Hôm nay,  

Ừ Thôi Ta Về!

18/05/201300:00:00(Xem: 214382)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả lần đầu góp bài cho Viết Về Nước Mỹ bằng điện thư, ghi vắn tắt “by Duc Nguyen,” tên và họ không đánh dấu chữ Việt. Bài viết là một truyện ngắn tinh tế về những ngày giờ cuối của một cựu quân nhân VNCH, cựu tù cải tạo, sau 23 năm định cư theo diện H.O tại Hoa Kỳ. Mong Duc Nguyen sẽ tiếp tục viết và bổ túc dùm ít dòng sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.

Ông Quang từ từ cố mở mắt, cảnh vật lờ mờ hiện ra.

- Đây là đâu vậy? Cái gì đã xảy ra? Ông lầm thầm trong đầu.

Dây nhợ chằng chịt, nào là chạy từ trong mũi ra cái bình nước xanh lè ngay bên cạnh giừong, nào là từ cánh tay rồi từ lồng ngực đến cái máy nhịp tim bíp bíp. Cổ họng ông có cái gì chẹn vào làm ông muốn khạc ra mà chẳng được. Chốc chốc, cái máy thở lại phập phồng thổi vào miệng ông. Niệu quản của ông rát buốt bởi cái ống thông tiểu ra cái bịch vàng khè treo đằng cuối giừong.

- Mr. Nguyen, you are in the hospital. Can you hear me? Cô y tá người Filipino đến gần bên giường bệnh, chạm nhẹ vào tay ông. Cô con gái Hoa cũng chạy đến bên ông

- Ba, ba... rồi cô nghẹn không thành tiếng.

- O.K. You can tell your father he is going to be all right. He may not respond to you but he may hear everything. Cô y tá bảo Hoa.

Vâng, ông nghe cả đấy chứ. Thật là tức chết được vì không nói được mà cũng chẳng cử động được gì hết. Ông đang cố nhớ lại cái gì đã xảy ra với ông.

Hoa cũng từ từ bình tĩnh trở lại, khẽ nói

- Ba ơi, ba đã ở trong ICU (intensive care unit: phòng chăm sóc đặc biệt) này hơn 2 tuần rồi ba ơi. Ba sẽ o.k, ba đừng lo lắng nha ba.

À… ông từ từ nhớ ra.
. . .

- Vô nha. Một trăm phần trăm nha mấy cha. Các bạn ông Quang đưa ly bia lên chúc tụng ông thêm một tuổi. Tiếng ly bia cụng lắc cắc vang một góc vườn sau nhà…

- Sao, mấy ông có tính về Việtnam dưỡng già không đây?

- Thằng Thắng về được gần một năm rồi đó, khóai lắm. Nghe nói nó hùn tiền với ai đó mở trại nuôi ba ba ở Biên Hòa, cũng kha kha.

- Nghe nói nó còn có bồ nhí nữa. Bà Thắng ở bên này nghe nói cũng chẳng ghen tuông gì hết, vậy mới đã chứ.

- Tao ở đây lâu rồi, về bển mất công rắc rối với mấy ổng.

Ông Quang đứng lên khui thêm mấy chai bia rồi rót vào ly cho mấy ông bạn. Bia sủi bọt vàng đậm trong nắng cuối xuân ấm áp. Dạo gần đây, Ông Quang lại thích bia Sam Adams vì nó đậm đà hơn Heineken hay các lọai bia Mỹ khác như Budweiser hay Budlight. Ông thích cái mùi thơm khá nồng của Hop (lọai thảo mộc dùng để ướp khi làm bia).

- Rồi vô nha, một trăm phần trăm đi. Ông Quang nâng cốc lên cùng mấy ông bạn. Đột ngột, ông thấy chóang váng. Cái sân vườn xanh mượt cỏ cùng bụi bông giấy đỏ rực ở góc vườn dường như mờ nhạt lại đan quyện vào nhau như một bức tranh của Monet. Cái đầu ông sao mà nặng và đau thế. Ông lóang chóang, cốc bia rời khỏi tay ông

- Anh Quang, anh Quang.


Bác sĩ đến bên giường của ông, bật chiếc đèn trong cây viết (pen light) soi vào mặt ông Quang. Ông cố nhíu nhẹ mắt lại. Ông bác sĩ còn làm một số xét nghiệm coi ông phản ứng hay không. Ông vẫn còn cảm giác rải rác khắp thân ngưới đó chứ nhưng không cử động gì được. Tay chân của ông co cứng lại, rêm khắp người.

Ông bác sĩ lắng nghe tim, phổi, xem cái bịch nước tiểu từ ống niệu quản, rồi ra dấu cho Hoa ra ngòai cùng ông./
. . .

- Ba, ba! Con Hùng đây ba. Cậu con trai út chạm nhẹ tay ông. Từ từ mở mắt, ông thấy ánh sáng le lói qua cái rèm cửa sổ, chắc là sáng rồi. Ông ước gì người ta mở hẳn cái rèm ra để ông được nhìn cái ánh sáng bình thuờng kia dù chỉ là một chút thôi. Đã lâu rồi ông có thấy ánh sáng mặt trời là gì đâu. Sự thực như ông đóan là ông không thể nói và cử động được hòan tòan rồi. Ông cũng không biết là mình đã nằm ở đây bao lâu rồi nữa. Ông nhớ mang máng là con Hoa nói là đã hai tuần, mà cũng có thể là lâu hơn thế nữa.

Ông nhìn thấy khuôn mặt của thằng con út ngấn lệ. Mi ông cũng nhấp nháy rồi lệ cũng chực trào trên khuôn mặt không còn biểu hiện cảm xúc vì cơn tai biến mạch máu não.

Im lặng một chốc, Hùng cất tiếng

- Con xin lỗi ba. Xin ba tha thứ cho đứa con luôn xa nhà này.

Ông Quang cũng muốn nói lắm:

- Con không có lỗi gì đâu. Lớn lên đủ lông đủ cánh thì bay đi. Chỉ khi nào tụi con bị thuơng tích trên đường đời thì mới trở về cái tổ ấm với vòng tay luôn mở rộng của ba mẹ thôi. Không như má con, ba tôn trọng sự riêng tư và cuộc sống của con mà.

- Con đôi lúc muốn nói chuyện cùng ba, nhưng … giờ thì…

- Ba biết mà con. Ba cũng đôi lần muốn nói chuyện với con lắm nhưng cái thằng đàn ông Việt nam trong ba lại nói đừng. Thôi cứ để những ý nghĩ đó vào trong hư vô có khi lại hay hơn đó con.

Đã lâu lắm rồi, ông Quang mới có dịp quan sát khuôn mặt điển trai của đứa trai út. Không biết mái tóc vợn sóng nó có từ đâu. Có lẽ là từ Ông nội nó mà Ông Quang chỉ thấy qua hình vì ba ông mất lúc ông còn rất nhỏ. Đôi mắt màu nâu nhạt có lẽ phần nào làm mất bớt vẻ nam tính trên khuôn mặt góc cạnh của Hùng. Ông nhắm mắt lại cầu mong sao cho con trai ông nhiều may mằn và hạnh phúc. Thật là mâu thuẩn đôi khi ông lại muốn Hùng mạnh mẽ hơn và có một chút gí đó độc ác như thằng Dũng con trai lớn của ông. Hùng cúi đầu áp xuống tay ông. Ông ước gì được vuốt ve mái tóc của thằng Út như những ngày nó còn bé.
. . .

Gia đình ông Quang qua Mỹ đầu năm 90 theo diện H.O do trước đây ông có ở tù khỏang sáu năm vì là Đại úy phi công lái air-jet ở sân bay Biên Hòa. Những tháng năm đầu ở Mỹ cũng khá cực nhọc với những viêc làm chân tay, ông bà Quang mong sao ba đứa con được học hành tới nơi tới chốn.

Thằng lớn Dũng qua Mỹ lúc hai mươi mấy, vậy là dang dở học hành. Nó đi làm điện tử đâu được vài năm rồi bắt qua nghề nail đang hồi phát triển. Hắn về Việt nam cưới một cô vợ khá đẹp, bảo lảnh qua, có được với hắn hai đứa nhỏ. Mấy năm sau thì Dũng tậu được một, rồi hai, rồi ba tiệm nail, cũng khấm khá. Khi bắt đầu có tiền lũng rũng rồi hắn tòm tèm với mấy cô thợ nail trẻ từ Việtnam mới qua. Vậy là hắn ly dị vợ rồi cặp hết cô này đến cô khác, rồi còn lại dính vào con ma cờ bạc. Từ đó Dũng bắt đầu làm ăn lụn bại, từ làm chủ ba bốn tiệm nails, hắn chỉ còn lại một tiệm rồi còn ế ẩm do kinh tế bắt đầu xuống dốc. Hoa là cô con giữa, ráng học hành làm accountant cũng khá sung túc cùng chồng con hạnh phúc. Nó là đứa con gái hiếu thảo, hay thuờng ghé về nhà cha mẹ hỏi han chăm sóc cho ông bà. Hoa thực sự là niềm an ủi lớn nhất của Ông Quang.

Thằng Út Hùng qua Mỹ lúc nó mười lăm tuổi nên cũng chịu khó học hành, rồi đùng một cái nó lại muốn đi vào ngành thời trang. Lúc đầu ông bà Quang một mực khuyên Hùng đi học Y hay Nha khoa. Cha mẹ Việt nam ai cũng muốn nhà có ít nhất một đứa con đi vào cái ngành Y tế. Nhưng Hùng dứt khóat là nó chỉ say mê với fashion design, vì nó có tài vẽ rất đẹp. Một lần, ông bà cũng ặm ừ cho qua chuyện, nhưng cũng cố động viên Hùng là nó nên đi học kiến trúc sư.

Tội nghiệp Hùng, cái ngày nó đi lên San Francisco học design, ba mẹ nó buồn thiu, mà cũng thật bất công khi ông bà cũng chẳng hào hứng đưa với đón nó nữa. Hùng đi học được ba năm thì bà Quang mất vì ung thư cổ tử cung vào giai đọan chót. Bác sĩ đã bao lần khuyên bà nên khám tử cung nhưng vì bà ngại đi khám phụ khoa, cho đến khi phát hiện thì đã quá trễ.

Dũng và Hoa bước vào phòng cùng ông bác sĩ. Hùng đứng dậy cùng ra ngòai với họ để họp gia đình. Họ bàn bạc về vấn đề sức khỏe của ông Quang. Ông bác sĩ có hỏi ý kiến của các con ông có nên làm CPR (Cardiopulmonary resuscitation: cấp cứu nhồi ngực) nếu tim ông Quang ngừng đập hay không. Ngặt một nỗi, lúc còn khỏe mạnh, ông Quang rất ngại về việc viết di chúc hay living trust cho những trường hợp như thế này. Nhưng sâu trong tiềm thức, Ông luôn muốn ra đi một cách êm ấm, chứ không đau đớn và bầm dập như vầy. "Này, chúng bây ngòai kia hảy dứt bỏ cái ống thở này cho tao nhờ với. Trời ơi, có ai nghe mình đâu. Làm sao cho tụi nó biết đây". Thật khổ cho ông Quang.

Ông bác sĩ giải thích là ông Quang có thể ra đi trong bất cứ lúc nào vì huyết áp của ông rất bất thuờng dù đã tăng thuốc lên tới bốn năm lọai. Hùng và Hoa nói là ba đã ở trong bệnh viện đã hơn một tháng trời rồi. Họ xót xa nhìn thấy ông chịu đựng với viêm phỗi, viêm đường tiểu, lở lóet ở mông, rồi đến lưng. Nhưng Dũng là trai lớn nên nó quyết định là cứ còn nước còn tát.

“Cái thằng chết bầm. Không phải như thế là mầy thuơng ba đâu con. Hãy để cho ba đi đi các con.” Có bao giờ ông lại nài nỉ với các con đâu, nhưng thôi đành chịu vậy.

Rồi điều kỳ diệu hay là sự trừng phạt đã tới. Ông Quang từ từ khỏe hẳn ra, họ rút ống thở, vết thuơng lở lóet từ từ cũng lành hẳn. Ông được chuyển đến một nursing home.

Đối với nhiều người, thời gian là một người bạn đồng hành tuyệt hảo. Nó im lặng, chẳng trách móc ai mà nó lại giúp con người ta quên đi những vết thuơng lòng hay dần dần đẩy tan bệnh tật. Nhưng đối với ông Quang, nó lại là một nổi đau dày vò thật ác độc. Cái lưng ông bây giờ lại lở lóet dù cho nursing home có chăm sóc thật tận tình. Những cơn viêm phổi và viêm đường tiểu mãn tính lại tái phát liên tục. Ông Quang có thể cử động được một chút đôi cánh tay nhưng chỉ có thế thôi. Các khớp xương như là những cỗ máy không còn bôi nhớt, cứ dần khô rỉ, nặng nề, nhức nhói.

Một buổi sáng mùa thu thật đẹp trời, nắng nhẹ nhàng mơn trớn lên sân cỏ xanh mượt trước viện điều dưởng được viền quanh bởi các thứ hoa đủ màu vui mắt snap dragons. Lần đầu tiên ông Quang được đẩy ra ngòai cho hít thở cái không khí thiên nhiên theo yêu cầu của các con. Lũ chim sẻ hình như cũng chào đón ông, ríu rít nhảy nhót lung tung ở cái bụi thiên tuế ở cạnh góc vườn.

Hôm nay ông Quang có ông bạn Khải đến thăm.

- Tao đến để nói chia tay với mày nha Quang. Tao về Việt nam dưỡng già. Nhưng mà chắc là đi đi về về thôi. Bây giờ chỉ mình mày ở đây… Tụi nó lần lượt về bển hết rồi.

Ông Khải ngồi độc thoại một chốc rồi như nghẹn lời. Ông Quang cố liếc nhìn bạn. Từ mấy tháng nay bác sĩ đã cho ông Quang uống thuốc chống trầm cảm, ông đã ít khóc hơn trước nhiều. Làn nước mắt tưởng như đã khô lại có dịp lăn xuống đôi má. Môi ông thấm mặn. Ông lại cố đưa mắt nhìn về góc đường cái lớn và con hẻm nhỏ ở trước cái nursing home. Ở đó có gã homeless da đen đang lúi húi với cái xe đầy chất đầy đồ đạc mà hắn luôn tha về. Cả "gia tài" của hắn là ở trong chiếc xe lấy cắp từ supermarket đấy. À mà hắn còn tự do đi lại, tha hồ vò đầu bứt tóc. Ông Quang bỗng thèm được như hắn để có thể chùi cái mắt đang ướt đầm bây giờ; hay đập chết cái con gì đó đang bay vo vo ở bên tai trái của ông.

Ông Khải lấm la lấm lét nhìn xem có cô y tá đâu đó không rồi bật một điếu thuốc. Ông ta hít một hơi dài rối tiếp:

- Tao mới đi bác sĩ khám tổng quát. Cũng cao huyết áp đó. Uống thuốc mấy tuần nay ổn rồi. Mà tao chưa bỏ được cái thằng thuốc lá này đây. Thằng Thắng có gọi điện hỏi thăm. Có thể nó sẽ qua lại đâu tháng sau. Nó có nói cho gởi lời thăm mày.

Vẩn độc thọai, ông Khải tiếp:

- Mà làm sao nó đi cho được với mấy cái hồ ba ba, còn con bồ nhí nửa

Ông Quang nhìn ông Khải kéo thêm mấy hơi thuốc lá mà cũng thèm. Khói thuốc làm cho ông Quang ho mấy tiếng…. Ông Khải dụi điếu thuốc rồi vứt vào bụi thiên tuế kề bên.
. . .

Cứ khỏang trung bình một tháng là ông Quang lại nghe tiếng xe cấp cứu đến viện điều dưỡng. Nhưng hôm nay nạn nhân lại không phải là một trong những bệnh nhân ở nursing home mà là gã homeless ở góc đường. Hắn bị tông xe khi đang đẩy cái "gia tài" của hắn qua đường lớn khi trời vừa chập tối. Đôi lúc ông Quang tự hỏi hắn có ba mẹ anh chị em ở gần đây không. Hắn có bà con không ở thành phố, tiểu bang Cali này hay ở đâu. Giờ thì người ta ờ ngòai kia đang nhặt cái xác bầm giập ấy và đem đi hỏa táng hay là đưa vào phòng xác của một đại học y khoa nào đó cho đám sinh viên tha hồ mà tùng xẻo. Không biết hắn có muốn một nén nhang thắp cho hắn ấm lòng không nhỉ. À mà đôi khi hắn đi rồi cũng được vơi nghiệp vậy. Còn ông thì bất động nằm đây, chỉ còn cái đầu óc lộn xôn nuối tiếc này.
. . .

Ông Quang giật mình. Một tiếng động như trời giáng đánh thức ông dậy. Đầu ông cảm thấy nặng như búa bổ, nhưng chốc lát lại thấy sao mà khỏe hẳn. Ông mở mắt. Ông Mỹ trắng cùng phòng vẫn còn ngủ chiều. Ông Quang cảm thấy như ông có thể cử động được. Trời ơi có phép màu sao. Cánh cửa phòng ông từ từ hé mở. Một bóng người bước vào phòng. Người này không phải là nhân viên nursing home, cũng chẳng phải là người nhà của roommate. Mà hắn nhìn sao mà quen quá. Chằc hẳn là đã có gặp hắn ở đâu rồi thì phải. Hắn bắt đầu lục lọi trong phòng.

Ông Quang tằng hắng rồi thật lạ là ông nghe chính tiếng nói của mình vang lên trong căn phòng lờ mờ không ánh sáng

- What are you doing in here?

Gã Mỹ đen kia nhìn về phía ông Quang. Ánh sáng ở ngòai sảnh đủ cho ông Quang thấy hắn nháy mắt với ông, rồi gã mở cái tủ trong phòng vớ lấy cái mền.

- You cant steal our stuff. Ông Quang bật ngồi dậy. Trời ơi! Ông đã ngồi dậy được rồi.

Gã Mỹ đen quay lại, hắn nở một nụ cười buồn thảm

- It is getting cold out there my friend. You should get something for yourself too.

Hắn còn vớ luôn cái hũ apple sauce còn sót lại từ hồi trưa.

- Stop! Ông Quang nhảy ra khỏi giường nhưng cũng còn thận trọng vì sợ ngã, rồi bỗng ông cảm thấy ông đã lấy lại được sức mạnh như ngày nào, ông chạy khập khiễng theo hắn.

- Are you sure you wanna follow me? Hắn nghiêng cái đầu lại, nhìn ông Quang như trêu chọc hay thuơng hại.

Ông Quang chạy đến Nursing station, báo cho cô y tá trực. Nhưng hình như là cô ta cũng chẳng để ý gì đến ông. Ông chạy ra cửa dõi theo gã Mỹ đen ban nãy giờ ra ngồi ở góc vườn. Bây giờ ông Quang nhớ ra rồi. Gã là tên homeless. À mà hắn đã chết rồi mà. Thật là cơn ác mộng cứ như thật vậy. Bỗng ông muốn nán lại ngồi xuống ở Lobby. Sao mà cái phòng này ấm áp quá. Ông thấy mọi người lại tất bật với công chuyện của họ. Cô y tá đẩy xe thuốc buổi chiều tối vào các phòng cho bệnh nhân. Các cô điều dưỡng thì chậm rãi đẩy cái xe dọn dẹp thức ăn ban chiều cho bệnh nhân. Ông quay về phía phòng thì thấy cô y tá chạy ra khỏi phòng ông về phía khu y tá quay điện thọai cho ai đó. Sao cơn ác mộng này kéo dài thế, mà sao ông cũng không thể thức giấc được từ cơn mộng mị này.

Cánh cửa cái bật mở, ông thấy Hoa chạy vào. Ơ kìa, ông thấy cả bà Quang đi đằng sau cô con gái nữa. Thế này là thế nào! Ông bước theo họ đến phòng của ông.

- Ba ơi ba. Hoa ôm lấy nhẹ vai ông Quang trên giường.

Ông Quang chưng hửng nhìn bà Quang đứng ở bên kia giừờng. Ông cảm thấy lạnh quá. Bà Quang nhìn ông như là đồng tình với Hoa.

Ông chẳng biết làm gì nữa, cứ nhìn bà chằm chằm. Bà nở một nụ cười nhẹ nhưng đôi hàng lệ lại lăn dài trên má.

Bà bước lại nắm lấy tay ông:

- Ừ thôi, mình đi anh.

Cô y tá bước vào:

- He passed away around six or seven this evening.

Ông Quang một lần nữa nhìn cái xác không hồn kia trên chiếc giường trắng xóa lạnh lẽo. Ông nhỏ nhẹ:

- Ừ, thôi ta về!

Duc Nguyen

Ý kiến bạn đọc
01/06/201317:39:49
Khách
Bai viet dau tay kha hay, mong doc them cac bai moi cua tac gia.
22/05/201322:31:42
Khách
Bài viết hay và rất trung thực.
21/05/201300:49:11
Khách
Hay !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,320,668
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.