Hôm nay,  

Hậu Đình Hoa

20/07/200500:00:00(Xem: 138688)
Người viết: THY ĐÀO
Bài số 787-1366-212-vb5072105

Tác giả tên thật Nguyễn Anh Đào, sinh năm 1945, du học Nhật 1965, sang Hoa Kỳ 1975.
Bắt đầu viết từ thời trung học, cộng tác với báo Ngôn Luận, sau là Chính Luận. Hiện ở tại vùng Houston với vợ và ba con, làm kỹ sư tại một hãng thiết kế dàn khoan dầu. Giải thưởng Father of the Year 2002, Houston Metropolitan.
*

Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

Một hôm, ngồi đọc những bài thơ chữ Hán, tình cờ tôi bắt gặp hai câu thơ này. Nếu có ai nghĩ rằng tôi sẽ viết một bài bình luận về mấy câu thơ của Đỗ Mục, thì tôi xin lỗi đã làm người ấy thất vọng. Chữ Hán của tôi còn hạn hẹp lắm, nên không dám bàn chuyện thơ phú Trung Hoa. Hai câu thơ này chỉ nhắc tôi nhớ đến một việc mà tôi hằng trăn trở, muốn nói lên nhiều lần mà chưa có dịp. Tôi muốn bày tỏ nỗi lòng về một kinh nghiệm mà có lẽ nhiều đấng mày râu như tôi phải trải qua ở xứ Cờ Hoa nầy. Đó là câu chuyện vườn hoa sau nhà, tôi tạm dịch sang chữ Hán là hậu đình hoa, cho có vẻ chữ nghĩa một chút.
*
Tôi được cái may mắn lấy vợ người Huế. Tôi nói may mắn vì bạn bè nói với tôi như thế.
Cũng như những người Huế tôi quen biết, nàng rất thích hoa. Không hiểu tại sao, chắc tại tắm nước sông Hương và ăn cơm âm phủ nhiều quá. Thích đến nỗi hễ thấy hoa là xít xoa, hít hà. Ôi những tiếng xít xoa! Cái tiếng xít xoa nó tha thiết, nó gợi nhớ lại những lúc ôm đứa con đầu lòng, khi bụng cháu đã căng cứng nhưng cháu không chịu làm cái công việc vệ sinh căn bản, cả hai vợ chồng xúm lại xít xoa trối chết để cháu được “đi thẳng chỗ”. Không phải chỉ trẻ con thôi, người lớn như tôi nghe tiếng đó cũng thấy cái bàng quang của mình muốn làm việc giảm áp xuất càng sớm càng tốt.
Một lần đang lái xe ngoài đường, nhà tôi bỗng hít hà lên một tiếng khá lớn. Con bé gái ngồi đằng sau không hiểu mô tê chi, bèn hỏi: “Mạ có sao không" Mạ muốn đi restroom hả"”. Cả xe bật cười, một trận cười nghiêng ngửa. Thì ra nàng thấy một cái cây gì đó bên đường với những bông hoa tím, thế là không cầm được những cảm xúc dào dạt của mình, nàng phải “rên” lên một lời tán tụng.
Tôi biết nàng sẽ cười tôi khi tôi gọi cây gì đó, vì sau khi nàng đã giảng cho một bài thật dài về loại cây ấy, tôi cũng không nhớ được gì, kể cả tên của nó.
Tôi là trái xứ Quảng, nơi người dân kiếm đủ ăn là đã bở hơi tai rồi, không ai có thừa thì giờ nói chuyện hoa với lá. Có chăng là nói về lá dâu, vì nhà tôi làm nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Cho nên, tôi hoàn toàn mù tịt về hoa, về cách trồng, chăm sóc hoa, cũng như tên các loại hoa. Khi lập gia đình, tôi không ngờ mình sẽ bước vào một cuộc hành trình đến thế giới mới, trong đó cuộc đời mình sẽ đuợc tô màu (xin nhớ là màu, không phải là máu) vì có người vợ thích hoa.
Cuộc hành trình ấy bắt đầu từ khi đi mua căn nhà đầu tiên. Đi xem nhà, có những căn tôi rất thích, rất tiện nghi, sáng sủa, nhưng bị nàng từ chối một cách không thương tiếc. Những lý do đưa ra rất mơ hồ, đôi khi đến độ khó hiểu, khi là nhà bếp chật quá, khi là đi làm không thuận tiện, nhưng cuối cùng tôi mới biết sự thật. Lý do chính là vì không có đất nhiều để trồng hoa.
So với căn nhà đơn sơ không vườn tược của gia đình chúng tôi tại quê nhà, căn nhà nào ở xứ Mỹ này cũng có đất rộng rãi, sân vườn rất đẹp. Nhưng với người con gái đất Thần kinh nầy, sân sau phải rộng để có thể trồng một cây phượng vỹ (trồng mười năm rồi chưa có hoa), một giàn tigôn bên đỏ bên trắng, một giàn thiên lý, và không biết cơ man nào những loài hoa mình “phải có”. Phải có, để mình không thua sút Dì Vân, Dì Thúy và Chị Đào, bà chị làm cái chức gì đó to lắm trong nhóm Phuơng Vỹ tại nơi tôi đang sinh sống. Đây có lẽ là nhóm thân hữu duy nhất trên thế giới lấy tên một loại hoa làm danh xưng cho mình.
Thật không hổ là dân Huế, hoa là nhứt. Nghĩ ra thì cũng hay, đọc lên thấy thánh thót hơn là Hội Tương Tế Thượng Tứ.
Bà chị nàng khi còn đi học trường Đồng Khánh một hôm trốn học đi hái hoa với mấy người bạn, chẳng may bị Ông Cao Đàm hay Cao Lĩnh gì đó chụp tấm hình, đăng trên cuốn Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu, cả trường đều biết, may mà Ông Cụ thân sinh không biết (hoặc biết mà làm ngơ vì con gái mình được chụp hình đăng lên sách báo) nên không bị ăn đòn vì tội trốn học. Cả bốn chị em đều thích hoa, nói là mê hoa thì đúng hơn. Hễ ngồi lại là nói về hoa, nói cả ngày không hết chuyện. Quà cáp trong nhà cũng vậy, cứ đến sinh nhật, kỷ niệm gì thì chỉ việc bưng đến một chậu cây, một chậu hoa gì đó thì ai cũng vui như Tết.
Cuối cùng thì cũng mua được nhà, dĩ nhiên có sân sau rộng bát ngát. Kể từ thời điểm đó, câu chuyện hậu đình hoa được bắt đầu.
Công việc trước nhất là làm những bồn để trồng hoa. Các bác ạ, nó không đơn giản như tôi nói đâu. Phải làm những cái bồn thật cao, thật vĩ đại, thì khi trồng hoa mới có thể tốt được. Đi mua hàng mấy chục cây gỗ dài thườn thượt, loại có ướp thuốc để khỏi bị mục, rồi è cổ chất lên xe chở về. Lấy cái cưa cắt từng đoạn cho đúng kích thước đã được chỉ định, rồi dùng những cái đinh dài hơn một gang tay để đóng lại với nhau, làm cái bồn cao ráo, vuông vức.
Xong cái bồn, đến lượt đổ đất, đây là lúc tôi phải than trời, trách đất. Nàng gọi điện thoại, sau đó xuất hiện một cái xe tải khổng lồ. Tất cả xe cộ trong sân phải đem ra ngoài đường nhường chỗ cho xe chở đất vào. Chiếc xe có hệ thống cơ khí từ từ nâng phía trước của thùng xe lên. Từ phía sau xe, một núi đất được đổ trên sân trước. Không phải ít đâu các ngài ơi, hai ba thước khối đấy. Nhìn đống đất, tôi thấy tương lai mình thật đen tối. Khi tôi nói đùa là đống đất ấy cao không kém đồi Vọng Cảnh thì bị nàng nguýt cho một cái thật sắc sảo, thật dài.
Từ hôm ấy, mỗi ngày sau khi đi làm về làm cho đến tối khi muỗi cắn tan nát tay chân, tôi lấy xẻng xúc đất vào xe cút kít, đẩy từng xe ra đổ vào vườn trước và vườn sau, làm hết đúng bốn ngày thì xong. Tôi tính nhẩm đến trên cả trăm chuyến. Ở tuổi tôi, tải từng ấy đất, không bị gãy xương sống, để ngày hôm nay còn ngồi đây viết thì thật là phước đức Ông Bà để lại.
Bồn hoa vừa làm xong, đến lúc đi các vườn ương cây, các nơi bán hoa để mua về trồng. Việc này không giản dị, như lái xe đến vườn cây, mua cây, mua hoa rồi lái xe về. Nếu chỉ có vậy thì chẳng có gì để nói. Đằng này cứ có được ngày nghỉ nào thì tháp tùng nàng đi đến những chỗ thật xa để xem và mua cây. Lý do đi xa là vì càng đi xa thì giá càng rẻ, vả lại Chị Đào nói chỗ đó cây và hoa đẹp lắm, lại rẻ nữa, không đi là sẽ tiếc suốt đời. Thế là khăn gói theo chân người con gái đất thần kinh, lái xe hàng mấy chục cây số đi mua hoa (xin các bác làm ơn đừng hiểu lầm chữ mua hoa này, tội nghiệp tôi lắm).
Đến nơi, chưa kịp xuống xe là nàng đã xít xoa rồi. Lại những tiếng xít xoa! Chuyến tham quan trong vườn kéo dài giờ này qua giờ khác, nàng càng say mê với tất cả các loại kỳ hoa dị thảo thì tôi càng mỏi chân, khát nước rất mong được lên xe về nhà. Nhưng không dễ dàng như vậy, từng chậu này đến chậu khác, nàng chất đầy chiếc xe bốn bánh, tôi được cái vinh dự kéo lê kéo lết đi theo hết dãy hoa này qua dãy hoa khác. Trả tiền xong, “anh làm ơn để lên xe”, thế là có một màn khiêng chậu lớn chậu bé lên xe. Mọi cử động của tôi đều được quan sát rất kỹ, phải thật khéo léo còng lưng đem vào xe, để đúng tư thế, kẻo không nó mất sức, đem về trồng không tốt. Con phần tôi, mất sức bao nhiêu cũng chẳng sao!


Về đến nhà, lại thêm cái màn đem cây vào nhà. Tôi nhớ đến những đám tang tại quê nhà, tang gia hay để một ly nước hay ly rượu trên quan tài và bắt những người khiêng phải vô cùng cẩn thận, nếu nước tràn ra thì không được việc, không được thưởng, cứ như là người nằm trong đó sẽ bị chóng mặt nếu quan tài nghiêng đi một chút. Ngày đó tôi hay tự nhủ, sao mà lắm chuyện thế. Nhưng ngày nay, đem cây của nàng vô nhà cũng công phu không kém. Phải thật nhẹ nhàng, khéo léo, phải lôi ra khỏi xe cho đúng hướng, nếu có cái lá hay cái cành nào bị tổn thương thì kể như công tác hôm đó hoàn toàn thất bại. Làm xong việc đàng hoàngthì được nghỉ ngơi một chút, rồi sẽ ra sân trồng cây. “Phải trồng ngày hôm nay, kẻo cây nó yếu”. Nàng ngắm nghía cả cái sân, hết góc này đến góc nọ, hỏi ý kiến tôi trồng ở chỗ nào. Dĩ nhiên câu trả lời của tôi chỉ là thừa, vì nàng đã quyết định từ trước rồi. Hỏi là hỏi cho vui vậy mà.
Cầm cái xẻng trong tay, tôi lo đào bới cho đúng chỗ, phải thật ngay ngắn. Lấy cây từ trong chậu ra để trồng, thì cũng là công việc của tôi. Những thứ này nặng lắm, đàn bà làm không nổi, vẫn theo lời nàng, nên tôi lại được trưng dụng để lao động vinh quang. Đào thì cũng phải cho khéo, kẻo đụng đến mấy cây kia của em. Ở đây phải nói đến chữ “của em”. Ôi chữ của em từ miệng những ngưòi con gái Huế! Nàng dùng chữ của em rất hay, có thể nói là hay đến độ tuyệt vời. Hễ cây nào trổ hoa, đó là hoa của em. Nếu có cây nào xanh tốt, đó là cây của em. Nếu có cái gì đẹp, trang trọng, có chút giá trị ở trong vườn, tất cả là của em. Nếu có bạn bè hay chị em đến thăm, thế là tha hồ mà nói về cái vườn hoa của em. Nhiều khi nghe mà tức đến lộn gan, vì những chữ của em này mang nhiều mồ hôi và nước mắt của anh quá! Con cây nào èo uột, không mập cành xanh lá thì tại anh không tưới, không chăm sóc dùm em.
Đây là lúc bước vào chương trình bảo trì. Hình như nàng có nghiên cứu về cách trồng cây tân tiến của nước Mỹ, nên cách bảo trì rất độc đáo. Đó là không làm gì hết. Cắm xuống đất, để đó, rồi sẽ trăm hoa đua nở. Bà chị và các em nàng có lẽ cũng hiểu về việc này, vì không biết bao nhiêu lần những người ấy đã bỏ công trồng trọt, vun xới, tặng cho những chậu cây thật đẹp. Về đến nhà, nếu cắm được xuống đất thì đã may phước, đằng này chúng nó cứ ở trong các chậu, các báo ny lông bên góc sân ngày nầy qua ngày nọ. Đã bao lần, tôi cảm thấy vô cùng đau xót khi bỏ những cây này vào thùng rác, và cũng đã bao lần, các chị em nàng đã than phiền với tôi “sao anh không lo để mấy cây chết hết!”. Về sau này, họ rút kinh nghiệm, nên mỗi lần cho cây, họ đều điện thoại liên tiếp nhắc nhở, ngày nầy qua ngày khác, nhớ lo trồng và chăm sóc. Để đơn giản hoá cái chương trình bảo trì đã thật đơn giản của mình, nàng bèn có một quyết định vô cùng sáng suốt. Theo chỉ thị, tôi đào đất, bứng cỏ tan nát sân trước và sân sau, mua ống nước và hàng loạt vòi phun nước về đặt một hệ thống tưới nước tự động cho vườn hoa. Nhưng kẹt cái là có những cây cần nước nhiều, cũng có những cây cần tưới ít kẻo sũng nước thì chúng chết hết. Vì vậy, hệ thống tưới nước cũng không giúp được gì nhiều, không bằng tưới tay, chăm sóc từng cây, theo nhận xét của nàng.
Hình như tòa báo chỉ cho viết tới đến là năm trang giấy, điều này cũng thật khổ cho tôi. Làm sao gói ghém được trăm đắng ngàn cay trong năm trang giấy, hỡi ông nhà báo ơi" Vì nói không hết thì ấm ức, mà nói hết thì chắc phải cần cả cuốn sách. Tôi còn muốn nói về việc đóng giàn hoa, giàn mướp, dàn khổ qua, cất nhà chòi để trồng hoa lan, đào hồ cá, thả sen và rất nhiều những công trình xây dựng ở vườn sau. Nếu độc giả nào hay tòa báo tốt bụng muốn ủng hộ cho tôi viết một cuốn sách về những chuyện trên trời, dưới đất và bên dưới đất như chuyện này, thì thật không có gì bằng. Ra sách ở đây thì cũng dễ, hầu như ai cũng có thể ra được, nhưng nếu có một mạnh thường quân chịu thua lỗ giùm cho mình nếu sách bán ế thì có lẽ dễ xuất bản hơn nhiều. Lỗ thì có người khác chịu, nhưng nếu có ít tiền lời thì mình sẽ nhận cho vui, để khỏi bỏ công viết lách! Nhắc đến những gì muốn nói mà chưa nói hết, tôi rất thích nhà thơ Tô Thùy Yên. Ông làm thơ rất ít, nhưng bài thơ lại dài, như bài Ta Về của Ông, là cả một trường thiên tuyệt diệu, nói lên tất cả nỗi lòng và tư tưởng của tác giả, không bị gò bó về thư lượng. Hôm nọ đi dự buổi ra mắt sách của một người anh trong gia đình, ngồi nghe chị Phan Dụy ngâm bài thơ của Ông, tôi đổi thế ngồi đến tám lần mà vẫn chưa hết bài.
Nhưng dầu sao trước khi kết thúc, tôi phải nói về mùa đông và hậu đình hoa. Tại nơi tôi ở, mùa đông không khắc nghiệt lắm như những tiểu bang miền bắc, nhưng đôi khi cũng làm nước hồ cá sau nhà đóng băng chút đỉnh. Vì rất chuyên nghiệp trong việc trồng trọt, nên nàng có một số cây để trong chậu mà không trồng ra đất, đến mùa đông lúc trời lạnh thì đem vô nhà, vô garage để khỏi chết. Đơn giản vậy thôi. Nói một số cây, quý ngài phải hiểu rằng vô số cây. Nhiều đến độ, mỗi lần nghe đài khí tượng nói đêm nay trời sẽ trở lạnh, mọi người phải lo cho pipipi (plants, pets and piping, - thôi thì tạm dịch là xêxêxê: cây, chó, cống) thì không hiểu sao tôi cũng bị lạnh xương sống một cách kinh khủng. Vì hôm đó, tôi sẽ được “phụ” nàng đem hàng lô chậu cây lớn nhỏ vào nhà. Trong cái lạnh nhức xương của mùa đông, trong cơn gió buốt da thịt, tôi kè lưng khiêng những tác phẩm này vào. Đất vung vãi nơi nào là phải quét dọn, hút bụi nơi đó. Làm xong, lại được giao cho hơn chục cái khăn trải giường cũ, ra ngoài sân đắp chăn cho những cây đã trồng xuống đất không đem vào được, bắt mấy ngọn đèn điện bên trong cho nó ấm, sau đó vào đến nhà là tôi đã gần thành cây cà rem rồi. Vài hôm sau, trời ấm trở lại thì phải vội vàng khiêng ra, kẻo để lâu trong nhà cây sẽ chết.
Có lẽ rất nhiều người bất bình khi đọc đến đây. Nhất là những người yêu hoa, cho rằng tôi chỉ nói xấu vợ mình. Nếu vậy thì tôi xin lỗi các bà, các cô giống như nàng. Và chút xíu nữa quên không xin lỗi nàng, mất mạng như chơi ! Tôi chỉ nói lên một sự thật. Trong cái sự thật đó, có một sự thật khác không thể không nói đến. Đó là sau một thời gian được huấn huyện, tôi đã, vâng, tôi đã...yêu hoa. Tôi đã biết ít nhiều về hoa. Tôi đã biết cái bông bụt mà tôi thích còn có tên bông cẩn. Rồi nguyệt quế, dạ lan lương, trà hoa nữ, rồi bao nhiêu thứ lan … Mùa xuân ở đây, tôi đã thích đi qua những con đường nhỏ tại vùng quê, đến những cánh đồng đầy hoa vàng, nhìn những thảm hoa tím bluebonnet chạy dài đến chân trời, hay ngắm màu đỏ hồng lợt của indian brush trên những cánh đồng bát ngát, đôi lúc tôi thẫn thờ. Quá đẹp. Và lòng tôi tràn đầy niềm hạnh phúc.
Nói đến hạnh phúc, tác giả Thiên Ân, một người tôi rất thân và quý mến, đã viết những giòng sau đây, tôi xin trích dẫn để chào tạm biệt quý vị:
“Người ta khi nào được hạnh phúc thì hay vui cười. Tôi cũng vậy. Nhưng hễ khi nào hạnh phúc mà đi chung với lòng tràn ngập sự biết ơn thì tôi lại hay chảy nước mắt.”
Trọng Hạ Ất Dậu.

THY ĐÀO

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,077,418
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.