Hôm nay,  

Chuyện Bố Chuyện Con

15/06/201300:00:00(Xem: 251054)
image001_ngtrungtay
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010. Ông là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Hình bên: Nhân dịp Lễ Bố, nhà văn linh mục gửi lời chúc mừng mọi ông Bố, ông Cha và giới thiệu truyện ngắn mới của ông như sau: "Chuyện Bố Chuyện Con”, viết xong, tác giả ký, tặng ông con trai, tên Phạm Quang Tuyến, hút thuốc lá như ống khói, thụt bida có hạng, (nếu vắng mặt bố) chửi tục ròn tan, tứ đổ tường, nhưng lại rất có lòng, phải nói là dư thừa.

Đến là khổ! Thằng bố gãi đầu như ghẻ kinh niên… Hồi xưa tại mình, bây giờ thằng con, cứ thế, mẹ chồng nàng dâu đụng nhau xẹt lửa!

Hồi đó vợ sinh đầu lòng con trai đặt tên Đức. Mẹ ghé vào thăm. Nhìn thằng Đức nhỏ tí ti, đỏ hỏn, mắt nhắm chặt, ngủ như chuột con trong lồng kiếng, mẹ phán ngay,

— Ơ! Cái thằng! Giống bố như lột.

Thằng bố nghĩ mẹ chủ quan, nhưng nể, hai tay bịt miệng, không dám nói chi! Mãi sau này khi thằng Đức lên một, lên năm, lên mười, và sau cùng mười chín tuổi, thằng bố mới dần dần thấm nguội lời mẹ.

Con lên Một. Nhìn hình thằng Đức chụp sinh nhật một tuổi, thằng bố ngơ ngác như người mất của, ngỡ ngàng như gái ngồi phải cọc. Thằng bố gãi gãi như bị nguyên quân đoàn chí rận đóng lô cốt trên đầu. Khuôn mặt này thấy ở đâu rồi? Nhìn quen, quen lắm.

Vô phòng lục lại xấp hình đen trắng cũ. Lật tứ tung! Lôi ra được tấm hình cũ mèn vàng ố! Nhìn hình thằng bố một tuổi với hình thằng con lên một, Hùng hốt hoảng nhận ra thằng bố và thằng con hệt như nhau. Mặt tròn xoe bánh đúc, tóc lưa thưa vài sợi, họ nhà hói. Mắt so le, bên phải hai mí, to; bên trái một mí, híp. Đưa vợ xem. Nhìn nhìn, vợ cũng giật mình, nhưng làm mặt nghiêm, nửa đùa nửa thật,

— Đúng rồi, nó giống bố giống bà chứ đâu có giống mẹ!

Vợ buông nhẹ câu sau,

— Hên… Chưa giống ông hàng xóm…

Con lên Ba, vợ đau bụng! Quặn thắt tưởng như đứt ruột. Nửa đêm về sáng, xe cứu thương hú còi ồn ào chở vô cấp cứu. Thử nghiệm, làm lab đã đời, bác sỹ bước vô phòng thông báo. Nhìn mặt bác sĩ đặt tên con bệnh… Nhận tin, cả hai buồn bún thiu! Nhưng thôi, cũng hên, còn mạng bước ra bệnh viện.

Con lên Năm, lớp Mẫu Giáo, chuyên viên đánh lộn trong lớp. Chiều ghé trường đón con, thằng bố nhận ra vết bầm tím xây sát khuôn mặt thằng con. Ơ hay! Thằng bố gặp cô giáo, gãi đầu phàn nàn! Cô giáo nhanh miệng phát ngay bản tin chiến trường,

— Thì cũng tại nó! Nó xô thằng bạn té sấp ngửa mặt mày, chảy máu mũi!

Nhìn mặt thằng Đức te tua mền rách, Thằng bố xót xa muối mặn trong lòng. Trên đường về, thằng con im re, mặt chảy dài mặt ngựa. Thằng bố gợi chuyện,

— Sao mền rách vậy hả con?

Thằng bố hỏi, thằng con mắt nhìn xa vắng. Bố phải đổ đường mật ong,

— Nói cho bố nghe đi…

Thằng con ngập ngừng,

— Tại nó nói con sissy!

Giời ạ! Trợn tròn mắt! Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào!

Hồi nhỏ thằng bố trắng như bông bưởi, giọng nói nhỏ nhẹ y như con gái. Trong lớp hay bị bạn bè chọc, “Ê, cái thằng con gái”. Quê! Thằng bố nổi cục. Tức! Thằng bố đánh lộn. Ngày nào thằng bố cũng bị phạt. Có bữa còn bị quỳ vỏ mít. Ơi cực! Sao khổ! Lận đận lao đao! Thời thơ ấu, thằng bố te tua mền rách!

Hùng kể mẹ nghe chuyện thằng Đức bị chọc con gái. Mẹ chép miệng,

— Ơ hay! Thì mẹ đã bảo rồi, nó giống mày như đúc…

Thằng con lên Năm, lớp Mẫu Giáo, thỉnh thoảng bĩnh... ra trong quần một phát. Cô giáo thắc mắc,

— Đức, nó ăn gì không hiểu mà đang ngồi trong lớp, tự nhiên…tuốt tuột ra trong quần!

Thôi chết rồi! Thiếu điều văng tục! Thằng bố ú ớ nhớ lại tối Chúa Nhật hôm qua, vợ làm gỏi cuốn chấm mắm sống, cả nhà ngồi ăn tì tì ngoài sân vườn. Hàng xóm có người đi ra đi vào thắc mắc không hiểu chuột cống chết ở đâu! Thằng con chịu đèn gỏi cuốn, chiều qua húp tô mắm sống sùm sụp. Đến là vãi tội! Vãi…

Thằng bố lại kể cho bà nội nghe trường thiên tiểu thuyết hồi hai của thằng cháu. Mẹ nóng nẩy, kể lại chuyện xưa tích cũ, khi thằng bố còn nhỏ, sau giờ tan học, trước cửa nhà tự nhiên ồn ào tiếng hò tiếng hét, “Thằng Hùng ỉa đùn! Thằng Hùng ỉa đùn”! Mẹ chạy ra vừa kịp nhìn thấy thằng con mãnh hổ nan địch quần hồ, một tay lúng túng che quần, tay kia cố gắng xô đẩy những thằng bạn học quỷ sứ ra khỏi sân nhà. Lôi thằng con ỉa đùn vào nhà, mẹ vất vả tắm rửa xà bông thơm... Nhưng chứng nào tật ấy, mèo mun lại hoàn mèo mun, chó đen muôn kiếp vẫn hoàn chó đen. Thằng bố ngoài mặt hung hăng, nhưng trong bụng chết nhát. Trong lớp nhột bụng, sợ, sợ thầy sợ cô, thằng bố không dám giơ tay xin phép. Cố gắng nhịn, nhịn nhé, nhịn tối đa, nhịn hết cỡ. Có những lúc được, có những lúc không. Lúc nhịn được, đời trôi qua thanh bình. Có những lúc không, thế là xong, tàn đời, mền rách, te tua! Vãi…

Bây giờ thằng con học đòi tính nết bố. Thằng bố bắt chước mười bẩy đời vua Hùng Vương đưa tay lên miệng làm loa gọi Bố Lạc Long Quân, “Bố ơi! Về cứu”.

Cũng bởi chương thứ hai trong tập truyện dài của thằng Đức, mẹ tiếp tục,

— Hay nhỉ! Thằng! Càng lớn càng giống bố!

Thằng bố nghĩ thầm trong bụng, “Ơ! Mẹ nói chuyện đến là hay! Chẳng lẽ nó lại giống ông hàng xóm!”.

Thằng con lên Mười, lớp Năm, Toán thường thường ăn điểm F. Vợ lo lắng,

— Thằng Đức học Toán dốt quá!

Thằng bố so sánh,

— Chắc tại nó giống…

Rồi ngừng ngay. Vợ cộ mắt,

— Nó giống... Giống ai?

Thằng bố muốn nói còn ai trồng khoai đất này, nhưng kịp thời hai tay bịt chặt miệng mồm.

Một đời vợ chồng, chưa bao giờ thằng bố dám hé miệng nói cho vợ biết hồi còn nhỏ sợ toán hơn sợ ma. Nhiều lần thằng bố đã muốn bỏ học đi chăn vịt phương Nam bởi những bài toán đố lớp Ba, lớp Bốn,

Một ngày có 24 tiếng đồng hồ. Một năm có 365 ngày. Một năm có bao nhiêu tiếng?

Cà chua trứng thối! Một năm có bao nhiêu tiếng, ai mà biết! Mà biết để làm gì? Thằng bố gãi gãi đầu (giờ thành tật) thở than nhìn quanh quẩn. Ơi khổ! Đụng phải tia nhìn nghiêm khắc thầy lớp Ba, thằng bố cúi xuống cắn đầu viết chì. Bây giờ làm toán chi? Cộng? Trừ? Nhân? Chia? Thây kệ! Thằng bố lấy 365 chia đại cho 24. Nộp cuốn tập Toán đố lên. Thằng bố nhận về cặp trứng vịt tròn o. Lớp Sáu, thằng bố hoàn toàn mất căn bản về toán. Con gái trong lớp không thích thằng bố, đương nhiên, bởi thằng bố dốt toán, dốt ma chê thầy chạy! Lớp Mười, lớp Mười Một, lớp Mười Hai, thằng bố không có bồ, bởi nữ sinh áo trắng không thích cặp kè với thằng con trai dốt đặc cán mai, thường xuyên cọp-dê toán. Chuyện động trời như thế… Come on! What do you expect? Làm sao dám kể cho ai nghe, nói chi…vợ.

Thằng con lên Mười, lớp Năm, viết luận văn giỏi. Những bài luận tiếng Anh điểm cao ngất trời. Tiếng Việt thằng con ngạc nhiên nhiều người.

Từ khi thằng con học Mẫu Giáo, thằng bố ngứa nghề dạy con tiếng Việt. Bà nội và cháu ở nhà đàm thoại tiếng Việt với nhau hằng ngày. Bà yêu cháu, cháu yêu bà. Bố mẹ đi làm chưa về, thằng cháu quấn lấy bà nội, hỏi hết chuyện này sang chuyện khác. Thu về, nhìn lá vàng rơi, thằng cháu nói,

— Bà ơi, cái lá đang bị té!

Bà dậy cháu,

— Cái thằng! Lá không có té. Cháu mới té! Cháu phải nói cái lá đang rơi.

— Bà ơi, sao đức té mà cái lá không té?

Thằng con đi học về, chuyện vui kể bà nghe. “Grandmom, today in my class…” Bà không hiểu tiếng Anh, dỗ cháu nói tiếng Việt. “Bà ơi, hôm nay ở trong lớp…” Tuần ba lần bố dạy con tiếng Việt. Cuối tuần bố lái xe ô tô bình bịch đưa con tới trường Việt Ngữ. Tiếng Việt thằng con trai mới lớn nói giọng Bắc khiến người ngạc nhiên. Ai dám tin thằng Đức chôn nhau cắt rốn tiểu bang California.

Thằng con Trung Học từ tâm. Gặp người nghèo đứng xin tiền tại ngã tư đèn vừa bật xanh, nó dừng xe, mặc cho hàng xe dài thoòng phiá sau bóp còi chửi tục inh ỏi. Thằng Đức móc tiền trong túi quần ra, cho hết, cho nhẵn cả ruột! Thằng bố ngồi bên cạnh, nói ngay,

— You know very well... Người ta đâu có dùng tiền con cho mua hot dog, nhưng Budweiser uống cho xỉn, thuốc lá Malbora đốt nát hai buồng phổi! Tàn đời…

Thằng con chống chế,

— Con biết chứ.

Thằng bố mắng thằng con mấy mắng,

— Vậy sao còn cho?

Bà Emily nhà bên cạnh, ở một mình. Trời tuyết ngập đường ngập xá. Thằng con vác xẻng sang xúc tuyết cho bà. Bà cụ trả tiền công, nó không lấy. Giáng Sinh bà hàng xóm mua quà, khi áo len hiệu CK, lúc đôi giầy hàng hiệu Nike thứ dữ, thằng đức hết đường chối. Khi có dịp, nó gửi tặng bà cụ chả giò.


Thằng bố gãi gãi đầu, hỏi,

— Sao say mê chuyện chùa vậy?

Thằng con từ tâm, cự nự thằng bố,

— Bố! Bà ấy già rồi! Tuyết trơn, té cái bịch. Tàn đời!

Bà ngồi ngoài, nghe cháu nói té, vui miệng chen vào,

— Phải nói… rơi cái bịch!

Vợ lườm thằng con,

— Chỉ được cái tài lanh. đi học về có bao giờ thấy chạy vào bếp phụ mẹ một tay nấu cơm hay không?

Thằng bố vội vàng giơ tay làm hiệu, “Yên lặng là vàng”.

Bởi thằng cháu từ tâm, bà nội lại kể chuyện xưa tích cũ. Mẹ nói hồi còn nhỏ thằng bố dám xúc gạo cho người ăn xin đến nhà gõ cửa, mặc dù biết gạo nhà đụng đáy lu. Có một thời mẹ nghĩ lớn lên thằng bố đi tu. đi tu? Ơ hay, mẹ cứ ưa nói chuyện Tề… Đi tu! Khó lắm!

Thằng Đức càng lớn, tâm càng dạt dào. Bắt chước mẹ, thằng bố dại miệng buông lời,

— Hay con đi tu...

Thằng con bĩu môi, nói năng đụng chạm lung tung,

— Đi tu? Con đâu có khờ...

Mẹ ngồi ngoài, phán một câu,

— Thấy chưa, tao đã bảo bao nhiêu lần rồi, thằng này giống bố.

Vợ đứng dậy, buông đũa xuống mâm cơm, bỏ đi thẳng,

— Mẹ nói đúng lắm, nó đâu có giống con.

Thằng bố liếc nhìn mẹ, mẹ chàng sa sầm khuôn mặt!…

Ơi khổ! Máu huyết cả hai cộng lại, mỗi bên một nửa, thằng Đức xuất hiện trong đời. Càng lớn, nó càng giống bố. Thằng Đức không thân với mẹ, nhưng lại thân với bố, hay kể chuyện cho bố nghe. Thằng bố đoán có lẽ vợ, làm kỹ sư, nóng tính, hay la con sảng, cho nên thằng con gặp mẹ, né. Nhiều lần vợ cự nự, “Anh! Chiều con quá đáng!”. Chiều con? Thằng bố lắc đầu quầy quậy. Bố không chiều con. Bố yêu. Bố yêu mẹ, yêu vợ, và yêu con.

Yêu mẹ, bố muốn mẹ già sống hạnh phúc. Bố Hùng hồi đó bệnh hoạn triền miên. Mẹ một mình thân cò lặn lội bờ ao, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. Sáng, mẹ dậy sớm, xông pha chốn sa trường, mang gạo về nuôi bầy con bụng ỏng “đít” teo! Tối khuya mẹ về tới nhà, ngủ say, chuẩn bị một ngày mới. Đầu tháng mẹ xanh mặt bạc tóc đóng tiền học cho bẩy đứa con. Tiền sách, tiền vở, tiền ăn sáng, một mình mẹ lo hết. Đến bây giờ vẫn không ai hiểu sức mạnh nào có thể tiềm tàng nổi trong cái cơ thể không bao giờ nặng hơn năm mươi ký lô đó, cơ thể mỏng manh tờ giấy qua cầu gió bay. Chính khối sức mạnh nhỏ nhoi đó đã đẩy tới, đóng vàng cho mấy đứa con vượt biên.

Yêu vợ, bố ra ngẩn vào ngơ khi vợ vắng mặt cuối tuần bởi công chuyện của hãng. Tối ngủ một mình, nhớ vợ, bố trằn trọc! Mình ơi! Mình đi đâu, mãi sao chưa về! Bố nằm trên giường héo hon mỏi mòn nhớ gái một con trông mòn con mắt.

Yêu vợ, vợ cự nự, bố yên lặng.

— Hôm qua thằng Đức nó xin tiền mua cái quần jean CK. Em cự nó, “Còn cả một đống quần jean ở trong tủ đó, mặc đã hết đâu! Mua thêm làm gì?”. Hôm nay đã thấy nó mặc cái quần CK rồi. Anh mua cho nó phải không? Anh cưng nó quá, nó hư, em cho anh dậy nó một mình đó nghen.

Yêu vợ, bố không tranh cãi với vợ để được chiêm ngắm nụ cười của vợ, nụ cười lung linh tia nắng bình minh chiếu rọi tâm hồn phiền muộn đêm đen của bố. Anh sợ, anh sợ vào một ngày nào đó, em bỏ anh em đi luôn như bữa em bụng đau quặn thắt, anh đã tưởng số anh mồ côi vợ. Em bỏ đi, bình minh không tới, đời anh tối đen. Nếu vậy, thà là anh uống thuốc độc, chôn chung một mộ! Cả hai dọn nhà sang âm phủ sống với nhau, đủ mặt vợ chồng!

Yêu con, bố muốn thằng Đức hạnh phúc tràn đầy. Thứ Bẩy, hai bố con mình ra phố, vào thẳng khu thương xá có tiệm Gap bán quần jean hiệu chiến giá cắt cổ.

— Quần jean này, nhìn được không bố?

Bố muốn lắc đầu lắm, nhưng không nỡ,

— Ờ! Thì lấy đi…

Vợ nóng, hay la thằng con sảng, bởi vậy có lần bố thấy thằng Đức ngồi trong phòng, mắt đỏ hoe hoe. Thấy bố, nó cúi đầu, không nói chi. Ngồi xuống bên con, thằng bố ngân nga,

— Lan huệ sầu ai, lan huệ héo? Lan huệ sầu đời, trong héo ngoài...

Thằng con chớp chớp mắt. Bố tiếp tục,

— …Ngoài mặc quần jean CK.

Thằng con bật cười, nụ cười trong trẻo ngập tràn nắng ban mai của mẹ nó. Thế là băng tuyết tan biến, hoa nở ngập tràn; thiên đàng mở rộng, hỏa ngục đóng lại…

Bỏ lại mâm cơm, bố đứng dậy bước tới, đi theo vợ. Vợ nằm trên giường, mặt quay ra ngoài cửa sổ. Bố leo lên nằm cạnh vợ. Yên lặng gặp gỡ yên lặng; dài hơn một thế kỷ. Yên lặng đưa tay sang ôm chặt vợ; vẫn yên lặng. Yên lặng cất giọng thì thào,

— Hay là anh liên lạc Sở Xã Hội, kiếm thêm một đứa con… một đứa con gái…

Người yên lặng mềm ra, mềm nhũn,

— Một cô con gái đẹp như vợ anh.

Yên lặng chờ đợi yên lặng. Cuối cùng yên lặng chầm chậm quay mặt lại, đầu dựa ngực chồng,

— Mình ơi! Em buồn!

— Bố biết. Bố cũng buồn thiu!

— Em muốn có thêm một đứa con nữa.

— Bố biết…

Bố xoa lưng vợ nhè nhè, ru vợ chìm sâu giấc mộng lành. Anh ước chi thằng Đức là con gái. Con gái mình cười tươi như em. Con gái mình làm khổ nhiều thằng con trai như em đã một thời quặn thắt ruột gan đời anh!

Thằng Đức Mười Chín tuổi, năm thứ nhất đại học, râu mọc xanh xanh, hồn xác ngớ ngẩn. Vợ hốt hoảng thông báo bản tin,

— Chết rồi! Thằng Đức kỳ này làm sao đó, mấy lần nó về khuya, em còn ngửi thấy miệng sặc mùi rượu. Hôm qua nhờ nó ra chợ Safeway. Nó đi một hồi, về tay không. Em hỏi, “Ủa, cà chua đâu?”. Nó nhìn em, mặt ngơ ngác, “Mẹ nói cái gì”.

Thôi rồi, chính hiệu con nai vàng! Trước sau vẫn thế, tình yêu thuốc phiện, thiên hạ dở hơi bất ngờ.

Chiều thứ Bẩy bố dẫn thằng Đức đi mua quần jean. Nhưng thằng Đức biếng nói biếng cười. Trong tiệm Gap, nó lựa quần jean CK hững hờ, miệng biếng nói biếng cười. Bố gợi chuyện,

— Lại có đứa trong lớp gọi con con gái phải không?

Thằng Đức nhếch mép, khuôn mặt hằn sâu nét cao bồi viễn tây,

— Thằng nào gọi con sissy, con đục nó phù mỏ…

Bố kể chuyện,

— Hồi còn nhỏ bố cũng hay bị chọc con gái. Lớn lên một chút, chữ “con” biến mất nhường chỗ cho chữ “dại”. Bà cũng hay chửi bố, “Mày thì cũng chỉ là cái đồ dại gái!”. Hồi chưa lấy bố, mẹ con tới nhà chơi. Bà tỉnh bơ nói, “Thằng Hùng nó đi tu rồi!”.

Mắt thằng Đức trợn tròn,

— You… Youre serious?

— Yup!

— Mẹ giận không bố?

— Bố tái mặt, nhưng mẹ con tỉnh bơ tiếp tục cười nói liến thoắng. Lúc đưa mẹ con ra xe, bố xin lỗi mẹ. Mẹ con nói ngon lành, “Yêu anh, em chẳng ngán ai hết!”.

— Mẹ lỳ thật.

Bố kể chuyện tình cho con trai nghe,

— Hồi đó bố gặp mẹ con trong quán cà-phê. Mẹ hai mươi tuổi, buộc tóc đuôi gà, lái xe số tay, nụ cười dòn tan. Mẹ con qua đây một mình từ hồi còn nhỏ xíu với bà cô. Sau nhiều lần bị bà cô cự nự, con gái hai mươi tuổi dọn ra ở riêng, vừa đi học vừa đi làm.

Thằng Đức thắc mắc,

— Sao hồi đó bố gặp mẹ?

— Bố ra quán với mấy người bạn. Thấy mẹ con, bạn bố tán sàn sạt. Biết cô hàng cà-phê thích thơ, có thằng còn mang chuyện thơ văn ra tán tỉnh. Bố dở òm, chẳng biết nói chi. Có hai ba lần, bố ra quán cà-phê một mình. Mẹ con mang cà-phê tới…

Thằng Đức liếc nhìn, chờ đợi. Thằng bố kết luận,

— Nhưng bố vẫn không nói chi.

Thằng Đức trợn mắt. Thằng bố nói nho nhỏ,

— Bố thấy mẹ xa vời quá. Lúc nào cũng có người vây quanh. Bố nghĩ chắc với không tới. Nhưng biết mẹ, hồn bố dập dạp te tua...

Thằng Đức nhìn bố, bàn tay con bóp chặt bàn tay bố.

— Có lần bố gặp mẹ ở trường Việt Ngữ. Bố mẹ dạy chung lớp Mười Hai…

— Mẹ có nhận ra bố hay không?

Bố cười,

— Biết khỉ gì! Mẹ biết bố là ai. Đứng chung lớp cả tháng, mẹ cười với bố. Người tình cũ nổi giận, sách súng tìm bố! Bà nội khóc đỏ con mắt! Bà mắng bố…dại gái!

Bố dừng lại bởi thấy thằng Đức long lanh. Nước mắt tích tụ nhanh, đầy, rơi xuống sàn tiệm Gap, vỡ tung tóe,

— Bố ơi! He threatened to shoot me!

Hùng hỏi mẹ,

— Mẹ ơi, tại sao mẹ cứ hay nói, “Thằng này giống bố?”.

Mẹ đăm chiêu,

— Thì hồi đó, sau khi sinh con, mẹ băng huyết! Tỉnh dậy, mẹ thấy con nằm ngủ bên cạnh, nhỏ tí ti. Cái bữa mẹ nhìn thấy thằng Đức trong lồng kiếng, mẹ giật mình, cũng khuôn mặt đó, con mắt đó, hình dạng đó. Thiệt tình! Cái thằng, càng lớn, nó càng giống mày như lột.

Giống thằng bố như lột, thằng Đức sẽ còn mền rách te tua dài dài, nhất là đường tình ái! Ai biểu giống bố!

Bố hy vọng con chàng chỉ khổ trong một khoảng thời gian ngắn thôi. Cuối cùng giống như thằng bố, mùa xuân sẽ gõ cửa tâm hồn thằng con. Mẹ nó một thời làm khổ bố. Nhưng cũng chính người đó mang lại cho chàng mùa xuân mới; mùa xuân có mẹ ngọt ngào chuối ba hương, có vợ một con trông mòn con mắt, và có thằng con, giời ạ, giống bố như lột!

Nguyễn Trung Tây

Ý kiến bạn đọc
17/06/201316:16:38
Khách
Tình cảm gia đình thật là đáng trân trọng.Tình cha con thắm thiết trong từng câu nói,tình mẹ con cao cả.
Chúc tác giả luôn hạnh phúc bên người thân của mình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến