Hôm nay,  

Những Khởi Đầu Của Một Gã Tha Hương

23/08/200300:00:00(Xem: 204303)

Người viết: YÊN SƠN
Bài số 333-872-vb4200803

Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, 53 tuổi, hiện là kỹ sư điện toán Hewlett Packard/ Houston. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông cho biết thêm qua nhân vật “hắn”: một võ sư Thiếu Lâm Bắc Phái, cựu phi công quân lực VNCH, rời Việt Nam ngày 29 tháng Tư, được bảo lãnh ra khỏi trại tị nạn Eglin AFB ở Florida ngay từ cuối tháng 5-1975. Mong tác giả sẽ viết tiếp phần khởi đầu rất sống động và xúc động của ông. Bài đăng 2 kỳ.


Hắn cứ sống với sức sống vươn lên trong cái ảo tưởng, mơ hồ như một người khách la.ï Hắn luyến tiếc quá tuổi thanh xuân cho nên rất ít khi hắn công nhận là hắn đã đứng bên kia một nửa cuộc đời! Hắn không sợ già nhưng hắn không muốn chấp nhận. Chưa làm được việc gì nên trò nên trống mà đã già rồi nghe thê thảm lắm! Hắn vẫn thường nói đùa với bạn bè, người quen là hắn sẽ không bao giờ quá 50 tuổi! Ai nghe qua cũng ngơ ngác trước khi hắn cười hiền giải thích: "kế tiếp 50 sẽ là 49 đến 48, 47... 40 rồi quành lại 41, 42... và cứ thế!"
Có thể trong chiến tranh khốc liệt xưa kia, hắn đã không thể sống hết mình, sống buông thả như bao nhiêu người khác. Hắn đã sống một cuộc sống mà người đời thường cho là mẫu mực, nề nếp vì hắn tự nguyện đánh ván bài "được ăn cả, ngã về không", có nghĩa là nếu số phận an bài cho hắn sẽ làm được gì trong đời thì nhất định không thể chết bất tử được. Hắn lo xây dựng tương lai trước sự ra đi vội vã của bạn bè hàng ngày; hắn cố bồi đắp cho tương lai trong những hoang tàn, đỗ nát, khốc liệt của chiến tranh... Hắn đã nghĩ "nếu có chết cũng nên chọn cái chết oai hùng trong sự thanh bạch bản thân để trả ơn tác tạo của mẹ cha, và để lại cho những người thân yêu niềm thương mến và hãnh diện". Thế nên ở đơn vị nào, bay loại máy bay nào hắn cũng xông pha, cũng tình nguyện. Hắn không bao giờ từ chối khi có bạn bè nhờ đi bay thế khi bận chuyện riêng tư, chuyện gia đình... dù ở đâu, lúc nào hắn cũng nghe kháo là "đi bay thế rất dễ lên bàn thờ". Rất điển hình, có thằng bạn cùng tên khác họ với hắn, ngày xưa cùng chung đơn vị, đang ở gần đây. Bạn bè lâu lâu tụ tập lại với nhau để biết là còn có nhau. Bao giờ cũng thế, chuyện mới chỉ là chuyện áo cơm, rất ít; chuyện cũ ai cũng thuộc lòng, nói hoài vẫn như mới! Người bạn bao giờ cũng tìm dịp nhắc lại cho người chung quanh biết là ngày xửa, ngày xưa, khi nó mê đắm vợ nó bây giờ thường hay nhờ vã hắn bay thế... Và cứ thế, tuổi thanh xuân của hắn cứ ngày một ngày hai phiêu bồng với mây, với gió, với nắng, với mưa trên khắp vùng trời miền Nam nước Việt...
Ôi những toan tính rốt cuộc cũng bất chợt chạy bạt mạng theo đoàn người di tản buồn, không một lời từ giã; không biết mình đi đâu, về đâu vào buổi trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975 giữa tiếng bom đạn vang rền, giữa những hổn loạn cùng cực! Bất chợt đến nỗi không kịp mang theo người yêu dấu chỉ ở cách phi trường 45 phút chạy Honda! Cũng may là "ngã nhưng chưa về không" mà "ngã" cho hắn thêm nhiều cay đắng, đau thương hơn khi nhận ra mình phải sống đời tha hương, viễn xứ, để lại sau lưng một quê hương nghiệt ngã, rách nát; để lại sau lưng bao tình thâm, nghĩa trọng, bao ơn nợ bạn bè! Những chặng đường hắn đã đi qua từ khi tan đàn sẫy nghé thật lắm gian truân. Hắn may mắn một cách nhiệm mầu bốc theo được hai đứa em trai đang theo học ở Saigon - hai đứa rủ nhau chạy tìm anh ở khu cư xá độc thân, trong phi trường, từ chiều hôm trước - mà tiếng Anh của cả hai khi giao thiệp lại rất mỏi tay!
Sau vài tuần lễ trong trại tỵ nạn Eglin AFB ở Florida, anh em hắn được bà già nuôi người Mỹ, ở San Antonio, bảo lãnh ra khỏi trại tỵ nạn vào một trưa thứ Bảy cuối tháng 5/1975.
Bà già nuôi là vợ của một cố Trung Tá Không Quân Mỹ thời đệ nhị thế chiến. Bà chia sẻ tuổi già với đứa con trai trung niên, ly dị vợ con, trong một căn nhà gạch cũ. Lợi tức của hai mẹ con là tiền cho thuê mấy mẫu nông trại cộng với tiền hưu bỗng ít ỏi! Ở bà, hắn thấy bà giàu nhất ở tấm lòng quý hiếm. Hắn đã gặp và thân quen với bà từ những ngày vỗ cánh tập bay trên đất nước này vào mùa Thu năm 1969, giữa những háo hức tuổi trẻ và bầu nhiệt huyết tràn đầy mà tương lai và mộng ước ngập tầm tay, với niềm tự hào là một trong những đứa con tuyển chọn của đất nước Việt Nam. Tình cảnh bây giờ hoàn toàn trái ngược! Gặp lại bà trong thân phận một gã tỵ nạn, một thằng chiến bại với những ước mơ cùn lụt, lụi tàn! Hắn đã cúi đầu rơi nước mắt với những dòng suy tư hụt hẫng đó. Hắn là người cứng cỏi, hay ít nhất cũng làm ra vẽ, rất ít khi rơi nước mắt vô nghĩa; thế mà từ dạo cuối tháng tư đến nay, nước mắt ở đâu cứ chực tuôn trào! Hắn nhìn bà đầy mặc cảm pha trộn quý mến, cùng lúc thoáng trong tâm tư muộn phiền của hắn có chút cay đắng nghĩ về những người bạn đồng minh đã đành lòng ngoảnh mặt, quay lưng với dân tộc hắn! Trên đường từ phi trường về, hắn nhận ra những lối cũ thân quen, cũng những xa lộ tròng tréo lên nhau, với I.10 chạy mịt mù về miền viễn tây nước Mỹ xa xăm như cuộc đời vô định của anh em hắn mở ra trước mắt! Chốc chốc hắn lại thở dài, vũng buồn trào dâng mênh mang như những đại dương bao la dưới cánh phi cơ trên những chặng đường tỵ nạn! Hắn ao ước có cái cớ gì để hắn có thể bật khóc cho vơi bớt những u uất trĩu nặng trong tâm hồn!
Sáng Chủ Nhật, anh em hắn theo chân bà già đi lễ nhà thờ! Bà bảo sẽ giới thiệu với người trong họ đạo có thể sẽ được mướn đi làm! Mặc dù hắn đã chuẩn bị tinh thần để bắt đầu cho cuộc sống mới từ trong trại, nhưng vẫn ngỡ ngàng khi nghe bà nói ba chữ "mướn đi làm". Từ hồi nào tới giờ hắn chỉ quen với các cụm chữ "đi chơi, đi học, đi lính, đi bay". Bây giờ cũng là chữ "đi" quen thuộc nhưng chữ "mướn" ở trước và chữ "làm" theo sau! "Mướn đi làm"! Cụm chữ đối với hắn như là một xác nhận đau đớn! Trong thâm tâm hắn có cái gì lạ lẫm lẫn bàng hoàng! Hắn than thầm: "thế là hết thiệt rồi một đời ngang dọc!" Nước mắt hắn lại chực rơi! Ôi quê hương tổ quốc! Ôi những người thân thương! Suốt buổi lễ hắn ngồi nghiền ngẫm trận chiến nội tâm, thỉnh thoảng lẩm bẩm ba chữ "mướn đi làm" như một gã điên! Hai đứa em, bốn mắt nhìn lạc lõng!
Lễ đã xong mà sao anh em hắn vẫn ngồi yên một chỗ, dường như có nhiều cặp mắt bám chặt anh em hắn. Hắn triền miên chao đảo và không biết hai đứa em nghĩ gì! Cả ba lúng túng, vụng về chưa biết xoay trở làm sao thì bà già tiến đến với một trung niên da trắng, tóc vàng. Bà giới thiệu hai bên ngập ngừng bắt tay tay bắt để cuối cùng biết rằng, kể từ sáng mai, Mike sẽ tới nhà bà đón hắn đi phụ việc bảo trì nhà cửa. Mike bảo hắn yên tâm, chỉ làm thợ vịn và học được chút gì hay chút đó; hắn chỉ làm part time và được trả $2/giờ! Bà già mừng rối rít, còn hắn thì lí nhí cám ơn, bộ điệu ngập ngừng không ra thể thống nào cả! Số là trong đầu óc máy móc của hắn những con số đang chạy rì rào: "$2/giờ vị chi $16/ngày, hay ít nhất cũng $320/tháng nhân cho khoảng 1.000 tiền Việt Nam cho mỗi đô la... whoa! Con số hắn chưa từng có suốt đời học trò cũng như lương sĩ quan phi công Việt Nam một trời ngang dọc!" Hắn thấy chát đắng trong miệng, mắt chợt mờ câm! Nhìn lại các em và chính bản thân hắn với bộ áo quần duy nhất của mỗi người đã mặc theo trong lúc chạy loạn, dường như chỉ một thoáng thôi niềm vui chợt đến rồi vội đi!
Ở trại tỵ nạn người ta cũng phát đồ cũ, anh em hắn cũng lựa được vài ba bộ khả dĩ nhưng vẫn thùng thình; thế nên khi nào có dịp cho bảnh bao thì vẫn phải mặc bồ đồ Việt Nam duy nhất, dù đã cũ nhưng vô cùng thân thiết! Bà già thấy hắn lúng túng vội đỡ lời, nói với Mike chắc là hắn "shy" (mắc cỡ) và vốn dĩ ít nói!
7 giờ sáng hôm sau là một ngày mới, một cuộc đời mới của hắn. Hắn ngoan ngoãn làm tất cả những gì thằng Mike biểu làm; hắn làm ngon lành, mau lẹ dù có lúc hắn thật sự rơi nước mắt - Chỉ một tháng thôi mà đã nghìn trùng xa cách, mà đã voi chó đổi đời! - Từ quét rác, lau cầu tiêu, cắt ráp kính cửa sổ đến sơn quét... đủ cả! Cái gì nó chỉ là hắn làm được ngay, nó có vẻ hài lòng lắm!
Buổi chiều trên đường về, thằng Mike đưa ngón tay cái lên trước mặt hắn rồi nói: "you are good, you are number one!" (mày hay quá, mày số một!) Hắn gượng cười cám ơn trả lễ nhưng trong thâm tâm hắn, hắn sôi nổi nghĩ rằng: "máy bay mà tao còn lái đủ loại sá chi công việc không cần đầu óc này!" Hắn xoay người ra cửa sổ như mải mê với cảnh vật chung quanh nhưng cốt để dấu đôi mắt đỏ mọng nước! Hắn bắt đầu thấy giận hắn sao mau nước mắt, sao trở nên ủy mị quá chừng!


Để tránh buồn phiền, hắn bắt đầu tập võ ở vườn sau mỗi chiều đi làm về. Một hôm, John đề nghị đưa hắn đi thăm trường dạy võ gần nhà. Hắn hăng hái đi liền. Không biết John nói gì với ông thầy trong văn phòng mà hắn được ông ta tiếp đãi niềm nỡ. Ông ta là một huyền đai tam đẳng, Mỹ trắng, tên Guidry, khoảng hơn 30 tuổi, tính tình có vẻ hiền hòa. Trước khi ra về, ông ta ngỏ ý welcome hắn tới tập bất cứ lúùc nào, ông sẽ tặng võ phục và không phải trả tiền gì cả. Được lời như cởi tấm lòng!
Thế là ngày đi làm vất vưởng, tối về đi bộ đến trường tập võ cho quên đời. Sau một tuần lễ siêng năng tập luyện, ông thầy đề nghị hắn giúp ông dạy hai lớp tối, cách ngày và mỗi lớp 1 tiếng 15 phút; mỗi tuần ông trả $10 tiền mặt. Còn gì mừng hơn, vừa có cơ hội tập luyện, vừa được tiền!
Dạy được một tuần thì xảy ra chuyện! Số là có hai huấn luyện viên dạy ở đó đã lâu - một Mỹ đen 2 đẳng, Mễ bự con 1 đẳng - có lẽ thấy hắn là ma mới nên tính dằn mặt, rủ hắn đấu giao hữu! Hắn đã thấy những ánh mắt không chút thiện cảm của hai đứa này từ lúc nhập trường.
Hắn nói nhỏ với hai đứa là hắn không thích các huấn luyện viên đấu nhau trước mặt võ sinh. Hai thằng cùng nói đâu có sao, ở đây thầy trò còn đấu nhau nữa huống chi chúng ta là huấn luyện viên; hơn nữa đây cũng là cách hướng dẫn cho võ sinh! Hắn tỏ ý không muốn nhưng hai thằng kia cứ ép buộc. Thiệt tình hắn đâu có sợ đấu bao giờ vì xưa kia đã là một trong bốn cột trụ của võ đường Thiếu Lâm Bắc phái Phú Nhuận, và đã một thời mưa gió trên các võ đài tự do từ Saigon ra Đà Nẵng, chưa kể hắn còn là một tuyển thủ Thái Cực Đạo có hạng của Không Quân Tân Sơn Nhất!
Hắn giao hẹn chỉ đấu giao hữu thôi sau khi được sự khuyến khích của ông chủ. (Hắn nghĩ chắc ông chủ cũng muốn thử tài hắn!) Đấu giao hữu là không cố tình gây thương tích nhau. Nhưng thằng Mễ mất dạy vừa ra tay đã muốn hạ độc thủ, cứ xông vào như con trâu cui, không có đòn thế gì cả, lại còn cứ mặt hắn mà đấm! Hắn mà không nhanh tay lẹ mắt thì lỗ mũi ăn trầu như chơi. Hắn chỉ dùng đôi chân nhanh lẹ né tránh dễ dàng. Cứ như mèo bỡn chuột khiến thằng Mễ tức giận sau một hồi đánh không khí. Hắn dừng lại hỏi "mày đấu Thái Cực Đạo hay đấu Quyền Anh" Đấu Thái Cực Đạo không được đấm vô mặt!"... nhưng có lẽ thằng Mễ không hiểu tiếng Mỹ của hắn hay sao nên cứ cái mửng cũ tấn công hoài. Hắn đã nhường vì thấy khả năng của thằng giặc này không bằng võ sinh đai xanh đậm của Việt Nam, phần nữa nó lại thấp đẳng hơn; nhưng hoàn cảnh trước mắt hắn không thể kéo dài hơn được... tự nhủ nếu không nặng tay sợ nó không phục. Hắn dừng lại cảnh cáo thêm lần nữa như thể... phân bua với cả trường trước khi dạy cho nó bài học lễ độ! Chờ thằng con xông tới, hắn không né nữa mà co chân trái lên dùng đầu gối cản sức tới của nó, tay trái đánh nhứ vô mặt địch thủ cùng lúc chân trái đặt xuống, chân phải nhanh như cắt quạt gót 360 độ... nếu hắn không lưu tình co bớt chân, dùng mũi bàn chân thay gót, chắc thằng con đã đo ván. Dù vậy, lỗ mũi nó cũng đã ăn trầu! Cả lớp vỗ ta! Thằng Mễ chưa kịp lên tiếng thì thằng Mỹ đen đã la lên:
- Tại sao mầy vừa nói đấu Thái Cực Đạo không được đấm vô mặt mà mày làm"
- Nó bị đòn chân của tao rõ ràng mà sao mày lại nói tao đấm!
- Tao thấy mày đấm trúng mặt nó trước khi mày quay gót!
Hắn quay hỏi ông chủ:
- Guidry, ông nghĩ sao"
- Có lẽ mày đánh lẹ quá nên tao cũng không chắc thấy!
-Mày đấm vô mũi tao! Thằng Mễ nói.
-Mày muốn xem lại đòn chân vừa rồi không"
Hắn cười hỏi.
Thằng Mễ chưa kịp trả lời thì thằng đen lên tiếng:
- Tao muốn thử đòn chân của mày!
Thấy tình hình căng thẳng, hắn có chút e ngại nhìn ông chủ, thấy ông ta gật đầu và nói:
- Đấu giao hữu với nhau đừng để mất hòa khí!
- Mày nghe không Larry! Hắn nói với thằng đen như cố tình chọc giận nó.
Thằng đen không nói thêm một lời, thủ bộ đợi chờ, hai con mắt tròng trắng nhiều hơn tròng đen ngó hắn không chớp. Hắn thủ bộ với tiếng hét "ki-ai" để thị oai làm mọi người giật mình. Thằng đen tức tốc ra đòn mạnh bạo. Đôi chân nó di chuyển khá nhuần nhuyễn. Hắn nhủ lòng phải cẩn thận hơn rồi lại dùng tài tránh né để thăm dò lối đánh của đối thủ. Quái lạ, lũ này học Thái Cực Đạo mà dùng tay như quyền Anh, chân đá không cao hơn ngực! Dù vậy cú đá ngược chân phải của nó cũng khá thần tốc, còn chân trái rất giới hạn, chỉ đá phang ống yếu xìu! Nó hay xông vô đấm liên hoàn xong là đá ngược; còn mỗi lần phang ống thì lui lại thủ thế! Lúc thằng đen phang lần thứ ba, hắn đưa ống chân trái lên chịu, thằng con đau quá nhăn mặt, chưa kịp lùi thì đã lãnh trọn cú đá ngược thẳng vô ngực, ngã ngồi ra đằng sau. Mọi người cùng ồ lên rồi vỗ tay tán thưởng. Cũng may là hắn đã giảm lực và thằng đen có mang áo giáp chứ không thì đã chết giấc! Hắn đưa tay đỡ đối thủ dậy nhưng thằng đen đã làm lơ tay hắn, tự đứng lên. Hắn xin lỗi đã lỡ chân! Giudry đứng dậy biểu cả ba người bắt tay và chấm dứt buổi tập. Thằng đen bắt tay lấy lệ mà mắt thì lườm dữ dằn!
Tan lớp, Guidry giữ hắn lại. Hắn nghĩ là có chuyện rồi đây. Nhưng không, Guidry chỉ nói là ông ta rất thích lối đánh, nhất là thái độ của hắn. Dù vậy cũng nên cẩn thận. Guidry hỏi hắn dự thi đấu ở Houston vào cuối tuần tới. Ông ta nói sẽ cùng đi với võ đường và ông sẽ đóng tiền dự thi cho hắn, $20 cho cả thi quyền và đấu. Lúc đó số tiền $20 rất lớn đối với hắn (xăng 40 xu/gallon; thuốc lá 15 xu/gói). Hắn ngần ngại nhưng Guidry ép hắn nhận lời rồi cười nói sẽ không trừ tiền hàng tuần đâu mà lo. Hắn cám ơn Guidry rồi ra về.
*
5:30 giờ sáng sớm thứ Bảy mọi người lục tục lên xe 15 chỗ ngồi, khởi hành ngay cho kịp 10 giờ sáng khai mạc! Từ San Antonio tới Houston với hơn chục võ sinh các cấp, có cả hai thằng ông nội. Suốt chặng đường ba người không trao đổi với nhau một lời!
Lần đầu tiên tham dự đấu võ bên Mỹ, hắn không sợ nhưng cảm thấy hồi hộp! Trên xe, Guidry giảng giải cho hắn và mọi người biết thể lệ thi cử. Xe chỉ dừng lại đổ xăng và cho mọi người đi xả bầu tâm sự, vậy mà đến nơi cũng hơn 9 giờ! Guidry bảo mọi người tự túc mua đồ ăn tại chỗ, hắn thấy giá đắt quá không ăn và đi ra một góc ôn quyền.
Thi quyền buổi sáng. Vận động trường là một sân đấu bóng rổ của trường Đại học Houston, vậy mà đầy nghẹt người thi đấu. Rất đông người về từ các thành phố và tiểu bang lân cận. Nhóm huyền đai của hắn có cả thằng Mỹ đen cùng trường! Chờ đến khi hắn thi quyền đã gần 1 giờ trưa. Giám khảo là hai ông thầy Đại Hàn và một Mỹ đen. Kết quả, Đại Hàn nhất, Mỹ trắng nhì, thằng đen hạng Ba, còn hắn... lọt sổ! Hắn vẫn thù tụi Đại Hàn bao giờ cũng ăn gian nên dù tức lắm cũng đành. Chú Mỹ đen nghiêng đầu, rùn vai, mắt nhướng lên mỉm cười nhìn hắn tuồng như hả hê nhưng hắn tới bắt tay nói lời chúc mừng khi nó ôm trophy đi xuống!
Gần 5 giờ chiều mới tới lượt hắn thi đấu. Nhóm hắn có 12 người, hạng cân 130 lbs-150 lbs, từ 1-3 đẳng. Thằng Mễ ở hạng cân khác nhưng thằng bạn Mỹ đen ở chung nhóm. Nhờ Guidry mua thức ăn đầy đủ nên hắn thắng vòng loại dễ dàng, hạ đối thủ 3-0; Ở vòng hai gặp một chú Mỹ đen khác. Thằng phải gió này cũng chỉ có tay. Chạy vòng vòng, lâu lâu lại xông vô chọc cú vô ngực xong thụt lùi, hắn chưa kịp phản ứng thì trọng tài đã dừng đấu và cho điểm thằng phải gió! Hắn thấy buồn cười quá, chưa biết xoay trở ra sao thì lại bị cú liên tiếp! Trời ơi! Đánh với đấm không ra sao cả! Chỉ cần một điểm nữa là ... tàn cuộc chiến! Không khéo thì cũng sẽ thua như đã chạy cuộc chiến vừa tàn, cũng oan uổng, cũng bất ngơ!ø Hắn nghĩ phải cấp tốc hành động! Để thua vớ vẩn như vầy sẽ mang nhục! Thằng khỉ gió tính ăn quen nhưng... nó vừa nhảy vô, hắn bước ngang chân trái qua, thằng con lỡ đà chưa kịp rút lui đã lãnh đủ một cú quay gót vô đầu với tất cả sức mạnh, thằng khỉ ngã ra bất tĩnh! Hắn bị loại vì cố tình đánh trọng thương (uncontrolled contact). Guidry phản đối dữ dội nhưng không được!
Trong khi chú đen phe ta vào được chung kết, đánh tam giác và lãnh hạng ba! Hắn cười buồn tới bắt tay chúc mừng chú đen (hắn thấy chú đen siết tay hắn chặt lắm), cùng lúc chú Mễ lãnh hạng nhì ở nhóm nặng cân. Tổng cộng võ đường mang về hơn 15 cúp lớn nhỏ trong khi hắn chỉ cười trừ! Chú Mễ và chú đen chịu nói chuyện làm thân với hắn trên suốt đường về. Hắn chỉ đơn giản nghĩ chắc chúng nó đang vui trên sự kém may mắn của mình! Cả xe vui vẻ, cười nói huyên thuyên. Guidry và mọi người cho hắn trúng lô an ủi!
Sau chuyến đi Houston trở về, cả hai chú Mễ và chú đen đều tỏ ra thân thiện với hắn. Chú đen nói với hắn rất chân thành rằng chú rất cảm ơn hắn đã không cho chú đo ván vào tuần trước như chú Mỹ đen ở tournament. Chú Mễ không nói gì nhưng hay hỏi han hắn về kỹ thuật. Lớp hắn dạy đông hơn, thu hút thêm một số học trò con gái Mễ. Hắn tự nhủ "tuy thua trận nhưng thắng tình bạn bè cũng đáng"!
Và ngày tháng vô tình, vô định vẫn tiếp tục dù trường võ đã cho hắn chút niềm vui tạm thời!

Yên Sơn


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 58,803,162
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo