Hôm nay,  

Đứa Con Của Sa Pa

06/11/201600:00:00(Xem: 13753)

Tác giả: Bùi Hồng Thúy Anh
Bài số 4959-18-30659-vb8110616

Tác giả vượt biên từ Rạch Giá đến Mã Lai, Pháp 1979, Mỹ 1987. Tốt Nghiệp Electrical Engineering 1990 tại University of Illinois at Urbana, Champaign, Illinois; Tốt Nghiệp Radiation Therapy 2015 tại University of Texas at MD Anderson, Houston, Texas. Sau đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ tư của cô.

* * *

blank
Một hình ảnh từ Sa Pa do tác giả gửi.

Anh đến Hà Nội sau chuyến bay dài từ Mỹ.

Già rồi ngồi máy bay mệt thật. Co chân lên cho máu đừng xuống chân để khỏi sưng thì đau hông. Ăn vào thì buồn nôn, mà không ăn thì bụng ọp ẹp. Mắt anh mờ đến nỗi không còn nhìn rõ được mặt cô tiếp viên hàng không xinh đẹp của hãng Eva. Cô tươi cười mời anh ăn sáng trước khi máy bay đáp xuống. Thằng công an khỉ hướng dẫn còn toa rập với anh xét hộ chiếu, ghé nhỏ vào tai anh xin thêm chút cháo kèm vào hộ chiếu. Anh không đắn đo gì nhiều vì chỉ muốn ra khỏi phi trường cho xong.

Bà chị họ vẫn chí tình sau 40 năm xa cách, đến tận phi trường Nội Bài để đón. Chị bây giờ đã tạo được tên tuổi cho mình, sẽ để lại chút di sản tinh thần và tiền bạc cho con cháu vì bây giờ chị là đạo diễn phim nổi tiếng trong nước, nhất là ở Hà Nội. Anh yêu bà chị họ này lắm, “đồng bệnh tương lân” mà. Cũng như mọi người cùng thời, chị và anh lớn lên trong loạn lạc, chiến tranh, đánh tư sản mại bản, kinh tế mới – tài không được trọng dụng, không được yêu và không được sống cho mình. Chị đã qua dang dở.

Chồng cũ, bố của con thì nghiện ngập. Sau khi chia tay, không được ở gần con, chị phải đi Nga để trau dồi thêm kiến thức, kiếm được hàng tá bằng cấp để giắt lưng, lòe thiên hạ, tiến thân trong lãnh vực nghệ thuật trong nước. Ngày đó, dẫu là chị có chắt chiu gửi tiền về Việt Nam nuôi con, trong khi bố đẻ của chúng, “miệng thì nói thương” nhưng đã bỏ đi và tiếp tục gieo giống khắp nơi; bây giờ, con vẫn không gần. Cháu thì có đứa yêu, đứa tránh cũng chẳng biết vì sao nữa. Dẫu là máu mủ, nhiều khi người ta chỉ nhận tiền nhưng không nhận tình. Mình không thể ép uổng chuyện tình cảm được thì hãy “để gió cho mây ngàn bay”. Cũng như anh, may mắn là qua được đến Mỹ, có đỗ đạt đó, nhưng cuộc sống của quá khứ đã tạo nên những mảnh bình vỡ. Mình có may mắn dán lại được mảnh vỡ thì vẫn còn những lỗ hở và mất mát – ảnh hưởng đến mình và có thể cả những thế hệ sau- nhưng làm sao được.

Anh lấy xe khách đi Sa Pa. Xe cũ ọp ẹp với đầy du khách ngoại quốc. Đường bụi cát đỏ ngày xưa đã được thay thế bằng đường nhựa. Cái anh chàng hướng dẫn viên cũng lẻo mép ghê. Thằng nhóc độ tuổi con mình cứ thanh minh thanh nga là có giữ chỗ tốt cho người Việt Nam duy nhất trong đoàn là anh, một người chưa từng quen biết nhưng mấy ông tây, bà đầm kia không chịu. Anh đã chờ hơn một tiếng trước cửa Nhà Hát Lớn, ngắm hơn mười xe buýt đưa đón con nít đi học, hoặc nhân viên đến sở.

Để giết giờ, anh đi mua miếng bánh “tiramitsu” ở “Highland coffee” chỉ bằng phân nửa về kích thước so với miếng bánh được trưng bày, nhưng giá cả trả tiền thì vẫn thế. Ly trà xanh đá bào có lẫn với thạch trà ngon ghê, giống như loại “frappucino” ở Mỹ, nhưng phải chờ cả mười lăm phút dẫu là chẳng có khách nào cả ngoài anh.

Khi anh lên được xe, thì chỉ còn một chỗ duy nhất ở cuối xe, nơi mà cái lò xo đàn hồi chống sốc của xe ít có hiệu lực. Tài xế ở Việt Nam phần đông không đi xe chậm lại trên những chỗ lồi lõm. Tim và lòng anh thắt lại theo nhịp xe đong đưa kẻo không thì “xón cả đái” (đã nói là già rồi mà). Đồ đạc, hành lý lâu lâu lại rơi ra trên đầu khách từ nóc xe không cửa đóng. Xe có dừng hai lần cho khách nghỉ trên đường đi Hà Nội-Sa pa. Vẫn là cầu tiêu ngồi chồm hổm với sô nước để rửa tay, đã khá lắm rồi so với ổ xí ngày xưa. Anh tránh nhìn lũ trẻ con dân tộc thiểu số. Có những bé 7, 8 gì đó còn địu cả em nhỏ 1, 2 tuổi, chân trần, lếch thếch, lem luốc. Anh không muốn khóc bây giờ vì anh biết sẽ khóc nhiều trong 2 tiếng nữa. Anh muốn khi phải khóc thì khóc đúng để mình được mạnh mẽ hơn sau đó.

Anh đến khách sạn. Xứ sở càng nghèo thì càng có nhiều nơi nghỉ mát sang trọng để thu hút du khách. Một cô gái Nga Sô có thể khoác trên người bộ cánh đắt giá bằng cả gia tài của mình để che dấu sự nghèo đói và để kiếm chồng khá. Khách sạn này sang thật, không thua gì khách sạn bốn sao ở Mỹ (không được năm sao vì nhỏ và không có phòng họp với đồ điện tử tối tân). Anh ăn lại món súp bí ngô, thịt nai rừng xào gừng xả, và cá suối nướng. Có thể là tươi và nấu cầu kỳ hơn ngày xưa đó, bụng đói nhưng anh không cảm thấy ngon.

Anh lại lấy xe máy đi đến thung lũng Mường Hoa. Bước xuống xe, đi vài bước, mắt vừa chạm vào mấy thửa ruộng bậc ngang thì anh bật khóc.

*

Năm 1975, anh 17 tuổi, đẹp trai, học giỏi và nhiều tài lẻ. Người ta cứ nghĩ là anh lai ngoại quốc với đôi mắt sáng và mi cong, da rạm nắng ửng hồng nhưng không đen sạm. Anh gẩy được dăm bài guitar hay như nhạc sĩ thực thụ, tay chân khéo léo, nhanh nhẹn luồn trái ping pong trong tay áo để làm nó biến mất trước mắt đám trẻ. Anh cao hơn bạn bè cùng lứa nên thẩy được bóng vào rổ dễ dàng hơn. Anh cũng có vài mối tình đầu giắt túi. Có cô Trưng Vương lớn hơn anh hai tuổi hẹn anh ra xa lộ, hoặc cô sinh viên luật khoa dẫn anh lên bãi đậu xe tầng ba không có ai.

Rồi giải phóng thay đổi đời anh. Bố đi học tập. Gia đình tản mác, phải trốn tránh riêng rẽ sau lần kiểm kê tài sản đẩy cả gia đình đi kinh tế mới. Anh định vượt biên bằng đường bộ qua Trung Quốc nên ẩn trong núi Hoàng Liên Sơn ở huyện Sa Pa. Anh không nhớ rõ lúc nào Leng và anh quen nhau. Leng là gái Hmông ở thung lũng Mường Hoa. Leng không đẹp lộng lẫy như những cô gái anh đã quen biết nhưng nàng có đôi mắt rất diễn đạt và dịu dàng. Nhìn vào đôi mắt nàng đen nháy dưới hàng mi rậm, người ta dễ bị cuốn hút rồi yêu thích sự trẻ trung và khỏe mạnh của người con gái tuổi mới trăng tròn.

Lúc đầu, trong khi anh cuốc đất trồng trọt trên vách núi thì Leng hay lảng vảng theo dõi, giả vờ dẫn trâu đi ngang và chào hỏi. Nàng đã lấy cỏ xếp thành hình ngựa to, nhỏ và tặng cho anh. Có con ngựa với hoa dại trên mõm, lại có con ngựa với cỏ mèo cong tít đằng đuôi. Anh cũng không nhớ lúc nào Leng đã nắm tay và ôm anh. Anh không phải là ngươi vô tâm và hờ hững với phụ nữ, nhưng thật sự là anh có rất nhiều chuyện để bận tâm và lo lắng lúc đó. Chiển tranh giữa Việt Nam và Cam Bốt vẫn còn tiếp diễn, nhiều bạn bè anh đã bị động quân. Anh sợ bị bắt vì anh có hộ khẩu giả. Anh không ngừng toan tính chuyện vượt biên nên phải để dành tiền và tìm mối. Chuyện không vào được đại học y khoa vì lý lịch xấu cũng làm anh buồn. Vả lại, Leng còn nhỏ quá nên anh đã gắng tránh tình cảm của cô.


Trong khi đó, Leng yêu anh rất đơn sơ, rất có thể “chỉ vì người đó là anh” của tuổi mười lăm mới lớn. Nàng lấy gạo và khô trâu của nhà, tìm đến cái chòi sơ sài của anh. Mẹ Leng mất sớm. Leng là con một. Nhiều khi bố đi rẫy cả mấy ngày mới về. Cứ hở ra được chút cơ hội là Leng tìm đến chỗ anh ở. Nàng đem cả đọt chuối và lục bình đến, xắt cho heo nhà nàng ăn, hoặc thêu thổ cẩm bên anh. Dần dần, Leng làm cho anh quen với sự hiện diện của nàng. Một hai ngày không thấy Leng anh cũng thấy trống vắng. Rồi đến ngày, anh đã không giữ được điều đã nhủ lòng. Anh đã hôn cô ấy. Anh đã tháo băng vải hẹp giữ miếng xà cạp quanh bắp chân Leng, miếng xà cạp mà gái ngoan Hmong phải đeo. Anh đã không kiềm chế được cái ham muốn của tuổi hai mươi.

Leng yêu anh lắm. Anh là tất cả của Leng nhưng tình anh đối với nàng thì không được như vậy. Anh vẫn muốn đi vượt biên và có một cuộc sống khác. Anh có cảm nhận rằng – Sa Pa đẹp lắm: nhũng thửa ruộng bậc thang cấu trúc một bức sơn mài khổng lồ, lúa chín vàng tháng chín óng ả trong nắng chiều bên cạnh lục bình tím ngắt; Sa Pa có sự hài hòa của trời đất gặp gỡ, mây đá quyện nhau, Leng và anh yêu nhau – nhưng Sa Pa cũng có sự chua chát, và phũ phàng của thực tế. Ở đây có nhiều chó đẹp lắm. thật ngoan, không sủa. Chủ cũng thương, quấn quít nhưng khi cần chó vẫn bị làm thịt. Ở đây lạnh, có tuyết đổ, không có bò mà chỉ có trâu. Bàn tay của chủ động viên, vỗ về cho trâu cày bừa cũng là bàn tay cầm búa tạ, bổ xuống giết trâu trước mùa đông để khỏi phải giữ trâu ấm áp.

Dân bản còn nghèo lắm, chỉ có đôi dép nhựa mỏng để đi, tuy là ở đây không ai đói. Chỉ cần sức để cuốc, trồng, chăn nuôi, săn bắn. Đất sẵn đó. Nước mưa tự nhiên, tuyết tan đổ xuống từ núi cao xuống những thửa ruộng bậc thang. Một hoặc hai vụ lúa, ngô một năm. Có thể trồng thêm chuối, đu đủ và đủ loại rau vùng ôn đới như súp lơ trắng, hoa lơ xanh, củ cải đỏ, và su su. Chó, trâu, dê, lợn, vịt, gà – bạn và món thịt của người – tự do đi lại, đùa giỡn. Cá hồi, cá tầm bằng cỡ ngón tay bắt từ suối. Dân bản tự làm vải vóc từ cây lanh, nhuộm từ cây chàm. Anh có yêu Sa Pa với sự hiện diện của Leng nhưng tình yêu của tuổi hai mươi không đủ để giữ chân chàng trai trẻ với nhiều hoài bão và sự khát khao được sống như một con người đúng như nghĩa của nó.

Anh đã say đắm ngắm Leng tắm suối Mường Hoa. Nàng đẹp lung linh dưới trăng như trong tranh vẽ của Paul Chabas. Nhiều khi anh cảm nhận như Leng là nhân vật của Liêu Trai Chí Dị chỉ đến được với anh khi có hai đứa thôi. Anh đang trốn tránh sự dòm ngó của mọi người và Leng còn nhỏ quá. Một đôi lúc, anh ước mình có thể dắt Leng đến khu chợ tình Sa Pa, nơi mà nam nữ thường giao duyên nhưng không thể được. Anh nghĩ tới sau này sẽ hẹn Leng ở chợ tình Khau Vai vậy, nơi mà khi hai người yêu nhau nhưng tình duyên trắc trở không lấy được nhau, sẽ được phép của người phối ngẫu cho gặp nhau để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, và ôn lại những tình cảm xưa.

Leng không diễn tả được bằng tiếng Kinh rành rọt, nàng chỉ nhìn anh say đắm và cười nhiều. Leng không đọc được bài thơ anh viết về nàng và Sa Pa. Anh thích một người bạn tình cùng tranh cãi nhiều vần đề thì Leng chỉ biết “làm cho anh vui”. Có thể là nàng còn nhỏ quá, chưa “có ngồng”. (Món rau đặc biệt của Sapa là ngồng xào tỏi với thịt. Ngồng là phần thân đã đâm hoa của những cây rau già như ngồng tỏi, ngồng cải, ngồng su hào, ngồng su su…). Có thể là hai người gặp nhau không đúng lúc.

Leng cho anh biết là mình mang thai sau hai tháng yêu nhau. Anh đã không ôm chầm lấy người yêu, khóc hu hu vì sướng như trong phim tình cảm lãng mạn của những xứ tự do, “cơm no, bò cưỡi”. Anh tìm đến gã phù thủy Gà Mên, người mà dân bản trốn tránh vì sợ bị gã dùng tà ma hãm hại. Gà Mên là người quen duy nhất của anh ở đây ngoài người yêu Leng. Trước đây, Gà Mên đă từng cho anh cho anh một vài toa thuốc trị sốt rừng thật hay, sau khi anh lê lết cả tháng không làm ăn được gì cả mà không đi bệnh xá được. Anh cũng chẳng có gì nhiều để trả công cho hắn ta ngoài một ít cá suối tươi và hoa quả tự trồng. Có thể là Gà Mên cũng cần một người bạn, hoặc ít nhất là quen, cám ơn gã thật tình và ngưỡng mộ tài của hắn. Gà Mên lại giúp anh pha chế một bát thuốc đắng cho Leng, cho đứa con không được thừa nhận của cha nó.

Cũng như thói quen, Leng không cãi chàng. Có thể là nàng không đủ chử nghĩa để diễn đạt, có thể là nàng quá yêu anh mù quáng, có thể là nàng còn quá trẻ để cảm nhận được tầm quan trọng của vấn đề sống chết. Nàng run rẩy cầm và uống chầm chậm bát thuốc đắng với mồ hôi lấm tấm trên trán và nước mắt hoen mi.

Sau hôm đó, Leng cũng không đến kiếm anh nữa. Leng của Liêu Trai Chí Dị – đẹp nghê thường trong đêm, tóc xõa dài nép sát vào anh – biến mất trong cuộc đời anh. Leng của cuộc sống đời thường không còn cười và chạy nhảy trên những cánh đồng. Tóc nàng không được bới lên gọn ghẽ, cài với lược sừng trâu nữa. Nàng hay cười nói hoặc hát một mình ru con bên bờ suối. Leng vốn dĩ là người cô đơn. Nàng không anh em, ít bạn, có bố nhưng chỉ có anh là thân. Đứa con ra đi, anh cũng chẳng ở lại được. Bà dì ở Pháp đã trả thẳng tiền cho người ta để anh vượt biên. Anh đã để Leng lại Sa Pa với những vấn đề của cô ấy.

*

Đứa con chưa chào đời,

Hãy tha tội cho ba. Bao nhiêu tiền của và công sức ba có đổ ra xây trường học, nhà máy thủy điện hoặc gì gì đi nữa cho Sa Pa, cũng không thể bù đắp được mất mát cho mẹ và con. Người ta nói “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” mà ba thì đã hy sinh đời con và mẹ. Không phải là cho riêng ba mà cho những ai và những gì thì ba cũng không dám nói. Lúc đó, ba không thể lo cho mẹ và con được. Ba cũng chỉ hai mươi còn nuôi hoài bão, được làm bác sĩ cứu nhân độ thế ở nước ngoài. Ba cũng không chịu được ý nghĩ là thế giới của con chỉ có núi rừng Sa Pa, chân tay con lam lũ, không biết đọc và hiểu biết những điều hay của các thế giới khác.

Đứa con của Sa Pa, hãy yên nghỉ, và hãy phù hộ cho ba biết tin tức của mẹ./.

Bùi Hồng Thúy Anh

Ý kiến bạn đọc
16/11/201705:08:18
Khách
Thương cho Leng quá!
“Mai sau dầu có bao giờ
Đốt lò hương ấy rung tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay... Leng về.”
(Kiều)
07/11/201616:42:05
Khách
Văn chương lổn ngổn, đanh đá, khôgn hợp với tâm trạng ăn năn của người chồng "quất ngựa truy phong" 50 năm trước trở về thăm chốn cũ người xưa. Lời phải "match" với Ý... mới làm xũc động người đọc.
07/11/201603:04:08
Khách
Chuyện giống "La petite tailleuse" của nhà văn Tàu qua Pháp định cư, dịch ra mấy chục thứ tiếng, và quay thành phim.
06/11/201617:02:45
Khách
"Đứa con của Sapa". Đây là bài viết thứ hai mà tôi được đọc của tác giả Bùi Hồng Thúy Anh. sau bài viết " Duyên Gặp Gỡ"
Tác giả viết duyên dáng,dễ thương đọc rất xúc động.Mong được đọc các bài viết khác của tác giả.Một buổi chiều chủ nhật buồn mà được đọc một bài viết như vậy thì thấy thật là hạnh phúc.Chân thành cảm ơn tác giả.TRAN H.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,798,096
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến.
Năm nay Lễ Tạ Ơn nặng trĩu nỗi buồn với những người lính thủy thuộc chiến hạm USS KIDD, bởi họ phải chuyển nhiệm sở từ San Diego lên vùng Tây Bắc trước đó ba ngày.
Tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học.
Người viết là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân vùng Little Saigon. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2014, với hàng loạt bài cho thấy tấm lòng và sức viết mạnh mẽ,
Thứ Năm, 24-11 là ngày Thanksgiving 2016. Mời đọc bài viết trong Mùa Lễ Tạ Ơn từ Philippinnes, đất nước 1001 hòn đảo của tác giả Nguyễn Trung Tây, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tháng 11 là mùa Lễ Tạ Ơn, mời đọc bài của Lê Nguyễn Hằng Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Mùa Lễ Tạ Ơn 2014, bà có bài “Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời,”
Nhân mùa Lễ Tạ Ơn bắt đầu, mời tiếp tục đọc về Tháng Mười Một, bài thứ 3 của Phan. Chiếc Kính Gãy là chuyện trên đất Mỹ. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc
Nhạc sĩ Cung Tiến