Hôm nay,  

Người Cha Trăm Tuổi

19/06/201600:00:00(Xem: 11192)

Tác giả: Song Lam
Bài số 3847-17-30347-vb8061916

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây là bài viết mới của Song Lam.

* * *

Như một tình cờ, ngày sinh của Ba tôi rơi đúng vào ngày quân lực VNCH, và năm nay lại là Father's Day. Viết về Người hôm nay ngoài đôi điều tri ân, phần còn lại trong tôi là lòng xót xa tưởng niệm.

Vậy là Ba tôi đã đúng 100 tuổi. Người đời thường chúc tụng nhau với con số 100: Trăm năm hạnh phúc hay sống lâu trăm tuổi, nhung mấy ai đạt được con số ước mơ này?

Nói Ba tôi được 100 tuổi, đó cũng là con số đếm, con số ước mơ để thương nhớ về ông trong thoáng chốc mơ màng, tiếc thương vội vã. Kỳ thực, ông đã từ giã chúng tôi từ rất lâu, từ 1980, đúng vào ngày 30/4 trong lúc cả nhà sụt sùi trước giây phút lâm tử thì cả nước đang gân cổ hò hét mừng ngày đại thắng.

Từ rất lâu, trong lịch sử văn hóa nước nhà, vai trò người cha được coi trọng đúng mức. Nếu có đứa con nào lầm lỡ việc gì trong đời, người ta thường cho rằng: "Con không cha nhè cột nhà mà đụng". Điều đó, khi mất cha, ngoài việc mất chỗ dựa vững vàng, kéo theo sự mất mát về giáo huấn. Khi nói về cha, văn chương xưa thường dùng chữ "nghiêm đường" cho thấy điều này, trong khi vai trò người mẹ thường là bao dung, an ủi, cảm thông.

Xin phép bạn đọc cho tôi thêm một lần nói về Ba tôi.

Ông là người đặc biệt, quá đặc biệt với tôi. Cho đến hôm nay, các con cháu khi nói về ông, vẫn có sự quí yêu, nhưng bên cạnh đó là sự e sợ quá sức. Ông thiếu sự gần gũi, ân can với con cháu. Chúng tôi nhìn ông cái nhìn từ rất xa, lấm lét, dò hỏi và không bao giờ có sự trao đổi thân mật, cởi mở tâm tình như tình cha con thời nay. Chúng tôi chỉ nghe lệnh và làm theo lệnh.

Ông là người tầm thước, không cao lắm, khuôn mặt sáng, dễ nhìn, biểu hiện sự sắc nét, thông minh. Có điều… ông bà nội tôi nghèo quá nên ông không được đến trường. Nghe má tọi kể lại, ông nội qua đời ở tuổi 32, để lại bốn người con trai: Bác Hai, Ba tôi, Chú Tư và Chú Bảy. Ba tôi thứ ba, tục danh ba N.

Chú Bảy người cao ráo nhất trong bốn an hem và được đi học. Ba tôi học lóm từ chú này nên biết đọc, biết viết. Chỉ vậy thôi. Nhưng ông mê đọc sách hơn ngưỡng người khoa bảng. Những bộ sách nổi tiếng như: Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Lục Vân Tiên, Gia Huấn Ca, Đoạn Trường Tân Thanh… ông thuộc nằm lòng. Ba tôi thích thơ, thích ngâm nga, nhất là Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Có thể, ông cho rằng nhân vật chính được xây dựng với khuôn mẫu nhất định, đầy đủ tài đức, tiết hạnh… để mọi người noi theo. Những đêm trăng sáng, ông thường bắc ghế bố ra sân "nói thơ" cho chị em tôi nghe. Vì thế, tôi thuộc thơ Kiều, Lục Vân Tiên khi chỉ là cô bé 6, 7 tuổi.

Ba tôi là người có sức khỏe "phi thường". Một mình cấy trồng hơn một mẫu đất. Nghe má tôi kể lại lúc bà mới về nhà chồng, chúng tôi hết sức ngạc nhiên về sức ăn của ông. Sau khi ở ngoài ruộng về, ông ăn luôn một lúc sạch nồi cơm với hail on sữa bò gạo (hơn ba cup gạo bây giờ) dành cho ba người ăn. Mà thức ăn có gì đâu? Chỉ có cá bống kho tiêu với rau lang luộc và chút canh tập tàng… Khi biết cả nhà chưa ai ăn, ông cười ruồi và nói:

- Tui tưởng má và cô ăn rồi chứ.

Ba tôi lập gia thất năm 22 tuổi, má tôi 18. Sau 20 năm, ông bà có 11 người con. Bây giờ, tôi không thể tưởng tượng được làm sao hai ông bà lại có khả năng nuôi dạy đám con đông chừng ấy…

Ông mất khi vừa đúng 64 tuổi, tức là trẻ hơn tuổi của tôi bây giờ, khi gia cảnh của chúng tôi đang chòng chành nhu cái thuyền nan trước cơn sóng dữ. Tôi là người con gái giữa trong gia đình. Trên tôi có năm vừa anh vừa chị, dưới tôi có năm em vừa trai vừa gái. Giữa một "tập thể hỗn độn" đó, tôi lớn lên trong nỗi cơ cực, phải phấn đấu ghê gớm đểcó được ngày hôm nay. Và, ơn đức của Ba Má tôi phải nói là to lớn lắm.

Tôi chưa nghe Ba Má tôi gọi nhau bằng anh em hay "mình đầu" gì hết. Chắc họ chỉ nói trỏng. Sau này khi có con, Ba tôi gọi Má tôi bằng "Má con S", tên chị lớn của tôi. Cả đời Ba tôi chỉ có công việc, không có thì giờ vui chơi, giải trí. Những khoảnh khắc relax của ông là hội hè, đình đám đôi ba ngày với chòm xóm, gia đình, bà con mà thôi. Những lúc đó, tôi thoáng thấy ông cười nói với mọi người, vì thường ngày trong gia đình, ông nghiêm khắc lắm!

Có một sự việc trong đời ông mà con cháu ít ai biết, thể hiện sự gan dạ, quyết liệt phi thường của ông. Tôi chỉ nghe Má tôi kể lại thôi mà đã thấy rợn cả người và thương ông nhiều nổi. Giọng Má tôi khe khẽ, rầm rì như truyện trinh thám làm tôi thót tim…

Hồi đó, khoảng 1945, ở miền Bắc có trận đói dữ dội và trong miền Nam có nhiều thế lực chính trị "trăm hoa đua nở" với "thập nhị sứ quân": phe Hòa Hảo, phe Bảy Viễn, phe Tướng Lê Quang Vinh Ba Cụt. Phe Bảy Viễn đặt "bản doanh" ở Bình Xuyên tức là vùng Rạch Ông, xã Tân Qui Đông, quận Nhà Bè, bây giờ là quận 7, Saigon. Vùng Phú Mỹ Hưng bây giờ hồi đó toàn là lau sậy, dừa nước, đất bùn nổi phèn chạy dài đến càu Chữ Y quận 8 với dòng sông Ông Lớn chảy xiết đầy cứng những dề lụt bình hoa tím. Ba tôi bị gọi đi lính cho Bảy Viễn. Ông lo lắm. Một mình phải nuôi mẹ là bà nội tôi, vợ và ba con còn nhỏ. Ông trình bày hoàn cảnh gian khó của mình. Tên đồn trưởng cười khẩy nói:

- Chừng nào mày chỉ có một tay thì mới được miễn dịch!

Ông về nhà suy nghĩ lung lắm, chỉ một mình, không nói với một ai. Và ông thực hiện ý định quyết liệt của mình.

Lúc đó, căn nhà của bà nội tôi giữa bốn bề ruộng lúa, ao ngòi. Phía sau là dòng sông lấp loáng chảy nhập vào dòng Ông Lớn. Dọc hai bên bờ sông đan kín ô rô, cóc kèn, dừa nước. Um tùm lắm. VẮng lặng lắm. Dòng sông lặng lờ trôi theo nước lớn, nước ròng. Dân cư thưa thớt, chỉ có vài nóc gia cư trú.

Ông lội xuống mé rạch với cái mác trên tay. Ông thuận tay trái, nên muốn… chặt đứt bàn tay phải để khỏi phải đi lính cho Bảy Viễn. Tay phải để trên thân cây dừa, và tay trái… chém xuống. Nhưng có lẻ vì quá đau và cánh tay người nông dân 30 tuổi này rắn chắc quá nên… không đứt. Máu loang cả bờ sông. Cũng may lúc đó Má tôi ở hàng xóm chạy về. Bà la hoảng, tuột cái khăn đội đầu, quấn chặt, băng bó vết thương. Sẵn cục thuốc rê ăn trầu, bà đắp vào vết chém để cầm máu. Tôi hoàn toàn không biết Ba tôi có vào nhà thương không, tôi không dám hỏi. Về sau này khi tôi lớn, tôi nhìn rõ cáo thẹo dàn trên cườm tây ông. Lằn gân bị chặt đứt, Ba tôi không sử dụng được ngón cái và ngoán trỏ, nghĩa là không sử dụng cò súng được. Ba tôi thoát cái vụ bắt lính. Câu chuyện này về sau ông mới kể cho Má tôi nghe.

Ba tôi là người trọng lễ nghĩa, nhưng độc tài, nghiêm khắc với vợ con. Quyền hạn trong gia đình Ba tôi nắm hết. Má con tôi chỉ biết nghe và không dám cãi lại bao giờ. Nhưng tôi biết ông là người giỏi giang, đảm lược, thấy rộng và nhìn xa.

Chiến tranh ngày càng khốc liệt giữa các thế lực chính trị. Phe Bình Xuyên của Bảy Viễn thua chạy, đốt nhà dân. Ba Má tôi bồng chống các con qua sông Nhà Bè, sang quận 4 lập nghiệp. Lúc đó đầu năm 1949. Má tôi đắt 5 đứa con, bụng mang bầu (là tôi) cùng với con heo nái qua vùng đất mới. Tài sản của Ba Má tôi chỉ có vậy.

Vùng đất quận 4 ngày đó chỉ là ruộng đồng xơ xác, lau say um tùm. Về đêm, ểnh ương kêu quyềnh quang, quyềnh quang cả một góc trời hoang sơ. Chính tay Ba tôi đổ nền, đắp đất, dựng cột, thả rui. Căn nhà lá nền đất năm 1949 bây giờ là căn nhà gạch lớn và đẹp nhất xóm với diện tích gần 200m2 với bốn phòng trên lầu và hallway trồng hoa rực rỡ bên hông. Đó là công sức của Ba tôi gần 40 năm gay dựng…

Thời tôi mới lớn 1963 - 1970, Saigon luôn luôn có những xáo động chính trị, với cái chết của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm, sự thay bậc đổi ngôi của các tướng lãnh Saogon, và sau đó là việc đổ quân ào ạt của lính Mỹ vào chiến trường miền Nam Việt Nam. Xã hội miền Nam thay đổi bộ mặt với bước chân người lính Hoa Kỳ và đồng đô la xanh. Một số người trở nên giàu có cấp kỳ bằng các dịch vụ liên quan đến quân đội Mỹ. Những thương vụ mới như P.X, nhà hàng quán ăn, snack Bar…mọc lean như nấm gặp mưa… Ba tôi cấm các anh chị tôi không được tham gia vào những công việc dính líu đến người Mỹ, phải yên tâm học hành, chấp nhận gian khó bây giờ để mưu cầu tương lai bền vững mai sau. Lúc ấy, ông cười nói nhiều hơn, thỉnh thoảng "khoe" với người chòm xóm:

- Coi vậy chứ tui cũng thấy an ủi, thằng lớn vừa đậu Tú Tài, anh ơi!

Làm sao nói hết những gian nan, khó nhọc của người nông dân ít học, chân lấm tay bùn như Ba tôi, phải lo cho bay con ăn học, nên người?

Khi tôi vào Trung học, Ba tôi mở cửa hàng tạp hóa ở sân sau. Gạo lúa từ ruộng đồng mang về, ba tôi chèo ghe ra Cầu Ông Lãnh mua thực phẩm khô, đồ gia dụng, mắm muối… phục vụ bữa ăn cho bà con nghèo trong xóm. Ba Má tôi trở thành chủ tiệm tạp hóa "ghi sổ", cuối tuần trả nợ cũ, mua nợ mới… gọi là "bán gối đầu".

Chiến tranh ngày càng leo thang, các anh tôi phải từ giã "khung trời đại học" để vào lính. Ba tôi có vẻ buồn, nhưng nén lòng, an ủi các con làm bổn phận "người trai thời ly loạn".

Ba tôi có đức độ hơn người, luôn luôn giúp đỡ, thương người nghèo khó như mình. Năm ngoái chúng tôi về Việt Nam dự lễ tang của Má tôi, người hàng xóm cũ nay đã già nua, còm cõi… nói về Ba tôi bằng giọng chân tình:

- Anh Ba tốt lắm, hồi đó thằng con tôi tới mua 10 lít gạo, nó bưng qua cầu trượt chân đổ thúng gạo xuống sông. Thằng nhỏ khóc, sợ về nhà thế nào cũng bị đòn. Thấy vậy, ảnh kêu vô, đong 10 lít gạo khác, đích thân bưng vô nhà tui!

Ba tôi trọng lễ nghĩa, sống có trách nhiệm, sống vì mọi người. Ông lo cưới vợ cho các chú tôi, cưới vợ luôn cho người cậu ruột lừng khừng, cất nhà cho ông ấy ở. Má tôi kể rằng, có lần Ba tôi nói với bà:

- Má con S, bà cũng lớn tuổi rồi, đeo bông mà chi, bà đưa cho tui đôi bông hồi đám cưới đó, tui cưới vợ cho thằng Tư. (là chúTư của tôi).

Dĩ nhiên là Má tôi nghe theo, cởi đôi bông nở ngài bằng vàng y 24K đưa cho Ba tôi làm sính lễ cưới vợ cho em. Má tôi đâu đã già, lúc đó bà mới 26 tuổi!

Cả đời Ba tôi không có vacation, không có ngày Chủ Nhật. Hết việc ruộng ray lại phụ giúp mẹ con tôi cửa hàng tạp hóa, tiệm may của chị tôi… bá ban công việc. Ba tôi nhẫn nại, âm thầm nuôi một bầy con. Batôi thích nghề dạy học, vì ông lúc nào cũng mơ ước được đến trường. Tinh thần "tôn sư trọng đạo" ông luôn luôn gìn giữ. Vì thế, phần lớn anh em chúng tôi theo nghề giáo, chỉ có mấy đứa em nhỏ phía sau lớn lên theo ngành Y, Nông lâm…

Hình ảnh đậm nét của Ba tôi trong trí tôi cho đến bây giờ là tình yêu thương con vô bờ bến, dù bên ngoài rất nghiêm khắc, xa cách. Kỷ niệm tôi nhớ hoài về ông là lúc tôi đang ở kỳ thi tốt nghiệp ở ĐHSP. Ông thức giấc cửa khuya, thấy tôi còn cắm cúi trên trang sách ông đem cho tôi ly sữa nóng, pha thật đậm. Đó là sữa Nestlé hình con chim Lait Concentré, thời đó ngon nhất, nổi tiếng nhất. Đó là cử chỉ, hình ảnh hiếm thấy ở ông, làm nao lòng tôi cho đến bây giờ!

Từ những năm 70 trở đi, gia đình tôi khấm khá đôi chút. Ca1a anh vào quân trường trở thành những sĩ quan trẻ, tài năng, mấy chị em gái cũng có việc làm ổn định. Ba tôi giao ruộng đồng cho người bà con, đi làm hãng thuốc lá Bastos, hãng thuốc lá nổi tiếng ở Saigon lúc đó, cùng với hãng thuốc lá Mic của người Pháp.

Lần lượt, các anh chị tôi có gia đình, có nhà riêng, Ba Má tôi có cháu Nội, cháu Ngoại. Ba tôi có thể cởi mở, gần gũi với vợ con hơn ngày xưa cũ.

Nhưng không lâu, miền Nam sa tram xuống vực sâu, đất trời nghiêng ngửa với tháng 4/75 khi quân BV tấn công vào Saigon. Mỹ rút quân. Quân đội VNCH bị bức tử, nghẹo ngào buông súng… Ba tôi mừng vì các anh tôi trở về từ chiến trường, cảnh chết chóc vì bom rơi đạn lạc không còn nữa. Nhưng nỗi vui của ông tan biến rất nhanh vì các anh tôi, cũng như hàng vain người lính, phải vào tù không hạn kỳ, không án lệnh; ruộng vườn mất trắng, tiền bạc gởi ở Saigon ngân hàng trở thành con số không. Ông ngồi trầm ngâm hàng giờ trước ly trà nguội ngắt.

Tâm bệnh khiến sức lực của Ba tôi yếu dần, bệnh tật ùa về với ông. Lúc này, Ba tôi chưa đầy sáu chục nhưng trông già hơn người tuổi đã bảy mươi. Mấy thằng con trai, con rể bị tóm cổ vào tù không biết ngày về, không rõ tăm hơi, bỏ lại đám con dâu, con gái, cháu nội, cháu ngoại đói khổ liu chiu, lít chít…

Ba tôi lâm trọng bệnh từ năm 77 và mất năm 80 khi tâm thức còn ấm ức chờ mong con trai, con rể được về với gia đình.

Trước lúc lâm chung người còn hy vọng rằng ngày lễ 30/4 chính quyền mới sẽ thả tù, để các con về với ông. Ông thều thào, nhướng mắt, hỏi Má tôi:

- Thằng H lớn, H nhỏ, thằng M, thằng V có đứa nào về chưa bà?

Má tôi nghẹn ngào không trả lời, chỉ có những dòng nước mắt tuôn rơi lặng lẽ…

Ba tôi, từ một người nông dân ít học lại nuôi dưỡng, gầy dựng được một đàn con nên người: những sĩ quan trẻ của QLVNCH, những thầy cô giáo của các trường trung học nổi tiếng ở Saigon. Điều đó, không dễ chức nào, Và, bây giờ, các cháu nội, cháu ngoại của ông đều có bằng đại học ở Mỹ, ở Úc, Canada, Singapore, có đời sống yên ổn, tự do. Thành quả ấy, từ ông, mà các con cháu có được.

Có lần, cô em gái Út của tôi nói với tôi rằng: "Chị thấy đúng không, Ba mình đã làm "cách mạng" lớn, là ông đã đổi thay được một giai cấp".

Tôi không hiểu cô em này có hoàn toàn đúng hay không, nhưng qua đó tôi thấy được sự biết ơn ngập tràn trong lòng đứa em nhỏ.

Ngày của Cha năm nay, trong suy niệm người Cha quá cố tuổi 100, người viết cũng xin phép được nói đôi lời với những bậc từ phụ cùng thế hệ với mình, tức là những người Cha suýt soát tuổi bảy mươi.

Trong cuộc chiến 20 năm ở Việt Nam, các anh đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Nếu không là lính, các anh cũng chịu áp lực dữ dội về miền đất luôn có chiến tranh. Với người lính, cuộc đời chiến binh có bao giờ vuông tròn hạnh phúc với gia đình? Sau đó, các anh lại trở thành người tù chung thân trên đất nước mình, chịu sự ngược đãi tàn bạo từ chính đồng bào của mình. Giờ đây, tuổi trẻ lụi tàn, chút hào quang còn sót lại trong cuộc sống ly hương này, các anh có bao giờ tiếc nuối những ngày qua? Chúng tôi xin hân hạnh xẻ chia những gian khổ, hy sinh của các anh, và xin được nói lời cảm ơn tha thiết. Các anh đã đem chính xương máu của mình đổi lay tự do, no ấm cho vợ con nơi xứ người. Freedom is never free, chúng tôi hiểu được điều đó.

"Tình Cha ấm áp như vầng thái dương" không chỉ là sáo ngữ. Có khi, vì yêu con, các anh phải hy sinh hạnh phúc của riêng mình. Gà trống nuôi con, thời nào mà chẳng có?

Nàng Kiều ngày xưa trên bước đường lưu lạc, dù thân phận bị vùi dập "thanh lâu ba lượt, thanh y hai lần" cũng có lúc nghĩ đến Cha Mẹ mà héo hắt ruột gan: "Xót thay huyên cỗi, xuân già" hay "Lòng quê theo ngọn may Tần xa xôi". Đó cũng là tâm trạng của chúng ta. Đôi khi tôi cũng tự trách mình. Với 25 năm lưu lạc nơi xứ người, tôi chưa làm hết bổn phận với cha mẹ mình gọi là đáp đền muôn một.

Bao nhiêu dâu biển trong đời
Ba đi, chưa nói một lời cho con
Ba là rừng, biển, núi non
Đi xa, nhưng vẫn như còn quanh đây.

Xin gởi đến các bậc từ phụ nhiều thế hệ lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe và cho phép người viết được nói: "Happy Fathers Day!"

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
14/08/201609:20:46
Khách
Bài viết " Người Cha Trăm Tuổi" của tác giả Song Lam đã gây một ấn tượng rất tốt đẹp, và gương sáng cho những người làm Cha. Thân phụ cô Song Lam đã bỏ bao công sức làm lụng khó nhọc để nuôi dạy một đàn con gần một tá như vậy nên người. Chúng ta hãy tưởng tượng bao sự nhọc nhằn, hy sinh của Bác cho gia đình đông con. Tác giả đã rất thật khi viết về cha mẹ mình, gia đình mình. Tôi rất xúc động khi đọc xong bài viết, và trân trọng cảm ơn tác giả.
20/06/201620:28:34
Khách
Cám ơn chị đã cho đọc một bài viết thật hay!Mến
20/06/201603:15:43
Khách
Đoạn cuối nói về nàng Kiều không hợp. Khi càng gian truân, khổ sở người ta càng nhớ về cha mẹ, về quê quán, về ngày xưa êm đềm. Cho nên nói "dù thân phận bị vùi dập" mà "cũng có lúc nghĩ đến Cha Mẹ" nghe chớt quớt.
Thêm nữa, chữ "hân hạnh" trong "hân hạnh chia sẻ gian khổ" cũng trục trặc. Hân hạnh là tiếng dùng khi chia sẻ điều gì vinh quang, vui vẻ chứ không hân hạnh cùng chịu khổ.
Những điều này khá tinh tế, nhưng tác giả SL là người có khả năng để tránh những lỗi như vậy.
19/06/201623:43:20
Khách
Hồi tưởng của tác giả rất sống động và đầy tình người. Tôi tin ở nơi trường cửu ông cụ đã hiểu được niềm thương nhớ của chị...Chúng ta dễ nhìn thấy cái hy sinh của người mẹ nhiều hơn hy sinh của ông bố có lẽ vì cách thể hiện khác nhau, có thể ví như tàn lá xum xuê mát rượi và cái gốc cây rắn rỏi xù xì... Chúc các ông bố có thêm sự đáp trả yêu thương kính trọng từ con cái mỗi ngày, và cảm ơn tác giả bài viết nhiều cảm động. Kính..
19/06/201614:40:40
Khách
Bài viết hay, cảm động, đọc bài lại nghe tuổi thơ đã qua mấy chục năm hiện về. Chúc mừng ngày của cha. Và chúc mừng những ai còn cha mẹ mà tận hưởng vui sướng, hạnh phúc. Cảm ơn, và chúc tác giả luôn được vui khỏe, bình an. Thân kính. GN.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến