Hôm nay,  

Molly, Con Chó Mỹ

30/11/201500:00:00(Xem: 16048)

Tác giả: Chú Chín Cali
Bài số 3687-17--30187vb2113015

Tác giả tên thật Nguyễn Văn Ni, 70 tuổi, sinh quán Bến Tre. Tại Việt Nam trước 1975, ông giảng viên Đại học Nông Lâm Súc Cần Thơ; Đi lính Khóa 6/70 Thủ Đức. Du học Mỹ năm 1973. Công việc tại Hoa Kỳ: Kỹ Sư, làm việc trong và ngoài xứ Mỹ. Hiện đã về hưu, đang sinh sống ở Garden Grove, California. Dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11-2015, ông cho thấy sức viết phong phú mà chừng mực. Sau đây là bài thứ ba.

* * *

blank
Molly là chó Mỹ, nó có nhà sang, giường đẹp, quần áo mới, đồ ăn ngon, đồ chơi, giải trí... Molly có bác sĩ riêng, được người tắm gội, được làm nails, cắt tóc như bao mệnh phụ phu nhân. Nhưng đặc biệt là nó được bảo vệ bởi quyền làm chó “dog right” giống như “human right.”

Molly năm nay 13 tuổi, tuổi đã về hưu nếu tính theo niên kỷ chó. Ngày tôi nhận (adopt) Molly, nó cân nặng chỉ có 8 pounds, ngực to bụng lép rất đẹp gái. Bây giờ Molly đầy đặn, 28 pounds, bụng to hơn ngực, tròn vo như như cái hot dog. Giống chó Daschund dài đòn chân ngắn, rất dể bị tổn thương cột sống cho nên chúng tôi phải ẵm nó khi lên xuống xe. Tội nghiệp Molly, mỗi lần được ẵm đều bị gõ đầu, bị sỉ vả:“ mầy ăn cho cố, nặng như heo!!!”. Nhưng oan ức nầy biết tỏ cùng ai? Thật ra nặng cân đâu phải lỗi tại Molly. Molly tánh đãi bôi, gặp ai cũng lăng xăng mừng rỡ nên được thưởng hoài. Giẫu rằng đã có lịnh cấm, nhưng mấy đứa nhỏ không cầm lòng nổi với đôi mắt van xin cầu khẩn của Molly nên len lén đút nhét đồ ăn cho nó dưới gầm bàn. Kết quả Molly càng ngày càng ú, càng ngày càng bị chửi bới là đồ tham ăn.

Molly lại bị chửi là đồ phản phúc. Ai nuôi nấng chăm sóc, cho nó ăn cho mập là nó thương, suốt ngày đeo sát như sam. Đi đâu nó lót tót theo sau như cái đuôi, khi ngồi nó nằm dưới chân, khi vào nhà tắm nó đợi ngoài cửa. Nó đã từng phản bội tôi đi theo thằng con nhỏ khi tôi bỏ nó mấy tháng để đi về VN. Thằng con nhỏ đi học xa, nó lại theo thằng con lớn. Khi thằng con lớn ra ở riêng, nó đeo theo bà xã tôi, tuy rằng nó chẳng ưa gì bà, vì bà là người chửi nó nhiều nhất.

Bác Sĩ bắt nó phải ăn “diet”vì quá tải, nhưng nó chỉ mê món paté. Cho nó thức ăn khô, nó lấy mỏ hất đổ đi rồi ngoe nguẩy bỏ vào giường nằm tuyệt thực, đòi quyền tự do “ẩm thực”. Sau bao lần thương lượng gay go nó đồng ý nhượng bộ với món cơm trắng xì dầu, món mà nó thích nhất.

Lần đầu tiên trông thấy Molly ở “dogpound” tôi đã có cảm tình ngay với nó. Không giống như những con chó khác la sủa om sòm, chạy nhảy lung tung, Molly nằm co ro trong góc chuồng, không thèm đếm xỉa đến ai. Tôi búng tay, huýt sáo để gợi sự chú ý nhưng nó cũng tỉnh bơ, chỉ liếc nhìn tôi không chút thiện cảm, rồi lại gục đầu vào hai chân trước. Tôi động lòng thương chú chó cô đơn nên quyết định xin nó. Tên nó là Molly Nguyễn. Quốc tịch Mỹ. Nó chánh thức là thành viên của gia đình tôi từ đó.

Nhưng Molly lại rất chảnh, nàng là “tiểu thơ đài các”, đâu có chấp nhận chúng tôi dễ dàng như vậy!

Mất cả tháng trường dụ dỗ với lời ngon tiếng ngọt, với đủ thứ đồ chơi, đồ ăn ngon, quần áo đẹp nó mới xiêu lòng và chấp nhận chúng tôi là người thân của nó!!! Đúng là đồ chảnh chẹ!!!

Từ đấy Molly là trung tâm, là niềm vui của gia đình tôi.

Molly không giống như những con chó khác. Tuy là loài khuyển 4 chân, họ “Cầy”, Molly không nhận mình là loài chó. Tôi sợ Molly sống chung với loài “ human” sẻ buồn, nhớ cội nhớ nguồn, nên đem nó ra vườn chơi cho chó, để nó có cơ hội tiếp xúc với đồng loại. Molly từ chối không thèm chơi với ai, chỉ thích vui đùa với tôi rồi chui vào trong túi mà nằm. Khi tôi dẫn Molly đi bộ, các chó láng giềng ồ ra sủa lung tung, nó tỉnh bơ không thèm để ý, chắc trong bụng chửi thầm đám “chó” tụi bây mất dạy quá.

Sân vườn nhà tôi khá rộng, thường có lắm mèo hoang. Chúng đều bị Molly đuổi chạy cong đuôi, trừ một con mèo đen, to lớn hơn molly. Nó thường đến nằm dài trên sân cỏ thách thức Molly. Tôi biết Molly lượng sức mình không phải là đối thủ, không dám lại gần, chỉ nằm yên thủ thế, miệng gầm gừ có vẻ tức tối lắm. Thấy tôi vừa mở cửa bước ra sân, nó liền đổi ngay thái độ anh hùng, dữ tợn, nhe răng, vươn móng, xù long cổ như con sư tử, lao thẳng vào chú mèo đen đang lim dim trên sân cỏ. Chú mèo bị tấn công bất ngờ không kịp trở tay, cong đuôi vọt mất. Molly nhìn theo, miệng gầm gừ vẫn còn ấm ức, rồi “ấu ấu” chửi vọng theo: “đồ khốn kiếp, có bố tao đây tao đéo sợ mầy!!!” Nhờ vậy tôi biết Molly biết dựa hơi người khác!

Molly biết tự đắp mền. Chỉ cần vất cho nó cái mền, nó lây quây, tự đắp cho mình, chùm đầu đuôi kín mít khi thấy lạnh. Khi trời nóng, nó vất mền xuống đất.

Nếu tôi không “nổ” quá đáng, Molly hiểu được ý người, có lẻ qua ngôn ngữ, cử chỉ hoặc nét mặt. Nó chăm chú nhìn thẳng vào mắt người đối diện để tìm hiểu. Molly biết diễn tả sự vui, buồn, sợ sệt, giận, hờn, thương, ghét, khóc, khi có lỗi, bị phật lòng, bất hợp tác, nũng nịu, và biệt ngồi xổm lạy hai tay để xin ăn. Các con tôi bảo nó là “chó người”. Molly chồm lên người hoặc quẹt mỏm vào đùi ai, đó là dấu hiệu xin đi ra ngoài “pee pee”. Molly dẫn dụ ai vào nhà bếp là dấu hiệu đói bụng đòi ăn, chui trốn dưới gầm bàn là đã làm gì bậy, nhảy lon ton, chạy ra cửa rồi chạy vào đó là dấu hiệu xin được đi chơi.


Molly mê được đi chơi, chỉ cần rủ rê nó “Molly đi chơi” hoặc thấy ai cầm sợi dây cột cổ, là nó vọt khỏi giường nhảy tưng tưng vui sướng lắm. Mỗi lần thấy chúng tôi sửa soạn đi đâu Molly đều xin đi như vậy. Nó biết tự chui đầu vào cái “dog harness” để được dẫn đi chơi. Nhưng nếu nghe lịnh “Molly ở nhà”, nó đổi ngay thái độ thành buồn hiu, tiu nghỉu, cụp đuôi từ từ đi vào giường trông thật thảm thương. Dẫn Molly đi chơi tôi thường không phải dùng dây dắt. Molly thích chạy vòng vòng đánh hơi, đánh dấu, nhưng tầm mắt không để rời xa chủ vì sợ bị lạc.

Molly rất tận tâm làm tròn nhiệm vụ của nó: gác cửa, giữ nhà và tiếp khách. Bất cứ người nào mà nó biết, khi vừa mở cửa vào nhà là đã có Molly nghênh đón nồng hậu. Đang nằm vểnh mỏ trên giường lim dim ngủ, bỗng nhiên thấy nó bật lên, vểnh tai nghe ngóng rồi lăng xăng chạy ra cửa ngồi chờ, tôi biết có người thân sắp đến. Molly sủa ầm lên thông báo có khách lạ, khi có tiếng chuông kêu “đinh đong”. Khi thấy nó gầm gừ, sủa vài ba tiếng rồi lại ngủ tiếp, tôi nên ra cổng lấy thư là đúng lúc. Không giống những con chó khác, Molly không bao giờ sủa bậy. Nửa đêm nghe nó sủa sau vườn, chắc chắn là có chuyện, hoặc có con mèo hoang đang rình bắt cá Koy trong hồ, hoặc có con opossum đang ăn cắp trái cây.

Một hôm, Molly mang cái mũi sưng vù, miệng nói “ư ư” mét với tôi là nó bị ong chích vào mũi. Từ đấy Molly thề không đội trời chung với loài ông và Molly tự nhận thêm trọng trách bắt ruồi trong nhà, vì nó không phân biệt được ong và ruồi. Thấy con gì bay la đà là nó chộp cho bằng được.

Molly ghét cay ghét đắng 2 con chó láng giềng, cứ vô cớ sủa hoài. Thường thì Molly không thèm đếm xỉa, nhưng thỉnh thoảng nó phát điên, nhe răng làm dữ, la lối om sòm hai con chó mất dạy rồi bỏ đi như tay anh chị đã dạy dỗ đàn em. Tôi nhìn thái độ của nó mà phì cười.

Hồng nhan thường bạc phận. Tưởng đâu được sống yên bình trong tình yêu và hạnh phúc sau một lần đau khổ vì bị bỏ rơi vào “dogpound”, sóng gió lại đến với Molly.

Một hôm tôi làm việc ngoài sân trước nhà, vô ý không đóng cửa chánh. Hai con chó hoang, không biết từ đâu tới đã lẻn vào nhà vây cắn Molly. Khi tôi nghe tiếng kêu la thảm thiết của Molly, chạy vào thì đã muộn. Lần theo vết máu tôi tìm thấy Molly đang run rẩy trong góc sân sau vườn, người đầy máu. Máu đang phun vọt từ cổ, ruột đổ ra ngoài. Nó nhìn tôi với đôi mắt đau khổ như van xin cầu cứu. Tôi thấy đau đớn như chính mình đang bị nạn.

Tôi ôm Molly đè bụng nó vào áo t-shirt, ngón tay đè trên động mạch cổ, một tay gọi 911 cầu cứu. Cảnh sát đến. Tuy từ chối giúp tôi mang Molly đi cấp cứu, nhưng họ đề nghị giữ nhà cho tôi.

Nhờ cảnh sát đã gọi trước, y tá đã đợi sẵn khi tôi đến Bịnh Viện. Molly được mang ngay vào phòng cấp cứu. Người tôi đầy máu nên cô Y tá cho tôi mượn cái áo nhà thương để thay. Mấy bà Mỹ già ngồi trong phòng đợi, tay ôm con chó cưng, đầu cột nơ xanh nơ đỏ y như chủ nó, nhìn tôi với đôi mắt thương hại, như muốn nói lên lời cảm thông và chia sẻ.

Ba giờ sau, Bác Sĩ ra gặp tôi, bắt tay chúc mừng và đưa tôi vào thăm Molly. Molly vẫn còn mê, nằm trên giường chằng chịt dây và ống. Lông nó bị cạo từng mảng lớn, lốm đốm trông như đang nằm trên bàn xẻ thịt. Tôi vừa thấy thương vừa thấy buồn cười với ý nghĩ: Hên cho mầy được làm chó Mỹ, nếu là chó Việt nam mầy đã biến thành chả chìa, rựa mận!

Lúc chuyện xảy ra, bà xã tôi không có ở nhà, và tôi vì quá khẩn trương nên quên gọi báo. Khi về đến nhà bà thấy xe cảnh sát đang chớp đèn, cửa nhà lại mở tung. Bà hốt hoảng chạy thẳng vào trong, chứng kiến cảnh hỗn độn sau trận chiến, sàn nhà đầy vết máu. Bà kinh hoàng la khóc, nghĩ là tôi đã bị giết chết sau trận tử chiến với bọn cướp. May mà có anh Cảnh Sát kịp thời giải thích.

Ngày hôm sau cả nhà đi thăm bệnh chó Molly. Nó nằm yên trong chuồng, ngoắc đuôi chào đón. Thì ra chỉ có cái đuôi của nó là phần còn nguyên vẹn, và có lẽ đó là phần duy nhất trong người của nó không bị đau đớn khi cử động. Nó cố nhịn đau, ráng từ từ lết ra khỏi lồng, miệng thì ư a nói lung tung như vui lắm.

Ngày Molly xuất viện, mọi người ăn mừng vui vẻ, chỉ riêng mình tôi âm thầm đau khổ với cái “bill” bịnh viện: $5,500.00.

Có lần gia đình họp mặt vui vẻ bèn bàn về chuyện Molly. Chúng tôi đều biết không bao lâu nữa Molly sẽ bỏ chúng tôi. Mấy đứa con đề nghị, để giữ mãi hình bóng Molly, nên tìm một con chó con giống y như Molly để thay thế. Bà xã tôi, ngược lại, thề là sẽ không bao giờ nuôi chó nữa, vì bà đã quá sợ rồi viễn cảnh sinh ly tử biệt. Riêng tôi, tôi đã chuẩn bị ngày Molly ra đi. Có lẽ tôi sẽ không buồn như bà xã, nhưng cuộc sống của tôi sẽ có nhiều thay đổi để thích ứng với sự mất mát lớn.

Tôi sẽ cảm ơn Molly đã đến và đã ra đi. Molly đến mang cho tôi nhiều hạnh phúc. Molly đi để nhắc nhở tôi đừng quên quy luật “Sinh lão bịnh tử”, về tính chất phù du của đời sống. Nó bảo tôi phải chuẩn bị cho đời mình.

Chú Chín Cali

Ý kiến bạn đọc
17/01/201917:39:02
Khách
hay lắm chú 9 oi , nhà cháu cũng nuôi 1 thằng và 1 cô giống xúc xích đây , cũng ú na nu , kg thích ăn diet dog food ..... chĩ mê ăn gà ..... Molly của chú ngoan hơn nhiều , cháu thương chó như chính con ruột vậy
07/12/201522:08:33
Khách
Đọc như chú chó Moby của tôi. Cám ơn TG viết ý nhị quá.
07/12/201512:45:08
Khách
Hi Nguyen.
Ông la ai zây ? Co quen không ?
Cong Ly
04/12/201519:26:01
Khách
Ông Kông Li ơi, ông đã đọc bài này chưa?

Nguyên
02/12/201522:42:08
Khách
Bài viết hay quá! Đọc rất tức cười. Cám ơn anh Chín.
02/12/201501:56:27
Khách
Chỉ đơn giản là chuyện một con chó nhưng tác giả đã thành công khi kết thúc bằng chuyện một.... cuộc đời. Hay và ý nhị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,990,914
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA ngành giáo dục năm 2000,
Tác giả tên thật Phương Nguyễn thị, sinh năm 1955 tại Phủ Cam Huế, cựu học sinh trường Jeanne DArc. Cư dân thành Phố Shoreline, Tiểu bang WA.
Tác giả tên thật là Đoàn Q Vũ, sĩ quan Hải quân VNVH, cựu tù cộng sản, hiện là cư dân vùng ZLittle Saigon. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Vượt Biển Bằng Thuyền Buồm” đã phổ biến.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Ông là một y sĩ thuộc hội Ái Hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh,
An nô nức mong chờ ngày họp mặt cựu sinh viên, học sinh tỉnh Tây Ninh trên khắp thế giới tổ chức tại miền nam California.
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ
Tác giả là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, là một Kỹ sư Dầu Khí đang sống tại Sài Gòn và làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô là một nhà giáo, hiện làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, California.
Tác giả từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago.
Bài viết lá một đoạn ghi ngắn nhân mùa Lễ Tạ Ơn 2015. Tác giả, 82 tuổi, là người viết thân quen với bạn đọc Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Trước 1975 tại Việt Nam, ông là một luật gia, nhà hoạt động văn hóa xã hội.
Nhạc sĩ Cung Tiến