Hôm nay,  

Con Ngựa Kiểng

15/09/201500:00:00(Xem: 11039)

Tác giả: vhp.Hạ Vũ
Bài số 3624-17--30114vb3091515

Trước 1975, tác giả là cô giáo dạy Việt văn tại trung học Miền Nam. Khi qua Mỹ, làm cô giáo Nhà Trẻ - Mẫu Giáo. Với nhiều bài sống động ký tên Hạ Vũ, tác giả đã nhận giải Danh Dư Viết Về Nước Mỹ 2011. Bài viết mới của tác giả, với bút hiệu đầy đủ là Vhp.Hạ Vũ, là một chuyện tình lỡ của người cựu tù cải tạo

* * *

Gia đình tôi dọn về nơi đây đã tròn một tháng. Một tháng sắp xếp dọn dẹp đồ đạc cũng mệt phờ người. Nghỉ ngơi vài ngày, vợ chồng tôi bắt tay vào làm đẹp vườn trước vườn sau của ngôi nhà mới tậu. Mơ ước bấy lâu nay có một miếng vườn nho nhỏ để trồng hoa và cây kiểng đã thành sự thực. Thế là chúng tôi hăm hở bê về sân trước sân sau các chậu lớn, chậu nhỏ, hoa hồng, hoa cúc, hoa lan, hạt giống rau cải vân vân để gieo trồng, bón phân tưới nước. Bận rộn suốt ngày nhưng vui và không ai còn có thì giờ rảnh để càm ràm lẫn nhau. Ông nhà tôi thích cây kiểng nên ngày ngày cắt xén tạo dáng cho cây. Còn tôi thì trồng hoa, và rau cải.

Hàng xóm bên trái gia đình tôi là người Mỹ trắng. Vốn liếng tiếng Mỹ của tôi thuộc loại ăn đong nên khó mà thân thiết được. Bên phải là gia đình người Việt Nam. Hôm chu´ng tôi mới dọn về, đang tay xách nách mang, thì ông hàng xóm cỡ tuổi "cổ lai hi" lầm lũi trong nhà đi ra. Với quan niệm tiếng cười đi trước dễ gây cảm tình nên dù mệt tôi đã nở nụ cười rất tươi, rất vui, và lịch sự chào ông. Ông ta ngước gương mặt màu bánh ít và rầu rĩ như... bị bồ đá nhìn tôi, nói gọn lỏn hai chữ "chào bà," không nhếch mép được nửa nụ cười để "trả lễ." Chắc ông cho tôi là một mụ đàn bà thuộc loại "vô duyên chưa nói đã cười" nên không muốn kết thân. Hàng xóm kiểu này đủ biết sẽ xa nhau vạn dặm. Câu ngụ ngôn "bán anh em xa, mua láng giềng gần" của ông bà ta đem áp dụng vào đây trật lất. Ông người Việt hàng xóm này sống độc thân... với người con trai rất giống ông về vóc dáng và tính "tiết kiệm" lời. Không biết ông bỏ vợ hay vợ bỏ. Kiểu này chỉ có "vợ bỏ" mà thôi.

Sân trước, dọc theo lối vào nhà, ông trồng hoa Hồng, đủ màu sắc. Ngoài ra không có hoa nào khác. Giữa mảnh sân cỏ trước nhà, ông đặt một chậu đất lớn. Trên chậu là một cây kiểng được cắt tỉa uốn nắn thành hình con ngựa. Con ngựa này hai chân sau cắm trong chậu, hai chân trước giơ lên trong tư thế đang phóng mình phi nước đại. Miệng há ra như đang hí vang trời, đuôi vút theo bước phóng. Cạnh chậu "con ngựa" là một chậu nhỏ hơn, trồng hoa hồng màu xanh biếc, một loại hồng hiếm. Cách sắp đặt hai chậu này đi với nhau làm giảm vẻ thẩm mỹ của sân trước thấy rõ, có lẽ có nguyên nhân sâu xa gì đây.

Sáng và chiều nào ông cũng ra xăm xoi chậu kiểng này và mấy cụm hoa hồng, bắt sâu, lặt lá vàng úa, uốn từng cọng dây leo quấn vào khung con ngựa. Tôi không muốn chạm một khuôn mặt khó đăm đăm, nên ở trong nhà và tò mò nhìn lén ông chăm sóc cây cảnh. Ông lấy khăn giấy lau bụi bặm từng cái lá của chậu hồng xanh. Có lẽ vì đây là loại hiếm quý nên ông chăm sóc đặc biêt. Không có con sâu con ốc sên nào sinh tồn được trong hai chậu đặc biệt này. Những buổi chiều mát trời, ông còn bắc ghế ngồi ngắm "con ngựa" của ông hằng giờ, thỉnh thoảng ông đứng dậy, sửa một chiếc lá bướng bỉnh đi hoang không theo "khuôn phép" của ông. Không thấy bạn bè ông tới chơi nhâu nhẹt, và ông cũng ít khi rời nhà, ngoài những lúc đi chợ hiếm hoi. Được sự chăm sóc tận tình của ông, hoa đua sắc thắm, và "con ngựa" càng ngày càng mượt mà mướt mát, thành hình dạng một con ngựa rất hùng dũng và sinh động.

Nhìn lén sự đam mê của ông khi ngắm "con ngựa," dần dà tôi cũng bị sự sinh động của "con ngựa" thu hút và tôi mê nó hồi nào không hay. Lân la bắt thân với ông, vợ chồng tôi bắt đầu cùng ngắm "con ngựa" với ông, và cho ý kiến cắt tỉa. Ông thấy trình độ chơi cây kiểng của chúng tôi không tệ và chúng tôi cũng nhận ra ông không khó ưa như tôi tưởng. Nhờ vậy chúng tôi "khai khẩu" ông được nhiều hơn. Chừng đó tôi mới biết ông tên Phú, cậu con trai Út tên Cường, hơn "tam thập" mà chưa chịu "lập"... gia thất. Con gái ông đã có gia đình riêng và ở tiểu bang xa. Vợ ông vượt biên khi ông còn ngồi tù cải tạo, bỏ lại hai đứa con cho ông nội nuôi. Qua Mỹ, bà đã sang sông một lần nữa. Ông đem hai đứa con cùng ông qua Mỹ theo diện HO và "ở vậy" nuôi con. À... thì ra... ông mang nỗi "thiên cổ hận" này nên mới ra cớ sự.

Mê "con ngựa" của ông, tôi nuôi ý định làm một con. Tôi vốn tuổi Mùi (con dê) nhưng tôi không thích làm cây kiểng hình con dê, vì con dê làm sao có dáng hùng dũng được. Vả lại tôi sợ xui, sợ chồng và con trai bị... "dê" ám. Thôi thì dê hay ngựa gì cũng được, vì hai con này là "đồng bọn" với nhau.

Một hôm nhân dịp ngắm "con ngựa" tôi lấy lòng ông:

- Tuyệt! Đúng là một tác phẩm thượng hạng. Anh khéo tay và có óc nghệ thuật cao. Anh làm thêm con nai, con mèo, con đại bàng, hay con cọp v. v. cho vườn nhà thêm phong phú.

- Không, không con nào nữa hết, chỉ mỗi "con ngựa" này thôi. Tôi đã đánh mất nó, bây giờ tôi phải dựng lại nó để cùng nó đi suốt cuộc đời còn lại của tôi.

Câu nói của ông có ẩn ý, chứ không phải của một người bị bệnh tâm thần. Tôi nghĩ tới chuyện có thể bà vợ ông tuổi Ngọ, nhưng không dám hỏi, sợ chạm vết thương lòng của ông. Chợt nhà tôi lên tiếng:

- Ngày xưa anh có nuôi ngựa đua, và đó là con ngựa chiến của anh?


Ông ta nhếch miệng cười méo mó:

- Đánh giặc suốt ngày đêm làm gì có thời giờ nuôi ngựa.

Tôi nói sai tuổi của tôi và nhờ vả thẳng với ông, không vòng vo quanh co gì cả:

- Tôi tuổi con ngựa, tôi cũng muốn làm một con ngựa giống như vậy ở sân trước nhà tôi, anh giúp chúng tôi làm nhé. Nhưng tôi muốn trồng dưới đất, chứ để trong chậu như thế này chẳng khác gì ngựa bị chôn chân vào một khuôn khổ chật hẹp, đang tung vó mà chân sau bị níu lại.

Ông nhìn tôi có vẻ xúc động, chậm rải nói:

- Đúng, cô nhận xét đúng, và đó là ý tôi muốn diễn đạt.

Tôi nghĩ ngay bà vợ của ông đang ngậm đắng nuốt cay, sống không được thoải mái hạnh phúc lắm trong gia đình mới của bà ta. Ông đang thương nhớ bà? Ông có khuôn mặt lạnh lùng ít nói, nhưng thực chất con người ông như là một lòng biển sôi động dưới mặt nước lặng lờ? Ông mong bà thoát khỏi hoàn cảnh gò bó mà về với ông?... Thắc mắc nhưng tôi không dám thốt nên lời. Tôi tự khen mình biết suy nghĩ, biết dừng lại, không đến nỗi ngu lắm mà phổi bò phun ra hết những điều không nên, không cần thiết. Và cứ thế mà nhìn ông với hình ảnh một ông già có trái tim còn xuân nên còn đau khổ vì tình. Chợt nghe ông nói:

- Trồng chậu, tôi có thể mang theo tôi khi nào dời nhà.

Tôi vọt miệng hỏi:

- Thế thì... (tôi định nói "thế thì khi anh quy tiên, nó sẽ hóa làm con ngựa của Thánh Gióng cùng anh về Trời?") nhưng kịp "thắng" lại, sang số "de," nói trớ: "...tốt! Ý kiến hay!"

Tôi bắt đầu làm con ngựa kiểng, nhưng con ngựa của tôi giống con dê... chết. Mặc cho tôi chăm sóc uốn nắn hết ngày dài tới tháng rộng, con dê chết của tôi không thành con ngựa hồng tung vó như của ông. Ông nhìn thấy nhưng không nói gì, không khen đã đành, mà cũng không chê nốt. Khi tôi hỏi ý kiến, ông cũng nhiệt tình truyền kinh nghiệm; truyền kinh nghiệm bằng lời, chứ không động tay động chân, trong khi đó ông chăm chút từng li từng tí "con ngựa" của ông như chăm sóc người tình. Riết rồi tôi không còn hứng thú với con dê chết của tôi nữa. Thấy tôi buông xuôi, ông nói với tôi một câu rất tình cảm và chỉ một lần: "cây cỏ có linh hồn đó, cô à." À thì ra ông xem "con ngựa" này là thế thân của bà vợ ông.

Rồi một hôm tôi không thấy ông ra cửa chăm sóc "con ngựa" của ông. Tôi đón cậu Út hỏi thăm, mới biết ông bị tai biến mạch máu não, đang nằm bệnh viện. Vợ chồng tôi vào thăm. Ông không nói được. Ông ú ớ thật lâu tôi mới đoán được ý ông nhờ tôi chăm sóc "con ngựa" của ông. Tôi hỏi lại cho chắc và ông chớp mắt xác nhận. Nghe tôi hứa chăm sóc tận tình "con ngựa" của ông, ông nở nụ cười méo mó, ánh mắt toát ra vẻ cảm động.

Ông qua cơn nguy kịch, được cho về nhà. Ông bị liệt nửa người phía trái, đi đứng khó khăn, nói năng ngọng nghịu. Buổi sáng những ngày làm việc, sau khi cậu con trai đi làm và buổi chiều mát trời, vợ chồng tôi thường qua nhà đẩy xe lăn cho ông thăm "con ngựa" và các đóa hoa hồng của ông. Ông vốn ít nói, bây giờ càng thêm trầm lặng. Mỗi lần ông ngắm "con ngựa" hình như ông xuất hồn, không còn ở thế giới này nữa.

Càng ngày ông càng héo hắt và yếu hẳn đi, số lần ngắm "con ngựa" của ông cũng thưa thớt dần, nhưng ông không chịu vào Viện Dưỡng Lão. Cậu con Út có "gien tiết kiệm lời" của ông truyền lại nên ông chỉ còn sống trong thế giới "ngày xưa thân ái" của ông mà thôi.

Vào một buổi sáng, khi tôi thức dậy, thì trước nhà ông đã đầy xe cảnh sát, cứu thương. Thấy chúng tôi đến, cậu con trai mếu máo khóc cho biết ông uống thuốc ngủ tự tử và Cảnh Sát đang lập biên bản. Ông buông xuôi tất cả, đành đoạn bỏ lại "con Ngựa" và đóa hồng xanh của ông. Tôi tiếc và than thầm: Cậu Út bận đi làm tối tăm mặt mũi, ai săn sóc chúng đây? Chúng sẽ "theo" ông sớm thôi! Tôi nuôi ý định sẽ xin "con ngựa kiểng" này.

Sau đám tang ông, tôi chưa kịp ngỏ lời xin thì cậu Út bê "con ngựa" và chậu hoa hồng xanh sang sân nhà tôi. Cậu nói:

- Từ lúc ở bệnh viện về, ba cháu thường dặn dò cháu mang tặng cô "con ngựa kiểng" và chậu hồng xanh này sau khi ông qua đời. Ông không muốn con ngựa và hoa hồng này chết theo ông. Cô săn sóc hai chậu kiểng này giúp ba cháu. Ba cháu sẽ mãn nguyện và phò hộ cô. Ba cháu và cháu cảm ơn cô vô cùng.

Cậu đưa tôi bức thư của ông với dòng chữ nguệch ngoạc: “Xin tặng cô “con ngựa kiểng” vì tôi biết cô quý nó và vì cô tuổi Ngọ. Ở với cô nó sẽ tươi vui. Mong cô chăm sóc giùm tôi. Cảm ơn cô thật nhiều. Phú”

Tôi cảm động, hỏi:

Mẹ cháu tuổi Ngọ, phải không?

- Mẹ cháu tuổi Tí. Người yêu của ba cháu trước khi ông cưới mẹ cháu, mới là người tuổi Ngọ và cùng tên Bích Hồng với chị của cháu.

"À... thì ra vậy..." Tôi bồi hồi, thốt khe khẽ.

Nói tới đây cậu ngập ngừng một chút hình như phân vân, nhưng rồi tiếp:

- Ba cháu bảo ông đã phạm sai lầm nặng nên mất cô Bích Hồng. Lúc ba cháu ngồi tù cải tạo, ông được cô ấy viết thư an ủi, khích lệ tinh thần, và gởi quà cứu đói. Món nợ ân tình đó rất lớn, không cách nào trả được ở kiếp này cho nên ông dành hết khoảng đời còn lại chăm sóc và sống với "con ngựa kiểng" và chậu hoa Hồng Xanh này. Ba cháu đã chọn cô làm người thừa kế "gia sản" chứa đầy tâm huyết của ông…

Tôi thẫn thờ đứng ngắm "con ngựa" chợt thấy nó phóng đi và mờ dần... mờ dần... trong một màn sương mỏng vừa kéo đến che phủ...

Ô hay! Trời có mưa đâu, sao mắt tôi thấy ướt!

vhp.Hạ Vũ

Ý kiến bạn đọc
19/09/201521:35:18
Khách
Đọc tới khúc"chắc vợ bỏ" tự dưng mất cảm tình với tác giả. ít nói thì đã sao?
16/09/201502:48:10
Khách
Xin cám ơn cô
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,043,999
Làm sau để chôn hai chế độ? Là câu hỏi đươc trả lời trong bài viết mới nhất của tác giả, 40 năm sau khi một chế độ đã bị chôn.
Tựa đề trên là hai bài viết, hai câu chuyện khác nhau. Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết, luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương. Sau đây là hai bài viết ngắn của ông.
Chủ Nhật 10 tháng 5 là Mothers Day, Ngày của Mẹ. Mời đọc một chuyện kể đặc biệt của Phương Hoa. Tác giả hiện là một bà giáo dạy trẻ tại Marrysville, thành phố nhỏ cổ xưa nhất của Calif.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc “thế hệ gạch nối” của người Việt tại Mỹ.
Mỗi người lưu vong tị nạn đều có cái đầu đầy ký ức, kể cả những người trẻ tuổi. Mời đọc Nguyễn Văn, giải Vinh Danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2000, chuyện dĩ vãng của một thuyền nhân 20 tuổi.
Bài viết là chuyện về Sàigòn từ tháng Tư 1975. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011,
“Tôi, tuổi mười ba, đã lạc khi nhìn thấy xe tăng T-54 lăn bánh trên đường Lê Văn Duyệt...” và rồi tiếp tục lạc khi vượt biển, lạc ở trại tị nạn, lạc trên đất Mỹ.. Lạc Lạc và lạc, không ngừng.
Với bài viết "Sàigòn lớn nhỏ đều nhớ anh", hướng về các thương binh VNCH trong cuộc chiến, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Nhạc sĩ Cung Tiến