Tác giả tên thật Trần Ngọc Bình, cựu sĩ quan QLVNCH. Nghề nghiệp tại Việt Nam: Dạy Anh ngữ trước 75 và sau khi đi cải tạo về. Định cư tại Mỹ theo diện HO 6 chuyển qua diện ODP., hiện cư trú tại Greenville, tiểu bang South Carolina. nghề nghiệp: Machine Operator. Ông đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ rất chừng mực mà duyên dáng. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
*
Anh C mến,
Mới rồi, em có nhận được thư anh, em đọc rồi cứ suy nghĩ mãi không hiểu nên trả lời anh ra sao vì câu hỏi của anh làm em "bí" quá. Kế đến vì công việc kiếm sống cứ làm em "lu xu bu" nên bây giờ nhân dịp có ngày lễ hãng nghỉ nên em mới có thì giờ trả lời anh mà trong lòng cứ phân vân, không biết có đúng hay không.
Đọc đến đây, chắc anh lại "rủa" em rồi, thằng này lại muốn ca bài "ở xa, biên thư về nhà nói phét" làm gì mà không có thì giờ. Em có thể nói là ở Mỹ anh chịu khó làm việc thế là anh có thể mua được những món mà ở Việt nam rất khó mua vì đồng lương quá eo hẹp như TV, tủ lạnh, video camera, digital camera vv... nhưng có một thứ muốn mua mà không có anh à đó là "thì giờ" ai ở bên Mỹ đã lâu cũng đều nhận ra điều này, em nói không ngoa đâu, vì ở bên này, một ngày hình như ngắn quá tuy rằng nó có tới 24 tiếng đồng hồ lận.
Anh có tin không, hai vợ chồng em chỉ được gặp nhau vào cuối tuần tuy cùng ở chung một nhà, còn ngày trong tuần chỉ thoáng gặp nhau, nếu em chịu khó thức sớm lúc 6 giờ 30 sáng để thấy vợ em ra khỏi nhà, vì ngày thường còn lo ngủ để có sức mà "đi cày" chồng làm ca 2, vợ làm ca 1 đó là tình hình hiện nay của gia đình em. Ca 1 làm từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều, còn ca 2 làm từ 3 giờ đến 11 giờ đêm, lúc em về đến nhà thì vợ em đã ngủ, đến lúc em thức lối 8 giờ sáng thì "mẹ" ấy đã đi làm rồi và đôi khi em nhận được cái "note" của bả nói hôm nay mang món gì đi đến sở làm vì sợ em quên! Thế có chán mớ đời không. Còn thứ bảy, chủ nhật thì lại lo đi chợ, giặt giũ, cắt cỏ, nếu là được cả hai ngày, còn nếu thứ bảy phải "overtime" thì chỉ còn có mỗi ngày chủ nhật để lo chừng ấy chuyện lặt vặt trong nhà, nên ở bên này cứ phải lấy bài ca "no news is good news" mà ca dài dài để mong bà con cô bác cho tại sao không thăm hỏi nhau như người Việt Nam ta thường làm.
Mãi nói chuyện với anh về đời sống bên này, em đã "lạc đề" rồi, anh hỏi em có còn tình tự quê hương không, nay em lại muốn hỏi ngược lại anh tình tự quê hương là gì anh nhỉ. Phải chăng đó chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong tòa nhà văn hiến của bất cứ dân tộc nào, kể cả dân tộc ta với 4000 năm văn hiến.
Thú thực với anh, từ ngày mài lưng đũng quần ở các trường học cho đến ngày lên đường sang tỵ nạn ở bên Mỹ này, hình như em chưa được ai dạy cho biết thế nào là tình tự quê hương.
Vậy thì, thưa anh theo em hiểu thì tình tự quê hương phải chăng là hình ảnh nên thơ qua con sông nước chảy êm đềm:
Quê hương tôi
có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Phạm Duy
Hình ảnh cô gái tát nước:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Bàng Bá Lân
Hay hình ảnh dịu hiền của người con gái:
...Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Nguyên Sa
Hay là một cuộc tình dang dở mà nên thơ:
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay
Ca dao
Hay món ăn mộc mạc, đơn sơ mà không bao giờ có thể quên:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh ra muống, nhớ cà dầm tương
Ca dao
Vâng, thưa anh trên đây chỉ là vài thí dụ về tình tự quê hương qua những câu ca dao, câu thơ, hay lời của bài hát tuy đơn giản, mộc mạc nhưng gợi nhớ biết bao là kỷ niệm êm đềm nơi quê hương dấu yêu.
Sống ở bên Mỹ này, những người lao động như em, em không dám lạm bàn đến những giai tầng khác của xã hội.
Thế nhưng, có điều em không ngờ những tình tự quê hương Việt Nam đã lại ăn sâu vào tâm tư của những người Mỹ, mà em có dịp quen biết và đến nay vẫn là bạn thiết của gia đình em ở nơi xa cách nghìn trùng này. Có những người Mỹ đã một lần ở Việt Nam trong thời chiến và bây giờ những tình tự quê hương Việt Nam này được coi những kỷ niệm êm đềm, nên thơ, đẹp đẽ nên họ đều không muốn rời xa, trái lại còn duy trì và phát triển trong đời sống riêng tư của họ nữa cơ. Điển hình là ông David ông là bạn thân thiết của em chỉ trong một thời gian ngắn sau khi tới Greenville cho tới bây giờ.
Sao Nam Trần Ngọc Bình