Hôm nay,  

Những Người Đàn Bà Của Tôi

10/05/201400:00:00(Xem: 10868)
Tác giả: Kông Li
Bài số 4208-14-29618vb7051014

Bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ đang tới. Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools

* * *

Nhân ngày lễ Mẹ 2014.

Trong hang động của người tiền sử, trên vườn Địa Đàng, trong lịch sử, truyền thuyết, thần thoại, dân gian, trong những kiệt tác của nhân loại về điêu khắc, thi, nhạc, họa, phim, ảnh, … đều có nguồn cảm hứng từ những người đàn bà, đều lãng vãng những hình bóng người nữ. Tại sao? Vì họ tượng trưng cho sự sinh tồn của nhân loại, trí thông minh, sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn và sắc đẹp thiên thần. Những người đàn bà, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, đều có một đặc điễm chung là thiên chức làm mẹ.

Tôi không có mẹ trong cuộc đời niên thiếu của tôi, nhưng tôi may mắn có ba người đàn bà như thế.

Chị tôi lớn nhất nhà có đông anh em. Vừa học xong lớp nhất. cha mẹ bắt chị ở nhà để lo cơm nước, giặt giũ cho cả gia đình gồm 11 người. Được vài năm, khi có người đến hỏi cưới chị, ba má tôi bằng lòng gã ngay, để nhà bớt chật chội và đở được một miệng ăn.

Ra riêng, không tài sản, bà cùng chồng, một anh thợ máy hiền lành ở quê, phải chạy xuôi, ngược, để mượn tiền mua một căn nhà gỗ trong xóm, mở một tiệm tạp hóa nhỏ để sinh sống.

Một buổi tối, bà đang ngồi gọt cóc, ổi, xoài xanh… để bán cho trẻ con trong xóm thì đứa em út chạy đến, mếu máo cho biết là ba má và mấy anh đi đâu từ sáng sớm đến giờ chưa về. Bà lật đật đóng cửa tiệm và chạy về nhà cha mẹ để xem. Nhà trống trơn, chỉ còn 5 đứa nhỏ, vừa đói, vừa sợ, đang khóc thút thít trong phòng. Bà vừa lo cơm nước vừa an ủi các em và chờ cha mẹ về.

Trông ngóng được vài ngày, nhưng cha mẹ vẫn biệt tăm, hỏi chẳng ai biết gì. Vợ chồng bà phải bán rẻ căn nhà, để về làm cha mẹ của 5 đứa em còn ngây thơ.

Ngày qua tháng lại, chị tôi sanh được 5 đứa con. Để nuôi một gia đình lớn gồm 10 đứa nhỏ, đang tuổi ăn học, vui chơi, anh chị phải làm việc quần quật, thức khuya, dậy sớm, không một ngày nghỉ ngơi. Những món ngon, vật lạ, quần áo mới đều dành cho 10 đứa con của chị. Chị lo lắng, buồn rầu khi chúng tôi lâm bệnh. Chị vui mừng khi chúng tôi được thầy cô khen thưởng.

Những đứa em và những đứa con của chị lớn lên trong sự thương yêu, đùm bọc. Tình thương bao la và sự hi sinh cao cả của chị đã giúp cho 10 đửa trẻ thành những người có chỗ đứng trong xã hội.

Chị vui mừng khi anh em tôi ra trường và có công ăn việc làm. Chị rơi nước mắt cầm ít tiền của các em khi lảnh lương.

Ngày tôi ở tù về, chị ôm tấm thân rách nát, tiều tụy của tôi mà khóc nức nở, thương cho đứa em, đứa con bị đầy đọa, nhưng chị không thể giúp đỡ tôi nhiều được, vì cả nhà chị cũng đang đói.

Với anh em tôi, chị không chỉ là chị mà là bà mẹ chung. Về già, mỗi khi trái gió trở trời, lúc nào cũng có sự hiện diện của 10 đứa con của chị bên giường bệnh, hỏi thăm, chăm sóc, thuốc men để tỏ lòng hiếu thảo với một người đàn bà đã tận tụy, quên cả tuổi thanh xuân vì “đám con” của mình.

Gia đình tôi đang chờ đi tị nạn theo diện H.O. Tôi nghĩ đây sẽ là một dịp tôi sẽ đền ơn đáp nghĩa cho một một người vừa chị vừa mẹ khi tôi qua Mỹ. Nhưng chưa đến ngày đi thì chị cũng đi theo người chồng hiền lành của chị vì quá lao lực, lao tâm thời trẻ.

Ngày chị xuôi tay, những đứa con, những đứa em, cùng chồng vợ và 4 đứa con của chúng tôi, đứng quanh quan tài bằng gỗ tạp của chị, không thể lau cạn dòng lệ đang tuôn trào, khóc thương cho cuộc đời lam lũ của một người mẹ, một người chị, luôn quên thân mình, chẳng bao giờ than trách, cứ lặng lẽ chịu mọi đắng cay của cuộc đời, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, và cầu mong người mẹ, người chị từ nay sẽ được hưởng phước muôn đời.

*

Bà góa chồng khi còn khá trẻ. Ông mất trong một tai nạn xe hơi, để lại bà côi cút với 8 đứa con còn nhỏ. Bà cương quyết ở vậy nuôi các con bằng chiếc xe sinh tố đầu đường. Bà có tướng đôn hậu, có nụ cười thân thiện, tính tình dễ dãi, nhưng khi nghe đứa con gái đầu lòng xinh đẹp định lấy chồng, bà phản đối ngay, vì thấy con gái bà không có tương lai với thằng rễ tuổi học trò. Nhưng khi nghe bà mẹ chồng bói:

-Hai đứa hợp tuổi nhau, sẽ sống đời. Con này không có tướng vượng phu, nhưng là lá bùa hộ mạng cho “thẳng”, sẽ giúp chồng nó tai qua nạn khỏi nhiều phen. Thôi, tội tụi nó!

Nghe lời mẹ, bà miễn cưỡng gật đầu, buồn bã, để đứa con gái ngoan hiền, giỏi giang về nhà chồng.

Sinh được đứa con đầu lòng, vì phải đi dạy học và chồng đang ở đơn vị, đứa con gái phải đưa con về để Bà chăm sóc. Từ ngôi nhà bé nhỏ này, bốn đứa con tôi lần lượt ra đời, trong sự chăm sóc, nâng niu của bà Ngoại. Chúng lớn lên, ăn chơi, học hành trong tình thương trìu mến của Bà. Gần gũi với bà, việc gì chúng cũng Ngoại ơi, Ngoại à. Ăn với Ngoại,, đi chơi với Ngoại, ngủ với Ngoại… Mươí mấy năm đầu đời của các con tôi, chưa lần nào chúng thốt lên một tiếng “Nội ơi”. Khi tôi ở tù về, Bà giang tay đón nhận

tôi như một đứa con trai xa nhà đã lâu, an ủi và chúc mừng cho sự sum họp gia đình của con.

Ngày chúng tôi đi Mỹ, bà không khóc, ngồi im lặng trong góc nhà, có vẽ buồn nhiều hơn vui. Buồn khi phải xa các cháu ngoan ngoản và đứa con gái thân yêu lần thứ hai; vui vì biết rằng con và cháu mình sẽ có một tương lai sáng lạng hơn.

Ngày nay, bà mất đã lâu, nhưng hình ảnh của một bà Ngoại đôn hậu, tận tụy hi sinh cho con cháu trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của đất nước, không bao giờ phai nhạt trong tâm tư, tình cảm của chúng tôi.

*

Nàng là nữ sinh một trường Trung Học miền biển. Nàng đẹp vì mái tóc xõa ngang bờ vai thon thả, nụ cười tươi với má lúm hai đồng tiền và đôi gót son đo đỏ, nắng và gió mặn của biển không làm rám được nước da trắng hồng của nàng. Qua người bạn, tôi được quen nàng. Hi vọng của tôi tịt ngay khi tôi thấy nàng có cái đuôi dài thường thượt, gồm đủ cả Hải, Lục, Không Quân, hai, ba mai gì cũng có. Còn tôi, đang đi học, nhà cửa chưa có, sự nghiệp cũng không. Bạn tôi thường nhắc khéo tôi: “Nhất cự ly, nhì tốc độ, ba nhà tô, bốn xe cộ.” mà tôi thì Bốn Không.

Trong tình thế tuyệt vọng, tôi đem thiên khiếu ra sử dụng: lì lợm

Đẹp trai không bằng chai mặt.

Mấy tên mê gái thường đến thăm nàng, lúc nào cũng thấy một tên mặt sắt đen sì ngồi đồng, để phá đám, cương quyết giành dân, lấn đất, một bước không đi, một ly không dời. Riết rồi mấy cha đó phát nản, đành khiêng cây si đi nơi khác, để lại một mình ta và nàng.

Trước khi tôi vào lính, tôi thông báo ngày hứa hôn chúng tôi với bà con và bạn bè. Bạn học và bà con nàng tưởng nghe lầm, hỏi đi, hỏi lại 2,3 lần và phán một câu mất cảm tình:

- Không hiểu noi ! Không thể tin được. Thằng này chắc có bùa Lỗ Ban! Riêng bạn bè tôi thì khen không tiếc lời.

Chúng tôi cưới nhau ngày tôi ra truờng. Ngày hợp hôn, nàng không may áo cuới, nhưng nàng vẫn rạng rỡ trong chiếc áo dài tím, có thêu hoa nho nhỏ, mà thường ngày nàng mặc khi đi dạy.

Từ ngày làm vợ lính, trách nhiệm càng đè nặng trên vai nàng. Ngoài việc trường, nàng cùng mẹ phải lo cơm nước cho các con và các em, theo dõi việc học hành, chơi đùa của chúng, thỉnh thoảng lại đi thăm chồng ở xa. Những nhọc nhằn của một người mẹ, người vợ và người con trong gia đình được nhân gấp trăm, gấp ngàn lần khi miền Nam bị “giải phóng.” Chồng xách túi “đi học 10 ngày.” Mẹ thất nghiệp vì dân trắng tay. Lương giáo viên 30 đồng bạc vĩ đại để nuôi 12 con người và người chồng đang gặm một mối căm hờn trong cải tạo, như muối bỏ biển. Mỗi kỳ đi thăm nuôi chồng, nàng phải vay mượn tiền bạn bè chỉ đủ được 1 lon gô mắm ruốc xào mỡ và một gô muối nhiều hơn đậu. Để đắp đỗi qua ngày, đồ đạc trong nhà, từ tủ, bàn, ghế, ly, chén kiểu, bộ ván gỗ cẫm lai …lần lượt ra chợ trời. Những chiếc áo dài đủ màu, đủ kiểu của cô giáo ngày xưa đựoc “chị em ta” hỉ hả chào đón

Dù khó khăn tột cùng, tưởng không thể nào vượt nổi, nhưng nàng vẫn một dạ sắt son với người chồng đang bị trả thù, nuôi dạy con tốt, chịu đói cho con được ăn no, chịu rét cho con được ấm, chịu khổ cho con sướng. Để ngoài tai những giọng uyển tiếng kèn của các tên cơ hội, trong này cũng như ở ngoài nớ. Nàng thẳng thừng từ chối những lời dụ dỗ, hăm dọa của Phường, Khóm, không đi Kinh Tế Mới, để chồng được “về sớm”, và cương quyết ở lại chờ chồng, để cùng nhau đồng hành đi suốt cuộc đời như lời nguyện trong ngày hôn lễ.

Hết cơn mưa trời lại sáng, cơn bĩ cực đã qua. Chúng tôi đang có cuộc sống đầy đủ, tự do, hạnh phúc với con, cháu nội, chau ngoại ở Đức và khắp nước Mỹ, quê hương thứ hai của gia đình tôi, nước đã cưu mang, nuôi nấng chúng tôi, và cho con chúng tôi nền học vấn tốt nhất.

Với tôi, cái ơn sâu, nghĩa nặng của 3 người đàn bà bao giờ cũng được tôi trân trọng nhất: một người chị đã hi sinh cả hạnh phúc mình để nuôi nấng những người em côi cút, một người mẹ góa nghèo, bảo bọc, chăm sóc gia đình đứa con bị sa cơ thất thế và một người vợ kiên cường trước kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ của một người con, người vợ và người mẹ trong một hoàn cảnh khắc nghiệt nhất trong lịch sử. Ba người đàn bà tầm thường này, điễn hình cho hàng triệu người đàn bà Việt Nam khác, đã làm nên những điều phi thường sau ngày 30 tháng Tư ở miền Nam mến yêu.

Mọi đóa hoa hồng đẹp nhất đều nở vì những người Mẹ: Mẹ của Mẹ Cha, Mẹ của chúng ta, và Mẹ của con cháu chúng ta.

Kông Li

Ý kiến bạn đọc
30/05/201421:52:45
Khách
Bài viết ngắn gọn nhưng đã nêu lên những tình cảm, tình nghĩa và sự hy sinh đáng kính của người phụ nữ Việt Nam dù ở hoàn cảnh nào trong xã hội Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,342,622
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa