Hôm nay,  

Trái Mãng Cầu Ta Bên Ngoại!

25/07/201700:00:00(Xem: 18405)

Tác giả: Dong Trinh
Bài số 5175-19-31019-vb3072517

Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

trai-mang-cau-ta
Tôi sáng mắt, vui mừng khôn xiết khi ngó xuống đất. Tôi đang thăm Canada và cùng chị Lan đi chợ Đức Thành. Trước mặt tôi, ngay quày tính tiền của chợ này, một cái thùng giấy, bên trong có cỡ hai chục trái mãng cầu ta, xanh biếc, gai nở đều đặn. Rõ là nỗi vui của kẻ tha hương ngộ cố tri, tôi như bắt được vàng, tôi nhìn không rời mắt, chỉ lo có người nào đó bưng đi.

...

Ôi! Những lần cầm ly mãng cầu xiêm đông lạnh chua lè chua lét, tôi phải thêm vô hai muỗng đường mới có thể nuốt được, lúc đó tôi cứ nhớ hoài ngày xưa mỗi khi đi chợ, ngang qua mé nhà thuốc Trần Tấn, tôi hay nhìn xuống lề đường, nơi đó, dì Tư, bà Tám thím Hai...mấy người đàn bà suốt đời lam lủ với mãnh vườn con mương. Cứ sáng sáng, mấy dì hái những trái chín cây như ổi, lê ki ma, mãng cầu, mít, vài cái hột gà, trầu cau, vài xấp lá chuối...tóm lại toàn là những món cây nhà lá vườn. Tôi sà xuống đất lựa những trái lê ki ma vàng ươm, thứ trái ít ai chuộng vì ăn dễ mắc nghẹn. Tôi nhìn sang rổ mãng cầu ta, trái lớn, nhỏ đủ cỡ, gai có đốm đen vì đã chín. Dì Tư nói:

- Cô mua hết đi, tui bán mão cho, vừa này vừa kia sa cạ tui tính rẻ đó.

Tôi nhìn qua lại, phân vân, đắn đo. Chợt thầy rổ nấm mối, tôi thích quá, hỏi giá cả rồi mua luôn.

Nấm mối được coi như của trời cho. Nếu bạn đi ngang một miếng đất, sân vườn, một trận mưa rào đổ xuống rồi tắt ngay, điều kỳ diệu thỉnh thoảng xuất hiện...nấm từ dưới đất mọc lên đầy khoảnh đất, trắng muốt, ngon lành gì đâu. Bạn ơi, đừng e ngại gì hết nha, nếu không có chủ nhà ở đó, cứ việc tỉnh queo vô nhổ, cho dù sau đó chủ nhà có ra bắt gặp tại trận, bạn cũng không bị kết án về tội ăn cắp đâu. Người ta nói nấm trời cho là vậy, không trồng mà có nên ai thấy trước thì xí vậy thôi.Với lại nấm này ngộ lắm, nếu không nhổ ngay, để một lát là nó tàn úa hết. Má tôi thích xào với củ hành rất ngon, ngọt. Nếu nhằm ngày cuối tuần mà có cơ hội mua được, mình đổ bánh xèo ăn thì ngon hết biết luôn đó bạn à!

Tôi thích mua trái cây của mấy dì ngồi bán ở đây vì mấy dì không nói thách, trái chín tự nhiên không dú khí đá như phần nhiều các loại trái được bày bán ở các sạp, họ lấy hàng từ các vựa, vừa mắc, vừa không tươi.

Qua Mỹ nhiều năm, bánh trái ê hề, bom, lê, nho táo, thậm chí chợ Á đông có cả, mít, sầu riêng, nhãn, chôm chôm... có lần tôi nhìn thấy thùng măng cụt, trái không lớn lắm, tôi hỏi bà chủ tiệm bao nhiêu một chục (tôi quen theo kiểu ở Bình Dương, mua thiên, mua trăm chứ đâu có bao giờ mua vài trái măng) bà chủ ngó tôi rồi nỏi:

- Một trái ba đồng!

Ý trời đất ơi! Ba đồng một trái, ăn ít nhất một chục mới đã vậy thì có nước nhịn cho rồi. Từ đó, mỗi lần đi chợ nhìn thấy nó là tôi lảng ra xa.

Tết đến, theo thông lệ, phải đủ bộ trái CẦU DỪA ĐỦ XÀI, chị Năm tôi không thoát ra khỏi định luật này, năm nào cũng ráng mua để chưng ba ngày Tết cho quanh năm đừng lâm cảnh túng hụt. Đu đủ thì nhỏ xíu, xoài trái mùa trái ốm nhom ốm nhách, dừa nhập cảng bên Mễ qua vỏ gọt sẵn bọc kín bắng giấy nylon, còn mãng cầu thì xiêm hỏng ra xiêm, ta cũng chẳng là ta. Nó y hệt trái bình bát, gai chìm lỉm trơn tru, trái bằng nắm tay mà bán tới năm dollars, cúng xong ba ngày sau đem quăng thùng rác vì lạt phèo, sượng ngắt!

Năm rồi, cháu tôi từ Miami. Florida gởi về cho chúng tôi mấy trái mãng cầu xiêm. Nghe nói, tôi trông ngày trông đêm để được ăn cái trái mãng cầu Xiêm được trồng trên đất Mỹ, hay nói đúng hơn là ở Florida, nơi có khí hậu ấm áp, mà nhiều người Việt Nam đã đổ xô về đó lập nghiệp với những vườn cây ăn trái như xoài, mít nhãn, ổi, chôm chôm, vú sửa, mãng cầu...coi trên youtube, nhìn những vườn cây bạt ngàn, tôi thích quá, cứ ao ước được một lần thăm viếng cho biết.

Nghe tiếng chuông, nhìn qua cửa sổ thấy xe của Bưu điện, tôi mừng quá, chạy vội ra. Cô phát thơ với mái tóc vàng óng, miệng cười xinh như hoa, trên tay ôm thùng giấy trao cho tôi, cảm ơn rối rít, tôi đóng cửa vội sau khi cô nàng chúc tôi một ngày tốt đẹp. Bước thiệt lẹ vô bếp, tôi khui cái thùng sực nức mùi mãng cầu ra, lòng hồi hộp, nghĩ đến cái vị chua chua, ngọt ngọt, cái mùi thơm dìu dịu là tôi cứ nuốt nước miếng. Nắp thùng bật mở. Năm trái mãng cầu yêu quý của tôi, ướt chèm nhẹp trong bọc nylon, vỏ thì đen thui, tôi bốc lên, những mãnh mãng cầu bể ra thê thảm...nếm thử một miếng, tôi vội nhổ ra...không phải là mùi vị tôi đang mơ tưởng, trái lại, nồng mùi rượu, ngọt chẳng ngọt mà chua cũng không chua...uổng cho tấm lòng đứa cháu từ xa, tốn tiền, tốn công mua gởi về, nhằm mùa hè, bị nhốt kín mít trong thùng giấy mấy ngày, tất cả bị bầm dập hết...tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ, cho hết vô thùng rác, gọi cháu để nói cám ơn mà trong lòng thì cứ bực bội.


...

Nãy giờ, tôi cứ ngó vô thùng mãng cầu, muốn mua mà ngại quá vì đang đi với chị Lan, chị đã giành phần trả tiền chung cho cả bọn mà nhìn giá thì tôi ngại ngùng. Sau cùng, tôi lấy đại một trái, chị Lan thấy bèn nói:

- Cái này là mãng cầu giả, ăn không ngon đâu!

Tôi trố mắt ngạc nhiên khi nghe chị nói mãng cầu giả. Giả, ăn không ngon! Giả sao ăn được?

Tôi hỏi:

- Giả là hỏng phải trái thiệt hả chị? Sao em cầm lên nó rõ ràng là trái thiệt mà!

Chị nói:

- Nó là trái thiệt nhưng của bên Mễ đem qua, ăn không ngon như mãng cầu của mình nên người Việt ở đây kêu là mãng cầu giả! Em muốn hả? Muốn thì mua thử một trái ăn, sẽ thấy chị nói đúng không!

Nói xong, chị cầm lấy và bỏ chung vô chổ đồ ăn đang đợi tính tiền. Tôi hơi ngại vì nó đến năm dollars một trái, sợ chị nói sao tôi mua chi thứ trái không đáng. Chị nào biết đã ba mươi hai năm tôi chưa được nhìn thấy nó, chưa được nếm lại mùi vị thơm dìu dịu, chưa chua, ngọt ngọt mà tôi hằng ưa thích.

Các bạn khác của tôi, kẻ Cali, người Florida, đã quá quen thuộc với các loại trái cây này nên không ai lấy làm lạ hết, thậm chí nhà nào cũng có trồng ít nhất một cây. Tôi ở Arkansas thuộc miền Đông Nam nước Mỹ, một tiểu bang nhỏ, quanh năm bốn mùa rõ rệt, nơi sản xuất lúa gạo, bắp, khoai. Ngoài các loại trái cây của Mỹ, người Việt Nam từ ngày đến đây định cư, đã mang theo quê hương và nỗi nhớ trong những cây tía tô, huống lủi, mồng tơi, những dây bầu, bí mướp, nhờ đó mùa hè năm nào nhà nhà trong bếp thường có nồi canh bí dồn thịt, khổ qua hầm, một hai tuần tổ chức cuốn bánh tráng cá nướng với rau vườn nhà tươi rói, không sợ thuốc trừ sâu. Chúng tôi trồng được hồng, táo, lựu, nhiều đến nổi mùa đông phải cho vô freezer cất. Còn mấy loại cây ăn trái khác thì vì lạnh quá, cây vùng nhiệt đới không chịu nổi, thỉnh thoảng các chợ Á đông có đem chôm chôm, nhãn về bán với giá rất mắc.

Tới nhà, chị Lan đưa trái mãng cầu cho tôi và biểu tôi bỏ vô thùng gạo. Ngày nào cũng vậy, sáng mở mắt là tôi mở nắp thùng gạo ra, cầm trái mãng cầu lên coi ra sao, tôi trông chờ, nôn nóng như một đứa con nít đợi má cho bánh sau khi đi chợ về. Đến ngày thứ tư, tôi vui quá...vừa mở nắp thùng, mùi thơm thoang thoảng quen thuộc thuở tôi còn ở Việt Nam mỗi khi má tôi mua về để lên bàn Phật vào ngày rằm.

Tôi cầm trái mãng cầu lên, gai đã có màu đen. Mĩm cười, tôi đưa lên mủi hít một hơi, rồi đem lại bàn ăn, từ từ lột vỏ, nhẹ nhàng cẫn thận vì sợ phạm vô trong sẽ mất bớt. Tôi đưa vô miệng cắn một cái, trời ơi... không sao diễn tả được! Ngọt lịm, thơm ngát gì đâu! Thoạt đầu tôi ăn nhanh lắm vì háo hức vì trông chờ mấy ngày nay. Được nửa trái, tôi chợt khựng lại... sắp hết rồi, tôi phải chậm chậm nhai, từ từ nuốt vì sợ hết. Tôi như chết thèm từ kiếp nào, mà quả là vậy, đã trên ba chục năm rồi còn gì?

Trên bàn, mấy miếng vỏ nằm rải rác, tôi đếm có bảy cái hột đen tuyền, vẫn còn dư vị ngon ngọt trong miệng tôi, trên lưởi tôi và trong lòng tôi, dư vị của người xa quê, nhớ nhung, khao khát nhìn lại nơi chôn nhau cắt rún của mình.

- Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào, quỳ hôn đất thương yêu... (trích lời trong bản nhạc Cờ bay trên thành phố thân yêu của Lê Kim Hoa).

Phải đó, tôi đang mơ một ngày trở về quê hương yêu dấu, được quỳ xuống mảnh đất ông cha, bốc lên một nắm đất để nghe lại cái mùi quen thuộc tử thời ấu thơ cho đến trưởng thành rồi khổ đau mà nuốt nước mắt lìa bỏ tất cả ra đi, sống kiếp tha hương đến hết cuộc đời!

Tôi rửa sạch mấy cái hột, cẩn thận gói lại cho vô valise để xách về Mỹ. Ngay hôm sau khi về nhà, tôi lập tức ương vô chậu. Ba tuần sau, nhiều lá nhỏ li ti bắt đầu lú lên, sự sống nẩy mầm từ những hột đen vô tri vô giác, mỗi ngày tôi tưới nước, nhìn những chiếc lá lớn dần, thầm nghĩ:

- Hôm đó, nếu đi chợ một mình, tôi sẽ mua một chục trái ăn cho đã!

Cảm ơn chị Lan nhiều lắm đã đưa tôi một khoảnh khắc trở lại Bình Dương với trái ngọt cây lành nổi tiếng nha. Tôi sẽ nhớ hoài trái mãng cầu ta, tuy giả mà thiệt. Thật ra, chị nói đúng, hương vị không sao bằng trái mãng cầu của dì Tư bán ở trước nhà thuốc Tây Trần Tấn thuở nào vì nó bở chẳng ra bở, dai cũng không phải là dai nhưng trong lòng tôi nó lại là trái mãng cầu ngon nhất sau mấy chục năm được nếm lại nơi xứ người.

Chị Lan ơi, chúng ta không giao thiệp nhau trên face book, chắc chắn những lời lẽ chân tình này tôi muốn gởi gấm, chị sẽ không đọc được. Thôi thì mong một dịp nào đó, nếu còn duyên may, chúng ta vẫn còn là bạn nhau, tôi sẽ quay lại Canada để cùng chị đi chợ Đức Thành mua trái mãng cầu ta bên ngoại, tuy giả nhưng mà lại thiệt ngon đó chị thương ơi!

Dong Trinh

Ý kiến bạn đọc
23/12/201713:36:47
Khách
Anh Từ Huy thân mến, sáng nay thức dậy, thấy anh viết cho một comment thật là dễ thương...hi hi...tôi là một người đước sanh trưởng nơi miền đất nổi tiếng với trái ngọt cây lành. Từ trái sầu riêng, măng cụt, mãng cầu, bòn bon, nhãn cho đến những loại trái dân dã quê mùa không mất tiền mua như trái trứng cá, bình bát...mỗi mỗi loại như đều có từng hơi thở ngọt ngào trong lòng người dân xứ Thủ. Ra đi, đến xứ Mỹ giàu có với bôm Lê, nho táo...mới đầu như bao người khác, tôi cũng ưa thìch lắm nhưng rồi Tết đến, theo truyền thống của người mình, cũng có CẦU DỪA ĐỦ XÀI...Nhìn trái mãng cầu nhỏ xíu, giống y trái bình bát mọc dại ven sông mà gí mắc hơn thịt nạc lưng, tự đang trong lòng mình nghe buồn quá… mấy chục năm trời, trái cây VN đối với tôi chỉ còn trong tiềm thức mà thôi. Cho đến một ngày, nhân cơ hội đi Canada thăm bạn, vô một chợ Á đông của người Ấn Độ....mắt tôi sáng rực lên...những trái mãng cầu! Ôi thật rồi...những trái mãng cầu mơ ước của tôi!
17/12/201705:48:01
Khách
Thật ngạc nhiên!!... Không ngờ có người diễn đạt nỗi niềm đam mê về một loại trái cây hay như vậy. Tưởng như đang nâng niu vị mật ngọt tinh hoa của tình yêu.
Thật không ngờ!!
Xưa giờ chắc chị làm nhiều người... Ngạc nhiên và Bất ngờ lắm đúng không.
01/08/201700:58:32
Khách
Dennis Lê thân mến, nghe bạn nói có cây mãng cầu sai nhà lại trái đang chín, tôi ước gì đi tới ngay bên gốc cây, được tận tay sờ vào, được đưa mũi ngửi mùi hương thơm mãng cầu ta trên đất Mỹ, được tận mắt ngắm cho đã thèm.. Bạn cho tôi xin một tấm hình cây mãng cầu có trái chín cây, có cả tấm lòng của người bạn chưa quen nhé.. Email của tôi nè: [email protected]. Xin cảm ơn bạn nhiều lắm nha! Chúc bạn luôn vui khỏe.
30/07/201723:52:46
Khách
đunǵ traí na trông̀ ở Florida khá nhiêù. muà na khoảng cuối tháng tám.
Phâǹ đông trông̀ sau vườn nên haí na chín cây. Tác giả muôń hình cây na đang ra traí muà này liên lac̣ bằng email. Còn có cả rau ngót đunǵ như ngoaì băć
27/07/201721:16:29
Khách
Chúc mừng Đông Trinh được vào giải chung kết năm nay.Chào mừng người bạn mới từ miền Trung Mỹ.Trái mảng cầu dai là nỗi mơ ước của tôi được nếm trãi vị ngọt từ tuổi ấu thơ cho đến bây giờ...Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp, phải không ĐT? Ân cần thăm hỏi bạn và hẹn gặp.
26/07/201704:26:49
Khách
Da cảm ơn chị KimVan đã cho tôi niết về trái mãng cầu Mễ này. Thật ra tuy không nằng mãng cầu ta nhưng toii rất thích. Nguyên trái ăn xong tôi đếm chỉ có 7 cái hột. Tiếc là tôi đi với bạn nên không dám mua nhiều chứ ăn xong, tôi vẫn còn ước ao, phải chị hôm đó đi một mình tôi sẽ mua cả chục trái luôn.
26/07/201703:48:34
Khách
Trái mãng cầu tác giả mua ở Canada có tên là guyabana. Tôi sang Mexico mua trải này chín cây mang về hotel ăn ngon không kém mãng cầu ta của VN. Thích nhất là trái nầy it hột hơn mãng cầu ta (người Bắc gọi là na)
25/07/201720:48:26
Khách
Ong/ba Trọng lú có đọc câu" Tôi đang thăm Canada "của tác giả không ? Với tôi thì cô Đông Trinh viết rất hay, rất chân thành, rất tình cảm dù chỉ để nói về một trái mãng cầu !
25/07/201720:30:34
Khách
Viet k co logic, doc ma k biet co o
My, hay o vn, noi Chung, trong cau chuyen vua ke thi mua trai mang cau o Ben my, ma khuc sau la noi rua sach may hat do goi lai de vo valise mang Ve my, chan va lat nhat, lan Sau lam on viet ro rang, va cau cu , cho truyen co dau va duoi, noi Chung la tu truyen con qua nhieu thieu sot
25/07/201716:16:29
Khách
"...tôi đang mơ một ngày trở về quê hương yêu dấu, được quỳ xuống mảnh đất ông cha, bốc lên một nắm đất để nghe lại cái mùi quen thuộc từ thời ấu thơ" - Tác giả Đông Trịnh.

Gà Mỹ tuy rẻ nhưng không ngọt thịt như gà ở Việt nam ( trước năm 75), xoài, đu đủ xứ Mễ không ngon như xoài, đu đủ ở Việt nam ( trước năm 75), v...v...Muốn được có tự do, muốn không phải sống với lũ khỉ Trường sơn hang Pắc Bó cộng sản, muốn hàng ngày không phải thấy lũ chó dại công an của bè lũ tay sai cho bọn đế quốc Tàu rểu rớn ngoài đường phố, v...v... thì những những hưởng thụ trong đời sống trước năm 75 chỉ còn lại trong nỗi nhớ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,400,547
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến