Hôm nay,  

Lại Dọn Nhà, Lái Từ Đông Qua Tây

14/12/201300:00:00(Xem: 16375)
Tác giả: Tê Hát I Cờ Rét
Bài số 4084-14-29484vb7121413


Tê Hát I Cờ Rét là bút hiệu của Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Sau đây là bài viết thứ ba của chàng.

resized-vb7-vvnm-trouble-car
Xe dọn nhà từ Florida về lại San Jose, bể bánh bên đường.

* * *

“Cali đi dễ khó về
Trai đi có vợ, gái về có con…”


Không biết hai câu trên xuất phát từ đâu và từ hồi nào, và có đúng với nhiều người hay không, nhưng nếu áp dụng với trường hợp của vợ chồng anh Tư thì sai bét.

Sai là vì anh Tư đã dọn ra khỏi Cali một thời gian rồi về lại, nhìn lại bản thân chả có thêm cô vợ nào, và chị Tư nom cũng còn son trẻ mà cũng nín… đẻ luôn. May thay, vợ chồng anh Tư đi 5 năm rồi quay về chốn cũ mà không bị sứt mẻ gì ráo.

Năm 2007, khi quyết định bứng gốc khỏi Cali qua Florida sinh sống, vợ chồng anh những tưởng phen này “một đi không trở lại" và “rì thai” luôn ở tiểu bang có cá sấu và rùa đông hơn người này rồi. Mặc dầu cuộc sống mới yên lành bình dị, không bon chen đua đòi và gia đình hạnh phúc, trong tận cõi lòng vợ chồng anh Tư vẫn cảm thấy trống vắng sao đó. Có lẽ vì Florida hiếm những sinh hoạt đoàn thể và không khí nhộn nhịp của cộng đồng VN, nhất là những buổi họp mặt gia đình, bạn bè vào những ngày cuối tuần mà vợ chồng anh đã quá quen trong bao nhiêu năm sống ở Cali. Cho nên tuy thân xác đang tà tà bên Florida nhưng hồn thì còn lang thang đâu đó ở Cali nhất là vào những dịp lễ lạc. Thấy không thể ca bài "để quên con tim” mãi, đến năm 2012 gia đình anh lại khăn gói quả mướp trở về.

Thời gian trôi qua như cơn gió thoảng, mới ngày nào còn ở Florida đây thôi mà gia đình anh Tư đã dọn về Cali được hơn một năm rồi. Nhớ lại cái hôm dọn nhà sao mà vất vả thế. Lẽ tất nhiên có ai dọn nhà mà sung sướng đâu, nhưng lần dọn nhà này nó đặc biệt cực hơn bao lần dọn nhà trước đây. Khổ nỗi trí nhớ của anh Tư hơi có vấn đề, cái đáng nhớ thì không nhớ, mà cái không cần nhớ thì nó cứ nằm trong đầu hoài, cho nên mới có tí chuyện để kể cho mọi người nghe.

Florida cuối tháng sáu là mùa bão. Hôm đó sáng Chúa Nhật bầu trời âm u, mưa gió và sấm sét đùng đùng. Theo hẹn, vợ chồng anh Tư để bốn nhóc tì ở nhà đi ra hãng xe Penske cách nhà khỏang 20 phút để mướn xe truck 26 feet và car-carrier trailer để chở đồ đạc và kéo chiếc xe về Cali. Ra đến nơi thì người nhân viên ở đó vừa xem chi tiết trong computer vừa “so ri” vì chiếc xe truck đang có đến thời kỳ phải bảo trì, họ không dám giao vì lỡ xe hư dọc đường thì đổ nợ. Anh ta đề nghị anh Tư tới một chi nhánh khác lấy xe và để đền bù cho sự sơ sót, anh bớt tiền mướn xe. Không còn cách nào khác hơn, hai vợ chồng đành vui vẻ lái xe dưới cơn mưa tầm tã tới một chi nhánh khác cách đó hơn mười miles, trên đường đi còn bảo nhau là mình vất vả một tí nhưng được bớt tới $300 là may rồi.

Khi tới nơi anh Tư để chị Tư ngồi trong xe chờ, còn anh thì chạy vội vào trong mình mẩy ướt nhẹp. Khi cô nhân viên cùng anh Tư ra kiểm soát lại chiếc xe truck mà họ sẽ giao cho thì mới vỡ lẽ ra là cái thùng xe nó đang bị dột và nước mưa đang nhỏ giọt từ trên nóc xuống ướt sũng phía trong thùng xe. Mà xui làm sao họ cũng chỉ còn có một chiếc này là 26 feet, còn lại thì toàn loại nhỏ hơn. Thế là cô nhân viên lại phải mất thời giờ liên lạc với các nơi khác để kiếm xe cho anh Tư. Trong khi chờ đợi anh chạy ra xe thông báo cho chị Tư biết tin và đồng thời gọi cho hai người bạn đã nhận lời đến giúp khuân đồ sáng nay để họ khỏi phải chờ. Chị Tư sốt ruột quá cùng anh vào văn phòng chờ. Sau gần một tiếng, cô nhân viên hớn hở cho biết đã kiếm được một chiếc khác ngon lành ở dưới thành phố Sarasota cách đó khoảng một tiếng rưỡi lái xe. Má ơi, anh Tư nghe mà rụng rời, vì bình thường lái xe không đã thấy ngại rồi huống chi trời đang mưa bão tầm tã thế này. Có lẽ cô nhân viên thấy được sự đau khổ trên khuôn măt mếu máo của vợ chồng anh nên liền cho biết họ sẽ mang xe đến tận nhà chứ anh chị không cần phải đi lấy, có điều là thời tiết xấu như vậy có thể mãi tới chiều thì may ra họ mới mang xe tới được. Hai vợ chồng nhìn nhau lắc đầu cười trừ. Có lẽ cô nhân viên thấy cả hai vợ chồng ngố đời sao đó nên bấm vào computer khấu trừ cho anh chị thêm $400 nữa.

Thế là bao nhiêu dự tính đành phải hoãn lại chứ biết sao bây giờ. Hai vợ chồng ra về dưới cơn mưa gió chẳng biết khi nào mới dứt mà rầu thúi ruột. Về đến nhà nhìn thấy đống đồ chất đầy từ trong nhà ra tới garage mà không có xe để chất lên lại càng ngao ngán.

Đến xế chiều thì xe tow cũng kéo được chiếc xe truck 26 feet bự tổ chảng tới đậu trước cửa nhà. Anh Tư hí hửng che dù chạy ra và ngỡ ngàng khám phá ra chiếc xe họ kéo tới rất tốt nhưng lại là xe có lift gate phía sau chứ không phải loại có hitch để kéo trailer. Đúng là số con rệp! Chị Tư liền phone tới phone lui cho hãng Penske khiếu nại về sự sai lầm này. Tội nghiệp ông Mỹ già xe tow lại vất vả kéo chiếc truck nặng nề về một chi nhánh nào đó trong cơn mưa gió. Vì là ngày cuối tuần cho nên vấn đề liên lạc với hãng xe gặp rất nhiều khó khăn. Tội nghiệp cô nhân viên đại diện cho hãng xe Penske hôm đó mỗi lần gọi thông báo điều gì cứ phải xin lỗi luôn miệng. Đến khoảng gần 1 giờ đêm thì họ gọi lại lần cuối và cho biết là kiếm được xe khác ở Orlando cách đó khoảng hai tiếng lái xe, và hứa sẽ mang tới khoảng 10 giờ sáng hôm sau. Cũng đành chịu thôi vì xe có đến thì cũng chẳng khuân vác được gì giờ này. Biết giường nệm đã được đem hết ra garage để sẵn sàng chất lên xe, họ bảo nếu gia đình muốn ra hotel ngủ, Penske sẽ hoàn lại chi phí. Trời đất, khuya khoắt mưa gió như thế này mà còn đi đâu! Hai vợ chồng an ủi nhau ít ra bây giờ đi ngủ không còn phải phập phồng sợ họ đem xe đến và ấn chuông nhà vào giữa đêm nữa.

Sáng hôm sau thời tiết có vẻ khá hơn một chút. Khoảng gần trưa thì một xe tow kéo chiếc xe truck tới đúng như ý anh Tư muốn. Sau đó không lâu thêm một chiếc xe tow nữa kéo chiếc trailer tới. Không chần chừ, anh Tư và thằng con 14 tuổi hì hà hì hục khuân tất cả các thùng đã đóng sẵn chất lên xe. Anh hàng xóm Việt Nam kế bên tướng người nhỏ con như cây bonsai nhưng tấm lòng lại như cây đại thụ nhiệt tình qua giúp một tay. Đến chiều anh bạn gốc Phi Châu quen trong sở làm cũng chạy tới giúp khiêng lên xe những thứ kồng kềnh như TV, giường, nệm, tủ… Cái thùng xe nom to lớn như vậy mà cuối cùng không còn một kẽ hở vì đầy nhóc đồ.

Sáng thứ Tư, sau khi đưa vợ con ra phi trường để đi máy bay về Cali trước, anh Tư thong thả về lại căn nhà trống trơn đồ đạc để lau chùi sạch sẽ trước khi giao lại cho chủ nhà vào buổi chiều. Khoảng 7 giờ tối, anh trở lại phi trường Tampa đón ông anh từ San Jose qua để phụ lái xe về miền Tây. Hai anh em đi ăn tô phở dằn bụng rồi khởi hành liền. Chuyện khó tin nhưng có thật là anh Ba đi máy bay từ Cali qua Florida mất hơn nửa ngày trời, ăn tô phở xong leo lên xe truck từ Florida về lại Cali gần 3 ngàn miles một chiều mà không nghỉ ngơi gì hết. Đúng là “dân chơi không sợ mưa rơi, chỉ sợ con… rơi.”

Lý do hai anh em phải đi liền chẳng qua là vì anh Ba cần phải có mặt ở San Jose ngày thứ Bảy cho kịp đám cưới của một người quen nào đó mà ổng đã nhận lời làm MC. Khi gọi phone qua trước đó mấy hôm, ổng phán: "Thay phiên nhau thằng ngủ, thằng lái, chừng hai ngày rưỡi là về tới nơi.” Anh Tư nghe mà bực mình vì rõ ràng cách đây cả 4, 5 tháng anh Ba đã sốt sắng tình nguyện qua phụ lái xe, bây giờ vào phút chót lại đòi về gấp rút nguy hiểm quá. Nhưng anh Tư đành chịu vì chẳng lẽ lại nói thôi anh đừng qua nữa để em lái về một mình?

Vì đây là lần đầu tiên lái xe từ Đông qua Tây nước Mỹ nên anh Tư đã cẩn thận vào google maps nghiên cứu đường trước để lúc lái khỏi quờ quạng. Anh còn mang theo GPS để chỉ đường. Chắc ăn như thế thì đố mà lạc được. À, coi dễ vậy mà không phải vậy…

Lần đầu tiên lái chiếc truck to lớn kềnh kàng 26 feet chất đầy đồ và kéo theo cái rờ-moọc dài hơn 10 feet có chiếc xe phía sau cũng đầy nhóc đồ mới thấy phục mấy ông tài xế xe vận tải chở hàng xuyên bang. Sợ nhất là khi cần vào đổ xăng dầu hay lái vào mấy đường nhỏ phải căn sao cho khéo chứ không thì khốn, vì lái tới thì dễ chứ mà phải de tới de lui là chỉ có khóc.

Sáng thứ năm khi còn đang phon phon trên freeway 10 ngang qua New Orleans thì thấy có chiếc xe chạy vọt qua mặt rồi tài xế quay kiếng xe xuống chỉ trỏ phía sau xe truck mình. Anh Tư liếc qua kiếng chiếu hậu bên hông mới giật mình vì thấy bao nhiêu mảnh vụn của bánh xe chiếc trailer kéo đàng sau đang văng lên tung tóe và các xe bên hông cũng như phía sau đang lo… né xe mình. Thế là anh Tư vội vàng lo tấp xe vô lề với trống ngực đập thình thình. Hai anh em bước vội xuống xe xem xét thì thấy một chiếc bánh xe của trailer kéo phía sau đã nổ tung từ lúc nào. Loại trailer này có bốn bánh xe và vì mình ngồi xe truck lớn nên không cảm thấy sự khác biệt cho lắm trừ khi nổ cả 2 bánh, và có thể lật khi mất thăng bằng. Anh Tư liền gọi cho hãng xe Penske cầu cứu, đồng thời cũng cho chị Tư (lúc này đang ở Cali với bốn xấp nhỏ) biết tin về chuyện chẳng lành. Phải mất 3 tiếng đồng hồ sau hãng xe mới cho nhân viên road service trong vùng tới để thay bánh xe. Tội nghiệp anh nhân viên thay bánh xe mà mồ hôi ướt dầm dề vì trời nóng và hầm. Anh Tư móc bóp tặng anh ta ít tiền uống nước kèm theo lời cám ơn chân tình.

Anh Tư đã lái suốt đêm nên lúc này chuyển tay lái cho ông anh. Mới chợp mắt chưa đầy một tiếng thì anh Tư cảm thấy chiếc xe có vẻ hơi “nạng qua, nạng nại” (cũng may là chưa "neo nề... nật nuôn") Anh liếc nhìn thì thấy mắt ông anh đang từ từ ríu lại. Thấy không ổn, anh Tư liền hỏi có “ok” không thì đổi tay lái. Thế là ổng không khách sáo mau mắn tấp vào lề để đổi tay lái cho thằng em và quay qua làm một giấc ngon lành. May mà anh Tư đã chuẩn bị sẵn “red bull” ướp lạnh trong cooler cho nên cứ thế mà nốc cho đỡ buồn ngủ. Khổ là anh Tư đã đề nghị khi trời tối thì mướn khách sạn dọc đường ngủ nghỉ cho khỏe rồi hôm sau đi tiếp mà anh Ba lại không chịu vì sợ trễ đám cưới. Ngay như đi qua trạm nghỉ tạm (rest area) cạnh freeway mà còn không ghé vào thì làm sao mà dám lãng mạn ngủ nghỉ ở khách sạn. Rất may là xe cần phải đổ xăng/dầu và người cũng cần phải.. xả cho nên cứ khoảng 3, 4 tiếng lại tấp vào trạm xăng chứ không thì khỏi có chuyện dừng lại. Khổ thêm nữa là khi đổi tay lái cho anh Ba để tới phiên mình nghỉ một chút thì anh Tư lại đâm ra hồi hộp, lo lắng với tài lái xe bạt mạng của ông anh, chân ga đạp lút cán, mắt thì láo liên vượt qua xe này, cắt qua xe khác ào ào khiến thằng em sợ… vãi đái không tài nào mà chợp mắt cho được. Anh Tư thầm tự trách mình đã dại dột nhận lời để anh Ba qua giúp chuyến này, và lâm râm cầu nguyện sao cho về tới nơi được bằng an.

Nhờ kinh nghiệm của người bạn thân đang hành nghề lái xe vận tải bên Atlanta mách bảo, mỗi khi ghé vào trạm xăng dọc theo freeway thì hai anh em lái xe ra phía sau là nơi dành riêng cho xe vận tải để ra vào cho dễ. Một điều cần biết xin chia sẻ với quí bạn đọc là khi dọn nhà bằng xe truck đi xa hoặc xuyên bang, nếu quí vị mướn xe có lift gate phía sau thì theo luật liên bang bắt buộc phải vào trạm kiểm soát “weight station” vì họ không biết mình dọn nhà hay chuyên chở thương mại. Nếu xe truck có hitch để tow và nhất là có kéo xe phía sau thì không cần phải vào vì họ biết chắc mình dọn nhà.

Lái từ đông say tây qua bao tiểu bang chỉ ngán nhất là khi băng ngang qua Texas, vì từ đầu này tới đầu kia gần cả ngàn miles cho nên mất cả ngày. Trời mùa hè, Texas nóng và hầm như ở trong hỏa lò, mới cuối tháng sáu thôi mà bên ngoài cả hơn trăm độ.

Tưởng sao, đêm đầu còn tỉnh táo lái ngon lành, nhưng khi qua tới chiều tối hôm sau vì thiếu ngủ cộng thêm thể xác mệt mỏi thì đầu óc bỗng nhiên bị… cúp điện. Chính vì vậy khi lái ngang qua Texas đang từ freeway 10 tự nhiên xe rẽ qua một hướng khác lúc nào không hay, đường thì nhỏ mà vắng tanh rất ít xe qua lại. Đến lúc cả hai anh em nhận ra thì không biết là đã cách xa con lộ chính là freeway 10 được bao nhiêu miles rồi? Mà vì trời tối thui không còn định hướng được nữa nên hai anh em bắt buộc phải lệ thuộc vào GPS hoàn toàn, nghĩa là nó chỉ đâu thì đi đó chứ không biết lối nào mà mò. Như mọi người biết đó, đi theo GPS thì không sợ bị lạc nhưng hơi rắc rối vì nó hướng dẫn mình đi đường ngắn nhất nhưng có khi lại vòng vo, hoặc vào những đường trời ơi đất hỡi chỉ tổ mất thời giờ thêm. Mình càng nôn nóng bao nhiêu thì thấy đường nó càng dài thăm thẳm đi hoài không tới. Một khi đầu óc nó đang mệt mỏi, căng thẳng thì không còn định hướng gì được nữa rồi đâm ra nghi ngờ và dễ nổi quạu.

Chính vì thế mà anh Ba đang lái xe đã nổi nóng và quạt cho anh Tư một tăng, nào là: “Tao đã nói rồi, cứ giữ thẳng freeway 10 mà đi mày không nghe,” rồi thì: “Tại sao đường lớn không đi lại đi theo GPS làm gì để nó chỉ vào mấy cái đường gì đâu?” Anh Ba không chịu nghĩ là ổng cũng lái chứ đâu phải môt mình anh Tư, và một khi cơ thể mệt mỏi, đầu óc bần thần không còn tỉnh táo, cộng thêm trời tối mịt mùng giữa nơi xa lạ thì làm sao mà nhìn rõ đường nào là đường nào? Có lẽ tại anh Ba quá nôn nóng về càng sớm càng tốt cho kịp ngày thứ Bảy. Biết cớ sự thế này thì anh Tư một mình lái về cho khỏe. Bây giờ đã lỡ rồi thì đành phải theo GPS thôi chứ mà dẹp nó đi thì chỉ có… bỏ mẹ nơi hoang vu này.

Ban ngày lái xe đường dài ngồi không cũng chán mà ngủ thì không dám nên anh Tư gọi phone tán dóc với người này người kia cho qua thời giờ và giữ cho đầu óc tỉnh táo. Cô bạn gái ngày xưa đang ở tiểu bang Texas nghe anh Tư nói đang đi ngang qua thì rất muốn gặp nhưng anh Tư sợ cô nàng găp mặt sẽ cầm lòng không đặng rồi sẽ… ói vì lúc đó trông anh không khác ông “homeless” ngoài đường là bao - tóc tai luộm thuộm, khuôn mặt đờ đẫn vì thiếu ngủ, người ngợm thì hôi rình vì hai ngày không tắm. Mình còn chịu không nổi mùi của mình huống gì người khác. Anh Tư đành ca bài "người ơi dĩ vãng đã xa...” và đi luôn. Lúc lái ngang qua Arizona, anh bạn thân nơi đây mời ghé qua lai rai cho vui nhưng thấy ông anh long thể bất an đành từ chối. Khi về gần tới Las Vegas cũng muốn tạt vào thăm ông cha bạn đang giúp xứ nơi đây nhưng cũng không dám, sợ trễ cho ông anh thì ít mà sợ "sa trước cám dỗ" thì nhiều. Khi về đến Cali gặp lại vợ con chỉ còn có mỗi cái quần… xà lỏn thì tàn đời trai.

Lúc về tới freeway 152 cách San Jose chừng một tiếng, anh Tư tấp vào đổ xăng lần chót mới khám phá ra một bánh xe của chiếc trailer phía sau đã bị cán đinh và xẹp từ hồi nào. Anh Tư vội vào tiệm tạp hóa của cây xăng ngay đó tính mua đồ để vá nhưng xui làm sao họ lại không bán thứ này. Chợt nhớ ra mấy anh em trong gia đình đang đi cấm trại cuối tuần với nhóm ca đoàn ở hồ San Luis gần đó nên anh Tư liền gọi phone cầu cứu. Chưa đầy nửa tiếng sau thì anh Hai và thằng út mang đồ nghề chạy tới giúp vá lại chiếc bánh xe bị xì.

Gần trưa thứ Bảy thì xe cũng về đến San Jose bình an vô sự. Sau ba đêm, hai ngày rưỡi lái xe từ Đông qua Tây nước Mỹ, hai anh em đầu óc bần thần, mặt mũi hốc hác với cặp mắt trắng rã vì thiếu ngủ, người ngợm thì chua lè cứ y như ngày đi nào vượt biên.

Hai hôm sau, khi đã chuyển đồ đạc vào nhà kho, anh Tư mang xe đi trả. Cô nhân viên của hãng Penske thuộc chi nhánh San Jose coi trong computer thấy những diễn biến và gian nan mà anh gặp phải với chiếc xe mướn thì liên lạc ngay với cấp trên. Người manager lại trừ thêm hơn $200 nữa kèm theo lời xin lỗi chân tình. Thế là tổng cộng số tiền bồi thường lên đến gần ngàn bạc, đủ tiền chi phí xăng dầu cho chiếc xe truck trong chuyến dọn nhà xuyên bang. Đúng là rong cái rủi có cái may! Thực tình mà nói hãng Penske đã bằng mọi cách để không bị mất tiếng, và họ đã phục vụ khách hàng rất chu đáo đúng với câu châm ngôn “Khách hàng là trên hết!”

Sau gần nửa năm trời ăn nhờ ở đậu nơi nhà của hai gia đình bạn thân, gia đình nhỏ của anh chị Tư đã tìm được chỗ ở ổn định. Thỉnh thoảng anh Tư cũng nhớ đến mấy a giành trong nhóm tennis, và những lần đi câu cá, bắt nghêu sò ốc hến với chú em bên Florida. Riêng chị Tư lại tiếp tục bận rộn "vác ngà voi" với những sinh hoạt của con cái và đoàn thể ở Cali. Nhìn chị lúc này có vẻ tươi trẻ ra và yêu đời hơn thì phải? Phải chăng vì được gần gũi với gia đình và bạn bè thân yêu? Khí hậu Cali cũng dễ chịu hơn, chị Tư không còn sợ cá sấu hoặc muỗi mòng chích sưng người lúc bước chân ra khỏi nhà mỗi khi chiều tắt nắng như dạo nào ở Florida. Riêng bọn nhỏ được ở gần ông bà, các chú bác và anh em họ nên vui lắm. Cuối tuần chúng sinh hoạt trong các đoàn thể Việt Nam và nói tiếng Việt sõi hơn xưa nhiều.

Anh chị Tư tạ ơn bề trên thật nhiều cho bao hồng ân và phúc lộc đã ban xuống trên gia đình, nhất là tình thương yêu của gia đình cũng như những người bạn rất tốt đã hết lòng giúp đỡ khi về lại chốn cũ. Hy vọng lần lần này anh chị ở yên một nơi lâu lâu một chút chứ cứ dọn nhà hoài hãi quá.

Cầu chúc mọi người luôn được hồn an xác mạnh, gia đình hạnh phúc và gặp nhiều may lành trong mùa lễ và năm mới!

Tê Hát I Cờ Rét

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 58,751,094
Tác giả tên thật là Nguyễn Cao Thăng, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles”. Sau đây là bài viết thứ hai.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo,
Với “Hồi Ức Tháng Tư Của Long Mỹ,” cùng viết với người cháu là Hải Quân Trung Tá Paul LongMy Choate, Trương Kim Hoàng Thư đã nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài mới của cô là một chuyện ma trong kỷ niệm từ thời mới 9 tuổi. Tác giả rời Việt Nam sang Mỹ từ tháng 10 năm 1974,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Nhân dịp lễ hội ma quỉ Halloween 31-10-2013, bài viết mới của ThaiNC là một chuyện ma,
Tác giả định cư tại vùng Seattle, tiểu bang Washington từ năm 1975, đã hồi hưu hơn mười năm qua.
Tác giả là cư dân North Carolina, chỉ vừa định cư tại Mỹ hai năm bẩy tháng. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể về hoàn cảnh một người đến Mỹ khi tuổi đã 60, thân mang bệnh tật, tự chọn cho mình cách sống theo kiểu một loài chim đầm lầy vùng sông Nile Ai Cập, là “làm vệ sinh răng miệng cho cá sấu”.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục, làm việc trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Tác giả đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007 và rất có lòng với bạn hữu và giải thưởng Việt Báo. Cô hiện là cư dân San Francisco, làm việc tại thư viện của một trường trung Học. Bài viết mới của cô kể kể về môn thể thao phổ biến tạivùng Vịnh.
Tác giả tên thật Vũ Văn Cẩm, vượt biển năm 1981. Đến Mỹ 1982, hiện làm việc và an cư tại Oklahoma từ 2003. Nghề Nghiệp: Electrical Engineer tại Công Ty American Airlines, M&E Center, Tulsa, OK. Với hai bài viết tiêu biểu: "Puppy và Nàng"; "Rộn Tiếng Cười Mê Say" Vũ Công Ynh đã nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012).
Nhạc sĩ Cung Tiến