Hôm nay,  

Căn Nhà Casto

09/05/201600:36:00(Xem: 10103)

Tác giả: H. Tịnh
Bài số: 3815-17-30315-vb2050916

Sơ lược về tác giả: H. Tịnh – Quê Hương Quảng Nam Đà Nẵng. Sư phạm Huế ngày xưa. Về hưu, thích đọc và viết về tự kỷ. Hiện sống ở Quận Cam, California.

* * *

Nắng vàng trải nhẹ, thật nhẹ theo từng bước đi chậm, thật chậm của Archie trên con đường cát trắng thuộc vùng biển North Carolina vào một ngày đầu hè năm 1995.

Lần đầu tiên vào tuổi 81 của đời mình, Archie mới nghe tiếng sóng biển vỗ bờ, mới bắt đầu cảm nhận được ý nghĩa của hạnh phúc ở thế giới bên ngoài, sau hơn 69 năm bị giam cầm giữa bốn bức tường câm trong các viện tâm thần ở West Virginia, nước Mỹ.

Archibald Casto, sinh ngày 17 tháng 2 năm 1914, là người con thứ tư trong gia đình gồm có 5 anh chị em. Lúc nhập viện vào năm 1919, vốn liếng từ vựng của Archie chỉ vỏn vẹn bằng số tuổi đời của mình. Năm 3 tuổi, Archie vẫn chưa nói được. Mọi người đều nghĩ Archie vừa bị câm và điếc bẩm sinh. Vào sinh nhật lần thứ 5 của con mình, bà mẹ Clara quyết định đem con đi gặp bác sĩ gia đình để xác định bệnh. Và đó chính là ngày định mệnh đã an bài cho số phận của Archie.

“Đứa trẻ nầy bị điên, cần đưa vào viện và ở đó vĩnh viễn.” Bác sĩ nói.

Bà mẹ Clara về nhà, ôm con than khóc. Thấy vậy, các con tò mò muốn biết thì bà gọi từng đứa đến cạnh mình, căn dặn từ rày về sau, Archie là một bí mật, là đứa con chưa từng có, và không ai trong gia đình được nhắc đến Archie.

Vài ngày ngày sau khi nhận được phán quyết của tòa án, người mẹ đành đưa con vào viện có tên là Nơi Cư Trú cho Thành Phần Bất Trị (The House for Incurables), và về sau đổi tên là bệnh viện tâm thần Huntington (The Huntington State Hospital). Bệnh viện Huntington có những cổng tường bao bọc bằng nhiều lớp kẽm gai, ngày đêm có những nhân viên thay phiên canh gác nghiêm ngặt. Người ta cho rằng Huntington được xây dựng đúng với mô hình của một “nhà thương điên” (insane asylum), hay nói cách khác, Hungtinton là một nhà tù, theo qui định của luật pháp, để giam giữ những phần tử bị bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, bại não, và dị tật, v.v…

Thời ấy, mới 5 tuổi đầu đã nhập viện, Archie trở thành bệnh nhân nhỏ tuổi nhất trong số mấy ngàn người bị giam giữ ở Huntington. Suốt ngày, các bệnh nhân chỉ được quẫn quanh trong phòng ngủ, phòng ăn, và phòng sinh hoạt rất tối tăm, chật hẹp. Và xa xa đằng sau viện tâm thần là ngọn đồi trọc với những miếng đất dọn sẵn để chờ đợi các bệnh nhân nào xấu số qua đời trong thời gian bị quản lý bởi tiểu bang.

Thời ấy, vào năm 1919, chẳng ai hiểu tự kỷ là gì ngoài sự chẩn đoán và gán ép vội cho Archie cái mác “thiểu trí”, thuộc thành phần phải loại bỏ (to put away) vì không thể nào giáo dục được (uneducable), hoặc không đem lại lợi ích gì cho xã hội về sau. Rồi sau khi nhập viện, nhiều năm mới có một lần bệnh nhân được thăm viếng bởi người thân hay các viên chức tiểu bang đến dọ hỏi tình hình. Còn về phía phụ huynh, sau khi đưa con vào viện xong là họ ngoảnh mặt, phủi sạch nợ trần, may lắm thì có người cầu mong thế giới cách ly của con mình không là những “hầm rắn độc (the snake pit) gây thêm nỗi thống khổ cho kiếp người vốn không từng được xã hội cưu mang, gia đình phải ruồng bỏ theo lời khuyên của bác sĩ, nhất là vì áp lực nặng nề của luật pháp ngày xưa.

Thời ấy, người ta kể, Archie có những hành vi tự hại bản thân và cho nhiều người khác khiến các chuyên viên trong bệnh viện nghĩ rằng cách can thiệp hữu hiệu nhất là phải nhổ sạch hết răng của Archie. Dần dần, vì chẳng có ai giao tiếp, vốn liếng 5 từ ngữ đầu đời vĩnh viễn mất đi, và Archie bấy giờ trở thành đứa trẻ suốt ngày câm nín, vô cảm lạ thường so với trước khi nhập viện.

Năm 1965, trong phóng sự “Christmas in Purgatory” của nhóm phóng viên điều tra cho tạp chí Look, chuyên viên giáo dục Burton Blatt đã viết rằng nơi giam giữ Archie và những bệnh nhân tâm thần là … địa ngục trần gian, là mảnh đất cho người chết nhưng vẫn còn hơi thở ấm.

Bài viết ấy trong tạp chí Look đã làm chấn động dư luận khắp mọi nơi. Vậy mà nước Mỹ vẫn mặc nhiên và im lặng. Vẫn mãi lặng thinh cho đến ngày Geraldo Rivera, một luật sư trẻ tuổi kiêm phát ngôn viên truyền hình, đã đột nhập vào các viện tâm thần và đưa lên TV những hình ảnh dã man, rùng rợn nhất như sau:

“Tôi có thể cho người xem thấy bệnh viện tâm thần nhìn giống cái gì, âm thanh gào thét của bệnh nhân vang vọng ra sao, nhưng tôi không thể giúp người xem ngửi được cái mùi hôi thối, cái mùi bệnh hoạn, cái mùi tử khí phủ trùm ở nơi đây.”

Những gì có thể thấy, nhưng không thể ngửi được trên truyền hình qua loạt phóng sự của Rivera chính là hình ảnh về những chuỗi ngày Archie bị hành hạ và đối xử tàn tệ trong viện tâm thần Spencer ở West Virginia trong nhiều thập niên qua.

Về sau, có lần đi thăm và gặp mặt Archie sau nhiều năm xa cách, người chị Harriet mới được các nhân viên bảo vệ kể rằng … từng đêm Archie có thói quen cuộn áo quần làm gối tựa để khỏi bị mất cắp, hoặc vào những bửa ăn tập thể, Archie biết dùng tay che khay lại để khỏi ai giành giật phần ăn có giới hạn của mình. Bà Harriet đã không cầm được nước mắt khi người y tá bệnh viện cho biết Archie thường nhìn ra cửa sổ ngóng chị mình, và sau những lần hết giờ thăm bệnh nhân, Archie thường chạy theo hành lang, lặng nhìn bóng dáng chị mình đi thật xa và mất hút sau màn lưới sắt thì mới chịu nghe lời quản giáo bước vào trong.

Cuối cùng, bà Harriet tình cờ đọc được nhiều bài viết về tự kỷ của Tiến Sĩ Ruth Sullivan, bèn tìm cách liên lạc, cầu mong bà chuyên gia thương tình cứu vớt Archie ra khỏi ngục tù Spencer để trở lại với cuộc đời thường như bao người khuyết tật khác. Dĩ nhiên là bà Ruth gật đầu!

Tiến Sĩ Ruth Sullivan là người mẹ có con bị tự kỷ. Bà là người bênh vực khuyết tật rất nổi tiếng vào những năm 80 và 90 ở Mỹ. Bà từng tranh đấu thành công khi buộc nhiều tiểu bang phải sửa đổi và ban hành nhiều đạo luật nhằm bảo vệ quyền lợi về mặt y tế và giáo dục cho người khuyết tật. Năm 1979, ở West Virgina, bà Ruth thành lập Trung Tâm Chăm Sóc Người Tự Kỷ với những căn nhà tình thương làm nơi cư ngụ cho con trai mình và những người tự kỷ khác.

Bà Ruth và Harriet hẹn nhau trước và cùng đến thăm Archie. Tại bệnh viện Spencer, bà Ruth thẩm định Archie về mọi mặt có nghi ngờ bị khuyết tật và công bố … Archie là tự kỷ!

Lúc đầu, ban giám đốc bệnh viện chống đối kịch liệt, không đồng ý với sự yêu cầu của bà Ruth và Harriet về vấn đề trả tự do cho Archie. Họ lý luận rằng Archie không thể nào hòa nhập vào xã hội sau 69 năm dài sống trong môi trường bị hạn chế và có nề nếp sinh hoạt rập khuôn như ở viện tâm thần. Nhưng, với sự cam kết và uy tín từ phía bà Ruth, họ đành nhượng bộ vì muốn tránh sự tranh tụng trước tòa, nhất là họ rất sợ sự soi mói, điều tra của giới truyền thông và các nhóm bênh vực khuyết tật ở các tiểu bang vào thời ấy …

Vào năm 1988, một ngày nọ, cánh cửa bệnh viện tâm thần Spencer xịch mở. Archie hớn hở theo người chị và bà Ruth bước ra ngoài, tay ôm chặt con gấu nhồi bông … món quà duy nhất cho cuộc đời 69 năm bị đánh mất, kể từ khi nhập viện theo lời khuyên của bác sĩ và án lệnh của tòa vào năm 1919.

Archie sống rất hạnh phúc trong căn nhà tình thương của Tiến Sĩ Ruth Sullivan được 9 năm thì mất năm 1997, thọ 83 tuổi.

Archie và 9 năm được tự do hòa nhập vào thế giới bên ngoài tuy thật ngắn ngủi, nhưng trong thời gian ấy, Archie đã học được những điều đáng nhớ hơn cả 69 năm dài sống bị cách ly ở Spencer. Đó là chuyện Archie biết đi xe đạp; Archie biết vẽ tranh; Archie biết tự chăm sóc bản thân, giữ gìn sạch sẽ nơi cư ngụ; Archie biết cười, biết đưa tay chạm mặt thay lời tạm biệt với bạn bè và người thân.

Một thời gian sau khi Casto qua đời, người ta đặt tên căn phòng nơi Archie trải qua những ngày tháng cuối đời mình ở Trung Tâm Chăm Sóc Người Tự Kỷ là Căn Nhà của Casto (Casto House) để tưởng nhớ người tù có chẩn đoán tự kỷ muộn màng nhất trong lịch sử thống kê bệnh tâm thần ở Mỹ.

Năm 1993, tất cả dụng cụ y tế ở bệnh viện tâm thần Spencer bị tháo gỡ và đem bán đấu giá công khai. Từ năm 2000 trở đi, địa ngục trần gian ấy đã trở thành cửa hàng Walmart lớn nhất trong tiểu bang West Virginia.

Là phụ huynh, tôi nghĩ tự kỷ bây giờ đã khác với câu chuyện Căn Nhà Casto xưa kia nhiều lắm.

Ở Mỹ, bất cứ trường học nào cũng có sự hiện diện của các em học sinh tự kỷ. Đừng ngạc nhiên nếu vào một ngày đẹp trời, bạn ra đường thử đón xe buýt, vào quán ăn, đi biển, dạo công viên, và nhìn quanh, bạn sẽ thấy nhiều em tự kỷ đang vui chơi và sinh hoạt bình thường như bao đứa trẻ hồn nhiên khác. Đừng nói đâu xa, hiện tại trong thủ phủ Bolsa của người Việt, thống kê Dataquest của Bộ Giáo Dục California cho thấy cứ 39 trẻ Mỹ Trắng hoặc 45 trẻ Á Châu thì có 1em là tự kỷ. Các bạn thấy đó, phụ huynh mình, con em mình không bị lẻ loi đâu!

Tự kỷ ngày nay có nhiều phương pháp giáo dục, trị liệu dựa vào bằng chứng khoa học, có nhiều đội ngũ giáo viên, bác sĩ, chuyên viên tận tụy và yêu nghề, có nhiều người bênh vực sẵn sàng sát cánh với phụ huynh để tranh đấu cho quyền được cung cấp dịch vụ y tế và nhiều lợi ích xã hội khác cho người tự kỷ. Có thể nói, so với triệu, triệu người khuyết tật trước kia, con em mình vẫn còn may mắn lắm, vẫn chưa đến nỗi nào, các bạn ạ.

Chúng ta hãy vui và lạc quan khi thấy con em mình tiến bộ, cho dù đó chỉ là những tiến bộ nhỏ nhoi trong đời sống.

Chúng ta hãy nâng niu, trân trọng những hình ảnh đẹp về sự cá biệt của con mình để chia sẻ với những phụ huynh cùng cảnh ngộ, hoặc để dành cho những lúc mình cảm thấy lẻ loi và buồn chán…

Tự kỷ không phải là cái dấu chấm hết.

Vì con là tự kỷ … có bao giờ chúng ta can đảm nhìn lại mình và tự hỏi, giờ đây tôi đang ở trong giai đoạn cảm xúc nào? Tôi đang phủ nhận? Tôi đang phẫn uất và giận dữ? Tôi đang bối rối và cảm thấy bất lực? Tôi đang mặc cảm tội lỗi? Tôi muốn sống cô lập với thế giới bên ngoài? Tôi bị dằn vặt, hụt hẫng, cô đơn, và tôi đang tuyệt vọng?

Trong cuốn “On Death and Dying, 1969”, tạm dịch: “Nghĩ Gì về Cái Chết và Khi Sắp Chết”, Bác Sĩ Elisabeth Kbler-Ross (1926-2004) là chuyên gia tâm thần học đầu tiên đã viết về 5 giai đoạn muộn phiền (the five stages of grief) mà những bệnh nhân nằm điều trị tại Viện Đại Học Y khoa Chicago phải trải qua, khi họ biết mình bị ung thư và không thể vượt qua cái chết.

5 giai đoạn muộn phiền theo quan điểm của Kbler-Ross

1) Phủ nhận (denial).

2) Căm phẫn (anger).

3) Trầm cảm (depression).

4) Mặc cả, thương lượng (bargaining).

5) Chấp nhận (acceptance).

Ngày nay, một số chuyên gia tâm lý cho rằng lý thuyết của Kbler-Ross về tâm trạng của những bệnh nhân bị ung thư cuối đời có phần giống với sự thay đổi cảm xúc của phụ huynh có con bị tự kỷ, nhưng lại không diễn ra theo trình tự kể trên, và khác với tâm trạng của những bệnh nhân ấy, cuối cùng thì phụ huynh chúng ta sẽ là người thắng cuộc!

Trong cuốn Autism Spectrum Disorder (2014), Chantal Sicile-Kira, người mẹ có con bị tự kỷ viết rằng phụ huynh rất khó tránh khỏi những chấn thương về mặt tâm lý; tuy nhiên, những giai đoạn muộn phiền (the stages of grief) trong đời sống là chuyện rất đỗi bình thường và cần thiết cho sự hồi phục sinh lực và ý chí của phụ huynh để trở thành những người bênh vực tự kỷ ở học đường và bên ngoài xã hội.

Sicile-Kira nhận dạng và phân tích những giai đoạn muộn phiền của phụ huynh có con em tự kỷ, dựa vào ý tưởng của Kbler-Ross, như sau:

1) Kinh ngạc/không tin được con mình là tự kỷ (shock and disbelief): Giai đoạn kinh ngạc bắt đầu khi cha mẹ đưa con đi gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý, và kết quả là đứa bé có chẩn đoán bị rối loạn phổ tự kỷ. Nhiều phụ huynh nghe vậy đương nhiên bị xúc động mạnh, sẽ phản ứng bằng những lời lẽ phủ nhận sự thật, chẳng hạn -

“Không thể nào! Con tôi không thể nào bị tự kỷ! Con tôi mới 3 tuổi đời! Trời ơi, con tôi là tự kỷ!”

Sicile-Kira gợi ý: Lần đầu khi bị cú sốc tự kỷ, phụ huynh không nên hành động hay quyết định bất cứ điều gì. Tốt nhất hãy làm một cuộc hẹn khác và trở lại gặp các chuyên gia hay bác sĩ với sự bình tĩnh, biết cách đặt nhiều câu hỏi về dịch vụ can thiệp sớm cho con mình. Nên nhớ, bạn cần thời gian để giải tỏa những ức chế cảm xúc trong giai đoạn nầy.

2) Phủ nhận (denial): Cho dù bác sĩ hay chuyên gia đã khẳng định con mình là tự kỷ, nhiều phụ huynh vẫn chưa tin, cứ nghĩ đó là sự nhầm lẫn từ kết quả của các bài thẩm định khuyết tật, rồi đâm ra nghi ngờ kinh nghiệm hay kiến thức của bác sĩ nầy hay chuyên gia nọ về tự kỷ.

Sicile-Kira gợi ý: Thay vì phải tự dằn vặt mình bằng tâm trạng phủ nhận, phụ huynh nên bắt đầu thu thập những thông tin về tự kỷ và săn tìm những dịch vụ can thiệp sớm.

3) Phẫn uất hoặc giận dữ (anger or rage): Sau khi biết được con mình là tự kỷ, nhiều phụ huynh tức giận, rủa thầm…

“Vì sao con tôi là tự kỷ? Vì sao có những đứa trẻ không được cha mẹ quan tâm lại là những đứa trẻ bình thường? Đời thật bất công!”

Người bị phụ huynh nguyền rũa nhiều nhất bao giờ cũng là các bác sĩ hoặc chuyên gia đã chẩn đoán tự kỷ cho con mình. Kế tiếp là các đấng tối cao, nếu phụ huynh là người có tôn giáo. Rồi sự phẫn uất trong lòng mình sẽ lây lan đến trẻ tự kỷ và những đứa con không bị tự kỷ trong gia đình, đến vợ hoặc chồng, đến các thành viên trong dòng tộc nội ngoại, và đến cả những bạn bè thân thiết nhất. Chưa hết, sự phẫn uất của phụ huynh còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều sự xung đột, mất hòa khí với giáo viên, chuyên viên trị liệu trong chương trình can thiệp sớm cho con mình.

Sicile-Kira gợi ý: Sự phẫn uất hoặc giận dữ với mọi người vì con là tự kỷ sẽ khiến phụ huynh suy mòn năng lực, dễ biến bạn thành thù.

4) Bối rối và cảm thấy bất lực (confusion and powerlessness): Khi biết con mình là tự kỷ, nhiều phụ huynh tưởng chừng mình đi lạc vào thế giới mới. Sự bối rối vì thiếu hiểu biết về tự kỷ sẽ khiến mình hoang mang, cảm thấy bất lực vì phải trông cậy vào sự cố vấn hay hướng dẫn của những người mình chưa từng quen biết trước đây.

Sicile-Kira gợi ý: Kiến thức là sức mạnh. Mỗi ngày phụ huynh nên đọc, học những thông tin, sách vở về tự kỷ. Dần dần, kiến thức về tự kỷ sẽ khiến mình tự tin và có những quyết định sáng suốt cho con mình trong vấn đề giáo dục và trị liệu.

5) Trầm cảm (depression): Sự dằn vặt, lo âu, mất ngủ sẽ khiến nhiều phụ huynh cảm thấy hụt hẫng, cô đơn, và tuyệt vọng.

Sicile-Kira gợi ý: Đừng tự đày đọa mình. Nếu muốn khóc một mình thì cứ khóc, nhưng khóc xong thì phải tìm cách lấy lại nghị lực và tự vực dậy. Phụ huynh nên liên lạc với bạn bè hoặc người thân, nhờ họ trông nom trẻ tự kỷ trong một thời gian ngắn để thư giản, hoặc cùng họ đi ăn trưa, ăn sáng, nghe nhạc, xem phim, tập thể dục, chơi thể thao, v.v… Nếu gia đình, cha mẹ, bạn bè không thể chia sẻ nỗi buồn với mình được thì hãy tìm gặp những chuyên gia tâm lý để nhờ họ cố vấn hoặc hỗ trợ về mặt tinh thần.

6) Mặc cảm tôi lỗi (guilt): Cha mẹ thường tự trách mình đã hành động điều gì đó không đúng trong quá khứ khiến bây giờ mình phải gánh chịu hậu quả có con là tự kỷ. Ví dụ:

“Đáng ra, vợ tôi nên nuôi con bằng sữa mẹ.” Hay,

“Chẳng biết kiếp trước, vợ chồng tôi có cư xử tệ bạc với ai chăng?” Hoặc,

“Ngày xưa, phải chi tôi nên bán đứt căn nhà cho con có được nhiều dịch vụ can thiệp sớm hơn …”

Sicile-Kira gợi ý: Đừng tự trách mình. Tự kỷ không phải là lỗi của phụ huynh. Chẳng ai là toàn vẹn cả. Phụ huynh nên tự hào khi nghĩ đến những điều mình đã cố gắng hết sức để lo cho con trong khả năng có thể của mình. Hãy nghĩ về thời điểm hiện tại và quên đi quá khứ.

7) Ngại ngùng hoặc cảm thấy xấu hỗ (shame): Phụ huynh thường lúng túng, e ngại mọi người sẽ nhìn mình và con mình bằng những ánh mắt soi mói khi thấy những hành vi tự kích, lặp đi lặp lại của con mình trong những môi trường sinh hoạt chung, chẳng hạn ở quán ăn, công viên, sân chơi tập thể, siêu thị, rạp chiếu bóng, nhà thờ, nhà chùa, v.v…

Sicile-Kira gợi ý: Đó là chuyện của thiên hạ. Phụ huynh phải tỏ ra tự tin và khéo léo ứng xử trong mọi tình huống giao tiếp xã hội của con mình. Khi người chung quanh thấy phụ huynh hành động bình tĩnh, nhẹ nhàng, tự nhiên với con tự kỷ thì họ sẽ cảm thông và cảm phục phụ huynh vô cùng.

8) Thương lượng (bargaining): Đến một lúc nào đó, phụ huynh bắt đầu mặc cả với chính mình hoặc với Chúa, với Phật Trời ở trên cao.

“Nếu trong vòng 2 năm trị liệu sẽ khiến con tôi giảm thiểu những hành vi tự kỷ thì vợ chồng tôi sẽ ăn chay, niệm Phật, và mỗi ngày sẽ phân phát cho người nghèo khổ 200 ổ bánh mỳ.” Hoặc,

“Nếu con là tự kỷ thì tôi sẽ chấp nhận, ngoại trừ tự kỷ đi kèm với những chứng rối loạn tâm thần khác.”

Sicile-Kira gợi ý: Thay vì mặc cả hay thương lượng, hãy cố gắng tìm hiểu những ưu điểm và khuyết điểm của con mình nhằm hỗ trợ tích cực cho tự kỷ ở gia đình và trường học.

9) Cô lập (isolation): Đôi khi phụ huynh nghĩ rằng sự cô lập, không giao tiếp xã hội với mọi người là giải pháp tốt nhất để tránh bị chế diễu, hoặc sự cô lập là điều cần thiết để bảo vệ sự an toàn cho con em.

Sicile-Kira gợi ý: Hãy tìm cách làm quen với những gia đình cùng cảnh ngộ, rồi dần dần, phụ huynh sẽ hiểu mình, hiểu người, sẽ cảm thấy dễ chịu, bớt mặc cảm, biết cách ứng xử và hòa đồng với nhiều phụ huynh không có con em bị tự kỷ khác.

10) Chấp nhận tự kỷ (acceptance): Đây là giai đoạn cảm xúc cuối cùng sau khi phụ huynh vượt qua tất cả những giai đoạn cảm xúc khác. Chấp nhận có nghĩa là phụ huynh đã biết cách thích nghi, biết nhìn con và hiểu được những cái hay, cái đẹp cá biệt hơn là nhìn con qua cái mác tự kỷ bằng ánh mắt hận thù.

Sicile-Kira gợi ý: Hãy tự chiến thắng mình để sống vui cùng tự kỷ!

H. Tịnh

Nguồn:

- Autism Spectrum Disorder (2014), Chantal Sicile-Kira.

- In A Different Key – The Story of Autism (John & Caren, 2016).

- Casto Story - http://www.autismservicescenter.org/about/archies_story/

Ý kiến bạn đọc
15/05/201614:50:17
Khách
toi muon duoc chia se voi cac phu huynh co con em bi tram cam,va tinh nguyen duoc cham soc chau. hay lein lac voi toi.
12/05/201622:52:00
Khách
Rất hay ạ, cảm ơn tác giả
09/05/201617:39:15
Khách
Bài viết có nhiều thông tin bổ ích. Cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,020,185
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến