Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Cho Thuê Phòng

14/09/202015:34:00(Xem: 8387)

Minh Thúy
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”,   Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.  

***

viet ve nuoc My
Mấy năm trước Chị về Santa Ana chơi một tuần theo sự rủ rê của Vân (bạn học năm xưa). Vợ chồng bạn ở ngôi nhà 3 phòng, các con có gia đình đã ở riêng cả, vợ chồng bạn dùng một phòng, 2 phòng kia cho share.

Thời gian nơi đây, bạn chở đi chơi loanh quanh như khu Phước Lộc Thọ, chùa Tàu, chùa Ấn Độ, đi chợ trời...v..v...khi về nhà chị Tiên thấy 2 cậu thanh niên vài lần xuống mở tủ lạnh lấy nước rồi lại biệt lặn. Chị thắc mắc hỏi bạn Vân, bạn cho biết

- Hai cháu là hai người share phòng, không hề bước xuống dưới này, đi làm về là ở trong phòng, ăn ngoài không nấu nướng gì hết.

Chị suy nghĩ miên man về chuyện này, dự tính cũng sẽ bắt chước bạn kiếm ít tiền tiêu pha thêm.

Cuộc sống hiện vẫn thoải mái sau 22 năm cày bừa dốc sức của vợ chồng Chị. Anh làm job computer technician, nhờ trời công việc vẫn bền vững cho đến bây giờ, ngoài ra Anh còn sửa máy thêm tại nhà nhờ số bạn quen biết giới thiệu. Còn Chị làm mấy hãng điện tử, đến năm 57 tuổi Chị bị laid off, sau đó nạp đơn nhiều hãng không được tuyển nữa, Chị ghi tên học khoá cắm hoa, học Anh văn và công việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa cũng đủ hết giờ.

Chị có một cháu trai tên Dũng đã tốt nghiệp về Computer Science đi làm xa bên tiểu bang Tennessee.

Thấy bạn Vân cho share phòng khỏe quá, tại sao Chị lại không làm vậy. Chị nghĩ “chồng mình đã lo hết mọi thứ, chẳng lý bây giờ muốn gì cũng xin thêm, chỉ có cách này là tốt nhất”. Căn nhà có 4 phòng, vợ chồng Chị 1 phòng, con trai 1 phòng để lúc cháu về thăm nhà, 2 phòng dưới lầu đã có chú em độc thân ở 1 phòng, nay còn 1 phòng trống

“À...đây là cơ hội giúp mình rồi” . Chị bỗng thấy vui và phấn khởi vô cùng ...

Về nhà Chị nói dự tính cho Anh nghe, bị Anh trừng mắt phản ứng ngay:

- Nhà cửa nợ nần sắp trả xong, chưa đến nỗi thiếu thốn bày đặt cho share phòng chi nữa?

Chị ôn tồn kể trường hợp bạn cho thuê phòng rất thoải mái, có người ở cũng như không, cuối tháng tiền tự đến.

- Tui thấy dư phòng uổng lắm, chi bằng cho thuê có chút tiền để tui tiêu pha thêm, nào là .. bên Việt Nam bạn bè dòng họ, bên này đến Chùa sinh hoạt ngồi mòn gối cũng biết bỏ thùng Phước sương tiền điện, thông báo hội đoàn này, hội đoàn kia, Thương phế binh, người cùi, homeless ...v...v....Tui biết ông bao 19 lô hết rồi. Ông để tui kiếm thêm chút đỉnh tiêu riêng nghe, giờ cho tui mở “small business” thử thời vận xem sao nè.

Anh chẳng nói gì chỉ bỏ đi. Chị hiểu tính Anh hiền lành và dễ chịu, Anh nói vậy thôi chứ cũng để Chị muốn làm gì thì làm.

Chị cũng nhờ ơn mưa móc của Anh, gặp Anh khi tuổi xuân đã tàn phai, Anh chẳng chê mà còn dẫn Chị theo qua Mỹ. Số Chị có phước mới gặp được Anh, nhớ giai đoạn thất nghiệp anh bảo chị ở nhà cho khỏe, để mình anh làm đủ rồi.

Nhiều khi ngồi nhớ chuyện đời Chị, ký ức như cuốn phim quay đều sau ngày đất nước điêu linh 1975...

Hồi đó dân Huế nói chung đa số đều hành nghề “cô giáo” đủ mọi tầng lớp. Từ khoá “Ấp Tân Sinh” tuyển lựa chứng chỉ đệ tứ (lớp 9) đào tạo 3 tháng về dạy vùng quê. Kế tiếp là “B2 Bật 1” nhận chứng chỉ đệ nhị (lớp 11) loại này thường nhờ quen biết đưa thẳng vào trường dạy, lên thêm là sư phạm Quy Nhơn (bằng bán phần, toàn phần ) phải thi gay go học 3 năm, tất cả đều dạy tiểu học.

Gần những năm 74, 75 số thầy cô bị thiếu nên có các khoá sư phạm cấp tốc 1 năm, đào tạo ra dạy đệ nhất cấp (lớp 6 đến lớp 9) .Cao hơn nữa là Sư phạm 4 năm dạy đệ nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12)

Mọi người có cuộc sống đạm bạc nhẹ nhàng. Hình ảnh mỗi chiều tan học, trên đường biết bao nhiêu tà áo thướt tha của các cô giáo tay xách dù, vai mang bóp trông rất hiền hoà thanh lịch đẹp mắt.

Thế rồi sau 75, đời không còn như mơ, cuộc sống biết bao nhiêu sự xáo trộn... Bằng sư phạm, B2B1 đang dạy thành phố bị đổi về làng quê, Ấp Tân Sinh, con cháu liệt sĩ, hoặc giáo viên ngoài Bắc được ưu tiên dạy thành phố.

Chị Tiên cũng không ngoại lệ bị đổi về trường Quảng Thọ, xã Quảng Thọ, mỗi ngày đạp xe qua cầu Hương Cần, từ Huế đến trường mất 18 cây số.

Ban đầu Chị cũng cố gắng yêu nghề đồng thời giải quyết miếng cơm mạnh áo. Nhưng con người Chị vốn nhút nhát, dỡ hơi mọi mặt nên không thể chịu đựng áp lực về tinh thần, cả thể chất mệt nhọc đạp xe đường xa vào những ngày mưa gió tới lớp học vắng tanh, hiệu trưởng ngồi chầu rìa, Chị thở dốc nghỉ mệt đứng nhìn mưa buồn hiu hắt. Sau cơn mưa thì cũng sắp đến giờ ra về, có phụ huynh ôm rổ khoai mới nấu nóng hổi đến biếu Cô.

- Cô cho em nó nghỉ, mưa gió quá mà ...biếu Cô ít khoai ăn lấy thảo và xin lỗi Cô.

Nói sao bây giờ với ngôi làng đèo heo hút gió, trường học leo ngeo con số học trò thưa thớt, uể oải, dân quê cực nhọc lầm than lo kiếm miếng ăn tối mặt tắt đèn bằng nghề nông vất vả nghèo khó trước tiên “có thực mới vực được đạo”

Một lần Chị ngồi đối diện một em mặc quần toẹt đáy đã 2 hôm, Chị nhắc nhở em:

- Ngày mai đi học em nhớ thay quần khác nghe chưa ?

Bỗng nhiên có tiếng em khác nói to:

- Thưa Cô ...trò ...chỉ có một quần nớ.

Chị cũng nghẹn ngào theo cái đói cái nghèo của cả Cô lẫn trò...

Trong vòng nửa năm Chị không còn kiên nhẫn, bỏ dạy vì đuối sức và chán nãn. Giai đoạn này đa số con “ngụy” đang học nửa chừng bỏ ngang đi buôn bán vì không chịu nổi cảnh họ giảng bài nhưng hay chưởi xéo “ mỹ ngụy “, hoặc có số đang học bị gọi lên văn phòng giám thị cho biết “không được tiếp tục học vì lý lịch ba em xấu”

Xóm Chị có 2 chị em thuộc lớp lớn, Chị Tâm tốt nghiệp sư phạm Quy Nhơn, Chị Nguyện diện B2B1 đang dạy gần nhà lâu năm, không dưng bị đổi lên vùng đồi núi. Hai chị thuê nhà dân ở lại cuối tuần mới về, mặt mày hốc hác nổi mụn đầy cả, hết phấn hết son thời lụa là tha thướt. 2 chị thay đổi tính khí đâm ra cộc cằn bực dọc, ăn nói cũng bạo miệng. Nhiều bác hỏi chuyện lấy chồng là 2 chị làm đày, làm náo

- Mơ tô bún bò cũng không có, bụng dạ chứa toàn bo bo, sắn khoai độn ...thân mình lo chưa xong nữa là...

Chị Nguyện cũng nói tiếp

- Đối tượng bây giờ còn ai nữa mà lấy, đi ở tù trên rừng hết rồi, số đã có gia đình, còn số biến đâu mất, trước mặt chỉ toàn cán bộ, cán cuốc kẻ thù mà thôi, mi có thấy rứa không Tiên?

Chị mĩm cười tiếp lời

- Dạ đúng rứa, chị em mình bây giờ đã... luống những ngậm ngùi rồi. Còn em ...mạ đặt chi cái tên “Tiên” nhưng bản mặt lại xấu xí “Nàng là con gái trời bắt xấu. Tuổi mới lên hai đã xấu rồi”, chưa kể nghèo cực chớ mô có sướng như tiên.

Hai chị cũng bỏ dạy, dự trù vào Nam đan len sinh sống. Ngày xưa chị Tâm hiền lành ít nói bao nhiêu thì bây giờ đổi ngược, tin tức Phạm Tuân theo phi hành gia Gorbatko bay phi thuyền lên không gian năm 1980, chị Tâm cầm tờ báo la oang oang ngoài cổng nhà Chị

- Tiên ơi mi coi nì, tên Phạm Tuân chỉ có nước đi theo gải ..gải...gải...lưng cho tên Liên Sô thôi chớ biết cái chi, nói xong chị nằm ra giữa sàn nhà Tiên cười ha hả.

Có lần Huế bị bão lụt nước dâng cao 3 ngày vừa tự động rút xuống thì tổ trưởng, dân phố đánh phèn la đi rao khắp xóm “chúng ta đã chống được giặc trời ..hoan hô ...hoan hô...tinh thần cách mạng”, 2 chị lại được nước la ơi ới “ui chao là nổ văng miển trời ơi...”

Ngày chị Tâm, chị Nguyện vào Sài Gòn... Chị buồn đến quặn thắt dạ vì không còn đồng minh kẻ tung người hứng giảm bớt nỗi đau thời cuộc.

Chị có máu mê nhạc yêu văn chương, suốt ngày ăn bo bo, sắn khoai độn cơm với nồi canh khế được hái trong vườn nấu nước muối, Chị cũng khao khát một tình yêu để có thể quên cảnh nghèo cảnh đói hiện tại, nhưng thật khó vì nhan nhãn trước mắt toàn là kẻ thù không đội trời chung, thanh niên tìm đường vượt biển hết, một số đi tù trên rừng núi, nào còn ai dám mơ ước điều gì...

Trong xóm xuất hiện một gia đình mới dọn tới, nghe nói bác Thọ có chồng thiếu tá đi “tù cải tạo”, nhà bác bị tịch thu, không nhà không cửa xất bất xang bang, được bác Cầu (bạn thân) có nhà kho dư sau vườn cho bác đến ở. Bác có 1 con trai, 3 con gái mặt mày thanh tú phụ mẹ đan len và thêu, còn người con trai (Việt) đang học trường luật bị bãi bỏ, thất chí đi ra đi vô thẩn thờ.

Đầu ngã tư có nhà bạn Dung, mẹ mất, cha đi tù, các chị lớn không được học, thêu ngày đêm nuôi cả nhà tới 13 miệng ăn, trưa người lớn nhịn đói, phát mỗi trẻ nhỏ 1/4 mẫu bánh tráng, chiều cả nhà ăn bo bo. Toàn người buồn chán chỉ biết họp mặt mỗi tối trong khí trời oi bức trước nhà Dung hóng mát, nhìn xe chạy qua chạy lại, nói chuyện cho khuây khỏa. Việt cũng làm quen và tham gia, thỉnh thoảng đàn hát nhạc tiền chiến, nói chuyện các phim nổi tiếng trước 75, từ từ Chị có cảm tình với Việt và ngược lại hình như cả 2 đều “tình trong đã ngỏ mặt ngoài còn e”

Thời gian này chính sách nhà nước đưa xuống ép dân đi kinh tế mới, mặt khác cũng đưa ra kế hoạch “sản xuất lao động”, mỗi gia đình đều đóng tiền lên Bình Điền trồng khoai canh tác.

Một hôm theo thông báo từ khu dân phố đã có khoai, yêu cầu mỗi gia đình cử một người đi tập trung theo nhóm lên Bình Điền cuốc khoai, đem về chia các gia đình trong tổ theo kế hoạch. Chị và Việt cũng có tên trong danh sách đi lao động.

Lên Bình Điền phái đoàn đào khoai 2 ngày, đoàn đâu có gạo hay thức ăn bới lên, chỉ biết lấy đọt rau khoai luộc, ăn kèm nồi khoai nấu. Qua ngày thứ ba là chương trình trồng cắm ngược ngọn rau trước khi ra về.

Buổi sớm nhóm khoảng 10 người vừa đi ra một đoạn thì gặp 3 ông cán bộ ngang qua, bỗng nhiên Việt tạo ra một tràng âm thanh phát tự nhiên trong cơ thể, tức liền mấy ông đứng lại trợn mắt hét lên:

- Khốn nạn, đồ hỗn láo mất dạy

Mọi người tái mặt chưa có phản ứng ra sao thì mặt Việt xanh rờn lắp bắp

- Dạ thưa cán...cán bộ ...em mô ...dám ...hỗn láo, tại vì ...em ăn khoai ...2 ngày ...

Chưa nói hết lời thì Việt ôm bụng sợ hãi

- Đó ...đó...em sắp ...làm nữa ....đây nì ...đó ..đó ...

Tràng âm thanh không thể cưỡng chế được, lại tuôn ra, tức tưởi, tàn nhẫn rất to....

Mấy tên cán bộ đỏ mặt giận dữ, một tên bắn chỉ thiên “đoành, đoành, đoành...”

Việt bị còng tay tại chỗ dẫn đi, cả nhóm nhốn nháo gắng trồng cho xong bao nhiêu vòm đất để chiều trở về sớm, báo tin cho bác Thọ hay, tội nghiệp tướng bác gầy gò ốm yếu chạy ngược chạy xuôi lo cho con, 2 ngày sau Việt được thả về.

Từ đó tự nhiên Chị thấy mắc cỡ, Việt cũng không tự nhiên nên lẫn tránh, không còn ra nhà Dung chơi nữa. Cuộc sống đói rách bầm dập, mọi người thù ghét chế độ nên rồi cũng thờ ơ, chôn thơ, chôn nhạc, chôn luôn cả chuyện tình cảm chẳng ai tha thiết gì nữa.

Sau đó Chị vào hợp tác xã thêu gối, jazz giường để được yên thân khỏi bị kêu đi lao động Thuỷ Lợi, thêu ngày đêm thiếu đường mù mắt để kiếm sống, nào nghĩ nào mơ “Là thì sĩ nghĩa là ru với gió. Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Chị chỉ biết hát khe khẻ Tàn giấc mơ hoa”

Năm 30 tuổi, cái tuổi không còn xuân, chỉ còn sự tàn tạ khô héo... Một buổi trưa Chị từ trong chợ Đông Ba đi ra, có anh đạp xe thồ trờ đến

- Đi xe không chị ?

Chị ngẩng mặt lên mở lớn mắt kêu

- Anh Đàn

- Ủa Tiên đó hở

- Nghe anh đi tù cải tạo, anh về hồi mô rứa?

- Anh về gần một năm

- Từ lúc Mai lấy chồng, Tiên cũng không gặp nó

- Nó lấy chồng bận lo buôn bán cho cửa hàng nhà chồng, anh cũng ít gặp

Anh Đàn là anh của Mai (bạn học) ở vùng Tây Lộc, nhà Mai có cây Đào rất lớn, mỗi khi đến mùa Mai thường rủ cả bọn lên hái Đào từ năm đệ ngũ, đệ tứ. Hình ảnh Mai hay gặp anh lúc đó là thường ôm cây đàn ngồi dưới mái hiên dạo hát “Ngày Xưa Hoàng Thị, Chiều (phổ thơ Hồ Dzếnh) Yêu Hết Một Mùa Đông (phổ thơ Lưu trọng Lư) .v...v... Bẵng thời gian không thấy anh, Chị được Mai cho biết anh đã đi Thủ Đức, sau 75 nghe anh đi tù ngoài miền Bắc.

Anh muốn chở Chị về cho biết nhà, thế rồi sau đó thỉnh thoảng anh ghé nhà chơi , càng ngày càng nhiều hơn, Chị xin vác khung về nhà thêu nên có cơ hội gặp anh thoải mái .

Năm sau anh ngỏ ý muốn lập gia đình cùng Chị, anh chẳng chê chị già, nhưng Chị sợ quá với tương lai mù mịt trước mắt và nhớ tới tên chị, tên anh, 2 tên ghép lại “Đàn Tiên” chắc sẽ thành “Điên Tàn” mất, nhưng anh trấn tỉnh:

- Trời sinh voi sinh cỏ, mộ bia chưa có ai ghi chết vì đói, chỉ là sống mà… ngất ngư thôi, anh với em có chút tâm hồn sẽ vượt qua, chịu đựng được cảnh nghèo đói.

Thế rồi 2 tâm hồn héo úa ký bản án chung thân, chiến dịch ép đi kinh tế mới lại tiếp tục, danh sách nhắm vào anh, anh cũng quá chán chường mệt mõi nơi thành phố “người chở thồ” đông hơn khách đi xe, công an lại để ý bắt anh lên khu phố trình diện hoài. Anh rủ Chị lên Bình Điền để được yên thân.

Bước đầu anh làm 1 ngôi nhà tranh với 2 quả tim vàng, mỗi ngày vô rừng kiếm củi vác về bến đò bán cho người từ thành phố lên mua, Chị chưa dự tính sẽ làm việc gì, nhắm nếu số người lên đông, có trường học nhỏ, sẽ xin đi dạy lại thử xem, hoặc về mượn hộ khẩu người chị xin nhận hàng thêu ở nhà, cuối tháng sẽ về hợp tác xã nộp giao. Chưa tính gì thì Chị sinh con, chăm lo việc nhà, rau trái anh trồng rất tốt, nên thỉnh thoảng Chị cũng gom ít thứ ra họp chợ bán mua trao đổi, anh chị thay phiên nhau chăm con

Có một bữa sau giấc ngủ trưa Chị bồng con qua quán thím Tư ngồi chơi, thấy có thau cá mắm chuồng hấp dẫn, Chị mua về định làm cơm chiều. Anh Đàn đi bán củi về, chị khoe mấy con cá mắm bỗng dưng anh nổi quạu hét lên

- Đi đốn củi cả ngày mệt đừ, về vợ cho ăn cá thúi, mê quán thím Tư quá cái gì cũng mua ở đó, không chịu tới mấy nhà câu cá hỏi mua đồ tươi về nấu ăn, đàn bà chi mà vụng rứa

Chị cũng cãi lại

- Cá đó mà thúi à

- Thì thúi mới đem làm mắm chớ, tui dụt cho mà xem

Anh vừa nói vừa vung tay quăng mạnh vô chuồng heo gần nhà bếp, một con heo chồm dậy chực ngoạm thì anh la ơi ới

- Chụp lại, chụp...chụp ...chụp...

- Không chụp ...quăng rồi khỏi ăn

Anh phóng mình vô chuồng vừa lúc con cá đang bị heo ngoạm một nửa, anh chụp lôi giật lại và lượm mấy con cá khác rơi tung toé, đưa chị và than đói bụng. Chị rửa sạch mấy nước kho bỏ thêm đống ớt trái, ra vườn cắt rau khoai luộc, buổi cơm chiều vừa ngồi ăn anh vừa nói

- Cá thúi mà cũng ngon hí

Chị chẳng thèm nói chi, tuy nhiên chị quay mặt giấu nụ cười nghĩ khi chuyện vừa qua

Tối lại với khí trời oi bức, anh lại ôm cây đàn ra ngồi hứng gió, dưới trăng mờ tiếng đàn như thắm thiết theo giọng anh hát:

“Chỉ hai đứa mình thôi nhé!

Đừng cho trăng nép sau hè

Chỉ hai đưa mình thôi nhé!

Đừng cho hoa lắng tai nghe

Mình yêu mái nhà nhỏ bé

Đường hoa khuya sớm đi về

Mộng xinh có giàn thiên lý

Đời vui tay nắm vai kề...(Anh Bằng & Lê Dinh)

Chị nằm ôm con dỗ ngủ, mơ màng theo lời hát, lòng dâng lên niềm rung cảm dạt dào. Chị biết anh đang buồn, đang tìm về chính mình, trốn ẩn thực tế với cuộc sống bần hàn tối tăm không có tương lai, tự ru mình bằng thế giới của âm nhạc êm đềm bay bổng, anh say sưa hát tiếp bài thơ của Đinh Hùng được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc “ Mái tóc dạ hương”, hình như anh hát tặng Chị thì phải, vì anh biết bài ruột của Chị mà.

“Từ giã hoàng hôn trong mắt em. Tôi đi tìm những phố không đèn. Gió mùa thu chớm bao dư vị của chút ân tình hương tóc quen. Từng bước lần theo trăng viễn khơi...”

Chị cũng đang chìm đắm… đúng như anh từng nói “có chút tâm hồn sẽ dễ cùng nhau quên cảnh nghèo cảnh đói” Chị mơ màng ngắm ánh trăng xuyên qua khung cửa, nhớ lại bữa cơm “cá mắm”, Chị thấy thương anh chị lạ và mĩm cười trong bóng tối, thế rồi chị mơ màng lâng lâng theo cung điệu bản nhạc Cánh buồm xa xưa (La Paloma), Chiều Tà (Serenata) rồi chìm đắm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Có lần anh bán được nhiều củi, về khoe chị và nói lâu lắm rồi thèm bún bò. Sáng sớm hôm sau Chị đi xe xuống chợ Đông Ba mua các thứ nấu bún bò và nhiều đồ khô, nhanh chân về nhà ra tay buổi ăn chiều cho kịp

- Tiên ơi có thiếu chi anh đi mua cho

“Trời ơi có bao giờ anh để ý chuyện bếp núc” Chị được nước sai đủ thứ, anh rất sốt sắng chạy đi chạy lại mua thêm lặt vặt, lặt hành ngò rau răm sẵn

Nồi bún bò đang hầm khói bay lên cao, mùi sả thơm phức ngào ngạt, tự nhiên anh quanh quẩn bên chị, mặt lộ nét vui vẻ hớn hở. Anh ngẩn mặt mơ màng nhìn trời xanh được pha đám khói lam chiều đang bay lơ lửng , ánh nắng vàng ươm bên kia đồi, hoa lá cỏ cây xanh tươi thắm giấc hạ, bỗng dưng anh thốt lên:

- Tiên ơi...anh chưa thấy buổi chiều mô đẹp như buổi chiều ni

Chị đang múc vá nước nêm nếm, cũng nhìn anh nín cười

- Ừ ! tui cũng chưa thấy chiều mô anh đẹp trai bằng buổi chiều ni

- Chưa khi mô anh thấy hạnh phúc như hôm ni

- Ừ ...chưa lần mô tui thấy anh dễ thương như hôm ni

Tối đó bên ngọn đèn dầu có 2 mái đầu cúi xuống say sưa gặm mấy khoanh giò móng, húp xì xà xì xụp trong niềm thỏa mãn vô biên...

Một hôm em anh từ Huế chạy lên gặp anh báo tin có diện HO mà anh không hay gì hết, thế rồi 2 bên nội ngoại cho mượn tiền để anh chạy giấy tờ.

Gia đình anh chị qua Mỹ năm 1990 với diện HO 4 rồi vai kề vai, tay cầm tay cùng nhau cày bừa

Chị đang thả hồn về quá khứ thì phone Dũng gọi về thăm Mạ, nói chuyện trên trời dưới đất một hồi và chọc cười Chị. Sau đó Chị sực nhớ chuyện “cho thuê phòng”. Chị lái xe ra chợ VN xin quyển báo Thần Mõ, lật tìm trang “Share phòng”, có đến mấy trang dài chi chít mục rao, sau khi nghiên cứu kỹ càng giá tiền chung chung cho thuê phòng, điều kiện ra sao, Chị thảo vài dòng như sau gởi lên báo nhờ đăng:

“Nhà vùng Milpitas dư 1 phòng cho share, free điện nước, giặt máy, cable, WiFi, ưu tiên cho người đi làm độc thân, liên lạc số phone… hỏi bà Tiên”

Chị hay đi Chùa TT nằm trên đường white, tình cờ nói chuyện thuê phòng, bác Sơn (bạn Chùa) vỗ vai Chị:

- Sao con không nói sớm để phải tốn tiền đăng báo uổng chưa? Bác có đứa cháu gái độc thân đang cần thuê phòng, nào có biết con...

Chị sáng rực mắt lên:

- Ô em bao nhiêu tuổi, ai chớ cháu bác thì con yên tâm

Sau khi hỏi đáp những điều cần biết, Chị thỏa thuận để cháu bác tuần sau dọn đến cho đúng ngày đầu tháng, và theo yêu cầu của chị là đóng tiền trước.

Cô Hạ khoảng chừng trên 30 tuổi, nét mặt dễ thương “biết đâu khi gặp Cô, chú Út sẽ thích”, Chị hy vọng vậy vì chú Út năm nay đã trên 40 tuổi mà vẫn độc thân chưa chịu lấy vợ

Hôm đầu tiên, cô Hạ xin:

- Chị cho em mỗi ngày ra thắp nhang cúng Phật được không?

Chị mừng rỡ:

- Phật là chung của những người có niềm tin và mộ đạo, em cứ tự nhiên, chị rất mừng vì em có tâm thành.

Liên tiếp mấy ngày Cô Hạ ra thắp nhang lạy Phật, nhưng qua ngày thứ 3 Chị hơi để ý thấy cô cầm cả nạm hương đốt cháy rồi đi vào phòng đóng cửa, Chị gỏ cửa nhắc nhở

- Em nên ra ngoài thắp nhang đi , vô phòng ngột thở nguy hiểm

Ngày sau, ngày sau nữa… chị bận đi học và ghé chợ mua ít thức ăn, nhưng về nghe anh Đàn kể lại và nhằn chị

- Bà hay quá ha, có ngày cháy nhà như chơi

Chị bắt đầu thấy run không hiểu cô này ra sao, hôm sau ngày cuối tuần Chị ở nhà theo dõi vẫn thấy lập lại hành động cũ, lần này chị gỏ cửa bắt đưa hết nạm hương đang cháy ra ngoài nhúng nước lấy lý do tránh hỏa hoạn. Sau đó Chị gọi phone bác Sơn kể sự tình. Chị trách bác

- Cô Phượng có vấn đề thần kinh tại sao bác giấu con, mong bác thông cảm và đến chở Phượng về dùm con.

Mặc dù cô Hạ ở nhà Chị 1 tuần nhưng Chị trả tiền lại hết và thấy nhẹ nhỏm vô cùng khi cô Hạ ra khỏi nhà

Chị nghĩ “thua keo này ta bày keo khác”, dự tính sẽ tìm người tiếp tục sau 1 tuần từ chối những cú phone gọi đến

Tiếng phone reng, Chị nghe đầu dây bên kia giọng Huế. Ôi chao gặp đồng hương làm Chị phấn khởi, cậu ta làm cuộc hẹn với lý lịch làm nhà hàng Anh Đào gần nhà Chị 2 Block đường, cậu đóng tiền và xin ngày mai dọn đến

Hôm sau cậu gọi phone nhờ đến đón vào buổi tối, Chị cũng hơi thắc mắc nghĩ thầm “sống xứ Mỹ này bao lâu mà chưa sắm được chiếc xe dù cũ” nhưng rồi Chị nghĩ lại “có việc làm đóng tiền nhà là yên tâm rồi”

Đến nhà hàng, cậu ta đã đứng sẵn với một đùm quần áo bỏ trong bao rác gọn gàng. Cậu cho biết tên là Hải qua Mỹ 10 năm rồi, thuê nhà Chị để đi xe bus cho gần chỗ làm. Chị dẫn vào phòng hướng dẫn sơ và chỉ cho Hải thấy giường nệm đã có sẵn.

Buổi sáng Chị đang đứng bếp nấu Oatmeal chuẩn bị buổi điểm tâm cho anh đi làm, Chị nghe tiếng Chú Út la ơi ới

- Ai cũng có đồ vệ sinh cá nhân, tại sao lấy bản chải đánh răng của tui dùng ướt nhẹp vậy?

Có tiếng Hải bước vào phòng restroom

- Ồn mi, mai tao mua… cái khác

Chú Út không thèm trả lời bỏ đi ra ngoài

Sáng kế tiếp vẫn nghe tiếng chú Út nói lớn

- Ai cho anh lấy dao cạo râu của tui dùng bẩn quá rứa, dính râu đầy dao cạo, anh chi đó vô đây mà coi nì ..

- Ồn mi, mai tao mua ...cái mới

Chị khựng người nhưng tránh mặt lờ đi như không nghe. Anh Đàn đi cày suốt ngày, chiều tối về chúi mặt sửa máy cho khách chẳng có hơi để nói, anh vừa ăn sáng vừa nhìn Chị nghênh mặt cười mép rồi đi ra khỏi nhà

Hai hôm sau, trong buổi cơm tối, anh Đàn sực nhớ ra điều gì, ngẩng mặt hỏi Chị

- Sáng nay không thấy ly cà phê phin, bà quên pha hở?

Chị trương cổ cãi:

- Ông có lộn không, sáng mô mà chẳng pha cà phê sữa, coi bộ ông uống rồi quên

Cãi qua lại rồi chẳng có kết quả, chờ anh đi ngủ, tối đó Chị ngồi chờ Hải về để hỏi ly cà phê, mặt cậu tỉnh bơ:

- Thì Chị pha cho anh uống cũng giống tui uống vậy thôi

Chị đớ lưỡi luôn trợn mắt nhìn Cậu

- Cấm cậu từ nay không được uống, muốn thì tự pha lấy mà uống

Vài ngày sau anh Đàn phát hiện mất mấy CD của khách đem tới thử máy, nghi ngờ cậu Hải này, bắt Chị phải tìm cách lấy lại để anh giao cho khách. Chị tức tốc đến nhà hàng gặp cậu hỏi chuyện, cậu chối không lấy bảo Chị về trước. Nửa tiếng sau cậu ta về chạy vô đứng trước bàn Phật nói to

- Lạy Chúa… con không hề lấy, nếu có lấy Chúa... Chúa… Chúa… phạt con đi...

Chị chán nãn thở dài chẳng biết làm sao hơn .

Tiếp tục anh Đàn lại bị mất vài thứ trên bàn sửa máy, lần này anh bực bội nhằn Chị phải mời Hải đi, Chị đành báo tin cho cậu biết lấy cớ “có cháu ở VN sắp qua du học” và trả lại nửa tháng tiền nhà kể từ khi Hải dọn vào được 2 tuần

Sáng sớm hôm đó Hải đi lặng lẽ không ai hay. Vào dọn phòng, thấy thùng rác có tờ báo đậy trên, mở ra Chị hỡi ôi… một thùng nước tiểu gần đầy vàng khè, mặt nệm cũng chẳng bọc… nhưng Chị chỉ âm thầm đi dọn lẹ vì sợ anh Đàn biết.

Đêm nằm trằn trọc hơi khó ngủ, Chị suy nghĩ không biết Huế kiểu chi lạ quá, hay là lúc nhỏ bị té giếng, hoặc là sút chuồng từ bệnh viện tâm thần, Chị thở dài nghĩ “mở Small business không ngờ kiếm tiền khó quá hè”

Anh thấy Chị có vẻ mất ngủ, trăn qua trở lại thì chọc Chị

- Đã ngán ngẫm chưa

Sự khích bác của anh làm máu anh hùng Chị nổi lên:

- My business… chẳng ngại núi e sông… sẽ tiếp tục chiến đấu...

- Bà liệu chừng đó nghe, tự nhiên người lạ lọt vô trong nhà ở, không biết họ ra sao

Thật sự anh cũng vùi đầu làm việc, thỉnh thoảng gặp chuyện thì thốt vài câu, chứ anh vẫn ngầm chiều ý Chị.

Người share phòng thứ 3 do một em trên Chùa dẫn đến, tác phong với đôi kính cận có vẻ nghiêm trang điềm đạm, trực giác vừa nhìn thấy tự nhiên Chị có sự tin tưởng nên chẳng hỏi lý lịch gì hết. Cậu chỉ chừng dưới 40 tuổi tên Phong tỏ thái độ rõ ràng gởi tiền trước 1 tháng.

Phong rất lịch sự chỉ ở trong phòng hoặc đi ra đường. Có đôi lần Chị về sớm bắt gặp Phong ngồi yên lặng trước bàn Phật nhắm mắt như đang cầu nguyện hoặc tham thiền. 2 tháng sau Chị thấy Phong hay ở nhà, và có xuống bếp nấu ăn, nhưng chỉ nấu sơ sài một món chay ăn nhiều ngày, đôi khi có món gì đặc biệt Chị mời nhưng Phong từ chối.

Sau này Chị khám phá Phong ăn chay, biết ý khi có món phở, bún chay chị mời thì Phong xuống dùng cùng ông xã Chị. Dần dà Chị tìm hiểu qua bạn trên Chùa mới biết Phong là kỹ sư, chuyên đi công tác giao dịch các nước ngoài, bị laid-off gần 2 năm nay, vợ ly thân, nhà cửa bị tịch thu. Chị chưng hửng, gậm nhấm thuyết “sắc không” của nhà Phật, chỉ cầu mong những lần Phong ngồi trước bàn Phật cố gắng xua phiền não, và trấn tĩnh tinh thần “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”

Đầu tháng thứ 4 , Phong gặp Chị nói có vẻ ngập ngừng

- Chị cho em chậm trả tiền nhà ...

Chị chưa để Phong nói hết, vội lên tiếng

- Phong cứ ở đây đi, không sao hết “sông có khúc người có lúc”, khi nào có thì trả, don’t worry, cà phê, gạo cứ lấy nấu tự nhiên chẳng đáng bao nhiêu cả.

Phong cảm ơn bày tỏ sự xúc động, sau đó có vẻ mở lòng hơn… kể về công việc và nhà cửa, Phong cho xem hình nhà to lớn bị tịch thu, cho biết chơi stocks bị mất sạch không cứu vãn được...

Một buổi tối, Phong xuống khoe vợ chồng Chị

- Sáng nay em đã có cuộc phỏng vấn trên phone tới 4 tiếng đồng hồ, nếu được sẽ hẹn buổi phỏng vấn khác, không phải ngành nghề của em, nhưng bây giờ thấp hơn em vẫn mừng

Sau đó Phong cho biết có thêm 2 cuộc phỏng vấn tới 8 tiếng nữa, họ nhận tuần sau Phong đi làm ở vùng Sunnyvale. Tháng lương đầu tiên không biết Phong làm bao nhiêu nhưng hý hửng đưa Chị 3 tháng tiền nhà không thiếu một xu. Phong đưa ra xấp giấy tờ thiếu thuế chính phủ hơn 60 ngàn. Chị can ngăn không cần phải trả hết, nếu cần việc gì quan trọng cứ làm trước, nhưng Phong bày tỏ sự vui vẻ “không sao đâu chị”

Phong đi làm việc được 1 tháng thì báo tin cho Chị biết sẽ dọn ra tháng sau, về lại với vợ con. Chị cảm thấy tiếc buồn cậu em tánh tình dễ thương hiền lành, nhưng cũng rất vui nghe tin gia đình hàn gắn lại hạnh phúc.

Người thuê phòng thứ 4 là cô sinh viên học trường State San Jose, nhà dưới thành phố Sacramento. Cháu Phượng có nét mặt thanh tú dễ thương. Cháu kể trước đây share phòng đường Santa Clara, nhưng sau này khu đó không được an toàn, chung quanh đậu xe bị đập cửa kính nên cháu tìm nơi khác.

Cháu vào ở rất êm thắm, nhìn dáng dấp cùng mái tóc dài của cháu là thấy mến liền. Chị đã từng mơ ước đứa con gái nhưng trời chỉ cho 1 cậu con trai, nên thấy con gái ai cũng thích ngắm. Phượng học về ngành accounting, cuối tuần có khi về thăm nhà, có khi không. Cháu rất lễ phép, đi đâu cũng thưa gởi, nếu không gặp mặt cháu gọi phone báo tin, điều này làm Chị rất có cảm tình càng ngày càng thương, dần dà Chị xem như con gái, hôm nào có món phở, bún hay thứ đặc biệt đều để dành cho cháu.

Có những hôm chủ nhật đi Chùa, cháu xin đi theo và kể “bà ngoại, mẹ cháu hay sinh hoạt giúp Chùa, lúc nhỏ cháu học lớp tiếng Việt và sinh hoạt gia đình Phật tử, sau này bài vở nhiều cháu tạm nghỉ ...”.

Đến Chùa cháu thắp nhang lạy Phật, cầm chổi quét sân, sau giờ thọ trai, tự nhiên chen vào rửa chén lau bát như đã từng quen cảnh sinh hoạt này.

Ngày lễ Mother’s Day Chị có bình hoa Lan màu tím thật đẹp do cháu tặng, Chị rất vui thích đặt nó lên bàn Phật cúng dường.

Chị thích cháu Phượng quá, lòng thầm mơ ước cho Dũng (con trai), réo gọi con về thăm mạ hoài nhưng Dũng cứ than bận công việc bù đầu.

Mùa Noel Dũng về sớm một tuần, Chị lăng xăng nấu bún bò, chè hạt Sen Tịnh Tâm Huế có bán các chợ, làm gỏi cuốn tôm thịt sắp xếp cho Phượng ngồi dùng tối chung. Tuổi trẻ bắt chuyện học hành, công việc rất tự nhiên, đêm đó Chị vào phòng cháu nhỏ nhẹ

- Con thấy Phượng sao ?

- Sao ...cái chi mạ?

Chị cú đầu con trai

- Thì có thích không, tìm cách làm quen đi, mạ thích tính nết Phượng quá, ở Mỹ gặp gái như vậy là hiếm đó con

- Mạ ơi! ở xa xôi, công việc của con bù đầu, chưa có thì giờ nghĩ tới đâu.

Chị biết tính con trai ít nói và không thích ai nói nhiều nên cũng im chẳng hỏi thêm lời nào, nhưng chị cũng còn đường dò dẫm Phượng. Chị nói xa nói gần:

- Phượng có bạn trai chưa không thấy dẫn về nhà lần nào hết vậy, cháu cười hiền lành rất tự nhiên

- Dạ con có rồi, bạn đang ở xa

Vậy là giấc mộng ấp ủ trong lòng Chị bỗng tiêu tan ...

Thế rồi duyên chỉ đến với nhau được 1 năm, Phượng tốt nghiệp ra trường...Lúc đi Phượng ôm vai Chị nói “thỉnh thoảng có dịp lên đây con ghé thăm bác”. Chị cũng hy vọng như vậy

Ngày cháu dọn nhà không có nỗi buồn nào bằng lúc đó, Chị chẳng tha thiết ăn uống, người như mất hồn, mất vật gì quý báu vuột khỏi tầm tay, người cứ ngơ ngẩn giống gái 18 đang tương tư ai vậy

Chị uể oải suốt cả tuần với nỗi buồn xâm chiếm khi thấy căn phòng trống, lòng tiếc nuối khôn nguôi nhưng rồi Chị dần dần tỉnh lại, chị nhớ lời Phật dạy “Gần cái gì ta ghét là khổ, xa cái gì ta thương là khổ” bây giờ mình phải biết dung hoà giữa cái thương và cái ghét thành điều bình thường mà sống bình tâm lại, tại sao Chị lại quá tình cảm như vậy, những người share phòng thì cũng giống như quán trọ khách đến rồi đi, Chị đã quá ủy mị mềm nhũn… Chị bắt đầu đào thải nỗi buồn từ từ, dù sao Chị vẫn kiếm người share phòng cháu chắt bên quê nhà đang trông, bao nhiêu hội đoàn gởi thơ đến mời ủng hộ đóng góp những việc thiện, “yes ...my business” chị lấy lại tinh thần, tỉnh táo tiếp tục đăng báo mục “share phòng”.

Người thứ 5 là phụ nữ độ tuổi trên dưới 50 tên Thanh, dáng người cao to, hình như cô hợp bơ sữa xứ Mỹ nên bề ngang bị quá tải. Thanh làm nghề địa ốc, Cô nói việc tự do nên làm ở nhà

Một chiều Chị đi tập thể dục về hơi trễ, lái xe tới trước nhà, gặp anh Đàn đi lui đi tới, vừa thấy xe Chị leo lên thềm anh nhào tới với vẻ mặt bực bội

- Tui về sớm lúc 5 giờ, tưởng tranh thủ sửa cho xong 2 máy khách đang hối thúc, ai dè nhìn vô cửa sổ bếp thấy cô Thanh ăn mặc áo ngủ đứng choáng nơi bếp, tui không dám vô, tui làm bộ đi dạo lui tới cả tiếng đồng hồ rồi đây, bực mình quá đi

- Thì cứ vô, biết đâu cô thấy anh sẽ đi vô phòng

- Biết cô có vô phòng hay không, tui ngại lắm

Chị suy nghĩ không biết lựa lời nào để nói với Thanh, không lý nói lộ liễu “thấy chồng chị về em nhớ vô phòng, em không nên mặc áo ngủ bước ra khỏi phòng ..v..v..” vô duyên quá đi, dù sao thì Thanh cũng là người hiểu biết chắc chắn sẽ không chấp nhận, và còn tự ái cao nữa, Chị suy đi nghĩ lại rồi tự nhủ “hy vọng không có lần thứ 2...”

Ba hôm sau, anh Đàn về nhà nhìn qua cửa sổ không thấy có người, anh lại phải sửa gấp máy nên vào nhà lẹ. Vừa soạn máy ngồi xuống thì cô Thanh xuất hiện với bộ áo ngủ mỏng tanh, 2 dây trụt xuống hở gần hết bộ ngực, hở cả tấm lưng trần bệu thịt cứ vờn ra vờn vô trước mặt anh, làm anh sợ những vụ kiện “sách nhiễu tình dục” vẫn thường nghe thấy, “ngôi nhà vắng chỉ có người đàn ông và người phụ nữ, cô ta có ý gì đây mà sao ăn mặc sexy, sàn qua sàn lại trước mặt anh như vậy, thôi thì đề phòng trước…”, nghĩ vậy anh bước ra khỏi nhà làm như đi dạo cảnh trước sân, nhất định chờ chị về mới vô nhà, thấy Chị, anh lắc đầu mệt mỏi

- Không thể để tình trạng này kéo dài nữa, nhà của mình lại không dám vào, bà tính sao đây?

Chị cười bả lả

- Không ngờ có ông chồng hiền lành, lạnh cảm trước người phụ nữ như vậy, thôi để từ từ tui tính

Thật ra Chị vừa biết thêm vài chuyện của Thanh mấy ngày qua, tình cờ nói chuyện phone nhắc tên Thanh làm địa ốc, bạn Chị ngờ ngợ hỏi đi hỏi lại, khi đoán chắc bạn kể “cô Thanh này giỏi lắm, trước kia là kỹ sư nhưng bị mất việc, sau cô làm đủ nghề lung tung vẫn chẳng khá, vẫn thấy đi thuê phòng hoài “

Chị đã băn khoăn suy nghĩ “đâu phải ai qua Mỹ cũng thành công, cũng dễ kiếm tiền đô, bây giờ nói khéo Thanh đi thật là bất nhẫn”, nhưng cứ để ông xã cằn nhằn mình như vậy sao chịu nỗi, thôi thì không thuê nhà mình Thanh vẫn có nơi khác, nghĩ tới sao lòng Chị thấy không vui chút nào và rất ngượng ngùng, nhưng chuyện làm phải làm.

Chị can đảm nói khéo cháu bên Việt Nam sắp qua du lịch, Thanh hình như đã quen kiểu này nhiều lần, không nói, gật đầu đưa ra điều kiện.

- Chị cho em lại tiền thuê phòng, em đến nhà ai phải có deposit họ mới nhận.

Chị nghe xót xa cho Thanh, người trí thức không được đời ưu đãi, nhưng tại sao Thanh lại hay ăn mặc sexy là cà gần ông xã Chị, có thể gài bẫy rồi tri hô kiện tụng Sexual harassment (sách nhiễu tình dục) chăng?

Chị nhớ lại 2 trường hợp xảy ra cách đây không lâu từ người quen ...Anh C mới qua Mỹ vài tháng, làm nghề bỏ báo. Một sáng sớm như thường lệ đi quăng báo, tình cờ thấy em bé đi học bị vấp té, anh C chạy đến đỡ dậy theo phản xạ tự nhiên, vài hôm sau có đơn từ toà án gởi về báo anh bị kiện về tội “sách nhiễu tình dục”. Anh A chồng chị Hoa làm chung hãng điện tử, chị vợ kể lúc chồng vượt biên qua trước với đứa con trai, 2 cha con thuê căn phòng rẻ tiền trong khu apartments, có cô hàng xóm người Phi hay chạy qua làm quen, muốn giúp mọi thứ kể cả đi giặt đồ dùm, nhưng anh A luôn từ chối né tránh, thời gian sau có đơn gởi tới anh A “sách nhiễu tình dục” bà Phi kiện. Cả 2 vụ đều huề làng, toà án xét 2 anh vô tội.

Thôi thì phòng bệnh hơn chữa bệnh, chị tính nhẩm Thanh đã ở được gần 2 tháng, nhưng tháng thứ 2 chưa thấy trả tiền, Chị giấu chồng đưa lại tiền tháng đầu tiên, xem như cho ở free vậy. Chị cũng thấy thương tâm nên cho ít thức ăn Thanh mang theo, sau đó Chị thờ thẩn mấy ngày lo âu dùm Thanh, chỉ một thân một mình cái tài không vực nổi tiền bạc và danh vọng, Chị chỉ biết thở dài...

Người thứ 6 tên Khoa khoảng trên 30 tuổi, lần này Chị rút kinh nghiệm... điều kiện đưa ra là giữ 1 tháng deposit và 1 tháng tiền nhà trả trước, cháu này vui vẻ đồng ý liền. Được biết Khoa làm trong bệnh viện Stanford về khâu sản xuất dụng cụ, mặt mày sáng lạng với đôi kính cận thanh tú. Hôm đầu tiên có buổi hẹn, Khoa đến sớm hơn gặp anh Đàn tiếp xúc, lần đầu tiên Chị nghe anh thốt ra:

- Tui thấy mặt cậu này là thích liền, nhìn trí thức quá trời

- Đừng nói trước nghe ông xã, trí thức chưa đủ đâu, còn nhìn cách xử sự và phẩm chất có đạo đức không đã nghe “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

- Trời tự nhiên bà xổ thơ Nguyễn Du chị vậy

- Thì lâu lâu nhớ cho tui xổ một tý chớ

Hai ông bà già cùng cười, lần đầu tiên “my business” có ông tham gia hổ trợ tinh thần. Khoa đi sáng tối, về nhà chỉ ở trong phòng, gặp mặt thì chỉ cười nhẹ lễ phép. Có điều đặc biệt phòng Khoa không bao giờ khoá, thỉnh thoảng có gió thổi cánh cửa hé ra, Chị ghé mắt nhìn lén vào trong, không thể không khoe với ông xã, chị kéo tay anh xem cùng Chị, Khoa thật là người sống ngăn nắp, qua cách sắp xếp căn phòng rất gọn gàng.

Bao nhiêu lần Chị mời ăn bún bò hay phở Khoa đều cám ơn và từ chối, thời gian cứ qua đi, khoảng 3 tháng sau, ngày đầu tháng Khoa đóng tiền nhà, chị nhận phong bì hôm sau mở ra thấy dư $50, chị nghĩ “muốn thử lòng mình hay sao mà đưa dư vậy”, Chị trả lại thì Khoa nói

- Cho cháu góp thêm tiền nhà.

- Khi nào Cô tăng thì sẽ báo, bây giờ Cô không nhận dư

Thấy nét mặt chị nghiêm nghị nói chuyện cứng rắn đâu ra đó, Khoa đưa mắt ngó một hồi rồi miễn cưỡng cầm lại. Ba tháng sau lại cũng đưa dư tiền, cũng như lần trước Chị trả lại, nhưng lần này Khoa mạnh dạn

- Cô cho cháu gởi thêm, cháu xài điện nước nhiều lắm, cô không nhận cháu khó xử sẽ không dám...

Dùng dằn mãi Chị không biết làm cách nào hơn, đành lấy với tâm trạng ngượng nghịu ... Khoa ở được một năm cũng lại tự động trả tăng tiền nhà $50, cứ im lìm đưa bao thư. Tình trạng đưa qua chuồi lại cũng làm Chị bực mình, nhưng Khoa cứ khư khư

- Cháu được lên lương, cô cho cháu gởi thêm cháu mới dám ở đây tiếp.

Thiệt là lạ đời chưa từng thấy, ép Chị lấy tiền thêm rồi còn hăm dọa sẽ đi nếu không nhận. Chị đành lấy nhưng mặc cảm như mình là tên tham lam tiền bạc.

Thời gian này tinh thần chị rất thoải mái vì một phần có Khoa đóng góp giúp Chị đã thực hiện biết bao nhiêu việc từ thiện, tin vui thêm nữa là con trai Chị đổi về Cali làm việc, Phượng thỉnh thoảng vẫn gọi phone thăm sức khỏe, hạnh phúc sao mà tràn ngập như ánh nắng bừng sáng rực bên ngoài khung cửa hạ, bông hoa khoe sắc rực rỡ, bầu trời trong xanh chứa đầy niềm tin yêu với cuộc đời này.

Khoa ở thêm 1 năm nữa thì báo tin Chị biết đã mua được căn townhouse. Duyên chỉ đến ngang đây… tâm trạng Chị thấy tiếc nuối đồng thời cũng vui mừng cháu có nhà mới. Chị gởi lại tiền deposit, hôm Khoa dọn nhà đi xong anh Đàn phát hiện tấm check còn y nguyên chuồi dưới cửa buồng Chị, gọi phone thì Khoa nói

- Thôi Cô ơi cháu không lấy đâu

Nói khô hơi Khoa cũng không chịu nhận lại, thật tình chị cần tiền mới cho thuê phòng chứ Chị đâu muốn nhận đồng tiền tham lam như vậy, Chị gọi phone nhiều lần nữa hỏi địa chỉ nhưng cháu cúp máy, đành giữ lại bất đắc dĩ

Dũng con trai Chị lần này góp ý trong buổi ăn tối

- Anh Khoa đi rồi, con nghĩ Mạ đừng cho thuê phòng nữa, con trả nợ tiền vay trường cũng sắp hết, từ nay mỗi tháng sẽ góp cho Mạ số tiền như người thuê phòng, chứ con thấy không quen kiểu hết người lạ này vào, người lạ khác vào nhà mình như vậy, mạ nghĩ sao.

Chú Út hồi nào giờ công việc chưa bền vững nên vợ chồng Chị giúp đỡ cho ở free từ lâu, nay Chú cũng nói góp ít nhiều để Chị tiêu pha thêm

Chị nghĩ đến những người thuê phòng thời gian qua cũng tạo nhiều cảm xúc lo sợ, buồn vui nhưng bây giờ phải chiều ý con, có điều lạ nhận tiền người thuê phòng chị lại mạnh tay rộng rãi hơn tiền của em chồng và con trai, có lẽ vì đó là công lao kiếm tiền của chị chăng ?!!!

Một hôm Dũng có vẻ hí hửng cho thêm tiền Chị nói

- Mạ giúp bà con bên VN thêm đi, chứ mai mốt con lập gia đình là không còn hào phóng đâu nghe

Chị nghe sáng mắt

- Bộ con có bạn gái rồi hở ?

- Đang định nhờ mạ nấu chi ngon ngon, dẫn về ra mắt mạ đây nè

- Con có đùa giỡn không? Sao lâu nay không nghe con nói gì hết vậy ?

- Thì bây giờ nói nè, thứ bảy này mạ chuẩn bị cơm trưa nghe

Cuối tuần Chị ra tay dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, cắt hoa tươi sau vườn cắm một lọ đủ sắc hoa vàng hồng tím thật vui mắt, Chị nấu nồi bún bò món quê hương của Chị mà cả nhà đều ghiền, hấp bánh nậm, bột lọc, thêm nồi chè đậu ván đặc con trai luôn thích. Mọi thứ đều xong xuôi trình bày sẵn trên bàn, Chị thấy niềm vui tràn đến, dầu tương lai con Chị có nên duyên hay không, trước mắt Dũng có bạn để hẹn hò đó đây là yêu đời rồi.

Tiếng xe Dũng vừa về, Chị đi lẹ lên phòng soi lại dung nhan và thoa chút son cho tươi tỉnh mặt mày xong bước xuống

Chị trố mắt ngạc nhiên ...quá bất ngờ thiếu đường bị...tăng xông luôn

- Trời ơi ...Phượng đây mà ...sao vậy? Sao 2 con quen nhau? hồi nào?

Anh Đàn cũng dương cặp mắt to nhìn chứ chẳng biết hỏi câu gì, Chị cũng hiểu tuổi trẻ bây giờ khác xa thời Chị, người lớn còn ngại con cái, con cái có thế giới riêng kín đáo cha mẹ khó tìm hiểu được. Chị chẳng hiểu Phượng và Dũng quen nhau ở đâu, đã hẹn hò từ khi nào, thôi thì tới đâu hay đó, việc gì vui trước mắt hãy vui hưởng.

Phượng và Dũng cứ nhìn nhau tủm tỉm cười, buổi ăn ấm cúng diễn ra, sau đó Phượng phụ dọn dẹp cùng Chị, hình như cháu có vẻ ái ngại lúng túng nên muốn gần Chị để nói điều gì, cháu vừa lau chén dĩa vừa kể

- Mùa Noel năm đó lúc anh Dũng về thăm nhà, có xin số phone con, sau đó chúng con liên lạc thường xuyên. Anh Dũng yêu cầu con dấu Bác, con phải nghe theo dầu đôi lần gọi phone thăm bác con rất muốn nói ra. Thỉnh thoảng cuối tuần anh lái xe về Sacramento thăm gia đình con, bác... tha lỗi cho con nghe

Chị cười thoải mái

- Có gì đâu mà con phải xin lỗi. Chúng con trong thời gian tìm hiểu thì kín đáo cũng là điều tốt vì không muốn có ý kiến người thứ 3 xen vào, bác biết tính con trai mà..., làm gì con bác cũng thường âm thầm chờ có kết quả mới lên tiếng.

Tuổi trẻ thật đáng nể, thời gian sau Phượng bỏ việc dưới Sacramento, tìm được job trên này tại thành phố Milpitas, khi công ăn việc làm tạm ổn và thuận tiện, 2 cháu bắt đầu nghĩ đến việc hôn nhân, thêm điều bất ngờ nữa là Dũng đã mua nhà nơi khu Evergreens mấy tháng trước.

Gần ngày đám cưới mới chở anh chị đến xem nhà mới, 2 cháu đã sắm sửa đồ đạt đầy đủ, trang trí nhẹ nhàng đơn giản, Chị nghĩ thầm “thảo nào nhiều bà hay than bây giờ làm cha mẹ chứ sợ con lắm, nó nói gì nghe đó ...” vì nó giỏi quá mà, chữ nghĩa đầy bồ ra xã hội không thua ai, muốn vô bếp mở YouTube nhìn là nấu cả loạt món, thích tự lực cánh sinh tạo dựng cơ ngơi riêng không làm phiền cha mẹ.

Đầu xuân năm 2017 Dũng và Phượng tổ chức đám cưới, tự lo từ A đến Z cha mẹ không hề hay biết, gia đình hai bên chỉ có việc lo mâm cúng tổ tiên và vác thân đến nhà hàng dự ...khỏe re

Dũng rất có hiếu với Chị, tuy đã ra ở riêng nhưng vẫn cho tiền Chị hàng tháng. Năm sau Phượng sinh con trai, gởi bà Nội trông cháu dùm, còn gì vui bằng bà Nội được gần cháu mà phong bì hàng tháng nặng ký gấp đôi. 5 ngày bà Nội bận, cuối tuần bà Nội đi Chùa sinh hoạt thoải mái đầy tự tin túi tiền rủng rỉnh rải ruộng phước.

Tháng 3 dịch bệnh Covid _19 hoành hành, nạn dịch đến quá nhanh. Thống đốc Gavin Newsom cũng ra thông cáo dân chúng tuân hành tuyệt đối “shelter-in-place” (ở trong nhà). Dũng và Phượng đều làm việc tại nhà, 2 cháu lo cho tuổi ông bà Nội lớn, cặn dặn không đi ra ngoài bất cứ đâu, nếu lây bệnh hệ miễn nhiệm yếu rất nguy hiểm.

Chị cũng hết giữ cháu luôn ...tối ngày ra vườn đi bộ, lượm lá sâu, tưới nước, nâng hoa, đọc sách và xem phim. Anh cũng nghỉ làm ăn tiền thất nghiệp, máy móc cũng sửa lai rai, xong gọi phone hẹn khách, để trước của nhà, đứng trong nhìn ra, khách bỏ tiền trong bao ni lông chuồi vào, nhiều khi Chị chứng kiến cảnh đó cũng ôm bụng cười cái thời buổi Coronavírus lạ lùng này.

Chị nhớ cháu vô cùng, chỉ biết gặp trên FaceTime cháu và con. Thức ăn 2 tuần con dâu Chị mua Costco nhân viên giao tận nhà.

Hôm nay sinh nhật anh Đàn, chúng nó gọi phone chúc mừng và báo đang đứng trước cửa nhà, anh chị mở cửa thấy thùng quà lớn để sát cửa, 2 cháu đứng ngoài ngõ nhìn cười hát “Happy Birthday to Ba”, dong tay cháu lên vẫy rồi cáo về. Anh Chị đem thùng quà vào ..nào là cà phê, mấy chai thuốc Move Free (tạo chất nhờn khớp xương), Centrum (hỗn hợp vitamin), Tonic Alchemy (bột xay các loại rau trái cây organic), các thứ bánh Pháp, cheese đầu bò, ôi biết bao nhiêu thứ ...Chị đang soạn ra từng thứ bỗng thấy có phong thư trắng để dưới góc, đang định mở ra thì Phượng gọi phone

- Mạ đã thấy phong bì chưa? Phần này là của Mạ đó nghe

- Mạ thấy rồi ...

Chị bỗng nghẹn ngào

- Giờ có đi đâu ra ngoài, Chùa cũng không, các con để đó lo chi tiêu, đưa mạ làm chi

- Mạ cứ để đó sau này gởi bà con bên Việt Nam, mạ yên tâm, tụi con ổn lắm, vậy đi mạ nghe

Phượng cúp phone, tự nhiên tay Chị run run mở phong bì… số tiền $2000 ngàn của con và dâu thể hiện tình thương đến chị, nước mắt Chị chảy dài vì xúc động. Anh Đàn thấy vậy chọc Chị

- Bà là nhất rồi, sinh nhật tui mà bà có quà lớn hơn tui nữa...

Chị đang giọt ngắn giọt dài tự nhiên sực nhớ ra điều gì, nghênh mặt nhìn anh

- Đó ...ông thấy chưa, “my business” của tui thành công chưa, nhờ vậy bây giờ mới có con dâu hiếu thảo như vậy

- Hi..hi...bà quên những người thuê phòng khác hở.

- Nhớ hết ...đó là một phần đời đi vào kỷ niệm, nói chuyện hiện tại thôi .., hiện tại là của quý lọt vào nhà mình, là mình có phước, là...là...là..Vợ chồng mình kiếp này mang ơn nước Mỹ lắm lắm, nhờ đất nước này mà mình có nhà cửa, có tương lai con cái sáng sủa, có cuộc sống sung túc “Great America”

Anh thấy chị qua cơn xúc động, nói say sưa như đang sống lại những hình ảnh ngày xưa, những hình ảnh người thuê phòng đã đi vào căn nhà này, anh đệm thêm:

- Đúng ...bà đúng lắm, hoan hô.... “your business”, hoan hô nước Mỹ.

Chị cười vui vẻ nhìn anh và sắp xếp các thứ lại gọn gàng, rồi ra vườn đi bộ thong thả khỏi lo buổi cơm chiều, vì đã có sẵn nồi cháo cá và nồi chè sâm bổ lượng nấu trưa nay rồi

Những sợi nắng dịu dàng len qua cây cỏ, mùa hạ đã ra đi, gió thu nhè nhẹ mát, một số hoa đã tàn chỉ còn lại vài cây hồng còn đơm bông nở nụ, lá vàng rơi lác đác, tâm hồn chị thấy thoải mái lâng lâng cảm giác hạnh phúc trong tầm tay, vào nhà, Chị lấy phone vừa đi thong dong, vừa ngắm mây trời cảnh vật, ý tưởng tuôn tràn trên phím gỏ:

Yêu Thu

Dõi áng mây hoà sắc tím thu

Mơ đầy ánh mắt lịm trời thu

Lao xao lá rụng phai màu nắng

Lãng đãng chiều tàn thắm cảnh thu

Ảo giác say sưa lùa lối hạ

Tâm hồn đắm đuối gởi nàng thu

Bâng khuâng khẻ hát lời tình tự

Hạnh phúc dâng tràn hưởng gió thu

Minh Thúy Thành Nội

Tháng 8/2020

Ý kiến bạn đọc
19/09/202015:20:27
Khách
Chị Minh Thuý (Thu ý...)

“Nhìn đâu cũng thấy mây” là nhìn đâu cũng thấy mong manh mây trời của phận người nên em dễ đồng cảm.
Đọc những lời bình về chị, em biết chị là nhà thơ.
Em thì lâu nay thích thơ xưa và chỉ là một bụm mây thơ. Mấy năm trên đây (chỉ trên đây thôi!) Mỗi khi đọc chi có ý thơ em thích thì em mở bụm tay (nhốt mây trong đó) thổi cảm xúc em vào. Giống như bài này của chị.

Mình mãi giống vậy chị nha!...
19/09/202012:15:05
Khách
"Cho thuê phòng", cái tựa đề không gợi một liên tưởng gì đến văn chương chữ nghĩa! Vậy mà tác giả Minh Thuý đã cho độc giả cảm giác bị lỏi cuốn từ đầu đến cuối, dõi theo những những cảm xúc qua các tình huống, diễn biến của câu chuyện "tưởng đơn sơ như cái đầu đề"!
Hầu hết những bài viết của Minh Thuý cùng có một điểm chung, Viết Về Nước Mỹ nhưng "không bao giờ thiếu Quê Hương Việt Nam": những hoài niệm tuổi thơ, tuổi học trò, nhất là "những ngày đen tối sau 30/4/75" đã ghi dấu ấn khó phai, hễ có dịp là tuôn trào... Với truyện "cho thuê phòng", độc giả còn được thưởng thức chất trào lộng, dí dỏm, làm nhẹ bớt cảm xúc đáng ra rất "tiêu cực" do tình huống xấu gây ra. Kết thúc bất ngờ (người thuê phòng trở thanh dâu hiền) tạo thích thú cho độc giả cũng là cách nhiều nhà văn ưa chuộng. Cảm ơn tác giả Minh Thuý!
19/09/202009:03:20
Khách
Bài viết dí dỏm đọc rất thích. Có lẽ phải bắt chước tác giả Minh Thúy cho thuê phòng ...biết đâu tìm được rể quý :-)
18/09/202019:40:11
Khách
2 clip thơ nhạc gởi không được . Chị xin lỗi Từ Huy , chị gởi bài xướng này vì thấy em muốn sống trên mây
Ngàn năm Mây Bay
Mây cuộn về đâu tận cuối trời
Mây nhìn tản mạn khoảng sầu rơi
Mây ơi lãng đãng hoài muôn kiếp
Mây hỡi phiêu du mãi suốt đời
Mây lặng chào thu màu tím ửng
Mây thầm tiễn hạ sắc hồng vơi
Mây lùa mắt lịm hồn xa vắng
Mây gợi buồn tênh khó diễn lời
Minh Thuý Thành Nội
Tháng 9/3/2020
18/09/202018:06:11
Khách
Xin chân thành cám ơn quý độc giả đã đọc bài " Cho Thuê Phòng và có lời chia sẻ khích lệ rộng lượng . Còn điều gì vui hơn nữa cho người cầm bút
Kính chúc mọi sự an lành đến quý anh chị em .
Minh Thuý
Thấy em Từ Huy làm thơ , chị xin gởi clip thơ nhạc em nghe cho vui nhé
HOA SẦU RIÊNG (Minh Thúy Thành Nội).mp4
Ngàn Năm Mây Bay - Minh Thúy (lần 4b).mp4
17/09/202015:23:15
Khách
...
Thu ơi thu sang...
17/09/202008:02:35
Khách
Bài viết rất tếu , kể lại giai đoạn nghèo sau 75 có những tình tiết thật vui . Qua Mỹ cho share phòng gặp nhiều nhân vật đọc ôm bụng cười quá . Cám ơn tác giả bài viết hay và rất có duyên , có hậu . Mong đọc thêm bài viết mới của tác giả
16/09/202019:49:07
Khách
Đang bận lắm, không có thì giờ đọc nhiều bài nhưng đã đọc bài viết của Minh Thúy một hơi đến hết chuyện. Không ngờ nhà thơ Đường lại viết văn hay và dí dỏm đến vậy! Xin chúc mừng và cám ơn Minh Thúy.
16/09/202018:50:54
Khách
Bài viết kể lại những vất vả trong cuộc sống bị đảo ngược ở Huế sau ngày nước mất cho đến những chuyện vui, buồn trong việc cho thuê phòng bằng lời văn của một nhà giáo Miền Nam lôi cuốn độc giả đọc một mạch từ đầu đến cuối.
Tác giả kể lại: "Một lần Chị ngồi đối diện một em mặc quần toẹt đáy đã 2 hôm, Chị nhắc nhở em:- Ngày mai đi học em nhớ thay quần khác nghe chưa ? Bỗng nhiên có tiếng em khác nói to: Thưa Cô ...trò ...chỉ có một quần nớ".
Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kể lại rằng sự nghèo khó ở Việt nam vẫn còn kéo dài ngay vào thời kỳ Đổi Mới- tức sau 1986-, tại nhà trường, nơi người vợ đang đi dạy, có trường hợp mà hai cô giáo phải chia với nhau một cái quần. Hai cô giáo này không bao giờ có thể đứng trước lớp học cùng một lúc được.
Còn ở miền Bắc, trong thời kỳ chiến tranh " Việt nam đánh Mỹ là đánh cho Liên xô, Trung quốc",nhà văn kể lại có đứa bé gái 12 tuổi cởi truồng cầm đầu một tóan 6,7 đứa trẻ ban đêm cũng trần truồng đi ăn trộm mía của hợp tác xã.
Nhớ lại miền Nam dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, lợi tức người dân còn cao hơn cả Đại Hàn, Trung cộng :
1960- 62 ( Nguồn IMF- Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế )
Miền Nam: $223 $204 $154
Miền Bắc: $73 $74 $54
Đại Hàn: $155 $92 $104
Tàu cộng: $92 $76 $70
Tác giả kể : "Tiên ơi mi coi nì, tên Phạm Tuân chỉ có nước đi theo gải ..gải...gải...lưng cho tên Liên Sô thôi chớ biết cái chi, nói xong chị nằm ra giữa sàn nhà Tiên cười ha hả ".
Trong một bài báo, " pác " Hồ - ký tên CB ( Của Bác)- của xứ Thiên Đàng Mù viết rằng :
«Máy bay Mig 21 của Không quân nhân dân ta rất tài giỏi ! Bọn giặc lái Mỹ không ngờ máy bay ta bay núp trong mây, tắt máy chờ máy bay Mỹ bay ngang liền nổ máy lại, bay chận đầu máy bay Mỹ và phóng tên lửa hạ gục chúng".
Ha ha, cười pể pụng !
16/09/202017:57:41
Khách
Bài hay, hài và lôi cuốn. Cám ơn chị MT đã chia sẻ!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,761,667
Ngày 6 tháng 1, 2021, cả nước Mỹ sững sờ theo dõi một cảnh tượng không thể ngờ: một đám đông mang vũ khí tràn chiếm và đập phá Điện Capitol -- trụ sở của ngành lập pháp Hoa Kỳ, đòi treo cổ Phó Tổng Thống Mike Pence và “trừng trị” các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ trong khi họ đang làm một nhiệm vụ quan trọng theo hiến pháp là xác nhận kết quả bầu cử Tổng Thống. Hầu hết người dân Hoa Kỳ lo lắng, buồn phiền, tức giận, xấu hổ. Trong khi đó, rất nhiều người Mỹ gốc Việt tị nạn Cộng Sản phải đối mặt với nỗi đau nhân đôi, bởi vì nhiều lá cờ vàng ba sọc đỏ đã xuất hiện trong đám bạo loạn.
Cô bé tẻo teo mà giết cả triệu người trong một năm; nạn nhân và thân nhân của họ không hề nhìn thấy hình dạng cô thế nào; cô là một hung thủ vô hình vô ảnh, biến hóa lợi hại còn hơn triệu lần sợi lông của Tôn hành giả. Mỗi nạn nhân của cô kéo theo nỗi đau khổ của cả chục thân nhân, bằng hữu.
Niềm mơ ước và mong chờ nhất của tất cả người dân đã trở thành sự thật, Hoa Kỳ đã có những loại thuốc chủng ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna. Cả hai loại vaccine này đều chích 2 mũi. Vaccine Pfizer cần nơi có nhiệt độ rất lạnh, -94 độ F, còn vaccine của Moderna có thể giữ trong tủ lạnh. Qua sự giải thích của những vị Bác Sĩ trong Youtube, tôi hiểu rằng, vaccine là một vật thể, được đưa vào cơ thể chúng ta, để kích thích hệ miễn dịch, dạy cho hệ miễn dịch của chúng ta khoẻ hơn.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ.. Sau đây, là bài viết mới.
Hôm nay trời trong, nắng đẹp, không âm u như mọi hôm. Mùa Thu mát mẻ dịu dàng. Một số lá vàng còn sót trên cành từ từ rơi theo từng cơn gió nhẹ. Đám cúc nhiều màu: vàng, tím trước sân đang nở rộ. Vài con sóc nhanh nhẹn chạy qua lại rồi leo lên cây, con trước con sau như đùa nhau. Sân sau họ hàng nhà nai, ba con lớn hai con nhỏ thong thả, nhơn nhơ ăn cỏ non. Hai con nai nhỏ này thật mau lớn. Tháng trước chúng còn lẽo đẽo theo gần mẹ, nay đi cách khoảng xa xa. Chúng rất dạn, chẳng hề sợ hãi khi thấy bóng người.
Rời xa quê nhà đã rất lâu nhưng tôi vẫn nhớ những củ khoai ngày cũ mà mình ưa thích! Mỗi lần đi vào tiệm thực phẩm hay để ý tìm nhưng tuyệt nhiên không thấy! Cách đây khoảng hơn năm, rất tình cờ tôi nhìn thấy những củ khoai lang tím nằm bên cạnh những loại khoai khác trong một tiệm bán thực phẩm gần nhà! Ôi, xa xôi ngộ cố tri! Vui gì đâu! Mua ngay một mớ mang về, mặc dù họ bán không rẻ, $3.99/1 pound, trong khi các loại khoai khác chỉ $1.49 hoặc $1.99/1pound! Bán mắc như thế nhưng không phải lúc nào chúng cũng hiện diện trên quầy hàng! Hên thì tuần nào cũng có, không hên thì 2, 3 tuần mới có một lần!
Tác giả là cây viết quen thuộc của chương trình VVNM, được nhận giải “Danh dự” và giải chung kết “Vinh danh tác phẩm”. Ông về hưu và đang định cư tại Orange County.
Tuổi mới lớn và mối tình đầu với nhiều say đắm, hai đứa lén lút trong mỗi lần hẹn hò vì gia đình em khe khắt, ngăn cấm cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối này, loay hoay thế nào thì em có thai trước ngày cưới, Mẹ em giận dữ biết bao nhiêu, nhưng cũng ép lòng cho tổ chức đám cưới, chính xác là bên nhà em đình đám để khỏi tai tiếng với họ hàng, đàng trai không có ai đến vì mặc cảm, tôi nghèo đến độ phải mượn bạn bộ đồ vest cho tươm tất để làm chú rể, không có rước dâu hay quà cáp linh đình, tôi biết em không vui nhưng vì yêu tôi , em chấp nhận mọi thiệt thòi trong ngày thành hôn trọng đại của một thời con gái. Tôi cảm kích tình yêu của em và thấy như mình có tội, cái tội quá nghèo không xứng tầm với em.
Đôi dòng về tác giả: -Tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966 - Là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam -Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993 -Định cư tại Canada từ 1994 đến nay.
Nhớ lại lúc mới qua Mỹ, đám cưới kỷ niệm đúng ngày Noel để tiện con cháu về nhà nghỉ lễ, và bà con từ xa đến. Lúc đó gia đình chỉ khoảng 20 người vì còn nhiều em chưa lập gia đình. Các cô các chú lấy chồng lấy vợ tăng dần thêm nhiều cháu, hiện tại đại gia đình đã vượt hơn bốn mươi người, điều may mắn con cái ở gần ngôi nhà của ba mẹ chỉ khoảng 10 phút, 15 phút hay xa lắm chỉ mất 30 phút lái xe. Ba mẹ chồng tôi luôn nhớ người đã khuất, hạnh phúc của ông bà mong có ngôi nhà Từ Đường thờ cúng từ vế Cố Ngoại Nội trở xuống, ngoài ra còn thêm cậu, cô, dì...v...v... Nhập gia tùy tục… Ngoài những buổi kỵ giỗ, con cái họp lại vào dịp lễ Thanksgiving, Noel, Newyear countdown và Tết Việt Nam .