Hôm nay,  

Bé Mark Nhớ Mẹ

15/05/201300:00:00(Xem: 174313)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một cô giáo dạy Việt ngữ cho nhà chùa, cho biết cô “viết rất nhiều nhưng chưa bao giờ gởi đi. Bài đầu tiên tôi gởi thử nhân ngày Mother's day. Tôi chỉ muốn chia xẻ môt câu chuyên có thật.” Mong cô tiếp tục viết.

- Bờ a ba. Chờ a cha. Bờ ô bô sắc bố. Cả đám con nít đánh vần theo. Ba hay cha hay bố gì cũng đều là daddy hết.

- Mờ a ma sắc má. Mờ e me nặng mẹ. Má hay mẹ đều như nhau. Đám trẻ lại nhựa nhựa đọc theo.

- Thôi mình nghỉ dùng cơm trưa. Lát nữa ôn lại nha.

Những học trò của tôi túa ra sân, dễ thương trong đồng phục màu lam của chùa. Tôi thầm thán phục phụ huynh Việt Nam khuyến khích con đi học thêm tiếng Việt để không mất gốc. Tôi hô hào các em rửa tay xà bông sạch sẽ trước khi ăn, tập dọn chén đũa ra bàn, tự bới cơm ra chén, ăn gọn gàng không được đổ tháo vì hạt cơm rất quý.

Đây là buổi học tiếng Việt tại chùa, trưa được ăn chay lạ miệng các em rất khoái chí, chủ nhật nào cũng vậy. Tôi đi làm cả tuần, cuối tuần muốn làm việc gì thiện nguyện giúp ích cho đời. Không chồng không con, không có gì để bận rộn nên xin đi dạy tiếng Việt trong chùa cho vui.

Nhiều tình huống vui thật. Như có lần cả lớp ôn lại bài lần trước, đưa cây dù ra, bọn nhỏ cùng nhau đánh vần: u đờ đu huyền đù, cây đù! Tôi cố gắng nín cười, làm mặt tỉnh. Yêu cầu đọc lại, sai rồi. Lần thứ nhì là dờ u du sắc dú, cây dú! những sai sót đáng yêu. Tôi xem các em như con tôi. Tiếng Việt khó, một tuần chỉ học 1 lần vài giờ nên phải thường xuyên ôn tập. Chỉ cần không ôn bài cũ vài lần, quay lại là quên ngay. Mệt thiệt. Trong giờ học cô trò đều mướt mồ hôi vì lắm lúc cô nói gì cô tự hiểu, trò thì ú ớ giải thích tiếng Mỹ tiếng Việt tùm lum cho đến khi cô hiểu trò muốn diễn tả cái gì thì thôi. Đôi khi tôi nghĩ chính là tôi đang đi học tiếng Mỹ từ những Mỹ con chính hiệu đây.

Sau giờ ăn là ra chơi ít phút, sau đó là giờ thầy nói chuyện với các cháu. Đề tài lúc nào cũng là những tấm gương hiếu hạnh, sống hiền ở lành, đạo đức... Chắc các em cũng chưa hiểu hết những điều thầy giảng, nhưng cố gắng ngồi nghe một cách ngoan ngoãn.

Nửa tiếng sau đó ra chơi chút nữa rồi vào lớp học lại. Thấy học trò ngáp quá, tôi quyết định không học nữa, cho các em tự đứng lên giới thiệu về mình như họ tên gì, mấy tuổi, học lớp mấy bên ngoài, tiếng Việt học dễ hay khó, tại sao đi học tiếng Việt hoặc muốn nói gì các em thích và quan tâm. Các em đa phần chọn giới thiệu về mình. Có một em yêu cầu tôi giảng lại bài.

- Lần sau cô sẽ giảng lại, vì các bạn trông mệt mỏi, hôm nay mình nói chuyên nha.

Em thoáng bối rối, cười ngượng và ngồi xuống.

Đó là Mark, một bé trai khoảng hơn 10 tuổi, có ánh mắt buồn trên gương mặt nghiêm nghị, phương phi, học giỏi, ít nói. Tôi chỉ biết Mark có ông nội hay ông ngọai đưa đi và đón về, chưa bao giờ tôi gặp ai trẻ hơn để có thể đoán là ba mẹ em.

Chuông reo tan học. 2:30 PM. Các em đứng lên chào giáo viên và phụ huynh đứng chờ sẵn ngoài sân ngoắc, gọi tên con mình.

Tôi dọn dẹp sách, dọn bàn ghế gọn lại. Chợt giật mình.

- Thưa cô, cô nói là cha cũng là ba là bố luôn phải không?

- Đúng.

- Mẹ là má hả cô?

- Đúng rồi. Con hiểu rồi, kêu cô giảng lại bài chi nữa?

- Nhưng mà... má thì có mẹ thì không có...

Tôi chưa kip hiểu gì thì một bác lớn tuổi cất giọng:

- Mark ơi, chào cô rồi về. Còn để cho cô nghỉ ngơi nữa.

Em chào tôi , ngập ngừng chưa muốn rứt đi.

Tuần sau, tôi ôn lại bài cho cả lớp. Tôi bày cho các em làm thiệp tặng mẹ vì sắp tới lễ Mother's day.

Các em vẽ trái tim, trang trí tùy thích. Tôi ghi lên bảng chữ CON THƯƠNG MẸ hay KÍNH TẶNG MẸ, các em bắt chước ghi theo trên thiệp. Ai muốn ghi câu gì khác thì giơ tay, tôi sẽ giúp. Mark đưa tay lên nhờ tôi giúp em viết thêm ba mẫu chữ

- CON NHỚ MẸ, MẸ THU CỦA CON.

- KÍNH TẶNG MÁ.

- KÍNH TẶNG BÀ.

Các bạn đã làm xong. Một mình em làm 3 thiệp, hí hoáy vẽ trái tim, tô ba màu khác nhau và ghi mỗi thiệp một câu. Tôi thắc mắc thì em cho biết mẹ em là cô tiên đang ở trên trời cao và xa em từ nhỏ. Mỗi năm em đều làm ba tấm thiệp. Một thiệp tặng bà ngoại. Một thiệp tặng dì em, người em gọi bằng má. Cả bà và má đều nuôi em từ nhỏ. Một thiệp còn lại để tặng mẹ. Có năm em để thiệp trên bàn thờ, có năm đem ra mộ đốt cho mẹ em xem. Mark nói năm nay em muốn khoe với mẹ em biết tiếng Việt nữa, với lại tiếng Việt thì mẹ đọc dễ hơn. Mọi năm thì ghi “I Love You”, đốt lên nếu mẹ không biết tiếng Mỹ thì làm sao mẹ hiểu được con trai mẹ thương mẹ thế nào. Khi nhỏ em cứ tưởng má là người sanh ra em. Dì không lập gia đình, nuôi em, thương em như con vì mẹ em mất sau khi sanh em.

Khi mẹ em mất tuổi chưa tới 30. Như định mệnh, tên mẹ em là Thiên Thu. Sanh em xong tự nhiên mẹ em bị chảy máu nhiều, được vô máu, sau đó tím tái rồi bất ngờ ra đi trong niềm vui tràn đầy của hai họ vì có đứa cháu đầu, lại là cháu đích tôn bên họ nội. Khi xe của ông bà nội ngoại lái vào bệnh viện để chúc mừng thì cũng là lúc nhận được tin báo tử. Mọi người bàng hoàng!

Nghe nói ngày mẹ em mất là vào ngày đầu xuân, chim chóc ríu rít hót tiễn đưa mẹ em về thiên đường. Sau này khi lớn, em mới biết là em mất mẹ. Em hay hỏi người trong nhà khuôn mặt, tánh tình em có giống mẹ không.

Ba em sau vài tháng vật vã khóc ròng vì mất vợ, đã lấy ngay người khác và đã có thêm những đứa con, nên lâu lắm mới tạt về thăm em, hiếm khi cha con gần gũi. Xem như em không cha, không mẹ!

Sau vài lần tâm sự cùng tôi, em và tôi thân nhau hơn. Thỉnh thoảng em kể tôi nghe mẹ em linh lắm rất hay phù hộ cho em. Bằng chứng là khi thi spelling bee, em không nhớ chữ miscellaneous viết như thế nào, nó dài quá, em cầu nguyện: mẹ ơi, giúp con. Tự nhiên em sáng suốt và viết ra bảng đen, và thắng. Cũng như những lần em bị bệnh nặng, em đều xin mẹ giúp em mau khoẻ... Với niềm tin mãnh liệt là mẹ luôn ở cạnh bên nên đôi khi em không muốn mẹ được siêu thoát, phải ở đây hoài với em thôi.

Giờ đây tôi cũng vẫn còn nhớ câu nói thiết tha của em khi tôi hỏi em lớn lên làm gì.

- Lớn lên em sẽ là bác sĩ sanh cho em bé. Em ráng không để cho mẹ ai chết hết đâu cô, tội nghiệp con nít lắm, nó nhớ mẹ nó nhiều...

Người học trò dễ thương của tôi nay chắc đang là cậu sinh viên y khoa. Tôi cầu mong em thực hiện được hoài bão của mình./.

Tú Phương

Ý kiến bạn đọc
16/05/201300:28:42
Khách
Bài viết rất cảm động và chân phương. Cám ơn tác giả rất nhiều
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,336,502
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa