Hôm nay,  

Ở Đầu Con Phố Nọ

21/05/201600:00:00(Xem: 11609)
Tác giả: Phan
Bài số: 3823-17-30323-vb7052116

Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ có sức viết mạnh mẽ và số lượng người đọc đông đảo nhất và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Ở Dallas có nhiều tờ báo lắm! Tờ thích hợp để ăn crawfish, tờ để gói rau xanh thì để được lâu hơn trong tủ lạnh, tờ trải bàn bếp khi nấu nướng cho đỡ công lau chùi sau đó, tờ trải bàn nhậu dã chiến ngoài patio để tóm hết cho gọn khi tàn tiệc… Vậy báo nào để đọc. Thưa. Người Việt Dallas đọc hết những tờ báo có ở địa phương, còn việc sử dụng sau đó là thói quen tận dụng của người Việt. Tính tận dụng là một trong những đặc trưng của dân tộc ta nên xin miễn bàn; chỉ xin những người lấy hơn một tờ báo để đọc vì nhu cầu sử dụng vào những việc kể trên nên nghĩ lại khi đã hình thành một nét văn hoá lấy báo dở khóc dở cười cho những tờ báo Việt ngữ và bạn đọc ở Dallas.

Riêng tôi, do hoàn cảnh nhà ở xa khu Việt nam nên ít khi nào có được tờ báo Việt ngữ để đọc. Cái cảm giác giở trang báo mới còn thơm mùi mực in như hương vị vài món ăn quen thuộc ở quê nhà, vẫn nhớ rõ mùi hương trong ký ức. Nhưng tiếc thay theo thời gian xa quê đã không được ăn. Thôi đành đọc báo mạng, và trong những trang mạng tôi thường đọc, tôi bookmark một trang với cái tên là báo giặt đồ. Bởi tôi thường vào trang mạng đó đọc khi ngồi chờ máy giặt, máy sấy làm việc. Tuần này tôi đọc được câu chuyện… rồi cứ cười thầm, nhưng lại suy tư như một gã tâm thần.

Thường thì xong việc giặt đồ là tôi đi chơi ta bà thiên địa để giải khuây cuối tuần. Nhưng tuần này ngồi nhà (garage), chép lại một câu chuyện cười ra nước mắt.



Một người ăn mày lang thang đã hơn ngày mà chưa kiếm được miếng ăn. Đến một đầu phố nọ, ông ta ngửi thấy mùi bánh mì thơm bốc ra từ một ngôi nhà. Người ăn mày gặp may. Đây chính là lò bánh mì.

“Ngài làm ơn cho kẻ bất hạnh này xin một miếng bánh ăn cho đỡ đói lòng”, người ăn mày năn nỉ ông chủ lò bánh mì.

“Ồ, ngươi là kẻ khôn ngoan. Ngươi đến đúng chỗ rồi đó”. Chủ lò bánh mì thao thao nói, “Làm sao ngươi biết lò bánh của ta mà tới? Ai chỉ cho ngươi? Chắc chắn là bánh của ta rất ngon nên ai ai cũng biết. Ta tiết lộ cho ngươi một bí mật: Bánh của ta làm theo công thức gia truyền từ cụ tổ bảy đời kia đấy. Nó được ghi chép trong cuốn sách bìa da màu đỏ nằm trên kệ kia kìa. Ngươi thấy không?”

Người ăn mày cố gượng cười, “Dạ thấy, nhưng thưa ngài, con đói lắm. Hơn ngày nay con chưa có tí gì trong bụng, con xin ngài làm phước. Con chỉ xin một mẩu bánh mì thôi ạ!”

Không chú ý tới nét mặt nhăn nhó của người ăn mày, ông chủ tiếp tục rao giảng về bí quyết nhào bột. Ông ta kéo người ăn mày vào sát lò nướng. Từng mẻ bánh nóng giòn bốc mùi thơm phức.

“Ngươi thấy chưa? Bánh mới đẹp, mới thơm làm sao. Nướng bánh là một nghệ thuật. Để có bánh ngon, bánh đẹp cần phải có lòng yêu nghề…”

“Nhưng thưa ông, con đói. Con xin ông…”, người ăn mày lắp bắp.

“Ngươi phải hiểu: Con người cần rất nhiều thứ, nhưng bánh mì là cái cốt yếu nhất. Không ai có thể sống được nếu thiếu bánh mì…”

“Chính thế con mới phải gõ cửa ông…”, người ăn mày rụt rè nói chen.

“Khoan, nghe ta nói cái đã, nhưng không phải ai cũng có đạo đức như ta. Ra đây!”

Ông chủ lò bánh mì kéo người ăn mày ra cửa rồi nói tiếp, “Ngươi thấy không, cả dãy phố này, nhà nào cũng có lò nướng bánh mì. Nhưng chớ tin họ. Nhà thì pha thêm bột xấu, nhà thì cho nhiều muối quá, kẻ thì nướng quá lửa… Thế mà chúng nó dám bảo cái chúng làm ra là bánh mì!”

“Thưa ngài, con chỉ xin một miếng bánh để ăn thôi ạ”, người ăn mày mệt mỏi nhắc lại.

“Nhưng điều ta sắp kể với ngươi mới là quan trọng nhất”, ông chủ lò bánh vung tay nói tiếp…

Bất chợt, người ăn mày quay lưng lầm lũi bỏ đi.

“Này, ngươi không thích ăn bánh mì của ta sao? Bánh mì ngon nhất xứ này được làm theo công thức gia truyền từ bảy đời…”, ông chủ lò bánh mì nói với theo.

“Không, thưa ngài. Bánh mì ở chỗ khác có lẽ mặn hơn, làm bằng thứ bột xấu hơn, bị cháy sém… nhưng nó làm cho tôi no bụng. Ở chỗ ngài, chỉ tai tôi no thôi!”

...

Tôi vừa hình dung ra ông chủ lò bánh mì mà cười thầm với suy nghĩ ông ấy đâu chỉ là một ông chủ lò bánh mì tầm thường ở “đầu con phố nọ”. Ông ta là nhân loại bây giờ! Ai cũng khoe mẽ về mình tới hoang tưởng. Nhưng thực sự làm phước thì ai cũng trả giá Đức Phật, Đức Chúa như mua đồ cũ ở garage sale.

Có lời cầu nguyện nào từ một cá nhân mà không hề dính dáng tới giàu sang phú quý, bình an, sức khoẻ, may mắn, lợi tài cho bản thân và gia đình mình. Rồi sau đó hậu tạ tùy tiện, ngụy biện, giả dối… Bởi khi khấn nguyện thì người ta dốc hết thành tâm để đạt được hy vọng cao nhất trong lời khấn nguyện đó; đến chừng thực hiện lời hứa hậu tạ thì còn tùy phần trăm đạt được và hoàn cảnh tức thời! Như tôi đã được dự một bữa cúng heo quay theo lời hứa với ông Địa của một người quen ở địa phương. Nhưng ông Địa ham chơi nên tắc trách; người cúng cũng ham chơi nên cầu may với ông thần ham chơi. Rồi họ xử với nhau như sau: Người cúng chỉ mua cái đầu heo quay, bốn chân giò heo quay, cái đuôi – dù đã cháy đen cũng được… về cúng. Sau đó gọi bạn bè tới uống bia với lời mời xôm tụ là hôm nay tôi cúng con heo quay, hậu tạ ông Địa như tôi đã vái!

Vài người bạn được mời ngớ mắt ra xem một vụ lừa đảo thần linh là cúng con heo quay. Nhưng con heo quay chỉ có đầu, đuôi, với bốn cái chân như bốn khúc củi khô… Phần ông Địa chỉ ngồi cười, khó hiểu.

Người khác. Vái trời phật thì trời ở quá cao, phật vô sản nên đã nói rõ là ngài chẳng có gì để cho ai cả. Nên kết quả của những lời khấn nguyện cứ như gió, như mưa đi qua đời trần. Đôi khi chẳng ăn nhập gì, như người bạn vái trời cho trúng số độc đắc nên lặng lẽ lái xe đi mua. Trời già đễnh đãng, hay quên nên quất cho anh một trận mưa đá làm hư hại chiếc xe! Thế là anh chửi trời chửi đất văng mạng. Nhưng khi bình tâm lại, thấy tiền bảo hiểm bồi thường bằng giá trị xe. Suy đi tính lại anh được cái xe cho không từ bảo hiểm. Vậy là anh tự suy diễn, trời đất có chứng giám cho lời khẩn cầu, nhưng chưa tới số nên không bị một hòn đá bằng trái banh lông táng vô đầu, và số chưa tới phiên mình trúng nên trời đất chỉ cho cơn mưa đá để được cái xe free.

Khả năng tự an ủi của con người rất cao! Vì thế, người ta lại khấn nguyện vì tuyệt vọng, vì lòng tham, sự u mê của con người. Khó nói về lòng tin và hệ quả của sự mê tín dị đoan của con người nên cha ông ta chỉ nói, “có tin có lành” cũng là một cách tự an ủi của người xưa.

Nhưng với người nay, căn bệnh trầm kha nhất của con người vẫn làm điên đầu khoa học và điên đảo tâm linh là người ta thích nói hơn nghe, và thích nhất là nói về mình. Điều tương phản giữa vũ trụ bao la và con người nhỏ bé là sự bao la của vũ trụ luôn im lặng từ khởi thủy tới muôn đời; trong khi con người nhỏ bé, đời người ngắn ngủi thì ồn không chịu được. Và nói về mình nhiều quá sẽ dễ bị hoang tưởng vì tài năng, đức độ của một con người rất giới hạn. Như anh T, làm công nhân thôi, nhưng có khiếu mồm mép nên đã quy tụ được vài người làm chung đứng về phía anh, để trở thành một phe nhóm trong hãng. Họ tự tâng bốc nhau đến hoang tưởng cá nhân trở thành hoang tưởng cả nhóm mà không biết là vài người công nhân đầu đen trong hãng Mỹ thì là cái đinh gì? Xin thưa: đinh gỉ. Vậy mà dám tuyên bố là không có vài người họ, hãng sẽ đóng cửa cho mà coi!

Và mọi người đã được coi điều gì? Hãng đuổi cổ cả nhóm của thủ lãnh T vì tội: bầy đặt phe đảng trong hãng. Rồi hãng có đóng cửa không? Thưa không. Những người an phận cứ có việc làm đều đặn. Không biết nhóm thiên tài của anh T đã có việc làm khác chưa hay còn thất nghiệp! Không biết các anh trong nhóm ấy đã ngộ ra sự hoang tưởng của mình chưa – một hãng xưởng có thể đóng cửa vì nhiều lý do, trừ lý do không thể là chỉ vì vài người công nhân hoang tưởng rằng mình giỏi hơn cả chủ hãng và hàng hà ban bệ của ông ấy.

Nói đến thói khoe mẽ. Tôi nhớ một người quen. Chỉ là mới mua cái điện thoại mới. Thế là anh cứ áp cái điện thoại vào tai anh như một người đang làm ăn lên, bận rộn giao tế! Giọng anh cứ oang oang trong không gian hẹp của cái bàn nhậu. Ai chả biết anh muốn khoe cái điện thoại mới, nhưng khoe quá nên bị quê ngang khi chẳng có ai gọi vào mà anh cứ nói điện thoại sang sảng… “Vậy hả! Trời ơi, sao không cho anh hay sớm… anh đã giúp được em. Tưởng gì! Chuyện nhỏ đối với anh thôi mà… Nhưng bây giờ anh phải xin lỗi cưng vì anh có điện thoại làm ăn… Lại. Trời ơi, tưởng ai gọi giờ này. Hé-lô cưng (cưng khác). Gọi anh giờ này… làm anh cảm động quá!”

Mấy thằng bạn nhậu đang bàn chuyện hùn nhau chút tiền cho nó mua cái vé máy bay để bay sang Cali mà thử thời vận với Trung tâm Vân Sơn – vì lúc này nó đóng hài kịch nhuyễn như cháo nhừ rồi!

Bỗng cái điện thoại reo lên… làm mọi người cười nấc nẻ với thằng ba sạo. Bây giờ mới là thật, hắn lủi ra garage. Nín thinh… để nghe con vợ nhà nó chửi tới hết đầu thai vì tội đã thất nghiệp còn không biết thân, tiêu xài hoang phí tiền nhà đi mua điện thoại đời mới để làm gì. Sao không thực tế là con vợ đã đi dũa từ sáng tới tối mờ mắt để gồng gánh gia đình. Thì ít ra người thất nghiệp ở nhà cũng giúp việc nấu cơm, giặt đồ với chứ…

Nói đến thói khoe mẽ của con người thì hàng hà chuyện kể. Nhưng ông chủ lò bánh mì trong truyện ngụ ngôn, nhóm thiên tài thời đại của anh T, anh bạn nổ hơn rượu champagne của chúng tôi, cả nhân loại thường tình đều tự cho mình là người tài giỏi nhất, đạo đức nhất, bao dung nhất… nên người đáng được nói tới nhất, không ai có thể đáng hơn mình!

Vậy tự mỗi người có nên nhín chút thời gian để nghĩ lại mình. Tại sao những vĩ nhân của nhân loại (thường đã qua đời từ lâu) nhưng hậu thế cứ tiếp tục tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của họ. Còn ta đang sống sờ sờ ra đây, sao chẳng ai biết đến ta, không ai nói gì về ta…, càng sai lầm khi ta phải tự nói về mình đến độ ngu ngốc nhất vẫn không hiểu ra: ta là ai mà cả nhân loại phải biết tới, và nói về ta!

Đó là sự đối nghịch đau đớn nhất với hạnh phúc được làm người. Nhưng nhìn ở góc cạnh khác để thấy nguyên nhân thì sao? Ông chủ lò bánh mì là người thiếu tự tin về tài năng và đức độ của bản thân, nhưng lại quá tự cao nên ông mới phải tự đánh bóng mình. Từ ngụ ngôn tới đời thường toàn người khoe mẽ và tự tôn – là hai tính nết không có trong suy nghĩ của những người thực sự tài năng và đức độ – chính là những người chỉ biết tới cống hiến và bao dung; nên việc nói về họ là việc của người khác, của đời sau.

Chính sự bất an trong tâm làm cho cuộc đời bất ổn, chuyện này không phân biệt giàu nghèo, màu da, hoàn cảnh… Như chuyện đọc khác về ông lão nọ trong viện dưỡng lão.

Từ ngày vào viện ông đã gây khó chịu cho mọi người, gây khó khăn cho hết những người phải chăm sóc ông. Ông đổ thức ăn ra giường nằm cho y tá phải dọn dẹp, ông tiểu tiện bừa bãi, ông gây hấn với mọi người cũng chưa thoả ý ông. Đến hôm có đoàn học sinh đến thăm viện dưỡng lão. Các em tặng mỗi cụ già trong viện một bông hồng cắm trong lọ thủy tinh, và thăm hỏi.

Ông lão ném vỡ bình bông xuống sàn nhà, hằn học, chửi bới mọi người.

Nhưng khi căn phòng ông ở chỉ còn lại một cô ý tá đang dọn dẹp những mảnh vỡ. Điều làm ông tức nhất là cô cũng chẳng nói lời nào với ông. Cô chỉ lặng lẽ quét dọn, sau đó cắm lại cành hồng tả tơi vào cái ly nhựa ở đầu giường của ông.

Sáng hôm sau mọi người mới biết ông lão khó chịu qua đời trong đêm hôm đó. Cô y tá trở lại dọn phòng cho người khác ở; mới thấy dưới gối nằm của ông có quyển Thánh kinh. Cô tò mò mở ra xem… một người đọc Thánh kinh sao lại có những hành xử với người khác như thế chứ!

Cô đọc lá thư kẹp trong quyển Thánh kinh… không ngờ là ông lão viết cho cô. “Tôi rất xin lỗi cô, và mọi người. Tôi chỉ sợ khi tôi chết đi sẽ không có ai nhớ tới tôi nên tôi mới làm vậy. Tôi là trẻ mồ côi, chưa từng có một người thân trên đời. Mong cô tha thứ…”

Cô y tá nhìn mãi những cánh hồng héo úa, bầm giập, được dán lại vụng về vào cành hoa mà thương cảm cho ông lão.

Đọc qua chữ nghĩa rất quen thuộc, nhưng ý nghĩa từ những chữ nghĩa ấy lại xa lạ tới mức không lẽ trong mỗi người chúng ta đều có một ông lão bất an trong lòng từ khi được sanh ra là nỗi sợ hãi bị lãng quên; không lẽ nhân loại đều mồ côi đến tội nghiệp!

Sáng nay mưa giầm. Ngồi nhìn con dốc trước nhà ướt sũng mưa xuân. Nghĩ tới mẩu bánh mì là cái chúng ta thường thấy trẻ nhỏ ném cho chim ăn ở phương tây này. Nhưng cũng chính nơi phương tây giàu có này, người ăn mày không có được tới một mẩu bánh mì để đỡ lòng khi đói. Nhưng cái bất hạnh lớn hơn đói khát của người ăn mày là nhân loại đều là những ông chủ lò bánh mì ở đầu con phố nọ…

Phan

Ý kiến bạn đọc
21/05/201619:34:55
Khách
Xin lỗi hai tác giả và Bạn đọc
Lời nhận xét vừa rồi là thuộc về bài:
''Ở đầu con phố nọ'
của tác giả Phan mà Hương Bình lại viết nhầm vào vị trí nhận xét của bài;
'Thấy như mình có lỗi'
của tác giả khác
66 tuổi .mắt ...già có vấn đề .Xin mọi người ...miễn thứ.Rất biết ơn lòng ....quảng đại của mọi người.Hứa ...không ... lập lại lầm lỗi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,312,163
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.