Hôm nay,  

Tuổi Bó…

17/03/201500:00:00(Xem: 13097)

Tác giả: Phan
Bài số 3488-16-29888vb3031715

Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông liên tiếp góp bài Viết Về Nước Mỹ, luôn cho thấy tấm lòng cùng sức viết mạnh mẽ, và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013.

* * *

Khi nào thì người ta không cần câu trả lời của người đối diện phải chính xác là bạn mười hai tuổi hay mười ba? Những năm tháng ấy không lâu trong đời người để một hôm chợt đến như hôm nay, người hỏi chán chường hỏi, “Anh được mấy bó rồi?”; Người kia thườn thượt trả lời, “…mới retire!”

Hai người thả dốc quá vãng với một nhịp thở dài … là chuyện sáng nay trên bàn cà phê nhưng chỉ còn bình trà với mấy cái tách; mấy người bạn chán sống nói chuyện tuổi tác nghe rùng mình, ai cũng có sáu bảy bó tuổi. Mấy ông già không thèm tính số lẻ chi cho mất công nữa, chỉ căn cứ vào bệnh tật của từng người mà đoán ra ai đưa ai trong cuộc cùng này. Nghe ghê quá nên tiểu nhị tôi kể chuyện hai chú nhóc nhà tôi cho mấy ông bạn già nghe, cho bớt lạnh lùng tuyết đá đầy trời…

Hôm đó, tôi đang lái xe xuyên bang, vợ ngồi bên cạnh, băng ghế sau là bà chị với mấy cái vali. Gối, mền đem theo cho hai chú nhóc là thằng nhỏ nhà chị, 8 tuổi, thằng lớn nhà tôi, 6 tuổi. Hai đứa dọn va li lên băng sau để tuôn gối, mền xuống khoang sau của cái xe wagon. Chúng chơi ráp logo chán thì ngủ khò. Hồi cả đứa hai thức dậy, thằng lớn hỏi thằng nhỏ,

“Năm nay, em bao nhiêu tuổi rồi Nhí?”

Thằng nhỏ bẻ muốn gãy mấy ngón tay mới trả lời được, “Nhí 6 tuổi. Còn anh Jame?”

Jame thở dài như người lớn, nói: “Anh 8 tuổi…”

Hai đứa im lặng vì còn ngái ngủ. Chị tôi, vợ tôi cũng mơ màng theo dòng nhạc liu riu trong xe. Nhưng bỗng hai người mẹ bừng tỉnh, cười không nhịn được với triết lý của Jame khi nó bỗng thở hắt ra chân lý với Nhí, “Anh Jame biết rồi Nhí ơi! Nữa anh già, anh chết. Hai năm sau em chết, vì anh lớn hơn em hai tuổi.”

Nghe đến đó, mấy ông bạn già cười cho triết lý con nít. Nhưng một ông bạn lớn hơn tôi nguyên con giáp, nói: “Nếu cái nguyên tắc đó mà đúng, thì mày chơi với ai cả chục năm trời còn lại khi tụi tao chết ráo trước mày?”

Thiệt là bi quan khi tuổi đời đã trộng bó, bạn bè chỉ còn chuyện tào lao mỗi khi gặp nhau. Những chuyện làm ăn, hơn thua, sĩ diện, mặt mũi…, cả chuyên đề hấp dẫn mọi thời đại là chuyện gái gú của cánh đàn ông cũng xuôi lơ từ khi giã từ vũ khí hết rồi. Nhưng bạn già vẫn gặp nhau để tào lao như tuổi mới lớn. Chỉ khác là bâng khuâng thuở bé thì nay hụt hẫng tuổi già…

Chia tay mấy ông bạn già sau chầu cà phê sáng cuối tuần. Có người phải về vì bà xã nhằn, “bộ ông tâm thần nặng lắm rồi hay sao mà trời này còn lái xe đi uống cà phê”; Người khác phải về vì tới giờ cho vợ tôi uống thuốc! Người nói không có ý gì với câu nói bình thường trong đời sống hôm nay. Nhưng người nghe tiếc câu thành ngữ, “trẻ cậy cha già cậy con”, nửa sau của câu ấy đã theo văn minh về đâu?

Ông bạn này chăm sóc bà vợ nằm một chỗ đã lâu. Bạn bè gặp nhau, không cho anh hay thì thương mà cho anh hay càng đau lòng khi anh đến như mây để tan theo gió mà về cho kịp với duyên nợ. Nhiều lần, anh bỏ lại trên bàn ly cà phê vừa hết giọt từ cái phin, không kịp uống lấy một hớp; Khi khác, anh bỏ chai bia mới hớp vài hớp đã biến mất vì lo vợ ở nhà một mình không ổn! Nhưng anh thèm bạn để giải khuây nên đi mây về gió - có còn hơn không. Không nghe nói tới con cái trong chuyện ông bà này, dù biết họ có con cái trưởng thành. Nhưng mỗi nhà mỗi cảnh, anh không đồng ý để vợ vào viện dưỡng lão khi anh còn có thể chăm sóc chị tại nhà; Con cái thì chỉ giúp được chút tiền, thăm hỏi, chứ không có thời gian chăm sóc mẹ… Nhưng không lẽ mỗi lần con cái ghé nhà thăm mẹ thì anh hỏi tiền, nên anh rút sạch tiền 401 K của mấy chục năm đi làm và dành dụm được để lo cho chị. Vì theo anh, đưa bà ấy vô viện dưỡng lão thì khác nào kết án tử cùng ngày. Nên bạn bè tôn trọng, chỉ biết cầu ơn trên cho anh còn sức khoẻ để lo cho chị nhà không may.

Dĩ nhiên có người khác bực mình với bạn đời là già rồi chứ bộ còn trẻ lắm sao, đi một chút là ghen lồng ghen lộn…

Chắc tôi chưa già nên ngồi nghĩ, hạnh phúc của người còn có ai trông, còn được ghen tuông, chả bù cho người không ai ngồi lại nữa thì tôi cũng về! Những người già cô lẻ thê thảm hơn người trẻ bị tình phụ, nhưng lại không thành phim được vì đã thất tình mà lại già nữa thì phim ai coi? Nhưng những khúc phim đời thường ấy lại rất ấn tượng từ nét mặt đã khằn thời gian, đôi mắt xa vắng, người đàn ông lầm lũi ra xe sau khi tạm biệt bạn bè. Ông cần một nơi để về, mà lại không phải là ngôi nhà mà cả đời ông đã cực khổ để có được; ông cần một bến bờ khi tuổi tác đã về chiều thì bờ bến là người bạn đời đã bỏ ông đi trước. Nhìn những người già neo đơn như con thuyền không bến trên dòng đời thật nao lòng…

Tôi không hiểu được tâm tư mấy ông bạn già, nhất là những người không còn đủ đôi. Nhưng chỉ nhìn một ông bạn sau khi chia tay bạn bè ở quán cà phê, ông bước sang nhà hàng có bán thức ăn togo để mua hộp cá kho, lon canh khổ hoa hầm… rồi về bắc nồi cơm cho chính mình. Thân thể ông không đủ sức nặng để in dấu lên mặt tuyết, nhưng sự cô đơn của ông lại hằn xuống đời này sự cô liêu chờ nắng lên…!

Những hình ảnh không lạ, không là gì cả với người này nhưng gây xúc động cho người khác cũng tự nhiên như đời sống vô tình đầy nhã ý chỉ khác biệt khi ta có chạnh lòng hay không?

Chuyện của Jame & Nhí theo tôi suốt đường về nhà. Câu chuyện trở thành kỷ niệm của gia đình vì vẫn còn được nhắc lại mỗi khi nhà có giỗ, tiệc. Tôi nghĩ vẩn vơ đến những trang báo đã đọc và so sánh với đời thường để kiểm chứng về việc báo chí thường đăng lại những nghiên cứu trên những báo khoa học nói về việc khi một trong hai người của một đôi vợ chồng già mất đi, chỉ vài năm sau, người kia cũng lên đường.

Tôi để ý qua những trang đã đọc. Nếu người còn lại là vợ thì thường u buồn, trống vắng, lẻ loi, chơi vơi… là nguyên nhân sinh bệnh mà chết; Nhưng người còn lại là chồng thì lại chết vì lý do sức khoẻ sa sút nhanh, bởi thiếu sự chăm sóc của người vợ đã tạo thành thói quen ăn uống, ngơi nghỉ mấy mươi năm cho ông. Dù không thể đi đến kết luận là đàn bà thương yêu chồng hơn đàn ông thương yêu vợ; cho dù một người vì buồn tình mà chết, khác xa với người vì cảm lạnh mà chết bởi không ai đắp mền cho; hay ăn uống cẩu thả, thất thường, quên uống thuốc…, rồi sinh bệnh mà chết.

Với những bài viết của những giáo sư tâm lý học, thường những giáo sư để ý nhiều tới tâm lý của cụ ông hay cụ bà sau khi thiếu vắng người bạn đời đã sống bên mình mấy mươi năm, rồi bỗng mất đi, khoảng trống tâm lý ấy không gì bù đắp nổi nên người còn lại bị hụt hẫng tâm lý, ảnh hưởng đến sinh lý mất ổn định, là nguyên nhân dẫn đến cái chết sớm hơn.

Tôi nghĩ tới hai vợ chồng bằng tuổi nhau thì tuyệt vời với triết lý của Jame. Tuyệt vời nhất là hai vợ chồng có cùng ngày sinh nhật để tiện bề giỗi quảy cho con cháu về sau…

Sáng nay tuyết đá đầy đường, dòng xe cộ lưa thưa như những con rùa mùa đông. Chắc có chuyện chẳng đặng đừng thì người ta mới phải lái xe đi trong thời tiết trường học, hãng xưởng đều đóng cửa. Nhưng trong số xe cộ đang lưu thông chậm chạp trên “đường-băng” có những chiếc xe vừa rời quán cà phê của những người bạn đã lớn tuổi. Cà phê thì nhà ai cũng có, nhưng tào lao thiên đế với bạn bè thì phải ra quán thôi! Những người không sợ chết với tai nạn giao thông trong thời tiết xấu mà chỉ chịu không nổi sự cô đơn mà thành liều lĩnh, lái xe đi uống cà phê trong một sáng tuyết đá trắng trời.

… Có điều gì đó trong liên tưởng tới những ngày xa, đi uống cà phê với mấy ông bạn già hôm nay cũng không khác gì lúc nhỏ rủ bạn bè trốn học đi tắm sông ở khúc sông xa nhà, có nước chảy siết mới khoái. Vì khúc sông êm đềm ở cạnh nhà chỉ như lon cà phê trong tủ ở nhà bây giờ, bơi trên sông êm thuở nhỏ như bây giờ khuấy ly cà phê một mình, ở nhà, chỉ để thoả mãn thói quen chứ không có hứng thú… Hay là đàn ông già tới đâu thì máu mạo hiểm vẫn nguyên liều…

Nói tới tuổi nhỏ như khơi dòng nhớ. Chuyện tôi hồi nhỏ, giờ giải lao giữa buổi học. Bạn trai, bạn gái ngồi hàng dài theo thềm hành lang để tán dóc với nhau. Thời đó đi học có mang dép nhựa là sang rồi vì cả nước đi dép râu. Thằng bạn quái quỷ trong lớp với biệt danh “Pháp sư”. Nó trả lời câu hỏi của Mộng Dừa (là tên chúng tôi đặt cho nàng trưởng lớp. Còn tên thật là Mộng Huyền, Mộng Tuyền gì đó. Không nhớ nữa!

Dừa hỏi, “Ê, Pháp sư. Sao đứa nào cũng có ngón chân kế dài hơn ngón cái. Còn tôi thì ngón cái lại dài hơn ngón kế?”

Pháp sư nói, “Dừa có ngón chân cái dài hơn ngón kế, là mẹ Dừa bị (đuông ăn) trước ba Dừa. Thường thì ai cũng có ngón kế dài hơn ngón cái để… chết cha tao rồi! Sau đó mới tới, chết mẹ tao luôn... Biết chưa!”

Cả đám cười vang cái hành lang dài suốt. Tiếng cười văng vẳng tới hôm nay hình hài cô bạn nhỏ ngồi kế tôi phát hoảng, nói với tôi, “Chết tui rồi! Sao ngón cái của tui với ngón kế… bằng nhau. Là sao ông?”

Tôi tỉnh bơ trả lời, “… thì ba má mày chết một lúc!”

“…”

Chuyện thời đi học không bao giờ cũ vì đã thành kỷ niệm thì kỷ niệm đâu có tuổi. Từng chuyện vui như viên kẹo nhỏ mà bạn bè trao nhau không tan trong miệng đắng đời dài. Bạn tôi còn ở trong nước. Nghe bạn bè nói cô ấy đã có cháu ngoại. Bà ngoại cả tin từ bé ấy có khi nào chợt nhớ tới trận đòn xối xả lên lưng tôi bằng chiếc dép kẹp tới đứt quai dép cũng chưa hả cơn giận, “mày trù ba má tao hả? Tao đánh cho mày chết!”

Ba má cô ấy không biết có bằng tuổi nhau không? Nhưng ngón cái và ngón kế của bàn chân cô bạn dài bằng nhau là vấn đề nan giải tới tuổi già của tôi! Vì tôi tình cờ phát hiện ra được ngón đeo nhẫn và ngón trỏ trên tay tôi có độ dài bằng nhau. Và theo Pháp sư năm xưa thì nam tả nữ hữu, nếu là bàn tay trái của người chồng có ngón đeo nhẫn dài bằng ngón trỏ, tương thích với bàn tay phải của người vợ cũng có hai ngón đó như thế; thì hai vợ chồng đó cơ hội… chìm xuồng vượt biên chung chuyến.

Sáng tuyết đá đầy trời, giá còn người bạn nhỏ nào để hồn nhiên như xưa thì cái lạnh vô nghĩa, không cần trách máy sưởi trong xe - dở ẹt!

Về được tới nhà sau mấy cú bị trượt bánh xe trên đường làm hú vía. Nhìn ra khung cửa mùa đông không gió, tuyết trắng đồi bluebonnet sau nhà. Rồi màu xanh hoa biểu tượng sẽ nhú xuân lên trong nắng tràn nay mai. Những đứa trẻ hân hoan áo mới, cười thật tươi cho ba mẹ chụp hình trong những vạt bluebonnet xanh ngát. Nhớ lại chiều qua, chắc đứa trẻ của những mùa hoa cũ là người phụ nữ cầm máy ảnh chụp hình cho con trai nhỏ của cô ấy đang chơi trợt tuyết dã chiến trên đồi bluebonnet. Tháng sau, cô ta lại đưa con gái đến chụp hình với hoa… Cô bé Mỹ của những mùa hoa, mùa tuyết trước đã làm mẹ của trẻ con tự bao giờ. Rồi một hôm tóc trắng, bà ngoại, bà nội người Mỹ ấy lau bụi lại tấm ảnh mà ba mẹ cô đã từng chụp cho cô năm cô mấy tuổi cũng trên đồi hoa này. Bà cụ Mỹ lau lại tấm ảnh của mình lần cuối để cất vào hư vô, như tôi cất chiếc dép kẹp đứt ngày nào vào ảo ảnh…

Đời người dài hay ngắn tùy mỗi suy nghĩ riêng. Vũ trụ tính tuổi bằng triệu năm, triệu triệu năm. Nhưng đời người vỏn vẹn! Mới hôm nào còn ngồi dài theo hành lang mỗi giờ ra chơi để tào lao chuyện trên trời dưới đất với bạn bè tuổi nhỏ để hôm nay trắng trời tuyết đá xa xôi, ngồi tiếc nuỗi tuổi nhỏ với bạn bè ở ngôi trường năm cũ. Ngồi vói lại thời gian thì triết gia Jame đã lập gia đình; Nhí còn bơi với bằng cấp tới bao giờ; mấy ông bạn hôm nào còn khích nhau đủ chuyện để mua vui thì đã chung ngậm ngùi, thúc thủ với bình trà và mấy cái tách trong một sáng mùa đông…

Ai cũng buồn với lo âu khi lần đầu phải xa nhà, là khi đại học; còn mấy ông bạn tôi là lúc họ đi lính. Rồi nguôi ngoa theo năm tháng trưởng thành; hưng phấn với tuổi hai mươi tự lập; rồi tự hào với những thành tựu đạt được thì đã ba mươi. Bỗng bốn mươi nhạt nhoà khi quên cặp kính, thế giới không còn rõ ràng như trước nên kích thích hoài nghi trỗi dậy với tất cả; rồi năm mươi đem bệnh tật về, vài chuyến thoát chết trong gang tấc khi còn trẻ đã thay bằng thoát nạn trong thời lượng tính phút, tính giây với tim mạch…

Mọi sự không còn quan trọng nữa khi tuổi tác đã tính bó với cuộc đời.

Sáng mùa đông vừa với câu thơ trong truyện Kiều, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trời đất buồn rượi, lòng bi quan theo những ông bạn già vừa tạm biệt ngoài quán về. Không biết sự phát triển tột bực của y học thế giới làm cho sức khoẻ và tuổi thọ của con người tăng lên đáng kể là điều đáng mừng hay đáng buồn? Vì cuộc sống, tâm tư của người lớn tuổi ở hải ngoại buồn quá! Ngày xưa, ai sống được tới sáu mươi tuổi thì con cháu đã làm lễ thượng thọ cho người đó. Sống tới bảy mươi hai tuổi thì con cháu làm lễ đại thọ cho ông bà, vì nhân sinh thất thập cổ lai hy. Ai sống tới tám mươi là hiếm lắm đối với ngày xưa. Nhưng bây giờ một người vừa retire, hết nợ đời, nợ gia đình, như mấy ông bạn. Họ đã trở về căn nhà vắng vì con cái đã ra riêng. Ai còn đủ vợ chồng thì… nhắc nhau uống thuốc. Nói chuyện gì đây ngoài bệnh tật, chuyện niềm tin sống lại khi hết tự tin thì rủ nhau đi chùa, nhà thờ thay vì vũ trường, quán nhạc… Thật hữu lý khi nhớ lại người Việt hải ngoại từng nói, “Mỹ là thiên đàng của tuổi trẻ, địa ngục của tuổi già”.

Nhớ thập niên ba mươi, khi Walter B. Pitkin viết cuốn, “Life Begins at Forty -Cuộc đời bắt đầu ở tuổi bốn mươi”. Cuốn sách liền nổi tiếng trong bối cảnh xã hội Mỹ thừa hưởng nhữngthành tựu mới mẻ của khoa học và y học; tuổi thọ của người Mỹ tăng cao từ trung bình 40 lên 60. Tác phẩm được dựng thành phim ăn khách. Tựa đề, “Cuộc đời bắt đầu ở tuổi bốn mươi” trở thành câu cửa miệng trong giao tiếp xã hội Mỹ bấy giờ. Sức ảnh hưởng của tác phẩm kéo dài tới năm 80, John Lennon còn viết ca khúc “Cuộc đời bắt đầu ở tuổi bốn mươi”.

Tuổi bốn mươi là tuổi hồi xuân của những thế hệ trước thì nay đã trở thành tuổi đời lý tưởng trong xã hội hiện đại nhờ khoa học và y học giúp cho con người về sức khoẻ. Nhưng người ta đâu cần chỉ có sức khoẻ là ổn hết, vì đến tuổi nào đó trong đời người, những yếu tố không quan trọng khi tuổi trẻ trở thành ám ảnh lúc tuổi già, những sở thích thay đồi theo thời gian; thói que, tình cảm…

Người ta nghiên cứu ra được tuổi 40 đã bắt đầu triệu chứng hay quên và thiếu tập trung. Sức làm việc trên máy điện toán chậm hơn 15% so với tuổi hai mươi. Một nghiên cứu khác cho biết, mức trầm cảm lên cao nhất cho đàn bà ở khoảng 40 tuổi, đàn ông thì 50.

Dường như sau ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh” thì người giàu hay nghèo, sướng hay khổ, học thức hay bình dân… đều thu về ốc đảo bất phùng thời để tự cô lập mình. Khoa học giúp được con người tăng tuổi thọ, nhưng tâm lý mở để sống dung hoà thì thuốc tiên chưa có!

Một sáng tuyết đá đầy trời như tóc trắng của mấy ông bạn già. Tuyết đá rồi tan đi khi nắng lên. Các ông rồi quá vãng để buồn vui thời đại nào chôn vùi theo theo thời đại đó. Khoa học kéo dài tuổi thọ của con người như cho chim lồng cá chậu uống thuốc trường sinh. Trong khi ý nghĩa của cánh chim là bầu trời; biển rộng cho cá phóng đường bơi không giới hạn… Người ta sống thêm mấy mươi năm nhờ khoa học, nhưng sống với thời đại của mình đã qua thì cuộc sống ấy đã hết ý nghĩa từ khi bắt đầu.

Phan

Ý kiến bạn đọc
23/03/201503:36:00
Khách
Vậy thì sống có cặp, có đôi, còn yêu thương chăm sóc nhau là hạnh phúc nhất trần đời. Giá mà ông trời cho sống thọ khi còn khá khỏe mạnh, còn đến lúc bịnh đau thì đứt bóng cái rụp một lúc. Lúc đó mới gọi là happy and lucky.
Thank you tác giả very nhiều. Lâu lâu tếu tếu chút cho đời còn có mùa xuân. Chứ trọng trọng tuổi rồi thì sức khỏe là quý nhất, tình cảm vợ chồng già, gia đình, con cái, bạn bè... tiếp theo...
18/03/201503:53:52
Khách
Lý luận xuất sắc . Cảm ơn tác giả .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,075,125
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA ngành giáo dục năm 2000,
Tác giả tên thật Phương Nguyễn thị, sinh năm 1955 tại Phủ Cam Huế, cựu học sinh trường Jeanne DArc. Cư dân thành Phố Shoreline, Tiểu bang WA.
Tác giả tên thật là Đoàn Q Vũ, sĩ quan Hải quân VNVH, cựu tù cộng sản, hiện là cư dân vùng ZLittle Saigon. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Vượt Biển Bằng Thuyền Buồm” đã phổ biến.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Ông là một y sĩ thuộc hội Ái Hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh,
An nô nức mong chờ ngày họp mặt cựu sinh viên, học sinh tỉnh Tây Ninh trên khắp thế giới tổ chức tại miền nam California.
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ
Tác giả tên thật Nguyễn Văn Ni, 70 tuổi, sinh quán Bến Tre. Tại Việt Nam trước 1975, ông giảng viên Đại học Nông Lâm Súc Cần Thơ; Đi lính Khóa 6/70 Thủ Đức.
Tác giả là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, là một Kỹ sư Dầu Khí đang sống tại Sài Gòn và làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô là một nhà giáo, hiện làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, California.
Tác giả từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến