Hôm nay,  

Vuột Mất Mùa Xuân

15/02/200700:00:00(Xem: 189104)

Người viết: Nguyễn Thị Huế Xưa<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Bài số 1199-1811-518 vb3130207

 

*

 

Tác giả là cư dân <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Austin, Texas, làm việc trong bệnh viện thành phố,  đã góp nhiều bài viết  sống động và nhận giải vinh danh tác giả Viết về nước Mỹ 2006. Sau đây là bài viết thứ 8 của cô.

 

*

 

Còn chút tình đốt hết một lần

 

(Vũ Thành An)

 

Chuyên đứng trước cổng bệnh viện đã khá lâu, những bước chân chậm làm di chuyển cánh cửa kính tròn tự động, cánh cửa chạy qua chạy lại như diễn tả được sự ngập ngừng của nàng.  Một ông già tóc bạc, mắt xanh mặc áo đỏ làm chuyện tự nguyện nhìn Chuyên với ánh mắt ái ngại. ..

 

"Cô có cần tôi giúp gì không""

 

 Chuyên lắc đầu:

 

"Cám ơn ông tôi không cần chi hết"

 

Chuyên nói xong nhìn đồng hồ, còn tới cả tiếng nữa mới tới giờ thăm viếng.  Nàng đi thẳng vào cái bàn nhỏ ở một góc trong cái gift shop.  Chuyên kêu một ly café nóng mà trí óc thì cứ lãng đãng nơi đâu.  Đây không phải là lần đầu Chuyên đến bệnh viện này, vì cả hai tuần nay từ khi chồng nàng, Phong ngã bệnh và được đưa vào ICU ( intensive of care unit), thì mỗi ngày ngoài công việc bán buôn Chuyên vẫn đều đặn vào thăm chồng. Trong tuần qua bệnh tình của Phong đã đỡ rất nhiều và hôm qua vì tình trạng đã khả quan hơn nên chàng được đưa lên phòng chuyên hồi dưỡng thêm về bệnh tim với hy vọng được xuất viện vào sáng nay.  Chuyên nhìn xuống cái xách tay nhỏ trong đó có bộ áo quần và đôi vớ mang vào để Phong mặc khi về nhà.  Bộ đồ cũ mà lúc nãy Chuyên lấy trong lúc vội vàng.  Cái áo xanh sọc và cái quần nâu cũ kỹ mua từ khi Phong mới qua Mỹ cho tới bây giờ.  Mới đó mà thấm thoát gần mười năm rồi.  Một thập niên trôi qua với biết bao nhiêu thay đổi. 

 

Chuyên nhớ tới ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ  với những bỡ ngỡ, ngượng ngập và tâm trạng sợ hãi của những người vừa vượt khỏi gông cùm của cộng sản, đang phân vân và lưỡng lự trước một tự do mới. Sự tự do mà bao nhiêu năm qua Chuyên cứ phải tự trấn an đó là điều mình thật lòng mong muốn, đó là sự hy sinh lìa bỏ cha mẹ để đứa con duy nhất của nàng và Phong có được một tương lai sáng lạng.  Ngày đến thành phố nhộn nhịp của miền nam quận Cam này Chuyên vừa đúng ba mươi sáu tuổi, cái tuổi lưng chừng của đời người mà phải bắt đầu lại cuộc đời bằng hai bàn tay trắng, bằng lối sống, bằng cách suy nghĩ mới.  Sau bao nhiêu năm sống dưới chế độ ràng buộc của cộng sản đã vô tình tạo cho Chuyên những dè dặt, suy tính rất kỹ càng trong đời sống. Cũng may bên cạnh Chuyên có cô em là Chi giúp đỡ nên cũng vơi bớt đi sự sợ hãi phần nào.

 

Gia đình Chuyên có ba chị em mà có lẽ Chuyên là người xấu số nhất.  Từ ngày mất nước năm 1975, cậu em trai của Chuyên là Hải  lúc đó mới mười tuổi và đang ở với ông cậu trong Sài Gòn, nhờ ông cậu là sĩ quan hải quân nên thằng nhỏ đi di tản theo gia đình người cậu trong dịp đó.  Ở nhà chỉ còn lại Chuyên và Chi cùng ba mẹ ở Thủ Đức. 

 

Dạo đó hai chị em còn học trung học, ba mẹ Chuyên cũng như những gia đình còn lại ở Việt Nam, chạy đôn, chạy đáo để kiếm ăn từng bữa.  Ba Chuyên là nhà giáo cho nên dù có khổ cực đến đâu ông cũng nhất quyết là phải cho con ăn học cho đến nơi đến chốn. Đã có lúc thấy ba mẹ qúa vất vả, Chuyên nghĩ tới chuyện bỏ học đi làm, nhưng ba Chuyên giận dữ, ông từng bảo "đói cho sạch, rách cho thơm, chữ nghĩa cha ông để lại con nên gìn giữ lấy".  Chuyên biết ba giận dữ vì sự bó tay của mình trước thay đổi của thời thế, và vì sự căm hờn đối với cái xã hội mị dân của cộng sản. 

 

Chuyên học xong năm thứ nhất đại học thì cũng là khi Chi lẳng lặng vượt biên đi với gia đình người bạn trai của Chi.  Mẹ khóc, ba âm thầm lo lắng, Chuyên thì hoang mang và cảm thấy bơ vơ hơn bao giờ hết.  Hai chị em thuở nhỏ sống thân thiết với nhau bây gìờ Chi bỏ Chuyên đi nên Chuyên như mất hết một nửa hồn.  Cả nhà sống trong phập phồng lo sợ, không biết con tàu sẽ đưa Chi đi đến đâu, không biết là tánh mạng Chi có an tòan.  Dạo đó, bên nhà thỉnh thoảng có nghe đến những con tàu trôi dạt mông lung, những thuyền nhân chết trên biển cả và sự hãm hiếp của lũ hải tặc.  Mỗi lần nghe tin như vậy là mẹ khóc điên cuồng lên và Chuyên buồn rã rượi. 

 

Vài tháng sau khi Chi ra đi cả nhà nhận được tin từ cậu em trai, Hải cho biết là Chi đã đến đảo Guaman toàn.  Ba mẹ được tin như người vừa sống dậy, như vậy dù sao hai đứa con đã tới được vùng tự do. Ba mẹ chỉ còn lại Chuyên cho nên bao nhiêu tình thương, chìu chuộng đều dồn vào đứa con đầu lòng sống bênh cạnh mình. 

 

Chuyên đưa đơn xin vào học nghành sư phạm, tính nối nghiệp của ba nàng.  Cũng ở nơi môi trường này mà Chuyên gặp Phong.  Chuyên học năm thứ hai thì Phong đang học năm cuối cùng và đang chuẩn bị ra trường dạy môn toán.

 

Lần đầu tiên Chuyên gặp Phong, nàng không thích Phong cho lắm vì lúc đó nghe đâu Phong đang. ..sống chết nửa chừng vì người con gái mà chàng đang theo đuổi đã theo gia đình đi ra xứ ngoài để lại nổi khổ đau trong lòng chảng.  Ngườì con gái nhỏ tuổi hơn Phong nhiều vì nàng là em của người bạn học của Phong.  Năm Phong học năm thứ hai sư phạm thì cô bé chỉ mới học lớp đệ tam.  Cô bé dễ thương và hiền lành như những nhân vật trong những cuốn tiểu thuyết tuổi học trò của Đinh Tiến Luyện. Sự ra đi đột ngột của cô bé để lại trong chàng nổi đau khổ khôn cùng.  Chính vì câu chuyện tình rất đẹp của Phong đã làm chấn động sân trường đại học sư phạm và cũng là động lực quyến rũ mấy cô sinh viên cùng học chung với Phong lúc đó.

 

Phong người vóc dáng nho nhã và có tài ăn nói, thêm vào đó lại ngâm thơ rất hay cho nên có khối cô mê mệt.  Chuyên nghe bạn bè nói về Phong thì nàng rất ái ngại, không muốn tìm hiểu thêm.  Bạn bè Chuyên lúc đó còn kể cho Chuyên biết là Phong rất bướng bỉnh và ngạo mạn. 

 

Chính vì sự bướng bỉnh của Phong mà xém chút nữa chàng đã bị vào tù.  Năm học cuối cùng trong một đề tài biện luận Phong đã công khích chỉ trích chế độ của " bác Hồ".   Lần đó Phong bị công an vào còng tay dẫn vào khám.  Cũng may tên trùm công an là một người mà ngày xưa trước năm 1954 ,trước khi gia đình Phong di tản vào miền Namđã mang ơn vì gia đình ông ta được ông ngoại của Phong, người Đông Y sĩ duy nhất trong làng cứu trong cơn hoạn sốt rét rừng.  Khi bị bắt và khai lý lịch thì tên trùm  công an này còn có chút lương tâm nên tìm mọi cách dung tha cho Phong với những lời giặn cặn kẻ là từ giờ về sau phải cẩn thận giữ lời ăn tiếng nói.

 

Phong đựơc thả ra thì cả trường đựơc lệnh đi về vùng kinh tế mới để xây nhà.  Học sinh học dưới chế độ cộng sản chữ nghĩa không bao nhiêu mà bị bắt hoạt động thì nhiều. Suốt ngày bị làm nhục bằng cách bắt buộc la lối ca tụng chính quyền, chủ nghĩa bù nhìn mới.  Chuyên nhớ lúc đó những sinh viên năm thứ nhất được lệnh nhập đoàn với sinh viên năm chót đi về miệt Bình Dương, về miền tây lo xây cất nhà cửa. 

 

Một đám học sinh cả đời chưa bao giờ biết cầm đến cái kềm, cái búa mà laị bị chỉ định đi làm chuyện xây cất thì thật là lạ đời, nhưng không ai dám cãi lại.

 

Miền tây có những con sông với những chiếc cầu di tích của chiến tranh đã gãy nát. Muốn đi từ bên sông này qua đến bên sông kia thì phải đi qua những chìếc cầu khỉ giăng bởỉ những sợi giây thừng rất mỏng manh hoặc phải bước lên những cọng dừa nước trôi ẻo lả lềnh bềnh mà ở dưới sông thì đầy đặc những con đỉa đen rất dễ sợ.  Chuyên vốn rất nhát gan, không dám đi qua chiếc cầu khỉ, nhìn thấy đám đỉa chi chit nàng còn sợ hơn.

 

Trong lúc mọi người bấm bụng qua sông thì nàng một bước tiến tới thì lại một bước lùi lại vì điếng hồn.  Cứ như thế nên đến lúc mọi người đã qua bên kia sông thì chỉ còn nàng đứng lại một mình bên bờ này.  Đám bạn của Chuyên thấy nàng cứ loay hoay hoài không qua được lúc đầu còn cười chế giễu, rồi thì bắt đầu cổ võ khuyến khích, nhưng bạn bè càng la lối thì Chuyên càng quýnh lên và bước chân càng chùn lại, nàng lo sợ và bắt đầu rươm rướm nước mắt, đi tới không xong mà đi về cũng không được.  Trong lúc nan giải, rối trí thì Phong bỗng dưng đi trở ngược từ bờ bên kia và bất thình lình bế xốc nàng chạy phăng phăng trên những tàn dừa nước chạy qua bờ. Sự kiện xảy ra thật bất ngờ làm ai nấy cười ngặt nghẽo, Chuyên thì sửng sốt, ngượng ngập. 

 

Sau khi đặt nàng xuống đất, Phong tỉnh bơ nói nhỏ "xin lỗi cô, chỉ có cách đó mới đưa được cô qua sông thôi".  Chuyên chỉ biết cúi đầu lí nhí không ra lời. 

 

Sau mấy tháng đi vùng kinh tế mới Chuyên trở về đi học lại và dường như Phong cố tránh nàng. Tuy nhiên sau lần gặp gỡ đó, Chuyên đâm ra nghĩ ngợi về Phong, nàng hỏi thăm bạn bè về tiểu sử của Phong và nàng cũng như những người con gái khác bị quyến rũ bởi câu chuyện tình lãng mạn của Phong. 

 

Phong ra trường xong thì chàng đi dạy ờ một trường trung học trên Thủ Đức gần nhà Chuyên.  Mỗi sáng khi Chuyên đạp xe đạp đi ra tới đầu đường để đến trường thì nàng đều gặp Phong đang xuống xe đò đi dạy. Phong không những đi theo Chuyên về mà thỉnh thoảng lại rủ Chuyên đi ăn trưa hoặc đi uống café ở chiếc quán nhỏ gần trường. 

 

Một năm sau thì Phong ngỏ lời cầu hôn.  Trong tình trạng rối bời, ly tan của đất nước, Chuyên chán chường với sự học hành tạm bợ, với tương lai không định hướng của xã hội mới, thêm vào đó nàng nghĩ là mình đã yêu Phong nên nàng nhận lời  không do dự.  Vài năm sau thì thằng bé Việt ra đời.  Đời sống của hai người tạm đủ với số lương dạy học của Phong và số tiền của Chi và Hải đều đặn gửi về hàng tháng.  Phong đi làm nhưng có vẻ bất mãn với cái chủ nghĩa rỗng tuếch của xã hội cộng sản và lúc nào cũng tìm đủ mọi cách để ra đi.                                                                                  

 

Sau bao lần vượt biên thất bại, mất biết bao là tiền bạc giành dụm và bị vào tù ra khám nhiều lần, năm thằng bé Viêt được bảy tuổi thì chuyến vượt biên dưới miền tây được suông sẻ. Vợ chồng Chuyên qua đến Canadasống một thời gian ngắn thì được gia đình Chi bảo lãnh qua Mỹ. 

 

Chi học computer và đã đi làm khá lâu trong khi Huân người bạn trai tức là chồng của Chi bây giờ thì chỉ thích làm thương mại.  Vợ chồng Chi có thời, năm 1986 lúc thị trường kinh tế của nước Mỹ bị khủng khoảng kinh khiếp về vụ Savings and Loans thì lúc đó nhà cửa và thương mại xuống dốc một cách chớp nhoáng thảm thương. Thời đó có những cơ sở thưong mại nhan nhản bỏ trống.  Vợ chồng Chi gom góp tiền bạc mua được một cái shopping strip ở gần khu PLT với một giá rẻ mạt. 

 

Chi đi làm để giữ bảo hiểm cho cả nhà và Huân lăn vào chuyệm làm ăn.

 

Vài năm sau nhờ kiên nhẫn làm ăn nên vợ chồng Chi rất phát đạt. Khu shopping của hai người ở địa điểm tốt nên dễ cho mướn những gian hàng.  Vợ chồng Chi chỉ giữ lại một tiệm bán chạp hóa nhỏ cho chính mình thôi.  Chi vẫn thích đi làm nên nàng làm contract cho một hãng tư.  Phần lớn Chi làm việc ở nhà, mỗi tuần vào văn phòng hai ngày, những ngày còn lại Chi làm tại nhà nên Chi có thể đưa đón đứa con trai duy nhất bằng tuổi của Việt và Việt đi học, hai đứa nhỏ học cùng trường. 

 

Chi vì có bằng cấp, hiểu biết nhiều nên những giấy tờ sổ sách đều do nàng tính toán, còn công chuyện làm ăn, cho thuê mướn thương mại bên ngoài đều giao cho Huân lo liệu.

 

Khi vợ chồng Chuyên qua tới quận Camnày thì Chi mua một căn nhà lớn năm phòng để chị em sống chung với nhau.  Chi còn giao cho vợ chồng Chuyên gian hàng tạp hóa của mình. 

 

Chuyên cảm động vì thiện tình của Chi.  Thưở nhỏ hai chị em sống thương yêu đùm bọc lẫn nhau và cho đến bây giờ cái tình gia đình vẫn còn đậm đà.  Với sự dìu dắt của Huân, Chuyên và Phong bắt đầu vào nghề buôn bán.                                                                                                                                                                                    Đời sống ở xứ này không dễ dàng như đã tưởng. Sáng sớm hai vợ chồng Chuyên ra mở cửa hàng từ lúc tám giờ và làm cho tới khuya gần mười hai gìờ đêm mới đóng cửa tiệm. 

 

Khu PLT này rất sầm uất, vợ chồng Chuyên đi làm nhưng không thấy lạc lỏng vì dường như cả ngày cả hai tiếp xúc toàn là khách người Việt.  Bênh cạnh cửa hàng của Chuyên là tiệm vàng mà ông bà chủ rất hãnh diện vì cả hai đứa con của họ đều gần ra bác sĩ.  Mà họ hãnh diện là đúng vì ngày họ chân ướt chân ráo tới xứ Mỹ họ bắt đầu cuộc đời bằng hai bàn tay trắng, nhờ sự cần cù nhẫn nại và sự cực nhọc hy sinh như phần lớn những bậc cha mẹ Việt Nam, đặt vấn đề học hành của con cái lên hàng đầu, cho nên hai đứa con mới sắp sửa thành tài.  Gần tiệm vàng là phòng mạch của một anh bác sĩ trẻ, có lẽ sanh trưởng bên đây, nói tiếng Việt không bỏ dấu nhưng tính tình lại cởi mở nhanh nhẹn nên khách hàng đến rất đông.  Mỗi lấn nhức đầu sổ mũi Chuyên đều chạy qua xin khám bệnh không cần hẹn. 

 

Anh bác sĩ trẻ này đào hoa lắm, cứ mỗi chiều cô vợ cũng là cô thư ký của anh rời phòng mạch đi đón đứa con nhỏ đi học về rồi về thẳng nhà lo cơm nước thì ngay sau đó Chuyên thấy anh chàng cùng một bệnh nhân thường trực là một cô ca sĩ, một cô dược sĩ hoặc một cô làm nail trẻ đẹp đi qua tiệm phở bên cạnh ăn uống. 

 

Cái trung tâm thương mại nhỏ này có đủ chuyện, đủ đề tài để viết lên những câu chuyện độc đáo về cuộc đời của những người Việt Namsống trên đất Mỹ.  Chuyên thấy những chuyện ngang tai chứng mắt nhiều nhưng nàng yên phận chăm chỉ buôn bán.

 

Một điều nữa khiến Chuyên không thấy lạc lỏng vì những ngày gần tết như mấy bữa nay thì khu phố chợ này tấp nập, rộn rịp với những món hàng, bánh mứt không thiếu thứ gì.  Cửa hàng của Chuyên càng thêm đông đảo với khách hàng tưng bừng mua sắm sửa soạn đón xuân.  Vừa mới ăn mừng giáng sinh xong thì lại đến tết ta.  Năm nay tết đến muộn vì là năm nhuần.  Tuy nhiên nhờ vậy mà thiên hạ càng hớn hở đón xuân hơn nữa. Đặc biệt năm nay Chuyên mua được mấy cây mai vàng qúi về chưng trong cửa hàng.  Những cây mai này rất ngộ vì hoa mai nở vàng nhưng đến lúc gần tàn thì đổi qua màu đỏ.  Đã có mấy người khách hàng trầm trồ đặt mua cây mà bất chấp rẻ mắc.  Mấy tuần nay Phong nằm nhà thương nên Chuyên cũng đâm ra hững hờ với chuyện tết nhất.  Hôm nay nếu Phong được xuất viện là một điều rất may vì Chuyên còn đủ thì giờ mua sắm chút bánh mứt và trái cây vể cúng ông bà và đưa ông táo về trời.  Nàng còn tính ghé qua chợ mua ít thịt ba chỉ về kho và làm dưa giá ăn với bán chưng vì đây là món ăn mà Phong ưa thích.  Sống ở xứ người nhưng xuân về người Việt Namvẫn còn giữ được những phong tục và món ăn thuần tuý quê hương.

 

Một tuần hai vợ chồng Chuyên làm đều đặn bảy ngày không nghỉ. Buổi sáng Phong phụ Chuyên bán hàng và đi mua thêm đồ ở những siêu thị bán sĩ như ở Sam s Club hoặc ở Costco về để thêm trong cửa hàng bán kiếm lời.  Buổi chiều Phong đi học cho tới khuya về thì giúp vợ đóng cửa hàng.  Phong đã đi học mấy năm nay nhưng vẫn chưa xong, một phần vì vừa đi làm vừa đi học, một phần có lẽ chàng cũng đã ngoài năm mươi cho nên trí nhớ không còn như trước, hơn nữa không quyết định được là muốn học nghành gì.  Ngày xưa đi làm nhà giáo còn qua đến bên này thì còn mong dạy dỗ ai" Đôi khi Chuyên muốn khuyên Phong học nghề để gia đình có một tương lai vững chắc hơn nhưng nàng lại sợ chạm tự ái Phong nên cứ đành lặng lẽ chờ đợi.  Sống với Phong bao nhiêu năm rồi Chuyên hiểu nhiều về sự tự ái, ngang ngược của chồng.  Gần đây Chuyên còn có thêm mối lo vì dường như Phong tỏ vẻ thơ ơ, lạnh nhạt với nàng.  Phong ít ra cửa hàng phụ vợ như lúc trước.  Ngoài giờ đi học xong Phong lật đật về nhà, buổi tối thì miệt mài xử dụng computer, đôi khi chàng nhìn sang Chi đang ngồi làm việc cùng bàn với nét mặt rất đăm chiêu, xa vắng.  Thỉnh thoảng Chuyên còn thấy chồng thì thầm trên đìện thoại mà mỗi lần Chuyên hỏi tới thì Phong đâm ra cau có, gắt gỏng.  Khi tâm sự với Chi thì Chi nửa đùa, nửa thật bảo với Chuyên là  "coi chừng anh ấy email cho cô bồ cũ".  Câu nói của Chi làm Chuyên nghĩ ngợi, chính Chi là người cho Chuyên hay là người con gái Phong yêu năm xưa hiện giờ đang sinh sống với gia đình tại Úc.  Dù lo âu nhưng Chuyên cứ tự trấn an là mình suy nghĩ vớ vẫn, không lý đã bao năm qua mà Phong còn lưu luyến chuyện xa xưa. Vả lại người con gái nay đã yên ổn với chồng con.

 

Năm vừa qua Chuyên nghe Phong bàn với Chi là chàng có ý định đổi qua học về nghành điện toán vì nghành này ra tương đối dễ kiếm việc làm hơn là nghành nhà giáo.  Chi đã làm trong nghành khá lâu nên sốt sắng giúp Phong hoạch định chương trình và sắp xếp lớp học.  Chuyên rất mừng rỡ khi nghe tin này nhưng đồng thời nàng cũng hơi tủi thân vì nàng vẫn có cái mặc cảm là ít học, có lẽ vì vậy mà chuyện gì trong nhà từ giấy tờ lo cho cửa hàng tới chuyện đi học Phong đều hỏi qua ý kiến của Chi mà không bàn bạc gì với nàng.  Chuyên yên phận chỉ biết lo cho chồng, cho em rất chu đáo.  Mỗi tối khi Chi ngồi làm việc và Phong ngồi cùng bàn học bài thì Chuyên cặm cụi pha café cho Phong và pha trà cho Chi.  Chuyên cảm thấy mình rất hạnh phúc khi nhìn thấy cảnh yên ấm của gia đình.  Nàng cảm thấy mình như là một người mẹ có trách nhiệm lo lắng, săn sóc cho cả gia đình.

 

 Mấy tuần nay cả gia đình đều vui mừng hớn hở với cái tin Chi đang mang bầu, mà người mừng nhất có lẽ là Chuyên.  Nàng thèm có một đứa bé để nưng niu chìu chuộng, nàng cầu mong cho kỳ này Chi sanh con gái, thì tha hồ cho nàng cưng yêu.  Nếu sanh được đứa bé gái giống mẹ thì con bé sẽ rất xinh đẹp vì Chi có một làn da hồng hào trắng mịn, khuôn mặt hình trái xoan và đôi mắt to đen láy.  Chuyên nghĩ tới những chiếc áo đẩm hồng xinh xắn mà lòng thấy rộn ràng.  Chi và Chuyên vẫn thường đi mua sắm với nhau, Chi chưng diện áo quần theo thời trang, kiểu nào mới ra là Chi mua không tiếc tiền.  Chi cũng hay mua áo quần cho Chuyên và nàng cứ cằn nhằn là sao Chuyên không chịu sửa soạn cho tươm tất.  Mỗi lần Chuyên mặc áo quần của Chi mua cho thì Phong lại day dứt với Chuyên.  Phong thường nói " Chi nó còn trẻ mặc áo quần theo thời coi dễ thương, còn với tuổi của em mà chạy theo thời trang đó thì coi không được chút nào".  Chuyên chỉ biết buồn riêng thôi.  Nàng mới bốn mươi sáu tuổi thì đã đến nỗi nào già, nhưng nếu Phong đã qúa phong kiến thì thôi nàng cũng đành chịu.  Vì ở chung nhà với vợ chồng Chi nên nàng không muốn buồn lòng ai, nàng tập được cái  tánh nhẫn nhục  để gia đình không xào xáo. Hôm trước đi ngang tiệm Chico, một tiệm chuyên bán áo quần nhập cảng từ những nước ngoài, Chuyên thấy có một cái áo mang nhãn hiệu của Việt Nam, chiếc áo màu xanh lá mạ và có thêu những cành mai vàng trông rất nhã nhặn, thanh lịch. Chuyên mua tặng cho Chi và với màu da trắng mịn của Chi khi mặc chiếc áo vào ai cũng trầm trồ.

 

Dường như Chi có vẻ mệt mỏi trong lúc mang bầu nên không thấy Chi vui cho lắm.  Mỗi ngày thấy Chi uể oải thì Chuyên đâm lo nhưng khi Chuyên hỏi tới thì Chi chỉ gượng gạo trấn an nàng bằng nụ cười tư lự.  Chuyên nghĩ có lẽ em mình mệt mỏi vì công việc thương mại và bận rộn với sở làm.  Vả lại, lần mang bầu này là một thay đổi lớn lao đối với Chi vì thằng bé con của Chi năm nay đã mười bảy tuổi. Sự mệt mỏi của Chi làm Chuyên quan tâm rất nhiều, nhất là hôm Phong đang ngồi học buổi tối bất ngờ bị trợ tim té gục trên bàn và Chi hốt hoảng kêu xe cấp cứu 911.  Chuyên không thể nào quên được sự thảng thốt trong đôi mắt Chi và nàng cứ hối hận là vì gia đình của nàng mà Chi mang thêm một gánh nặng từ bao năm qua.

 

Chuyên nhìn đồng hồ lần nữa, gần tới giờ thăm viếng rồi.  Chuyên bấm điện thọai gọi Chi vì ban sáng trước khi đi làm Chi có dặn Chuyên là cứ ra mở cửa hàng đi và Chi sẽ vào sở làm sau đó sẽ đến đón Chuyên vào bệnh viện và phụ nàng đưa Phong vể nhà.   Mặc dầu Chi căn dặn như vậy nhưng Chuyên sợ làm phiền em cho nên Chuyên gọi điện thoại tính báo cho Chi biết là nàng đã mở cửa hàng và sẽ nhờ Huân coi phụ vài tiếng trong khi nàng vắng mặt.  Tuy nhiên, khi gọi thì điện thoại của Chi đang bận mà Chuyên thì nóng lòng vào thăm Phong nên nàng có nhờ Huân là nếu Chi có gọi thì nhắn lại giùm.  Từ nãy giờ đã mấy tiếng đồng hồ mà Chuyên vẫn chưa nghe ai gọi cho nàng nên nàng gọi cho Chi thêm lần nữa, nhưng vẫn không thấy Chi bắt điện thoại, nàng nghĩ có lẽ Chi đang có conference call ở sở.

 

Chuyên uống nốt ngụm café cuối cùng, với tay cầm chiếc xách tay và đi về phía thang máy để lên tới lầu thứ ba.  Khi nàng đến nơi thì cô y tá tóc nâu, mắt màu hạt dẻ nhoẻn nụ cười và bảo với Chuyên:

 

Bà vào thăm ông Phong hả, có vợ ông ấy đang ở trong phòng.

 

Chuyên buồn cười, mấy người Mỹ trông người Á Đông nào cũng giống như nhau.  Có lẽ có cô em họ hàng nào đó đang thăm viếng Phong.  Chuyên đi từ từ đến phòng của chồng.  Cánh cửa dường như khép gần kín chỉ có một khẻ hở nhỏ.  Chuyên hơi thắc mắc định mở cửa bước vào nhưng nàng bất chợt khựng lại bởi một giọng nói rất quen thuộc nhưng như búa bổ vào đầu nàng:

 

"Anh ráng tịnh dưỡng để còn lo cho đứa con sắp chào đời của chúng mình."

 

Chuyên lặng người, nàng không tin vào những gì nàng vừa nghe nhưng khi nhìn qua làn hở của khe cửa bỗng dưng Chuyên nghe chân tay run rẩy, rã rời.  Khuôn mặt hình trái xoan, mái tóc ngắn, đôi mắt to đen láy và chiếc áo màu xanh lá mạ với những cành mai vàng đã là nhân chứng. Chuyên nghe trong lòng mình có một tiếng gào thét đứt đoạn và trước mắt nàng hạnh phúc mùa xuân đã vỡ tan, những cành hoa mai vàng đã hóa đỏ chập chờn như những thiên thần đang chắp cánh xa bay. 

 

Cái cảm giác buông xuôi, đành đọan làm Chuyên lảo đảo, bên tai nàng nghe văng vẳng tiếng của mấy người y tá nói với nhau: không hiểu sao tự dưng bà ta lại ngất xỉu.

 

Nguyễn Thị Huế Xưa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 67,156,482
Đây là bài viết thứ 11 của tác giả Anne Khánh Vân góp cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ trong năm 2006, trích lại từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Hợi 2007
Tác giả Trương Kim Loan là Giám khảo ngành thẩm mỹ, Board of Barber and Cosmetology, hiện làm việc&nbsp; tại Nha Khảo Thí Glendale, California.&nbsp;
Tôi đi thăm mộ mẹ tôi về, trời đã nhá nhem tối, lòng tôi chùng xuống. Nỗi nhớ mẹ làm tôi quay quắt. Thế là mẹ tôi đã yên nghỉ trong lòng đất lạnh.
Lâu quá, tôi không còn nhớ nguyên vẹn bài thơ, chỉ nhớ đại khái tác giả nói lại với người bạn ở Việt Nam là nếu muốn biết thì cứ đưa thử cây chổi quét nhà!
Tác giả là cư dân Midway City, phu nhân một sĩ quan H.O. Đây là bài viết đầu tiên của bà dự thi Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả tên thật là Lưu Phương Lan, một dược sĩ cư trú và làm việc tại Chino Hills,&nbsp; California. Với sở thích chơi đàn piano và viết văn
Nguyễn Viết Tân lá tác giả sách “Chuyện Miền Thôn Dã” vừa xuất bản năm trước. Với bài “Bên Bờ Freeway” ký bút hiệu Tân Ngố
Tác giả Tracy Nguyễn, cư dân Lawndale, California, công việc đang làm: Kinh doanh. Những năm trước đây
Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của An Trinh là ba lá thư:, trong đó có Thư gửi "cu Nam" kể về tâm sự bà mẹ gốc Việt tại Mỹ
Diner là một loại nhà hàng lớn có thể đãi khách tới vài trăm người, nhỏ phục vụ khách tới ăn khoảng vài chục người. Đa số Diner có chỗ đậu xe cho khách. Các món ăn bán cho khách thường
Nhạc sĩ Cung Tiến