Hôm nay,  

Một Ngày Không Như Mọi Ngày

30/01/201800:00:00(Xem: 11602)
Tác giả: Nguyễn Văn Tới

Bài số 5301-19-31147-vb3013018

 
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
 
viet ve nuoc My (1)
Đây là hình thật: Chiếc Corolla của tôi bay khỏi sườn đồi, “đáp” xuống vực sâu, “đậu” trên thảm cành cỏ, xoay 180 độ, như trong mơ.

viet ve nuoc My (2)
Va hình nhỏ  “Female Asian Driver “ là cái sticker mà người Mỹ ưa dán sau xe để chúc lanh các  vị nữ lưu gốc Á lái xe.

 
***
 

Tối hôm đó, tôi đang trên đường lái xe đến căn cứ Ft. Huachuca, Arizona, chỗ làm việc cách nhà tôi 64 dặm. Thông thường tôi đi xa lộ liên bang I-10 về hướng Đông, rồi quẹo phải trên xa lộ 90 hướng Nam khoảng 30 dặm, gần biên giới Mỹ-Mễ là căn cứ quân sự lớn nhất nước về tình báo của lục quân Mỹ, nơi tôi làm việc.

Ngày nào cũng thế, theo thói quen khi lái xe đường dài, tôi nhấn nút cruise control để xe tự động chạy một tốc độ cho phép, sau đó tôi đeo headphone, loại nhỏ nhét tai, vừa nghe  truyện đọc từ cái I-phone vừa nhâm nhi ly trà xanh nóng yêu thích của mình.

Chạy song song với xe tôi là một chiếc Volvo SUV (Sport Utility Vehicle) to lớn hơn chiếc Corolla nhỏ bé của tôi nhiều, cả hai xe cùng chạy một tốc độ như nhau (65 dặm/giờ, khoảng 100 km/giờ) trên một quãng đường rất dài mà không hề đổi làn đường. Tôi vẫn ung dung thưởng thức ly trà đầu ngày một cách thích thú thì sự việc xảy ra.

Chiếc SUV đổi làn đường qua phải đột ngột mà không đánh đèn xin đường, phản xạ thật nhanh, tôi ngoặt tay lái vào lề phải đường để tránh. Tiếng bánh xe rít lên chói tai, chiếc SUV ngoặt tay lái lại bên trái; cùng lúc tôi thấy bờ vực sâu kế lề đường, tôi cũng bẻ bánh lái qua trái để khỏi lao xuống vực. Xe tôi nhấc bổng một bên và chạy bằng hai bánh bên trái. Hoảng hốt, tôi lại bẻ qua phải, xe chạy bằng hai bánh bên phải, hồn vía lên mây, tôi lại bẻ qua trái, rồi qua phải. Tiếng vỏ xe trượt trên đường rít lên nghe đến rợn người. Vì tốc độ xe được cài chết ở tốc độ 65 dặm một giờ vẫn không thay đổi, và vì tôi không bình tĩnh đủ để ấn nút giảm tốc hay đạp thắng, chiếc xe vẫn lao nhanh theo hình ngòng nghoèo, và rồi tôi cảm giác tôi bay bổng, à không, chiếc Corolla của tôi bay bổng thì đúng hơn.

Một ý nghĩ thoáng qua thật nhanh “ồ, không lẽ cuộc đời mình đến đây là hết?. Tôi nhắm mắt lại để chiếc xe muốn đưa mình đi đâu thì đi như câu thơ trong truyện Kiều “Cũng đành nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần đến đâu”.

 

*

“Cũng đành nhắm mắt, nhả phanh

Để xem lên thác xuống gềnh ra sao?”

Ba năm sau ngày “phỏng-dế” miền Nam, lúc đó tôi tròn 20 tuổi, cái tuổi đáng lẽ ra đang mài đũng quần trên ghế nhà trường thì tôi lại là một tên chạy xe đạp thồ hạng nặng chính hiệu con nai vàng “không” ngơ ngác. Ai từng sống trong thiên đàng cộng sản đều không xa lạ gì với xe đạp thồ.

Đó là một chiếc xe đạp thường được bác và đảng ưu ái “kềm kẹp” thêm 2 thanh sắt từ trước ra sau cho cứng cáp, nếu cần thiết thì thêm cặp vành xe làm bằng sắt ống cống, ghế chở hàng cũng được “gia cố” để có thể chở thêm trọng lượng gấp 5,6 lần người đạp. Một lần tôi chở 200 ký lô bột khoai mì khô với 4 bao nén chặt 50 kg/bao, trong khi tôi cân nặng có 45 ký. Lên dốc cầu Sài Gòn đã là một kỳ công vì chỉ có đẩy chứ không ai đạp nổi. Khi xuống dốc thì là một phép lạ. Sau khi dựng thanh gỗ chống vào xe đạp, ngồi nghỉ lau mồi hôi bằng cái khăn quàng cổ đóng muối trắng, với tay dưới sườn xe lấy cái bình nhựa 2 lít nước ra tu một hơi cạn tới đáy. Tôi bắt đầu leo lên xe đạp vừa thả dốc vừa nhấp cả thắng tay lẫn thắng chân (làm bằng miếng vỏ xe hơi cạ vào niềng xe).

Dốc cầu Sài Gòn ai cũng biết rất cao và rất dài, vả lại xe đạp thồ với 200 ký ở đằng sau, nên tay lái thường bị nhấc bổng nhẹ hều khó điều khiển. Xe lao dốc càng lúc càng nhanh, gió ù ù bên tai, ghi đông nhẹ hẫng không bám đường, tôi cũng không dám rà thắng mà chỉ lo khom mình về phía trước để sức nặng thân hình giúp bánh trước dán xuống mặt đường giữ thăng bằng cho đến khi tôi nhận ra nếu bóp thắng vì sẽ bị quặp tay lái và lật ngay, “cũng đành nhắm mắt nhả phanh, để xem lên thác xuống gềnh ra sao?" cho xe lao đi tự do, miệng thì la làng “tránh dzô” liên tục (tại sao không tránh ra mà lại tránh dzô?) may ra nếu đầu xuôi đuôi lọt cho đến cuối dốc thì mình thành bên “thắng cuộc”, còn không, đành làmbên “thua cuộc”. Mà cuộc đời tôi từ VN qua Mỹ đã nhiều lần thua cuộc rồi nên cũng …quen. Cả miền Nam còn thua cuộc thì xá gì thằng tôi không thua cuộc.

Tôi không còn điều khiển được cái ghi đông nên xe thồ cũng ngoặt qua ngoặt lại nhiều lần, rồi một tiếng huỵch đụi, cả xe lẫn người té nằm nghiêng một bên trên dốc cầu xa lộ dẫn về ngã ba Cát Lái. Bụi trắng bốc lên mờ mịt không kém trong phim xi nê là mấy, vì… một bao bột bị rách tung. “tài xế” loi ngoi đứng dậy trắng từ đầu tới…đít. Ôi cú té đau thương ngàn năm! Thật là một cảnh cười ra nước mắt. Nhìn lại mình cũng chẳng bị thương tích gì nặng nề ngoài vài vết trầy trụa tóe máu đã được bột penicillin khoai mì làm khô và khử trùng luôn thể.

                       

*

Đêm nay trên đất Mỹ, tôi viết ra cho bạn đọc thì dài, nhưng sự việc xảy ra nhanh như ánh chớp. Tôi chỉ biết là mình bẻ lái qua lại nhiều lần trong tiếng rít của bánh xe nghe ghê rợn, và cảm giác nghiêng ngả qua lại nhiều lần, xoay tròn, rồi lâng lâng bay bổng cho đến khi nghe tiếng loạt xoạt của cây cỏ cọ xát bên ngoài xe. Chiếc xe dừng hẳn và xung quanh một sự yên lặng cũng rợn người.

Mở mắt ra, thấy bụi mờ mịt lẫn trong ánh sáng của cặp đèn pha không đủ làm cho không gian quanh mình sáng lên, và nỗi sung sướng tột cùng khi biết mình còn sống, tôi muốn la thật to “Trời ơi, tôi còn sống! Tôi còn sống!”

Tôi định thần lại và mở cửa để chui ra khỏi xe, cửa mở hé một chút nhưng không sao mở được để chui ra. Nhìn kỹ thấy cánh cửa bên tài xế bị một thân cây Palo Verde chặn lại. May mắn thay chiếc xe lao xuống vực sâu (khoảng 2 mét), trượt đi một đoạn dài và chạm nhẹ vào thân cây rồi đứng lại. Tôi với tay qua ghế hành khách để tháo dây an toàn đang giữ chặt cái ba lô của tôi, đoạn tôi bò ra phía cửa bên đó để thoát ra ngoài xe.


Đứng bên ngoài nhìn lại chiếc Corolla và định hướng để biết chắc một lần nữa coi mình đang ở đâu? Thiên đàng hay địa ngục? Tôi mới hay rằng chiếc xe của mình sau khi  từ trên đường đồi đã xoay trong khoảng không 180 độ và đáp xuống một lớp thảm dày toàn những bụi cây con cao khoảng 8 tấc và nhờ lớp thảm cây dày đó mà tôi còn sống.

Đèn xe vẫn còn sáng nhưng động cơ đẵ tắt từ lúc nào tôi không hay, nhưng tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để chụp một tấm hình chiếc xe bằng cái phone của mình để sau này làm bằng chứng với bảo hiểm xe. Tự nhiên tôi có cảm giác chênh vênh và chơi vơi, mặt đất như lắc lư chao đảo, đứng không vững và té ngồi xuống đất. “Thôi chết rồi, chắc mình bị thương nặng!”. Nghĩ thế, tôi bật đèn bằng phone lên và rà soát khắp thân thể coi có bị thương ở chỗ nào không. Tuyệt nhiên không có một vết trầy hay bị chảy máu.

Chợt một tiếng ai đó la lên rất to “Are you OK sir?” (Ông có sao không?). Nhìn lên tôi thấy một người Mỹ trạc 40 đang dọ dẫm tìm đường xuống hố, tôi trả lời liền “I am OK, I am fine” (Tôi ổn, tôi không sao cả). Tôi thử đứng dậy, và thấy mình đứng lên nhẹ nhàng, rồi leo lên khỏi hố không khó khăn gì.

Đứng trên vệ đường lộ rồi, tôi nhờ anh ta gọi dùm cảnh sát vì tôi không còn đủ mạch lạc để trình bày gì được với họ bởi niềm vui sống sót trộn lẫn cảm giác kinh hoàng vừa trải qua,và vì một cảm giác lạ lùng mà tôi chưa từng trải qua lần nào trong cuộc đời: Tự nhiên đôi chân tôi run lên bần bật không thể nào kiểm soát nổi. Tôi hít một hơi thật dài trấn tĩnh lại hy vọng đôi chân sẽ hết run. Chẳng ăn nhằm gì! Càng lúc đôi chân càng run dữ dội, tôi dùng cả hai tay giữ chặt hai chân lại cho khỏi run.

Trong ánh sáng mờ mờ, người Samaritan (1) Mỹ kia hỏi tôi nhiều lần nữa “Are you Ok sir? You seem to be shaking?” (Ông ổn không? Hình như ông run lên thì phải?). “Thanks, I am fine, sir”. Tôi trả lời nhưng đôi chân vẫn cứ run.

Ông cho biết ông chạy đằng sau hơi xa nhưng đủ để thấy chiếc SUV đổi làn đường đột ngột mà không đánh đèn. Ông chứng kiến toàn bộ sự việc xảy ra và ông cũng phẫn nộ khi thấy chiếc SUV tăng tốc và bỏ chạy không thèm dừng lại. Ông nói sẽ sẵn sàng làm chứng khi cảnh sát đến. Ông đến gần dùng đèn của cái phone và quan sát tôi thật kỹ coi có bị gì không?

Nhìn đồng hồ lúc đó mới 7:45 tối.

Từ xa đèn chớp của ít nhất là hai xe cảnh sát đang chạy về phía tôi với tốc độ thật nhanh. Riêng tôi, thật sự không biết mình buồn, vui, hay lo lắng; chỉ biết việc mình còn sống là một hồng ân và là một phép lạ. Sự sống và cái chết của con người có thể hoán đổi nhau trong một tích tắc của thời gian và khi nó đến, sẽ không bao giờ gõ cửa. Lúc đó tôi chợt thấy cuộc sống của mình thật mong manh, dễ vỡ biết bao.

 Một lúc sau, hai xe cảnh sát tắp vào lề, theo sau là một chiếc xe cứu thương. Người nhân viên đến hỏi tôi vài câu để coi tôi có ý thức được việc gì đang xảy ra không, coi hồn tôi đã trở về lại thân xác chưa.

-What’s your name, sir? (Tên ông là gì?)

-What date is today? (Hôm nay ngày nào?)

-Where are you heading to? (Ông đang lái xe đi đâu?)

-How are you feeling now? (Bây giờ ông cảm thấy như thế nào?)

Tôi trả lời trôi chảy và nói tôi không sao cả chỉ hơi choáng váng một chút, nhưng đôi chân thì run đến mức không dừng được và không kiểm soát nổi. Anh ta cười trấn an.

“It’s OK, don’t worry. It’s your adrenaline running in your blood. It’s absolutely normal for a person going thru a frightening, or a near-death situation. My job, I’ve seen so many cases like yours”. (Đừng lo, không sao cả. Đó là Adrenaline (2) đang chạy trong máu của ông. Tuyệt đối bình thường cho một người vừa trải qua một chuyện sợ hải kinh khủng hay một chuyện cận tử như ông. Trong nghề, tôi chứng kiến rất nhiều chuyện như vầy.)

Anh ta đo huyết áp, rọi đèn vào mắt và khám tổng quát coi tôi có bị thương tích gì không rồi quay qua phía cảnh sát ra hiệu đã xong.

Một viên cảnh sát bước đến, rất tế nhị, ông mời tôi ngồi vào băng sau xe của ông và nhẹ nhàng trấn an tôi. Ông đưa tôi một chai nước rồi hỏi tôi diễn tả lại tai nạn vừa rồi. Ông cũng hỏi tôi có thể tả hình dạng, đời xe, và tài xế bên kia. Tôi nói chỉ nhớ là 1 chiếc Volvo SUV màu bạc nhưng không thấy mặt tài xế cũng như không thấy số xe, và sau khi tai nạn xảy ra, người đó bỏ chạy luôn. Sau này họ cho biết đó là một người đàn bà Á Đông và xe bà ta bị dừng lại bởi cảnh sát trong căn cứ Ft. Huachuca và họ đã làm biên bản với bà ta. Tôi đoán bà này chắc chắn là vợ của một người lính trong căn cứ, đã theo chồng về Mỹ khi anh ta mãn hạn phục vụ nơi xứ sở của bà.

Tôi vốn không có thành kiến về đàn bà lái xe, nhất là đàn bà Á Đông hay đàn bà An Nam phe ta, nhưng người Mỹ thì có những chuyện hài hước về phụ nữ lái xe, mà nếu người đó đến từ Châu á, thì họ lại càng phải “nâng cao cảnh sát, ý lộn, nâng cao cảnh giác” nhiều hơn. Xin các bà đừng đem tôi ra pháp trường xử trảm vì tội “khi quân” nhé. Nói có sách mách có chứng với miếng sticker mà dân Mỹ hay dán vào xe (coi hình phía).

 Nói gì thì nói, tôi mừng vì tôi vẫn còn sống để còn trở về gặp mặt bu nó thân yêu và các con. Mọi việc đều có hãng bảo hiểm lo. Chắc mọi người còn thắc mắc muốn hỏi rồi kết cuộc ra sao? Xin thưa hãng bảo hiểm cho hay họ muốn tôi đem chiếc xe vào shop để sửa chữa các vết trầy trụa và sơn lại chút ít rồi đánh bóng, vì sau tai nạn, chiếc xe được xe kéo lên khỏi hố và tôi mở cửa bước vào đường hoàng lái về nhà. Họ nói thêm bảo hiểm ai nấy lo, bên này không đền cho bên kia và ngược lại, và cũng không ai lỗi trong vụ này. Nếu ông muốn kiện thưa gì bên kia thì liên lạc với chúng tôi, nhưng hy vọng thắng rất là mong manh.

Thưa độc giả lái xe ở Mỹ là một đặc ân (privilege) chứ không phải là một quyền (right) như những quyền tự do khác, mọi người nên có bảo hiểm khi lái xe để có gì xảy ra thì mình không bị thiệt thòi.

Nguyễn Văn Tới

 

Chú thích:

 

1. Theo tự điển Cambridge, nghĩa của chữ Samaritan là người giúp đỡ. Kinh thánh, Luke 10:33.

https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/samaritan

2. Đây là 1 trong những giải thích của chữ “adrenaline”: https://www.livestrong.com/article/203790-what-happens-during-an-adrenaline-rush/

Ý kiến bạn đọc
31/01/201817:14:59
Khách
Chiếc xe giúp trong việc di chuyển hàng ngày, tuy nhiên, nó cũng có thể mang lại những tai hoạ lớn, nhỏ. Và ngay cả lái xe cẩn thận vẫn có thể bị tai nạn do những kẻ lái xe bạt mạng, say rượu...gây ra.

Ngày nào còn có được một chiếc xe và có thể lái nó , hãy cảm thấy sung sướng. Mai đây khi không còn những cơ hội này nữa hoặc phải lệ thuộc người khác khi muốn đi đây đi đó, thì cuộc đời sẽ rất ư là buồn bã .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,208,361
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, là bài mới của tác giả nhân mùa lễ Tạ Ơn.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Tựa đề bài viết được đặt lại theo nội dung.
Đón Lễ Tạ Ơn, mời đọc chuyện về gia đình một thuyền nhân Việt từ Paradise, thị trấn vừa bị thiêu rụi vì nạn cháy rừng. Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Thứ Năm 22-11 sắp tới là Ngày Lễ Tạ Ơn, mời đọc bài viết của Chu Kim Longh. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch HổHuế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Bài viết mới nhất của ông viết về tình nghĩa gia tộc, họ hàng nam bắc thời hậu chiến sau 1975, và trong ngoài nước hiện nay.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến