Hôm nay,  

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ Xử Án

04/01/201700:00:00(Xem: 10062)

Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc
Bài số 5010-18-30710-vb3010317

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài viết và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số vừa thành sách "Xin Em Tấm Hình". Tựa đề bài viết được tác giả chọn là “Bạn thử làm Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ xử một vụ án.”

* * *

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có chín Thẩm phán, một con số lẻ để bảo đảm một vụ án sẽ có phán xét thắng thua, không thể nào huề. Hiện giờ có 4 Thẩm phán khuynh tả do Tổng Thống Đảng Dân Chủ chỉ định (trong hai nhiệm kỳ tám năm, Obama chỉ định hai Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, cả hai đều là khuynh tả: Sonia Sotomayor và Elena Kagan), 3 Thẩm phán khuynh hữu do Tổng Thống Đảng Cộng Hòa đề cử, 1 người lập trường dung hòa, Anthony Kennedy, xưa do Tổng Thống Reagan của đảng Cộng Hòa chỉ định. Tổng cộng hiện thời chỉ có 8 Thẩm phán vì Thẩm phán khuynh hữu Antonin Scalia mới mất tháng Ba năm nay. Sang năm, tân Tổng Thống Donald Trump sẽ có dịp đề cử một người khuynh hữu khác thay thế cho đủ 9 người.

Trong bài viết này, tôi ghi lại bẩy vụ án đã được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phân xử với kết quả suýt soát 5/4 (năm trên bốn người). Xin mời bạn đọc và quyết định để xem ý kiến của bạn nằm trong đa số hay thiểu số.

Trước khi đọc các án kiện, tôi muốn giải thích sơ qua về hệ thống tòa án Liên Bang Hoa Kỳ.

Hệ thống Tòa Tòa Án Liên Bang có ba cấp bậc:

1. Thấp nhất: U.S. District Court (Tòa Sơ Thẩm Cấp Vùng), 94 vùng. Có khoảng chừng 700 Thẩm phán District Court, lương $199,100 dollars/ một năm.

2. Kháng Án: U.S. Circuit Court (U.S. Courts of Appeals) (Tòa Kháng Án Phúc Thẩm), 13 khu vực, mỗi lần ra tòa có ba Thẩm phán xử. Tổng số Thẩm phán là 179 người, lương $211,200 dollars/ một năm.

3. Cao nhất: U.S. Supreme Court (Tòa Tối Cao Pháp Viện), 9 Thẩm phán, lương $244,400 dollars / một năm.

Một người muốn thưa kiện liên hệ với Liên Bang thì theo thứ tự 1, 2, 3 trên: Bắt đầu ở Tòa Sơ Thẩm - District Court. Không thích quyết định ở District Court thì kháng án lên Tòa Phúc Thẩm - Circuit Court of Appeal. Không thích nữa thì kháng án lên Tối Cao Pháp Viện - Supreme Court, là cuối cùng, không ai cãi lại được nữa.

Mỗi năm có khoảng 7000 vụ thưa kiện đệ trình lên Tối Cao Pháp Viện giải quyết, nhưng Tối Cao Pháp Viện đồng ý nghe xử rất ít, khoảng 80 án kiện.

Khi dân chúng chọn Tổng Thống đảng Dân Chủ (Democratic Party) hay Cộng Hòa (Republican Party), rất ít người biết sự lợi hại liên hệ đến ngành Tư Pháp khi Tổng Thống của một Đảng lên cầm quyền: Tổng Thống có quyền chỉ định người của đảng mình nắm giữ chức vụ Thẩm phán Liên Bang, nhiệm kỳ vĩnh viễn. Trung bình trong một nhiệm kỳ bốn năm, một Tổng Thống chỉ định khoảng 240 Thẩm phán.

Tôi cho một thí dụ bịa đặt vụ án sau đây để cho thấy là việc bầu cho Tổng Thống đảng của mình rất quan trọng:

Sau bao nhiêu năm sống chung với nhau khắng khít, hai vợ chồng ly dị. Khi ra Tòa, Thẩm phán khuynh hữu đa số xử tội mấy ông chồng chúng ta 100% dám bỏ vợ con. Tòa xử tất cả tài sản, con cái.., cho vợ lãnh hết; chồng chỉ còn được cái quần xà-loỏn.

Trái lại, nếu có nhiều Thẩm phán khuynh tả, họ thông cảm cho nỗi đau đớn của chồng, xử chia gia tài 1/5 cho vợ, 4/5 cho chồng vì chồng cần tiền để lấy thêm hai, ba bồ nhí.

Trong thí dụ này, các bạn thấy là việc chọn Tổng Thống cùng Đảng, có cùng quan điểm với mình rất quan trọng. Các ông chồng chúng ta phải chọn Tổng Thống theo phe Tả để Thẩm phán sẽ là người xử lợi cho mình.

Trong bẩy vụ án dưới đây, ở cuối mỗi án kiện tôi liệt kê quyết định của Tối Cao Pháp Viện. Tôi chú thích chữ L (Left, Tả, Democrat), và R (Right, Hữu, Republican) kế bên tên của mỗi Thẩm phán để cho thấy phe nào phán quyết ra sao. So sánh quyết định của mình với quyết định của các Thẩm phán trong bẩy án kiện này, bạn sẽ có khái niệm phe Dân Chủ hay Cộng Hòa có cùng quan điểm với bạn.

Và đây, xin mời bạn thử quyết định đúng sai:

1. ÁN KIỆN 1:

Grutter thưa University Michigan Law School

Tranh luận trước tòa:

01-Apr-2003

Quyết định: 23-Jun -2003

Năm 1977, cô Barbara Grutter, một thường trú dân của tiểu bang Michigan, nộp đơn xin vào Đại Học Luật Khoa Michigan. Điểm học GPA của cô là 3.8, và điểm thi LSAT là 161. Cô bị nhà trường khước từ nên nộp đơn thưa, cho rằng trường Đại Học Michigan kỳ thị chủng tộc da trắng: sinh viên da mầu, da đen, điểm thấp hơn cô được chọn, trong khi mặc dù điểm cao hơn, cô bị khước từ. Nhà trường xâm phạm Đạo Luật Bổ Túc Thứ 14, bảo vệ quyền bình đẳng cho tất cả mọi người.

Tranh cãi ở Tòa District Court, Trường Đại học Michigan thú nhận là họ dùng mầu da của thí sinh là một trong tiêu chuẩn để chọn sinh viên. Nhưng tiêu chỉ trường của họ là muốn có một trường Đại Học đa dạng, sinh viên đến từ đủ loại tầng lớp mầu da, nên mặc dù điểm thi học là một trong những tiêu chuẩn dùng để tuyển sinh viên nhập học, nó không phải là mỗi một tiêu chuẩn duy nhất. Mầu da và gốc gác của thí sinh cũng là một tiêu chuẩn, và vì ít có thí sinh người da mầu nên trường thiên vị thí sinh người da mầu, tuyển vào nhập học nhiều hơn là da trắng. Họ đưa ra thống kê cho thấy là nhờ đặt ra chính sách tuyển sinh viên như thế mà cơ hội của một sinh viên da màu có thể được nhận vào trường gia tăng từ 10% lên đến 35%.

Tòa District Court không đồng ý. Đại học Michigan kháng án.

Tòa Kháng Án xử Tòa District Court sai, chính sách tuyển sinh viên thiên vị người da mầu của Đại Học Michigan là đúng.

Grutter kháng án lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

QUYẾT ĐỊNH:

Với quyết định 5-4, Tối Cao Pháp Viện xử Tòa Kháng Án đúng, trường Đại Học Luật Michigan không chọn Grutter, da trắng, không có gì sai vì mầu da chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn để tuyển chọn sinh viên. Nhà trường cân nhắc kỹ lưỡng nhiều tiêu chuẩn chứ không phải vừa thấy đơn của một sinh viên da trắng là từ chối ngay, nên mục tiêu của trường muốn thành đa dạng, mở cửa, khuyến khích cho sinh viên tất cả mầu da là có lý.

Đa số (5): Breyer (L), Souter (L), Ginsburg(L), Stevens (L), O'Connor (R)

Thiểu số (4): Rehnquist (R), Scalia (R), Thomas (R), Kennedy (I)

2. ÁN KIỆN 2:

Rodney Gant thưa Tiểu Bang Arizona

Tranh luận trước tòa:

07-Oct-2008

Quyết định: 21-April-2009

Phát hiện được Rodney Gant lái xe với một lệnh truy nã bắt giam về tội lái xe với bằng lái đã bị treo, cảnh sát còng Gant khi anh ta vừa đậu xe, mở cửa định bước đến nhà một người bạn. Sau khi áp tải Gant ngồi vào xe Cảnh sát, Cảnh sát lục lọi xe của Gant và tìm được một khẩu súng và một gói ma túy. Cảnh sát truy tố Gant thêm tội oa trữ súng bất hợp pháp và dấu vật liệu ma túy với mục đích buôn bán.

Khi ra tòa, luật sư của Gant yêu cầu Tòa bãi bỏ tội oa trữ súng và ma túy vì cảnh sát đã thu thập tang chứng không có trát tòa, xâm phạm Đạo Luật Bổ Túc Thứ Tư cấm khám xét và tịch thu quá đáng. Tòa không đồng ý, cho rằng việc khám xét là hậu quả trực tiếp của sự bắt giam Gant đúng luật, và do đó kết tội Gant.

Tòa Kháng Án Arizona đổi ngược, cho Gant trắng án, nói là việc khám xét xe không đúng Hiến Pháp. Tối Cao Pháp Viện Tiểu bang Arizona đồng ý, nói là Gant tình nguyện đi ra khỏi xe mình theo lời cảnh sát yêu cầu. Gant không chống cảnh sát, không gây nguy hại an ninh cho cảnh sát nên cảnh sát không có cớ gì khám xe Gant.

Tổng Chưởng Lý (Attorney General ) Arizona không đồng ý, kháng án lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

QUYẾT ĐỊNH:

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đồng ý với Tối Cao Pháp Viện Arizona, xử cảnh sát không được xét xe Gant: Cảnh sát chỉ có quyền xét xe nếu khi bị chận lại, Gant có vẻ hành động nghi ngờ giấu gì trong xe; hay cảnh sát muốn tìm tang chứng liên quan đến việc bắt nghi phạm (Thí dụ cảnh sát chận xe một người nào vì vừa mới bán ma túy cho người khác thì cảnh sát có lý do chính đáng để xét xe xem có oa trữ ma túy hay không)

Đa số (5): Stevens (L), Souter (L), Ginsburg(L), Scalia (R), Thomas (R)

Thiểu số (4): Alito (R), Roberts (R), Kennedy (I), Breyer (L)

3. ÁN KIỆN 3:

Y tá Laura Symczyk thưa Tập Đoàn Y Tế Genesis

Tranh luận trước tòa:

03-Dec-2012

Quyết định: 16-April-2013

Đạo Luật Lao Động Đối xử Nhân viên Công Bằng năm 1938 The Fair Labor Standards Act of 1938 (FLSA) ấn định rõ ràng nhân viên có quyền được trả 40 giờ trong một tuần làm việc. Cô y tá Laura Symczyk làm việc cho Tập Đoàn Y Tế Genesis, tố cáo là chủ thường xuyên trừ 30 phút tính là giờ ăn, không trả tiền nhân viên dù cho nhân viên có nghỉ 30 phút để ăn trưa hay không.

Theo Luật FLSA, nhân viên không những có thể thưa trên phương diện cá nhân, mà cũng có thể thưa trên phương diện tập thể "collective action".

Symczyk chọn phương diện tập thể, thưa Genesis. Genesis sau đó đồng ý trả cô $7,500 tiền lương không trả bị trừ kể là giờ ăn, cộng với tiền luật sư, cộng với tất cả phí tổn thưa kiện khác ảnh hưởng đến cá nhân mà cô yêu cầu trong đơn kiện.

Thế nhưng Symczyk yên lặng không trả lời đồng ý với đề nghị đền của Genesis. Vì thế Genesis xin Tòa bãi nại đơn thưa của Symczyk, viện lẽ vì không tỏ ra ý kiến nhất định có đồng ý với số tiền đền hay không, Symczyk không còn ý muốn thưa kiện nữa.

Symczyk nói rằng sở dĩ cô ta im lặng vì Symczyk không đồng ý với chiến lược "tách rời" của Genesis. Genesis chỉ trả riêng cho cô vì không muốn đền cho tập thể.

Tòa District Court xử vì không có một ai khác nhẩy vào với Symczyk cùng thưa Genesis trên phương diện tập thể, và vì Genesis đã đồng ý đền tất cả chi phí cá nhân do Symczyk yêu cầu mà cô lại không trả lời, thành ra lỗi tại Symczyk. Tòa bãi nại vụ án.

Symczyk kháng án. Tòa Kháng Án xử đơn thưa cá nhân của cô không còn hiệu lực, nhưng cô vẫn có thể tiếp tục thưa Genesis trên phương diện tập thể, collective action.

Symczyk tiếp tục kháng án lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

QUYẾT ĐỊNH:

Trong quyết định 5-4, Tối Cao Pháp Viện xử Symczyk không có quyền thưa trên phương diện tập thể vì đơn thưa cá nhân của cô đã được Genesis đền bù xứng đáng, và vì không có một ai khác tham dự với Symczyk thưa Genesis trên phương diện tập thể (Tòa Kháng Án dưới đã xử cô không được thưa cá nhân vì Genesis đền mà cô không trả lời, thành ra xem như Symczyk thua hoàn toàn).

Đa số (5): Thomas (R), Roberts (R), Alito (R), Scalia (R), Kennedy (I)

Thiểu số (4): Sotomayor (L), Ginsburg(L), Kagan (L), Breyer (L)

4. ÁN KIỆN 4:

Gabriel McNeely thưa Tiểu Bang Missouri

Tranh luận trước tòa:

09-Jan-2013

Quyết định: 17-April-2013

Khoảng 2:08 AM đêm ngày 3-Oct-2010, Tyler McNeely bị cảnh sát lưu thông chận lại sau khi cảnh sát thấy anh ta chạy quá tốc độ và chạy qua lằn kẻ giữa đường. Cảnh sát quan sát thấy McNeely có dấu hiệu của người say rượu: mắt đỏ ngầu, nói lắp, và có mùi rượu trong hơi thở nên hỏi McNeely làm những test cử động tay chân đơn giản xem rượu có ảnh hưởng đến động tác hay không, McNeely làm không được.

Cảnh sát bước sang giai đoạn thứ hai, yêu cầu McNeely thổi vào máy đo độ rượu trong hơi thở. McNeely từ chối, nói rằng nếu bị giải về bót anh cũng sẽ không chịu thổi vào máy đo để xem độ rượu trong máu là bao nhiêu.

Thay vì giải McNeely về bót, Cảnh sát chở anh ta đến nhà thương để lấy máu. Cảnh sát không xin trát tòa để lấy máu. Thay vào đó, hỏi thẳng McNeely có bằng lòng hay không; nếu không bằng lòng thì bằng lái xe sẽ bị treo một năm. McNeely vẫn tiếp tục không chịu thổi vào máy đo nên vào lúc 2:35 AM, Cảnh sát ra lệnh cho nhà thương lấy máu McNeely. Kết quả cho thấy là máu của McNeely có độ BAC 0.154%, cao gần gấp đôi độ giới hạn say rượu của tiểu bang là 0.08 %.

McNeely bị cảnh sát kết tội say rượu. Khi ra tòa, luật sư của McNeely cãi là không thể dùng kết quả rượu trong máu của McNeely là tang chứng vì máu của McNeely bị bắt buộc lấy không hợp lý, xâm phạm quyền công dân được Hiến Pháp bảo vệ (nếu không được trình Tòa xem tang chứng máu McNeely có rượu thì McNeely sẽ được tha bổng vì không có bằng chứng y tế là McNeely say).

Tòa dưới đồng ý với luật sư của McNeely là lấy máu của một người không có trát tòa là xâm phạm Đạo Luật Bổ Túc Thứ Tư bảo vệ quyền công dân không bị khám xét và bị tịch thu làm tang chứng một cách vô lý.

Tiểu bang Missouri (đại diện Cảnh sát) chống án lên tòa trên, nói rằng cảnh sát lấy máu không đợi trát tòa vì không có thời gian. Nếu đợi trát tòa thì can phạm sẽ giã rượu, thử máu sẽ không còn thấy chất rượu nằm trong máu.

Tối Cao Pháp Viện Tiểu Bang Missouri đồng ý với Tòa đầu tiên. Cảnh sát kháng án lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

QUYẾT ĐỊNH:

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ trong quyết định 5-4 đồng ý với Tối Cao Pháp Viện Tiểu Bang Missouri là hành động lấy máu không có sự đồng ý của người bị lấy máu là trái Hiến Pháp, ngược với Đạo Luật Bổ Túc Thứ Tư bảo vệ một người bị khám xét và tịch thu quá đáng.

Trường hợp của McNeely chỉ là một trường hợp thông thường của tài xế bị nghi lái xe trong lúc say rượu, không có gì khẩn cấp nguy hiểm chết người xẩy ra nên không có gì vội vã phải lấy máu liền mà không đợi trát tòa cho phép.

Do đó, trong trường hợp này, cảnh sát phải xin trát tòa trước khi lấy máu McNeely.

Đa số (5): Sotomayor (L), Ginsburg(L), Kagan (L), Scalia (R), Kennedy (I)

Thiểu số (4): Thomas (R), Roberts (R), Alito (R), Breyer (L)

5. ÁN KIỆN 5:

Bà Windsor thưa chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ

Tranh luận trước tòa:

27-Mar-2013

Quyết định: 26-June-2013

Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân Defense of Marriage Act (DOMA) ban hành năm 1996, để xác định rõ ràng cho luật Liên Bang, định nghĩa "hôn nhân" và "vợ, chồng" là sự kết hợp hợp pháp giữa hai người khác phái, đàn ông và đàn bà. Từ đó trở đi, nhiều tiểu bang cho phép hôn nhân giữa hai người đồng tính.

Bà Thea Clara Spyer, mất năm 2009, để lại tài sản cho "vợ" mình là bà Edith Windsor. Hai người cưới nhau năm 2007 ở Toronto, Canada, và hôn nhân này được Tiểu Bang New York công nhận. Vì Liên Bang không công nhận hôn nhân giữa hai người cùng phái, bà Edith Windsor bị đánh thuế $363,000 dollars trên căn nhà bà Spyer chết để lại cho bà Windsor. Nếu hôn nhân giữa hai người khác phái thì gia sản thừa kế này đã được miễn đánh thuế.

Vào ngày 9-Nov-2010, bà Windsor thưa chính phủ Liên Bang ở Tòa Sơ Thẩm - District Court đòi lại tiền đóng thuế căn nhà thừa kế, nói là Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân Defense of Marriage Act (DOMA) xâm phạm Hiến Pháp vì cùng một vấn đề hôn nhân mà chính phủ kỳ thị hôn nhân giữa hai người cùng phái.

Ngày 23-Feb-2011, Tổng Thống Obama tuyên bố sẽ không bảo vệ DOMA

Ngày 18-Apr-2011 Cơ quan cố vấn luật pháp cho Quốc Hội Bipartisan Legal Advisory Group (BLAG) tuyên bố sẽ bảo vệ DOMA, yêu cầu Tòa bãi nại án kiện này.

Tòa District Court không bãi nại, đồng ý với bà Windsor, xử đạo luật DOMA trái Hiến Pháp. BLAG kháng án.

Tòa Kháng Án với quyết định 2-1 đồng ý với tòa dưới.

BLAG kháng án lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

QUYẾT ĐỊNH:

Tháng Ba 2013 Tối Cao Pháp Viện nghe hai bên tranh cãi, và 26-June-2013, Tối Cao Pháp Viện công bố quyết định 5-4 đồng ý với Tòa Kháng Án: Phần thứ 3 của DOM trái Hiến Pháp, cướp lấy quyền tự do của một công dân mà Đạo Luật Thứ Năm bảo vệ.

Đa số (5): Sotomayor (L), Ginsburg(L), Kagan (L), Breyer (L), Kennedy (I)

Thiểu số (4): Thomas (R), Roberts (R), Alito (R), Scalia (R)

6. ÁN KIỆN 6:

Patel thưa Thành phố Los Angeles

Tranh luận trước tòa: 03-Mar-2015

Quyết định: 22-June-2015

Luật của Thành phố Los Angeles bắt buộc các khách sạn phải giữ information của khách đến trú ngụ, tên, tuổi, xe loại gì, ngày đến ở, phòng số mấy, trả tiền bằng tiền mặt hay credit card....Khách sạn phải giữ information này trong 90 ngày, nếu cảnh sát hỏi - bất cứ lúc nào - mà không có thì sẽ có hình phạt đối xử. Năm 2003, Naranjibhai and Ramilaben Patel cùng một số khách sạn thưa thành phố Los Angeles, tố cáo hình luật này trái Đạo Luật Bổ Túc Thứ Tư của Hiến Pháp.

Khi ra tòa, thành phố Los Angeles biện luận là kỹ nghệ khách sạn cần phải giám sát chặt chẽ, do đó cần phải cung ứng information cho cảnh sát mà không cần trát tòa. Thẩm Phán Fischer tuyên bố không có chứng cớ gì cho thấy cảnh sát giám sát chặt chẽ khách sạn, thế nhưng kỹ nghệ khách sạn cũng không có tin tức cá nhân gì cần phải giấu diếm, do đó luật lệ của thành phố Los Angeles đòi hỏi khách sạn không có gì sai.

Patel kháng án. Thua. Lại kháng án. Thắng. Và đến phiên Thành phố Los Angeles kháng án lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

QUYẾT ĐỊNH:

Năm Thẩm phán đồng ý luật của thành phố Los Angeles đòi hỏi khách sạn quá vô lý. Thẩm phán Sotomayor tuyên bố một người chủ khách sạn có quyền ra trước Tòa chống đối luật thành phố Los Angeles khám xét khách sạn, và luật pháp đặt ra là để bảo vệ khách sạn chứ không phải quấy nhiễu họ. Nếu luật pháp bắt buộc cảnh sát phải xin trát tòa trước khi đến khám xét và đòi hỏi information từ khách sạn thì sẽ ngăn chận cảnh sát có thể dùng quyền lực để quấy nhiễu khách sạn.

Bốn Thẩm phán kia bất đồng, viện lẽ cảnh sát cần đối phó nhanh chóng với những tội phạm có thể xẩy ra nơi khách sạn, chờ lấy trát tòa đôi lúc mất thời gian vô giá.

Đa số (5): Sotomayor (L), Ginsburg(L), Kagan (L), Breyer (L), Kennedy (I)

Thiểu số (4): Thomas (R), Roberts (R), Alito (R), Scalia (R)

7. ÁN KIỆN 7:

Bush chống Gore

Tranh luận trước tòa:

11-Dec-2000

Quyết định: 12-Dec-2000

Cuộc tranh cử Tổng Thống năm 2000 là một phim Hitchcock hồi hộp ngẹt thở lúc cuối phim. 12 giờ đêm ngày bầu cử sau khi đếm phiếu cả quốc gia, Al Gore có phiếu dân cử popular votes nhiều hơn Bush gần nửa triệu phiếu. Thế nhưng phần cử tri đoàn electoral votes, cần 270 phiếu để quyết định ai là Tổng Thống, Al Gore chỉ có 266 votes, Bush Con có 246 votes.

Tiểu bang Florida là nơi duy nhất chưa có kết quả chính thức. Nhiều đài truyền hình liên tiếp tuyên bố dự đoán kết quả sai. Gore thắng. Không, Bush thắng. Không, Gore thắng. Và cuối cùng tất cả đài truyền hình rút lại dự đoán vì không biết ai sẽ có popular votes nhiều hơn. Với 25 electoral votes, người nào thắng Florida sẽ thắng chức Tổng Thống vì sẽ đạt quá con số đòi hỏi 270: Gore 266 + 25 = 291, Bush 246 +25 = 271.

Buổi sáng sau ngày bầu cử, sự chênh lệch giữa hai ứng cử viên chỉ là Bush hơn 1800 phiếu.

Vì số chênh lệch quá suýt xoa, luật của Florida quy định tiểu bang phải đếm phiếu lại một lần nữa, bằng máy. Và lần này số chênh lệch lại càng nhỏ tí teo hơn: 327 phiếu trong số gần sáu triệu phiếu bầu.

Số chênh lệch này cực kỳ nhỏ nên luật Florida cho phép Gore chỉ định những County nào Gore muốn đếm phiếu lại, và lần này thì đếm bằng tay, không phải bằng máy. Gore chọn bốn County người ta than phiền nhiều nhất về máy trục trặc khi bầu: Broward, Miami-Dale, Volusia, và Palm Beach.

Oái oăm ở đây là luật Florida bắt buộc Secretary of State Katherine Harris phải thị thực kết quả bẩu cử trong vòng bẩy ngày sau khi bỏ phiếu (trước ngày 14-Nov-2000). Cho dù là làm việc đầu tắt mặt tối với sự chứng giám của cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa, ba trong bốn County không hoàn thành nhiệm vụ đếm lại trước ngày ấn định.

Ngày 14-Nov-2000, Tòa Florida xử là Harris có quyền gia hạn ngày đếm phiếu. Harris công bố gia hạn đến 2 giờ trưa hôm sau. Ba County không đếm phiếu lại kịp gửi cho Harris trình bày lý do xin trì hoãn. Harris không chấp nhận lý do trì hoãn, nói sẽ công bố kết quả bầu cử vào Thứ Bẩy 18-Nov-2000. Ngày 17-Nov-2000, Tối Cao Pháp Viện Florida ra quyết nghị bắt buộc Harris phải đợi đến 26-Nov để ba County đếm xong phiếu.

County thứ Tư, Miami-Dale bây giờ lại ngưng đếm phiếu, viện lý do không thể nào đếm kịp trước ngày 26-Nov. Ngày 26-Nov, Harris tuyên bố kết quả cuộc bầu cử ở Florida: Bush thắng Gore, chỉ hơn 537 phiếu.

Gore thưa Harris, và sau khi Tòa xử thua, chống án lên Tối Cao Pháp Viện Florida. Ngày 8-Dec, Tối Cao Pháp Viện Florida xử là người ta phải mang ra đếm lại những phiếu máy đếm phiếu đã loại bỏ không đếm vì bất hợp pháp (phiếu không có đâm thủng lỗ).

Nguyễn Tài Ngọc

Ý kiến bạn đọc
08/01/201715:35:25
Khách
Còn cái vụ kiện Obamacare ! Ai khôngchịu mua bảo hiểm sức khoẻ thì phải bị
"ĐÓNG THUẾ", chớ không phải "BỊ PHẠT". Nội vụb ra Toà Án Tối Cao, Toà xử,
theo như luật sư bên chánh phủ, đại diện cho chánh quyền Obama, thì những
ai không chịu mua bảo hiểm sức khoẻ thì phải "ĐÓNG THUẾ" chớ không phải
"BỊ PHẠT". Kết quả, Toà Án Tối Cao phán xét, chánh quyền có quyền bắt buộc
người dân phải đóng thuế, và luật Obamacre đã thắng trong vụ nầy. Nhưng chưa
chấm dứt, Obamacare lại bị kiện tiếp tục, chánh quyền Obama không được phép
chi xài tiền thuế của dân để bù đấp cho các công ty bảo hiểm mà không có sự
chấp thuận của quốc hôi. Vụ nầy, sau 3 lần, Obama đều thua, nhưng Obama vẫn
tiếp tục dùng tiền thuế của dân, qua mặt quốc hội 3 năm nay mà đảng đa số Cộng
Hòa vẫn im lặng ! Bây giờ, ông Trump tuyên bố sẽ cắt số tiền nầy, Obamacare mà
không có tiền trợ cấp của chánh phủ, thì nó đương nhiên bị sụp đổ, nhưng vẫn
còn sống ngáp ngáp nếu không có luật nào khác để bãi bỏ Obamare !
08/01/201707:14:01
Khách
Ý kiến riêng của tôi so với đa số của Tối cao Pháp viện:
Án kiện 1: đồng ý với đa số của Tối cao Pháp viện
Án kiện 2: không đồng ý với đa số của Tối cao Pháp viện do Gant đang là tội phạm truy nã lại có súng, ma túy trong xe là thành phần nguy hiểm cho xã hội và người lương thiện.
Án kiện 3: đồng ý với đa số của Tối cao Pháp viện
Án kiện 4: không đồng ý với đa số của Tối cao Pháp viện do MaNeely chạy quá tốc độ và nhất là chạy qua lằn kẻ giữa đường, có dấu hiệu khá rõ là uống rượu lái xe, không làm được những test cử động tay chân... Tuy nhiên do mình không rành rẽ về luật pháp bằng các Thẩm phán nên có thể mình phân xử sai nhưng dù gì đi nữa thì MaNeely vẫn phải chịu các tội lái xe quá tốc độ và chạy qua lằn kẻ giữa đường, không hợp tác với cảnh sát khi họ đòi hỏi thổi hơi và máy thử nồng độ rượu lại còn nói sẽ không thổi nếu về đồn khiến police cũng nhức đầu.
Án kiện 5: đồng ý với đa số của Tối cao Pháp viện
Án kiện 6: khó đưa ra ý kiến vì thiếu thông tin ví dụ như tỷ lệ giữa số tội phạm lấy khách sạn làm nơi tạm trú/số khách hàng của các khách sạn in Los Angeles city và mình cũng không rành về luật lệ bằng các Thẩm phán.
Án kiện 7: tương tự Án kiện 6 khó đưa ra ý kiến vì thiếu thông tin. Ý riêng nếu đã là công dân Hoa Kỳ thì phải hiểu rõ luật lệ bầu cử, nếu điền sai yêu cầu là phiếu không hợp lệ thì không được tính. Nếu sai sót do máy đếm phiếu hư hỏng phải đếm lại bằng tay thì 2 ứng viên Tổng thống cùng với ngân sách Florida state phải bỏ thêm tiền từ quỹ ứng cử hay ngân sách bầu cử bang thuê gấp thêm người đếm bằng tay cho công bằng tại 4 counties đó theo 1 tỷ lệ $ tương đối mà 3 bên thương lượng.
07/01/201707:33:34
Khách
==ví dụ như hôn nhân cùng giới hai mái hai đực thì làm sao nhân loại còn kéo dài đến tương lai đây?=
Ngân hàng tinh trùng, thụ tinh ống nghiệm. Ngoài ra, đâu phải toàn thế giới đều là hôn nhân cùng giới ? Trái đất vẫn tồn tại. Nếu lúc nào cũng bảo thủ, thì giờ này chắc nhân loại vẫn còn đang xem ti vi trắng đen, hoặc xem hát bóng !
06/01/201700:02:54
Khách
Mấy năm trước tôi có đọc cuốn chuyện " The Appeal " của J. Grisham , rất thích thú nên tìm hiểu thêm và biết được sự quan trọng của hệ thống tư pháp và tòa án ở đây .
TT cuả đảng nào cử được nhiều quan tòa cho các tòa này coi như củng cố được những lý tưởng mà đảng họ tin vào .
Có những người không phải dân cử lên , nhưng được bổ nhiệm bởi TT như các thẩm phán ở các cấp tòa rất quan trọng . Họ sẽ giữ cán cân công lý cho xã hội , hoặc cấp tiến , hoặc thủ cựu , hoặc trung dung đều ảnh hưởng rất nhiều đến luân lý , nền tảng tự do cho các thế hệ sau này vì họ sẽ ngồi các ghế này cả đời , không ai có thể bãi nhiệm trừ khi họ muốn tự về hưu hay chết .
05/01/201718:30:13
Khách
Vu an' cua truong Luat Michigan la` dac biet vi` neu Ms Grutter la` nguoi da mau thi` da~ co' bieu tinh xuong duong phan doi vi` do' la` ky` thi. Nhung day la` nguoi da trang thi` la` ''dung' Luat ''roi.
04/01/201721:09:37
Khách
Chuyện rất lý thú, giúp tui hiểu thêm về toà án ở Hoa Kỳ. Bảo thủ hay cấp tiến cũng tuỳ trường hợp theo lương tâm cá nhân. Thế nên mới có những thẩm phán xé rào với đồng sự. Tui không ủng hộ cấp tiến vì có những giá trị thiết yếu phải giữ cho nhân loại, ví dụ như hôn nhân cùng giới hai mái hai đực thì làm sao nhân loại còn kéo dài đến tương lai đây?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,229
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa