Hôm nay,  

Ánh Dương Trong Hoàng Hôn

17/02/200700:00:00(Xem: 284404)

Người viết: ANNE KHÁNH VÂN

Bài Viết Về Nước Mỹ 2006,  trích báo xuân Việt Báo Tết Đinh Hợi 

*

Đây là bài viết thứ 11 của tác giả Anne Khánh Vân góp cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ trong năm 2006, trích lại từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Hợi 2007. Sinh năm 1974 tại Việt Nam, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, cô hiện sống và làm việc cho một công ty quốc tế tại Washington D.C..  Bài viết thứ 11 của cô cũng là bài đầu tiên trong 7 năm viết về nước Mỹ,  kể lại công việc làm thiện nguyện trong một viện dưỡng lão, với những chi tiết sinh động và xúc động nói lên lòng trân quí sự sống.

*

Tình cờ hay do cơ duyên mà tôi đã tham gia công việc thiện nguyện ở viện dưỡng lão Antoine Charias, tôi cũng không rõ.

Cha Emmanuel K. là một tu sĩ dòng Đa Minh. Khi còn ở Strasburg, công việc của Cha là sinh hoạt và giúp đỡ giới trẻ, nhưng khi chuyển về vùng tôi ở, trách nhiệm của Cha đã hoàn toàn thay đổi.

Các ngày trong tuần, Cha Emmanuel K. phải có mặt ở viện dưỡng lão Antoine Charias để thăm hỏi những người đau yếu, hoặc những ai có chuyện buồn. Xức dầu cho những vị sắp "từ giã thế gian ra đi" cũng thuộc phần việc của Cha.

Mỗi Chủ Nhật, Cha Emmanuel K. tổ chức Thánh lễ cho những vị cao niên này tại nhà nguyện  nằm trong khuôn viên của viện. Số lượng các vị cao niên dự lễ có thể lên đến gần trăm người nếu vào ngày ấy tất cả họ đều khỏe mạnh và muốn rước lễ. Một số người Thiên Chúa giáo đã về hưu trong vùng tình nguyện thay phiên nhau có mặt vào mỗi sáng Chủ Nhật để giúp Cha Emmanuel K. đưa các vị cao niên từ phòng xuống nhà nguyện dự lễ. Vì số lượng người thiện nguyện chưa nhiều nên phải mất rất nhiều thời giờ trước mỗi Thánh lễ mới đưa được tất cả các cụ xuống nhà nguyện. Trong một lần trò chuyện cùng Cha Emmanuel K., khi biết được điều này tôi đã xin phép Cha Emmanuel K. nếu tôi có thể đến viện dưỡng lão để đóng góp chút ít gì đó có ích. Tôi vẫn còn nhớ câu trả lời của Cha lần trò chuyện ấy:

-- Cám ơn con gái có thiện chí, nhưng Bố chỉ sợ con gái không đẩy nổi họ vì chỉ có một vài vị nhỏ con như con gái thôi, số đông còn lại tuy đã lớn tuổi nhưng họ vẫn còn "nặng ký" lắm.

Nghe xong, tôi đã cười cùng Cha và nói: "Thì Bố cứ cho con đến thử, con nhắm đẩy được ai thì sẽ đẩy người đó, còn nếu ông bà nào… bự con  quá thì con sẽ để dành lại cho những người khác hoặc con đẩy họ chậm chậm, chắc cũng không đến nỗi nào."

Thấy tôi có vẻ hăng hái, Cha Emmanuel K. không nỡ từ chối. Thế là ngay sáng Chủ Nhật tuần ấy tôi đã có mặt tại nhà nguyện của viện dưỡng lão Antoine Charias lúc 7 giờ 30.

Ngày đầu tiên tôi được giới thiệu làm quen với tất cả những người làm việc thiện nguyện khác. Sau đó Cha Emmanuel K. đưa tôi đi một vòng để chỉ cho biết hết các lối ra vô, các văn phòng, các công-tắc điện, máy mở nhạc lễ và những nơi cất giữ Chuông, Chén Thánh, Bánh Thánh và Rượu Nho... Cha nói là để sau này tôi có thể giúp Cha chuẩn bị Thánh lễ.

Khi vào đến phía trong của nhà nguyện, nơi chánh điện, tôi đã vô cùng ngạc nhiên thấy phía trước bàn tế lễ hoàn toàn "trống không". Đã không thấy những hàng ghế như các nhà thờ khác mà một số rất ít ghế cá nhân lại bị xếp sát vô vách tường. Cha Emmanuel K. giải thích cần phải để trống và xếp ghế như thế bởi các ông các bà đến dự lễ phần đông ngồi xe lăn.

Sau đó tôi cùng Cha Emmanuel K. băng qua một khu vườn nhỏ để sang các dãy lầu nơi các vị cao niên có mỗi người một phòng. Họ ở hai tầng 2 và 3. Những ngày trời đẹp và ấm áp, chúng tôi có thể đưa các vị cao niên xuống lầu và đẩy họ đi ngang qua khu vườn nhỏ này trước khi đến nhà nguyện. Nhưng vào mùa đông trời lạnh thì không thể cho các vị cao niên đi ra ngoài, vì vậy mà thay vì chỉ cần xuống tầng trệt thì phải xuống thêm một tầng nữa phía dưới, từ đó sẽ có một đường hầm hơi lên dốc dẫn thông sang nhà nguyện. Đường hầm này sẽ được sưởi ấm vừa đủ để các vị cao niên đi bên trong không bị lạnh.

Bước chân lên tầng lầu của các vị cao niên, sự việc và hình ảnh đầu tiên làm tôi để ý là hầu hết các nữ y tá khi nói chuyện với các cụ, ai nấy đều nói tiếng rất lớn. Chắc hẳn vì phần đông các vị cao niên không ai còn nghe rõ!

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi có mặt ở một viện dưỡng lão, bởi ông bà Nội Ngoại của tôi dù lớn tuổi, họ vẫn ở nhà của họ, với các con cháu của họ, nên tôi chưa bao giờ có dịp đến một viện dưỡng lão nào để có thể tận mắt nhìn thấy mọi thứ nơi ấy ra sao.

Cha Emmanuel K. đưa tôi đi một vòng. Vừa đi Cha vừa giới thiệu và giải thích sơ qua những gì tôi cần phải biết. Điều Cha dặn kỹ nhất là trước khi đẩy xe cho các cụ đi, phải nói thật rõ rằng họ sẽ được đưa xuống nhà nguyện để dự Thánh lễ Chủ Nhật và phải được các cụ đồng ý dù các cô y tá đã cho chúng tôi biết cụ nào muốn dự lễ, cụ nào không.

Phần việc đầu tiên của tôi tại viện dưỡng lão Antoine Charias là cùng với một số người chịu trách nhiệm khu A và B.

Tôi bắt đầu công việc của mình khi bước vào một căn phòng nhỏ với con số 235 trên cửa. Một cụ bà có vẻ đã sẵn sàng để tôi đẩy xe lăn của bà xuống nhà nguyện. Cụ bà có lẽ đã ngoài 80 tuổi. Tuy khuôn mặt và hai cánh tay đầy nếp nhăn và thân hình gầy yếu, nhưng đôi mắt bà vẫn còn rất linh động. Với cuốn sách đang đọc còn cầm trên tay, bà nói: "Tôi đã sẵn sàng được một lúc rồi!"  Tôi tươi cười nhìn bà: "Vậy thì con sẽ đẩy bà xuống nhà nguyện ngay bây giờ."

Trong khi tôi cúi xuống giúp bà để chân lên chỗ gác và mở cái cài bánh xe ra thì bà bắt đầu hỏi chuyện: "Tôi tên Bernadette, còn tên cô là gì" Có lẽ cô là người mới phải không vì tôi chưa bao giờ thấy cô nơi đây." Bà có vẻ rất vui.

Trên đoạn đường đi, tôi tiếp tục chuyện trò cùng bà, nhưng vì chưa biết phải tiếp chuyện với những người lớn tuổi ở đây ra sao, tôi đã hơi e dè. Tôi chỉ hỏi bà những câu đại loại như "Tối qua bà ngủ có ngon không" Trong tuần qua bà làm gì, vui không"..." Bà hớn hở khoe với tôi hôm qua bà được cô cháu ngoại ẵm đứa con chỉ vài tháng tuổi đến thăm nên bà vui lắm.

Khi xuống đến nhà nguyện, tôi phụ với những người thiện nguyện khác, xếp các xe lăn lại thành từng hàng, chừa ra một lối đi ở mỗi dãy xe lăn để lát nữa sẽ phải mang Bánh Thánh đến cho từng người. Vì không tự đứng lên được, các cụ sẽ rước lễ ngay tại chỗ ngồi.

Xếp xe của bà Bernadette vào chỗ và cài lại bánh xe xong, tôi chào bà và trở lên lầu để tiếp tục đưa người thứ hai xuống nhà nguyện. Người này chỉ vừa mới thức giấc. Bà dậy hơi muộn vì tối qua khó ngủ. Cô y tá chưa sửa soạn cho bà xong nên tôi sang giúp một phòng khác.

Các phòng ở đây, phòng nào cũng nho nhỏ, giông giống nhau với chiếc giường nệm và một cửa sổ lớn để các "chủ nhân" có thể nhìn thấy bầu trời. Tuy nhiên mỗi phòng vẫn có một vẻ riêng. Có phòng được kê thêm tủ sách nhỏ, hoặc máy nghe nhạc, tivi... Đặc biệt là phòng nào cũng thấy nhiều hình ảnh gia đình được bầy trên kệ tủ hoặc treo trên tường. Có lẽ chính những hình ảnh gia đình người thân như quây quần xung quanh đã giúp các cụ ông cụ bà bớt lẻ loi đơn độc.

Sau Thánh lễ, chúng tôi lại đẩy xe lăn cho các cụ về phòng. Trên mỗi xe đều có ghi tên và số phòng của từng người, giúp những thiện nguyện viên mới đến phụ việc như tôi biết phải đưa ai về lại phòng nào.

*

Thời gian đầu làm việc tại viện dưỡng lão, Chủ Nhật nào tôi cũng thấy mình như được nhận thêm những hiểu biết đặc biệt mới lạ, khác hẳn điều thường nghe, thường thấy ở những nơi như công sở, trường học, các khu vui chơi, giải trí, phố xá,... những nơi chỉ có giới trẻ.

Khám phá đầu tiên tôi thấy là các vị cao niên luôn rất kiên nhẫn khi nghe ai nói điều gì. Không phải vì già yếu chậm chạp mà vì các cụ biết dùng thời gian để thật sự lắng nghe. Có lẽ nhờ vậy, khi họ lên tiếng thì đó sẽ là những lời thật đáng giá cho người nghe chứ không phải chỉ là nói cho có.

Dĩ nhiên trong số những vị cao niên này, không phải ai cũng còn tỉnh trí và minh mẫn. Có nhiều vị  không nhớ những gì họ chỉ vừa mới làm cách đó vài phút. Có khi họ cũng chẳng nhận thức được họ đang làm gì.

Có lần tôi đã chứng kiến một cụ bà ngồi trước một chiếc tách nhỏ, bên trong có hai mẩu đường. Bà cứ cầm chiếc muỗng nhỏ và liên tục quậy. Một cô y tá phải đến nói với bà: "Cụ ơi, chờ một chốc khi café nguội thì con sẽ rót cho bà ngay. Trong ly bà chưa có café mà sao bà cứ quậy hoài làm chi vậy"" Bà cụ có nghe, có ngừng lại nhưng rồi lại tiếp tục quậy muỗng trong tách trống chưa có café.

Đã nhiều lần xảy ra những chuyện đáng buồn chỉ vì tâm trí họ dường như lúc tỉnh, lúc mê, mọi thứ như lẫn lộn vào nhau. Các cụ còn liên lạc với gia đình đều trông chờ đến Chủ Nhật và dậy thật sớm để chuẩn bị. Họ luôn luôn áo quần chỉnh tề từ 7 giờ sáng để ngồi chờ con cháu xuất hiện, thường vào khoảng 8, 9 hay 10 giơ, để đưa họ về nhà chơi. Nhưng không phải Chủ Nhật nào con cháu họ cũng rảnh để đến thăm hoặc đưa họ ra ngoài. Biết vậy nhưng các cụ vẫn cứ chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng với hy vọng sẽ có người đến thăm.

Một nữ y tá, sau khi nhận điện thoại của người nhà bà Terese, đến báo cho bà biết: "Hôm nay bà sẽ không có người thân đến thăm," thì bà ta òa khóc: "Tai sao chúng nó không đến thăm tôi" Chúng không còn thương tôi nữa sao""  Đứng gần đó, nghe được những tiếng kêu khóc của bà Tesese, tôi không sao cầm được nước mắt.  Cô y tá hỏi: "Bà đã ăn mặc đẹp rồi, bà có muốn xuống nhà nguyện để dự lễ không""  Sau một hồi lặng thinh, bà có vẻ đồng ý và tôi đã đưa bà xuống nhà nguyện. Nhưng đang trong giờ lễ thì bà ta lại òa khóc và hỏi "Tại sao con tôi không đến thăm tôi" Đã 3 tuần lễ rồi còn gì. Tôi muốn chúng đến thăm tôi." 

Trong những trường hợp như vậy, đã có qui định là người ngồi gần bà nhất phải mau chóng chạy đến và đẩy bà ra khỏi nhà nguyện để dỗ dành, kẻo các cụ ông cụ bà khác cũng òa khóc theo thì cả nhà nguyện sẽ... rối loạn.

Khi nghe tiếng khóc của bà Terese, tôi đang đứng phía cuối nhà nguyện, vội vã chạy tới, nhưng một bà thiện nguyện kế cận đã kịp thời tới đẩy xe của bà ra phía xa, cố dỗ bà nín nhưng không thành công, đành phải đưa bà về phòng lại. Dỗ các cụ trong lúc họ đang khóc là biệt tài của Cha Emmanuel K.  Cha luôn trầm tĩnh và kiên nhẫn đến lạ thường. Cha biết nói những điều người đang buồn cần được nghe, nhưng lúc này cha đang bận làm lễ.

Bà Terese đã được đưa về phòng từ lâu nhưng tiếng khóc thút thít tôi nghiệp của bà làm tôi ray rứt mãi. Tôi cứ nghĩ nếu bà ấy là mẹ của mình thì thì mình phải làm gì. Tôi thật không thể chịu nổi, nếu tiếng khóc tủi thân ấy là của người mẹ thân yêu đã từng sinh ra tôi, sinh ra các anh chị em tôi, từng quên thân mình để chăm lo, bảo bọc cho đàn con.

Phải chăng Thượng Đế khi để con người phải trải qua sự già nua là vì Ngài muốn thử thách tình yêu thương giữa những người từng thân yêu với nhau" 

*

Làm việc tại viện dưỡng lão được một thời gian, tôi bắt đầu biết sơ sơ hoàn cảnh từng người. Người lớn tuổi nhất lúc bấy giờ là một cụ bà gốc Nga 126 tuổi; các cụ ông cụ bà khác, phần đông là người da trắng, ở tuổi từ 75 đến ngoài 90.

Trong số những vị cao niên ở đây, có nhiều cụ ông cụ bà trông đẹp tựa như những ông tiên, bà tiên mà tôi từng được xem trong các phim truyện thần thoại, cổ tích. Với mái tóc bạc phơ, nét mặt hiền hậu, nhân từ, miệng luôn nở  nụ cười, họ luôn khiến tôi cứ muốn tiến đến gần để thăm hỏi.

Nhưng ngược lại, cũng có một vài vị, họ không chỉ xấu xí vì già nua mà, thật lòng nói thì, khuôn mặt và bộ dạng của họ dễ làm người  mới nhìn phải kinh hoảng

Một lần, đang đi lo việc vội, tôi thình lình nghe một giọng lạ:  "Chào cô bé!" Tiếng nói trầm đục vang lên từ một góc hành lang mờ tối. Quay lại, tôi thấy một khuôn mặt nhăn nhúm xấu xí đến dễ sợ. Đó là một cụ ông đang ngồi trên xe lăn ngay bên hành lang. Từ khuôn mặt dị dạng của ông cụ, có hai hố mắt sâu hoắm khác thường hình như đang nhìn tôi.  Thấy  tôi  lên tiếng chào, ông cụ tỏ vẻ ngạc nhiên  "A. Cô thiên thần bé nhỏ, hôm nay cô khỏe không""   Giọng ông cụ tuy trầm đục khó nghe nhưng lịch sự. Vậy mà tôi vẫn không dám bắt chuyện thêm mà vội vã bỏ đi.

Suốt buổi làm việc, tôi không thể quên được khuôn mặt dễ sợ của ông cu. Tôi tự hỏi không biết  cụ ông ấy đã bao nhiêu tuổi. Không biết khi còn trẻ cụ có "đẹp trai" không, chứ bây giờ trông cụ hơi… "ớn". Chắc ông cụ đã già cả trăm tuổi. Trời ơi! Nếu sống được đến tuổi ấy, không hiểu chính mình sẽ ra sao, nếu mặt mũi coi cũng ... "ớn" như vậy thì mọi người sẽ nhìn mình ra sao" Ông cụ gọi mình là "Cô thiên thần bé nhỏ" vậy mà sao mình vẫn quay đi, chối từ lời chào hỏi chân tình tử tế ấy"

Suốt tuần lễ sau đó, cứ nghĩ tới ông cụ  là tôi cảm thấy áy náy, hổ thẹn.  Già nua, nhăn nheo, bệnh tật là một chặng đời đâu có ai tránh khỏi. Trong viện dưỡng lão, đâu phải chỉ toàn những ông tiên, bà tiên.   Hãy nhìn Cha Emmanuel K. kìa.  Có gì là "kinh khủng" đâu. Tôi chưa một lần bắt gặp cha hoảng hồn hay khiếp vía! Tôi thường tự hỏi làm thế nào mà bao giờ Cha cũng luôn tươi vui và nhìn thẳng vào mắt các ông các bà lão suốt cả thời gian đối thoại. Cha luôn bình tĩnh và không hề có vẻ chán hay sợ mà ngược lại như thấu hiểu được nỗi lòng của những vị cao niên này.

Ngay chủ nhật sau đó, khi trở lại làm việc tại viện dưỡng lão, tôi có ý mong gặp "ông cụ… xấu trai." Không thấy bóng dáng ông cụ ngoài hành lang, tôi hỏi thăm,  Cha Emmanuel K. bảo tôi "A, chắc là con nói ông cụ Bob, ông cụ dễ thương lắm." Nghe Cha nói, tôi quyết định tìm đến thăm. Khi đến trước phòng cụ Bob, tôi khẽ nhắm mắt lại và đếm vài chục giây rồi mới bước vào. Cụ đang đăm chiêu ngồi một mình nhìn trời đất, nghe tiếng tôi chào hỏi,  bỗng vui tươi hẳn lên. Cái miệng móm xọm của cụ hé cười. Hình như hôm nay trông cụ hơi "đẹp trai" hơn… chút xíu vì tôi không còn cảm thấy mình muốn… bỏ chạy. Chuyện trò với cụ, tôi được biết cụ đã 97 tuổi. Nhắc lại lần gặp vội vã ngoài hành lang, cụ nói lúc đó cụ ngạc nhiên khi thấy tôi đi qua, nên mới lên tiếng gọi tôi là cô bé.

Thì ra, tất cả những người đến làm việc thiện nguyện tại viện dưỡng lão Antoine Charias đều lớn tuổi, hầu hết đều trên 60 tuổi, chỉ có mình tôi là trẻ nhất. Tôi chỉ mới 25, 26 tuổi vào những ngày tháng ấy. Nghe cụ nói, tôi mới hiểu ra là vì sao các vị cao niên trong viện dưỡng lão thường nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên.

Chuyện trò với ông cụ hồi lâu, tôi hỏi cụ: "Cụ ơi, bây giờ điều gì là điều cụ mong muốn hơn cả"" Cụ trả lời bằng giọng thật hiền từ, thong thả: "Tôi muốn được trẻ lại như cô, để làm lại nhiều việc mà trước đây tôi đã làm hỏng vì khờ dại, hoặc sống tốt hơn những gì tôi đã trải qua vì không biết cách sống." 

Vâng! Cụ ông 97 tuổi ấy, như  nhiều ông bà lớn tuổi khác, đã trả lời như vậy.

Thời gian trước khi vào làm thiện nguyện trong viện dưỡng lão, tôi cũng đang có vài chuyện buồn. Có lúc từng nghĩ bi quan điên rồ như bao người chán đời khác là "chết phứt cho rảnh nợ". 

Nghe ông cụ nói, tôi thấy mình tỉnh ra. Ông cụ 97 tuổi bệnh tật này đâu có muốn chết cho rảnh nợ. Nếu những người già nua này còn muốn trẻ lại để được sống thêm thì tại sao đang còn trẻ như tôi mà lại muốn chết chỉ vì chút  khó khăn phiền muộn" Tôi thật quá ngốc nghếch  khi không biết quí cái quí nhất  mình đang có là tuổi trẻ, và từng ngày đang được sống mạnh khỏe.

*

Trong thời gian làm việc thiện nguyện tại viện dưỡng lão Antoine Charias, tôi thấy các cụ ông cụ bà ở đây tuy cũng đau, cũng khổ nhưng còn sướng hơn hoàn cảnh các ông già bà cả ở chính quê hương mình.

Tôi nhớ một  cụ bà bán hành lá ở một xóm chợ mà tôi đã có dịp chuyện trò trong một lần về thăm lại quê hương.

Với thân hình nhỏ thó, tiều tụy, dường như mọi thứ như đã co rút lại vì già nua, bà ấy phải ngoài 80 tuổi.  Bà kể rằng ngày nào cũng vậy, bà mua vài bó hành to của những người bán sỉ để phân ra bán lẻ kiếm vài ngàn tiền lời mua bát cơm. Khi tôi hỏi: "Mỗi ngày bà cần lời bao nhiêu thì bà sẽ có cơm ăn và hài lòng"" Bà trả lời: "Vài ba ngàn thôi con ơi, bà ăn đâu có nhiều." Vài ngàn đồng Việt Nam chỉ bằng vài xu Mỹ.

Cụ bà xấu số ấy không hiểu vì sao lại không có con cháu chi cả khi tôi hỏi thăm về những người thân của bà. Cũng có thể bà đã từng có con cái nhưng con cái của bà đã không còn nữa, hoặc họ cũng nghèo khó quá, hoặc bà đã bị lãng quên chăng... nên bà không muốn nói ra điều ấy với tôi" Sau đôi lời chuyện trò và biếu bà một số tiền, tôi chào bà ra đi nhưng không sao thôi nghĩ về bà.

Hình ảnh "bà bán hành lá" đã khiến tôi đem lòng cảm phục. Bà cũng có thể nằm đó chờ chết và không thiết tha gì đến sự sống, nhưng người mẹ Việt Nam ấy đã không làm như vậy. Ngày nào bà còn đi lại được, tuy đã rất già yếu, bà vẫn cố gắng tự lo liệu cho bản thân mình để không phải làm phiền ai. Giờ đây khi tôi nhớ lại khuôn mặt ấy, thân hình ấy thì chắc bà đã từ giã thế gian. Sống cả một kiếp người để rồi những ngày cuối đời phải chật vật như vậy, quả thật quá đáng thương.

Tôi ước mong Việt Nam ta sớm  có được một chế độ biết chăm lo cho những người già cô đơn và mọi người đều luôn nhớ về ông bà cha mẹ của mình, ăn ở tử tế với những người già cả.

*

Chuyện "bỗng nhiên thấy vắng mặt" là chuyện thường xuyên xảy ra ở viện dưỡng lão. Các cụ có thể đau, yếu hơn, nên phải nằm tại giường,  không thể đi dạo ngoài hành lang; còn không thì… họ đã… "vĩnh biệt" viện dưỡng lão. 

Một lần trở lại thăm ông cụ Bob 97 tuổi, tôi thấy phòng cụ đã có người khác ở.  Hỏi thăm  Cha Emmanuel K. về ông Bob, cha cho biết ông đã mất cách đó mười ngày và lễ an táng đã được làm vào một ngày trong tuần nên tôi không biết. Viện dưỡng lão thường tránh làm lễ an táng vào Chủ Nhật vì ngày ấy là ngày tất cả các ông các bà đi lễ, không nên gợi lên trong tâm trí họ rằng họ cũng có thể… sắp chết. Dù có nhiều người rất biết cách đón nhận cái chết, nhưng cũng còn rất nhiều người khác dù đã được giúp đỡ, họ vẫn không thể sẵn sàng, khi nghe tin ai đó trong viện mà họ biết vừa chết thì họ sẽ hoảng lên.

Không bao lâu sau tin ông Bob ra đi,  Cha Emmanuel K. lại báo cho tôi thêm một tin buồn khác.  Hôm thứ hai đầu tuần, vào khoảng sau 11 giờ đêm, một cô y tá trực đã gọi điện đến và mời Cha hãy vui lòng đến viện. Bà Bernadette muốn gặp Cha lần cuối và xin được Cha xức dầu cho bà. Chỉ  nghe Cha nói đến đây tôi đã kêu lên:

-- Ôi, Bố đừng nói là bà Bernadette cũng chết rồi nhe.  Con thương bà ta lắm.  Bà ấy rất dễ mến. Bà là người con đã đưa xuống nhà nguyện vào ngày làm việc đầu tiên.  Bà còn khỏe lắm, chưa thể chết được.

-- Bố cũng nào vui đâu con gái. Bố cũng không khỏi bàng hoàng và thương tiếc dù mình là người luôn cố chuẩn bị tinh thần cho những người sắp… ra đi.  Tối thứ hai ấy bà Bernadette đã nói với Bố rằng khi sắp ngủ, bà bỗng cảm thấy như "sắp đến… giờ", vì vậy mà bà đã nhấn chuông và nhờ cô y tá liên lạc với Bố và những người thân của bà.  Khi Bố đến, bà còn rất tỉnh táo. Khi Bố cho kêu những người thân của bà vô đứng quanh giường, bà vẫn cười. Bố xức dầu, đọc kinh cầu nguyện cho bà tới một giờ khuya.  Hai giờ sáng thì bà ấy trút hơi thở cuối cùng bên cạnh những người thân.  Lễ an táng được tổ chức hôm thứ Năm. Bố có định liên lạc báo cho con biết, nhưng nghĩ lại thấy có lẽ không nên, vì ngày an táng cũng là một ngày thường, con phải bận đi làm.

*

Thời khóa biểu của chúng tôi luôn được thay đổi thường xuyên, không ai làm mãi ở một khu. Không rõ có phải là để các cụ không phải nhìn hoài những khuôn mặt "quen thuộc" của chúng tôi hay là để chúng tôi không phải cứ tuần nào cũng nhìn những khuôn mặt "quen thuộc" của các cụ.

Tôi còn nhớ rõ ngày đầu tiên khi phiên của tôi được chuyển sang khu C và D.  người đầu tiên tôi gặp là Lilie, một cụ bà 76 tuổi, ở khu D.  Phòng bà rất thoáng và sáng. Một gian phòng đơn sơ, rất ít đồ đạc. Tôi vào và tự giới thiệu: "Con là Anne, hôm nay con sẽ đưa bà xuống nhà nguyện." Bà hướng mắt đến phía tôi, đôi mắt xanh thiệt đẹp và vui như nụ cười của bà: "Tôi là Lilie, hãy gọi tôi là Lilie nhé. Cô còn trẻ lắm phải không, cô Anne"" - "Dạ, con 26 tuổi ạ!"

Lilie rất thích nói chuyện. Tôi có cảm giác bà là người yêu đời nhất trong số những người tôi đã gặp nơi đây. Trên suốt đoạn đường từ phòng bà xuống nhà nguyện, bà liên tục kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện. Xong lễ, tôi lại đẩy xe đưa Lilie về phòng. Bà rất thích dự lễ của Cha Emmanuel K.  Khi biết tôi là người gốc Việt, bà thăm hỏi về các thắng cảnh ở  Việt Nam rồi  nói: "Cha Emmanuel rất vui tính và hát rất hay. Cha quả là một con người của yêu thương. Cũng nhờ viện dưỡng lão này có được Cha Emmanuel K. và cô đến làm việc mà tôi đã có dịp biết thêm về dân tộc Việt Nam của cô."

Khi lên đến phòng bà, đẩy xe đưa bà vào phòng, tôi hỏi: "Bà muốn ngồi quay ra phía cửa sổ hay là cửa ra vào"" Câu trả lời của bà đã làm tôi sửng sốt: "Cô muốn để tôi quay ra hướng nào cũng được vì tôi hoàn toàn không nhìn thấy gì cả."  Tôi giật mình nhìn sang khuôn mặt của bà. Ôi! chẳng lẽ Lilie lại bị lòa sao" Tôi nào hay biết! Tôi thật vô ý quá! Hèn gì không thấy có Ti Vi trong phòng. Có lẽ vì tôi cứ đi đứng phía sau chiếc xe lăn nên không nhìn thấy được khuôn mặt của bà thường xuyên để nhận ra bà bị lòa. Và cũng có lẽ vì bà có đôi mắt xanh thật đẹp, sáng trong và hiền diu nên tôi không thể nào ngờ là chúng bị lòa. Tôi vội vàng xin lỗi bà và vẫn để bà quay ra phía cửa sổ, nơi mở ra một bầu trời trong xanh, quang đãng. Thấy tôi tỏ vẻ áy náy, bà chỉ mỉm cười rồi luôn miệng nói cám ơn tôi đã giúp bà đi lễ và đã chuyện trò cùng bà. Bà nói bà rất vui! 

Tôi còn đang hơi bối rồi và chuẩn bị rời phòng bà thì bà lên tiếng nói tiếp:

-- Tôi rất thích cái tên Anne của cô, Anne.

-- Dạ, con xin cảm ơn bà nhiều. Anne là tên Thánh của con!

Khi nghe bà Lilie nói thích tên Anne, tôi chợt nhớ đến bà người Nga lớn tuổi nhất, vì tên bà ấy cũng hơi giống tên tôi: Anna. Tôi hỏi bà Lilie có biết bà Anna không. Thật ngạc nhiên khi được nghe Lilie kể thêm nhiều chuyện thú vị khác:

-- Tôi khâm phục bà Anna lắm. Cách đây hơn 3 năm khi tôi mới đến đây, lần đầu tiên chuyện trò với Anna, tôi hoàn toàn không biêt Anna đã 123 tuổi. Bà ấy sao mà hồn nhiên, tươi vui đến lạ thường và điều đặc biệt là bà còn rất sáng suốt.

-- Lilie, bà cũng sẽ sống lâu như bà Anna đó, con tin chắc như vậy, vì bà cũng tươi vui không kém gì bà Anna. - Tôi đáp lời bà Lilie.

-- Cảm ơn Anne, nhưng tôi không hề sợ chết đâu Anne ạ. Cô có biết Bernadette không" Bernadette đã chết cách đây vài tuần, thọ 80 tuổi.  Còn tôi, tôi đã chết một lần hồi năm ngoái.

Tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi đã cố tránh không nhắc đến sự ra đi của bà Bernadette với Lilie cũng như tránh nói với tất cả các ông các bà khác, vậy mà chính Lilie đã can đảm nhắc đến để thương tiếc. Thế rồi Lilie còn nói chính bà ấy đã chết một lần. Tôi đang thắc mắc định hỏi ý bà muốn nói gì thì Lilie tiếp tục:

- Năm vừa rồi tôi bị cao huyết áp. Tôi đã chết đi vài phút và sống lại. Khi chết, tôi đã có thể "nhìn thấy" tất cả những gì mà khi sống tôi chỉ có thể "thấy" bằng óc tưởng tượng. Tôi nhìn thấy tất cả các màu sắc, tôi nhìn thấy ánh sáng, tôi thấy nụ cười và nước mắt, tôi nhìn thấy sự sống… và tôi cũng đã khám phá ra chết thật sự chẳng có gì đáng sợ. Nó như một sự cởi bỏ, giải thoát nên cảm giác rất nhẹ nhàng, thanh thản, bình yên… Tôi đã sẵn sàng để có thể chết bất cứ lúc nào. Thế gian này như một trường học và chúng ta đến đây để học hỏi hoặc thực hành những gì đã học được trước đó để thu nhận kinh nghiệm, để trở nên "đầy đủ"… và khi học xong thì chúng ta sẽ "ra trường" và rồi sau đó sẽ có thể "trở lại" để lên lớp, học tiếp.

Tôi đang sống cảnh vừa đi làm vừa đi học mệt muốn chết mà nghe bà Lilie ví kiếp người với lớp học, cũng không thể không cười. Giọng bà bỗng dịu dàng khác thường:

- Anne à, cô biết không, trong lần "chết" ấy, tôi đã gặp lại cha mẹ tôi và "biết mặt" họ. Chúng tôi lại quây quần bên nhau… Vì vậy tôi không còn nghĩ chết là một sự chia tay. Có thể chỉ tạm chia tay những người còn sống, nhưng lại là một sự xum họp với những người đã chết trước. Và cứ như thế, mọi người rồi sẽ đến ngày được xum họp với những người thân yêu.

Những điều Lilie nói thật đáng để suy ngẫm, chúng càng quý giá vì chính bà đã "sống" những điều ấy để nói lên được như vậy.  Chỉ trong đôi ba phút, tôi bỗng thấy mình như đã "giàu" hơn rất nhiều. Tôi cảm ơn Lilie đã chia sẻ với tôi những điều bà đã "sống" khi "chết". Tôi cũng mừng khi thấy Lilie đã "sẵn sàng". Tuy vậy, để cuộc chuyện trò được kết thúc một cách vui vẻ hơn, tôi nói với bà:

-- Con có nghe nói là hình như người nào nếu đã "chết hụt" thì sẽ sống lâu lắm. Lúc nãy con nói bà sẽ sống lâu vì bà rất vui tươi như bà Anna; bây giờ biết thêm bà đã từng "chết hụt", con biết bà sẽ còn sống lâu hơn nữa kia.

Bà Lilie cười, cảm ơn, và chúng tôi chào nhau.

Trở về nhà nguyện mà tôi không sao thôi nghĩ về bà Lilie. Bị mù lòa mà sao bà lại có thể lạc quan yêu đời đến như thế! Có phải vì bà không trông thấy gì cả của thế gian này nên mới vui và lạc quan được vậy, còn nếu bà mà thấy hết sự đời thì... Không. Không thể nghĩ bi quan đến vậy.  Có được đôi mắt sáng khi chào đời là diễm phúc cho cả một kiếp người. Chính bà Lilie cũng xúc động biết bao khi kể là bà đã “nhìn thấy” tất cả trong khoảnh khắc bà lạc vào cõi chết. Bà đã nhìn thấy sự sống mà những người sáng mắt được diễm phúc nhìn thấy mỗi giây phút. 

Tôi thật khâm phục bà Lilie và sực nhớ câu nói nổi tiếng của John Milton: "Đui không phải là khổ, không chịu được cảnh đui mới là khổ." Bà Lilie đã chấp nhận khuyết tật bẩm sinh của bà, và đã  chẳng bao giờ phải than van hay trách cứ gì  ai. Nhờ vậy bà lạc quan, thong dong tự tại hơn cả những người may mắn có được đôi mắt sáng.

Hoàn cảnh dù tệ hại đến đâu tự nó không phải là địa ngục. Nói theo một vị thầy tâm linh trong sách Phật giáo Tây Tạng mà tôi từng được đọc, địa ngục hay a tỳ ngạ quỉ gì đó ở ngay trong tâm mình, khi cái tâm cố chấp không chịu hoà thuận với hoàn cảnh thực tại.

*

Mỗi khi đến các ngày lễ trọng như Phục Sinh hay Giáng Sinh, Cha Emmanuel K. thường mời một số bạn bè, người thân hoặc các Cha, các Thầy trong Dòng của Cha đến tham dự Thánh lễ ở nhà nguyện Antoine Charias. Cha muốn bầu không khí được vui nhộn hơn so với các ngày lễ Chủ Nhật khác để các ông các bà nơi đây thấy được rằng hôm ấy là một ngày một ngày thật đặc biệt vì có nhiều quan khách đến đây thăm các ông các bà.

Trong số những người đến dự, có lần một bà quen biết đã bảo tôi "Chị chỉ ở trong đó chỉ có vài giờ mà đã thấy... xuống tinh thần quá chừng. Mấy người làm thiện nguyện ở đây đều lớn tuổi, họ chưa 8, 9 chục tuổi nhưng cũng đã ở tuổi về hưu, chỉ thấy có mỗi mình em là trẻ, vậy sao em ở đây cả năm mà không xuống tinh thần""

Nghe bà hỏi, tôi chỉ cười cho qua.

Thật ra, khi mới vào làm việc  tại đây, tôi chẳng hề tinh thần hay nghị lực như mọi người đã tưởng. Đang có sẵn cả lô chuyện buồn, tôi đã từng có lúc chán đời hơn, khi chỉ thấy toàn những khuôn mặt "sắp về với Chúa" ở viện dưỡng lão.  Sự thật là vậy! Nhưng sau khi đã có dịp thăm nom, trò chuyện,  chia sẻ buồn vui với các cụ trong viện,  tôi cảm thấy chính mình mới thật là người may mắn khi được có mặt ở viện dưỡng lão này. 

Từ sau khi tâm tưởng được "soi sáng", tôi đã luôn nôn nóng mong mau đến Chủ Nhật để được trở lại viện. Tôi thật hăng hái và vui sướng khi được gặp lại những khuôn mặt "già nua xấu xí" ấy. Tôi không quay mặt đi nữa mà cứ để cho các ông các bà nhìn tôi cho đến khi nào họ "chán" thì thôi. Từ lúc nào không biết, tôi thấy mình đã trở nên rất ư lạc quan. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi biết mình có đôi chút  hữu ích,  khi mang được dăm ba niềm vui, thân ái tới với những người già cả sắp lìa xa trần thế; và phần thưởng vô giá mà họ tặng lại tôi là bài học trân quí sự sống. 

Khi đã hiểu ra được giá trị của sự sống, tôi yêu đời đến mức không còn ai có thể làm cho tôi chán đời được nữa kể cả "Thần Chết." Từ đây, dù phải ở trong một hoàn cảnh đen tối tới mức nào đi nữa, tôi luôn tin là mình có thể tìm ra được một tia sáng. "Một cánh cửa đóng lại, nhưng còn cái cửa sổ." Đó là mặt tích cực trong bất cứ vấn đề khó khăn, rắc rối, phiền não nào. Vui cũng sống, buồn cũng sống, vậy thì tại sao lại phải sống buồn" Tôi hoàn toàn sống cho từng giây từng phút của hiện tại. Tôi không muốn mất thời gian lùi về quá khứ để luyến tiếc; tôi cũng không muốn mơ mộng viển vông, tưởng tượng những chuyện chưa thành của tương lai, vì khi làm như thế tôi sẽ vô tình quên sống với hiện tại của mình.

Gần hai năm làm thiện nguyện tại Viện Dưỡng Lão là thời gian quý báu nhất cho tuổi đôi mươi của tôi. Những gì tôi được ban tặng tại đây không thứ vật chất nào có thể so nổi.

Từ khi phải rời xa viện dưỡng lão Antoine Charias, tôi thường nhớ tới bà Bernadette và ông Bob, và mỗi lần đụng chuyện giận đời, tôi lại thấy có đôi mắt xanh của bà Lilie vui vẻ nhìn mình. Chính đôi mắt xanh mù loà bẩm sinh của bà đã nhắc tôi nhìn thấy lại ánh sáng của hiểu biết, niềm tin, và giá trị sự sống!

Tôi xin được chân thành cám ơn Cha Emmanuel K., người đã tạo điều kiện cho tôi có mặt ở Viện Dưỡng Lão Antoine Charias; xin cám ơn tất cả các cụ ông, cụ bà, những người đã kể cho tôi nghe bao mẩu chuyện lý thú, đã tặng cho tôi những bài học hữu ích, những ý tưởng cao cả.

Anne Khánh-Vân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 67,156,473
Tác giả Trương Kim Loan là Giám khảo ngành thẩm mỹ, Board of Barber and Cosmetology, hiện làm việc  tại Nha Khảo Thí Glendale, California. 
Chuyên đứng trước cổng bệnh viện đã khá lâu, những bước chân chậm làm di chuyển cánh cửa kính tròn tự động
Tôi đi thăm mộ mẹ tôi về, trời đã nhá nhem tối, lòng tôi chùng xuống. Nỗi nhớ mẹ làm tôi quay quắt. Thế là mẹ tôi đã yên nghỉ trong lòng đất lạnh.
Lâu quá, tôi không còn nhớ nguyên vẹn bài thơ, chỉ nhớ đại khái tác giả nói lại với người bạn ở Việt Nam là nếu muốn biết thì cứ đưa thử cây chổi quét nhà!
Tác giả là cư dân Midway City, phu nhân một sĩ quan H.O. Đây là bài viết đầu tiên của bà dự thi Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả tên thật là Lưu Phương Lan, một dược sĩ cư trú và làm việc tại Chino Hills,  California. Với sở thích chơi đàn piano và viết văn
Nguyễn Viết Tân lá tác giả sách “Chuyện Miền Thôn Dã” vừa xuất bản năm trước. Với bài “Bên Bờ Freeway” ký bút hiệu Tân Ngố
Tác giả Tracy Nguyễn, cư dân Lawndale, California, công việc đang làm: Kinh doanh. Những năm trước đây
Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của An Trinh là ba lá thư:, trong đó có Thư gửi "cu Nam" kể về tâm sự bà mẹ gốc Việt tại Mỹ
Diner là một loại nhà hàng lớn có thể đãi khách tới vài trăm người, nhỏ phục vụ khách tới ăn khoảng vài chục người. Đa số Diner có chỗ đậu xe cho khách. Các món ăn bán cho khách thường
Nhạc sĩ Cung Tiến