ai mà giờ lâm tình cảnh như vậy tôi làm sao khỏi tủi thân! Không còn đói rách, không bị chèn ép, đày đọa như hồi sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng tâm trí tôi vẫn chẳng mấy khi được thoải mái.

May sao, tình trạng ấy đã không kéo dài. Không lâu sau đó tôi đã kiếm được một công việc ít cần đến Anh ngữ. Đó là việc dọn rác ở một warehouse xe lunch do một người Việt trẻ làm chủ. Công việc hàng ngày của tôi là dọn dẹp rác ở sân bãi đậu xe. Đây là một sân bãi rộng, đậu gần một trăm xe lunch – xe đi bán đồ ăn trưa ở các công sở, công trường hay trường học. Các xe đi bán sớm, muộn, gần, xa, nhiều, ít khác nhau nên họ cứ đi đi về về lai rai khiến công việc của tôi thường kéo dài suốt ngày. Vất vả nhất là những ngày nắng gắt và những ngày mưa gió lạnh lẽo. Còn may là nỗi vất vả ấy cũng có chút đền bù. Ngoài lương hàng tháng, tôi được độc quyền lượm lon nhôm, vỏ chai ở warehouse đem bán. Món lợi tức phụ này đủ cho tôi đổ xăng nhớt và mua sách báo giải trí. Nhờ có việc làm, tinh thần tôi dần ổn định trở lại. Những ngày nghỉ thỉnh thoảng tôi cũng đi dự những buổi tiệc tùng do những bạn cũ hay những người làm xe lunch mời. Sau mỗi bữa tiệc như thế thường kéo theo một buổi chơi văn nghệ bỏ túi như hát karaokê, ngâm thơ, kể chuyện hài... Dần dần tôi đã làm quen với các buổi ra mắt truyện hoặc thơ của một số văn nghệ sĩ. Lúc bấy giờ Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại mới thành lập ở Sacramento đã nâng cảnh sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng người Việt ở đây rộn ràng phấn chấn lên nhiều. Nguồn sinh khí văn nghệ từ những buổi sinh hoạt này đã khơi dậy trong tôi nhiều cảm hứng. Qua những tác phẩm ấy tôi đã gặp những mẩu truyện, những vần thơ rất gần gũi với mình. Nó cũng tương tự những chuyện tôi từng gặp thời đang ở tù và mười mấy năm sống ở vùng kinh tế mới. Tôi cũng từng gánh chịu nhiều cay đắng, uất ức như mấy tác giả trên, sao không trang trải những nỗi niềm đó với thiên hạ cho lòng nhẹ bớt? Thế là tôi cũng muốn trở thành một văn nghệ sĩ tài tử.

Từ thời học trò tôi đã là một tay nghiện đọc sách. Tôi mê nhất là các loại sách lịch sử và truyện Tàu. Thấy bất cứ cuốn sách lạ nào, kể cả sách truyện tranh, tôi đều tìm cách đọc cho được. Tôi cũng từng thử viết truyện, làm thơ nhưng lơ mơ chưa thành. Nay có cơ hội trở lại với cái thú văn chương đó tôi mừng lắm. Bước đầu tôi sáng tác vài bài thơ, kế đến tôi ghi lại vài đoạn bút ký về những ngày tháng tù tội sau 30/4/1975 gởi đăng trên vài tờ báo địa phương. Nội dung những bài viết này dựa trên những chuyện thật đã xảy ra nên cũng được một số độc giả ưa thích. Sự cổ võ, khích lệ của những người quen biết khiến tôi càng hứng chí. Nhưng suy nghĩ lại tôi không khỏi tự thẹn: Đã quá nửa đời người, sống ở Mỹ trải mấy năm mà chưa nói được tiếng Mỹ, chưa hội nhập được với xã hội mới còn đòi làm nhà văn nhà thơ cái nỗi gì? Lâu lâu viết một bài cho vui theo kiểu tài tử còn được chứ muốn trở thành một văn nghệ sĩ thứ thiệt thì quả là ảo mộng! Chút năng khiếu viết lách đâu đã đủ? Trước hết là làm sao khỏi bận tâm chuyện áo gạo, chuyện bệnh tật... Kế đến là phải có thì giờ. Không có thì giờ để chọn lời lựa lẽ, trau chuốt câu kéo mạch văn sẽ vụng về, rời rạc!

May thay, cuối cùng tôi cũng kiếm được một công việc như ý: nghề bỏ báo! Ở Sacramento lúc ấy có tờ nhật báo Sacramento Bee là nhật báo phổ biến rộng rãi nhất. Người bỏ báo (carrier) thường chỉ làm việc về đêm, ban ngày được rảnh rỗi hoàn toàn. Có điều bất tiện là nghề này quanh năm không có ngày nghỉ, không có phép thường niên. Những ngày thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ lớn công việc lại nặng gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường. Do đó, rất trở ngại cho người bỏ báo khi cần việc phải đi đâu xa. Mặc kệ nó, tôi chẳng cần đi đâu nữa! Miễn sao hằng ngày có nhiều thì giờ rảnh để viết lách là thỏa nguyện rồi! Thế là tôi giã từ việc dọn rác để gia nhập nghề bỏ báo.

Từ đó, cứ một hai giờ khuya tôi đến một warehouse báo để nhận báo rồi đem phát tận nhà cho những khách hàng được liệt kê sẵn trong một danh sách do warehouse ấy cung cấp. Tiền công tính theo số lượng báo đã giao nhiều hay ít. Vì muốn kiếm được một số tiền tương đương với việc dọn rác, tôi phải gắng nhận bỏ nhiều báo. Do đó, công việc tôi lúc nào cũng vất vả, gấp gáp. Hằng ngày, tôi phải giao báo xong trước 6 giờ sáng để nhiều khách hàng kịp đọc trước khi đi làm. Thời gian còn lại trong ngày tôi có thể chở vợ đi chợ, chở con cái đi học và lai rai viết lách. Thay thế món lợi tức phụ “lượm lon chai”, việc bỏ báo lại cho tôi một món lợi tức phụ khác vào dịp lễ Noel và Tết Tây - một khoản tiền “tip” cũng kha khá.

Thật ra đó chỉ là cái nhìn chung chung. Vì ham có nhiều thì giờ để viết lách tôi đã hấp tấp khi quyết định thay đổi việc làm. Bước vào thực tế tôi mới rõ cái thời huy hoàng của nghề bỏ báo đã hết. Nó đã trở thành một nghề “ăn lưng đọi làm lọi lưng” và đang trên đà tuột dốc.

Hồi ấy, tiền công bỏ một tờ báo khoảng 11, 12 xu trong khi một gallon xăng giá khoảng một đồng. Mười năm sau công bỏ một tờ báo chỉ nhích lên khoảng 13, 14 xu trong khi một gallon xăng đã tăng lên gần ba đồng. Trước kia khách hàng mua báo rất nhiều. Càng về sau, khi ngành internet càng phát triển, khách hàng mua báo càng giảm xuống. Họ chuyển sang theo dõi tin tức trên internet vừa nhanh vừa sớm vừa đầy đủ hơn. Khách hàng càng thưa thớt tất nhiên việc giao báo càng mất công hơn.

Một sự thay đổi khác, trước kia khi bỏ báo nếu bị khách hàng phàn nàn báo thiếu, báo rách hay báo ướt liền có người của warehouse đi bỏ bổ khuyết ngay, carrier không thiệt hại gì. Sau này hễ carrier nào bị khách hàng phàn nàn bất cứ lý do gì warehouse đều khấu trừ của carrier ấy 2 đồng mặc dù tờ báo chỉ có giá trị 25 xu hay 45 xu. Nhiều carrier nản quá, lần lượt bỏ đi tìm nghề khác. Cuối cùng chỉ còn hạng yếu kém ngôn ngữ, đặc biệt là trường hợp của tôi còn quá tiếc rẻ “thời gian rảnh để viết lách” đành phải bám nghề.

Về mặt an ninh, tôi cũng phạm một lỗi lầm đáng kể. Ban đầu tôi cứ tưởng việc bỏ báo chỉ cực bởi vụ thức khuya dậy sớm thôi. Vào cuộc rồi tôi mới biết nghề này không phải chỉ cực khổ vì chuyện thức khuya dậy sớm mà còn rất dễ gặp nguy hiểm nữa. Ông HO Triệu Văn Tú đã bị đâm chết khi đang bỏ báo. Một người khác bỏ báo xong trên đường về nhà buồn ngủ quá đâm xe vào một gốc cây mà chết.

Chuyện bị cướp xe thường xảy ra đều đều… Nhưng lỡ rồi, việc dọn rác đã có người thay, mình rút lui thì càng lâm vào ngõ bí! Tôi đành tự trấn an có người có ta ngại nỗi gì? Đã làm việc trong bóng tối mình cứ luôn đề phòng là xong! Họa hoằn lắm mới xảy chuyện rủi ro một lần, chẳng lẽ mình cũng mang số con rệp?

Nhưng dè dặt cẩn thận mấy tôi vẫn không sao thoát khỏi sự quấy nhiễu của đám vạc ăn sương. Để giữ mình, lúc nào tôi cũng phải lấy tinh thần “nể tình Mỹ đen” làm phương châm ứng xử. Khi bị chận xin một điếu thuốc lá, khi bị xin một đồng bạc, khi lại bị xin một hai tờ báo. Lần nào cũng dùng dằng mất khá nhiều thì giờ. Dĩ nhiên khi đã “phải” cho vài tờ báo sau đó tôi phải ráng chạy xe trở về warehouse xin tờ khác để bỏ bù cho khách hàng. Vì thế, cứ thấy bóng người xuất hiện là tôi đã hoảng. Tôi sợ luôn cả những người đi thể dục buổi sáng…

Đề phòng con người đã đành, carrier còn phải đề phòng luôn cả những con chó nữa. Chuyện carrier bị những con chó lạc quấy nhiễu kể không xiết. Tôi cũng một lần bị nó cắn vào chân, phải đi khám bác sĩ, chích thuốc ngừa.

Chuyện gây ấn tượng mạnh nhất trong tôi là 2 lần bị cướp xe.

Thói quen của carrier là luôn nổ máy xe trong thời gian bỏ báo cho đỡ mất thì giờ. Đêm đó khoảng 2 giờ khuya, tôi ngừng xe trước nhà một khách hàng . Khi bước lại gần bậc cửa để quăng tờ báo tôi chợt thấy một bóng người đang chạy vụt lại xe tôi. Chưa kịp hô hoán tiếng nào chiếc xe của tôi đã phóng chạy. Tôi sững sờ giây lát rồi đành gõ cửa nhà khách hàng mượn phone báo tin sự việc cho warehouse biết đồng thời nhờ họ báo cào với cảnh sát.

Nhiều ngày sau đó tôi phải vất vả dùng các phương tiện tạm để tiếp tục làm công việc. Chừng nửa tháng sau cảnh sát gọi báo cho tôi biết chỗ để đến nhận xe về. Cuối cùng, tiền thuê thô xe, tiền trả chỗ đậu, tiền sửa chữa xe bị hư hại do kẻ cướp phá phách cộng lại cũng mất hết vài tháng lương bỏ báo.

Sáu tháng sau, một đêm khác cũng khoảng 2 giờ khuya, xe tôi lại bị cướp một lần nữa. Lần này tôi mới rời xe được mấy bước bỗng thấy một chiếc xe chạy ngược chiều sà lại sát xe tôi. Tôi giật mình quay lại nhưng một tên cướp từ xe kia đã phóng lên ngồi vào ghế tài xế của xe tôi. Với phản ứng tự nhiên, tôi mở được cánh cửa sau của xe nhưng tên cướp vẫn phóng xe chạy. May tôi buông tay kịp, nếu không, ít lắm cũng gãy tay dập mặt! Nay nhớ lại chuyện đó tôi vẫn còn rùng mình.

Gần một tháng sau chiếc xe ấy cũng được “hoàn cựu chủ” và tôi lại phải gánh chịu một khoản phí tổn tương đương khoản phí tổn lần trước!

Thế mà mọi người còn cho như vậy là còn tôi có phước vì cả hai lần của mất mà thân vẫn an. Họ khuyên tôi nếu gặp lại những trường hợp như thế tốt nhất là “xuôi tay cho mệ nuốt” để tránh tai họa.

Ngoài vấn đề an ninh bản thân bị đe dọa, tôi cũng còn gặp nhiều chuyện cười ra nước mắt, xin kể vài vụ sau đây:

Mới bước vào nghề bỏ báo được mấy tháng tôi đã gặp một trận lụt. Chiếc xe tôi đi cũ kỹ, móp méo nhưng máy xe lại rất tốt. Hôm ấy mưa rất lớn, trời có bão. Các đài truyền thông, truyền hình đều thông báo ai không có việc cần thiết không nên ra đường. Với tinh thần trách nhiệm, tôi vẫn lái xe đến warehouse làm việc. Khi ra ngoài thấy cây cối nghiêng đổ nghênh ngang, nước lên lênh láng, nhiều đoạn đường bị ngập, tôi đã chột dạ. Nhưng tôi vẫn tiếp tục đi. Tới warehouse tôi thấy báo cũng vừa chở tới. Lúc đó chỉ mới có vài ba carrier. Đã có báo, làm xong sớm nghỉ sớm chứ ngần ngại gì nữa? Tôi cẩn thận bọc từng tờ bằng bao nylon cho khỏi ướt rồi xuất hành. Trời vẫn tiếp tục mưa gió và nước vẫn tiếp tục lên.

Tới địa điểm bỏ báo tôi mới thấy những lối vào nhà khách hàng đều khác hẳn ngày thường. Những nhà hơi thấp đều có chất quanh bao cát để ngăn nước. Nhiều đoạn đường nước lên cao gần lút bánh xe. Tôi rất lo sợ vì xe tôi có thể bị tắt máy giữa đường. Nhưng may, chiếc xe méo mó của tôi vẫn hiên ngang vượt qua mọi trở ngại. Khi bỏ báo cho khách hàng cuối cùng xong, tôi mừng lắm. Cũng lúc đó tôi mới để ý đến thân thể mình đang ướt đẫm từ trong ra ngoài dù tôi vẫn mặc áo mưa. Khi lái xe về tới nhà, tôi sung sướng quá, vội tắt máy, vô nhà rửa ráy sơ sài, thay áo quần rồi lên giường đắp mền ngủ một giấc.

Tới chiều thì mưa gió đã ngừng, nước đã hạ. Tôi chợt nhớ có một chút việc cần phải ra ngoài. Khi đề máy xe tôi ngạc nhiên thấy nó cứ kêu rẹt rẹt mà không chịu nổ. Thế là tôi phải nhờ thợ máy đến coi. Người thợ coi xong cho biết máy xe đã bị hỏng hoàn toàn vì bị ngâm nước lâu quá. Anh ta nói “Khi mới về nếu ông cứ để máy tiếp tục nổ một hồi cho các cơ phận khô ráo thì đâu đến nỗi!”. Sự thiếu hiểu biết về máy móc của tôi đã làm chiếc xe máy còn rất tốt trở thành chiếc xe phế thải.

Mấy hôm sau tôi nhận được một giấy khen của tòa báo kèm cái check “25 đồng tiền thưởng”. Hôm bão lụt ấy ngót một nửa số carrier đã không đi giao báo. Số còn lại hầu hết giao báo rất trễ. Tôi là người duy nhất bỏ báo đầy đủ, không bị khách hàng nào phàn nàn! Mỗi lần nhớ lại cái phần thưởng “đặc biệt” đó tôi không khỏi tức cười!

Một chuyện khác, tôi vốn có tật riêng là hay mắc tiểu vô trật tự. Ban đầu, nhờ bỏ báo ban đêm, tôi đã lợi dụng bóng tối để giải quyết nỗi rắc rối của mình. Nhưng cầm dao lâu ngày cũng đứt tay, có một lần tôi đã bị một khách hàng bắt quả tang. Tuy được thông cảm bỏ qua nhưng từ đó tôi không dám sử dụng quái chiêu ấy nữa. Tôi đã nghĩ ra một cách giải quyết khác kín đáo hơn. Bình thường, trong khi bỏ báo, gặp lon nhôm chai nhựa tôi đều lượm bỏ vào xe. Lúc cần thiết, tôi tắt đèn ngồi trong xe tiểu vào một cái lon. Xong việc lại bật đèn, quay kính xe xuống đổ nước ra đường. Không ngờ lần kia có một viên cảnh sát đậu xe dọc đường mà tôi không để ý.  Có lẽ thấy tôi tắt đèn ngồi trong xe hơi lâu, ông ta đã âm thầm theo dõi. Chưa đổ xong lon nước thì chiếc xe cảnh sát đã trờ tới. Khổ nỗi cái lon tôi dùng lại là cái lon bia! Tôi phải ấm ớ giải thích một hồi, may có sẵn một đống vỏ lon trên xe làm chứng việc mới ổn. Sau vụ này tôi luôn cảnh giác với cảnh sát và biết được họ vẫn luôn tắt đèn đậu xe ở những nơi khó ngờ hoặc chạy xe ban đêm không bật đèn nữa…

Lại một lần khác, khi đang bỏ báo tôi bị đau bụng bất ngờ. Trong khu vực route báo tôi không quen nhà nào nên không biết đi tiêu nhờ vào đâu. Nhà tôi xa quá, đành phải liều nín nhịn để tiếp tục làm công việc. Nhưng rồi không may tức nước vỡ bờ. Tôi đang khốn khổ với cái quần dơ dáy, gắng bỏ cho xong những tờ báo cuối cùng thì một khách hàng nữ xuất hiện vừa nhặt báo vừa vẫy gọi tôi:

-Boy, boy, come here!

Khách hàng mua báo đa số chẳng biết mặt mũi người bỏ báo lớn nhỏ trẻ già thế nào nên vẫn gọi là “boy” cả. “Boy tôi” lúc bấy giờ đang ở hàng ngũ sáu bó, thuộc lớp “boy ông nội ông ngoại” rồi. Vì trong mình đang dơ dáy quá, tôi giả lơ như không nghe. Nhưng người đàn bà vẫn tiếp tục miệng kêu “boy, boy” tay vẫy lia lịa. Sợ bà ta có thể hiểu lầm mình đã làm điều gì mờ ám sinh rắc rối, tôi đành phải quay lại. Tới gần tôi mới biết bà ta gọi tôi lại chỉ để tặng 10 đồng tip. Tôi nhận tiền, cám ơn rồi vội phóng đi ngay. Không biết bà ta có cảm nhận được “nỗi khổ” của tôi lúc đó không…

Vụ làm khổ tôi lâu nhất là vụ xe lấy rác đình công. Trong khu vực tôi bỏ báo, xe rác vẫn thường lấy rác mỗi tuần một lần như các nơi khác. Thùng rác thường chứa đồ hư, đồ bỏ đã mốc meo, đôi khi có cả thịt cá, xác súc vật… nên rất dễ sình thúi. Vì thế, khi các thùng rác đã được trưng ra đường thì chẳng ai muốn lại gần. Kể cả những người hay đi bộ thể dục đến ngày lấy rác họ cũng phải nghỉ để tránh. Nhưng bọn bỏ báo chúng tôi thì không thể tránh được! Lần đó chúng tôi dính phải vụ công nhân lái xe rác đình công đấu tranh đòi tăng lương! Ngày đầu ngày thứ hai còn gắng chịu được, sang ngày thứ ba thứ tư  chúng tôi phải mang khẩu trang để xông trận! Mùi rác nó lợm tởm đến độ bỏ báo xong về nhà nuốt cơm cũng không vô! Hơi thúi bốc khắp vùng đến nỗi những kẻ hay lang thang về đêm thời gian đó cũng biệt tăm. Đã có vài carrier chịu không nổi đành liều bỏ việc. Cũng may tình trạng dở khóc dở cười đó chỉ kéo dài đúng một tuần lễ!

 

*

Từ khi bước vào nghề bỏ báo, nhờ rảnh nhiều nên tôi đã viết được nhiều hơn. Những việc xảy ra trong thời gian bỏ báo ấy đã nhiều lần trở thành những đề tài ngộ ngộ để tôi khai thác. Khi đưa một truyện lên báo xong, hôm sau thế nào tôi cũng được trực tiếp nghe những người trong cuộc nhận xét, bình phẩm.

Trong đám đồng nghiệp của tôi có khá nhiều dân trí thức. Nhà giáo, viên chức hành chánh, sĩ quan cấp tá, cấp úy trong quân đội VNCH đều có đủ. Chính nhờ lĩnh hội được những lời nhận xét, bình phẩm trực tiếp này mà tôi đã bổ khuyết, sửa chữa được khá nhiều sai sót. Họ cũng gợi ý, bổ túc giúp tôi hoàn thành những truyện ký trong tù, những truyện ngắn xã hội. Có người còn khuyến khích tôi ra một cuốn sách để kỷ niệm. Đó cũng là điều mong ước của tôi. Những lời khuyên ấy đã khiến tôi càng hứng chí. Mới viết được tám chín truyện tôi đã ướm thử độ dày của nó. Qua nhiều lần ướm đi ướm lại, thấy nó vẫn còn quá mỏng, tôi càng thấy nôn nóng.

Trong lúc loay hoay tìm kiếm đề tài, tôi sực nhớ đến môn học lịch sử - môn sở trường của tôi.

Từ thuở nhỏ tôi đã ham đọc sách sử ký. Tôi đã tìm đọc hầu hết các bộ chính sử của Việt Nam của các sử gia xa xưa như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ… cho đến các bộ sử của các sử gia gần đây như Trần Trọng Kim, Phạm Văn Sơn… Ngoài ra, thấy bất cứ cuốn sách nào liên quan đến các nhân vật lịch sử tôi đều tìm cách đọc cho được. Do đó, những nhân vật phi thường, những chiến công lừng lẫy… và cả những vết tích ô nhục trong sử Việt hầu như còn in đậm trong trí óc của tôi. Tại sao không khai thác những điều hiểu biết ấy?

Ai cũng biết một số điển tích tự nó đã chứa sẵn những ý nghĩa sâu sắc, cao xa. Nó có thể là một tấm gương cao đẹp của một bậc anh hùng vì nước quên thân. Nó cũng có thể là một hành vi đê tiện của một tên bán nước hại dân bị người đời nguyền rủa. Tô vẽ, khơi sáng lại những tấm gương cao đẹp hoặc xấu xa ấy để thiên hạ noi theo hoặc xa lánh cũng bổ ích cho đời lắm chứ! Thế là tôi thử phóng tác vài truyện ngắn lịch sử.

Không ngờ những truyện sử này còn được nhiều độc giả hoan nghênh, lưu ý hơn cả những truyện tôi viết trước đó. Được chú ý nhất là truyện “Chú Tiểu Chùa Cổ Pháp” viết về nhân vật Lý Công Uẩn. Những truyện này chính là nhân duyên nối kết tôi với anh Tô Hòa Dương, một người anh tinh thần, người sau này đã hết lòng giúp đỡ tôi trên con đường sáng tác văn học.


Nhờ thêm mấy truyện sử này, tôi đã nâng tập truyện tương lai lên khoảng 250 trang. Thế là hết lo chuyện “nửa đường đứt gánh”, mừng ơi là mừng! Tôi bèn chọn tựa đề của một truyện ngắn đắc ý nhất để làm tựa đề tập sách: “Vết Hằn Mùa Xuân.”

Sau đó tôi nhờ người vẽ bìa, lay out, trình bày cuốn sách để đem đi in. Ban đầu tôi chỉ có ý định in khoảng ba trăm cuốn. Mình yếu tài chánh, nhà cửa lại chật, nếu in nhiều không tiêu thụ hết biết chứa vào đâu? Khi hỏi nhà in, họ tính một cuốn khoảng năm sáu đồng khiến tôi đâm hoảng. May sau đó họ lại cho biết nếu in số lượng lớn hơn thì tiền công in sẽ được giảm xuống. Sau khi bàn nghe mấy người bạn góp ý hơn thiệt, tôi quyết định in luôn một ngàn hai trăm cuốn. Biết mình còn cơ hội khác nữa không? Phải liều bị đòn thôi!

 

Chi phí trước sau cho việc in cuốn sách đầu tiên của tôi  ngót nghét 3.000 đồng!

Đã lỡ chi một số tiền khá lớn so với hoàn cảnh eo hẹp của gia đình, tôi phải lo tìm cách gỡ gạc ít nhiều. Sách chưa in xong tôi đã nhờ Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị VN ở Sacramento và một số bạn bè giúp đỡ. May mắn là hội CTNCT đã sốt sắng nhận lời đứng ra tổ chức một buổi ra mắt sách. Các báo Việt ngữ ở địa phương cũng sốt sắng hỗ trợ các phương tiện cổ động, giới thiệu tác phẩm. Tuy vậy, tôi vẫn luôn bồn chồn lo lắng mất ăn mất ngủ suốt thời gian ấy.

Đầu năm 2001, tập truyện Vết Hằn Mùa Xuân của tôi đã được ra mắt độc giả ở Sacramento. Buổi ra mắt sách đã thành công ngoài dự tính. Hơn hai trăm đồng hương đã tham dự ủng hộ. Số tiền mua sách thu được cũng khá, sau khi trừ chi phí cho cuộc tổ chức, số còn lại cũng vượt trên một nửa số tiền vốn đã bỏ ra. Sự thành công này là một niềm khích lệ lớn giúp tôi thêm tự tin để hăng hái tiếp tục viết lách.

Thiết tưởng cũng nên nói sơ lược vài dòng về việc xuất bản sách tiếng Việt ở đất Mỹ. Khác với ở VN, xuất bản một cuốn sách tiếng Việt ở Mỹ, rất hiếm có tác giả nào thu lại được vốn nếu chỉ gởi nhờ các nhà sách bán. Ai không có một chỗ dựa “thiết thực” mà xuất bản một tác phẩm tức là đã chấp nhận một sự hi sinh. Những người đủ khả năng thì hi sinh một chút cũng không sao, hi sinh để thỏa mãn niềm vui riêng, hi sinh để giải tỏa tâm tình… Ở Mỹ có người Việt nào sống nổi bằng công việc sáng tác văn chương thuần túy đâu? Để thu lại được ít nhiều số vốn đã bỏ ra, các tác giả phải được sự ủng hộ của độc giả qua các buổi ra mắt sách. Nhưng muốn tổ chức một buổi ra mắt sách không dễ dàng gì. Trước hết, phải có một bộ sậu ít nhất cũng bốn năm người phối hợp cùng nhau làm việc. Trong số đó ít nhất cũng phải có một người có tài tổ chức điều hành tổng quát, phải có một người ăn nói lưu loát nắm vững được nội dung tác phẩm ra mắt để giới thiệu với độc giả. Và cũng cần có một địa điểm thuận tiện cho độc giả đến dự. Phần đông số văn nghệ sĩ vẫn xuất bản sách được là nhờ họ may mắn có sẵn một công việc làm ăn khác. Thuận lợi nhất là người làm việc ở các ngành truyền thông, báo chí, tác phẩm của họ dễ dàng được rao truyền rộng rãi. Hoặc ít nhất, người viết sách cũng phải có nhiều bạn bè thuộc hạng mạnh thường quân hoặc hạng có uy tín với đồng hương tiếp tay. Những người này có thể tạo phương tiện giúp tác giả đi ra mắt sách bất cứ nơi nào thuận lợi.

Hoàn cảnh của tôi chật hẹp hơn nhiều. Nghề bỏ báo không có ngày nghỉ. Muốn đi đâu năm bảy ngày phải cậy người bỏ báo thế. Phải trả tiền công gấp ba tiền công của mình vẫn chưa chắc kiếm ra người giúp. Nếu người bỏ báo thế sơ suất, lôi thôi chuyện gì carrier cũng có thể bị mất việc. Khi liều lĩnh tổ chức một cuộc ra mắt sách ở xa, dù thành công về mặt tài chánh đi nữa phần thu vào cũng khó bù đắp nổi phần chi ra. Suy tính như vậy nên tôi đành thủ phận “gà què ăn quẩn cối xay”.

May một điều, tôi vốn hiền lành chất phác, ăn ở rất ít mất lòng ai. Khi sinh hoạt trong cộng đồng tôi cũng được nhiều người mến chuộng. Do vậy, các hội đoàn, đoàn thể ở địa phương đã nhiều lần giúp tôi tổ chức các buổi ra mắt sách. Nhờ bà con thương, lần ra mắt nào cũng tương đối thành công. Lúc này hai tiếng “nhà văn” đã quen gắn liền với tên tuổi tôi. Đối với tôi, được kèm hai tiếng “nhà văn” đáng hãnh diện ấy cũng có chút khá tức cười. Thực tế tôi vẫn là một anh bỏ báo lam lũ phải chạy hộc gạch đêm này qua đêm khác để kiếm sống.

Thật khó quên những hình ảnh trái nghịch ngộ nghĩnh trong những ngày ra mắt sách ấy. Buổi khuya tôi là một anh bỏ báo lôi thôi lếch thếch, lượm từng cái lon hoặc ngửa tay nhận vài đồng tiền tip của khách hàng, buổi chiều tôi lại thành một nhà văn mặc veston đàng hoàng, trịnh trọng đóng vai chính trong một buổi sinh hoạt văn hóa! Cũng truyền thông báo chí phỏng vấn, cũng văn nghệ ca nhạc rềnh ràng như ai! Cảnh đó lâu lâu tái diễn một lần – cũng là kỷ niệm đẹp đấy chứ! Vì những hình ảnh trái nghịch ngộ nghĩnh đó, các đồng nghiệp của tôi vẫn hay gọi đùa tôi là “ông nhà văn - thằng bỏ báo”! Cách gọi đó cũng làm tôi thích thú. Tiếng “thằng” ở đây không có ý chế diễu, khinh lờn mà chỉ hàm ý thân thương, đùa bỡn đầy khích lệ. Thực tế khách hàng mua báo không hề biết mặt mũi carrier ra sao, lớn nhỏ thế nào nên khi cho tiền tip hay dặn bảo điều gì họ đều gọi “boy, boy” ráo trọi. “Boy” diễn ra “thằng” đâu có sai lệch mấy!

 

*

Như trên đã nói, chính những truyện sử đầu tiên của tôi đã giúp tôi gặp được một người bạn tri kỷ, một người anh tinh thần tuyệt vời, đó là anh Tô Hòa Dương.

Anh Tô Hòa Dương là con trai của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Sau khi đọc các truyện ngắn lịch sử đầu tay của tôi, anh hết sức khen ngợi. Anh bảo tôi viết truyện sử rất hấp dẫn và khuyên tôi nên chuyển hướng viết về thể loại tiểu thuyết lịch sử.

Tiểu thuyết lịch sử là thể loại tiểu thuyết viết về các nhân vật hay các sự kiện quan trọng đã xảy ra thật trong lịch sử. Nội dung các tác phẩm này thường tái hiện bối cảnh xã hội của một thời kỳ đặc biệt nào đó, hoặc khơi sáng công lao của một vị anh hùng chống ngoại xâm hay dẹp nội loạn, hoặc tán dương lòng tiết liệt của một bậc anh thư, hoặc vạch trần cái ác, cái xấu của một chế độ cai trị, một bạo chúa, một gian thần v.v… Ngoài mục đích phục vụ văn học nghệ thuật, tiểu thuyết lịch sử còn có thể tải theo một thông điệp khác. Nói chung, viết tiểu thuyết lịch sử là vẽ lại những bức tranh của quá khứ, trong đó hai thái cực thiện và ác, chính và tà thường được tô đậm nét để người đời nhìn vào mà noi theo hay xa lánh.

Theo anh Dương, thể loại tiểu thuyết lịch sử hiện nay rất cần thiết cho việc giáo dục công dân. Nó có thể trở thành nhịp cầu đưa độc giả đến gần với chính sử - một môn học thuở nhỏ chúng ta vẫn ít ưa vì nó khô khan khó nuốt. Một vị anh hùng, một bậc anh thư, một nghĩa cử cao thượng, một hành động hi sinh vì dân vì nước trong tiểu thuyết lịch sử nếu được diễn tả sống động có thể gợi ý khiến độc giả phải tìm hiểu sự thật qua chính sử. Khi đã gần gũi với chính sử, đã biết được sự hi sinh xương máu to lớn của các bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước, chắc chắn lòng yêu nước của ta sẽ bị khơi động, sẽ mạnh mẽ, thiết tha thêm! Người càng hiểu biết lịch sử nước nhà thì tinh thần yêu nước càng sâu đậm.

Người Tàu đã sử dụng những tiểu thuyết lịch sử của họ như một phương tiện để xâm nhập văn hóa vào các nước khác. Các tiểu thuyết lịch sử của họ như Tây Du Ký, Đông Châu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc Chí, Thuyết Đường, Thủy Hử v.v… đã được phổ biến rộng rãi khắp Việt Nam. Từ các rạp hát cố định đến các gánh hát lưu diễn cũng chuyên diễn các tuồng Tàu… Nó ảnh hưởng mạnh đến nỗi có nhiều người Việt, nhất là trong giới bình dân, có thể kể chuyện về Hàn Tín, Quan Công, Nhạc Phi, Võ Tòng rất rành rọt mà lại không biết gì về Trưng Trắc, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Đó là một điều đáng buồn cho người Việt mình. Nước ta không thiếu anh hùng, liệt nữ từng xả thân vì nước vì dân, tạo nên không biết bao nhiêu trang sử hiển hách, tại sao chúng ta không khai thác điều đó? Tại sao không tái hiện, không điểm tô, mỹ thuật hóa những trang sử đó để dễ đưa tên tuổi những anh hùng liệt nữ của ta thâm nhập vào lòng quốc dân?

Những ý tưởng của anh Tô Hòa Dương nêu ra đều quá đúng. Để đáp ứng tinh thần đó, tôi đã cố gắng rất nhiều trong việc nghiên cứu và sáng tác.

Năm 2002 tôi khai sinh được tập tiểu thuyết lịch sử đầu tiên: “Tình Hận” (tái bản năm 2005 đổi thành “Lý Trần Tình Hận”). Tập truyện này nói về những cuộc tình cực kỳ éo le giữa các nhân vật nổi tiếng của họ Lý và họ Trần đã diễn ra trong giai đoạn chuyển tiếp ngai vàng giữa hai họ này. Tiêu biểu là cuộc hôn nhân đầy bi kịch giữa vị vua cuối cùng của nhà Lý (Lý Chiêu Hoàng) và vị vua mở đầu cơ nghiệp nhà Trần (Trần Cảnh).

Năm 2003 tôi xuất bản tập truyện ngắn “Ngõ Tím” viết về chuyện tù, chuyện vùng kinh tế mới.

Năm 2004 tôi cho ra đời tập tiểu thuyết lịch sử thứ 2: “Công Nữ Ngọc Vạn”. Công nữ Ngọc Vạn là con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sau khi kết hôn với vua Chân Lạp là Chey Chetta 2, bà đã khéo léo thuyết phục vị vua này thu nhận và biệt đãi di dân người Việt. Sự sai lầm của ngài đã tạo điều kiện cho di dân Việt đâm chồi mọc rễ trên phần đất Thủy Chân Lạp (vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh). Chính đám di dân này đã trở thành hạ tầng cơ sở vững chắc để về sau giúp các chúa Nguyễn trên bước đường Nam Tiến. Kết quả là toàn bộ vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh, trong đó có vựa lúa lớn nhất Đông Nam Á gồm các vùng châu thổ sông Cửu Long và châu thổ sông Đồng Nai đã được thu về cho Tổ quốc Việt Nam!

Năm 2005 tôi ra tập tiểu thuyết lịch sử thứ 3: “Dương Vân Nga: Non Cao & Vực Thẳm”. Truyện viết lại cuộc đời thăng trầm của một giai nhân đa tình đã làm hoàng hậu hai triều vua. Khi vị vua đầu Đinh Bộ Lĩnh bị ám sát, hoàng hậu vì yêu một viên tướng giỏi là Lê Hoàn, bà đã không ngần ngại đem cơ nghiệp của chồng - tức là ngai vàng mà người con trai nhỏ của bà đang ngồi - dâng cho viên tướng này. Thế là viên tướng này trở thành vị vua mới, bà lại được phong làm hoàng hậu một lần nữa. Tuy vậy, vị vua mới đã không quên tìm cách tiêu diệt hết dòng họ vị vua cũ - trong số đó có cả con trai của bà - để phòng hậu hoạn! Vực thẳm của Dương Vân Nga chính là ở điểm này.

Năm 2006 tôi cùng ba bạn văn khác ra tập truyện “Khuấy Bụi Thời Gian”.

Năm 2007 tôi khai sinh được tập truyện dài xã hội “Thăm Thẳm Trời Xanh” là tập truyện đắc ý nhất của tôi.

“Thăm Thẳm Trời Xanh” dày ngót 500 trang, viết về nỗi oan khiên tày trời của một cô giáo sau cuộc đổi đời 1975. Chồng cô là một sĩ quan VNCH không may bị thương vào cuối cuộc chiến, được đưa về điều trị ở bệnh viện Cộng Hòa. Vì vướng bận công vụ cùng mấy đứa con dại, cô chưa kịp đi thăm chồng thì miền Nam sụp đổ. Sau đó tin tức về người chồng của cô cũng biệt mù luôn. Cô giã từ nghề giáo, ôm ba đứa con trở về sống với cha mẹ chồng ở xã Thiện Trường. Nhưng lúc đó cha mẹ chồng cô cũng lâm tình trạng kiệt quệ. Vì áp lực của chính quyền, cô phải tham gia làm việc với Hợp tác xã nông nghiệp ở địa phương. Cô luôn bị cán bộ hợp tác xã kỳ thị, chèn ép. Dù phải thức khuya dậy sớm làm việc hết mình nhưng cô vẫn không sao đủ nuôi nổi lũ con. Nhờ có chút vốn do chính cha mẹ ruột giúp, cô giáo liều đi buôn mong kiếm thêm chút ít. Nhưng vốn tính thật thà, cô đã bị sa bẫy công an, vừa bị sạch vốn vừa bị làm nhục. Cô định tự tử nhưng rồi nghĩ đến lũ con thơ nên lại phải ráng sống. Cha mẹ chồng cô đã lần lượt qua đời. Một thời gian sau bất ngờ người chồng của cô trở về trong khi cô đang đi làm với hợp tác xã. Lúc đó cô mới rõ chồng cô đã bị cụt cả hai chân. Sau đêm ở lại nhà, nửa đêm anh biến mất chỉ để lại một mảnh giấy với mấy lời mắng nhiếc cô vợ không đoan chính. Cô không thể tìm lại được chồng để thanh minh đành nuốt nước mắt chịu khổ mà sống để nuôi các con. Một thời gian sau, nhờ một người bạn cũ đang cặp bồ với một cán bộ lớn giúp đỡ, cô đã đem các con vượt biển thành công. Sống ở quê người, cô đã gắng quên chuyện cũ để xây dựng tương lai cho các con. Khi các con đã trưởng thành, cô đề nghị với các con hợp tác để về VN tìm lại người cha bất hạnh của chúng. Không ngờ các con của cô đều tỏ ra hững hờ. Thất vọng quá, cô định tự lo một mình với sự giúp đỡ của một người bạn ở Việt Nam. Thế nhưng khi cô đi khám sức khỏe để về quê tìm chồng thì người ta phát hiện cô đã mắc bệnh ung thư gan thời kỳ cuối. Cô đành uất nghẹn kêu trời vì không còn cơ hội nào để giãi bày nỗi oan với người chồng nữa…

Tôi cho đây là tập truyện đắc ý nhất của mình vì ngoài những tình tiết đã lược thuật trên, tôi còn ghi lại được những sinh hoạt khá trung thực (do những người trong cuộc kể lại) về cái Hợp Tác Xã Nông Nghiệp ở chính quê tôi. Chính quyền xã đã vì cố tranh cho được cái danh “tiên tiến” mà làm toàn những việc “trời ơi” gieo rắc không biết bao nhiêu cảnh đói rách, đau khổ cho dân…

Năm 2009, tôi ra tập tiểu thuyết lịch sử thứ tư: “Trần Khắc Chung”. Năm 1306 vua Trần Anh Tông đã gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân. Vua Chiêm đã dâng châu Ô và châu Rí (Thừa Thiên ngày nay) để làm sính lễ. Nhưng chỉ một năm sau thì vua Chế Mân qua đời. Vua Anh Tông nghe tục Chiêm Thành thường hỏa thiêu hoàng hậu cùng vua khi vua mất nên rất sợ công chúa Huyền Trân cũng sẽ bị hỏa thiêu. Vua Trần bèn sai Trần Khắc Chung sang Chiêm lập mưu cướp công chúa về. Chung vốn là một viên quan có tài nhưng thiếu đạo đức nên nhiều người không ưa. Vì thời gian sang Chiêm lo tính việc này hơi lâu nên những người ghét Trần Khắc Chung lên án ông đã lợi dụng dịp này để làm chuyện mờ ám. Không ngờ chuyện đó về sau càng được thêu dệt để trở thành huyền thoại một cuộc tình lãng mạn Khắc Chung - Huyền Trân. Thật ra đó là một nỗi oan lớn của Huyền Trân công chúa! Không thể có chuyện một người đàn bà mới sinh đẻ, chồng mới chết chưa được mấy tháng đã chạy theo trai! Một chuyện hoàn toàn bịa đặt. Tôi đã nghiên cứu các tài liệu chính sử, đã đối chiếu về tuổi tác và sự liên hệ giữa Trần Khắc Chung với Huyền Trân công chúa để chứng minh điểm này hầu minh oan cho công chúa.

Năm 2010 tôi lại ra tập truyện ngắn “Lãng Đãng Hồn Xưa”. Cũng viết về chuyện tù, chuyện xã hội.

Năm 2011 tôi ra tập tiểu thuyết lịch sử thứ năm: “Chế Bồng Nga: Anh Hùng Chiêm Quốc”. Tái hiện lại một thời kỳ oanh liệt của dân tộc Chiêm, một bộ phận không thể tách rời của nước Việt ngày nay. Lịch sử đã chứng minh đa phần dân Việt ở miền Trung đều có pha trộn ít nhiều dòng máu Chiêm trong huyết quản. Hiểu được điều đó, ta cũng nên coi lịch sử Chiêm Thành chính là một phần của lịch sử Việt Nam vậy. Thể hiện tinh thần đó cũng là một cách chận đứng âm mưu xúi giục chia rẽ giữa các thành phần dân tộc để thôn tính nước Việt của giặc Tàu.

Năm 2013 tôi ra tập tạp bút “Xưa Và Nay” gồm các đoạn hồi ký, các bài tiểu luận “đọc chuyện xưa xét việc nay” và một số truyện ngắn.

Năm 2014 tôi ra tập tiểu thuyết lịch sử thứ sáu: “Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng”. Tập truyện này tái hiện cuộc khởi nghĩa chống giặc Đông Ngô rất bi tráng của vị nữ anh hùng họ Triệu. Người Tàu vốn có tinh thần tự cao tự đại, luôn coi khinh các dân tộc khác, hay dùng các tiếng Di, Địch, Man, Rợ để gọi các dân tộc ấy. Ngoài ra, người Tàu còn hay xuyên tạc về đức hạnh, về hình hài của các lãnh tụ các dân tộc chống lại họ. Người Tàu đã gọi xách mé Bà bằng cái tên “Triệu Ẩu” - đồng nghĩa với “Mụ Triệu”. Họ đã miêu tả Bà giống như một quái nhân vô đạo: nào hung dữ giết hại chị dâu, nào vú dài ba thước… với mục đích hạ uy tín của Bà đối với dân Việt. “Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng” ngoài việc khơi sáng cuộc khởi nghĩa oai hùng của Bà Triệu còn tìm cách để hóa giải những điều xuyên tạc vô lý của người Tàu đối với vị nữ anh hùng này!

Hầu hết các tiểu thuyết lịch sử của tôi đều được anh Tô Hòa Dương góp ý bổ túc, điểm xuyết thêm. Anh đã không ngại bỏ công viết một số lời tựa hoặc bài giới thiệu những tác phẩm đó với độc giả bốn phương.

Tính đến năm 2014, tôi đã sáng tác được 12 tác phẩm gồm các truyện ký trong tù, truyện xã hội, truyện lịch sử và tiểu luận. Trong số này có 7 tập truyện dài gồm 6 tiểu thuyết lịch sử và 1 truyện dài xã hội. Hai tập tiểu thuyết lịch sử Lý Trần Tình Hận và Công Nữ Ngọc Vạn được phổ biến khá rộng, đến cả trong nước.

Nhưng lẽ đời có lúc lên dốc tất phải có lúc xuống dốc. Cảnh sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng người Việt ở Sacramento rộn ràng phấn chấn được một thời gian rồi cũng xìu xuống. Nhiều văn nghệ sĩ đã lần lượt gác bút. Các cuộc ra mắt văn thơ càng về sau càng thưa thớt người tham dự…

Khi tôi ghi lại đoạn bút ký này thì người anh tinh thần của tôi – anh Tô Hòa Dương – không còn nữa. Tôi cũng đã giã từ nghề bỏ báo. Trước kia hầu như tôi luôn chật vật với công việc. Đêm lo bỏ báo, ngày lo chở con đi học, chở vợ đi chợ, thế mà tôi lại sáng tác khá đều tay. Gần như mỗi năm ra được một tác phẩm.

Bây giờ tôi đã hoàn toàn rảnh rỗi, vậy mà ba bốn năm nay tôi vẫn chẳng ra thêm được một cuốn sách nào! Một phần do số độc giả từng ủng hộ, khuyến khích tôi trên con đường viết lách nay đã tiêu mòn khá nhiều. Kẻ đã vào lòng đất, kẻ đã vào nhà dưỡng lão, kẻ đã di chuyển đi nơi khác… Lớp hậu bối thì chẳng mấy ai còn quan tâm tới dòng văn chương tiếng Việt! Phần khác là ngành Internet đã cung cấp những phương tiện đọc và nghe quá thuận lợi khiến độc giả càng xa rời cái thú cầm một quyển sách để đọc như trước. Đó là một thực tế mà những người viết lách phải đối diện! Viết được gì cũng đành để đó đã. In sách lúc này có mà ốm đòn! Tôi lúc này đọc nhiều hơn viết. Thỉnh thoảng tôi đọc lại chính những tác phẩm của mình. Cũng là dịp để tôi bổ túc, sửa chữa lại những khiếm khuyết trong các tác phẩm đó. Tôi mong khi đất nước Việt Nam thanh bình trở lại, các tác phẩm của tôi sẽ được trở về với cố quốc, đóng góp một phần nhỏ trong công cuộc xây dựng lại nền văn hóa dân tộc.

 Ngô Viết Trọng

 

Ý kiến bạn đọc
06/03/201816:18:31
Khách
Chào chú Trọng, đọc bài này của chú mới hiểu được nỗi vất vả cua những người đưa báo. chúc chú nhiều sức khỏe và thảnh thơi hơn trong cuộc sống hiện tại.
07/12/201715:18:53
Khách
Chào anh Trọng
Bài viết của anh rất chân thành.Đọc rất xúc động.Tôi có một anh bạn bỏ báo ở San Jose bị đâm chết.Thảm thay!
Thăm anh khỏe. Mến
02/12/201710:20:21
Khách
Chào Trọng,lau quá không gặp được bạn nhưng vẩn theo đổi hành trạng sáng tác viết lách của ban,mảng "tiểu thuyết lịch sử""khá thành cong,nhưng nhưng giai thoại độc đáo của triều đại nhà Nguyên van chưa thay khai thác,gắng lên, chúc sức khỏe,
20/11/201706:49:38
Khách
Chào ông,
Chúng tôi đọc đi đọc lại bài viết của ông.Ông đã tâm tình về ước mơ viết lách, về những gian khổ đắng cay vui buồn khi viết về chuyện sáng tác văn chương ở xứ người..
Tôi đọc mà không nói lên được cảm tưởng của mình.Tôi đọc khi vui khi buồn khi khóc khi cười khi hứng khởi khi đắng cay
Dù sao xin chúc mừng ông đã đã đạt được mục đích và cầu mong ông sẽ tiếp tục sáng tác.
Như ông nói, người Tàu qua những tiểu thuyết dã sử,các câu chuyện hoang đường trong Tam Quốc Chí , Đồng Châu Liệt Quốc.. các truyện kiếm hiệp của Kim Dùng để quảng bá văn hóa của họ mà người Việt mình lại chịu thiệt thòi trong khi danh nhân, liệt nữ đã tộc Việt Nam đâu có thiếu và có những chuyện xuyên tạc lịch sử Việt Nam như ông nếu ra về chuyện Huyền Trân công chúa nên mình phải lên tiếng
Và có rất nhiều chuyện về đất nước, dân tộc Việt Nam đang cho ông viết.
Chúc ông sức khỏe và may mắn.
19/11/201717:13:33
Khách
Rất ngưỡng mộ tác giả. Thật tình đây là lần đầu tiên tôi mới biết tác giả nhưng tôi vô cùng cảm phục anh. Tôi muốn gửi hương cho gió: bài viết này của anh tôi sẽ copy và paste vào trang Facebook của tôi để những người bạn Facebook của tôi có dịp đọc, kể cả ở VN.(Các báo ở hải ngoại đều bị chặn nên nếu chỉ copy đường link thì VN không đọc được)
Anh cho biết anh có Facebook không, và nếu có thì xin cho tôi được kết ban nha.
19/11/201706:26:00
Khách
Hello Anh Trong,
Xin anh cho biet dia chi va gia sach Tham tham troi xanh, toi muon mua mot cuon de doc, co nguoi ban o Sacramento khen ngoi va gio thieu cuon sach nay.
email cua toi- mrjimmylee@gmail.com Than ai,
15/11/201723:21:01
Khách
cảm phục , diển tả qua lời viết rất cảm động không thua gì ông PHAN , 1 gương sáng cho văn chương hải ngoại .....
15/11/201720:31:43
Khách
Truyện lịch sử thật tuyệt vời.
Nếu bác viết 1 bài về ông Nguyễn Công Trứ thì hay quá. Ông Trần Dạ Từ mong có người viết cho Báo Xuân năm nay về người "Văn Võ Song Toàn" này. Năm 2018 sẽ kỷ niệm 150 năm ngày ông mất. Cuộc đời ông làm đến Tướng, nhưng có lúc bị cách tuột hết để thành lính thú (binh nhì), lại có thể làm câu thơ: "Giang sơn một gánh giữa đồng. Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng".
Nguyễn Viết Tân
15/11/201716:13:09
Khách
Một bài viết rất hay, cả từ lời văn cho đến nội dung. Tác giả thuật lại những cơ cực, nhọc nhằn của nghề bỏ báo, nhưng sinh nhai bằng nghề này để mong đem nỗi đam mê viết lách cùng kiến thức của mình đặng trở thành một nhà văn . "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông" - nhà văn Nguyễn Bá Học. Chúc mừng tác giả cuối cùng đã được toại ý trở thành một nhà văn với nhiều tác phẩm để đời.

Một trong bài viết hữu ích mang lại những kinh nghiệm sống cho những người mang mộng viết lách hoặc định làm nghề bỏ báo .
15/11/201715:37:27
Khách
Bài viết hay, lôi cuốn và rất cảm động. Cảm phục chú vẫn còn yêu nghề viết và viết rất hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,863,536
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.