Hôm nay,  

Trở Lại Moscow

22/07/201500:00:00(Xem: 11228)

Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc
Bài số 3579-17-30129vb4072215

Tác giả bài viết đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài viết và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số vừa thành sách "Xin Em Tấm Hình." Có thể coi thêm nhiều hình ảnh và các bài viết của tác giả trên http://saigono-cean.com/trang NTN.

* * *

Sau ba đêm ở Saint Peterburg, chúng tôi dậy thật sớm để lấy chuyến xe lửa tốc hành đi bốn tiếng về Moscow. Khác với chuyến đi đêm xe lửa mầu đỏ Red Arrow nổi tiếng và rất thông dụng từ năm 1962 khởi hành từ Moscow lúc 23:55 đêm, đến St. Petersburg lúc 8 giờ sáng, chúng tôi lấy chuyến tốc hành Sapsan (Chim Ưng) khởi hành từ 7 giờ sáng, đến Moscow vào lúc 11:15.

blank
Tầu hỏa Tốc Hành Sapsan (Chim Ưng) do hãng Siemens của Đức làm, vận tốc 250km/h (155mph).

Tầu hỏa Tốc Hành Sapsan do hãng Siemens của Đức làm, vận tốc 250km/h (155mph), Nga mua tám chiếc. Giá vé là $120 dollars một chiều, ghế ngồi hạng Phổ Thông. Bên trong toa ghế ngồi thoải mái, rộng rãi, tân kỳ, có TV hiện đại chiếu phim Máu nhuộm trước sân chùa và trước khi đi, chiếu những tin tức cần thiết cho hành khách biết, chẳng hạn như tầu đến mấy giờ, toa ăn uống số mấy, không như chuyến đi buổi sáng tôi phải mò đi tìm thức ăn.

blank
Quán ăn Việt Nam: "Sen".

Đến Moscow gần giữa trưa nên việc đầu tiên là tìm quán ăn Việt Nam. Tiệm "Sen" chúng tôi đến ăn hôm nay, theo tôi, là tiệm ăn Việt Nam với thiết kế nội thất đẹp nhất thiên hạ. Pháp thì dĩ nhiên không bằng vì ở Paris tiệm nào cũng nhỏ xíu (và bẩn). Úc, Canada, Mỹ cũng chẳng bằng nốt, dù rằng Canada hay Mỹ đất rộng thênh thang.

Tiệm ăn này dùng gỗ điêu khắc tỉ mỉ khắp nơi. Bàn ghế, đồ đạc chưng bày gửi từ Việt Nam sang, và cũng như những nhà hàng Việt khác ở Moscow, 100% - chứ chẳng phải 99% - chủ nhân là dân từ miền Bắc, ủng hộ chính quyền Cộng Sản. Ai chậm tiêu không hiểu thì chiếc cờ đỏ ngôi sao vàng và cờ Nga để ngay trên quầy bàn đón tiếp khách ra vào sẽ nhắc nhở cho biết. Anh chủ nhân với giọng Bắc 100% (cùng với tất cả những người Việt làm ở Moscow) cho biết tiệm ăn này gần quảng trường Hồ Chí Minh (Nga xây kỷ niệm) nên những viên chức nhà nước (CSVN) thường đến đây dùng bữa sau khi đến quảng trường thăm viếng.

Trên đường về khách sạn, tôi chụp hình vài nơi đi qua:

Tượng của Yuri Gagarin "bay vào vũ trụ": Yuri Gagarin là người đầu tiên bay vào quỹ đạo trên phi thuyền Nga Vostok 1 vào ngày 12 Tháng Tư 1961. Ông ta rất thấp, chỉ có 1.57m (5ft 2), nhưng nhờ thế mà có thể nằm trong không gian chật hẹp của phi thuyền. Bẩy năm sau, năm 1968, trong khi lái một chuyến bay MiG-16 bình thường, phi cơ ông ta đâm sầm vào đất, chết. Lý do máy bay ông ta rớt Xô-Viết không tiết lộ, mãi cho mới hai năm trước đây, giấy tờ không giữ bí mật nữa thì người ta mới khám phá ra lý do máy bay của Yuri Gagarin rớt: một chiến đấu cơ Su-15, to hơn chiếc MiG-16 rất nhiều, bay sát bên chiếc MiG, tạo ra sóng làm chiếc MiG lộn nhào trên không trung rồi đâm xuống đất.

blank
Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Moscow.

Xe chở tôi qua tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Moscow nhưng tôi không chuẩn bị kịp camera nên dùng ảnh này từ http://diplomacy.state.gov/img/11/45182/Moscow_best_extweb_944_1.jpg

Chuyện xây tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Moscow là chuyện hi hữu: Vào năm 1969, sau khi thảo luận, Xô-Viết và Hoa Kỳ đồng ý cho phép mỗi bên xây tòa Đại Sứ của mình ở Washington, DC và Moscow.

Hoa Kỳ bắt đầu khởi công vào năm 1979, dùng nhân công Nga. Thế nhưng đến năm 1985, sau khi tiêu 136 triệu dollars, Hoa Kỳ khám phá ra Nga đã dấu những máy móc nghe lén khắp nơi trong gạch của building nên ra lệnh ngưng công trình, để building trong trạng thái xây bỏ dở lưng chừng.

Để trả đũa, Hoa Kỳ không cho phép Nga dùng tòa Đại Sứ mới xây ở Washington, DC. Hoa Kỳ chỉ cho phép Nga sử dụng vào năm 1994, ba năm sau khi khối Xô-Viết giải thể.

Năm 1991, khi khối Cộng Sản Xô-Viết sụp đổ, để tỏ thiện chí hữu nghị, Trưởng Cơ quan Tình báo KGB trình cho Đại Sứ Hoa Kỳ Robert Strauss bản vẽ nơi nào KGB đã dấu những máy nghe trong building để Hoa Kỳ gỡ ra.

Nhưng không tin vào Nga một lần nữa, Mỹ ra lệnh phá sập building đang xây lưng chừng rồi xây dựng lại từ đầu. Tháng Bẩy năm 2000, sau hơn 240 triệu dollars, Mỹ khánh thành tòa Đại Sứ mới ở Moscow.

Người Cộng Sản nói là họ vô thần, thế nhưng tôi thấy tượng Lê-Nin khắp nơi ở Moscow. Wikipedia nói có hơn 82 tượng Lê-Nin ở Moscow. Ấy là chưa thấm thía gì so với chỉ một nước Ukraine là thí dụ (Ukraine tách rời khỏi khối Xô-Viết từ năm 1991): Từ Tháng Hai 2014 đến Tháng Tư 2015, Ukraine giật sập hơn 500 tượng Lê-Nin. Thế mà vẫn còn hơn 1700 tượng Lê-Nin chưa đụng tới mà Tổng Thống Ukraine vào Tháng 5 mới ký sắc lệnh bắt buộc trong vòng sáu tháng phải giật sập hết tất cả 1700 tượng đó! Nếu là vô thần thì cần gì xây tượng một người nào đó cho người ta ngưỡng mộ hay tôn thờ?

Điều đáng ngại cho thế giới tự do là tượng của Stalin, lãnh tụ Cộng Sản giết nhiều người thứ nhì trên thế giới, nay bắt đầu xuất hiện lại ở một vài thành phố Nga. Có tấm ảnh phổ biến ngày 6-Tháng 5-2015 từ trang web http://englishrussia.com/2015/05/06/stalin-monuments-appear-in-russian-cities/ cho thấy tượng Stalin đang được dựng lên ở thành phố Lipetsk.

Lê-Nin là cha đẻ của Cộng Sản Nga, quốc gia Cộng Sản đầu tiên trên thế giới nên tôi xin tóm tắt lịch sử Nga trở thành Cộng Sản:

Trong thời đại của Sa Hoàng Nicholas II (Hoàng Đế của Nga bấy giờ gọi là Tsar, Tự điển Việt dịch là Sa Hoàng), dân tình đói khổ, làm nhiều lương ít hoặc không được trả lương, và làm việc trong tình trạng nguy hiểm mất an ninh. Trong khi đó hoàng tộc sống trong nguy nga tráng lệ, làm chủ hầu hết đất đai, và ngay cả nhà thờ.

Năm 1914 khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, Nga đánh nhau với Đức. Nicholas II cần lính nên hấp tấp bắt thanh niên, nông dân gia nhập quân đội xông ra chiến trường, không huấn luyện. Hậu quả là đại bại. Trong vòng ba năm hơn hai triệu lính chết và năm triệu tử thương vì đánh nhau không súng ống, lương thực, đôi lúc không có cả giầy. Dân tình chết chóc, đói khổ nên họ đổ lỗi cho người có trách nhiệm là Sa Hoàng.

Cách Mạng Tháng 2 năm 1917 bùng nổ khi dân chúng bắt đầu biểu tình bạo động, quân đội theo phe của dân chúng lật đổ Sa Hoàng. Cả gia đình Sa Hoàng bố mẹ con cái bị xử tử. Một chính phủ Lâm Thời lên cầm quyền.

Lê-Nin khi lên 16 tuổi thì bố chết, và một năm sau, một người anh của Lê-Nin bị chính quyền xử tử vì nằm trong một nhóm âm mưu ám sát Sa Hoàng.

Lê-Nin bắt đầu theo chủ nghĩa Mác-Xít, chống đối chính quyền, bị cầm tù rồi trốn sang Âu Châu. Năm 1903, Lê-Nin tạo ra một đảng Mác-Xít tên là Bôn-Sơ-Víc (Bolsheviks).

Lê-Nin trở về nước sau Cách Mạng Tháng Hai 1917, đánh bại nhóm Chính phủ Lâm Thời vào Tháng 10, lập nên Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô-Viết Nga. Cuộc cách mạng này gọi là Cách Mạng Tháng 10 hay Cách Mạng Bôn-Sơ-Víc.

Nước Nga lâm vào nội chiến. Một bên theo phe Bôn-Sơ-Víc của Lê-Nin, gọi là Phe Đỏ. Một bên chống Phe Đỏ là Phe Trắng. Trong thời gian nội chiến với Phe Trắng, Lê-Nin là một lãnh tụ tàn bạo, cướp của địa chủ chia cho nông dân, dùng đủ mọi cách, quân đội, mật vụ, giết chết hay thủ tiêu bất cứ người nào chống đối. Giống như Sa Hoàng, Lê-Nin bắt nông dân gia nhập quân đội và ban luật nước cho quân đội có quyền lấy thóc gạo của nông dân.

Lê-Nin và đảng Bôn-Sơ-Víc bắt đầu cho áp dụng chiến dịch "Khủng Bố Đỏ" trong thời Nội Chiến 1918-1922 để diệt trừ phe đối lập. Vào tháng 9 năm 1918, Lê-Nin ký giấy xử tử 25 cựu Bộ Trưởng, viên chức nhà nước, và 765 người bảo vệ của Phe Trắng. Công an mật vụ của Bôn-Sơ-Víc gọi là Cheka bắt đầu sự trả thù tàn bạo. Số người bị Công an mật vụ Cheka giết trong thời gian này người ta ước lượng là từ 50,000 đến hai triệu người.

Năm 1918, một nữ cách mạng tên là Fanya Kaplan ám sát, bắn ba phát vào cổ, hàm, và tay của Lê-Nin. Khi bị tra tấn, Kaplan nói cô ta bắn Lê-Nin vì Lê-Nin phản bội, đã giải tán Hội Đồng Lập Hiến và bỏ tù nhiều người cùng bên phía phe tả.

Lê-Nin không chết ngay, nhưng sáu năm sau, 1924, chết vì đột quỵ.

Joseph Stalin, một lãnh đạo trong nhóm Bôn-Sơ-Víc, lên lãnh đạo nước Nga. Stalin là một độc tài tàn bạo thứ nhì trong lịch sử thế giới, chỉ thua Mao-Trạch-Đông. Không ai có con số nhất định là Stalin đã giết bao nhiêu người. Con số ước lượng là từ 20 đến 60 triệu.

Stalin là người phát minh ra trại cải tạo lao động khổ sai ghê rợn thế giới Gulag. Những người phạm tội chính trị hay hình sự bị đày lao động rồi chết mòn ở đây. Chính Lê-Nin, một người tàn ác, trước khi chết còn viết về Stalin là "một người ác độc, lấy thịt đè người, cần ngăn trừ không cho phép lãnh đạo".

*

blank
Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế.

Buổi tối chúng tôi đến quán Kalina sang trọng, đắt tiền, rất đẹp, bên trong tối tăm, trên tầng thứ 21. Ở đây khách có thể thấy khung cảnh 360 độ của Moscow.

Khách sạn ngày cuối cùng chúng tôi ở Moscow là The Four Seasons, tọa lạc ngay sát bên Công Trường Đỏ, Điện Kremlin. Ai tìm hotel, muốn ở trung tâm Moscow thì không còn nơi nào gần Moscow nữa bằng The Four Seasons này. Chẳng những nó đẹp nguy nga tráng lệ mà còn nằm trên điểm cây số 0, ngay chính trung tâm. Tôi thích đi bơi của hồ bơi ở những khách sạn đắt tiền vì hầu hết chẳng ai ra tắm, chỉ có riêng một mình mình với hồ bơi!

Khách sạn này quá đẹp, vị trí quá tiện nghi đến nỗi đêm cuối cùng ở Moscow tôi thức trắng suốt đêm để tận hưởng từng giây phút tôi ở ngay điện Kremlin. Ban đêm tôi đi bộ một vòng thành phố độ một giờ, không bị rắc rối (nếu dùng chữ Việt bây giờ thì tôi phải viết là tôi không có vấn đề gì cả). Sáng hôm sau người ở đó nói tôi may mắn, vì buổi tối đi lang thang một mình ở Moscow thế nào cũng bị công an (không phải chị em ta) hỏi thăm sức khỏe.

Trên đường ra phi trường, chúng tôi ghé vào một tiệm ăn của một dân tộc thiểu số Nga. Tiệm ăn Việt Nam còn đẹp thì huống gì các tiệm ăn khác ở Nga? Giống như những tiệm ăn Việt Nam, tiệm này rất rộng và nội thất thì trang trí đẹp, technicolor, nhiều sáng kiến mới lạ và lạ mắt vô cùng, ngay cả toilette, vừa lạ đẹp, vừa sạch nữa chứ!

Hầu hết dân tộc thiểu số Nga theo đạo Hồi không ăn thịt heo nên tiệm ăn của họ không bao giờ bán thịt heo, ngay cả trong Paris cũng vậy (Lý do người Hồi, người Do Thái không ăn thịt heo vì trong Kinh Thánh Đức Chúa Trời dặn không được ăn thịt heo: Phục Truyền Luật Lệ Ký -Deuteronomy- 14:8 "và con heo, tuy rằng nó có móng rẽ, nhưng không thuộc vào loại súc vật nhai lại, nên không sạch cho các ngươi. Ngươi chớ ăn thịt nó, và cũng đừng đụng đến xác chết của nó").

Khi chúng tôi trình passport ở phi trường Domodedovo để vào cổng đợi máy bay đi Zurich, anh chàng công an hằn học không thua gì công an Cửa Khẩu ở Việt Nam. Chẳng những anh ta xem xét passport chúng tôi lâu lắc gấp hai lần thời gian những người khác, mà cách anh ta thẩy trả lại paspport cho tôi cũng không lịch sự tí nào.

Bẩy ngày ở Nga tôi biết lý do tại sao: Mỹ và Âu Châu phong tỏa kinh tế Nga hơn một năm trời vì Nga lấy Crimea của Ukraine, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng: Trước khi phong tỏa, một dollar đổi được 28 rubes. Bây giờ 1 dollar đổi đến 55 rubes. Có một thời nhẩy lên đến 70 rubes.

Tại sao Nga chiếm Crimea của Ukraine? Tại sao Mỹ và các nước phương Tây phong tỏa Nga? Đây là diễn tiến câu chuyện:

Crimea là một bán đảo nằm về phía Tây Nam của Nga, ngay dưới Ukraine. Theo dòng lịch sử, Crimea sau khi qua tay nhiều chủ, cuối cùng Nga tiếp thu xem như là đất của mình vào năm 1802. Năm 1954, chủ quyền của Crimea được bàn giao qua cho Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô-Viết Ukraine, lúc bấy giờ là một bang của Liên Bang Xô-Viết. Năm 1991, khi Ukraine tuyên bố độc lập tách rời khỏi khỏi Xô-Viết, Crimea cũng đi theo Ukraine, nhưng là một Cộng Hòa có quyền hành chính riêng.

Vào mùa Thu năm 2013, Tổng Thống Ukraine Yanukovuch thân Nga, không chịu ký một thỏa hiệp với Âu Châu để hòa đồng kinh tế Ukraine với Khối Cộng Đồng Chung Âu Châu vì hành động này sẽ làm Ukraine giảm nhờ cậy vào Nga.

Dân chúng phẫn nộ xuống đường biểu tình phản đối. Lính của Yanukovuch nổ súng giết chết nhiều người. Số người chết càng cao khi dần dần khắp nơi trong Ukraine gia nhập chống đối. Ngày 21 Tháng 2 2014, Yanukovuch bỏ trốn, sang tỵ nạn chính trị ở Nga. Tháng Giêng 2015, Interpol ra lệnh truy nã Yanukovuch về tội giết dân lành vô tội.

23 Tháng Hai 2014: dân theo Nga biểu tình ở Crimea. Ukraine và quân phiến loạn Crimea với hậu thuẫn của quân đội Nga đánh nhau.

27 Tháng Hai - 17 Tháng Ba 2014: theo lệnh của Putin, lính Nga xâm lăng Crimea, chiếm phi trường, các căn cứ quân sự, Hội Đồng Tối Cao của Crimea. Chính quyền mới thân Nga tuyên bố độc lập. Một hiệp ước mới ký kết giữa chính quyền Crimea thân Nga và Nga công nhận Nga tiếp thu Crimea. Crimea có nhiều vịnh lý tưởng để Hải Quân Nga dùng làm căn cứ nên có được Crimea là một lợi lớn cho Nga.

Hầu hết các nguyên thủ thế giới phản đối hành động Nga xâm lăng Crimea xâm phạm Hiệp Ước Budapest 1994 mà chính Nga ký kết công nhận chủ quyền của Ukraine.

Mỹ bắt đầu phong tỏa kinh tế Nga vào tháng 3, nhưng cộng đồng Âu phản đối không gia nhập, nhất là Đức vì Đức buôn bán nhiều với Nga, cho đến tháng 7 năm 2014 khi quân phiến loạn Ukraine với sự phối hợp của lính Nga bắn rớt chiếc máy bay Malaysian Airlines MH17 mà họ tưởng lầm là phi cơ quân sự của Ukraine. Lúc này thì cả Âu Châu lẫn các nước đồng minh như Canada, Úc, Nhật Bản... cùng tham dự phong tỏa kinh tế Nga.

Chính Thủ Tướng Dmitry Medvedev của Nga vào tháng 4 năm nay đưa ra ước lượng thiệt hại cho kinh tế Nga vì Âu Mỹ phong tỏa kinh tế: Năm 2014, Nga mất 26.7 tỷ dollars. Năm 2015, ước lượng Nga mất 80 tỷ dollars. GDP giảm 5%. Lạm phát nhẩy lên 17%. Giá trị đồng ruble mất 40%

Nga có một lợi rất lớn so với các quốc gia khác là Nga có tài nguyên dầu hỏa. 52% ngân sách quốc gia thu vào của Nga là từ dầu hỏa (so với đa số 47% ngân sách quốc gia thu vào của Mỹ là từ thuế lợi tức cá nhân). Trước khi đánh nhau với Ukraine, khi giá dầu còn cao, kinh tế Nga phục hồi, phồn thịnh. Phồn thịnh đến nỗi Putin gia tăng ngân sách quốc phòng. Thế nhưng họa vô đơn chí cho Putin: không những hai năm nay giá dầu mất giá 50% mà bây giờ lại còn bị Mỹ và phương Tây phong tỏa kinh tế.

Đồng tiền mất giá, vật giá leo thang, thức ăn khan hiếm. Nga hiện thời đang xoay qua Á Châu và Trung Đông khuyến khích du lịch sang Nga, và Á Châu để nhập cảng thức ăn thay vì từ Âu Châu. Giá trị của đồng Rube tuần lễ chúng tôi ở đây bây giờ đã mất 50%. Đời sống mọi người khó khăn thấy rõ vì bị Âu Mỹ phong tỏa kinh tế.

Cho dù dân người nào cũng nói là đời sống họ OK, miễn đừng nói đụng đến Putin, thế nhưng không ai ghét Putin. Một trưng cầu dân ý khi tôi ở đó cho thấy là dân Nga hậu thuẫn Nga 85%. (không biết tin này đúng không vì từ báo Nga). Là quốc gia vô địch về tự do, Mỹ không thể nào để chuyện trái tai gai mắt xẩy ra, nhất là chuyện trái tai gai mắt đó làm cho hơn chục quốc gia Đông Âu đã thoát khỏi nền thống trị của Nga nay thập thò lo sợ vì Nga có thể thôn tính mình một lần nữa mà không ai can thiệp.

Tôi ở Mỹ 40 năm, 16 năm đầu ở Mỹ tôi sống qua thời kỳ chiến tranh lạnh khi cả đôi bên chạy đua với vũ khí nguyên tử, với hỏa tiễn đầu đạn nguyên tử chĩa vào nhau, chỉ mất không đầy 20 phút cả hai sẽ tiêu diệt lẫn nhau, và vì lý do cả hai cùng chết này (MAD - Mutual Assured Destruction) mà hai bên không dám là nước đầu tiên khai chiến với vũ khí nguyên tử.

Không thể phủ nhận Mỹ là cường quốc số một về kinh tế lẫn về chính thể dân chủ tự do, và Nga là cường quốc số một theo chủ nghĩa Cộng Sản. Theo ông bạn láng giềng của tôi người Hung-Gia-Lợi sống ở Hungary, định cư Hoa Kỳ vào năm 1985 thì năm 1978 khi ông ta đến điện Kremlin thì khu shopping đắt tiền GUM bây giờ lúc đó chỉ bán lèo tèo vài món, món ông ta mua là dưa leo muối. Ở Công trường Đỏ thì ông ta thấy babushkas - bà nội ngoại Nga tu sửa sân tráng nhựa.

Bẩy ngày ở Nga, chỉ kinh nghiệm của riêng tôi đã cho tôi thấy về phương diện kinh tế, chính thể Cộng Sản đã thất bại với chính sách vô sản. Họ thay đổi áp dụng chính sách tư bản của chính thể dân chủ tự do mặc dù rằng ngày xưa Lê-Nin đã quyết định tiêu diệt. Nga (và cả Cộng Sản Trung Quốc lẫn Việt Nam) phồn thịnh vì tư bản: khách sạn Metropol năm sao tái thiết thành sang trọng vì có phần hùn của Phần-Lan. Tầu hỏa tốc hành Moscow-St Petersburg là do Đức làm. Hãng máy bay Aeroflot của Nga bay đi ngoại quốc bây giờ dùng máy bay của Airbus, Boeing. Xe hơi ngoại quốc bền hơn xe nội địa của Nga, và vì không còn bị bắt buộc phải mua xe nội địa, người Nga chọn mua xe Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ gấp sáu lần xe Nga. Cảng Saint Petersburg thu hút bao nhiêu là du khách phương Tây đến bằng tầu biển, đóng tiền thuế cảng, tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm liên hệ đến du lịch (Khi đến xem Cung điện của Nữ Hoàng Catherine I, chúng tôi đến mua vé lúc 10 giờ sáng nhưng mãi đến 5 giờ chiều mới là giờ vào vì hầu hết vé đã được các hãng tầu biển mua sẵn cho khách của họ).

Những thương hiệu Âu Mỹ như McDonald's, Starbucks, Subway, Radisson Hotels, The Four Seasons, Sheraton... xuất hiện nhan nhản ở Moscow làm cho dân chúng được phong phú hơn trong sự chọn lựa, sản phẩm nội địa phải cải cách tốt hơn để cạnh tranh.

Cựu Bí Thư Đảng Cộng Sản Xô-Viết, Mikhail Gorbachev, bàn về kinh tế và chính trị: chính Gorbachev nhìn nhận kinh tế trong thời Cộng Sản Xô-Viết thất bại hoàn toàn. Theo Gorbachev, nếu muốn cải tiến thì không thể nào không thay đổi hệ thống chính trị và xã hội của một quốc gia Cộng Sản.

Tôi nói thế không có nghĩa là tôi cho chế độ dân chủ tự do tốt đẹp vì tôi đồng ý với lời nói của Winston Churchill trong một diễn văn trước Quốc Hội Anh vào ngày 11-11-1947: "Democracy is the worst form of government, except for all those other forms that have been tried from time to time" -"Chính thể Dân Chủ là một chính thể tệ nhất, thế nhưng tất cả những chính thể khác -đều đã áp dụng từ xưa đến nay- còn tệ lậu hơn nữa".

Nguyễn Tài Ngọc

Ý kiến bạn đọc
06/02/202021:53:51
Khách
Cam on ong ve nhung bai viet huu ich giup tang kien thuc ve nuoc Nga.
22/07/201520:42:39
Khách
Bai viet da lam giau cho kien thuc cua toi. Cam on tac gia da viet mot cach rat cong phu va long vao trong cau chuyen du lich la su khao cuu ve cac chi tiet lich su rat de hieu va hap dan.
22/07/201519:56:09
Khách
Tác giả chắc giàu lắm nên ở toàn những khách sạn hàng thượng thặng không à. Dân nghèo như tụi tôi làm sao dám đi chơi sang như vậy ?
22/07/201513:27:20
Khách
Cam on Ngoc. Bai viet cua ban hay qua!!! Xin bac tiep tuc viet nua, viet manh de cho doc gia duoc doc nhung bai viet phong phu cua ban. Thank you for your time and your excellent stories. We wish you could contribute more so we could benifit more from your excellent stories.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,045,835
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA ngành giáo dục năm 2000,
Tác giả tên thật Phương Nguyễn thị, sinh năm 1955 tại Phủ Cam Huế, cựu học sinh trường Jeanne DArc. Cư dân thành Phố Shoreline, Tiểu bang WA.
Tác giả tên thật là Đoàn Q Vũ, sĩ quan Hải quân VNVH, cựu tù cộng sản, hiện là cư dân vùng ZLittle Saigon. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Vượt Biển Bằng Thuyền Buồm” đã phổ biến.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Ông là một y sĩ thuộc hội Ái Hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh,
An nô nức mong chờ ngày họp mặt cựu sinh viên, học sinh tỉnh Tây Ninh trên khắp thế giới tổ chức tại miền nam California.
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ
Tác giả tên thật Nguyễn Văn Ni, 70 tuổi, sinh quán Bến Tre. Tại Việt Nam trước 1975, ông giảng viên Đại học Nông Lâm Súc Cần Thơ; Đi lính Khóa 6/70 Thủ Đức.
Tác giả là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, là một Kỹ sư Dầu Khí đang sống tại Sài Gòn và làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô là một nhà giáo, hiện làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, California.
Tác giả từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago.
Nhạc sĩ Cung Tiến