Hôm nay,  

Chung Một Mảnh Vườn

16/04/201300:00:00(Xem: 294489)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012). Tác giả hiện là cư dân ở Sacramento, Cali và tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 5, 2011. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

Một tay xách giỏ thực phẩm đầy nhóc, tay còn lại cầm bình sữa, là những món nhu yếu phẩm mới vừa mua ở Supermarket, tôi khệ nệ đi từ chỗ đậu xe tiến về căn apartment nhỏ bé của mình ở cuối dãy của tòa building hai tầng. Theo lối đi tắt, chỉ cần bước qua vài miếng đá tròn trải trên đất là tới nhà, nhưng vì mang đồ nặng nề, lỉnh kỉnh nên tôi bước vội mong cho mau tới nhà.

Gần đến nhà, tôi ngạc nhiên khi con đường tắt này bất ngờ bị chận lại bởi một miếng chắn bằng sắt, nhỏ, nhưng có vẻ kiên cố, không gỡ ra được. Tôi rất bực mình, đành phải quay ra, đi vòng theo con đường chính thức là đường có tráng xi măng hẳn hòi, nhưng hơi xa.

Kể từ khi được nhận vào ở tại đây, một apartment dành cho người cao niên, tôi được hưởng một môi trường sống khá thoải mái và yên tĩnh vì theo qui định, mỗi căn chỉ có một phòng, một người ở hoặc thêm người phối ngẫu, tuyệt đối không có trẻ em. Người láng giềng sát bên tôi rất yên lặng, nên tôi không bị quấy rầy gì cho tới khi ông dọn đi và chủ mới đến tuần lễ trước đây.

Căn của tôi và căn sát bên có một lối đi nhỏ trước nhà, là đường đất nhưng trải đá tròn, mỗi ngày khi đi về, tôi rất vui thú nhảy từng bước lên các miếng đá, khoảng năm miếng ngang qua nhà láng giềng là vô tới nhà mình.

Cách đây vài ngày, tôi cũng chơi trò nhảy lưng tưng qua các miếng đá trước nhà bên cạnh, tới miếng thứ năm thì giật mình, trợt chân suýt té ngã trên đất ẩm vì chủ nhà láng giềng mới dọn tới đã bất ngờ gỡ miếng đá cuối cùng đi hồi nào. Họ gỡ miếng đá này làm gì, đem đi đâu, thật khó biết. Rất có thể họ cố tình gỡ nó đi để cảnh cáo trò khỉ mỗi ngày của mình chăng, tôi tự nhủ. Nhưng việc làm của chủ mới hôm nay là quá đáng, không biện minh được khi họ ngang nhiên chắn cả đường đi chung, làm thiệt hại quyền lợi của người khác là tôi.

Chủ nhà mới kế bên là ai không rõ, nhưng chỉ đến vài ngày là bắt đầu ồn ào tiếng đập phá, kéo bàn, khiêng ghế ầm ĩ khiến tôi lo sợ cảnh sống yên lành của mình trước nay sẽ bị phá rối. Cũng may, sau chừng một tuần náo nhiệt, số người tham dự sửa sang căn phòng rút đi, chứng tỏ mọi việc đã xong, để lại chỉ một bà già Mỹ đen, khô đét, thấp nhỏ, đi walker. Bà Mỹ đen này chắc là chủ duy nhất của căn phòng này. Bà thường hay rút trong nhà, khó cho tôi giao dịch, chào hỏi, nhưng tôi vẫn tò mò, hỏi manager thì biết bà tên là Sandra, hồi trước bà ở nhà con trai, nay nó đi lấy vợ, bà không hạp với con dâu nên phải ra riêng.

Tưởng đã được yên thân với bà chủ láng giềng mới, nào ngờ một buổi tối đang lim dim ngủ thì tôi bị đánh thức bởi tiếng đóng đinh của láng giềng. "Giờ này đã khuya rồi, quá mười một giờ đêm, mà mụ Sandra vẫn dám làm phiền ta", tôi lẩm bẩm rủa thầm. Ráng chịu đựng đến khi tiếng đóng chấm dứt, tôi bắt đầu dỗ giấc ngủ trở lại thì tiếng đóng đinh lại trổi lên. Trời ơi! Tôi tưởng tượng, làm sao mụ Sandra lùn và lại bị stroke phải đi walker mà có thể leo trèo đâu để đóng đinh vào vách tường và đóng làm gì giờ nầy phá giấc ngủ êm đềm của người khác? Sau cùng, quá bực mình, tôi đứng dậy, đấm tay vào tường quát lên một tiếng lớn. Bên kia tạm ngưng chiến. Tuy nhiên, tôi tiếp tục bị quấy nhiễu bởi tiếng đóng vách tường của mụ Sandra một thời gian nữa mới yên.

Một buổi sáng đẹp trời, tôi vui vẻ vừa bước khỏi nhà theo đường tráng xi măng thì tình cờ liếc qua trái, phía nhà mụ Sandra. Bỗng tôi cảm thấy nóng mặt lên: lối đi nhỏ nối hai nhà đã bị chận ở cả hai đầu, lần này bằng hai tấm lưới sắt, trong rất "pro", có thể mua ở Home Depot. Tôi tức nghẹn. Vậy là mụ Sandra đã quyết tâm chận lối đi chung vĩnh viễn bằng cách tạo ra một giang sơn riêng biệt rồi. Không cần biết giang san của mụ để làm gì, nhưng rõ ràng mình phải cực nhọc đi đường vòng ngày lại ngày, mất bao nhiêu năng lực, khổ ơi là khổ!

Tôi nghĩ tới đó là dứt khoát quay trở lại văn phòng của apartment để khiếu nại. Ông Singh, manager, vừa nghe tôi trình bày xong thì mau lẹ trả lời:

- Yes, tôi biết bà này rất khó chịu, ông Rob, handyman, đã thấy rào cản đường của bà ấy và đã cho tôi hay.

- Thế ông có bảo bà ấy gỡ đi chưa? Tôi sốt ruột hỏi.

- Tôi phải báo cáo với bà giám đốc trước. Mà chắc cũng khó vì con đường nhỏ mà bà Sandra chận lại không phải là lối đi duy nhất và chính thức. You có thể đi vòng lối đi lớn, có tráng xi măng mà.

Tôi thất vọng, quay đi và nghĩ thầm chắc mình phải chấp nhận "giang san" của mụ Sandra từ đây.

Tôi cố gắng thích ứng với người láng giềng mới và ráng quên khó chịu của hàng rào cản của mụ Sandra. Nhưng "họa vô đơn chí". Một đêm, khoảng ba giờ đêm, đang say sưa giấc điệp, thì tôi bị choàng tỉnh bởi một tiếng gì kỳ lạ như tiếng hú của còi tàu, nhưng nhỏ hơn, khi nghe như từ xa, khi nghe sát gần. Tôi ghé tai đặt sát vào tường phía mụ Sandra thì có cảm giác như tiếng này phát xuất từ nhà mụ. Tiếng hú tiếp tục kéo dài chừng nửa tiếng và sau đó quá mệt mỏi tôi thiếp đi lúc nào...

Nhiều nạn nhân mất ngủ chớ không phải riêng gì tôi đều tuần tự đến văn phòng hoặc gọi điện thoại than phiền về tiếng kêu kỳ quái và phiền nhiễu này nhưng vẫn vô hiệu. Đến một ngày kia, trong lúc tiếng hú lại ré lên, tôi nghe có tiếng gõ cửa phòng mình dồn dập: thì ra toàn ban Manager và Handyman đều nghi tôi là thủ phạm, xin vào nhà xem sao. Tôi chỉ cho họ chỗ phát xuất tiếng động từ vách tường phòng tắm của mình, chung vách với nhà mụ Sandra. Lập tức thằng Arth, phụ tá ông già Rob, handyman, đặt máy nghe rà đi rà lại tấm vách, xong gật gù có vẻ xác nhận điều gì. Tuy nhiên, thời gian sau đó chứng nào tật nấy, tiếng hú vẫn tiếp diễn, ngày lẫn đêm khiến tôi chịu đựng hết nỗi, đành di tản tạm qua nhà người bạn thân để tị nạn.

Phải cả tuần sau, tôi mới dám điện thoại về dò la tin tức:

- Mọi việc xong rồi, ông Singh hóm hỉnh trả lời, you có thể trở về nhà an toàn.

- Ủa, mà sao lâu quá mới giải quyết được tiếng động kỳ bí đó, tôi mỉa mai hỏi.

Ông Singh vội giải thích:

- Nó phát xuất từ nhà bà Sandra, nhưng rất tiếc bà không cho nhóm handyman vào nhà. Sau khi thuyết phục được bà, chúng tôi mới phát giác đó chỉ là vòi nước phòng tắm bà đã cũ, nước chảy qua bị nghẹt nên phát ra tiếng kêu.

- Trời ơi! Tôi trách cứ, vậy mà mụ vẫn để vậy cho láng giềng khổ. Chính mụ cũng phải chịu đựng nữa, rõ là gàn dở!

Vừa lục tục từ nhà bạn dọn trở lại nhà mình, khi vừa sắp tới cửa, tôi bàng hoàng chợt thấy khoảng đất trống nhỏ, khô cằn mà mụ Sandra chận lại đầu trước đây, nay đã trở thành một vườn hoa rực rỡ nhiều màu.

"À! Thì ra... tôi lẩm bẩm. Mụ Sandra không chỉ chận đường đi chung, mà còn biến mảnh đất nhỏ trước nhà thành của riêng, thành một giang san gấm vóc của mụ".

Mà quả là một vườn hoa quá đẹp và tươi tắn. Chỉ có năm, sáu chậu hoa trám đầy mảnh vườn nhỏ bé này, nhưng màu sắc lại đa dạng và hòa hợp: này là những cánh hoa vàng với nhiều cánh nhỏ dịu dàng bên những đốm hoa nhỏ lấm tấm, nổi bật lên là những hoa màu đỏ ối và xanh dương đậm, đặc biệt là những đóa hoa màu tím điểm đốm trắng thật dễ thương.

Tôi không có nhiều thời giờ trên đất Mỹ này để trồng trọt, chăm sóc bông hoa như lúc ở quê nhà, nhưng vườn hoa này là hình ảnh khá quen thuộc mà tôi đã từng gặp trên các nẻo đường hải ngoại. Có một lần phải đợi một người thân đang khám bệnh ở bệnh viện Kaiser, tôi bước thơ thẩn ra ngoài, ngồi dựa trên một bệ gạch của một mảnh vườn hoa nhỏ, cũng nhiều màu và đa dạng. Tôi say sưa ngắm những cánh hoa vàng mơ màng trong gió, không biết tên Mỹ là gì nên tôi tạm gọi nó là Hoàng Lan, các đốm hoa đỏ như hoa hồng, các hoa trắng thơm thơm sẽ là Hoa Trinh Nữ đưa hồn tôi lâng lâng vào thế giới mộng mơ, êm đềm... Có lần khác tình cờ tôi có việc đến tòa building lo về địa ốc của thủ phủ Cali, trước cửa có một mảnh vườn hoa nhỏ nhưng rất vắng vẻ đến nỗi ghế đá ở đó đầy bụi và lá, nhưng các hoa màu tím của vườn này đẹp và thơ mộng lạ lùng, khiến tôi quên hẳn mục đích của chuyến đi mà ngồi thừ đó, mơ màng trong mộng ảo...


Trong lúc say sưa ngắm nghía các hoa của nhà bà Sandra thì một tiếng động nhẹ làm tôi giật mình: bà Sandra lùn bé, đứng vịn trên walker, đã xuất hiện ở vườn hoa hồi nào. Tôi bị bắt chợt, lúng túng, đành chào bà dù không thích gì bà ta.

- Chào bà, bà khỏe không?

- Yes, how about you, bạn láng giềng của tôi?

- Tôi khỏe, tôi trả lời. Bà có vườn hoa quá đẹp.

- Tôi rất thích hoa và sẽ trồng nhiều hơn nữa, bà Sandra khoe.

Tôi bắt đầu lân la, gợi chuyện, chỉ vào vườn hoa, hỏi tên từng thứ hoa. Bà Sandra cho biết:

- Hoa màu vàng là Daisy, nó có nhiều màu khác nhau, hoa xanh dương đậm là Pansy, hoa trắng lấm tấm là Alyssum còn hoa tím là gì tôi không biết, nhưng tôi mua nó ở Home Depot.

Từ hôm nói chuyện với bà Sandra, tôi bắt đầu có một cảm giác lắng dịu về bà láng giềng khó chịu này, chỉ vì tôi thích thú mảnh vườn nhỏ bé nhưng ngộ nghĩnh của bà. Tôi tự nhiên cảm thấy muốn bắt chước làm một mảnh vườn nho nhỏ trước nhà như bà, mặc dầu không có nhiều thì giờ.

Tôi ra ngay Home Depot gần nhà, đi dạo quanh khu bán hoa rộng lớn, thì thấy khá đủ các loại hoa bà Sandra có, duy chỉ có một loài hoa mà tôi mê nhất là hoa tím điểm chấm trắng không sao tìm được. Tôi đi mãi cố tìm từ đầu dãy hoa, lượn qua các ngõ ngách mà cũng không thấy nó. Mà không biết tên loài hoa này, làm sao hỏi ai được, nên tôi liền quay về nhà, lén chụp hình vườn hoa bà Sandra, zoom lớn các chậu hoa màu tím, đem lại cho anh San, người bạn hay chơi cây cảnh.

- Ối! Thứ này đồ bỏ! Anh San bĩu môi nói. Tôi không biết tên nó là gì, nhưng mau tàn lắm. Nếu bạn không tìm ở Home Depot thì cứ lại các chỗ "Nursery" khác, thiếu gì!

Tôi không đi đến các chỗ bán hoa khác như anh bạn dặn vì cảm thấy sẽ không đủ thời gian và kiên nhẩn để săn sóc bao nhiêu thứ hoa mình mua về. Thôi thì mình cứ hưởng bằng cách nhìn trộm vườn hoa của bà láng giềng vậy, tôi nhủ thầm.

Mỗi sáng, xuyên qua bức rèm phòng ngủ của mình, tôi ngắm nghía được trọn vẹn vườn hoa bà Sandra, nho nhỏ mà vui vui, cũng có ong, bướm bay là đà bên các cánh hoa vàng, đỏ, trắng, tím phất phơ theo các làn gió nhẹ.

Khi chiều xuống, bà Sandra bước ra khỏi phòng, khập khiễng theo chiếc walker của bà, từ từ đi vài bước là tới giang san nhỏ bé trước nhà. Bà ngắm nghía từng chậu hoa, vói tay nâng niu các cánh hoa vàng Daisy, vuốt ve các chùm hoa màu tím mà bà không biết tên nhưng có vẻ rất ưa thích, dùng vòi nước nhỏ để tưới tất cả các chậu hoa. Mải săn sóc hoa cho tới lúc mặt trời lặn, bà Sandra mới lại ngồi nghỉ ngơi trên một ghế trống đặt tựa vách tường, trong im lặng, bà nhìn vườn hoa, đôi mắt lặng lờ như đang suy niệm về cuộc đời hay ôn lại hoài niệm xưa.

Tôi xem vườn hoa bà Sandra là của chung, ngày lại ngày ngắm nghía, thưởng thức như vườn hoa của mình, lấy thú săn sóc hoa của bà láng giềng như thú vui của chính mình.

Một hôm, tôi lui xe từ parking lot của apartment, chỉ có một khoảng trống nhỏ vừa đủ để lui xe ra nên tôi thường rất cẩn thận. Hôm đó, không biết có linh tính gì mà tôi lại lui xe chậm hơn nữa, mắt nhìn sau và liếc qua cả hai bên, đề phòng các xe bất ngờ ra trước mình và bọc đằng sau. Bỗng tôi nghe tiếng gì chạm thật nhẹ vào xe, nhưng không thấy gì đằng sau. Tôi liếc qua bên trái thì thấy hai ông Handyman Rob và Arth ra dấu gì. Tôi vội ngừng xe, mở cửa và ra sau quan sát.

Trời ơi! Bà láng giềng Sandra đứng sát ngay sau xe mình, tôi rụng rời. Dáng người bà Sandra đã thấp, co rút vì già, lại vịn cái walker cũng thật thấp nên cái lưng ghế dựa khá cao của xe Toyota của tôi cản tầm nhìn phía sau là phải.

Bà Sandra mếu máo nói:

- Sao ông lại đụng tôi?

- Tôi không thấy được bà, bà có sao không? Tôi lo lắng hỏi.

- Không, nhưng ông đụng vào walker của tôi, làm tôi sụm chân xuống và đau quá.

Ông Bob, thằng Arth và tôi đều lo lắng dìu bà Sandra vào nhà bà, hỏi han. Vì bà nói đau nhiều, nên chúng tôi đành phải gọi cấp cứu, nhưng khi xe ambulance đến nơi, bà lại tuyên bố không có đau gì cả.

Tuy nhiên, từ hôm đó tôi cảm thấy hối hận đã đụng một người già do sơ xuất của mình và còn thêm mối phập phồng lo sợ bà có bị gì khác do tai nạn nhỏ mình đã gây ra. Cho tới một hôm thì nỗi lo sợ này là cao độ khi tôi được nghe tin bà Sandra bị bệnh trở nặng và đang chuẩn bị move về nhà con hoặc nursing home vì không thể sống một mình được. Chà! Tôi tính tới tính lui, bà Sandra bị bệnh stroke trước đây nay bị một lần nữa hay bà bị mình đụng cái chân yếu rồi gây ra các biến chứng khác?

Ngày bà Sandra ra đi, tôi trong lòng cũng muốn ra tiễn người láng giềng đã cùng nhau chia sẻ mảnh vườn thân yêu gần một năm trời nay, nhưng lại hơi ngại bà bất ngờ trở chứng, đổ lỗi cho mình đã làm bà bị bệnh nặng, nên đành ngồi trong phòng ngủ, vén màn tò mò xem diễn tiến bên ngoài.

Chiếc xe Paratransit dành để đưa đón người già hay tàn phế đã đậu sẵn trước nhà bà Sandra. Người nhà bà, chỉ có hai vợ chồng trẻ, chắc là con trai và con dâu bà, xách vài bọc đồ cá nhân từ từ bước ra xe. Có lẽ các đồ nặng như bàn ghế, giường tủ đã được dọn đi từ trước rồi.

Bà Sandra trông có vẻ rất yếu, lụm cụm chống chiếc walker, nhích đi từng bước rất chậm. Khi đi ngang qua vườn hoa nhỏ bé, bà lại nhích đi chậm hơn nữa. Bà đảo mắt nhìn các chậu hoa một cách trìu mến, hơi nghiêng về các chậu hoa, thiếu điều như muốn nâng niu các cánh hoa vàng, đỏ, tím thân yêu của bà.

Bà Sandra nhìn vườn hoa lần cuối, bâng khuâng, lưu luyến rồi từ từ bước ra đi.

Nhưng kìa! Bà Sandra bất ngờ xoay walker, quay người trở lại vườn hoa. Có thể bà thấy tài xế đang loay hoay bận rộn chuẩn bị để kéo chiếc xe lăn lên, bà sẽ còn có chút ít thì giờ với vườn hoa kỷ niệm.

Bà Sandra cúi người, ráng vói hái một chùm hoa vàng Daisy, nhưng hụt tay và lảo đảo suýt ngã. Bà níu walker gượng lại được.

"Bà già định vớt cú chót". Tôi mỉm cười lẩm bẩm.

Lúc bấy giờ, bà Sandra quay mặt hướng về vườn hoa, nghĩa là đối diện với tôi. Bà không thấy tôi vì tôi ở trong phòng ngủ, nhìn trộm ra ngoài, nhưng gương mặt bà Sandra ngoài ánh sáng, trông rõ lắm và thấy sao mà buồn thảm quá.

"Bà già giờ này tiếc của lắm, tôi nghĩ thầm. Cái vườn hoa chỉ có năm, sáu chậu hoa lỉnh kỉnh này, chắc con bà chê, không cho đem về sợ chật nhà, còn bỏ lại đây thì bà cũng thừa biết ông manager Singh rất ghét bà, chỉ đợi bà đi là ông bảo ông Rob và thằng Arth giải tỏa ngay, vứt hết các chậu hoa đi".

Nhưng trông kìa, mọi người đâu hết. Chắc họ đang bận sắp xếp đồ đạc trên xe. Chỉ còn một mình Bà Sandra đứng lại nhìn vườn hoa buồn bã và bắt đầu khóc, khóc thật nhiều lệ nhỏ dạt dào. Chỉ có tôi mới thấy mà thôi.

Tôi bỗng thấy hối hận, thương xót. Tội nghiệp bà quá. Bà khóc chắc không phải tiếc của hay tiếc chút công sức săn sóc, vun trồng các cành hoa nhỏ bé này mà hẳn là luyến tiếc kỷ niệm thân yêu mà bà sắp đành phải rời bỏ.

"Bà Sandra ơi! Tôi đã hiểu lầm bà, tôi tâm sự với chính mình.Trông bề ngoài và cử chỉ bà thật khô khan, nhưng bà lại có tâm hồn dạt dào tình cảm như tôi. Bà với tôi có chung một mảnh vườn, chung một nỗi niềm.”

Ngày tôi đi đã lâu lắm rồi, tôi cũng bỏ lại một mảnh vườn nho nhỏ trước nhà, mảnh vườn mà giờ đây cách xa tôi tới nửa quả địa cầu. Tôi còn nhớ ngày đó tôi cũng nhìn lần cuối những chậu hoa thân yêu, với mùi hương ngào ngạt của hoa nguyệt quí nở toàn hoa trắng, bên cạnh là chậu kim quít, rồi giàn hoa tóc tiên đỏ ối, kỷ niệm từ thuở ấu thơ, rồi xa hơn nữa, những lủy tre xanh, những hàng dừa, cây cao, những mồ mã tổ tiên…

Ngày đó tôi nhìn quê hương lần cuối và đành gạt lệ ra đi".

Chiếc xe Paratransit từ từ rời khỏi cổng của apartment, đưa bà Sandra đi mất. Bà đi về đâu, không chắc đã là về nhà con bà. Có thể bà phải đến khu nursing home luôn có người chăm sóc thường được coi là nơi ở cuối đời cho những người không còn khả năng tự chăm sóc, chờ ngày về một nơi vô định.

Tôi nghe hơi thở mình dường như có tiếng nấc, tiếng nghẹn ngào của nhịp lòng chia ly trong hiện tại cũng như trong một dĩ vãng xa xôi, mơ hồ nào.

Giang Thiên Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến