Hôm nay,  

Duyên Thơ - Mối Tình Lá Khoai

24/08/200600:00:00(Xem: 247935)

Người viết: Chúc Chân

Bài số 1082-1691-404-vb4230806

Tác giả tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư trú tại Austin, Texas, đã 18 năm làm công việc một kỹ sư. Tự mô tả mình là "Người Mỹ, gốc Việt, dòng Hoa," Chúc Chân đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt, và đã được trao tặng giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau đây là bài viết mới nhất của bà.

*

Thơ!

Duyên của thơ và tôi chắc xa ngàn dặm, ít nhất cũng bằng đường bay từ Austin qua Sài Gòn. Tôi không thể trích đọc xuông xẻ dòng thơ của thi sĩ nào trong đời mình ngoại trừ bài thơ "Qua Đèo Ngang" mà tôi thuộc lòng của tác giả Bà Huyện Thanh Quan.

 

"Bước tới đèo ngang bóng xế tà,

Cỏ cây chen lá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông rợ mấy nhà." 

 

Tôi không biết tại sao mình nhớ bài thơ nầy. Có lẽ "tiều vài chú" gắn liền với định mệnh tôi: lấy chồng Tiều. Mặc đầu chồng tôi là người Tiều Châu (Trung Hoa), không phải người tiều phu (đốn củi) mà Bà Huyện Thanh Quan thấy dưới Đèo Ngang.

*

Mối tình lá khoai có lẽ bắt đầu từ chuyến Dũng đi Việt Nam lần thứ nhất. Chàng làm thợ nail mà phong lưu chán, dám nghỉ việc cả tháng đi Việt Nam không chút lo lắng, Dũng bảo:

- Khách thích cháu làm lắm, chủ không đuổi cháu đâu. 

Tội nghiệp chàng độc thân nhưng lâm cảnh gà trống nuôi con sau khi ly dị vợ. Chàng và nàng chia tay, chia luôn hai đứa con cho gọn. Dũng giữ đứa con gái lớn 4 tuổi. Thằng con nhỏ chưa đầy 2 tuổi ở lại với mẹ. Những lần gia đình tụ tập, chàng phong lưu vác con bé Tí ngủ gà ngủ gật trên vai trông hơi thảm thương.

Năm ngoái em Dũng, con Hiền ở Sài Gòn điện thoại qua nhắn anh khi nào rảnh về kiếm vợ. Thế là Dũng về Việt Nam. Chúng tôi, đám cô chú và bạn của cô chú, dặn dò chàng cẩn thận, sợ cháu đạp phải vỏ dưa tuột thêm lần nữa. Dũng trấn an bọn tôi:

- Cô chú khỏi lo, con Hiền chọn khỏi sẩy.  

Sau bốn tuần ra đi, Dũng trở về Mỹ một mình. Khỏi sẩy thật.  Dũng trở về hiên ngang mang theo mớ hình đám cưới ở Việt Nam linh đình của mình. Mấy bộ tiều thuyết chưởng của Kim Dung, tổng cộng mười lăm quyển sách bìa cứng chữ mạ vàng ấn hành ở Sài Gòn các cô chú nhờ mua Dũng mang qua Mỹ đầy đủ.  Sứ mạng của Dũng hoàn thành khá mỹ mãn. Nhưng cô vợ mới cưới phải ở lại chờ chiếu khán nhập cảnh Mỹ.

Đám cô chú chia nhau xơi sạch mớ bánh phòng dừa, mớ kẹo chuối, mớ hột điều rang Dũng mang về.  Qua tết, mấy bộ chuyện chưởng đám cô chú chuyền nhau đọc giáp và đã luyện "công phu" thành chân khí xong hết rồi, vậy mà vợ mới của Dũng vẫn chẳng thấy tăm hơi. Chưa qua hết mùa hè, đột nhiên Dũng báo cho đám cô chú hay tin sốt dẻo, tháng sau Dũng về Việt Nam:

- Cháu về thăm vợ cháu sắp Sanh.

Đám cô chú nhìn Dũng vô cùng ái náy giọng nhắn nhủ:

- Đủ rồi nghe mậy!

- Dạ, con biết kỳ nầy sẽ phòng thân cẩn thận. 

Dũng về Việt Nam lần thứ hai cô Từ Hương có gởi kích thước nhờ may vài chiếc áo dài. Chuyện chưởng luyện hết chín thành công lực rồi và có lẻ cô Từ Hương nhớ cảnh đại học văn khoa ngày nào, nên dặn cháu chuyến nầy mua sách văn và thơ.

Dũng trở về Mỹ lần thứ hai hòan thành sứ mạng cô Từ Hương giao phó không trắc trở chi hết ráo. Ba chiếc áo dài tha thướt màu đọt lá, nữa lố sách chuyện miền nam của cụ Hồ Biểu Chánh (cô Từ Hương muốn đọc lại hương xưa miền nam) và mấy tập thơ của Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hửu chất chưa đầy chiếc vali. Ngồi bên bàn ăn nhà cô Từ Hương , tôi nhâm nhi kẹo chuối, cô Từ Hương đang thử áo dài, vừa vuốt vạt áo vừa khen:

- Được lắm hả chị Chúc" Not too bad,  ba cái áo, một đống sách, một ký hải sâm, một thùng hột điều rang mà có trăm rưởi bạc!

Tôi đưa tay cầm chiếc áo tơ nhớ lại chiếc áo dài trắng ngày xưa xa lắc xa lơ.  Ngày xưa lúc hàng tơ đang thuở thịnh hành, không có cô học sinh hay sinh viên nào mà chẳng sắm áo tơ.  Xin cám ơn thi sĩ Nguyên Sa đã lăng xê miễn phí tơ Sài Gòn giăng đầy chợ Bến Thành,  "Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc", qua bài Áo Lụa Hà Đông. Từ đó những chiếc áo lụa vàng, áo lụa xanh tha thướt khắp phố.

Cô Từ Hương mang qua bàn cho tôi tách cà phê nóng mới pha thơm mùi rang khét đặc thù của Starbucks, mùi khét bắp rang độn của cà phê vớ Việt Nam. Kéo chiếc ghế đối diện tôi, cô ngồi xuống và chúng tôi bắt đầu "bình" thơ.

- Cô Từ Hương còn nhớ câu thơ  “lá vàng trước gió sẽ đưa vèo"  được tiếp nối bằng một tràng ho dài và hàng quảng cáo "... mùa thu , mùa ho gà," của chương trình thương mại trên đài Sài Gòn, quảng cáo thuốc ho Acodine khi xưa không"

- Câu đó không phải của Tố Hữu đâu. Nhưng em cũng không nhớ của ai.

- Cô Từ Hương biết không, Tố Hữu là cộng sản thứ thiệt đó. 

- Em không hiểu sao Tố Hữu lại viết "em như cục c.. trôi sông, anh như con chó chạy rong trên bờ," nặng mùi quá cở!

- Ủa thơ đó của Tố Hữu sao" Vậy mà tui tưởng đó là thơ bình dân, thơ con cóc nhảm nhí.

Hầu như những dòng thơ bất hữu thường được viết khi tác giả còn rất trẻ. Chẳng bao giờ thấy mấy bác cỡ bốn năm bó trở nên viết ra hồn thơ "để đời".  Có lẻ khi người ta "khôn ra", chất xám nhiều, nên trực giác (intuitive) không còn nhạy cảm mấy. Hay dòng tư tưởng nghệ thuật đã bị "thực tế hóa"" Mùa thu ở Mỹ là mùa hay fever, người ta phải lo đi chích thuốc dị ứng, người ta phải lo đi hốt lá vàng chứ không tơ tưởng tới lá vàng. Hởi ôi, hốt lá vàng bỏ vào hơn một tá bao tải rác "sao mà buồn thế"!

Tôi cầm mấy tập thơ, giở nhanh cố tìm vài dòng thơ quen thuộc, cố tìm ra chút lãng mạn của thời tiền chiến thập niên 40s lúc tôi và cô Từ Hương hãy còn xa lắc chưa hình thành.

Mắt tôi lướt qua bài Nước Đổ Lá Khoai, dòng thơ của Xuân Diệu không đề viết từ lúc nào, có lẽ lúc đã qua thời trẻ ngông cuồng của con chó chạy rong trên bờ. Dòng thơ nghe ngộ nghỉnh. Tôi giở đọc lại:

- Cô Từ Hương, bài thơ nầy hay quá, nghe đây,


"Lòng ta là một cơn mưa lũ

Đã gặp lòng em là lá khoai

Mưa biếc tha hồ rơi giọt ngọc

Lá xanh không ướt đến da ngoài"

 

- Mà chưa hết đâu, nghe phần kết cục nầy nè,

 

"Ngày mai nắng mọc, mưa rơi hết

Mặt tạnh cơn si, lòng cạn hồ

Ta sẽ thôi yêu như đã giấu

Không hề oán hận lá khoai khô"

 

Tôi và cô Từ Hương đột nhiên cùng bật lên một tràng cười dòn tan.

- Là lá khoai mà còn lá khoai khô nữa chứ!

- Chúng em đã là lá khoai lâu rồi, nước có đổ bao nhiêu chẳng thắm vào đâu! Hai đứa con, một cái job full time, một cái mortgage phải trả, một căn nhà phải dọn, đống laundry phải giặt!

Cô Từ Hương là sinh viên văn khoa thời nhiễu nhương đó. Những cô học trò thích lãng mạn, thích đọc thơ tình ngày xưa bây giờ đã ôm năm bó. Những cô sinh viên "Bắc kỳ - hay không phải Bắc kỳ-  nho nhỏ" bây giờ đã là những bà mẹ (có khi hơi to một tí) và con của các cô đã trở thành những cô hay cậu sinh viên Mỹ. Thơ tình Việt Nam mẹ có đọc cho chúng nghe cũng chỉ là nước đổ lá khoai thôi.

Hay có thể các cô nho nhỏ khi xưa đó bây giờ khi con họ đã trưởng thành, mà chồng nổi cơn "mid life crisis" ly dị cưới vợ nhí, bất đắc dỉ đã trở thành độc thân, chưa chồng, không con, lòng cô là lá khoai chăng"

- Chị Chúc ơi cả đám bạn của em hồi đó đi làm về, cả lũ rủ nhau đi nhảy. Bây giờ tụi nó độc thân hết.

 

Lúc trước do tình cờ trên internet tôi có đọc bài văn và thơ của Linh Dinh một nhà thơ, kiêm nhà văn, kiêm họa sĩ, sanh ra ở Việt Nam và trưởng thành ở Mỹ. Bài "Eight Postcards from Vietnam" những dòng viết bằng tiếng Anh như dao cắt, có hơi mạnh bạo quá, có hơi phủ phàng quá, nhưng rất trung thực của Việt Nam nghiệt ngã. Những dòng thơ trong "A Hardworking Peasant From The Idyllic Countryside" và  bài "A Peripatetic Purveyor of Nothing" nghe như cà phê expresso, không đường, đắng và thật. Những dòng thơ của anh có thể làm cho các cô em "Bắc Kỳ nho nhỏ" sợ hải.

Duyên thơ trực diện, face to face, đúng nghĩa của tôi là chuyến gặp gỡ một nhà thơ  ở nam Cali trong buổi họp mặt của giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Còn cô Từ Hương duyên thơ cây nhà lá vườn của tôi, gặp hoài!  Bài thơ "Tình Tự Gia Long" của cô được tôi in trên giấy poster tranh của Monet và tặng lại tác giả. Bức tranh và bài thơ được tác giả treo giữa phòng khách, trên mantel lò sưởi.

Cô Từ Hương có sáng tác một bài thơ, "inpired" khi đọc lại một bài viết của tôi lần thứ ba cãm tác và email cho tôi. Bài thơ tôi xin chia sẻ:

 

Những buổi sáng anh qua xóm vắng,

Vòng xe lăn mòn mỏi nỗi thăng trầm,

Con phố nhỏ chìm trong sương ẩm

Anh âm thầm nhớ bóng em yêu.

 

Áo rách vai mưa qua chỉ mỏng,

Từng vết khâu nặng chiếc áo ân tình.

Ngày qua ngày nhìn trăm mối vá,

Nhìn cuộc đời xa lạ vắng bóng em,

 

Anh bỗng dưng muốn mình hóa đá,

Làm bia xanh nhớ mãi dấu tên em.

Lưng còng mang một nổi ê chề,

Anh kéo bước chân trần theo nhịp sống nổi trôi,

 

Em ra đi tình như sương khói,

Mùi ân ái còn vương vấn tấm áo bạc màu.

Bánh xe lăn trên con đường bụi đó,

Người ta hỏi sao còn thương áo cũ"

 

Em ơi, áo cũ nhưng tình anh vẫn một màu,

Người thiên thu vẫn yêu mãi nghìn thu.

 

Mãi đến cuối tháng rồi, tôi được hạnh ngộ duyên thơ thứ ba trên đất Mỹ. Cuộc gặp gỡ rất tình cờ trước một siêu thị Việt Nam đang khai trương trong một khu thương mại mới mở ở Austin.  Cuộc gặp gỡ giữa trưa mùa hè trời Texas đổ lửa khi tôi đang đứng chờ gia đình in-law của đứa cháu tới Austin chơi.  Chúng tôi hẹn khách đi ăn BBQ (thịt nướng) ở Salt Licks, một quán "đồng quê" (The Idyllic Countryside!) kiểu Cao-bồi rất đặc biệt.

Quán ở cách thành phố khá xa giữa chốn thôn quê hẻo lánh, nhưng rất đông khách. Cuối tuần khách tới ăn từ kháp nơi. Những chiếc xe bus chở từng đoàn du khách, hay khách cao bồi giàu đến từ chiếc xe Hummer kiểu limosine đòn dài cao lêu nghêu, cọc cạch đổ lên cái sân sỏi lỡm chỡm. Bàn ghế trong quán rất giản dị, với những chiếc băng và ghế dài đóng bằng gỗ cedar thô sơ. Quán ở xứ khô (dry county) nên không bán bia hay rượu. Khách muốn uống phải khệ nệ mang những thùng đá chứa bia đến.  Những miếng thịt nướng treo tòn ten trên  một lò gạch "open pit" to, lửa đỏ lâm râm.  Thành lò đóng dầy một lớp cợn béo lâu năm đen ngòm. Mớ thịt, mớ sườn, mớ sausage treo bên trên bóng mỡ, láng lẩy đủ bảo đảm chất lượng ngon lành. Khách có thể chọn ăn kiểu "family style" với thịt cung cấp không giới hạn, ăn đến no căng bụng mới thôi.

Tôi kể hơi nhiều về quán BBQ nầy để làm nhập đề lung khởi cho duyên thơ thứ ba của tôi: Tôi gặp một thi sĩ và được "thương tặng" một tập thơ vừa in xong June 2006.

Khách in-law của chúng tôi lái xe từ đường xa nên chúng tôi hẹn gặp ở Siêu Thị Việt Nam cho dể tìm. Họ cũng cần mua thực phẫm Á Đông. Khách đến trể, đã vậy mà đã hơn một giờ trưa nhưng cô cháu gái còn đang ghé tiệm vàng. Tôi đang đói meo vì không ăn sáng, mà còn phải chờ thêm ít nhất cả giờ lái xe mới tới tiệm ăn.

Trong lúc chờ đợi tôi và ông xả ghé qua căn văn phòng nhỏ chúng tôi đang sang và sắp dọn vào trong khu thương mại nầy. Xéo qua góc dối diện với văn phòng là một tiệm cơm bình dân đang dựng bảng "Cơm Chỉ Food to Go". Với tham vọng dẹp bếp nhà, chúng tôi rảo qua thăm tình hình tiệm.

Thi Sĩ đang trong quán Cơm Chỉ bước ra với áo may-ô, quần ngắn, mồ hôi nhỏ giọt dài giọt vắn trên trán và trên khuôn mặt đầy bụi thành từng vệt dài. Ông xã tôi và anh quen nhau nên bắt tay và bắt chuyện ngay. Anh quen tôi, nhưng tôi hơi "quên" anh, nên ông xã tôi nhắc.

- Anh đây trước học với em ở Community College đó (hơn 20 năm truớc!). Anh hỏi thăm em và mấy chuyện viết của em trên VB hoài.

Tôi bắt tay anh đáp vả lả vài lời xả giao. Anh nói như để giải thích tình trạng hơi lượm thượm của mình.

- Tôi ra đây phụ cô bạn của vợ tôi một tay dọn tiệm.

Rồi anh "vào đề" luôn.

- Chị in sách đi chớ, không tốn kém gì đâu!

Tôi cười trừ không đáp lại.

- Tôi vừa mới in xong tập thơ, chị chờ tôi một chút.

Anh đi ra phía parking lot trống rổng với vài chiếc xe pick up đang đậu dang nắng. Trở lại anh đưa cho tôi một quyển sách.

- Tập thơ tôi mới in xong ở Việt Nam xin tặng chị.

Quyển sách còn nóng hổi, phơi cả ngày trong thùng chiếc pick up dưới nắng hè Austin. Tập thơ khá dầy, có lẽ hơn trăm trang. Tôi lúng túng nhận quyển sách, không biết đối đáp ra sao.

- Cám ơn anh. Anh giỏi quá, anh làm thơ mà còn in ra tập thơ dầy như vầy ở xứ nầy thật hiếm lắm.

Anh ôn tồn đáp lại.

- Chị viết chuyện được làm thơ được mấy hồi.

- Không dám đâu anh ơi, cho xin đi, tui múa rìu không nổi đâu.

Chúng tôi cùng cười. Chào chia tay anh mà lòng tôi đang tơ tưởng tới miếng sườn, miếng bisket nướng mền nhũn mướt mỡ sẽ tan xuống dạ dầy một cách dịu dàng, không cần đếm tới calorie, không cần đếm tới lượng cholesterol.

Chiều hôm đó về nhà ông xã tôi nhắc.

- Chà em được tác giả “thương tặng” hả"

Cả ngày đi rong ngoài đường nóng đến "xì khói" và sau một bữa ăn no đến "cành hông", tôi đã quên tập thơ.

- Đâu đưa em coi, tác giả thương tặng em thiệt hả"

Ông xã tôi đi ra xe lục lạo một đổi và trở vào nhà tay không.

- Không biết đâu mất rồi.

- Hay anh sợ" Thấy người ta thương tặng em"

Mấy ngày liên tiếp ông xã tiếp tục lục kiếm hết trong xe, trong thùng xe, dưới băng ghế, nhưng tập thơ vẫn không tìm thấy. Khi ổng sắp thề sống thề chết là tập thơ không bị thủ tiêu vì "thương tặng" thì tôi tìm ra nó.

Tập thơ nằm gọn trong cái bọc nhựa trắng in hàng chữ đỏ MT Super Market bên cạnh hai gói hủ tiếu khô. Tập thơ được thương tặng, nhận lúc mình đang đói, bị mất tích, sắp ăn thề đã tìm lại được, nguyên vẹn và nằm an toàn trên ngăn kệ tủ thực phẩm khô trong nhà tôi. 

Tối thứ Bảy, sau tuần trà Pu-erh pha uống với ông xã, tôi nằm trên chiếc ghế sofa trong phòng khách giở tập thơ ra xem. Đúng như ông xả tôi nói, tập thơ có hai chử "Thương tặng" và chử ký của tác giả. Giở mục lục tổng cộng 193 bài,  tuyễn tập thơ trãi từ năm 1972 cho tới 2006 của Thi Sĩ,  hầu hết là những bài thơ tình. Tình chan chứa từ lúc Thi Sĩ còn chạy rong trên bờ, cho tới khi "có lẽ vì già nua , cằn cỗi, chua cay..." như tác giả tự thuật. Một số bài thơ viết cho mẹ. Một bài thơ Thất Tình. Một bài thơ bằng tiếng Anh, Will Shine, viết cho Vivian High School Graduation 2006.

Trang tự thú của Thi Sĩ, "Đã bao năm tôi làm thơ điều đặn. Tôi chỉ có thú ngồi viết, đôi lúc không biết mình viết gì ... ", mặc dù  "khổ thay tôi chẳng thuộc và nhớ thơ của mình bao nhiêu".  Thật sung sướng thay viết chỉ để viết. Nghe sao rất Thiền.

Riêng tôi và cô Từ Hương thì vô cùng hạnh phúc khi nghe mình hoá kiếp lá khoai xanh. 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 47,984,344
Hoa Kỳ là một nước văn minh giàu có. Có thể nói là giàu nhất thế giới. Từ bao nhiêu năm, qua hằng bao Thế Kỷ, đã có biết bao người mơ ước được đến sinh sống trên đất nước Hoa Kỳ. Nhiều dân tộc đã đổ xô di dân đến Mỹ, vì Mỹ là vùng "Đất Hứa", là Cõi Thiên Đường. Người ta đã ví cho Mỹ là như vậy. Người Việt Nam sống dưới chế độ Cộng Sản từ sau 1975, cũng đã ôm ấp giấc mơ này
Thuở còn cắp sách đến trường, tôi không nhớ mình đã viết đến bao nhiêu dòng suy nghĩ trong các quyển lưu bút mỗi khi bắt đầu thấy hàng phượng ở sân trường một hôm bỗng đơm hoa đỏ thắm. Những dòng chữ ngây ngô mang nặng nổi buồn man mác khi sắp phải xa trường lớp với thầy cô cùng bè bạn dù chỉ trong vài tháng
Bà Đoan mấy bữa nay bận rộn với hai đứa con: thằng Doãn lên 9 và con Liên lên 7, hễ bà đi làm về chưa kịp uống ngụm nước thì chúng nó hối thúc đi chợ mua sắm đồ dùng để đi cắm trại. Thân thể mệt nhừ sau 8 tiếng làm trong hãng, bà chỉ muốn về nhà ngồi trên chiếc Lazy-boy nghỉ ngơi chốc lát, nhưng xem chừng số bà lận đận lao đao từ nhỏ
Xin hỏi thực lòng nhé, trên đời này chuyện gì khiến ta vưà vui mừng lại vừa ngao ngán" - Xin thưa, đó có phải là khi ta nhận được thiệp mời đám cưới không" - Taị sao vậy cà " - Đơn giản thôi. Ta mừng vì bạn bè còn nhớ đến ta, hàng xóm láng giềng còn nghĩ đến ta. Nhưng khi phải đi dự tiệc lại là nỗi khổ. Cách đây bẩy tám năm về trước cặp vợ chồng
Khoảng bốn giờ chiều Sandy bấm điện thoại intercom, bảo cô muốn nói chuyện ngay với Bích. Bích vội nhấn nút "save" để giữ laị những gì vừa đánh vào computer rồi mau mắn tới văn phòng riêng của cô ta. Nàng phân vân tự hỏi sao hôm nay cô trưởng phòng có vẻ tư lự, khác hẳn bản tính vui vẻ, hay bông đùa thường ngày.
Nhà tôi và tôi mở nhà hàng ăn tại Mỹ từ năm 1977 tới năm 2002 thì tạm đóng cửa vì lý do sức khỏe. Tính ra khoảng thời gian làm nhà hàng được đúng 25 năm. Trong dự tính nhà tôi còn muốn tiếp tục làm thêm 10 năm cho đủ 35 năm con trâu đi cày. Hiện nay nhà tôi vẫn còn say mê muốn tiếp tục lăn sả vào cơn ác mộng này như một vài
Hình như bất cứ ai khi thấy cảnh-sát thì thường có tâm trạng hơi sờ sợ. Nhất là di dân Việt-Nam như tôi, với ấn-tượng công-an hành xử ở quê nhà, lại thêm chẳng hiểu tiếng Anh thật rành rẽ, nên thấy cảnh-sát là tự nhiên dè chừng! Đang lái xe trên freeway mà thấy bóng xe cảnh-sát là giảm ngay tốc-độ! Nghe còi hụ xe
Tôi sinh truởng ở miền Nam lớn lên theo cuộc chiến, tôi biết Hà Nội qua sách vở, báo chí. Trong chiến tranh tôi nhìn về phương Bắc như một kẻ thù cần phải tiêu diệt, mộng ước của chúng tôi phải đặt chân lên Hà Nội bằng đôi giầy "sô". Nhưng những điều đó chỉ là một ảo tưởng. Kết thúc cuộc chiến 20 năm, nguời Hà Nội gọi chúng tôi
Hồi còn trẻ, trò Thọ vẫn thường rầu rĩ mỗi khi phải thay đổi trường học. Nhưng thời gian trôi nhanh..., mái tóc huyền ngày xưa cầu cứu thuốc nhuộm che dấu màu trắng ai oán, thì Thọ bỗng nhận ra mình là người may mắn được học nhiều trường, có dịp tham dự và làm quen với vô số bạn mới ở nước ngoài. Cách đây 6 tháng
Thành, con trai lớn của tôi nay sắp sửa lên đường đi hỏi vợ. Nhìn con trai trưởng thành, tôi mỉm cười khi chợt nghĩ đến chính mình: mới ngày nào còn là cậu bé mặc quần đùi chơi bắn bi quên cả giờ cơm trưa về nhà bị ba phạt quỳ, mà nay sắp sửa thành "anh xui." Thành năm nay gần 34 tuổi, nó và cô bạn gái quen nhau vì bọn trẻ