Hôm nay,  

Chuyện Báo Xuân, Nàng Xuân

04/02/201500:00:00(Xem: 11956)

Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 4453-15-29853vb4020415

Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Báo xuân Việt Báo năm con dê, bà kể về “Chợ Tết Phây Búc” rất vui. Nhưng trước khi đọc Đoàn Thị trong báo xuân, mời coi tác giả kể về báo xuân và chuyện nàng xuân Sài gòn năm xưa xuất chiêu “dê” các cậu.

* * *

Bạn đọc báo xuân Việt Báo chưa? Tôi biết nó ra rồi, bán đầy Bolsa rồi. Tôi đang ganh với bạn. Tôi biết nó đang trên đường đến. Mà ấm ức, mãi chưa thấy nó đến. Vì, thú thật, tôi ở hơi xa, mãi bên trời tây. Tức thì có tức, nhưng tức chỉ tổn thọ. Thôi thì trong lúc chờ, nói chuyện báo xuân nàng xuân cho vui nhà vui cửa.

Trước năm 75, gần đến Tết Ta tôi thường mua Báo Xuân về nhâm nhi với mứt trà, coi như mình tự “ăn Tết » trước Tết, ba ngày xuân đàn đúm bạn bè đi chơi thả cửa, làm gì có thời giờ đọc báo xuân.

Báo Xuân thường có mục Tử Vi, Sớ, bài luận văn dài lê thê tả con giáp năm đó, bài của tác giả tên tuổi không thiếu “quan quân» nào cả, truyện dịch thế giới, thơ lục bát, thơ tự do, thơ tình đám con gái bu vào sưu tầm “làm của».

Gia chánh chuyên đề Tết lôi cuốn hầu hết phụ nữ không rành bếp như tôi, bánh mứt ngày xuân đủ loại, tôi chúi mũi vào mấy loại mứt dễ thực hiện vì là món khoái khẩu của tôi, cơm Tết có mẹ lo.

Trước Tết tôi phụ mẹ gọt rửa củ kiệu, củ cải trắng, phơi nắng rồi xếp vô keo, tới đây là tôi hết việc, dấm ngâm kiệu, nước mắm ngọt ngâm củ cải một tay mẹ làm, đứng xớ rớ chỉ tổ rách việc nên tôi chuồn nhanh.

Sau này làm dâu, tôi học thêm món mứt cà chua, ngon tuyệt vời, cà Đà Lạt thon dài, moi ruột bỏ hột ngâm nước vôi một đêm, xả nước cho sạch, phơi hai nắng rồi sên với đường, mứt dẻo ngọt hơi chua, đúng là có một không hai.

Sau 75 tôi hết mua báo Xuân, có biếu tôi cũng chả đọc, chữ nghĩa XHCN rối rắm làm mình mất hứng, khẩu hiệu “Vui Xuân chớ quên Nhiệm Vụ» sáo rỗng nhan nhãn đầy đường làm mất cha nó mùa xuân lấp ló trước cửa.

“Mùa Xuân đến rồi bản làng ơi» ca từ một bài hát làm tôi xao lòng, giá mình ngu ngơ như người miền núi, không rành chữ việt nên không hiểu XHCN là cái quái gì mà đời lại đẹp.

Bên trời Tây, văn chương hải ngoại nở rộ nhờ mấy tờ báo trên mạng, hội đoàn nào cũng có trang nhà, từ Quân Đội cho đến Đại Học, Trung Học, Hội Đồng Hương, Thơ, Văn, Thời Sự, mẹo vặt, gia chánh…, đủ gia vị của một tờ báo hoàn chỉnh.

Văn nhân nghệ sĩ tự phát khắp nơi đông vui đến bất ngờ, làng văn hải ngoại đã hồi phục văn hóa VNCH, Miền Nam Tự Do Dân Chủ bây giờ tuy là quá khứ nhưng lại là giấc mơ thầm kín của cả chục triệu dân VN bên nhà đang thoi thóp thở.

Báo Xuân được gọi là “Giai Phẩm Xuân» kiêu sa chưa, văn hoa ra phết, gọi như rứa cũng không ngoa, vì báo nào cũng có bài của những cây viết lớn trước 75, và những cây viết đình đám ở Hải Ngoại đương thời.

Năm con Dê, đặc tính của đờn ông, nhưng thế kỷ 21 đờn bà lên hàng “lê đi phớt» lờ đờn ông, lấn lướt nam quyền đến chóng mặt nên dân cầm bút tha hồ khai thác phi vụ “Đào già kép trẻ là tiên… huyền».

Không biết từ bao giờ bà đầm phương Tây công khai đi ruồng kép trẻ, sắm một tình nhân nhí nhố để giải sầu, đờn bà cũng có trái tim, cảm hứng như đờn ông, cũng xác phàm sao lại cấm nguời ta yêu đương.

Quê mình giỏi bắt chước những thứ rởm đời, nhanh như vận tốc ánh sáng, mấy “mợ thành đạt» bắt kịp chị em phương Tây biến đám thanh niên mang “đời trai ngang dọc» thành “trai bao», nghề nào chả là nghề làm ra tiền.

Mợ sắm cho mình gã trẻ măn để kình địch với ông chồng dê xồm, chả ngại người ta xầm xì, XHCN loạn lạc đến độ trật tự xã hội, đạo đức trong nháy mắt biến mất, thời nay đạo đức là đặc tính của đứa ngu ngơ.

Chuyện đờn ông dê con gái còn cười được chứ đờn bà cua cáy trai tráng thì nín thở mà đọc nếu tò mò muốn biết đoạn kết ra răng, thường thì “đào già kép trẻ cũng chỉ là tiên huyền» thôi, tiền là tiên là Phật mà.

Tôi không hạp chuyên đề “Mùi», hành động “Dê» kém lịch lãm, hơi gian dối, có thể hiểu “chơi qua đường», độc hơn là “dê rồi bỏ» cho bỏ ghét, có đứa “dê» vì lời thách đố của đám con trai nghịch ngợm chứ có “phải lòng» ai đâu.

Một trường hợp “dê» khá đặc biệt xảy ra sau ngày 30 tháng 4 năm 75 của lớp Ngoại Ngữ ĐH Văn Khoa, mà đứa “được dê» lại là cây si nhút nhát, tưởng cây si bật gốc, giờ cuối “ngựa về ngược» mới lạ.

Trong chuyến lao động XHCN ở nông trường khoai mì trên Thủ Đức, đám sinh viên chúng tôi, dạo đó bị liệt vào thành phần “tàn dư chế độ cũ», khởi hành từ cổng trường đạp xe đến Trạm biến điện Thủ Đức.

Sau một tuần lao động, đám tàn dư này tàn tạ như cọng bún thiu, cơm hàng ngày bốn người chỉ có một trứng vịt với rau, vì thế ban đêm trong lúc tổ trưởng chong đèn họp với cấp trên, tổ viên chôm khoai mì trong kho luộc ăn đỡ dạ.

Giã từ nông trường đứa nào cũng vui như tết, nhưng ra đến bãi xe đạp thì hỡi ơi, bánh xe trước không xẹp thì bánh sau cũng làm nũng tự xả hơi năm mươi phần trăm dưới cái nắng cháy da, đám con gái gãi đầu, bứt tóc, muốn khóc.

Phú được gọi là “Phú đầu bự» để phân biệt với những Phú khác trong lớp, có biệt danh Lucky Luke vì lúc nào hắn cũng đội nón tai bèo, hắn đeo đuổi Thanh cả lớp đều biết, vậy mà cô nàng cứ giả nai, ngây ngô vô tình đến tệ tình.

Đang hoang mang bỗng Lucky xuất hiện với cái ống bơm xe đạp trên tay, giời ạ hiệp sĩ xuất hiện đúng lúc làm cả đám con gái hoa mắt, bối rối chưa biết mở lời làm răng để người hùng giúp đỡ.

Không sao, Lucky có thừa lịch lãm và đề nghị các bạn mang xe ra đây để hắn phục vụ, bỗng dưng Phú sáng giá trong mắt con gái, giá đây là “giá trị sử dụng» chứ không phải gã làm con tim ngủ quên của đám con gái thức giấc đâu nhe.

Chúng tôi ngoan ngoãn xếp hàng nhờ Phú giúp đỡ, Lucky galant hết cỡ nên trạm bơm bánh xe của hắn đắt gái đứng chờ, nhưng không phải vì thế mà hắn hết “ế đào».

Phú ế vì là dân ngụy thứ thiệt hồi trước tóc dài hippie, nhảy đầm giỏi như con nít nhảy cò cò, bi giờ lại là “đối tượng đảng» mới khiếp, đám tàn dư sợ “Vi Xi» bỏ bu làm răng dám “chơi bời» với hắn.

Gần đến phiên tôi, Thanh thúc cù chỏ vào tôi, nói nhỏ,

- Mi nhường cho tao nhờ Phú bơm xe.

Tôi gật đầu lùi bước cho nó dẫn xe vào, con nhỏ liếc mắt đưa tình với Lucky, thỏ thẻ,

- Anh Phú ơi, làm ơn bơm bánh xe giùm “Con».

Tôi ngẩn ngơ nhìn con nhỏ “dê đúng điệu» con gái ruồng con trai, đôi mắt nhung đưa tình lẳng lắm, nhưng lại dứt lời với cách xưng hô diễu cợt đến tàn nhẫn.

Tội nghiệp Lucky, vị ngọt từ tiếng “Anh» chưa trôi qua cổ họng thì chữ “Con» như một cái tát chát chúa làm hắn giận run lên nhưng vẫn lẳng lặng bơm bánh xe cho nàng.

Tôi mắng con nhỏ,

- Đồ ác ôn, bộ hết chuyện sao lại đùa cợt với tình cảm của người ta, mi coi chừng có ngày mê hắn cho coi.

Sau đó cả lớp đồn ầm câu thỏ thẻ của Thanh với Lucky khiến hắn bị tổn thương đến độ không dám giáp mặt con nhỏ, và như một phép mầu, Thanh âm thầm chuộc lỗi bằng cách “dê dẫm» Phú, con nhỏ múm Lucky dễ như chơi.

Một buổi tan trường, hôm đó nhóm tôi về muộn sân trường vắng hoe, đi ngang sân vận động Hoa Lư đối diện Văn Khoa, tụi tôi bắt gặp Thanh ngồi uống nước mía với Phú.

Tôi tấp vào lề đường gọi Thanh, con nhỏ thấy tôi hoảng vía chạy ra, tôi cười thích thú,

- Đừng nói là mi đang dê Phú nhe, mất mặt con gái chúng mình lắm.

Thanh cười vả lã,

- Thì tao làm hòa với Phú coi như tạ lỗi cái vụ “hỗn xược» trên Thủ Đức.

Chuyện Thanh bồ với Lucky rồi cũng thành sự thật, tụi con gái hơi bực vì Thanh dê trắng trợn con trai, nhưng chả ai phản đối, vậy là mối tình câm có ngày cũng lên tiếng. Sau khi ra trường hai đứa làm đám cưới và đi vượt biên đến Mỹ.

Tết con Dê mười hai năm về trước tôi định viết chuyện “con gái dê con trai» của Thanh, nhưng các bạn đều can vì hai đứa nó đã rã đám, nghe tin không vui tôi cụt hứng.

Trở lại chuyện báo Xuân, có cái Tết con Dê một tờ báo Xuân đăng câu chuyện muôn thuở của loài người, đờn ông dê gái trong mục “gỡ rối tơ lòng», vì là giai phẩm Xuân nên bà cố vấn phải “gỡ» làm sao để độc giả nhớ đời.

Mợ kia tâm sự, Sàigòn (TP HCM) bi giờ gái trẻ đẹp đầy đường, chồng mợ bèn sắm bồ nhí, nó tuổi đáng con ổng, mình ngoài năm mươi, hốc môn hốc miết cạn nguồn, da nhăn, tóc rụng, eo hết thon…, có ngọt ngào cách chi vẫn thua con tiểu tặc.

Bà cố vấn bó tay với thời gian vì không ai níu kéo được tuổi xuân trở về với mình, nhưng sách luợc cứu nguy gia đạo thì bà có thừa, chỉ ngại mợ không đủ sáng suốt nhận ra khuyết điểm của mình và có đức vâng lời tuyệt đối “bà cố» thôi.

Khi bị ruồng bỏ, mợ tức cành hông, la làng, khóc lóc, nài nỉ mà ông vẫn “biền biệt», mợ lau nước mắt ra phố sắm áo, tô son làm đẹp, diện như rứa mà ông vẫn làm lơ, mợ đổi chiến thuật dọa bỏ nhà đi tu, ông chồng rung đùi ưng ý, mợ sập bẫy ông rồi.

Bà cố khuyên, những thứ hao mòn theo thời gian hơi đâu mà níu kéo, già da nhăn mợ không cản được nhưng mợ đừng nhăn nhó chỉ tổ làm khổ thân già, đừng kể lể, khóc lóc nỉ non, cải lương lắm khiến chồng sợ xanh mặt lặn sâu.

Thuở mới yêu mợ có như rứa đâu, mợ “hiền như ma sơ» ngọt ngào, nghiêng đầu tựa vai chàng, bi chừ la hét, rên rỉ, thảm quá, lại đua đòi tô son trét phấn, lên áo đầm hai dây, sến lắm, mấy thứ đó không qua mặt được cô đào nhí, chiêu của mợ không ăn tiền.

Bà cố viết tiếp làm mợ hết hồn, độc giả mất vía, có người hét lên cứ như mình bị chồng phụ không bằng, bà dạy như ri. Khi mợ đã xế bóng, ông chồng ham vui ra phố ăn “phở» dài dài, lấy “phở» làm “cơm», khuya lơ khuya lắc mới mò về nhà, “cơm» nên kiên nhẫn đợi cửa không một lời trách móc, cảm động chưa, ông chồng muốn lơ là với mợ cũng khó.

Thay vì xáo động con tim đang vui của chồng, mợ lẳng lặng chu toàn bổn phận, tân trang sắc mặt một cách kín đáo, áo quần bảnh bao hạp với lứa trung niên, đại khái là “trong héo ngoài tươi».

Mợ phải im lặng nghe chồng trải lòng, dù lòng mợ đau như cắt, vì kẻ đang yêu bao giờ cũng lắm lời, đang sướng với gái trẻ mà không có ai chia sẻ chịu sao thấu đời, nói với bạn bè sợ bị cười chê, chi bằng tâm sự với “vợ gìa» cho chắc ăn.

Giời ạ, bà cố đúng là thứ dữ, “vấn» kiểu này khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim, nhưng khi bà đưa ra một trường hợp “nổi tiếng thế giới» thì mợ cũng như độc giả, sáng bửng con mắt, suy tư miên man.

Chuyện thái tử Charles mê bà già Camilla đến bỏ rơi công nương trẻ đẹp Diana, khiến phụ nữ khắp nơi tức điên lên, nhưng thái tử lờ tịt quyết yêu em già đến cùng, mặc cho nhân gian xôn xao, thần dân ghét bỏ.

Vụ này không ai chối cãi, nhưng lời giải của bà cố mới ác liệt, thái tử lớn hơn công nương cả chục tuổi, lại được giáo dục theo cung cách Vua Chúa, sở thích cũng chỉ quanh quẩn bảo tàng, đọc sách lịch sử thế giới, nghệ thuật, cưỡi ngựa…

Trái lại công nương quá trẻ lại sống trong xã hội đương thời, khoái nhảy nhót hát hò, đi xi nê…, những thứ thái tử không biết đến và cũng không ưa, hai thế hệ xa nhau vạn dặm, không đồng sàng dị mộng là gì.

Trong lúc công nương buồn phiền ta thán, thì mụ Camilla lại ngoan ngoãn nghe thái tử trút bầu tâm sự về cô vợ trẻ chả hiểu mình gì cả, thỉnh thoảng mụ rót mật vào tai khiến thái tử “dính chấu», “vâng, thưa ngài, ngài nói chí lý lắm».

Giá công nương Diana dằn cơn ghen, nài nỉ thái tử thử đi nhảy đầm cho giản gân, kiên nhẫn nghe chàng nói về văn học nghệ thuật, giả vờ thắc mắc cứ như mình cũng đam mê như chàng, như rứa thái tử đâu còn cô đơn đến phải tựa đầu vào vai mụ già Camilla.

“Bà cố” giải mã làm mọi người bật ngửa, đờn ông như đứa con nít, thích được nâng niu chìu chuộng, vậy mà mợ chả lắng nghe nỗi lòng của chồng, lớn tiếng đòi ông chịu trách nhiệm này nọ, ông phát khiếp nên vắng nhà dài dài.

Bà đưa ra thí dụ, khi mình chơi với cậu bé năm ba tuổi, mình làm gì nhỉ, cưng chìu, mua bánh kẹo, dụ ngon dỗ ngọt, đôi khi lại giả vờ chơi cút bắt, bắn bi cho cậu vui, dù mình chả thích chơi như thế, vì vậy cậu bé mới mê tít mình.

Đời nào mình dám bắt cậu bé chịu trách nhiệm nếu cậu lỡ làm vỡ cái ly, lúc cậu nghịch bị đứt tay chảy máu, mình phải mắng con dao hư đốn làm cậu đau, chớ có dám lớn tiếng với cậu đâu, đấy với đờn ông cũng như rứa.

Đờn bà lắm mồm mới mắc bẫy con rắn trong vườn địa đàng, hãy làm người vợ ngoan, dù mình đang căm hờn, hãy im lặng dù mình muốn hét toáng lên, hãy kiềm hãm cơn lôi đình khiến mình muốn đốt nhà.

Khi mình kiểm soát được cơn tức giận, trấn áp sự phẫn nộ là mình đã tìm ra giải pháp ứng xử với nghịch cảnh, cách xử sự nào hay nhất, điều đó tuỳ thuộc tài ứng biến của người trong cuộc.

Bà cố vừa đưa ra một bài học cũ xì, “chồng Chúa vợ Tôi”, trong mọi xung đột bà vợ nên im lặng, dù mình chả có lỗi, có chăng là mình bị thời gian đào thải, thời gian là liều thuốc thần diệu băng bó vết thương lòng, nhưng cũng tàn nhẫn đưa mình xa rời tuổi thanh xuân.

Bà cố có lối kết bài “để đời”, phải biết dùng thời gian đúng lúc, khi trẻ ta tha hồ “ăn vạ làm nũng”, già rồi phải biết phận, phải an phận, chỉ thế thôi, nghe tức như bị kép đá đít, nghĩ lại bà có lý, vì thế bà mới làm “bà cố”.

Dĩ nhiên sách lược của bà có kẻ khen, người chê, ai kia đọc đến hai ba lần vẫn còn thẩn thờ như người mộng du, tôi chả suy tư, cắt trang báo làm “kỹ nghệ”, tôi luyện chưởng của “bà cố” sắp thành “nữ hoàng ú ớ” nói không nên lời.

Tuy chàng ngoan không có đào nhí, chỉ thỉnh thoảng lên giọng “ông cố nội” làm tôi bực.

Theo sát độc chiêu của bà cố, tôi không trả treo, lặng lẽ mở máy trút cơn giận vào chữ nghĩa, sau đó gặp chàng nhe răng cọp mà cười như mếu.

Từ ngày đọc bài của “bà cố”, tôi có truyền khẩu kinh nghiệm này với bạn bè, vậy là có người chỉ mua Báo Xuân nào có mục gỡ rối để sưu tầm thêm kinh nghiệm.

Riêng tôi, bài học của “bà cố” năm đó rất kinh điển, không sai một ly ông cụ, cứ thế mà thực hành, đôi khi giận tái mặt, nhớ lời bà răn dạy “im lặng là vàng”, ai chả tham vàng, thấy vàng không mờ mắt mới lạ.

Thế là sau cơn bão trời nắng đẹp, có rối chỗ nào đâu mà gỡ, phương châm của ông bà ta “một câu nhịn chín câu lành” không ngoa chút nào.

Mua Báo Xuân tôi chả đụng đến mục “gỡ rối”, coi Tử Vi để cười chứ con giáp nào cũng có Hên Xui, tuổi càng cao đau bệnh càng nhiều, chiêm tinh tiên đoán không đúng thì sai, y như cảnh lắc bầu cua của đám con nít.

Năm nay ai tuổi con Dê coi chừng, Hên và Xui nữa đấy, hiển nhiên như trời đất hết Đông lại sang Xuân, mà con giáp nào chả có Hên và Xui đợi chi đến “năm tuổi” mới kiêng cử.

Không tin cứ lật bản tử vi ra mà xem, từ lúc “biết yêu” cho đến bi chừ, năm nào cũng có vui buồn lẫn lộn, có năm Hên nhiều hơn Xui dù năm đó là “năm tuổi”.

Báo Xuân, cành Mai, câu đối, bánh mứt trà, gia vị ngày Tết không thể thiếu, đặc biệt phong pháo đỏ hợp “tông” với bao lì xì, hình như màu đỏ mang đến Tài Lộc.

Đấy trong nháy mắt Tết Ta biến thành “Tết Ma róc”, không tin cứ đợi đến mồng Một, Hai, Ba gặp đám con nít “móc ra” mấy bao lì xì là biết liền.

Trước thềm năm Ất Mùi, xin chúc các bạn Sức Khỏe Dồi Dào để vui chơi với đời, Tài Lộc có đủ, Thịnh Vượng đến hết năm con Dê, sang năm sau lại chúc nhau như rứa.

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
09/02/201512:07:38
Khách
Chị Thịnh Hương thân,
Cảm ơn chị hỏi thăm.
Nhớ lại một bài viết của chị kể về vụ đụng độ giữa chị và bà Mỹ già trong Parking, khi bả bảo chị « Go home »,
Chị bèn trả lời, « Home của bà cũng ở bên kia đại dương có khác gì tôi đâu », nghe khoái cái màng nhĩ.
Em đang chờ « Nữ hoàng thương xá » tái xuất giang hồ trên VB đây.
Chúc chị và gia quyến Xuân Ất Mùi, An Khang Thịnh Vượng, Sức Khoẻ dồi dào.
05/02/201523:43:24
Khách
Rất vui khi Đòan Thị trở lại sau một thồi gian ...hơi lâu ! Lối viết dí dôm của bạn làm mình tạm quên những gai góc của cuộc sống trong nhiều phút. Mong bạn hiền tiếp tục viết .

THỊNH HƯƠNG
05/02/201514:57:27
Khách
xin coi So tao quan 2015
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến