Người viết: NGUYỄN DÂN
Bài số 1081-1690-403-vb3220806
Tác giả Nguyễn Dân, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, năm 1995 định cư tại Mỹ theo diện H0-30, hiện là cư dân San Jose; Công việc: làm hãng điện tử Rackable Systems. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông thể hiện cái nhìn tinh tế và tấm lòng tử tế. Mong ông sẽ tiếp tục viết thêm.
*
Hoa Kỳ là một nước văn minh giàu có. Có thể nói là giàu nhất thế giới. Từ bao nhiêu năm, qua hằng bao Thế Kỷ, đã có biết bao người mơ ước được đến sinh sống trên đất nước Hoa Kỳ. Nhiều dân tộc đã đổ xô di dân đến Mỹ, vì Mỹ là vùng "Đất Hứa", là Cõi Thiên Đường. Người ta đã ví cho Mỹ là như vậy.
Người Việt Nam sống dưới chế độ Cộng Sản từ sau 1975, cũng đã ôm ấp giấc mơ này, và một số đông cũng đã đến Mỹ để định cư sinh sống.
Hoa Kỳ là vùng Đất Hứa. Nói như vậy kể cũng chẳng ngoa, vì Hoa Kỳ là nơi để cho bao người có cơ hội vươn lên: làm ăn phát triển, học hành hiển đạt, cuộc sống sung túc, giàu có đầy đủ…Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là vùng đất màu mỡ cho mọi sự đâm chồi nảy lộc, cho đơm hoa kết trái, cho cành lá sum xuê.
Tuy nhiên, ở Mỹ cũng không thiếu những con người cùng khổ, những kẻ vô gia cư (Homeless) phải sống vất vưởng nơi xó hẻm, góc đường, những kẻ xin ăn tại các giao lộ, và những người hằng ngày đi moi rác để nhặt từng chiếc lon không, vỏ chai nhựa, để bán kiếm tiền.
Và bây giờ, xin nói đến công việc "Đi Lượm Lon" nơi xứ Mỹ này.
Đi thu nhặt từng chiếc lon không, từng vỏ chai vứt bỏ, cũng như gom góp những đồ vật phế thải để bán kiếm tiền. Thật ra đây không phải là một "nghề", và cũng không thể nói là một việc làm hạ tiện.
Ở Mỹ, cuộc sống quá đầy đủ, sung túc, đồ đạc quá dư thừa. Đôi khi những thứ thừa thãi từ những gia đình, người ta không biết để vào đâu, thế là mang ra để bên đường để ai có cần thì cứ lấy _ của "free to get". Những chiếc ghế, chiếc bàn, những cái bàn, những cái nệm giường, ngay cả những cái TV còn xài được, những cái máy thu băng chỉ hư chút ít, người ta vẫn không tiếc rẻ mang để bên đường, để có ai cần thì… cứ lấy tự do. Những gia đình mới đến định cư, đang thiếu, đang cần, thì những thứ đó lại là của quý.
Chợ Trời cũng là nơi dung chứa mọi thứ vật dụng cần dùng. Và vì thế nên có người đi thu nhặt để đem ra Chợ trời bán lại (giá rất rẻ) để có tiền.
Lượm lon cũng là một công việc làm như vậy. Người ta cứ chịu khó đi thu nhặt, gom góp lon đem về tích lũy, và đem đi bán (không phải bán ở Chợ trời mà tại khu mua Recycle-đồ dùng để chế biến lại) để có tiền.
Những chiếc lon không, bằng nhôm; lon bia, lon nước ngọt, lon của nhiều thứ…Người ta uống xong, vất bỏ; vất vào thùng rác, vất vào bụi cây, góc kẹt. Những thứ này hầu như tìm thấy khắp nơi.
Sau một bữa tiệc nhậu trong nhà, hoặc bữa ăn BBQ ngoài trời, những chiếc lon không, có hàng đống. Cũng có một số người (chủ nhà) thu góp lại (cũng để dành đem bán), và thường thì không ai cần thu gom. Lon không lại cứ rơi vào thùng rác, chung chạ với những vật thải khác để chờ xe rác xúc chở đồ đi.
Như vậy là tiền đang (nằm) lẫn khuất nơi các thùng rác. Một lon nhôm không trung bình bán được với giá 5 cents. Nhặt 20 lon là kiếm được 1 đô la, 200 lon bằng 10 đô…cứ thế mà tính nhân lên, để có thể biết số tiền một người thu nhặt lon có được.
Đi lượm một buổi, trung bình kiếm được khoảng 100 lon, nếu may mắn có thể kiếm được vài trăm lon, công việc khá nhẹ nhàng đơn giản.
Một cụ già quảy ngang vai cái túi nhựa nylon, tay cầm 1 chiếc que (để moi rác) đi lang thang trên các nẻo đường, lục lạo, tìm kiếm, từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều tới tối, để có thể mang về một mớ "tài sản" với những chiếc lon nhôm, những vỏ chai nhựa. Tích ít thành nhiều. Khoảng mươi bữa, nửa tháng. Bà nhờ con cháu chở đi bán, cũng có được một ít tiền. Tuỳ theo đi nhiều hay ít, mỗi tháng một người đi lượm lon cũng có thể kiếm được 1 vài trăm đô la. Một số người có sức, và chịu khó đi nhiều (ngày 3-4 chuyến) có thể kiếm được nhiều hơn thế nữa.
Phần đông những người già, lớn tuổi không có công việc gì làm, ăn không ngồi rồi cũng chán. Thôi thì đi lượm lon, cũng có một ít đồng vô.
Có một cặp vợ chồng già, lãnh tiền SSI (tiền già) mỗi tháng tính chung trên 1,000 đô la, hàng ngày rảnh rỗi, thấy còn sinh lực, đi lượm lon. Và hai ông bà cũng là tay "cự phách" lượm ngày, lượm đêm, mỗi tháng có thêm 4-5 trăm đô. Cộng với tiền SSI, vị chi khoảng gần 2,000 đô, một thu nhập đáng kể, và không phải trả thuế.
Đi lượm lon, rảo quanh các nẻo đường, cũng là công việc Exercise (luyện tập) cho con người giảm đi chất mỡ (cholesterol), giảm áp huyết cao…Các bệnh cao máu, cao mỡ, tiểu đường, suy tim, béo phì, phần đông cũng do ăn không ngồi rồi, thiếu vận động. Y học vẫn thường khuyên người ta nên thường xuyên vận động để giảm bớt các bệnh này. Chịu khó mỗi ngày đi dạo vài ba tiếng đồng hồ, là phương pháp hữu hiệu để ngừa và trị những thứ bệnh quái ác như nệu trên.
Vì thế, đi lượm lon không cứ là những người nghèo khó, thiếu thốn, mà có cả một số người khá giả rổi rãnh không biết làm gì, họ hằng ngày đi dạo, và cũng gia nhập hàng ngũ lượm lon. Những người cần đi bộ hằng ngày để điều trị bệnh, đi một thân một mình cũng cảm thấy vô vị. Thôi thì sẵn đi, mang theo cái túi, và sẵn dịp cũng lượm lon-lượm để mà chơi, lượm để đem cho người khác.
Một ông bạn quen, cùng xóm, trước kia là chủ một hãng nước mắm đồ sộ ở Kiên giang. Bây giờ qua Mỹ, tuổi tác đã già, ngày hai buổi ở nhà không biết phải làm gì. Các con, các cháu thì đi làm, đi học. Bạn bè thì cũng không thể lui tới làm rộn hoài. Coi TV, coi phim thì cũng nhàm chán. Thế là Ông bạn ta hằng ngày đi dạo và..cũng lượm lon cho khuây khoả cuộc đời.
Đi lượm lon, thật ra không biết có phải nói là cái "nghề" hay không mà thời gian gần đây trở nên khá phổ biến và "thịnh hành" tại vùng thành phố San Jose này. Từ mấy năm trước thì thấy ít, bây giờ lại có nhiều. Nhiều đến mức hầu như có sự cạnh tranh.
Một người quen thân, đi lượm lon "chuyên nghiệp" đã nói rằng: Bây giờ người ta đi lượm lon nhiều quá, nên số lượng lon kiếm hằng ngày lại giảm đi. Mình phải tranh thủ đi vào buổi tối, lúc giữa khuya, và sáng phải thức đi cho thật sớm thì mới mong kiếm được nhiều. Ban ngày có nhiều người quá, họ dợt qua, dợt lại và lon bị thu nhặt hết.
Phần đông, những người đi lượm lon là dân VN mình. Những dân tộc khác lại rất ít. Thỉnh thoảng có người Campuchia và Lào góp mặt. Người Mễ là số đông sinh sống tại đất địa này, nhưng họ lại không quan tâm lắm. Cũng có, nhưng mà số ít. Họ chỉ thu nhặt khi nào thấy có nhiều lon, như trong các bữa ăn, bữa tiệc, tại các công viên… Có lẽ vì người Mễ thích ở không, nhàn nhã, không chịu khó chắc mót như dân tộc Á Đông VN mình.
Cái gì cũng có cái giá của nó
Đi lượm lon, thấy ra thì nhàn nhã, thư thản, nhưng mà thật ra cũng có lắm chuyện phiền toái đau lòng- và có khi còn vướng vào nguy hiểm.
Một Bà, vào mùa đông giá lạnh, mặc nhiều thứ áo quần, quấn khăn, trùm mũ cho ấm thân. Một con người ăn mặc lùm xùm len lỏi vào mé vườn nhà để tìm một số lon rơi rải. Bà đâu có ngờ mấy chú chó to lớn hung tợn đang lai vảng gần bà. Thế là chúng nhào tới tấn công. May mà có người ta nghe thấy, có chủ chó ra ngăn cản kịp lúc, bà mới qua cơn té ngã chết điếng, và được hoàn hồn.
Một bà nọ, đi lượm lon, quảy vác lùm đùm, giữa nơi thanh vắng. Bọn nhóc con; những tên nghiện ngập ma tuý rat ay trấn lột kiếm tiền. Năm ba đồng đô la lẻ bà mang theo giấu kỹ trong mình để phòng thân, chúng cũng không tha, lục soát, vét hết. Suốt cả mấy ngày lượm lon vất vả coi như Bà đã "thí cô hồn". Và cũng còn may là bọn chúng không manh nha hãm hiếp.
Một bà khác, ở trong vùng, hiền hậu, nhân từ. Gia đình bà khá giả, các con đều đỗ đạt thành danh, có công ăn, việc làm sang cả. Bà sống chung với đứa con trai út, con dâu, cùng mấy cháu nội ngoan. Một gia đình giàu có sang trọng. Bà là mẹ đã già rồi thì đâu cần phải làm gì cũng như cần đến tiền của.
Vậy mà Bà vẫn cần, cần một ít tiền hàng tháng để giúp cho đứa con gái còn nghèo ở VN, giúp cho mấy đứa cháu ngoại có tiền ăn học. Thế là Bà gia nhập đội ngũ cùng với những Bà thân quen trong xóm để đi lượm lon, dù rằng việc làm này đứa con trai và con dâu cực lực phản đối.
Bà dành dụm, chắc mót, lén lút cất giấu. Hơn cả tháng trời dãi nắng dầm sương, bà có được một số lon để chờ gửi người quen đem đi bán hộ.
Một ngày nọ, nàng dâu yêu qúi phát hiện những cái bao no đầy, cồm cộm cất giấu ở góc vườn. Thế là nàng cho người khuân đi bỏ hết, đang khi bà vẫn đang cặm cụi đi tìm từng chiếc lon không để thu nhặt ở ngoài đường.
Về nhà, nhìn những dấu tích "tài sản" tiêu mất, bà chỉ biết tức tửi nghẹn ngào, lặng thinh mà đau xót.
* Những tấm lòng vị tha
Ở Mỹ, kiếm tiền với một số ít, kể cũng không phải là khó kiếm. Như đã nói, đời sống tại Mỹ quá đổi sung túc dư thừa. Và từ đó, cũng có nhiều tấm lòng vị tha rộng rãi. Bạn lỡ đường, thắt ngặt, xin người ta sẵn sàng cho. Nghèo đói, cần thức ăn, có những cơ quan, Hội đoàn Từ Thiện giúp cho thực phẩm ăn không hết. Cũng vì thế, người ta vẫn thấy hàng ngày tại các ngã ba, ngã tư giao lộ, một số người đứng…xin tiền.
"No work, no food, hungry, need help. God bless you" (không việc làm, không thức ăn, đói, cần giúp đỡ. Thượng Đế ban phước cho quí vị). Với lời kêu gọi, cầu xin như vậy, được viết nguệch ngoạc trên tấm bảng giấy bìa cứng, ôm vào ngực, đứng xin bên mé đường. Không cần biết là đói thật hay đói giả, người ta vẫn cứ giúp, cứ cho- cho tiền.
Trong hàng ngũ những người đi lượm lon cũng không thiếu tấm lòng vị tha, nhân ái. Những Ông, những Bà đi nhặt từng chiếc lon, khó nhọc để kiếm một ít tiền, nhiều khi cũng không phải là để cho cá nhân họ tiêu dùng, mà họ đem giúp cho những người khác.
Bà mẹ già được con bảo lãnh qua Mỹ, Bà được con lo cho mọi thứ. Và còn được Chính phủ (Cơ Quan Xã Hội) giúp cho bảo hiểm sức khỏe, an hưởng tuổi già. Nhưng Bà lại nghĩ tới những người khốn khổ tại quê nhà, nếu được thì mình cũng nên kiếm một ít tiền để giúp họ.
Ở VN, con Bà còn nghèo khổ, cháu Bà còn nhiều nỗi thiếu thốn khó khăn. Bà tự nghĩ, giá trị của đồng đô la Mỹ cao quá, 1 đô la bằng trên 16 ngàn đồng ở VN. Một, hai ngày bà kiếm được 10 đô la là có trên 160,000 đồng VN. Số tiền này đâu phải nhỏ, là dễ kiếm ở quê nhà. Chịu khó đi một vài ngày ở đây, bằng ở VN đi làm cả tháng.
Và còn những người khác nữa, những đúa trẻ mồ côi, những người tàn tật, bệnh hoạn, những người cùi hũi, đui mù. Xã hội VN có biết bao là hoàn cảnh khốn khó cần được giúp đỡ.
Bà chạnh lòng thương xót, Bà không quản ngại nắng gió lạnh lẽo, đi lượm từng chiếc lon đem bán để có tiền giúp họ.
Rồi những Cơ Quan Từ Thiện, Chùa, Nhà Thờ, những tổ chức quyên góp giúp hoàn cảnh thiên tai, nạn nhân bão lụt. Những việc làm cứu giúp người như vậy, các Bà, các ông trong đội ngũ đi lượm lon cũng không thiếu phần đóng góp, chia xẻ bằng sự chịu khó nhọc, bằng những tấm lòng vàng vị tha, nhân ái để mà giúp kẻ tha nhân. Những việc làm như vậy đáng được nêu cao, trân quí.
Công việc làm (đi lượm lon), dẫu rằng thấy ra có vẻ tầm thường hèn hạ, nhưng mà làm ra tiền để giúp đỡ người khác là cao qúi vô cùng.
Nếu đem so sánh với một số việc được cho là cao sang, quí phái, so sánh với những tên có chức, có quyền ở quê nhà; quyền cao chức trọng mà nhũng lạm, bòn rút của người dân, những việc làm kiếm tiền bằng gạt gẫm, lừa đảo của những kẻ chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình, thì công việc và giá trị của những người "đi lượm lon" để có tiền giúp kẻ khác-giá trị này hẳn cao cả gấp vạn lần hơn.
Đâu ai có thể nói rằng đi lượm lon là thấp hèn, hạ tiện. Quí Bà, quí Ông ngày ngày vất vả, sương gió gội nhuần, kiếm ra đồng tiền để giúp người khốn khổ. Việc làm này, phải chăng là đáng trọng hơn khinh.