Hôm nay,  

Mơ Về Cali

31/05/201300:00:00(Xem: 287746)
viet-ve-nuoc-my_190x135Đây là bài viết của người trẻ nhất trong số các tác giả dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sang Mỹ năm 2007, lúc 11 tuổi do ông nội đi HO năm 1992 bảo lãnh, năm nay, Hoàng Ân chỉ mới 17 tuổi, hiện học lớp 11 tại Portland, Oregon.

Lên tám tuổi thằng Tèo đã bắt đầu biết mơ về Cali. Tết năm đó dì Út bồng con Sáng Lì (Sally) năm tuổi về Việt Nam chơi. Tèo chưa biết một chữ tiếng Mỹ nào chỉ bắt chước mẹ phát âm mấy từ Mỹ theo kiểu Việt Nam. Mà nói như thế lại thân mật, đâu có ai nỡ bắt bẻ chê bai.

Chiều chiều dì Út đút cơm cho Sáng Lì ăn. Nó thấy cơm Mỹ sao mà lạ quá. Sữa màu trắng quậy với mấy cái vòng tròn tròn mầu vàng màu xanh mầu đỏ nhỏ như những viên bi gọi là chế-ri-ồ (cherrios) trông rất bắt mắt rồi ăn ngay được mà không phải mất công nấu nướng phiền phức. Nó thấy thèm cơm Mỹ quá đi.

- Cho con ăn cơm Mỹ với.

- Cho Tèo ăn hết rồi lấy gì cho Sáng Lì ăn?

- Thì dì cho nó ăn cơm Việt Nam.

- Xí ! Nó hổng thèm ăn cơm Việt Nam.

Ngoài cơm Mỹ ra nó còn khoái ăn nho khô. Nó mang đi học ngồi ăn trong lớp thì có đứa nói “thằng Tèo ăn cứt chuột”. Ấy thế mà cũng có vài đứa xin ăn chung. Nó thèm nhất là chó-lật (chocolat) nhưng dì Út chỉ cho nó có một hộp nhỏ. Dì than thấy thương.

- Ba cái thứ này ở bên Mỹ mang cho không người ta cũng không thèm vì béo quá ngọt quá dễ bị ô-bét.

Càng nghe chuyện bên Mỹ nó càng không hiểu.

- Tại sao ăn nhiều lại bị bé.

Dì la làng lên.

- Tui nói là ô-bét tức là béo phì ra đó ông nội ơi! (về sau nó mới biết ô-bé tức là obese). Họ hàng bà con đông quá, mang dư hành lý bị phạt cả 200 đô mà không đủ chia cho mỗi người một tí.

Nó thấy cái gì ở Mỹ cũng tiện ghê. Muốn ăn gì là mở hộp ra có ngay, không như Mẹ nó phải xách giỏ đi chợ hàng ngày. Cặm cụi làm bếp mất cả tiếng đồng hồ mà cứ ca hoài.

- Cái gì bây giờ cũng mắc quá. Hổm rầy mua một kí thịt heo ba rọi có 20 ngàn mà bữa nay trả giá 25 ngàn mà còn không mua được. Con gà bữa trước có 40 ngàn mà hôm nay đã lên 50. Hổm trước bó rau muống có 3 ngàn mà hôm nay phải trả 4 ngàn.

Ngồi vào bàn cơm bao giờ mẹ nó cũng canh chừng nó.

- Ông bà dạy “liệu cơm gắp mắm”. Nhà có 6 người ăn cơm chung, đĩa thịt heo kho mặn có bây giai, một bữa cơm mỗi người ăn năm miếng là vừa, đừng có ăn quá phần mình kẻo người khác bị thiếu.

Dì kêu trời.

- Có đĩa thịt kho mà cũng bầy đặt chia khẩu phần kỳ cục quá à. Ở bên Mỹ rau còn mắc hơn là thịt. Dọn rau ra là hết ngay. Thịt ăn không hết cứ phải mang vất đi. Mua con gà về hầm lấy nước nấu phở, sau đó mang vất vào thùng rác. Đâu có như ở Việt Nam không có thịt mà ăn.

Mẹ cũng kêu trời theo.

- Thế là phí của trời!

Vậy mà mẹ nó cứ bắt nó ăn rau phát ngán.

- Mai mốt qua Mỹ con không thèm ăn rau nữa mà chỉ ăn thịt thôi.

Dì Út cười to.

- Tèo mà lười học đi làm không đủ tiền mua rau thì tha hồ ăn thịt.

Dì thường tâm sự với mẹ.

- Em ráng đi cầy thêm chừng mười năm nữa sẽ dọn về Cali ở cho nó ấm áp. Chứ ở chỗ em lạnh quá mà ít người Việt nên buồn chi lạ. Mà ở Téc-xịt (Texas) lại nóng quá.

Nó không hiểu gì hết. Bên Mỹ đi làm mà nói là đi cầy, sống ở Mỹ mà lại nói là muốn dọn về Cali. Dì ráng giải thích.

- Đi làm hãng xưởng bên Mỹ mà không có chuyên môn cao thì cực lắm chứ không phải đi làm tà tà giống như đi chơi như ở Việt Nam nên người ta hay nói là đi cầy. Nước Mỹ có 50 tiểu bang, nhiều nơi còn rộng hơn nước cả nước Việt Nam, ai muốn ở đâu thì ở. Người Việt thích ở Cali vì khí hậu ấm áp dễ chịu nhưng giá nhà lại mắc quá, vì việc làm ăn phải bôn ba các nơi nhưng về già nhiều người thích về Cali.

Nó nghe mà mê Cali ngay.

- Mai mốt qua Mỹ con cũng sẽ về Cali.

Dì Út phì cười.

- Tui long trọng đại diện cho ông thống đốc Sờ-qua-dê-nê-gê (Schwarzenegger) mời ông Tèo về Cali. Tèo coi phim Ngày Tận Thế thì biết mặt ông này rồi. Ổng đóng vai chính đó.

Khi đút cơm con Sáng Lì ăn dì Út hay bầy ra các trò chơi để xí dụ nó vì con này lười ăn lắm.

- Chim bay!

Con này đúng là lì lắm nên cứ trơ mặt ra. Dì Út phải quay sang nói tiếng Mỹ với nó.

- Chim là “bớt” (bird) đó.

Con này chỉ khoái nói tiếng Mỹ nên đáp ngay.

- Bớt lai (bird flies).

Dì mắng nó.

- Phải nói là “chim bay” không được nói là “bớt lai”.

Rồi dì lại nói tiếp.

- Cò bay!

Sáng Lì không hiểu con cò là con gì nên không biết trả lời ra sao. Nó đứng cạnh buột miệng đáp.

- Bay.

Có nó chơi chung thành ra con Sáng Lì mới hào hứng vừa ăn vừa chơi. Sau khi kiếm đủ mọi thứ có thể bay như chim, cò, bướm, ong, dơi, quạ, bong bóng… dì Út đâm ra bí liền cầu cứu nó.

- Con gì có thể bay nữa hở Tèo?

Nó cũng bí luôn nhưng nhanh trí đáp.

- Máy bay. Mày bay đi Mỹ.

Dì phì cười.

- Dĩ nhiên là máy bay phải bay được rồi. Không bay được thì làm sao nó chở thằng Tèo qua Mỹ được.

Nó chưa kịp nhận được giấy mời của cái ông có cái tên dài thoòng Sờ-qua-dê-nê-gê gì đó mà nó không thể nào nhớ nổi thì vài năm sau, bố mẹ nó đã dẫn nó lên một cái máy bay bay một cái vèo 20 tiếng tới Cali. Bố nói không phải bỗng dưng mà nó được bay qua Mỹ đâu. Ông nội nó đã từng phải đi tù cải tại mười mấy năm rồi mới được đi Mỹ trong chương trình HO. Ông nó phải đợi thêm 15 năm nữa mới đưa được gia đình nó sang Mỹ đoàn tụ. Nó chưa kịp tỉnh ngủ sau một chuyến bay dài lê thê như thế thì bố đã bỏ nó lên cái xe đẩy hành lý đẩy tới đẩy lui lên xuống vòng vèo chi đó. Mở mắt ra nó nghe nói là đã ở Portland, Oregon.

Tháng đầu tiên nó chỉ ở miết trong nhà vì ngoài đường mưa liên miên và lạnh quá, lạnh teo… luôn. Mẹ nó cứ phải nhắc nhở.

- Phải tập ăn tập nói cho nó ra con người đàng hoàng, không được bạ đâu nói đó, nói tầm bậy người ta chửi cho con nhà mất dạy.

Chơi mấy tuần chán chê nó thèm được đi học. Hôm đầu tiên mẹ nó mặc cho nó đến 3 lớp áo mà nó vẫn run lầm cập. Mẹ nó chọc nó.

- Mặc nhiều vậy mà thằng Tèo vẫn run như cầy sấy.

Nó ngơ ngác.

- Tại sao lại run như cầy sấy.

- Cầy là chó. Ở Việt Nam người ta thường bắt chó làm thịt ăn. Con nào biết mình sắp chết cũng run lầm cập vì thế mới có câu run như cầy sấy.

- Sao nhà mình không dọn đi Cali hở mẹ?

- Thôi đi ông trời con ơi, ở đây còn có bà con giúp đỡ. Sang Cali không có ai chứa, không nhà không cửa không tiền không bạc không việc làm thì chỉ có hôm-lét thôi con ơi.

Trong trường học có nhiều đứa mang họ Le, Tran, Nguyen, Pham, Huynh mà lại có tên Henry, Gabe, Jonathan, Jennifer, Hillary. Lạ một điều là tụi nó toàn nói tiếng Mỹ với nhau và không thèm chơi với nó vì nói gì nó cũng không hiểu. Trong trường có ba đứa mới từ Việt Nam qua chơi chung với nhau trong lớp ESL là nơi dạy thêm tiếng Mỹ cho mấy đứa chưa biết gì. Trong lớp học cô giáo Johnson nói gì bọn nó cũng hiểu sơ sơ thôi nên bọn nó thích nói chuyện với nhau hơn. Thằng Hùng tâm sự.

- Bố mẹ tao nói ở chung với bà con phức tạp quá khi nào tìm được nhà thuê là dọn ra ngay. Thằng Long nói.

- Lạnh quá trời mà bác tao set up máy heat có 70 độ, tao ngủ không được, mẹ tao phải đi mua thêm một cái chăn điện cho tao đắp.

Nó cũng nói lên hoàn cảnh khó khăn của nhà nó.

- Gia đình tao đang phải ở nhờ người quen chưa kiếm được nhà để thuê. Bố tao nói chưa có việc làm để chứng minh khả năng tài chánh thì không đi thuê apartment được. Mà bố mẹ tao hay nói sang đến Mỹ không cần vốn liếng gì cũng được, chỉ cần có quyết tâm tiến lên.

Tụi nó ồ cười.

- Cho mày quyết tâm xuống gầm cầu mà ở.

Nó nghe mà sợ quá vì mỗi lần đi qua khu downtown nó thấy nhiều người ngủ dưới gầm cầu mà thời tiết thì rất lạnh. Mẹ nó nói đó là mấy người hôm-lét. Nó hỏi hôm-lét là gì thì mẹ nó nói không có nhà ở thì là hôm-lét. Nó không muốn đi xuống gầm cầu giống như mấy người hôm-lét vì nó chịu lạnh không nổi. Nó thấy nhiều người ngồi co ro chịu mưa chịu lạnh chịu gió rét buốt tại các ngã tư đeo bảng Homeless and Hungry…Please help.

Hàng tuần vào ngày Chủ Nhật bố nó dẫn nó tới trường Việt Ngữ để học tiếng Việt. Ban đầu nó lấy làm lạ vì đi học tiếng Việt mà mấy đứa học chung chỉ nói tiếng Mỹ với nhau. Có đứa cũng ráng nói ra những câu tiếng Việt khá kỳ cục như:

- Hôm nay đứa bố và đứa mẹ busy shopping nên con grandma phải đưa tao đi school.

Cái gì giặt được.

- Trước khi đi chơi mẹ tao cứ bắt tao giặt chén, đi chơi về lại phải giặt tay, ngày nào cũng phải giặt đầu.

Cái gì cũng mặc được.

- Mẹ tao cứ mua shoes mầu đen mà tao lại thích mặc shoes mầu vàng.

Nó cố giải thích phải nói là đi giầy chứ không nói là mặc giầy nhưng thằng này không chịu.

- Nonsense! We put on shoes we cant go on shoes.

Cứ thấy một đám con nít ồn ào huyên náo là nó chắc ăn 100% tụi nó đang nói tiếng Mỹ với nhau. Còn thấy một đám ngơ ngơ ngác ngác ngồi co ro trong một góc nói chuyện thì thào thì biết ngay Việt Nam mới qua. Đứa nào mới qua thì đi học còn ăn mặc chỉnh tề, áo sơ-mi bỏ vào trong quần ủi thẳng nếp. Mấy đứa sinh ra bên Mỹ đi học đi chùa hay đi shopping cũng mặc giống nhau.

Kỳ lạ hơn nữa là thầy giáo dạy tiếng Việt mà nói tiếng Mỹ nhiều hơn. Thầy giảng bài vừa bằng tiếng Việt pha trộn với tiếng Mỹ.

- Ngày hôm nay chúng ta học về câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn”. Today we learn about a ca dao, Vietnamese folk verse “Oh gourd, love the pumpkin. Though of different species, you share the same trellis.”

Thầy nói với nó là giảng tiếng Việt tụi học sinh trơ ra không hiểu, chi bằng nói tiếng Mỹ cho xong. Nhiều đứa đi học vì bố mẹ bỏ vào xe chở đi, vào lớp chỉ chơi game suốt buổi. Năm đó nhà trường mở kỳ thi viết luận văn bằng tiếng Việt. Đề thi là: “Cộng đồng Việt Nam cần làm gì để trả ơn đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang chúng ta.” Nó nghĩ mãi mà không biết viết gì. Lúc đó đang tưng bừng cuộc bầu cử tổng thống và bố nó nhờ có số tiền hoàn thuế gần 4 ngàn dollars mà mua được chiếc xe hơi cũ để đi làm. Thế là nó khoái chí viết xuống là người Việt Nam cần đi bầu và đóng thuế đầy đủ. Vì nó nghĩ đi bầu thì vui lắm tội gì mà không đi và đóng thuế thì lại được thưởng nhiều tiền để mua xe. Ai ngờ bài luận của nó lại đoạt giải đặc biệt. Các thầy cô khen là có hiểu biết, cả trường mà chỉ có mình nó viết được một bài luận tiếng Việt dài và có ý hay như nó. Thầy Luân nói là người Việt không đi bầu đông bằng các sắc dân khác, một số người không đóng thuế đầy đủ. Nó còn nghe mấy bà bạn của mẹ nó dặn nhau đừng đi bầu vì dễ bị đưa vào danh sách đi làm bồi thẩm ở toà án.

Mùa lạnh ở đây kéo dài lê thê quá, tới tháng 6 mà nhà nó vẫn còn phải mở máy heat cả ngày. Nó vẫn cứ mơ được đến Cali có nắng ấm. Có mấy đứa Việt Nam vào dịp Tết xin nghỉ học đi Cali chơi, khi về kể chuyện ì xèo cho nó nghe như ở đó ra ngoài đường không cần khoác thêm jacket, đồ ăn Việt Nam rất ngon và rất rẻ. Có đứa còn bé xíu mà đã biết nói là con gái Việt Nam ở Cali đẹp lắm. Lên lớp 7 nó chơi thân với thằng Johnny. Một hôm Johnny cho biết tuần sau nhà nó sẽ dọn đi Cali vì bố nó kiếm được việc trả lương cao hơn ở Cali. Nghe vậy nó càng yên trí Cali là hạng nhất.

Cuối năm lớp 8 nó nhận được bằng khen có kí tên Tổng Thống Obama. Khi đi lãnh bằng nó mới biết có 100 đứa khác trong trường cũng nhận được bằng này. Cô Nancy cho biết các em đi học đầy đủ và làm tốt tất cả các bài tập đều nhận được bằng khen của Tổng Thống.

Khi nó vào high school mấy đứa con trai Mỹ vẫn chỉ thích chơi football, baseball hay basketball, mấy đứa con gái Mỹ bắt đầu makeup quá xá thì mấy đứa Việt Nam đã bắt đầu biết mơ làm bác sỹ.

- Bố mẹ tao nói đời bố mẹ tao cực quá nghèo quá bị mọi người coi thường nên muốn tao làm bác sỹ để có nhiều tiền sung sướng và được mọi người kính trọng.

- Bố tao nói bác sỹ làm một ngày bằng bố tao đi làm một tháng.

Nó nghe mà ham nhưng không thấy đứa bạn Mỹ nào của nó lại muốn làm bác sỹ. Thằng Gabe có cả bố lẫn mẹ đều là surgeons lại khuyên nó.

- Bố mẹ tao nói làm bác sỹ không phải để giầu có. Đời bác sỹ căng thẳng lắm vì mang trách nhiệm rất cao trên sinh mạng người khác. Phải có lòng thương mến và muốn phục vụ tha nhân thì hãy nên làm bác sỹ.

Cô Molly làm counselor trong trường trên 20 năm có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn cho học sinh chọn ngành và chọn trường khi lên đại học. Cô biết rằng đa số học sinh Việt Nam đều thích làm bác sỹ. Cô nói rằng muốn làm bác sỹ thì rất tốt nhưng cũng nên có Plan B. Không đầy 1% các em học sinh trung học có ước mơ làm bác sỹ sẽ đạt được ước nguyện. Mà cuộc đời thì có bao nhiêu cơ hội khác cho ta sống hạnh phúc, đâu phải ai cũng phải làm bác sỹ. Phải học xong đại học mới được nộp đơn vào trường y. Mà các trường y chỉ nhận khoảng 2% số người nộp đơn thôi. Không được trường nào nhận thì cũng phải làm nghề khác kiếm sống.

Cô Molly nói nó đọc thêm bài báo trong tờ The Oregonian. Năm 2012 trường y duy nhất ở Oregon là OHSU chỉ nhận 132 người trong số 4500 đơn nộp. Tuổi trung bình của những người được nhận là 26. Có nghĩa là sau khi tốt nghiệp đại học phải bôn ba các nơi kiếm sống ít nhất trong 4 năm để tích luỹ kinh nghiệm về cuộc đời và có lòng thương cảm với người khác. Anh David Simmons năm nay đã 42, ly dị vợ và có hai con, chỉ mới đang học năm thứ 3 tại OHSU. Anh đã từng theo học opera tại nhạc viện nổi tiếng Oberlin ở Ohio vì nuôi mộng trở thành ngôi sao opera nhưng mộng ước không thành. Anh phải trôi dạt đến tận New York làm đủ thứ nghề khác như lắp ráp mắt kính, soạn nhạc, tập hát cho ca đoàn, làm data programming. Có một mùa hè anh đã phải sống trong lều ngoài công viên. Năm 2004 anh quyết tâm trở thành bác sỹ nên quay lại trường để học các môn cần thiết với bao khó khăn trở ngại với số tuổi và khả năng tài chánh của anh. Năm 2009 anh nộp đơn vào 4 trường y trong đó có OHSU nhưng đều bị từ chối. Một ngày kia, khi đang làm việc tại Outside In, là nơi giúp đỡ các thanh thiếu niên homeless tại Portland, anh có dịp tiếp xúc với các giáo sư OHSU. Họ nhận ra nơi anh là một tấm lòng yêu thương và tận tuỵ phục vụ những trẻ thơ bất hạnh không nhà không cửa.

Năm 2010 anh lại nộp đơn tiếp vào OHSU và khi không còn hy vọng gì nữa thì chính vị bác sỹ giám đốc Outside In, nơi anh đang làm việc, đích thân gọi đến OHSU để thuyết phục nhà trường rằng đây là một người xứng đáng. David Simmons nói rằng khi trở thành bác sỹ thì anh đã 45 tuổi: “Làm bác sỹ để làm giầu thì thật sai lầm nhưng để phục vụ người khác. Tôi sẽ về một miền quê hẻo lánh nơi mà bệnh nhân nghèo cần đến tôi hơn. Tôi sẽ không bao giờ phải đuổi bệnh nhân nào đi vì họ không có tiền.” Đó là lý do tại sao trường OHSU chỉ muốn nhận những người như anh David.

Cô Molly từng tốt nghiệp Stanford và luôn đeo một cái nhẫn Stanford sáng chói làm nó mê mẩn. Stanford ở ngay tại Cali nên nó lại mơ đi Stanford học. Cô Molly cho biết trong lịch sử nhà trường xưa nay chỉ có 6 học sinh được nhận vào Stanford nhưng chỉ vì thành tích chơi thể thao mà thôi còn được nhận về thành tích học giỏi thì chưa có ai cả. Nó nghe mà lè lưỡi ra. Chơi thể thao thì nó đứng hạng bét trong trường. Còn về học thì dù là valedictorian của trường cũng chưa chắc được nhận vào Stanford. Sức học của nó chỉ thuộc vào mức trung bình. Nó ráng dành thời giờ tự học SAT thì khi thi chỉ đạt được mức 80% của toàn quốc. Muốn có hy vọng vào Stanford phải đạt được mức SAT là 99.5%. Chỉ có 0.4% học sinh được vào học tại các trường như Stanford, Harvard, Yale, Princeton… mà thôi.

Càng ngày nó càng thấy giấc mơ về Cali là xa vời. Cô Molly khuyên nó theo tình hình kinh tế bây giờ và khả năng tìm việc sau khi tốt nghiệp thì chỉ nên đi học in-state vì sẽ tiết kiệm được nhiều tiền. Học in-state thì tiền học chỉ bằng 1/3 out-of-state mà thôi. Phải biết lượng sức học và khả năng tài chánh của gia đình khi chọn trường. Không nên vì tiếng tăm của một trường hay vì thích những nơi mới lạ mà đi học xa nhà, có khi học không được bị đuổi ra. Chỉ có 79% sinh viên ở Stanford hoàn tất chương trình 4 năm đúng thời hạn, số còn lại phải mất hơn 4 năm, có khi mãi 6 năm mới học xong, khi đó student loan càng chồng chất. Đầu năm 2013 trường Harvard thông báo đuổi học hơn phân nửa trong một lớp học có 279 sinh viên vì làm bài gian lận. Bị đuổi học vì gian lận như vậy thì tương lai sự nghiệp sẽ rất là lận đận. Cô Molly nói không nên coi thường các community college. Đi học ở đây rất rẻ vì được chính quyền địa phương trợ cấp rất nhiều. Cơ sở nhà trường và chất lượng giáo sư không hề thua kém các trường nổi tiếng. Sau hai năm học có thể transfer đi bất kỳ trường tốt nào khác nếu có thành tích cao.

Mẹ nó làm trong một khách sạn cho biết có nhiều người mới vào làm chung có bằng đại học tại nhiều nơi khác nhưng không tìm được việc thích hợp đành phải trôi dạt về đây tạm thời đi rửa chén trong khi cứ phải lo ngay ngáy về khoản student loan lên tới ba bốn chục ngàn không biết đến bao giờ mới trả xong.

Mùa hè năm ngoái nó nộp đơn xin đi làm ở nhiều nhà hàng fast food nhưng không đâu nhận nó vào làm. Năm nay nó xin được làm part-time tại một hiệu ăn. Nó tính ra nếu làm full-time thì cũng không đủ tiền thuê nhà, mua bảo hiểm, mua đồ ăn cho riêng một mình nó thôi chứ chưa nói tới mua xe và đóng tiền học. Nó sợ quá nên tự bảo mình phải cố gắng học hành chăm chỉ hơn thì mới mong có được học bổng vào đại học.

Thỉnh thoảng có một số bạn mới vào trường cho biết vừa từ Cali chuyển về. Tụi nó cho biết bố mẹ nó mê Oregon có phong cảnh đẹp, khí hậu rất trong lành, con người thân thiện, nhất là vì tìm được việc làm tốt trong các hãng Nike, Intel, hay Boeing nên tìm về đây. Nó thầm nghĩ mình đang muốn về Cali trong khi đó có nhiều người ở Cali lại muốn về đây.

Nó chợt nhận ra nét đẹp của American Dream chính là ở chỗ mang đến cơ hội vừa tầm vừa sức cho tất cả mọi người. Đến như mẹ nó mà mới đây còn vượt qua lần phỏng vấn để trở thành công dân Hoa Kỳ. Từ mấy năm trước mẹ nó đã lo theo học các Citizenship Class tại thư viện. Lúc nào mẹ nó cũng học đi học lại 100 câu sẽ được hỏi trong kỳ thi quốc tịch. Mẹ nó không phân biệt đâu là sự khác nhau giữa ông Washington, Washington DC, và Washingon State. Nó phải nói đi nói lại là ông Washington là cha già của Nước Mỹ, Washington DC là thủ đô của nước Mỹ, Washington State nằm ở phía bắc Oregon.

Trong đầu mẹ nó chỉ có mỗi Washington Square tại Portland là trạm xe bus mẹ nó phải xuống hàng ngày để đi làm. Có lần mẹ nó quên xuống thành ra đến chỗ làm muộn 30 phút suýt bị đuổi việc. Khi thi quốc tịch mẹ nó đã trả lời đúng được 5 câu trong 9 câu hỏi. Đến câu thứ 10 là câu quyết định thì ông phỏng vấn lại hỏi câu dễ nhất mà mẹ nó đã thuộc lòng: “Đâu là thủ đô của Hoa Kỳ?” Mẹ nó mừng quá vội vàng trả lời là: “Washington Square”. Ông phỏng vấn vò đầu bứt tai suy nghĩ mãi mới cho mẹ nó pass.

Nó cũng nhận thức nước Mỹ chỗ nào cũng giống nhau vì nước Mỹ chỉ là một. Chỗ nào thích hợp, mang tới cơ hội tốt hơn là ta cứ tới cho tới khi có một cơ hội khác tốt hơn ở một nơi khác thì cứ dọn đi. Chị nó thường nói khi ra trường mà không tìm được việc ở Oregon thì chị nó sẽ đi Alaska. Cali có nhiều cái hay nhưng Cali cũng chỉ là một phần nhỏ của nước Mỹ bao la rộng lớn với muôn vàn cơ hội dành cho ta.

Nhưng giấc mơ Cali của nó vẫn còn đó. Nhiều khi nó nghe bài California Dreaming và lẩm bẩm hát theo, nhất là khi tiết trời lạnh buốt.

All the leaves are brown
And the sky is grey
I've been for a walk
On a winter's day
I'd be safe and warm
If I was in L.A.

Giá mà lúc này nó đang được ở Los Angeles thì ấm áp biết mấy...

Hoàng Ân

Ý kiến bạn đọc
14/06/201321:47:43
Khách
Một trong những bài hay nhất của Việt Báo. Càng trân trọng hơn khi tác giả chỉ 17 tuổi.
14/06/201315:20:21
Khách
Bài viét hay quá . Đọc đi đọc lại mãi mà không biết chán.
13/06/201319:56:17
Khách
Bài viết của em Hoàng Ân rất xuất sắc. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng em có những nhận xét rất thông minh, tinh tế. Lối hành văn rất dí dỏm và thu hút. Chúc em tiến xa hơn nữa trên con đường văn học và sẽ đạt thành mọi mơ ước!
09/06/201317:51:38
Khách
Nếu được quyền bầu chon tôi sẽ chon bài MƠ VỀ CALI của HOÀNG ÂN giải cao nhất . Tôi rất vui khi được đọc những bài viết thông minh lôi cuốn người đọc như thế này từ một người trẻ tuổi . Cảm ơn Hoàng Ân rất nhiều.
31/05/201317:31:19
Khách
Bài viết rất hay. Nhận xét tinh tế, tin tức chinh xác, viết với tấm long nhân bản, lời văn dí dỏm, nhưng không kém phần trung thực và lôi cuốn. “Tuổi trẻ tài cao” là đây. Tác giả sẻ tiến rất xa và sẻ thanh công bất cứ đang ở nơi đâu. Xin chúc tác giả mọi an lành và đạt được mọi ước nguyện.
31/05/201315:02:45
Khách
Ai mà dám đi khám bịnh mấy ông bác sĩ ( học vì tiền ) này.
Lối suy nghĩ vọng ngoại này biết bao giờ VN mới khá.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,982,264
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến