Bài số 4398-14-29798vb8113014
Tác giả là cư dân Texas. Ông giảng dạy tại đại học và là một chuyên viên hoà giải. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Bernard Nguyên-Đăng nhân mùa Thanksgiving, theo tác giả, là “chia sẻ thêm một cung lòng biết ơn”.
Tâm tình người viết: Gần bốn mươi năm tha hương, người Việt hải ngoại lãnh hội được nhiều, lãnh nhận càng nhiều hơn. Giữa không khí của ngày lễ Tạ ơn, người người hướng về, hay ít ra liên tưởng đến tâm tình “Biết ơn.” Dẫu biết nhiều bài đã viết với điều đáng ghi ơn, biết ơn, tạ ơn, nhưng chia sẻ thêm một cung lòng biết ơn, mong sẽ không thừa thãi.
Tạ ơn
Chiều hôm ấy, 15 tháng Chín, tôi đang sửa soạn rời văn phòng sớm để đi mua bông và lấy bánh về mừng sinh nhật bà nhà, chợt có điện thoại gọi. Tôi cấp tốc lái xe đến bệnh viện. Xuyên qua những hành lang, mùi thuốc và nhiệt độ thấp làm tôi cảm thấy ớn lạnh và khó chịu; hai bên, nghe thoang thoảng tiếng rên la của bệnh nhân. Những khuôn mặt đăm chiêu, im bặt của y tá, bác sĩ, càng làm tinh thần tôi căng thẳng hơn.
Nhìn trên khuôn mặt những người thân, mắt còn thấm ướt, không một tiếng thì thào. Tôi vào phòng, khựng lai, lặng yên, sờ vào chân tay người thanh niên, trạc 30 tuổi, còn ấm áp, da mặt vẫn còn hồng hào, nhưng bất động. Sau vài phút trao đổi với người thân, tôi tìm đến gặp bác sĩ trưởng khu, làm mọi thủ tục giấy tờ và đại diện gia đình ký tên để tiến hành việc rút mọi ống dẫn dưỡng khí và thuốc vào bệnh nhân. Oái ăm thay, một chữ ký nguệch ngoạc, nhưng dường như, chính tôi đã ký vào văn bản khai tử. Tại sao lại có thể như vậy! Ngay lúc ấy, ngôn ngữ trong tôi như biệt tích, trống vắng; trước mặt tôi, còn lại chăng những cái nắm tay chia sẻ nỗi đau của người vợ trẻ vừa mới cưới, của cha mẹ vừa mới đến định cư qua diện HO, của những người thân chỉ còn biết ôm chặt lấy nhau, cho nhau bờ vai hứng nước mắt.
Trên đường lái xe về, miên man liên tưởng đến định mệnh, hơi thở và nhịp tim cuối đời của một người Việt trẻ, đầy những giấc mơ và ngưỡng vọng làm người, lồng ngực tôi như trống rỗng, đầu óc tôi không còn biết gì về cái vị ngọt của chiếc bánh sinh nhật, hay vẻ đẹp của những bông hoa đủ màu trong xe.
Trưa hôm sau, ngồi đối diện bàn làm việc tại văn phòng của tôi, anh giám đốc nhà quàng Gonzalez, ăn mặc nghiêm trang, ân cần hỏi tôi về những nhu cầu, dịch vụ cho đám tang. Lần đầu tiên trên đời phải đứng vào vai trò mà suốt đời mình chưa hề chuẩn bị, hay có một mảy may hoặc khái niệm gì về tang chế. Bất cứ những gì anh ấy hỏi, tôi chỉ biết gật đầu chấp nhận. Anh thận trọng quẹt vào trên trang giấy những phần việc cần cho tống táng; rồi lấy máy tính nho nhỏ ra cộng lại, cho tổng số (total) vào tờ hóa đơn cho dịch vụ. Xong, anh đưa cho tôi và yêu cầu tôi ký ở cuối trang hóa đơn. Tôi khựng người lại, tay cầm tờ giấy, không biết mình có đọc nhầm hay hiểu sai tờ hóa đơn khộng. Tổng cộng mọi chi phí: $8,500.00, nhưng ngược lại, nơi ô “Balance: $00.0.” Tôi thắc mắc, hỏi anh, sợ tôi nhầm lẫn hay hiểu sai. Anh ôn tồn giải thích, “Quả vậy, ông không phải trả một khoản nào hết; ông chủ của chúng tôi không lấy ông một đồng nào.” Tôi ký vào tờ hóa đơn. Anh chào tôi ra về.
Tôi đóng cửa phòng, ngồi trầm ngâm, suy nghĩ. Tại sao, tại sao ông chủ nhà quàng lại có thể lo cho toàn bộ đám tang mà không tính mình một xu. Tự nhủ mình chưa quen thân với ông ấy (Albert), chưa hề đặt chân đến nhà quàng của ông ta, chưa cùng ông ăn một bữa trưa, ngay cả một ly cà phê cũng chưa một lần uống chung, ngoài quan hệ với nhau trong hội đồng quản trị của một tổ chức bảo vệ quyền lợi người Hispanic. Tôi chưa hề mở miệng xin giảm giá, đừng nói chi xin miễn phí cho trọn một đám tang.
Ngày kế tiếp đích thân ông chủ đến gặp tôi và lái xe đưa tôi đến gặp ông giám đốc của nghĩa trang. Sau đôi lời chào thăm, ông chủ nhà quàng nói, “Tôi đã đóng góp phần tôi gần trọn rồi, phần còn lại chỉ một cái huyệt, nỡ nào anh lại không đóng góp một tay?” Sau một hồi bàn thảo với ban điều hành, nghĩa trang lại cho một cái huyệt. Ông Albert như được thế, nói tiếp, “Ủa, anh cho được cái huyệt để chôn, sao lại tiếc chi một cái bia mộ?” Thế là chúng tôi ra về với trái tim nhẹ nhõm.
Trong những giờ bà con bằng hữu đến viếng, cầu nguyện, chia sẻ với tang quyến tại nhà quàng, mọi nhân viên luôn tiếp đón một cách hết sức ưu ái và ân cần. Hôm chôn cất, vẫn có đoàn xe gắn máy hộ tống và bảo vệ cho chuyến đưa quan tài đến nghĩa địa, mọi nghi thức thủ tục đều hoàn tất thật tốt đẹp.
Liên tiếp một tuần sau khi chôn cất, tôi không biết phải làm gì để thay mặt tang quyến nói trên lòng tri ân với nhà quàng, nhân viên, và cách riêng ông chủ. Chợt, liên tưởng đến mấy câu thơ của Hồ Zếnh […nếu chữ hy sinh có ở đời, tôi quyết nạm vàng. . .] tôi họa lại và đặt tiệm chuyên về hàng lưu niệm khắc tấm bảng với dòng chữ: “Tấm lòng từ bi của quí vị không phải được nạm bằng vàng, mà bằng một tình yêu thương vô biên giới.” Tôi đích thân mang đến gặp ông chủ nhà quàng, anh giám đốc và nhân viên, trao tặng tấm bảng với tâm tình tri ân.
Trong lễ tang, tôi đã cảm tạ ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ thay cho người trai trẻ vừa nằm uống. Hôm nay, ngay trong ngày lễ Tạ ơn, tâm tình tri ơn càng mang một ý nghĩa sâu đậm, tôi lại viết lên tâm tình tạ ơn nầy, cũng thay cho người thanh niên đã một lần hiện hữu trên mặt đất, đã một lần song hành với chúng ta, đã cùng chia sẻ khí trời, chia sẻ những đắng cay ngọt bùi—nói thay cho những người chưa được một lần nói hai chữ “tạ ơn,” hay, không biết ơn để tạ nghĩa.
Người Việt không có tập quán mừng sinh nhật hằng năm, nhưng riêng cái chết, tang chế, chôn cất, giỗ ky, là một truyền thống lâu đời và chiếm lấy một chỗ đứng nghiêm túc trong đời sống gia đình, và một cách trang trọng trong xã hội.
Ngày xưa, khi đặt chân đến miền đất tự do đầy thiên nhiên ưu đãi, người u châu đã biết chọn ngày nầy để nói lên tâm tình tạ ơn. Phần chúng ta, không chỉ biết mang tâm tình tạ ơn về một quê hương tự do, an bình và tràn lan cơ hội, nhưng điều đáng tạ ơn hơn hết đó chính là lòng từ bi vô biên giới của con người; những người, lắm khi chưa hề biết mình là ai, không mong gì nơi mình khi họ tận tâm giúp.
Mong sao những tấm lòng từ bi đó sẽ là ngọn đuốc soi đường chúng ta đi; lắm khi, trong từng ngày sống, biết dành chút thì giờ lắng nghe lời thở than của những ai cần đến; rộng rãi một lời nói thông cảm, thứ tha, hay can đảm và thực tế hơn nữa, là dám bên vực những kẻ cô thân, chở che những kẻ cơ bần, để rồi người người luôn biết trân quí một kiếp người được tự do —tự do tư duy, tự do nói năng, và tự do hành xử như một con người —[con người mà triết gia Diogenes vẫn đi tìm]
Bernard Nguyên-Đăng
[email protected]
"...can đảm và thực tế hơn nữa, là dám bên vực những kẻ cô thân, chở che những kẻ cơ bần, để rồi người người luôn biết trân quí một kiếp người được tự do —tự do tư duy, tự do nói năng, và tự do hành xử như một con người "
Dù ở Mỹ, chuyện "bênh vực những kẻ cô thân" vẫn là chuyện khó nhưng nếu đông người mong và làm như vậy thì điều đó sẽ bớt khó đi rất nhiều.
Cám ơn tác giả.