Hôm nay,  

Người Khách Cuối Cùng Của Sở Di Trú

21/05/201400:00:00(Xem: 17661)

Tác giả: Giang Thiên Tường
Bài số 4218-14-29628vb4052114

Một chuyện tình bảo lãnh theo diện hôn thú. Giang Thiên Tường tên thật là Tô vĩnh Phúc, cư dân Sacramento, CA từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012). Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 5, 201, đã nhận Giải Đặc Biệt 2013 với bài viết “Chung Một Mảnh Vườn.”

* * *

Hiển bước chầm chậm, ngập ngừng, nhìn xe hai bên đường một lúc lâu mà vẫn còn do dự chưa quyết định băng qua đường được.

Tuy nhằm vào buổi chiều của ngày làm việc, nhưng khu vực này của downtown cũng không có nhiều xe cộ qua lại vì là vùng cuối cùng tiếp giáp với ngoại ô vắng vẻ là West Sacramento. Hiển thường tới lui vùng downtown để giao dịch với các cơ quan công quyền như Tòa Án, Bảo Hiểm, Địa Ốc... về những việc có liên quan đến nghề nghiệp của chàng và cũng nhân những lúc đó, Hiển có dịp thả bộ dọc theo các con đường đầy bóng râm, để đếm lá vàng rơi và thả hồn mình vào cõi mộng.

Nhưng chiều nay lại khác với những chiều thơ mộng trước. Hiển ăn mặc lếch thếch, đầu tóc bù xù, hoang mang, lo lắng. Hiển cảm thấy có gì thiếu sót, chưa sẵn sàng, khi định tiến tới, khi muốn quay trở lại xe để suy nghĩ thêm.

Cuối cùng Hiển bậm môi, tiến bước băng qua đường, đến chỗ không muốn đến lắm.

Tòa building trắng, cửa kính xanh nhợt, không cao lắm so với các building khác ở downtown, chỉ chừng 5, 6 tầng, nhưng trông sao uy nghiêm, đang sờ sờ hiện ra trước mắt Hiển đầy thử thách. Đây là cơ quan đầu não của tiểu bang Cali, lo về Nhập Tịch và Di Trú mà tên chính thức là U.S. Citizenship and Immigration Services hay viết tắt USCIS, mà người Việt thường gọi Sở Di Trú.

Hiển bồn chồn, rảo bước qua sân trước, tiến vào hai lớp cửa kính thì tới trạm kiểm soát an ninh. Sau khi đặt hết tư trang kể cả dây thắt lưng và đôi giày vào cái hộp nhựa để đưa qua máy dò, giống như ở các cơ quan công quyền quan trọng khác của Mỹ, một nhân viên an ninh phát giác điện thoại cầm tay của Hiển, liền ngăn chận ngay:

- Không được, ông phải để cell phone ở ngoài, không đem vào tòa nhà này được.

Hiển vội cãi ngay:

- Nhưng tôi sẽ không sử dụng nó và turn off nó khi vào.

- Cũng không được, người nhân viên quả quyết, đây là qui định mới trong lúc này.

Hiển vội trở ngược ra, nhìn dáo dác ngoài sân xem có chỗ nào kín để giấu tạm cell của mình, định khi xong việc chốc lát trở ra lấy lại. Trái với sự mong muốn của Hiển, sân ngoài của tòa nhà toàn những bệ xi măng phẳng lì, kế bên là một bồn hoa với nhiều người ngồi chung quanh, không có chỗ nào kín đáo cả.

Hiển đành lủi thủi, áo quần xốc xếch, kéo dài khổ hình đi bộ trở lại nhiều blocks để cất vào xe cái cell vô dụng lúc này. Chàng khổ không phải vì đi bộ mà khổ vì phải đếm từng bước đi trên nỗi buồn sâu xa, ray rứt. Tay Hiển thỉnh thoảng phải kéo lưng quần đã rộng thùng thình do gầy ốm vì những đêm dài mất ngủ.

Vào ngồi trong xe nghỉ một chút, Hiển nhìn bìa đựng hồ sơ mà ngao ngán. Hỏi ai bây giờ nữa đây? Mà mình đã hỏi nhiều người và hỏi chính lòng mình nữa. Riêng lòng mình khi trả lời nên, khi trả lời không. Hiển tự nhiên nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Chàng nhủ thầm: “Hay là mình cứ về thôi, việc tới đâu hay tới đó?”

Cuối cùng, Hiển cũng quay trở lại Sở Di Trú, dường như trong đời Hiển khi đã đi đâu, ít khi về nửa chừng được.

Theo thang máy lên lầu 2 là nơi làm việc, Hiển ngạc nhiên thấy bảng mũi tên đề “Infopass Check in.”

Hiển liền hỏi một nhân viên:

- Tôi lần đầu tới đây, không biết check in thế nào?

Người nhân viên vui vẻ trả lời:

- Tùy trường hợp, nếu ông có giấy mời đến interview thì check in ở window interview bên phải này, còn nếu ông chỉ đến hỏi information thì cầm tờ “Infopass” check in ở window bên trái.

Thấy Hiển còn ngơ ngác, vị nhân viên giải thích tiếp:

- Khách hàng nào không có giấy mời cũng phải lấy hẹn trước bằng cách vào web của Sở Di Trú, xong in ra tờ “Infopass” để check in.

Hiển cố nài nỉ:

- Tôi hiểu, nhưng hôm nay tôi có việc gấp, muốn walk-in được không?

Người nhân viên lưỡng lự:

- Ở đây không có window để walk-in, nhưng ông có thể thử đợi sau vài chục người có hẹn. Nên nhớ ông có thể sẽ là người được tiếp cuối cùng trong ngày hôm nay nhé!

Hiển nhìn quanh, thấy có chừng vài chục người đang cầm tờ “Infopass” để check in, đành thẫn thờ chấp nhận số phận là người cuối cùng trong ngày. Chàng tìm một góc phòng vắng, ngồi chờ đợi.

Phòng chờ khá khang trang, thoải mái. Ba hàng ghế băng dài còn trống nhiều chỗ như đang mong chờ thêm khách cuối ngày. Băng ghế làm bằng gỗ bóng láng, nhưng sao nghe lành lạnh trong nỗi cô đơn, buồn bã của tâm hồn.

Không có sách báo gì sẵn sàng để đọc, Hiển ngồi ơ thờ nhìn bìa hồ sơ khá dày đang để trên đùi của mình. Khi đến đây, Hiển chỉ phải nộp một tờ đơn thôi, nhưng do thói quen, chàng thường hay giữ tất cả giấy tờ của một vấn đề gì chung trong một bìa lớn có nhiều ngăn, sắp theo thứ tự thời gian. Tới lúc chuẩn bị đến Sở Di Trú, Hiển chụp cả bìa lớn mang đi vì không có đủ thì giờ hay đúng ra không đủ can đảm lấy riêng tờ đơn cần nộp.

Tay Hiển bâng quơ lật bìa cứng của hồ sơ bảo lãnh của mình, không có chủ đích gì rõ rệt.

Trang đầu he hé hiện ra, tuy không phải là đơn sắp nộp hôm nay, nhưng xem tựa đề sao quá quen thuộc - Form I-130, Petition for Alien Relation - Tờ Đơn Bảo Lãnh Thân Nhân Nước Ngoài. Thật ra, Hiển đã nhờ một văn phòng dịch vụ di trú tư lo tất cả thủ tục, giấy tờ để mình rảnh trí trong những việc quan trọng khác. Đây chỉ là bộ giấy tờ copy để lưu lại, nhưng Hiển quá quen thuộc với nó vì chàng đã để bao tâm trí và nhiệt tình xem lại trước khi hoàn bản chính cho văn phòng dịch vụ.

Một bên tờ đơn là các dữ kiện cá nhân căn bản của Hiển, bên kia của nàng, người được bảo lãnh. Chỉ đơn giản vậy thôi mà như nó có cái hồn, nói lên bao bâng khuâng, lưu luyến, lẫn bùi ngùi, xót xa. Giấy tờ được ghi chép có thứ tự, lớp lang còn kỷ niệm thì không chịu về theo thứ tự như vậy. Chúng hiện ra lộn xộn, mơ màng, tuy sự việc chỉ vừa xảy ra mấy tháng nay.

Lóe lên trước là hình ảnh một bó hoa nho nhỏ, xinh xinh, hình như là hoa hồng có xen lẫn hoa màu tím mà Hiển tặng cho nàng với nụ hôn đầu nồng cháy khi rước nàng vừa đến Mỹ tại phi trường San Francisco. Rồi cũng lần đầu tiên, Hiển được đứng kề sát bên nàng, Giáng Hương, bằng da bằng thịt chớ không phải tưởng tượng qua các thư tình băng ngàn hải lý như trước, chụp một tấm hình kỷ niệm bên ngoài phi trường trước khi lên xe.

Hiển không lái xe thẳng về nhà mà lượn qua lượn lại để Giáng Hương có dịp ngắm thành phố Mỹ lần đầu, sau đó ghé qua dinh Capitol, chụp chung một tấm hình bên con gấu trắng được đặt trước cửa văn phòng làm việc của Thống Đốc. Lúc đó, nàng mặc một robe màu trắng, tay vịn con gấu, đầu ngã về vai Hiển, bức hình đẹp, chứa bao kỷ niệm ban đầu nay trôi nổi, bềnh bồng về đâu?

Các hình ảnh trong các chuyến du lịch khác với nàng cũng lần lượt bay chập chờn trong vùng trời nhớ nhung. Này là Lake Tahoe, với chiếc du thuyền bập bềnh giữa trời trong, sóng xanh với đôi nhân tình âu yếm chuyện lòng. Kìa là vườn hoa Nhật Bản ở San Francisco, với những chùm cây uốn cong, suối nhỏ róc rách, Hiển cùng nàng ráng leo lên cầu cao để chụp hình. Còn nữa, vùng trời Oregon thật mát mẻ với những dãy cây thông trùng trùng điệp điệp, với rừng Redwood đầy thơ mộng mà lúc hai người yêu tiến vào, bầu trời dường như đổi màu tối dìu dịu, bên cạnh những cây thân to cao vút, một bản giao hưởng tình yêu như văng vẳng thiết tha.

- Now serving D 36 at window 4.

Hiển giật mình. Bản giao hưởng trong mộng bị cắt đứt bởi lời loan báo oang oang trong máy. Tới phiên mình rồi sao? Hiển lật đật cầm hồ sơ đi tìm cửa sổ số 4. Nhưng không phải. Đã có người đến đó rồi. Thì ra, Hiển thuộc loại walk-in, đâu có số gì. Số thẻ D 36 hơi giống với số thẻ mà Hiển có lúc sáng ở DMV, làm chàng tưởng lầm mà thôi.

Hiển thất vọng, trở lại ghế ngồi. Cuộn phim dĩ vãng lại tiếp tục quay lại từ từ, lần này, vui buồn lẫn lộn.

Những ngày đầu đưa nàng về nhà riêng là những giây phút tràn trề hạnh phúc nhất trong đời Hiển.

Gian phòng nhỏ của lứa đôi chợt thoáng hiện thật nhanh, khi rõ, khi mờ. Một cái nôi có bánh xe đẩy cho em bé mà Hiển và nàng đồng ý mua ở garage sale trong hy vọng chứa chan về đứa con đầu lòng tương lai, đặt sát góc phòng. Góc bên kia của phòng là bàn nhỏ, đặt “bức hình thương” của nàng. Cái gối ôm dài, màu hồng mà nàng rất thích để trên giường đặt sát cửa sổ, sao cho trăng mười hai đêm đó dịu dàng soi vào mối tình đầy thơ.

Nhưng những ngày vui sao qua mau, hạnh phúc sao quá chóng tàn.

Một hôm, sau một ngày vui vẻ, hạnh phúc, vừa rời khỏi nhà đi làm thì Hiển nhận điện thoại Giáng Hương gọi giật lại, giọng tức giận, hổn hển:

- Anh ơi! Em vừa khám phá một cọng tóc dài trong nhà tắm, có ai lạ vào nhà?

Hiển cười:

- Đó là tóc em chớ còn ai nữa?

Nàng đỏng đảnh cãi:

- Tóc em ngắn chớ không dài.

- Anh không biết nói sao, nhưng có bao giờ anh ở nhà một mình với người khác mà không có em?

Một hôm khác, đôi lứa đang vui vẻ nồng nàn thì vài phút sau nàng bỗng nức nở:

- Dạo này em thấy anh không còn nồng nàn với em như xưa.

- Em nói sao vậy? Hiển ngạc nhiên hỏi.

Giáng Hương kể lể:

- Cuối tuần qua, khi em đi quyên tiền cho quỹ từ thiện, anh không đem máy theo chụp cho em để gởi về nước, vậy là anh hết yêu em, muốn tống cổ em về Việt Nam phải không?

Hiển không ngờ cuộc sống chung thoạt đầu quá hạnh phúc lại bất ngờ trở nên căng thẳng, khổ sở do tính tình của Giáng Hương mưa nắng, thay đổi liên tục nhiều lần trong ngày và cứ tiếp diển dằng dặc. Đó là chưa kể những đòi hỏi vật chất mà chàng nghĩ với tư cách người chủ gia đình phải làm tròn.

Suốt hơn hai tuần, Hiển ôm đầu, đau khổ và bối rối trước nghịch cảnh thật khó giải quyết. Một mặt chàng yêu Giáng Hương quá nhiều, muốn xây đắp mối tình đầu thơ mộng thành hôn nhân lâu bền, mặt khác chàng luôn bị căng thẳng, lo âu bởi tính tình bất thường của Giáng Hương. Hiển biết không thể nào trực tiếp khuyên giải Giáng Hương, còn gia đình chàng hầu như không hay biết chuyện tình này thì làm sao dám hỏi.


Cuối cùng, Hiển cũng nhớ tìm được hỏi ý kiến bác Linh là người bạn của gia đình. Bác là người có nhiều học thức và kinh nghiệm trên đường đời.

Bác Linh suy nghĩ và phân tích:

- Hôn nhân là chuyện quan trọng và phải có đủ thời gian tìm hiểu để quyết định. Theo như cháu vừa trình bày, cháu được biết là nàng đã có một đời chồng và có cuộc sống tình cảm lãng mạn, cháu bỏ qua dĩ vãng và xóa hết những khác biệt về học vấn, sở thích, phải không?

- Vâng, Hiển mau lẹ trả lời, cháu chỉ xem tình yêu với nàng là trên hết.

Bác Linh phân tích tiếp:

- Nhưng cháu hãy nhìn vào một khía cạnh khác của vấn đề rất quan trọng. Đây không phải là xích mích giữa hai người, nên không có chuyện hòa giải để một người xin lỗi hay một người tha thứ. Đây là vấn đề nhân cách hay bản ngã bất thường của cô ấy, khó thay đổi hơn tính tình rất nhiều. Phải có một chấn động nào đặc biệt, bác lấy thí dụ cho dễ hiểu, một người suýt té xuống vực thẳm hay suýt bị kẻ thù giết, thì mới có thể thay đổi phần nào bản ngã.

Hiển bồn chồn hỏi:

- Cháu bắt đầu hiểu, nhưng ý Bác thì cháu phải làm sao đây nếu không thay đổi được gì nơi cô ấy?

Bác Linh nói quả quyết:

- Cháu phải chấm dứt ngay bây giờ!

Hiển giật mình và bất mãn:

- Cháu có danh dự, khi đã hứa mọi việc với cô ấy về hôn nhân và bảo lãnh thì cháu phải giữ. Cháu nghĩ nếu đợi Sở Di Trú phỏng vấn cô ấy và khi cô ấy hợp lệ ở Mỹ thì mình tính sau được không?

Bác Linh lý luận:

- Đó là cháu định hành động như các vụ bảo lãnh giả mà hiện nay pháp luật Mỹ đang chú ý điều tra. Nhưng điều chính yếu là cháu muốn làm thật, muốn có tình yêu thật, hôn nhân thật. Do đó nếu cháu để thủ tục bảo lãnh tiến hành đến khi cô ấy được hợp lệ định cư ở Mỹ, rồi nhỡ trong thời gian hôn nhân khi chưa đủ ba năm mà vì cuộc sống chung không hòa hợp do bản ngã thất thường của cô ấy, khiến cháu không có tình yêu, hạnh phúc, cháu quyết định chấm dứt trễ muộn thì cô ấy lại càng dở dang khổ sở hơn.

Cháu hãy nghĩ xa, nếu cháu chấm dứt cuộc tình ngay bây giờ, cô ấy sẽ đi về Việt Nam như là kết thúc một chuyến du lịch bình thường vài tháng qua Mỹ mà thôi.

Thoạt nghe lý luận của bác Linh, Hiển cảm thấy choáng váng, ngoài sức dự tưởng của mình. Nó nghe sao mà tàn nhẫn, thiếu tình cảm quá. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Hiển không còn thấy sự lựa chọn nào khác.

Đoạn phim cuối của cuộc tình buồn, ngắn ngủi nhất, ít lời nói nhất, nhưng để lại ấn tượng bi thảm nhất trong đời Hiển vụt thoáng hiện nhanh trong ký ức.

Chiều hôm đó, sau khi đưa Giáng Hương đi chơi về, Hiển vội vã ra đi, dặn dò Giáng Hương nhớ mở điện thoại.

Xe đi được vài blocks, Hiển vẫn chưa tìm được chỗ đậu xe nào, liền rẽ vào một tuyến vàng giữa đường, chụp vội điện thoại, hổn hển gọi về:

- Em, anh thương em! Tội nghiệp em quá!

- Anh…?

Hiển tự nhiên lấy lại phần nào bình tĩnh, ráng nói một hơi, tuy không mạch lạc:

- Em, kết quả thử Hepatitis B của em tốt, có biên nhận chích ngừa, anh ra đi, để lại tất cả giấy tờ trong bìa, nhiều thứ, có thư từ biệt dưới nệm của giường nhỏ.

Đầu giây bên kia cũng bồn chồn, nao núng:

- Giường nhỏ nào anh?

- Giường nhỏ ở phòng khác, nơi chúng mình xem TV mỗi đêm đó.

Hiển cúp điện thoại ngay, để máy ở thể rung-vibrate-, xong lái xe phóng nhanh. Lời bác Linh còn văng vẳng bên tai: “Nàng không có lỗi gì để xin lỗi” khiến chàng không còn biết phải giãi bày thế nào nữa.

Vài phút sau chàng nghe tiếng nàng gọi lại dù chỉ làm rung máy, tiếng gọi liên tục, nhiều lần, như thể là tiếng người kêu đau đớn, thất thanh.

- Now, serving D 58 at window 5.

...

Hiển chợt nhận ra là máy phóng thanh đã gọi tới người cuối cùng có số.

Hiển lật nhanh bìa hồ sơ để tìm cái đơn cần nộp: bìa bên trái các Forms nhảy múa, Form I-130, I-131, I-864 Affidavit of Support... Không phải! Bìa bên phải: giấy khai sanh, hôn thú, chích ngừa, Summons, Petition of Dissolution of Marriage- các mảnh đời tan vỡ, cũng không phải!

Hiển cuống quít, lật qua lật lại chỉ thấy thêm vài hình ảnh và giấy vụn. Chàng ngồi thừ người. Cái gì mình cảm thấy quan trọng, cất giấu quá kỹ thì thật khó tìm.

Trong phút cuối, Hiển chợt nhớ ra: "À, nó không phải là một mẩu giấy rời, mà được văn phòng dịch vụ đặt vào một phong bì màu vàng nhỏ và căn dặn:

- Thường thì chúng tôi giúp gởi các Forms đi cho thân chủ, nhưng lần này quan trọng và có thể là lần cuối, nên chúng tôi trao cho ông đích thân đem đến Sở Di Trú để nộp.

Hiển nhớ đã cẩn thận hỏi lại:

- Form này tên gì? Để tôi biết mà nói chuyện với họ.

- Không phải Form, cô lo dịch vụ giải thích, đây chỉ là bức thư xác nhận có chữ ký của ông thôi.

Nhớ được sự việc kỹ như vậy, nên Hiển tìm được bao thư nhỏ màu vàng ở cuối bìa dễ dàng. Tuy nhiên, chàng cũng muốn biết chắc không nhầm lẫn, mở vội phong bì, kéo hi hí bức thư cho ló ra một chút. Thoạt nhìn tựa đề của bức thư, Hiển như chóa mắt.

"Abandonment of the I-130 Petition for Alien Relative".

Những dòng chữ tiếp theo mà văn phòng dịch vụ đánh máy sẵn cho Hiển cũng vụt thoáng nhanh, không kịp chận lại, trong nghẹn ngào, đau xót:

“Tôi viết thư này đến Sở Di Trú để thông báo là tôi từ bỏ việc bảo lãnh cho Cô… Tôi không hợp với Cô ấy. Tôi nhận thấy Cô ấy rất khác với người mà tôi đã từng gặp khi quyết định chung sống cách đây vài tháng”?

Hiển run run, đẩy vội bức thư vào phong bì, chồm ngay tới cửa sổ số 5 là nơi người có hẹn cuối cùng vừa xong. Chàng lẩm bẩm: “Sở Di Trú rất khó, mọi sự đều đòi hỏi phải có Form đàng hoàng, còn bức thư này được viết lảm nhảm như kể chuyện tình thì chắc chắn họ sẽ không nhận và như thế mình sẽ có thêm thời gian để tính lại chuyện này”.

Trái với dự tính của chàng, bà đại diện ở cửa sổ số 5 hôm nay sao mà nhân hậu, dễ dãi quá! Bà vui vẻ trả lời khi nhận đơn của chàng:

- OK, được, nhưng để tôi xem thêm cho ông.

Bà đại diện click vài cái, nhìn vào màn ảnh computer, rồi vui vẻ nói:

- Tôi nhận thư này và chuyển đến “Processing Center”dùm ông. Nhưng xem qua hồ sơ ông, tôi thấy buổi Interview cách đây 10 hôm ông không có đến, như vậy sự vắng mặt của ông đã đương nhiên cancel đơn thỉnh cầu bảo lãnh của ông rồi. Đơn abandonment của ông chỉ là một hình thức hợp thức hóa một sự kiện đã rồi.

Hiển ngạc nhiên, ấp úng hỏi:

- Như vậy, mọi việc đã xong…?

Bà đại diện gật đầu.

- Xong cả rồi. Chẳng những như vậy, mà theo luật di trú của Mỹ, sự withdraw của ông không thể appealed - kháng cáo - gì được cả.

Hiển bàng hoàng, ngẩn ngơ, không còn biết hỏi gì nữa, buồn bã bước xuống thang lầu và là người khách cuối cùng rời khỏi Sở Di Trú.

Ra đến sân ngoài của tòa nhà này, Hiển bơ phờ mệt mỏi sau mấy giờ nghĩ ngợi, căng thẳng. Chàng liền ngồi nghỉ tạm nơi một bệ xi măng vuông, kế bên bồn hoa. Hiển sắp xếp lại giấy tờ chuẩn bị ra về thì giật mình thấy một tờ giấy viết tay có tuồng chữ quen thuộc rớt ra. Chàng lượm lên ngay: thư của Giáng Hương để lại mà chàng đã vô tình dồn vào hồ sơ, chưa có can đảm đọc trong những ngày bối rối:

“Anh yêu dấu,

Em đã khóc quá nhiều khi anh bỏ em ra đi. Sao anh lại đối xử quá bạc bẽo đối với em như vậy?

Em không ngại quay về nước, nhưng điều lo lắng nhất là tương lai của bé Hồng, nó không có ba anh ạ. Nó đang cần có nơi nương tựa, cần đến một nước văn minh, có nền giáo dục tiến bộ. Anh đã làm mất giấc mộng của em đưa con qua thiên đường Mỹ, học trường Mỹ?

Em cám ơn anh đã dẫn em đi xem những thắng cảnh trên đất Mỹ, nhưng tại thủ phủ Cali, nơi anh nói đã từng sống và làm việc được nhiều chục năm, em còn thiếu Old Sacramento mà anh nói có nhiều di tích lịch sử và các chuyến du thuyền trên sông đầy thơ mộng mà chúng mình đã nhỡ?

Anh nhớ cất giữ cho em bức hình chụp lúc em đứng khóc trước cửa nhà chúng mình trước khi lên đường về nước sau chuyến du lịch Mỹ lần thứ nhất. Anh còn nhớ không? Đó là bức hình đẹp nhất trong đời em. Mai kia khi chúng mình có dịp gặp lại, anh cho em xin lại bức hình ấy?

Em, sắp xa anh ngàn trùng.

Giáng Hương.

Hiển xem xong, ứa nước mắt. Chàng tuy buồn nhiều, nhưng cũng có chút hy vọng và lý do được hồi âm. Chàng vội rút một mẫu giấy, ghi vội trong giấy nháp những ý tưởng cho thư trả lời:

“Em yêu dấu

Anh xin lỗi đã làm em đánh mất giấc mơ đến thiên đường Mỹ. Dù em có thật yêu anh hay không, giấc mơ của em là một giấc mơ rất chính đáng, nhất là mộng đưa con cái qua Mỹ để được hưởng một nền giáo dục rất hay ở đây.

Chúng ta có duyên mà không có nợ. Mối tình của chúng ta thật thơ mộng, lãng mạn, nhưng hôn nhân là một thử thách thực tế quá phức tạp mà chúng ta không đủ thời gian và kinh nghiệm để đối phó. Hôn nhân của chúng ta đã nhằm hai mục tiêu khác biệt rồi em ạ, một đàng là tình yêu đơn thuần và lý tưởng, một đàng là để đi Mỹ. Tuy chuyến du lịch vài tháng đến Mỹ của em không kéo dài bằng hôn nhân được, nhưng giấc mộng của em vẫn còn có thể thực hiện được một ngày nào đó. Luật di trú của Mỹ càng cởi mở, làn sóng người nước ngoài tiếp tục vào Mỹ càng nhiều qua du lịch, du học?

Riêng anh, trời bắt phải dằn vặt suốt đời về những gì không làm được cho mối tình tha thiết mà phù du này. Bức hình em nói đứng trước cửa khóc, anh sẽ cố tìm, nó có thể nằm đâu trong album của chúng ta, hay còn trong laptop hay trong lòng anh mà anh sẽ giữ như hình tượng suốt đời.

Anh,thương em suốt đời”

Hiển không lái xe về nhà ngay mà tiếp tục theo đường Capitol Mall, từ từ về phía Tây. Đi được vài blocks, Hiển hồi hộp nhìn về phải, hướng về thành phố cổ Old Sacramento, nơi mình và người yêu đã nhỡ dịp đi du thuyền trên sông. Hiển phân vân, định rẽ vào đó một chút để lặng nhìn thiên đường nhỏ mà hai người yêu chỉ đến được trong mơ. Nhưng thôi, chàng thấy vào đó chỉ tăng thêm nỗi buồn trong cô độc.

Nhìn phía trước, Hiển thấy chiếc cầu vàng Town Bridge đã sờ sờ trước mặt trong buổi chiều tàn, một hình tượng tiêu biểu, nối liền thủ phủ Cali, nơi mà chàng định cư gần ba mươi năm với vùng ngoại ô vắng lặng ở phía Tây, nơi mà Hiển chưa có dịp qua lần nào. Chàng quyết định qua thử Cầu Vàng lần đầu tiên, đến vùng trời mới, nơi có thể có hy vọng mới hay ít ra trong lúc này cũng là vùng trời của lãng quên.

GIANG THIÊN TƯỜNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,750,176
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến