Hôm nay,  

Mùa Xuân Lại Về

02/02/201900:00:00(Xem: 7715)
Tác giả: Minh Thúy

Bài số 5607-20-31413-vb7020219

 
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12,  “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”  Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.

 
***
 

Từ ngày qua Mỹ đến giờ, công việc kết  liền với cuộc đời Xuân là nghề điện tử.

 Định cư vùng Bắc thuộc tiểu bang Cali, nơi được mệnh danh là Silicon Valley (Thung lũng điện tử hay còn gọi là Thung lũng Hoa Vàng) Theo công việc này thì Xuân cũng đi qua nhiều hãng, đầu tiên là hãng Solectrone, rồi hãng Flex, kế tiếp Green Circut, hiện tại là hãng Asteelflash. Ngày mới vào làm chưa có kinh nghiệm, bắt đầu công việc hand load (gắn những components vô Board), sau khi rành công việc Xuân học hỏi thêm để lên level cao hơn là FQC (Final quality control = kiểm tra phẩm chất). Xuân đã cố gắng làm tốt để tránh Boards ship cho Customer không bị trả về. Miệt mài bao nhiêu năm thì lên được level FQA (Final quality assurance = kiểm tra toàn bộ board trước khi ship ra cho Customer.

 Nghề dạy nghề, rồi Xuân biết kiểm soát thời gian bao lâu để xong một cái Boarrd, công việc này gọi là PC (production control). Sau mấy chục năm theo nghề, cuối cùng Xuân cũng có một phone riêng, một bàn riêng thoải mái.

Từ ngày chồng qua đời cách đây 5 năm, nàng đã bán ngôi nhà thân yêu ở San Jose vì muốn thu gọn tất cả, khi chỉ còn lại một mình. Phan con trai Xuân làm việc tại miền Đông Minnesota rồi lập gia đình, sinh sống bên đó cùng vợ và 2 con.  Xuân kiếm mua căn Mobile Home thuộc vùng Fremont để đi làm tiện hơn, mỗi ngày lái xe dùng Freeway 880 đến hãng chỉ tốn 20 phút. Xuân làm bạn với bà Mỹ láng giềng bên trái tên là Becca tuổi đã về hưu, bà có 2 con, một trai một gái đều ở xa. Bà bạn láng giềng bên phải tên Sonya, người Phi độc thân vui tính làm nghề y tá. Thấy hoàn cảnh đơn chiếc giống nhau nên cả 3 người thân thiện dễ dàng. Thỉnh thoảng Xuân thường làm chả giò cuốn rau sống mời họ qua dùng tối, ngược lại Xuân cũng được thưởng thức vài món Mỹ như Meatloaf, Mashed potato, Veggies, cake...v..v...

Cuối tuần Xuân chẳng biết đi đâu ngoài việc đến Chùa nghe pháp, tụng kinh cầu an, làm việc Phật sự vì nỗi buồn cứ dai dẳng mãi. Vợ chồng kẻ vượt biên trước, người vượt biên sau, cuối cùng cũng đoàn tụ và sinh sống trên đất Mỹ, cả hai lo cày bừa cho con học đến nơi đến chốn. Cắc củm từng đồng mua được ngôi nhà, đến giai đoạn thong thả, bớt lo âu về tiền bạc, đang dự tính đi du lịch thì chồng Xuân bị phát hiện ung thư phổi giai đoạn 3 , rồi qua đời 6 tháng sau. Nàng đã sống khép kín chẳng cần biết thế giới bên ngoài, chẳng tha thiết chi đến Xuân Hạ Thu Đông. Các bài Phật pháp giảng về sự vô thường của thế gian tạm bợ, chân lý Tứ Diệu Đế với Khổ Tập Diệt Đạo như cứu cánh đến với Xuân, tuy chưa đạt tới nhưng ít ra cũng giảm bớt nỗi buồn phiền phần nào. Dù sao công việc hàng ngày cũng giúp nàng đam mê nên cũng bớt suy nghĩ phần nào thêm nữa.

Khoảng tháng trước trong lúc ngồi làm việc thì Supervisor  xuống chỗ nhân viên đang làm, dẫn theo người đàn ông Việt Nam có dáng cao với mái tóc hoa râm. Sếp giới thiệu người đàn ông tên Tom Lê sẽ thay thế ông Brian (Technician sửa máy móc) cũ vì ông ta đã xin nghỉ hưu. Xuân cười xã giao hỏi thăm qua loa ...Việt Nam sinh trưởng nơi đâu, bây giờ ở thành phố nào...v...v... Lúc mọi người trở về với công việc, Xuân cứ suy nghĩ thấy anh này quen quen như có gặp ở đâu thì phải. Thế rồi hồn ai nấy giữ, việc ai nấy làm, Xuân chỉ thỉnh thoảng gặp anh Tom trong những giờ nghỉ giải lao. khi anh lấy cà phê .

Một sáng trong giờ break, Xuân đang rót ly cà phê bỏ cream vào, thì Tom bước đến cùng lấy cà phê rồi lên tiếng hỏi:

-- Cô khoẻ không?

- Dạ khoẻ.

 Rồi chẳng ai nói ai, cả 2 cùng đi về phía góc bàn ngồi đặt ly cà phê trước mặt. Ánh mắt anh nhìn Xuân hơi có vẻ tư lự:

 - Cô làm ở đây lâu chưa?

- Dạ cũng hơn 8 năm

- Còn anh trước đây làm ở đâu?

- Tôi từ Texas mới qua hơn 2 tháng nay, cũng nghề này mấy chục năm rồi nhưng nay vừa bị thất nghiệp vì hãng đóng cửa, bạn rủ tôi về Cali sinh sống, mách hãng này đang cần Technician sửa máy, tôi apply và cũng không ngờ tuổi này vẫn còn may mắn được nhận ngay.

 Xuân vừa nhấp cà phê vừa nổi máu tò mò:

 - Vậy chị và các cháu cũng qua theo chứ?

 Tom im lặng hồi lâu, nét mặt nghiêm trang ẩn hiện chút cô đọng:

 - Vợ tôi ra đi...3 năm nay rồi vì ung thư máu, tôi chỉ có một cháu gái đang sống cùng chồng người Mỹ ở Texas, và có 2 cháu ngoại trai, đứa lên 5 và đứa lên 7 tuổi.

 Xuân im lặng và nói nhỏ:

 - Sorry anh Tom nhé.

 Tom hỏi lại:

 _- Thế ông xã cô làm ở đâu?

 Xuân lặng lờ chẳng muốn trả lời chút nào, nhưng rồi cũng miễn cưỡng:

 - Giống bà xã anh.

 - Sorry too...

 15 phút break đã qua, câu chuyện tạm ngưng nhưng Xuân vẫn cứ thấy Tom rất quen mặt, nàng hy vọng nếu còn gặp giờ giải lao sẽ tìm hiểu thêm.

 Hôm sau cả Tom và Xuân đều đến đúng giờ để uống nước nghỉ ngơi. Xuân mạnh dạn hỏi tới:

 - Anh Tom qua Mỹ năm nào?

- 1986

- Đi bảo lãnh à?

- Không, vượt biên.

 Xuân trố mắt hỏi tiếp:

 - Anh qua đảo nào?

- Đảo Pulau Bidong.

 - Ủa ...tôi cũng qua đó năm 1985 có lẽ thời gian quanh quẩn trên đảo tôi đã gặp anh, nên bây giờ thấy anh rất quen.

Tom đưa ly cà phê lên mũi hít mùi thơm, ánh mắt nheo lại nhìn Xuân rồi ngập ngừng:

 - ...Cô ...Xuân ...

 Xuân giật mình thót người:

 - Anh biết tôi sao?

Tom chậm rãi gật đầu:

- Lần đầu gặp cô tôi hơi ngờ ngợ, nhưng về đến nhà là nhớ ra ...Cô ...

 Xuân chợt nghĩ ra điều gì, nói nhanh:

 - Có phải anh ...Cảnh?

Anh gật đầu nghiêm trang không nói gì nữa. Xuân thấy mất tự nhiên ngay lúc đó, trông hết giờ rồi đứng lên đi lẹ. Suốt ngày tâm tư Xuân không  tập trung được, đầu óc lùng bùng khó tả.

 Đêm đó Xuân không ngủ được, cứ trăn trở mãi để mường tượng chuyện cũ. Mà cũng lạ thật, có những chuyện cần thiết phải nhớ cho cuộc sống thì hay quên, còn chuyện tào lao thì ký ức về thênh thang như mới hôm qua, mặc dù đã mấy chục năm trời.

 Năm đó Xuân đi vượt biển cùng chồng và đứa con trai 6 tuối. Chồng Xuân là sĩ quan tốt nghiệp trường Võ bị Đà Lạt với cấp bậc Trung uý. Sau gần 2 năm ở tù về vợ chồng tìm đường vượt biên. Chuyến đi bị chia nhiều cánh, dùng phương tiện bằng ghe ra tàu lớn, Xuân bị đẩy qua toán khác, từng đợt ra ghe nhỏ ngồi đợi, đến chiều chủ tàu tới kiểm điểm thấy thiếu 3 nhóm chưa đến trong đó có chồng con nàng, nhưng vài phút sau có tin mua bãi đậu bị bể, nên chủ ra lệnh nổ máy chạy lẹ, tiếng khóc tiếng gào thê thảm vì nhiều gia đình bị phân chia nên đành kẹt lại. Tàu ra khỏi hải phận thì bị tắt máy, lênh đênh rồi bị tàu hải tặc tông vào, cướp biển nhảy lên, đàn bà con gái bị túm tóc kéo qua tàu chúng, tiếng la tiếng hét vang trời, 4 người đàn ông giằng co bị đánh dập mặt.. Xuân cũng không ngoại lệ bị chúng xốc lên làm chuyện tồi bại, nhưng có lẽ khám phá Xuân đang có kinh, nên chúng nổi giận tát mấy bạt tai vào mặt rồi xô xuống tàu cùng vài bà tuổi quá đát, chúng hốt được 3 cô trẻ khoảng 15, 16, 18 ... Lúc bị đánh xiểng liểng. Xuân nghe tiếng cô nhỏ nhất gào thét:

 - “Lạy Chúa tôi, con đâu có tội tình gì ...”.

 Đúng lúc từ xa có tàu khác chạy đến, chúng bắt 3 cô gái cho vào tàu phóng đi mất. Rồi tàu Xuân được tàu Malaysia kéo vào đảo Pulau Bidong, Xuân gặp cô em cùng xóm tên Minh, cô bảo lãnh về ở chung ngôi nhà phụ nữ, đối diện ngôi nhà trước mặt là cặp vợ chồng anh Vọng sống cùng đứa con 7 tuổi và anh Cảnh ở chung.

Sau đêm dài ngủ say vì quá mệt, sáng sớm thức giấc nghe tiếng nhạc phát từ các loa gắn trên những cây cao với tiếng hát Thanh Thuý nức nở “Đêm tàn Bến Ngự’, đầu óc Xuân tỉnh dần mới hay mình đã thật sự mất quê hương. Tiếng hát Thái Thanh lại tiếp tục vang lên “Nghìn trùng xa cách’, Khánh Ly “Biển Nhớ” ... đã xé thắt ruột Xuân, lúc đó Xuân mới ôm mặt bật khóc được vì nghĩ đến chồng con, đến cha mẹ. Những chuỗi ngày luôn ám ảnh về chuyến đi hãi hùng, mấy tên cướp biển, nỗi đau thương về số phận 3 em gái bị bắt cóc chưa có tin tức, chồng con còn kẹt lại...

 Chiều nào Xuân cũng lên Chùa cầu nguyện để trấn an nỗi buồn đau tuyệt vọng.  Nơi tạm trú kẻ đến người đi ...Tháng sau lại có chuyến vượt biên khác tới, Xuân và Minh ra bờ biển tìm người quen thì mừng rỡ gặp cô em chung xóm nữa tên Uyển, thế là 3 chị em xóm Huế ở chung với nhau.

  Vài tháng sau ...một tối con anh Vọng trước mặt nhà chạy qua tìm Xuân đưa một phong thư rồi bỏ chạy về, Xuân đang mở xem nửa chừng thì Minh và Uyển đi coi chiếu phim về bắt gặp. Hai đứa cùng hỏi:

 - Thư ai vậy đưa bọn tui kiểm duyệt.

 Xuân khoát tay thì bị chúng tấn công:

- Tại răng chị không cho tụi tui xem, bộ chị “phải lòng “họ rồi à.

Xuân nghiêm mặt:

 - Đừng nói giỡn nghe, nơi chốn tạm dung, có danh sách là đi, chị không ham mấy chuyện nớ mô.

 - Rứa răng không cho xem, chị là...thôi thê ..., có muốn tui viết thư về kể chồng chị rõ thì nói nè.

 Biết 2 em đùa nhưng Xuân cũng đưa, vì đâu có thiết tha chi mấy chuyện đó mà phải giấu:


 Hai đứa mở ra đọc, Minh la lớn:

 - A... của anh Cảnh ...ghê hè ..., tui độc thân mà răng anh không để ý, lại để mắt tới “gái một con” rứa hè. Tui cũng đâu đến nỗi tệ, chỉ bị chiều cao 8 tấc, bị cái mặt hơi dữ chút thôi ...tự ái lắm rồi nghe. Nói xong Minh cười ha hả nhìn thư rồi nói tiếp:

 - Ái chà ... “Thuở làm thơ yêu em...” dám mượn tựa đề bài thơ của thi sĩ nổi tiếng mà tán tỉnh...a... ha...

 Uyển nôn nóng la lên:

 - Chị đọc tiếp đi...giỡn hoài rứa?

 - Ừ thì đọc ...

"Từ lúc có em thấp thoáng bên khung cửa sổ, đời tôi như được áng mây hồng giăng trước lối... tôi biết bâng khuâng nhìn trời xanh lơ lửng, tôi biết say sưa theo giọt nắng lung linh trước thềm, tôi biết lặng lờ theo đêm trăng huyền ảo, tôi biết nhìn khói thuốc bay rồi mơ về em ...

- Ái chà… “tôi biết” nhiều quá .... Vừa đệm Minh vừa đọc hết lá thư, rồi đi tìm tờ giấy cây bút nói:

 - Để em “biết lại” với anh Cảnh nghe chị Xuân.

 Xuân cản không cho:

 - Kệ họ, đừng thèm để ý, đừng nói năng chi là xong.

Nhưng Minh nhất định không chịu, hăm doạ Xuân thêm lần nữa, Xuân bỏ mặc chúng bởi thấy con mắt muốn sụp vì thèm ngủ. Nơi khu trại tỵ nạn này, những ngôi nhà gỗ được cất lên tạm thời theo lệnh Cao uỷ Liên Hiệp Quốc, không hiểu sao mà Chuột và Rệp quá chừng, khí trời lại oi bức, Xuân trăn qua trở lại vì ngứa ngáy trong trạng thái nửa ngủ nửa tỉnh, nghe lùng bùng tiếng Minh nói:

 - Gãi quá ta ...mi viết vô cho tao, viết đi...

Rồi tiếng cười khúc khích của hai đứa không biết đến khi nào Xuân thiếp dần luôn. Buổi sáng vừa thức giấc, cả hai đứa mặt mày hớn hở khoe:

 - Tụi em thấy con anh Vọng chơi trước sân, đã nhờ nó đưa cho chú Cảnh lời nhắn của Cô Xuân gởi rồi.

Xuân tá hoả tam tinh, trợn mắt:

 - Tưởng mấy em giỡn cho vui ai dè lại làm thiệt ...răng ẩu rứa, mà hai em viết chi trong nớ?

Hai đứa cứ ôm bụng cười ngặt nghẽo không nói, Xuân phải tra khảo nhiều lần, chúng mới lên gác lấy xuống tờ nháp đưa Xuân xem:

 

 “Anh Cảnh đáng yêu! -

Nhận thư anh, lòng em hồi hộp quá, suốt buổi cứ thơ thẩn ra vào mường tượng nét mặt anh với đôi mắt mùa thu ấy, với đôi môi loa căng đầy mộng tình đôi tám, với cái dáng tép lẹp như Bạch Tuộc  ...Em nghĩ nhiều về anh đến nỗi quên ăn chiều, chỉ uống nước rồi quên luôn cả đi ...đái ...trước khi ngủ ...  Nửa đêm em mơ thấy được đi cùng anh xem các phim như “Trăng vàng soi đít Ngựa” “Chó đái trên mộ nàng” “Đêm gãi không ngừng”.. Sau đó anh đưa em đi chơi xa, anh dìu em lên đồi vắng, anh hái đoá hoa màu tim tím cài lên tóc em, và em cũng hái lại bông hoa khác nhét lên tai anh, rồi em gục đầu vô vai anh, em khóc rống trên vai anh vì không biết ngày nào xa nhau, em húc vô mông anh làm hoa rơi rụng, nhìn những cánh hoa tan tác em thì thầm - “Em sợ tình ta cũng vỡ thôi” (TTKH). Em mê man trong giấc ngủ thần tiên, khi tỉnh dậy thì hình như có dòng suối đang chảy dưới chân ... Ô…ô… mắc cỡ quá không dám kể, em nhớ ra rồi, chỉ tại buổi chiều quên tiểu tiện. Đôi lời trao anh, “em biết” Chuột đang bò quanh đây, “em biết” Rệp đang lọt vào quần áo mặc, “em biết” bụng đang thèm tô bún bò Huế mụ Rớt, tô bánh canh Nam Phổ, “em biết” mình đang thích lung tung anh ơi... Hôm nay em muốn chạy lên khối thông tin hát to lên “Và tôi cũng yêu anh” lắm, nhưng thôi chuyện chúng mình, chỉ chúng mình biết... Chào Anh

Xuân.

 Trời ơi...đúng là mấy quỷ cái. Xuân nửa mắc cười nửa thấy bực bội mấy đứa ni chi lạ, chuyện đã lỡ nhưng cũng la chúng một trận, chúng hầu như không để ý đến sự tức giận của Xuân, cứ đọc đi đọc lại lời thư và cười một cách khoái trá.

Chiều hôm sau Xuân vừa ra ngoài định xuống biển hóng gió thì đụng mặt anh Cảnh, nét mặt anh hầm hầm nghiêm nghị không thèm nhìn Xuân, và Xuân cũng lẩn tránh nhanh.

Tối đến sau buổi cơm chiều, vợ chồng anh Vọng sang chơi, trong lúc vợ anh nói chuyện với Uyển và Minh, anh Vọng ngoắc Xuân ra ngoài vô đề liền:

 - Bà Xuân ...bạn Cảnh có kể tui nghe bà viết thư cho nó kỳ quá, nó vừa đọc xong là xé liền. Đàn bà con gái viết cái gì mà toàn ...đái đái...ỉa ỉa...không vậy? Cảnh tâm tình với tui là rất thích con gái vùng sông Hương núi Ngự, Cảnh có đọc một tài liệu đâu đó rằng mỗi con người Huế là một nhà thơ nhà văn, còn gái Huế thì luôn dịu dàng e ấp..., vậy mà bà làm nó thất vọng vô cùng về gái Huế, sao thô lỗ tục tĩu vậy?

 Tình ngay lý gian, thiệt là oan Thị Kính, Xuân chỉ biết đứng nghe anh Vọng dội vô mặt những lời chê bai, Xuân nói lí nhí:

 - Không phải tui viết.

 Rồi quay vào nhà.

 Từ đó Cảnh cũng tránh mặt, Xuân thì chẳng bận tâm chi mấy chuyện đó, ngày đêm cứ lo canh cánh, trông ngóng và nhớ nhung quay quắt chồng con nơi quê nhà với nước mắt đầy vơi.

Lần lượt mọi người cũng từ giã nhau đi qua trại chuyển tiếp, để rồi lên đường định cư Pháp, Mỹ, Úc, Canada ...v..v... Hơn một năm sau Xuân cũng được tin chồng con đã đến đảo Indonesia an toàn chờ ngày đi Mỹ.

 Uyển và Minh cũng qua Mỹ, nhưng Uyển thì ở Colorado làm nghề Nail, còn Minh thì ở Santa Ana, học về Business và hành nghề địa ốc. Người nào nay cũng làm bà Nội, bà Ngoại, chị em vẫn thường liên lạc bằng phone, thỉnh thoảng Xuân cũng gặp Minh, nhưng với Uyển chỉ gặp một lần lâu rồi, tuy nhiên hình ảnh gởi cho nhau thường xuyên, vẫn nhìn nhau qua nét đổi thay theo năm tháng.

 Đúng là trái đất tròn, nguồn tin nóng hổi nên Xuân gọi phone cho 2 “tiểu yêu” ngày xưa kể sự việc. Uyển nghe chuyện thì cười ha hả:

 - Thú vị quá chị Xuân ha, thôi bây giờ già rồi, lại làm chung một chỗ thỉnh thoảng gặp nói chuyện cũng vui.

 Còn Minh khi vừa nghe xong, không biết nó có nhảy tưng tưng dưới đó không, nhưng nghe giọng nói hốt hoảng:

- Chết...chết...cha ...ngộ... dzồi, chạy trời không khỏi nắng. Chị không được tố cáo tụi em đó nghe. Mà ...hi...hi...chị đã “tắt lửa lòng” mấy năm ni, chừ gặp lại hy vọng sóng lòng chị dạt dào nhè nhẹ ...he...he...he…

 Đoán ngay em Minh này mà, nó là đứa luôn quậy phá gán ghép, nhưng cũng nhờ vậy Xuân tìm được niềm vui sau những lần nói chuyện với nó.

Ba hôm trước lúc gặp ở phòng break. Cảnh khoe có mua chậu Mai tặng Xuân và ngỏ ý muốn biết địa chỉ nhà, cuối tuần này sẽ đến thăm. Xuân rất ngại ngùng, thứ nhất không muốn nhận quà ai, thứ hai lâu lắm rồi nhà không hề có khách lạ, chỉ trừ 2 bà bạn hàng xóm, hoặc con Xuân ở xa về thăm. Xuân thấy lúng túng không biết trả lời sao, chỉ nói ỡm ờ:

 - Dạ không biết cuối tuần nay tôi có rảnh, vì nhiều việc chợt đến giờ phút chót, có gì thứ bảy tôi sẽ trả lời anh nghe Cảnh vội vàng cho Xuân số phone và cười vui vẻ:

 - Không sao, lúc nào cô Xuân cho phép thì tôi đến, chúng ta tuổi đời đã cao, lòng đầy thấm mệt, cùng chung trang lứa, thì làm bạn cho vui thôi.

 Sau đêm suy nghĩ ... được biết Cảnh cũng là thiếu uý Thuỷ quân lục chiến, đã từng ra Huế đóng quân nên cũng biết nhiều địa danh, đã trốn trại tù Cộng Sản tìm đường vượt biên, cũng là lính VNCH như chồng mình, Xuân thấy làm chung một hãng, lại hay gặp giờ break, nếu từ chối cũng bất nhã. Thôi thì hài hoà tình bạn, mình sẽ mời Becca và Sonya qua dùng chung bữa luôn thể, mình sẽ đi chợ mua các thứ nấu bún bò và chè đậu ván mà hai bạn láng giềng cũng ưa thích. Xuân quyết định như vậy nên sáng thứ bảy vừa thức dậy đã gọi phone 3 nơi mời ngày mai (chủ nhật) đến nhà dùng bữa trưa, và thật may mắn không ai bận chi vào giờ đó, mọi người đều vui vẻ OK. Xuân vội vã lên Chùa mua ít thứ để đáp lễ lại anh Cảnh đã mua chậu Mai tặng Ở Chùa, Xuân thấy mọi người đang lau lá, trộn nếp, gói bánh, ấn khuôn bánh in, ngào mứt.

 Các mặt bàn đầy những mâm bánh chưng, bánh tét mới nấu nóng hổi, mứt gừng, mứt dừa đang được cho vào hộp, hàng loạt chậu hoa cúc vàng tươi, quít, bưởi căng tròn bày đầy nhà. Không khí vui nhộn, Xuân cũng thấy tiếc không được ở lại phụ giúp quý Sư Cô. Sau đó nàng đi chợ mua các thứ đã dự tính nấu đãi khách.

 Sáng nay chủ nhật, Xuân dậy thật sớm lo xong 2 món bún và chè, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng rồi thong thả pha ly cà phê ngồi nghỉ và mở nhạc thưởng thức. Ôi những bản nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Đặng Thế Phong, Cung Tiến, làm Xuân ngây ngất...

Ánh nắng đã len lỏi vào nhà sau những ngày mưa kéo dài lê thê. Ngoài đường có loại cây Xuân không biết tên, nhưng mùa hè thì mọc những tàn lá xanh rậm mát, đến gần tháng giêng (âm lịch) nở những bông hoa trắng ngời giống hoa Mai của Việt Nam, xác hoa rơi phủ trắng trước nhà Xuân.

Tuy khoảng sân của loại nhà mobile home rất khiêm nhường nhỏ bé, nhưng Xuân cũng trồng mỗi thứ một ít và mua vài chậu hoa đặt chưng cho vui mắt. Nhìn mấy chậu Dusty Miller đã mọc xum xuê những lá trắng tuyết bạc, chậu Miniature Rose, chậu Harvest Mums lá non đơm cành cùng búp nụ lố nhố tốt mầm, bụi Hồng tím nở rộ nhiều hoa tươi đẹp, giàn bông giấy đỏ rực rỡ dưới trời xanh, giàn hoa Dạ lý cũng vươn cao hơn toả mùi hương bay ngát ... Quang cảnh sáng tươi, màu nắng chan hoà, ngắm các loài hoa khoe sắc, những cánh Mai trắng thanh tao trang nhã bay trước gió ...

Xuân thấy lòng nhẹ nhàng lâng lâng, tâm hồn mở rộng đón chào với ánh mắt yêu thương trìu mến, Xuân mỉm cười nói nhỏ... “mùa Xuân lại về”.

Tháng 1-2019

Minh Thúy

Ý kiến bạn đọc
03/02/201917:04:32
Khách
Chị Xuân phải coi chừng cả anh Cảnh lẫn anh Vọng nhé.
Anh Cảnh biết chị có chồng con rồi còn tới ve vãng, thư từ là người không tốt. Anh Vọng còn tệ hơn nữa, cá mè một lứa, không những không biết khuyên bạn mình lại còn trách chị Xuân nữa. Anh Vọng muốn chị Xuân làm gì? Chả lẻ: “Cảnh có đọc một tài liệu đâu đó rằng mỗi con người Huế là một nhà thơ nhà văn, còn gái Huế thì luôn dịu dàng e ấp...,” là mọi gái Huế phải dịu dàng với những cụ dê xồm tới tấn công à?
Tôi có được đọc nhiều tài liệu nói rằng mọi cô gái Nam, Trung, Bắc, Huế, Hà Nội, Gia Định… đều dịu dàng và e e, ấp ấp. Như vậy khi tôi tới úm ba la là các cô phải cởi mở và nhẹ nhàng với tôi đấy nhé !!!
P.S. Hy vọng bà xã tôi không đọc được những tài liệu này.
02/02/201918:56:16
Khách
Bài viết rất dễ thương Minh Thúy ơi!
Đọc lá thư của mấy cô bạn quậy mà không nhịn được cười! Viết tiếp đi nghe!
Văn chương lai láng mượt mà, hãy viết ra cho bạn đọc thưởng thức, đừng bỏ không thì...hoài của lắm! hihihi
Chúc Minh Thúy hưởng Tết vui vẻ.
P.Hoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,314,866
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa