Hôm nay,  

Tôi Tin Thượng Đế Ở Bên Em

12/07/201500:00:00(Xem: 11243)
Tác giả: T. Thiên Thu
Bài số 3569-17-30119vb8071215

Tác giả là cư dân Phoenix, Arizona. Tốt nghiệp cử nhân ngành Nursing tại San Antonio, Texas năm 1974. Làm Registered Nurse cho Saint Joseph's Hospital, Phoenix, Arizona từ năm 1975. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là lời cầu nguyện của một bệnh nhân “Thương Đế! Đừng Bắt Con Phải Chết”. Tựa đề được đặt lại theo nội dung bài viết.

* * *

Trận mưa đầu tháng Năm bất chợt đến như vũ bão, làm nghiêng ngả những cành phượng tím thẫm, bãi cỏ công viên trước mặt bỗng chốc biến thành mặt hồ lóng lánh. Tôi yêu vô cùng vùng sa mạc xứ nóng tình nồng này. Chẳng thế mà hơn 40 năm nổi trôi, tôi vẫn chỉ quanh quẩn tại chỗ miền Phoenix, thung lũng Phượng Hoàng.

Ngay từ tháng Bẩy năm 75, sau khi đã góp nhặt những hồ sơ, bằng cấp của trường đại học cũ ở Texas gửi về, tôi vội vã đi nộp đơn xin việc hơn năm nhà thương ở Arizona, chưa đầy một tuần St. Joseph's Hospital ở Pheonix gọi phỏng vấn sớm nhất. Điều đặc biệt làm tôi nhớ rõ nhất trong đời là nụ cười thân ái, ánh mắt dịu dàng và nét mặt hiền hòa của bà giám đốc. Bà nói với tôi rằng tôi sẽ thích làm ở đây, vì nhà thương này do các Sisters of Mercy thành lập vào năm 1895 tại Pheonix với mục đích duy nhất là săn sóc bệnh nhân với tất cả tình thương yêu và lòng nhân ái, không phân biệt giàu nghèo, tín ngưỡng hay chủng tộc. Các nhân viên nơi đây đều vui vẻ, giúp đỡ lẫn nhau như trong một đại gia đình. Thật sự những gì bà giám đốc ấy nói không sai. Gần 40 năm tôi đã ở đó, những ánh mắt vui mừng, những xiết tay nồng ấm với lời cám ơn chân thành của bệnh nhân và người thân khi xuất viện, những xót xa trong tim, những nghẹn ngào cố ngăn nước mắt để giữ bình tỉnh an ủi người ở lại khi vuốt mắt đưa tiễn người thân về thế giới bên kia. Trong đại gia đình đầy thương yêu đó, tôi đã biết thế nào là nỗi đau oằn oại trong tinh thần và sự nhức nhối khôn cùng trong thể xác của người bệnh. Tôi đã được cảm nhận những hạnh phúc vô biên với nụ cười rạng rỡ khi người bệnh được tin vui từ bác sĩ chữa trị báo tin căn bệnh ung thư đã không còn dấu vết trong máu, trong cơ thể của họ. Tôi không ngăn được nước mắt bên tiếng khóc bi thảm của người mẹ mà tử thần vừa cướp đi đứa con thân yêu thơ dại. Tôi xót xa nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của bà cụ vừa qua đời, không một bóng người thân bên cạnh trong giây phút cuối cùng của đời người.

Tôi trân quý vô cùng những buồn vui khó quên, những kỷ niệm dấu yêu của người điều dưỡng, nó đã rèn luyện trong tôi sự kiên nhẫn, chịu đựng, hy sinh, tinh thần trách nhiệm, thận trọng trong việc làm, suy xét bén nhạy trong trạng huống khẩn cấp và nhất là tôn trọng, bảo vệ và duy trì sức khỏe, sự sống còn của bệnh nhân không phân biệt giai cấp, tôn giáo và chủng tộc.

Cơn mưa chừng như đã dứt, cầm cây dù đi ra thùng thư trước nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy trong đống thư phần nhiều là những quảng cáo lăng nhăng tôi thường gọi là junk mails, là một phong thư màu vàng đề tên người gởi là Hạnh và tên người nhận là tôi. Tôi vội vàng vào nhà, xé từ từ phong thư, những nét chữ màu tím nghiêng nghiêng làm tôi liên tưởng đến Hạnh, một bệnh nhân được tôi chăm sóc trong cuối năm vừa qua.

*

Cô thân mến,

Chắc cô ngạc nhiên lắm khi nhận được thư này. Con là Hạnh bệnh nhân cô chăm sóc năm ngoái đó với bệnh ung thư phổi thời kỳ thứ 4. Trong năm qua, những trận giải phẩu, hóa trị rồi xạ trị con như chết đi sống lại, nếu không có cánh tay âu yếm, ấm áp của Nhân, chồng con, và nếu không có giọng nói ngây thơ, dể thương của bé Phúc, đứa con trai yêu dấu vừa lên 7 tuổi "Mẹ ơi, ráng khỏe rồi đi chơi Disnetland với con nhe mẹ!" thì chắc con không còn đủ nghị lực, đủ can đảm để sống.

Cô ơi,

Nhiều lúc con tự hỏi Thượng đế sao lại chọn con, để tên con trong bản án tử thần của những người bị ung thư phổi. Con không hút thuốc, chồng con cũng vậy. Con còn trẻ quá. Mới tròn 30 tuổi, con tưởng rằng cánh cửa hạnh phúc đã mở ra khi con tìm được người mình yêu và người yêu mình. Chúng con sang Mỹ được 10 năm, những năm đầu, Nhân vừa đi học vừa đi làm, con thì đi làm nail 6 ngày một tuần.

Chăm chỉ làm lụng và cố gắng dành dụm, chúng con đã mua được một căn nhà nhỏ xinh xắn và đó cũng là lúc cháu Phúc ra đời. Tiếng cười dòn dã của con thơ, vòng tay trìu mến của người chồng cho con thấy cuộc đời màu hồng, hạnh phúc là đây, con không muốn đòi hỏi gì hơn, dù rằng trong thâm tâm con, có một lúc nào đó con thèm muốn, con mong ước được cắp sách đến trường để theo đuổi nghề nghiệp giúp người và cứu người. Nhưng đó là điều ước nguyện thôi cô ạ. Con bằng lòng với hạnh phúc đang có.

Có lúc nửa đêm trằn trọc, con trở mình quay mặt vào tường để Nhân không thấy con khóc, niềm lo sợ, nỗi hãi hùng mất đi cuộc sống, xa lìa người chồng đầu gối tay ấp, bỏ lại trên đời đứa con thơ dại, con nghe chừng như nghẹt thở, con như thấy mình đứng trên bờ của hố sâu vực thẳm, cận kề với thần chết đang vẫy tay gọi mời.

Cô ơi, những cơn ho như xé lồng ngực, những cơn nôn mửa sau những lần hóa trị, những lọn tóc mượt đen lánh trên đầu lần lượt ra đi... Có lần nhìn mình trong gương con òa khóc và than thở: "Thượng đế ơi! Tại sao lại chọn con trong căn bệnh ngặt nghèo này!" Cô nghĩ coi, con đường hạnh phúc con đi chưa hết, ánh sáng tình yêu con chưa gom góp đủ, làm sao con có thể đành đoạn rứt áo ra đi?

Con nhìn qua khung cửa sổ sau vườn, những cánh hoa sứ trắng muốt nhuộm vàng ở giữa, con liên tưởng đến đời con như những cành cây sứ khẳng khiu, cô độc, trơ trụi vì lá vàng đã lìa cành khi mùa Thu tới, nhưng rồi nó sẽ đâm chồi nảy lộc ra hoa để đón chào mùa Xuân. Có phép lạ nào để căn bệnh con sẽ dứt? Tóc con sẽ trở lại mượt mà? Con nhớ có lần cô bảo con: "Hãy có một niềm tin và hy vọng." Vâng, con sẽ cố gắng, con tin vào sự mầu nhiệm của Thượng đế, con tin vào những liều thuốc quý, con tin vào những kinh nghiệm, kiến thức bao la của bác sĩ, những bàn tay dịu dàng, nụ cười thân ái của các cô điều dưỡng và tình yêu không bờ bến của chồng con sẽ là suối nguồn an ủi, sẽ là chiếc đũa thần kỳ diệu dắt dìu con qua khỏi vực sâu tối của ung thư tử thần.

Lúc vui cũng như khi buồn con thích nghe nhạc Lam Phương, những khúc ca ngày mùa trong sáng hồn nhiên đưa con về lại miền Hậu Giang yêu dấu, những tình khúc buồn rã rời đưa con vào thế giới tình yêu muôn màu. Con đã khóc đã bồi hồi xúc động khi nghe dòng nhạc "Em đi rồi". Có lần con thì thầm với Nhân: "Nếu một mai em có qua đời, xin anh cho em nghe một lần cuối trước khi tẩm liệm bài hát "Cho Em Quên Tuổi Ngọc". Mai đây khi hoa tàn úa xanh xao phong ba dập vùi. Em xin nằm xuống mang theo con tim ngậm ngùi. Giấc mơ nhỏ nhoi đưa em vào cõi thiên thu yên thương đời đời".

Cô nghĩ coi, đầu óc con bây giờ bấn loạn, con trách mình, trách ông trời sao quá cay nghiệt mang cho con những bất hạnh không ngờ, rồi con tự nhủ "Định mệnh đã an bài", nghe qua thật là khôi hài, thật là cải lương nhưng con cũng như nhiều người khác trên cõi đời này đều tin vào số phận. Số phận hẩm hiu đưa con người vào tận cùng nỗi khổ bi lụy, số phận may mắn sẽ dắt ta tới ngưỡng cửa hạnh phúc màu hồng.

Con sinh ra và trưởng thành ở vùng Cần Thơ dấu yêu, mồ côi cha lẫn mẹ từ thuở lên ba trong một tai nạn xe đò thảm khốc khi cha mẹ lên Sài Gòn buôn bán. Thiếu tình thương cha mẹ nhưng bù lại bà ngoại con ngày xưa là cô giáo đã nuôi nấng dạy dỗ con nên người. Từng đêm, từng đêm bà đọc cho con nghe những vần thơ cổ, những truyện ngắn truyện dài của các nhà văn trước 75, bà đã kể cho con nghe cuộc đời của ông ngoại đã anh dũng hy sinh cuộc đời mình trong trận chiến khốc liệt để bảo vệ lý tưởng tự do dưới màu cờ vàng ba sọc đỏ.

Con nhớ vô cùng những kỷ niệm ngày xưa thân ái cùng ngoại chèo xuồng trên dòng nước phù sa để ra chợ bán những trái cây vườn nhà. Con còn nhớ như in hình ảnh ngôi nhà nhỏ với tường vôi trắng và những cánh cửa gỗ màu xanh dương nghiêng nghiêng đủ để những tia nắng sớm mai le lói rọi vào xéo xéo, đủ để ngăn chặn không cho những giọt mưa quái ác rớt rồi len lỏi vào nhà.

Có lần con nói: "Ngoại ơi nước sơn cánh cửa đã hoen ố hay là để con sơn lại nhe ngoại" Ngoại nhẹ nhàng bảo con: "Đó là màu của thời gian, đó là màu của kỷ niệm." Ngoại thích giữ gìn những gì xưa cũ, từ cái chén kiểu có hình ông tiên chống gậy đến đôi đũa mun đen tuyền. Nhiều lần con bắt gặp ngoại kéo vạt áo bà ba chùi nước mắt, ngoại nói ngoại nhớ đến bữa cơm đầm ấm gia đình ngày xưa. Con thương ngoại vô cùng, cả đời ngoại hy sinh cho chồng con, nuôi nấng bảo bọc đứa cháu côi cút duy nhất vừa mới lên ba.

Ngày lễ cưới của con với Nhân, ngoại run run nắm lấy tay Nhân và nhắn nhủ: "Hãy thương yêu và bảo bọc Hạnh đến trọn đời." Ngày ngoại qua đời, con tưởng như nửa hồn con đã mất.

Giờ đây, bên con chỉ còn lại hai hình bóng thân yêu là Nhân và bé Phúc. Có những lần con hốt hoảng thức giấc nửa đêm, tim đập loạn xạ muốn đập vỡ lồng ngực, nước mắt vẫn còn ướt sủng trên gối, trong cơn mộng dữ con thấn mình lạc vào cõi mù sương, có những bóng áo trắng bay là đà và có những bàn tay xương sẩu, khẳng khiu vẫn gọi. Con sợ hãi cắm đầu mãi miết chạy và vùng ánh sáng le lói ở cuối đường hầm, miệng la lớn "Nhân ơi! Anh cứu em với" Cô ơi có phải chăng vì con hay nghĩ đến cái chết và sự sống nên mới trải qua những cơn ác mộng?

Con sợ bóng đêm, vì bóng đêm đe dọa như lưỡi hái tử thần đến với con lúc nào không biết, không hay. Con sợ trời giông, mưa bão dập vùi cỏ non, tan tác rơi rụng hoa lá, con chỉ muốn thấy bình minh ló dạng, để nhìn những tia nắng dịu dàng nhảy múa trên cành cây ngọn cỏ, mang sức sống cho muôn loài trong đó có con, một hình hài nhỏ bé, một tâm hồn yếu đuối với ước nguyện nhỏ nhoi duy nhất, cho con được sống thêm nhiều năm nữa bên cạnh chồng con. Con có đòi hỏi nhiều quá không cô?

Con còn nhớ, có lần trong bệnh viện, con nói với cô, con thèm lắm được nếm chiếc bánh gạo nếp với nhân chuối hay nhân đậu xanh ngọt ngào được gói bằng những cọng lá dừa vàng ươm, thường được treo lủng lẳng trong những mái lều tranh dựng sơ sài hai bên đường cho những chuyến đi về miền Tây. Ngay ngày hôm sau cô đem đến cho con một chiếc bánh tét nhỏ và nói rằng "Hạnh ăn đỡ bánh này để nhớ về Cần Thơ nhé!" Con cám ơn cô thật nhiều, cô cho con chút ánh sáng hy vọng, cô đem cho con những mũi thuốc xoa dịu nỗi đau gặm nhắm trong buồng phổi đầy rẫy những u nang, cô truyền những ống thuốc nhiệm màu để ngăn chặn dùm con những cơn nôn mửa tới mật xanh sau khi hóa trị và còn nữa những vòng tay ấp áp đượm đầy thân thương, những ánh mắt nụ cười hiền hòa thân ái đã đem lại cho con một niềm tin để sống. Và rồi mùa Xuân, mùa hy vọng đã đến, những giàn hoa giấy màu xác pháo đã rộ nở lung lay chào đón ngọn gió Xuân

Cô ơi,

Những hình ảnh đó thật gần trong tâm trí mà sao lại thật xa vời vợi ngoài đời. Xin cô hãy cầu nguyện cho con như con đang chắp tay cúi đầu thành khẩn cầu xin với Thượng Đế "Thượng Đế ơi! Đừng bắt con phải chết!"

Kính thư

Hạnh

*

Tôi khép lại trang thư cuối cùng của Hạnh, lòng bỗng chùng xuống, những giọi nước mắt lặng lẽ rơi, tôi nghẹn ngào hình dung ra khuôn mặt hiền hậu với đôi mắt to, đen lay láy của Hạnh trước mặt.

Vâng, tôi hết lòng cầu nguyện cho em. Tôi cầu xin Thượng Đế ban phép nhiệm màu cho Hạnh tai qua nạn khỏi, vì tôi tin rằng Thượng Đế đã, đang và sẽ ở bên em để nghe tiếng kinh cầu thiết tha "Thượng Đế ơi! Đừng bắt con phải chết!"

T. Thiên Thu

Ý kiến bạn đọc
13/05/201918:41:14
Khách
cầu nguyện ADI ĐÀ PHẬT gia trì cho cháu qua khỏi căn bịnh nghiệp này ..... tôi thương và hiễu tâm trạng chủa cháu Hạnh , người bạn đời thương yêu của tôi cũng đã nằm xuống vì ung thư cực độc ..... cháu đạo gì thì hãy cố gắng vững tâm nguyện cầu thật tha thiết .... hy vọng cháu sẽ qua khõi đễ sống vui với gia đình
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,337,465
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến